Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (9)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phạm Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史

黎蝸藤

CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM

ĐÀI BẮC-2017

III.5. Pháp quay trở lại Việt Nam và tranh chấp Hoàng Sa lần thứ hai giữa Trung Quốc và Pháp

Trong thế chiến thứ hai, dù Pháp đầu hàng Đức, nhưng chính phủ Vichy liên tục duy trì sự thống trị ở Đông Dương. Năm 1944, chính phủ Charles de Gaulle lật đổ chính phủ Vichy, Đông Dương trở thành kẻ địch của Nhật Bản. Vì vậy, vào tháng 3/1945 Nhật Bản phát động cuộc tấn công ở Đông Dương, lật đổ chính quyền của Pháp, bỏ tù sĩ quan và quan chức Pháp. Với sự ủng hộ của Nhật Bản, vua Bảo Đại thành lập chính quyền Việt Nam “độc lập”.

Vào ngày 15/8, cùng ngày Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, Việt Nam độc lập đồng minh hội (Việt Minh) đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam tích cực chống Nhật, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã phát động Cách mạng Tháng Tám, đánh chiếm các cơ quan quan trọng của chính quyền Bảo Đại ở các thành phố lớn ở Bắc Việt, quân Nhật luôn làm ngơ, còn trì hoãn việc phóng thích nhân viên chính quyền và tù binh Pháp, họ giao toàn bộ vũ khí thu được từ người Pháp cho Việt Minh. Chỉ trong vài ngày Việt Minh đã chiếm lấy toàn bộ miền Bắc. Chính quyền Bảo Đại ở Huế tuyên bố độc lập vào ngày 23, và ngày 25/8 vua Bảo Đại lại bị buộc tuyên bố thoái vị. Ngày 2/9, tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này gọi tắt là Bắc Việt).

Thế chiến II đã khiến cho sức mạnh của người Pháp ở Đông Nam Á thiệt hại nghiêm trọng, tình hình hỗn loạn ở Việt Nam từng khiến người ta hoài nghi việc Pháp có từ bỏ Đông Dương hay không. Nhưng thế lực thực dân đứng đầu là Anh nhanh chóng quay lại châu Á sau khi Thế chiến II kết thúc, Anh dựa vào quân đội ở Đông Á của mình, đặc biệt là hải quân, nhanh chóng chiếm lại Malaysia, Brunei, Singapore và Hồng Kông. Đồng thời cũng giúp chuyên chở quân đội Pháp và Hà Lan quay trở lại Việt Nam và Indonesia. Theo “Lệnh bình thường số 1”, theo chân quân Anh, quân viễn chinh Pháp dưới sự chỉ huy của Tổng cao uỷ (High Commissioner) Georges Thierry d’Argenlieu, bắt đầu tiếp quản miền Nam Việt Nam vào ngày 23/9, mãi đến tháng 5/1946 mới hoàn toàn tiếp quản miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 16° N trở vào Nam.

Thời gian này, quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào miền Bắc Việt Nam theo “Lệnh bình thường số 1” vẫn ở lại đây. Để Trung Quốc nhanh chóng rút khỏi miền Bắc Việt Nam, Pháp muốn sớm đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. “Hiệp ước Trùng Khánh” Trung-Pháp được kí kết ngày 28/2/1946 quy định rằng Pháp huỷ bỏ các điều ước bất bình đẳng với Trung Quốc (bao gồm tô giới và vịnh Quảng Châu); còn Trung Quốc rút khỏi miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 15/3, và muộn nhất vào ngày 31/3 phải giao miền Bắc Việt Nam cho Pháp.

Tuy nhiên, việc rút quân của Trung Quốc trì hoãn đến cuối tháng 5 mới hoàn thành, thời gian này Pháp muốn tiến vào miền Bắc Việt Nam trước thì bị Việt Minh và quân đội Trung Quốc ngăn cản. Pháp chỉ có thể triển khai đàm phán với Việt Minh. Ngày 6/3, Pháp và Việt Minh kí hiệp ước, Việt Minh không theo đuổi độc lập, mà thay vì vậy đồng ý chuyển Việt Nam thành một nước tự do (free state) trong Liên bang Đông Dương nằm trong Khối Liên hiệp Pháp (French Union), còn Pháp đồng ý sau khi quân Pháp đóng quân ở miền Bắc 5 năm thì sẽ tiến hành tuyển cử để thống nhất Nam Bắc. Như vậy, quân đội Trung Quốc mới rút dần khỏi Việt Nam. Mĩ ban đầu ủng hộ Việt Minh, tuy nhiên sau khi Việt Minh ngả theo Liên Xô, để ngăn chặn cộng sản, Mĩ quay sang ủng hộ Pháp vốn đang muốn nhanh chóng quay lại Việt Nam. Việt Nam bắt đầu bước vào tình trạng chiến tranh lâu dài. Trước sức ép, tháng 8/1949, Pháp lại ủng hộ vua Bảo Đại lập ra Quốc gia Việt Nam (gọi tắt là Việt Nam) lấy Sài Gòn làm thủ đô để chống lại Việt Minh được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ.

Tình hình Việt Nam phức tạp như vậy, nhưng Pháp không hề từ bỏ ý đồ với Hoàng Sa và Trường Sa. Điều rất kì lạ là Hoàng Sa và Trường Sa không hề được nhắc đến trong các cuộc đàm phán Trung-Pháp hoặc trong Hiệp ước Trùng Khánh. Khi đàm phán, Pháp ở vào thế yếu nên không đề cập đến Hoàng Sa dù rất muốn, đó không là chuyện lạ. Nhưng Trung Quốc vốn có thể lợi dụng thời cơ có lợi này để ép phía Pháp phải nhượng bộ, cũng không nêu ra. Khả năng lớn nhất là sau chiến tranh, lúc mà Trung Quốc “phát hiện” vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa một lần nữa là vào ngày 19/4/1946 thì hiệp ước Trung Pháp đã kí kết rồi. Có thể thấy Trung Quốc không hề quá coi trọng các đảo biển Đông và đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến chính phủ Trung Quốc không tận dụng cơ hội vào lúc đó.

Sau khi kí kết hiệp ước, Pháp nhanh chóng tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, hành động của họ thậm chí còn sớm hơn chính phủ Trung Quốc. Tháng 5/1946, tàu chiến Pháp Escarmouche (Tiền Tiêu) đến Hoàng Sa, quân đội đổ bộ lên đảo San hô (Hoàng Sa) thuộc Hoàng Sa trước, chuẩn bị thay thế quân Nhật sắp rút lui nhưng phát hiện không có ai định cư trên đảo, chỉ có vài ngư dân đang bắt rùa biển.[333] Quân đội Pháp ở lại trên đảo mấy tháng rồi rời đi, không trú đóng thường xuyên. Hành động này sớm hơn nửa năm so với việc Trung Quốc đổ bộ lên Hoàng Sa tháng 11 cùng năm.

Đồng thời với việc này, D’Argenlieu viết thư cho Paris, yêu cầu Paris xác nhận lần nữa chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và Trường Sa.[334] Nhưng lúc này Paris đang bận đàm phán với Hồ Chí Minh, mong Trung Quốc rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt nên không trả lời ngay. Mãi đến tháng 6/1946, sau khi Công sứ Pháp ở Nam Kinh phát hiện rằng Trung Quốc có thể sẽ đưa quân đến Hoàng Sa và Trường Sa mới có thư trả lời.

Thư trả lời nói rằng Trường Sa được xem là lãnh địa của Nam Kì thuộc Pháp còn Hoàng Sa thuộc lãnh thổ An Nam do Pháp bảo hộ. Tình trạng pháp lí của hai quần đảo khác nhau. Vả lại, vào năm 1933 khi Pháp chiếm Trường Sa thì đây là đất vô chủ, chính quyền Nam Kì thuộc Pháp có thể tuyên bố chủ quyền lại lần nữa bằng phương thức tuần tra và thay mới các cột trên đảo. Tuy nhiên, Công sứ ở Nam Kinh không cần chủ động nêu việc này với Trung Quốc, vì khi Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933 Trung Quốc không hề phản đối. Đối với Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng mặc dù Việt Nam có chủ quyền lịch sử, nhưng kiểm soát thực tế hiện thời vẫn là cần thiết. Vì vậy, ngày 22/10 Bộ Ngoại giao ra lệnh cho D’Argenlieu lấy danh nghĩa của An Nam để lập một trạm khí tượng ở Hoàng Sa cùng với một đơn vị nhỏ đóng giữ.[335]

Nhưng khi đó quan hệ giữa Pháp và chính phủ Hồ Chí Minh bắt đầu căng thẳng. Ngày 20/11, D’Argenlieu yêu cầu Đảng bộ cộng sản ở thành phố Hải Phòng cho dân quân Việt Nam rút lui khỏi thành phố. Ngày 24 chiến sự bùng nổ ở Hải Phòng. Những căng thẳng quân sự này khiến D’Argenlieu nhiều lần trì hoãn lệnh của Bộ Ngoại giao. Do đó, lệnh này vẫn chưa được thi hành kịp thời, Công sứ quán ở Nam Kinh lại truyền thông tin đến: tháng 11 quân đội Trung Quốc sẽ “tiếp thu” quần đảo Hoàng Sa. Ngày 25/11 Pháp phái máy bay trinh sát đến Hoàng Sa nhưng không phát hiện có quân Trung Quốc. Ngày 28/11 Pháp lại ra lệnh cho D’Argenlieu phải phái quân đến Hoàng Sa chiếm đóng.[336] Nhưng D’Argenlieu lại trì hoãn.

Như đã nói ở trên, Trung Quốc vốn không có ý định tuyên bố đã chiếm Hoàng Sa, nhưng ngày 7/1/1947, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bị nhà báo hỏi đến việc này nên buộc lòng phải đưa ra tuyên bố thừa nhận đã tiếp quản quần đảo Hoàng Sa. Một câu nói dấy lên làn sóng lớn, dư luận Việt Nam thuộc Pháp xôn xao. Pháp đưa ra phản đối chính thức và tuyên bố sẽ bảo vệ Hoàng Sa vì lợi ích của Việt Nam. Hãng tin AFP đưa tin chuyện năm 1938 Trung Quốc “đồng ý” sự chiếm đóng của Pháp dưới danh nghĩa đế quốc An Nam.[337] Lúc này D’Argenlieu mới chọn cách hành động, ngày 13/1, tàu chiến “Tonkinois” (Bắc Kì) đến đảo San Hô (Hoàng Sa) thuộc Hoàng Sa một lần nữa.[338] Theo chỉ thị, nó phải thành lập trung tâm hành chính trên đảo San Hô (Pattle Island, khi đó Trung Quốc gọi là đảo Bạch Thác [白托: Baittuo - phiên âm của Pattle]) ở phía Tây và trên đảo Phú Lâm (Woody Island, khi đó Trung Quốc gọi là đảo Vũ Đức [武德: Wude - phiên âm của Woody). Nhưng cùng ngày máy bay được phái đến trinh sát đảo Phú Lâm phát hiện có quân Trung Quốc, hành động trinh sát này khiến Trung Quốc chú ý. Ngày 17/1, khi tàu chiến Pháp đến đảo Phú Lâm thì phát hiện trên đảo đã có quân Trung Quốc đóng rồi. Thuyền trưởng đề xuất đưa họ đến Đông Dương, thậm chí đề nghị cho họ tiền, và bắn bổng lên trời để đe dọa, tình hình căng thẳng. Quân Trung Quốc nhanh chóng gửi điện về Nam Kinh.

Nam Kinh lập tức đưa ra phản đối và tuyên bố quân Trung Quốc đã được lệnh kháng cự đến cùng, yêu cầu phía Pháp rút khỏi đảo này, không được làm tổn hại quan hệ hữu hảo của hải nước.[339] Pháp sợ Nam Kinh sẽ ủng hộ Việt Minh, đành ra lệnh tàu chiến rút khỏi đảo Phú Lâm, đưa hơn 20 người trở lại đảo San Hô để xây dựng trung tâm chỉ huy,[340] đồng thời giải thích với phía Trung Quốc rằng việc đổ bộ của tàu chiến Pháp là hành động tự ý của thuyền trưởng chứ không phải ý của chính phủ Pháp, đề nghị phía Trung Quốc bình tĩnh.[341] Nhờ đó cuộc khủng hoảng mới không leo thang. Sau đó, hai bên duy trì tình trạng mỗi nước chiếm một đảo ở phía Đông và ở phía Tây quần đảo.

Nhưng bắt đầu từ đây lại mở đầu cuộc tranh chấp mới giữa Trung Quốc và Pháp về Hoàng Sa, tức là cuộc tranh chấp Hoàng Sa lần thứ hai. Các lập luận của lần tranh chấp này về cơ bản giống với tranh chấp thứ nhất, so với tranh chấp trước, ngoại trừ một câu hỏi nữa là liệu việc Pháp chiếm đóng Hoàng Sa năm 1938 có được Trung Quốc công nhận hay không thì tôi không đi vào chi tiết. Ngoài ra có một ý mới là Đại sứ Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kì Khâu Tổ Minh đề xuất với Bộ Ngoại giao mấy kiến nghị mới: (1) không cần chú ý đến việc “chiếm đóng thực tế” và thủ tục “thông báo cho nước thứ ba”, vì tư liệu chính thức của Trung Quốc quy định Tây Sa thuộc quyền quản lí của tỉnh Quảng Đông, trước “Công ước châu Phi” năm 1885, điều kiện chiếm đóng dựa theo luật quốc tế lúc chiếm đóng; (2) ta không lập quan chức không có nghĩa là nước ta từ bỏ chủ quyền, vì việc tuần tra phòng thủ biển cũng là công việc hành chính thích đáng; (3) bỏ lơ một khoảng thời gian không đủ để chứng tỏ nước ta từ bỏ chủ quyền.[342] Ngoài ra, Trịnh Quỹ Nhất thuộc Uỷ ban tham chính Dân Quốc cũng nêu việc Mã Kiện Anh ở Đại học Đài Loan tìm thấy các đồng tiền thời Vĩnh Lạc tại đảo San Hô thuộc Hoàng Sa, điều đó cho thấy thời đó đã có người Trung Quốc hoạt động ở Hoàng Sa, và đó cũng là ý mới.[343]

Nhưng vào lúc đó, Trung Quốc thấy rằng các vấn đề pháp lí chỉ là thứ yếu. Tranh cãi lớn nhất khi đó là liệu có đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa trọng tài quốc tế hay không. Ngày 27/1, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Tiền Thái đưa ra phản đối nghiêm khắc với Vụ châu Á của Pháp, yêu cầu Pháp rút quân khỏi đảo San Hô. Nhưng Pháp phản đối, yêu cầu Trung Quốc đưa ra Tòa Trọng tài quốc tế : “Trung Quốc cảm thấy có chứng cớ vững chắc thì tại sao không đưa ra Tòa Trọng tài?” Hơn nữa, họ còn nói với Trung Quốc rằng “Pháp chưa bao giờ quá coi trọng quần đảo Hoàng Sa, nhưng lập trường của Pháp trong 15 năm nay không thể bỗng nhiên thay đổi, Trung Quốc thể hiện sự kiên quyết như vậy, đồng thời có giọng điệu ra lệnh, phía Pháp nhượng bộ sẽ mất mặt, tốt nhất là giao cho Tòa Trọng tài, (một khi Trung Quốc đồng ý) phía Pháp sẽ lập tức rút quân, không cần (có kết quả) của Tòa Trọng tài mới rút quân”. Tiền Thái truy hỏi vì sao phía Pháp không thể rút quân trước, phía Pháp nói “nếu làm như vậy thì khác nào thừa nhận chủ quyền Trung Quốc.”[344]

Với việc này phía Trung Quốc sớm đã có chuẩn bị. Trong thư Bộ trưởng Ngoại giao Vương Thế Kiệt gửi cho Tưởng Giới Thạch có viết: Giải quyết vấn đề chủ quyền Hoàng Sa không ngoài hai biện pháp là hòa bình và vũ lực, Bộ Ngoại giao không chủ trương dùng vũ lực. Phương thức hòa bình thì có ba loại, hoặc hai nước trực tiếp đàm phán, hoặc đưa ra Tòa Trọng tài quốc tế, hoặc giao cho Tòa án Quốc tế. Chỉ có điều hai cách sau “những lí do phía Pháp nắm giữ không thể hoàn toàn xác lập chủ quyền của họ đối với Tây Sa, nhưng các điểm căn cứ của phía ta cũng không phải không có chỗ tranh cãi, về mặt pháp lí hai bên đều không đủ chứng cứ, Tòa Trọng tài quốc tế ít nhiều cũng có ý hòa giải, Tòa án Quốc tế thì buộc dựa vào pháp luật để đưa ra phán quyết cuối cùng. Dự đoán quyết định sau này sẽ không ngoài áp dụng thi hành chế độ cùng quản lí, hoặc đưa các đảo của quần đảo này cho hai nước Trung Quốc và Pháp chia nhau quản lí. Quyết định của Tòa Trọng tài quốc tế và Tòa án Quốc tế đều có tính chất bắt buộc phải chấp hành, một khi phán quyết được đưa ra thì hai bên phải tuân thủ thực hiện, đến lúc đó chúng ta sẽ không thể có chỗ để xoay sở, chi bằng hai nước trực tiếp đàm phán, ta có thể cân nhắc tình hình để khi nào tiến hành.” Đồng thời ông ta đề xuất rằng sách lược tốt nhất hiện thời là yêu cầu phía Pháp rút quân khỏi đảo San Hô trước rồi tiến hành đàm phán.[345]

Như vậy, trọng tâm của hai bên là: Pháp rút quân trước rồi Trung Quốc mới đàm phán; hoặc Trung Quốc đồng ý ra Tòa Trọng tài trước rồi Pháp mới rút quân. Ngày 1/2, phía Pháp lại nhượng bộ lần nữa, đề xuất “hiện nay trong vụ này tốt nhất là giao cho một chuyên gia pháp luật của mỗi bên nghiên cứu, nếu không thống nhất được thì đưa ra Tòa Trọng tài”, “nếu Trung Quốc đồng ý nguyên tắc giao cho chuyên gia pháp luật nghiên cứu thì phía Pháp có thể thảo luận với Thủ tướng, Ngoại trưởng việc rút quân trước, nhưng vẫn bảo lưu lập trường của mình”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn một mực buộc Pháp rút quân trước.[346] Ngày 4/2, phía Pháp lại giải thích giải quyết bằng pháp luật chỉ là một trong những phương thức tiếp cận, nếu Trung Quốc đồng ý trên nguyên tắc giao cho chuyên gia pháp luật nghiên cứu thì phía Pháp rút quân tương đối dễ dàng hơn, sau này cho dù nghiên cứu không ổn thỏa, Trung Quốc vẫn có thể không thừa nhận, không chịu ràng buộc của Tòa Trọng tài.[347] Thái độ của Pháp lúc này thực sự là thỏa hiệp, lí do không gì khác hơn là tình hình Việt Nam không ổn định, lo Trung Quốc can thiệp, sợ Trung Quốc đưa vấn đề Việt Nam ra Hội đồng Bảo an, chỉ có thể tiếp tục nhượng bộ trong vấn đề Hoàng Sa, bày tỏ việc không muốn làm sứt mẻ quan hệ Trung Pháp. Nhưng Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn, một mực đòi Pháp rút quân trước. Trung Quốc khi đó cũng đúng là có dùng tình hình Việt Nam để gây áp lực với Pháp, ví dụ Bộ trưởng Quốc phòng Bạch Sùng Hy đề xuất thông qua “Đảng kiều” (tức Hoa kiều ở Việt Nam) kích động “lực lượng cách mạng” của Việt Nam buộc Pháp rút quân khỏi quần đảo Hoàng Sa.[348] Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực chuẩn bị xây dựng pháo đài kiên cố trên đảo Phú Lâm, tăng cường binh lực, xây dựng hải đăng... với ý đồ tạo ra sự đã rồi.[349]

Thái độ của Trung Quốc không những khiến phía Pháp thấy khó rút lui, mà đến cả Đại sứ Trung Quốc tại Pháp cũng cảm thấy không nên quá cứng rắn. Khi phía Pháp lại đề xuất một lần nữa rằng “Trung Quốc có thể tạm hoãn 2 hay 3 tuần, đợi sau khi tình hình dư luận lắng xuống, thì sẽ chấp nhận thương lượng, đến lúc đó phía Pháp sẽ lặng lẽ rút quân và mấy ngày sau sẽ đưa ra công bố”, Tiền Thái cũng kiến nghị với Bộ Ngoại giao “nếu như cách có thể làm chỉ là thương lượng, không phải theo một phương thức nào đó, khiến họ rút quân thì đó có phải là điều có thể cân nhắc hay không?[350] Nhưng Bộ Ngoại giao vẫn kiên trì “trước khi quân Pháp rút khỏi Tây Sa, chính phủ ta không có chấp nhận bất cứ ràng buộc nào về thương lượng.”[351] Thế là tình hình vẫn tiếp tục giằng co. Ngày 22/3, Tiền Thái lại xin chỉ thị về cách ứng phó, điện trả lời của Bộ Ngoại giao viết: Trung Quốc khó mà đồng ý đưa ra tòa trọng tài bởi vì (1) tư liệu chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đầy đủ hơn Pháp rất nhiều, nếu như đồng ý đưa ra trọng tài, không chỉ thừa nhận phía Pháp cũng có chủ quyền, hoặc bản thân chủ quyền của ta nẩy sinh nghi vấn, điều này không phù hợp lập trường nhất quán của ta; (2) Pháp đòi chủ quyền là lấy danh nghĩa vua An Nam, nếu như hiện nay giải quyết với Pháp là chúng ta gián tiếp dành cho Pháp cơ hội cướp lấy lãnh thổ Việt Nam; (3) dư luận trong nước đều rất phẫn nộ trước việc quân Pháp đổ bộ lên đảo Bạch Thác (Hoàng Sa), nếu như đồng ý ra trọng tài với Pháp, quốc dân sẽ xem là yếu đuối và sẽ chỉ trích nhiều hơn.[352]

Khi đó, Bộ Ngoại giao còn có một lo lắng khác. Vì Pháp và Trung Quốc đều thừa nhận “thẩm quyền bắt buộc” của Tòa án Quốc tế, nên Bộ Ngoại giao lo rằng Trung Quốc không thể không chấp nhận thẩm quyền nếu như phía Pháp đưa ra Tòa án Quốc tế.

Nhưng Bộ Ngoại giao đã trù tính cẩn thận và đã tìm ra cớ: phạm vi mà Pháp thừa nhận thẩm quyền tòa chỉ là “thực tế và tình hình tranh chấp phát sinh sau khi phê chuẩn”. Nhưng tranh chấp Hoàng Sa xảy ra trước khi Pháp phê chuẩn tuyên bố này, hơn nữa quy thuộc chủ quyền không phải là “sự tồn tại thực tế hoặc tình hình nào đó, do đó nghiêm khắc mà nói, nó vượt quá thẩm quyền bắt buộc của Tòa án Quốc tế được phía Pháp thừa nhận.” Tuy nhiên, nếu như Pháp đưa ra Tòa án mà Trung Quốc không chấp nhận thì vẫn ở vào thế yếu đối với dư luận quốc tế, dù có thể lấy ý kiến trình bày ở trên làm lí do. Vì vậy cách tốt nhất là kiên quyết yêu cầu Pháp rút quân, dù phía Pháp không đáp ứng thì cũng chỉ là kéo dài thời gian.[353] Trung Quốc lại hỏi ý kiến sứ quán ở nước ngoài và người phát ngôn Tòa án Quốc tế người Trung Quốc xem phải ứng phó như thế nào, ý kiến trả lời cũng là lấy hai lí do trình bày ở trên để biện hộ.[354] Chỉ có Đại sứ quán ở The Hague đề xuất rằng “tình trạng pháp lí của ta nghiêm khắc mà nói dường như thiếu vững chắc”, nếu như về mặt ngoại giao phía Pháp đưa ra đề nghị tương đối hợp lí, Trung Quốc nên thận trọng suy nghĩ.[355] Giằng co như vậy cho đến tháng 6 thì xảy ra việc máy bay trinh sát của Pháp đến Hoàng Sa trinh sát, dẫn đến sóng gió ngoại giao mới.[356] Nhưng không hại gì đến đại thể. Tháng 7, Pháp lại đưa ra nhượng bộ mới, dùng việc rút quân ở Hoàng Sa để đổi lấy quyền lợi nhà cửa ở tô giới Thượng Hải, Hán Khẩu. Hóa ra, sau khi kí kết “Hiệp ước Trùng Khánh”, Pháp phải trả lại tô giới và nhà cửa ở tô giới. Sau khi trả lại hầu hết các ngôi nhà mà không được bồi thường, Pháp vẫn muốn giữ lại một vài ngôi nhà. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Tiền Thái thì đây là thành quả mà Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Jacques Meyrier có được sau khi về nước nỗ lực thuyết phục Thủ tướng và Tổng thống Pháp, Meyrier quả thực đã cố gắng hết sức; sự nhượng bộ của Pháp đã là quá mức, nếu ngay cả điều này cũng không thể thỏa mãn, Pháp sẽ không có cách nào ứng phó dư luận, e rằng hai vụ việc Hoàng Sa và ngầm bồi thường này đều cùng bỏ lỡ, vì cái nhỏ mất cái lớn. Tiền Thái đề nghị nếu như Pháp yêu cầu giữ lại số ít nhà cửa “đại thể không quá đáng”, phía Trung Quốc nên suy nghĩ.[357] Nhưng phía Trung Quốc không hề đáp lại. Đến tháng 8, Tiền Thái lại gửi điện cho Bộ Ngoại giao, nhắc đến tình hình chính trị Pháp sắp có thay đổi, phe hữu của De Gaulle rất có thể sẽ lên cầm quyền, đến lúc đó chính sách có thể sẽ trở nên cứng rắn, kêu gọi Trung Quốc tích cực cân nhắc.[358]

Lần này, ngay cả Bộ Ngoại giao cũng cảm thấy cần phải không lẩn tránh, do đó ngày 9/9 gửi thư cho Bộ Quốc phòng: “Theo điện của Đại sứ Tiền Thái tại Pháp thì phía Pháp đã bày tỏ nhượng bộ, muốn rút quân chiếm đóng khỏi đảo Bạch Thác, chỉ có điều là chủ quyền quần đảo Tây Sa thuộc Việt Nam, hiện phía Pháp không thể thay đổi được, chờ sau khi quan hệ Pháp-Việt cải thiện, Pháp làm trung gian điều đình với Việt Nam để giải quyết triệt để vụ này.”[359]

Nhưng Bộ Quốc phòng không hề có biểu hiện gì. Giữa tháng 10, Viện Hành chính tổ chức hội nghị liên tịch về việc xây dựng quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao một lần nữa giải thích cho các bộ khác rằng phía Pháp đã nhượng bộ nhiều, nhưng Bộ Quốc phòng và Bộ Nội chính đều không có phản ứng, chỉ hào hứng thảo luận việc xây dựng ở Tây Sa và Nam Sa như thế nào.[360]

Cuối tháng 9, bỗng nhiên có tin quân Pháp đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa (San Hô), nhưng tin này mãi vẫn không được chứng xác nhận. Giữa tháng 11, Hải quân phái ‘tàu tầm trung’ đến đảo San Hô, cử Trần Phó Trưởng lên bờ kiểm tra. Phát hiện trên đảo có một đại úy Pháp và khoảng hơn 30 lính Việt Nam đóng giữ. Trần Phó Trưởng chỉ ra đảo này thuộc Trung Quốc nhưng đại úy Pháp nói đảo này thuộc Việt Nam. Trần Phó Trưởng xin chụp ảnh trên đảo, được đồng ý, và sau khi chụp ảnh dưới sự giám sát chặt chẽ của viên đại úy và hai lính có vũ trang xong thì quay về.[361] Đây là lần đối đầu thứ hai sau chiến tranh giữa hai bên Trung, Pháp. Sau việc này, đàm phán về Hoàng Sa rơi vào im lặng.

Thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/1947, do Trung Quốc tuyên bố chiếm đóng Hoàng Sa, quân Pháp bắt đầu đổ bộ lên đảo San Hô, Trung Quốc và Pháp đã tiến hành một loạt giao thiệp ngoại giao. Giống như năm 1937, phía Pháp lại đề xuất đưa vấn đề quy thuộc của Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế. Trong quá trình này, lập trường của Pháp nhiều lần lùi bước, bày tỏ rằng nếu Trung Quốc đồng ý đưa ra trọng tài thì Pháp có thể rút quân khỏi đảo San Hô trước, sau đó rút khỏi Hoàng Sa chỉ với nhượng bộ rất nhỏ từ phía Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc vẫn kiên quyết “không lùi một bước”. Cuối cùng giao thiệp hai bên kết thúc buồn bã, để rồi đảo San Hô bị Pháp-Việt Nam kiểm soát trong thời gian dài.

Như vậy, từ năm 1946 đến năm 1950, hai nước Trung Pháp đã chia đều nhau quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) ở phía Đông, cơ bản cũng kiểm soát cụm đảo An Vĩnh (Tuyên Đức), Pháp chiếm đóng đảo San Hô (Hoàng Sa) ở phía Tây, cơ bản cũng kiểm soát cụm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Lạc). Đến năm 1949, Quốc Dân đảng thất bại quân sự ở Đại lục. Lúc này, Tư lệnh Hải quân Viễn Đông Pháp muốn tận dụng sự yếu kém của quân chiếm đóng Quốc Dân đảng để đoạt lấy đảo Phú Lâm, nhưng bị Bộ Ngoại giao Pháp ngăn cản. Tháng 4/1950, quân đội Quốc Dân đảng rút khỏi đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa (cùng năm cũng rút quân đội khỏi đảo Ba Bình thuộc Trường Sa). Sau đó, mặc dù đảo Phú Lâm có mấy năm ở vào tình trạng bỏ không nhưng phía Pháp cũng không chiếm lấy.

Ngày 5/6/1948, các bên ở Đông Dương kí kết Hiệp định vịnh Hạ Long (Accords de la baie d’Along), quy định hợp nhất Bắc Kì và Trung Kì thành chính phủ Việt Nam thống nhất, cùng với Vương quốc Lào và Vương quốc Cambodia hợp thành Liên bang Đông Dương ở trong Khối Liên hiệp Pháp, còn Nam Kì thì vẫn duy trì tình trạng kép là thuộc địa và “nước cộng hòa tự trị”, nó có hợp nhất với Việt Nam hay không cần phải được sự chấp nhận của cả bầu cử tự quyết lẫn Quốc hội Pháp.

Ngày 8/3/1949, Pháp và vua Bảo Đại kí hiệp ước mới ở vịnh Hạ Long, thừa nhận trên nguyên tắc việc hợp nhất Nam Kì với Trung Kì và Bắc Kì, nhưng nước Việt Nam mới chỉ có quyền ngoại giao có hạn.

Ngày 13/3, Quốc hội Pháp thông qua nghị quyết, chấp nhận thay đổi tình trạng của Nam Kì. Ngày 21/4, Bảo Đại quay trở về Việt Nam. Ngày 4/6, Quốc hội Pháp thông qua quyết định hợp nhất Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì.

Chính phủ Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) thành lập năm 1949 tuyên bố Hoàng Sa là một bộ phận của Việt Nam, đồng thời ngày 14/10/1950 chính thức tiếp quản quyền hành chính đảo San Hô (Hoàng Sa) từ tay người Pháp.[362] Khi đó trên đảo vừa có quân đội Pháp vừa có lính bảo an Việt Nam. Tháng 12/1950, lính bảo an Việt Nam ở đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật) ở phía Tây bắt được 6 “ngư dân” Trung Quốc và cáo buộc họ là gián điệp cộng sản, điều này cho thấy khi đó Việt Nam có quyền quản lí và quyền kiểm soát thực tế phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Người Pháp cũng quay trở lại Trường Sa rất sớm. Ngay từ tháng 9/1946, tàu chiến Chevreuil của Pháp đến quần đảo Trường Sa, phát hiện không có người cư trú, và đã dựng cột mốc ranh giới trên đảo Ba Bình, tuyên bố quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của nước Pháp (Trung Quốc phản đối việc này). Hành động tuyên bố chủ quyền này thậm chí sớm hơn hành động của Lâm Tuân. Nhưng Pháp không để quân thường trú ở quần đảo Trường Sa. Khi Lâm Tuân tiếp thu Trường Sa, phía Pháp không có hành động gì thêm. Năm 1949, Hải quân Pháp đề xuất chiếm đảo Ba Bình thuộc Trường Sa, sau khi gặp phải sự phản đối của Bộ Ngoại giao, đã chuyển mục tiêu sang đảo Trường Sa Lớn. Năm 1951, Hải quân Pháp lần đầu tiến hành trinh sát trên không đảo Trường Sa Lớn. Mặc dù xác định trên đảo không có quân Trung Quốc nhưng cuối cùng phía Pháp cũng không thực hiện hành động thực tế nào.

Có bốn lí do khiến Pháp thận trọng ở quần đảo Trường Sa:

thứ nhất, quần đảo Trường Sa ở xa xôi, các đảo rất nhỏ, khó đóng quân, hơn nữa thuận tiện nhất là đảo Ba Bình đã bị Trung Hoa Dân quốc chiếm;

thứ hai, Pháp ngại làm mất lòng Trung Hoa Dân Quốc sẽ khiến họ nghiêng về phía Việt Minh trong cuộc chiến Đông Dương, vì vậy tránh xung đột quân sự trực tiếp với Trung Quốc;

thứ ba, mặc dù Pháp có thảo luận nội bộ, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về Trường Sa, còn Chính phủ Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) khăng khăng cho rằng Trường Sa là một bộ phận của Việt Nam; hơn nữa, Pháp cần hợp tác với chính quyền Bảo Đại trong cuộc chiến Đông Dương, vì vậy gác lại hành động ở Trường Sa để chờ thời cơ vẫn hơn là giúp chính phủ Bảo Đại dồn sức chiếm đóng quần đảo Trường Sa;

cuối cùng, phía Pháp thấy rằng chứng cứ yêu sách của Trung Quốc đối với Trường Sa yếu, còn mình thì có đủ chứng cứ chủ quyền ở Trường Sa, ví dụ hai lần tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa vào năm 1930 và 1933 đều không vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, vì vậy phía Pháp cho rằng yêu sách chủ quyền ở Trường Sa của mình đã được thể hiện đầy đủ. Hơn nữa, trên bình diện quốc tế, các nước lớn trong khu vực, Anh và Úc đều ủng hộ lập trường của Pháp. Vì Pháp chưa hề tuyên bố từ bỏ yêu sách chủ quyền quần đảo Trường Sa. Đối với một quốc gia sớm đã chứng minh yêu cầu chủ quyền đối với Trường Sa, thái độ im lặng nhất thời không hề có thể xem là ý muốn từ bỏ quần đảo Trường Sa. Do đó, Pháp chọn giữ sự im lặng tạm thời về quân sự.

Thái độ của Pháp với quần đảo Trường Sa khác hẳn với Hoàng Sa. Trong con mắt của người Pháp, tình trang của Hoàng Sa và Trường Sa không giống nhau: nguồn gốc sự kiểm soát Hoàng Sa của Pháp đến từ sự quản lí của Việt Nam từ thế kỉ 18 đến nay, còn Trường Sa thì là một đảo không người (res nullius) và đất vô chủ (terra nullius), sự thống trị của Pháp đến từ sự chiếm đóng của Pháp năm 1930. Về mặt quản lí, Hoàng Sa thuộc về An Nam (Trung Kì) có địa vị là nước được Pháp bảo hộ, còn Trường Sa thì thuộc về Nam Kì là thuộc địa trực tiếp của Pháp. Vì vậy Pháp ra sức lôi kéo Việt Nam vào hành động ở Hoàng Sa, nhưng tránh để Việt Nam tham dự vào hành động ở Trường Sa.

Chính vì như vậy, khi chuyển nhượng Nam Kì cho Việt Nam vào năm 1949, Pháp không hề liệt kê rõ việc giao quần đảo Trường Sa cho Việt Nam. Pháp thiên về việc giữ Trường Sa lại làm lãnh địa hải ngoại của Pháp.

Tháng 4/1951, một doanh nhân người Pháp cư trú ở Philippines là Edouard F. Miailhe muốn khai thác nguồn phốt phát ở Trường Sa đã viết thư dò hỏi phía Pháp có sở hữu quần đảo Trường Sa hay không, và có thể cấp quyền khai thác phốt phát không?

Ngày 7/5/1951, Jean Letourneau, Bộ trưởng Giao tế các nước trong Liên Hiệp (Minister of State for Relations with the Associated States) gửi thư cho Bộ trưởng Lãnh thổ hải ngoại (Minister for Overseas Territories), cho rằng: “Trong lịch sử, Quốc vương Việt Nam xưa nay chưa hề tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Spratly, cũng chưa hề chiếm đóng nó. (Sau năm 1933) quần đảo Spratly được sáp nhập vào Đông Dương chỉ để thuận tiện cho việc quản lí hành chính thôi. Nước Việt Nam mới không có cách nào dựa vào đó để có được chủ quyền mà trước đó nước này không có.” Trong thư còn đề nghị nước Pháp nên lấy Trường Sa lập thành tỉnh hải ngoại của Pháp chứ không giao lại cho Việt Nam.[363] Bộ Ngoại giao Pháp đồng ý quan điểm này, Bộ Lãnh thổ Hải ngoại và Cao uỷ Đông Pháp (High Commissioner) cũng thiên về việc cấp quyền kinh doanh, nhưng lại cho rằng doanh nhân này phải tự mình chấp nhận rủi ro, và Pháp sẽ không điều quân đội chi viện trong trường hợp tranh chấp. Nhưng đồng thời Bộ Ngoại giao lại lo lắng điều này sẽ kích động phản ứng của Trung Quốc, hơn nữa còn suy tính thiệt hơn, vì cơ sở kinh doanh của doanh nhân người Pháp ở Philippines nên chẳng khác nào cho người Philippines tham gia (trong một bản tư liệu khác của Pháp[364] nhắc đến một doanh nhân Philippines là Soriano cũng nộp đơn, không rõ nộp đơn một mình hay cùng với Miailhe) đúng vào dịp Philippines đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa; nếu như tùy tiện phê chuẩn thì có thể đe dọa đến chủ quyền của Pháp tại quần đảo Trường Sa. Cuối cùng, qua quyết định của một phiên họp liên bộ, Bộ Lãnh thổ Hải ngoại từ chối phê chuẩn. Cuối cùng, toàn bộ sự việc kết thúc với việc doanh nhân từ bỏ đơn xin phép.[365]

III.6. Philippines giành độc lập và yêu sách lãnh thổ đối với Trường Sa

Sau chiến tranh Mĩ-Tây Ban Nha, Mĩ cướp lấy Philippines, và bất kể những hứa hẹn ban đầu, đã trấn áp nước Cộng hòa thứ nhất Philippines. Nhưng ngay từ đầu Mĩ không có ý muốn chiếm đóng Philippines lâu dài, mà chỉ mang thể thức chính trị Mĩ vào Philippines. Năm 1902, chính phủ Mĩ, Philippines thông qua “Luật Tổ chức nước Philippines” (Philippine Organic Act), thành lập Chính phủ quần đảo (Insular Government), mà mục đích lâu dài của chính phủ này chính là đưa Philippines tiến tới độc lập. Năm 1907, Mĩ thành lập Quốc hội Philippines. Năm 1916, Quốc hội Mĩ đã thông qua “Luật Jones” (Jones Act), thành lập Thượng viện Philippines, cuối cùng chấp nhận nền độc lập của Philippines. Năm 1935, Hiến pháp mới được ban hành, Philippines trở thành “Liên bang Philippines” (Commonwealth of Philippines). Đồng thời Mĩ còn tuyên bố sẽ để Philippines độc lập vào ngày 4/7/1946. Mĩ thống trị Philippines, ngoài đưa đến văn minh chính trị ra còn hoàn chỉnh biên giới hiện đại của Philippines. Trong thời kì thuộc Tây Ban Nha, Philippines không kiểm soát toàn bộ cương vực hiện nay, Sulu và đảo Mindanao ở miền Nam luôn trong trạng thái nửa độc lập hay độc lập. Cho đến thời kì Mĩ thống trị, những lãnh thổ miền Nam này mới thực sự hợp nhất vào trong cương vực của Philippines. Sự thống trị của Mĩ còn đưa đến sự tiến bộ về kinh tế và xã hội của Philippines. Ví dụ về mặt kinh tế, Philippines giành được sự tiến bộ nhảy vọt. Về mặt xã hội, Mĩ xây dựng cho Philippines hệ thống giáo dục, hệ thống an sinh xã hội và hệ thống y tế sức khỏe hiện đại. Các hiện tượng không hợp thời thịnh hành ở Philippines như nô lệ, cướp biển, săn đầu người... có trước thời kì Mĩ thống trị cũng giảm thiểu đi nhiều. Tỉ lệ tử vong của người Philippines cũng giảm nhiều, đến mức gần bằng chính nước Mĩ. Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản chiếm đóng Philippines, dựng lên một chính quyền bù nhìn. Nhưng chính quyền bù nhìn này không ổn định như ở Mĩanmar và Indonesia... Khi Thế chiến II còn chưa kết thúc, quân Mĩ đã thu hồi Philippines từ tay Nhật Bản, xây dựng lại chính quyền Mĩ-Phi. Nhưng Mĩ cũng không vì vậy mà thay đổi cam kết với Philippines. Philippines độc lập vào ngày 4/7/1946 theo đúng dự kiến. Mặc dù kinh tế nước Philippines mới phụ thuộc nghiêm trọng vào Mĩ, Mĩ cũng có quyền thuê căn cứ quân sự của Philippines theo như hiệp ước, nhưng nước Philippines mới đã có ý chí tự chủ hoàn toàn về ngoại giao. Philippines thể hiện thái độ với biển Đông hoàn toàn khác với chính phủ Mĩ-Phi.

Thực ra, ngay từ trước Thế chiến II, quan chức Philippines đã thể hiện sự quan tâm đến quần đảo Trường Sa (và bãi Scarborough [đảo Hoàng Nham], xem VI.6). Năm 1933, thượng nghị sĩ Isabelo de los Reyes khi tham dự đàm phán về phương án quá độ độc lập của Philippines đã đề xuất với phía Mĩ cần phải sáp nhập 9 đảo nhỏ của Trường Sa gần đảo Palawan vào Philippines.[366] Năm 1938, Elpidio Quirino với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại đề xuất với Toàn quyền Mĩ chủ trương phải giành lấy Trường Sa, nhưng phía Mĩ giữ thái độ phủ định.[367] Sau độc lập, Quirino trở thành Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines, cuối cùng có thể có quyền tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa. Do đó, vào ngày 23/7 ông tuyên bố Philippines có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời dự tính sáp nhập quần đảo Trường Sa vào trong phạm vi phòng thủ của Philippines. Thời gian này sớm hơn thời gian Lâm Tuân hành động ở Trường Sa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Philippines tuyên bố chủ quyền với Trường Sa. Ngày 11/9, Quirino lấy tư cách Ngoại trường gửi công hàm cho Tổng tư lệnh Đồng minh MacArthur, chính thức đề xuất việc Philippines có được chủ quyền của Trường Sa. Phía Mĩ không có ý kiến, và Philippines cũng không hành động gì thêm. Vì vậy, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chú ý đến sự kiện này, và không có phản ứng gì về mặt ngoại giao, nhưng rõ ràng đây là một trong những nguyên nhân góp phần khiến Trung Quốc quyết tâm âm thầm chiếm quần đảo Trường Sa càng sớm càng tốt.

Tháng 8/1947, Quirino hỏi ý kiến Đại sứ Pháp tại Philippines về vấn đề Trường Sa. Khi được biết vào năm 1933 nước Pháp đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, Quirino cảm thấy rất bất ngờ, bởi vì ban đầu ông ta cho rằng các đảo mà người Pháp tuyên bố chủ quyền nằm ở phía Tây quần đảo mà ông ta tuyên bố, tức chỉ là đảo Spratly (tức đảo Trường Sa Lớn, Philippines không tuyên bố chủ quyền với đảo này).[368]

Điều này rõ ràng là do sự hỗn loạn địa danh của quần đảo Trường Sa gây ra, khi đó quần đảo Trường Sa gọi là quần đảo Tân Nam hoặc quần đảo Spratly (Spratly Islands) và sự khác biệt giữa tên này với tên đảo Spratly (Spratly Island) chỉ số ít và số nhiều. Khi Lãnh sự Pháp tưởng rằng Philippines sẽ từ bỏ yêu sách, thì năm 1948 Tổng thống Philippines Roxas qua đời và Quirino kế nhiệm Tổng thống, tiếp tục thúc đẩy kế hoạch giành lấy Trường Sa.

Tháng 3/1949, AP và UPI đưa tin rằng 250 lính Trung Quốc cộng sản đã chiếm đảo Ba Bình, đồng thời muốn dùng đảo làm căn cứ chi viện cho phe Cộng sản Việt Nam. Philippines vô cùng kinh ngạc. Hôm sau, trong phiên họp nội các, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Nệ Lễ (Nelly) trình bày báo cáo về việc này, đồng thời tuyên bố với Công sứ Trung Quốc tại Philippines rằng theo mật báo trên đảo Thái Bình có 250 lính Trung Quốc cộng sản chiếm giữ, yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ. Nelly cũng nhắc đến việc hồi tháng 1 cùng năm một đội tìm người bị mất tích của Mĩ dưới sự chỉ huy của Đại tá Harlyn Lacy đến đảo Ba Bình tìm kiếm hài cốt lính Mĩ, phát hiện 200 lính của chính phủ Trung Quốc ở đó. Tổng thống Philippines Quirino lập tức cho rằng đảo Ba Bình rất gần với Philippines, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đồng thời ông ta nêu ví dụ nhóm đảo Karafuto (Karafuto Group) và nhóm đảo Turtle (Turtle Group), vốn thuộc Anh, nằm ngoài 300 hải lí của đảo Palawan, cũng có vai trò chiến lược an ninh quan trọng với Philippines, mà trước chiến tranh khi ông ta ở Bộ Nội chính đã đề nghị với phía Mĩ dựa vào đó mà sáp nhập chúng vào bản đồ Philippines. Kết quả nhiều lần kiên trì, đến năm 1948, quả nhiên nước Anh nhượng lại nhóm đảo Turtle cho Philippines.[369] Hàm ý của ví dụ này đương nhiên là đảo Ba Bình cũng có khả năng như vậy.

Sau khi Bộ Ngoại giao Philippines hỏi ý kiến công sứ Trung Hoa Dân Quốc ở Philippines, công sứ quán không dám lơ là, lập tức gửi điện hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao. Ngày 4/4, Bộ Ngoại giao gửi điện trả lời nói rằng trên đảo này chỉ có quân quốc gia, không có quân cộng sản.[370] Công sứ tại Philippines theo đó trả lời. Chưa yên đợt sóng này đã làm dấy lên đợt sóng khác. Cùng ngày, Philippines lại chất vấn Công sứ THDQ tại Philippines rằng vào tháng 1 cùng năm quân Mĩ từng đổ bộ lên đảo tìm kiếm hài cốt thì bị quân chiếm đóng Trung Quốc phản đối, có việc này không? Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc kiểm chứng, ngày 11/4 trả lời rằng không có việc này.[371]

Hai ngày sau, ngày 13 có tin nói rằng phiên họp nội các Philippines đã quyết định phái Tư lệnh Hải quân Andrada đến đảo Ba Bình xem xét, đồng thời có nghị sĩ đề nghị khuyến khích ngư dân Palawan di cư đến đảo Ba Bình. Do đó, các cuộc thảo luận về việc sáp nhập quần đảo Trường Sa vào Philippines đã được nối lại. Sau khi Công sứ quán Trung Hoa Dân Quốc ở Philippines biết tin, lập tức đưa ra kháng nghị với Philippines, hỏi rằng tin do báo đưa ra có đúng sự thật hay không, đồng thời tuyên bố rằng Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.[372] Ngày 11/5, phía Philippines trả lời: hôm đó nội các chỉ thảo luận việc cần phải tăng cường bảo vệ ngư dân đánh cá gần đảo Ba Bình. Đối với phần tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Philippines đã chú ý đến,chỉ có điều các chi tiết của việc này như lí do yêu sách của Trung Quốc cùng mối liên quan trước đây và hiện nay của đảo này với Đài Loan, hy vọng phía Trung Quốc có thể trình bày rõ.[373] Vì thế không có thêm hành động nào nữa. Phía Philippines dùng câu: “đảo Thái Bình là một bộ phận của Nam Sa, và chủ quyền của nó thuộc Trung Quốc” để nhận biết (acknowledge) lập trường của Trung Quốc,[374] cách diễn đạt này cho thấy nước này có sự bảo lưu đối với chủ quyền Trung Quốc ở Trường Sa. Vì vậy, Công sứ ở Philippines không dám lơ là, vội vàng cầu viện Bộ Ngoại giao. Nhưng Bộ Ngoại giao không kịp thời trả lời. Mãi đến ngày 2/5/1950, Bộ Nội chính mới gửi cho Bộ Ngoại giao một bản tổng kết khái quát tình hình,[375] nhưng đó là việc sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chế độ mới.

Chứng cứ cho yêu sách lãnh thổ của Philippines đối với Trường Sa là Trường Sa nằm trong phạm vi 200 hải lí về phía Tây của đảo Palawan. Khi đó trên thế giới đã có nước chủ trương lãnh hải là 12 hải lí, tương đối nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chủ trương 3 hải lí, chỉ một số ít nước đơn phương tuyên bố lấy lãnh hải 200 hải lí. Ngoài điều này ra, Philippines không hề đưa ra nguồn gốc lịch sử có liên quan đến Trường Sa. Thực ra, theo cái nhìn lịch sử, quần đảo Sulu ở miền Nam Philippines trước đây là nước Sultan Sulu, từ thế kỉ 16 đến 18 là cường quốc giao thông ở biển Đông, rất có thể đã kiểm soát phần Đông Nam của biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, vì vậy họ cũng có thể đưa ra chứng cứ lịch sử,[376] tiếc rằng người Philippines chủ yếu theo Công giáo biết rất ít về lịch sử Hồi giáo ở miền Nam, do đó cũng không đưa ra bất kì loại chứng cứ lịch sử nào.

Về pháp lí, trong một loạt văn kiện về lãnh thổ của Philippines tính từ “Hiệp ước Paris” Mĩ-Tây Ban Nha đều không bao gồm quần đảo Trường Sa. Điều này là một điểm bất lợi đối với Philippines. Nhưng không bao gồm nó trước đây không đồng nghĩa với việc không thể mở rộng thêm sau này.

Tóm tắt việc thay đổi khái niệm Nam Sa (Trường Sa)

Trung Quốc chia các đảo biển Đông thành quần đảo Đông Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa. Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) từ những năm 1810 đã thống nhất tên gọi là Paracel Islands, và phạm vi của nó không có sự tranh cãi trên thế giới. Hai bên tranh chấp hiện nay - Trung Quốc và Việt Nam đều không tranh cãi về phạm vi của nó. Phạm vi quần đảo Trung Sa thì có tranh cãi rất lớn, chỉ có Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) gom đảo Hoàng Nham(Scarborough Shoal) và rạn san hô vòng Trung Sa (Macclesfield Bank) cùng với mấy bãi ngầm phân tán khác vào làm một. Ngoài đảo Hoàng Nham ra, rạn san hô vòng Trung Sa và bãi ngầm khác đều không nổi lên mặt nước, vì vậy, về quy thuộc chủ quyền mà nói, chỉ cần xem xét đảo Hoàng Nham. Tuy nhiên, quần đảo Nam Sa (Trường Sa), khái niệm phạm vi của nó đã trải qua các thay đổi phức tạp, mà những thay đổi này có ảnh hưởng tương đối lớn đối với vấn đề quy thuộc. Một tài liệu năm 1974 của Cục Tình báo Trung ương Mĩ miêu tả quần đảo Spratly không có định nghĩa rõ ràng (ill-defined) về mặt địa lí.[377]

Thời Cổ đại Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa là “Thiên Lí Thạch Đường”, nhưng phạm vi chính xác cho tên gọi này không hề được xác định. Đến giữa thế kỉ 18, do hoạt động của ngư dân Trung Quốc mở rộng đến khu vực quần đảo Trường Sa, trong “Canh lộ bạ” của ngư dân gọi vùng biển khu vực đó là “Bắc Hải”, đồng thời cũng ghi chép rất nhiều tên đảo. Nhưng từ tên gọi, có thể thấy rằng mục đích đặt tên của ngư dân là để mô tả vùng biển đó chứ không phải một quần đảo cụ thể. Trong những “Canh lộ bạ” đó không có tên gọi thống nhất cho các đảo ở “Bắc Hải”.

Thời Cổ đại, Việt Nam gọi quần đảo Trường Sa là “Vạn Lí Trường Sa”, nhưng cũng không có phạm vi chính xác. Vào giữa thế kỉ 18, Việt Nam từng phái “Đội Bắc Hải” đến “Bắc Hải” trục với hải sản và tàu đắm. “Bắc Hải” này có khả năng cũng là quần đảo Trường Sa, nhưng ngay cả khi giả định này là đúng thì phạm vi của “Bắc Hải”cũng không được xác định rõ .

Kể từ thế kỉ 18, các tàu của Anh và Pháp bắt đầu ghi chép về các đảo ở khu vực Trường Sa trong các chuyến hành trình của họ ở biển Đông. Trong các hải đồ và sách hàng hải của Anh biên soạn cuối thế kỉ 18 đã có có bản đồ quần đảo Trường Sa tương đối chi tiết, những bản đồ này không còn đánh dấu toàn bộ khu vực nguy hiểm (Dangerous Ground) là quần đảo Trường Sa, mà đã vẽ các đảo cụ thể và đặt tên cho chúng. Ở một số địa điểm đã đánh dấu kí hiệu Breaker để cảnh báo đó là nơi nguy hiểm, nhưng vẫn chưa được khảo sát chi tiết. Đó là tư liệu sớm nhất trong lịch sử xác định rõ các đảo cụ thể của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, dù trên bản đồ hay trong sách hàng hải đều không có tên gọi thống nhất cho quần đảo Trường Sa.

Tên thống nhất cho quần đảo Trường Sa dường như chỉ mới bắt đầu từ những năm 1910. Đi đầu trong việc này là người Nhật Bản. Họ đặt tên các đảo thuộc khu vực này là quần đảo Tân Nam (Shinnan Gunto, đôi khi viết là Sinnan Gunto). Trong sự kiện 9 đảo nhỏ của Pháp năm 1933, người Pháp không tìm ra một cái tên có tính khái quát để miêu tả quần đảo Trường Sa. Họ nghĩ đến hai phương thức, thứ nhất là dùng kinh vĩ độ để đóng khung phạm vi, thứ hai là liệt kê ra các đảo chính. Quá trình này đã cho thấy khi đó quốc tế không đi ngang qua phạm vi quần đảo Trường Sa. Cuối cùng người Pháp đã dùng phương thức thứ hai, bao gồm cả Spratly Island (đảo Trường Sa Lớn, Trung Quốc gọi là đảo Nam Uy), từ đó về sau Spratly Islands mới dần dần được dùng để gọi toàn bộ quần đảo, nhưng phạm vi của nó cũng không được định nghĩa chính xác. Khi đó, hai tên gọi là quần đảo Tân Nam và Spratly Islands đều được sử dụng, nhưng quan hệ giữa hai tên gọi vẫn là chỗ vướng mắc gây khó khăn cho giới ngoại giao các nước.

Trong các văn kiện về phương thức xử lí quần đảo Trường Sa thời chiến và đầu thời hậu chiến (xem III.2), tên gọi Spratly and Other Islands (Shinnan Gunto) được sử dụng, và được định nghĩa là các đảo, đá ở giữa các kinh tuyến 111,5° E đến 117° E và các vĩ tuyến 7° N đến 12° N (theo định nghĩa quần đảo Tân Nam của Nhật Bản). Khi đó vẫn chưa dùng Spratly Islands làm tên gọi chính thức của quần đảo Trường Sa.

Năm 1935, thông qua “Thuỷ lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội” (水陸地圖審查委員: Uỷ ban thẩm tra bản đồ đất biển) Trung Quốc đã sáng tạo cái tên “quần đảo Đoàn Sa” để chỉ các đảo thuộc quần đảo Nam Sa. Tên gọi này thực ra là tên dịch của từ “Tizard Islands” (tức vòng san hô Trịnh Hòa). Phạm vi quần đảo Đoàn Sa lớn hơn quần đảo Tân Nam và Spratly Islands, vì nó mở rộng đến bãi ngầm Tăng Mẫu về phía Nam, và đến bãi Vạn An (bãi Tư Chính) về phía Tây. Nhưng thế giới hầu như không biết gì đến cái tên này, và cũng chưa bao giờ thấy cái tên này xuất hiện trong các dịp quốc tế. Sau Thế chiến II, Trung Quốc đổi tên quần đảo Đoàn Sa thành quần đảo Nam Sa, và sau đó nhiều lần sử dụng cái tên này trong một loạt giao thiệp ngoại giao và tuyên bố, dần dần tên Nam Sa mới được thế giới biết đến.

Sau Thế chiến II, Philippines đưa ra yêu sách chủ quyền với quần đảo Kalayaan, nhưng quần đảo Kalayaan không đồng nhất với quần đảo Trường Sa hay quần đảo Spratly. Ở phía Tây, nó không bao gồm Spratly và các địa điểm phía Tây của đảo này; ở phía Nam, nó không bao gồm các địa điểm ở phía Nam vĩ tuyến 7° N. Trong các trao đổi với Đài Loan từ thập niên 1940 đến 1960, liên quan đến phạm vi tranh chấp nhiều năm giữa hai bên, Đài Loan tranh biện quần đảo Spratly chính là quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Nhưng Philippines một mực cho rằng quần đảo Kalayaan mà nước này yêu sách và “Spratly Islands” mà “Hiệp ước San Francisco” quy định không phải là một. Rõ ràng, cho đến những năm 1960, vẫn chưa có quan điểm nào được chấp nhận về quần đảo Trường Sa là gì.

Việt Nam kế thừa quần đảo Trường Sa từ nước Pháp, phạm vi cho tên gọi đó giống như phạm vi theo kế hoạch dùng đường kinh vĩ tuyến ban đầu mà người Pháp công bố. Phía Nam đến 7° vĩ Bắc. Mặc dù Việt Nam yêu sách bãi Vạn An (bãi Tư Chính) (như trong sự kiện bãi Vạn An tranh chấp với Trung Quốc, xem V.5), nhưng theo nhận thức của Việt Nam, bãi Vạn An và các bãi ngầm lân cận không hề thuộc quần đảo Trường Sa, sở dĩ Việt Nam có chủ quyền bãi Vạn An là vì bãi Vạn An là một bãi ngầm, nằm ở trên thềm lục địa của Việt Nam.

Tóm lại, khái niệm quần đảo Trường Sa (Nam Sa) xuất hiện rất muộn; hơn nữa đến hiện nay, phạm vi của nó cũng không có định nghĩa được công nhận thống nhất. Điều này có nghĩa là sẽ xuất hiện vấn đề rất lớn một khi chiếm đóng một số đảo nhất định rồi tuyên bố rằng chủ quyền của mình có thể được mở rộng ra toàn bộ “quần đảo Trường Sa”. Bởi vì bất kể từ lịch sử hay từ hiện thực đều không có một sự đồng thuận về “toàn bộ quần đảo Trường Sa” là gì.


[333] SCSAED, p. 22. Nhưng “Sách trắng năm 1979” của Việt Nam chép tên tàu chiến là Savorgnan Brezaa. “Tuyển tập Việt Nam”, tr.65.

[334] SCSAED, p. 23.

[335] SCSAED, p. 23-25.

[336] SCSAED, p. 23-25.

[337] Điều tra rõ và giao thiệp với Hãng AFP của Pháp”, ngày 13/1 năm Dân quốc 36 (1947), điện gửi đi số 1273, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.402.

[338] Tuyển tập sử liệu”, tr.125.

[339] Phản đối tàu chiến Pháp đến gần quần đảo Hoàng Sa”, ngày 18/1 năm Dân quốc 36 (1947), số 01112 phông châu Âu số 36, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.432-433.

[340] SCSAED, p.27.

[341] Quân Pháp đổ bộ lên đảo Vũ Đức là hành động tự ý của thuyền trưởng”, ngày 19/1 năm Dân quốc 36 (1947), số 227, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.439-440.

[342] Bản ghi nhớ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”, ngày 3/2 năm Dân quốc 36, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.500-501.

[343] Công hàm của Ban Bí thư Uỷ ban tối cao Quốc phòng”, ngày 17/2 năm Dân Quốc 36, số 8488 phát phục ngũ tự, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.538-539.

[344] Phía Pháp chủ trương đưa tranh chấp Tây Sa ra Tòa Trọng tài quốc tế”, ngày 28/1 năm Dân quốc 36, số 246, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.483-484.

[345] Tối mật “Xin trình bày tuân theo ý kiến của bản Bộ về vụ việc quần đảo Tây Sa”, ngày 28/1 năm Dân quốc 36, số 246, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.477-482.

[346] Phía Pháp đề nghị giao tranh chấp quần đảo Tây Sa cho chuyên gia pháp luật nghiên cứu”, ngày 1 tháng 2 năm Dân quốc 36, số 256, điện Tiền Thái gửi Bộ Ngoại giao từ Paris, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.495-496.

[347] Phía Pháp kiến nghị giao tranh chấp quần đảo Tây Sa cho uỷ ban hỗn hợp pháp luật Trung Pháp thẩm tra”, ngày 4/2 năm Dân quốc 36, số 261, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.503.

[348] Sách động thế lực cách mạng Việt Nam buộc Pháp rút quân khỏi quần đảo Tây Sa”, ngày 11/2 năm Dân quốc 36 (1947), Thị hồng tự số 70031, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.525-529.

[349] Như trên.

[350] Kiến nghị phía ta thương lượng với phía Pháp”, ngày 13/2 năm Dân quốc 36 (1947), số 276, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.534.

[351] Điện Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ Tiền Thái ở Paris”, ngày 13/2 năm Dân quốc 36 (1947), Phông điện gửi, số 2389, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 536.

[352] Phía Pháp kiên trì lấy việc giao cho Tòa Trọng tài làm điều kiện rút quân khỏi quần đảo Tây Sa”, ngày 22/3 năm Dân quốc 36 (1947), số 328, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.565-568.

[353] Như trên.

[354] Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.586-588.

[355] Về ngoại giao, phía ta có thể đề xuất kiến nghị tương đối hợp lí với phía Pháp”, ngày 17/7 năm Dân quốc 36 (1947), số 320, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.604.

[356] Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.593-597.

[357] Pháp cố ý trao đổi nhà cửa ở tô giới Thượng Hải, Hán Khẩu của họ để rút quân khỏi Tây Sa”, ngày 31/7 năm Dân quốc 36 (1947), số 456, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.601-602.

[358] “Vụ trưởng Vụ châu Á của Pháp thúc giục đồng thời giải quyết vấn đề quần đảo Tây Sa và bất động sản tô giới”, ngày 23/8 năm Dân quốc 36 (1947), số 558, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.612.

[359] Mật “Điện trả lời về vụ việc quần đảo Hoàng Sa”, ngày 9/9 năm Dân quốc 36 (1947), phông châu Âu 36 số 18715, “Điện Bộ Ngoại giao gửi Bộ Quốc phòng, Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.614.

[360] Báo cáo tham gia hội nghị xây dựng quần đảo Tây Sa, Nam Sa do Bộ Nội chính tổ chức của Âu nhị khoa Lưu Gia Câu”, ngày 16/10 năm Dân quốc 36 (1947), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.622-624.

[361] Xin kiểm tra rõ điện về tình hình quân chiếm đóng Pháp chưa rút khỏi Pattle I.”, ngày 11/12 năm Dân quốc 36 (1947), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.630-631.

[362] Vietnam Dossier II, p.130.

[363] Annex 39, SOPSI, p.247-248.

[364] Annex 40, SOPSI, p.249-252.

[365] SCSAED, p.38.

[366] Francois-Xavier Bonet, “The Spratlys: A Past Revisited”, World Bulletin Vol.23, 2004. Referring to a Letter from Senator Isabelo De los Reyes, to Governor General Frank Murphy, Bureau of Insular Affairs (August 12, 1933).

[367] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, Vol.40, p. 1-57.

[368] Như trên.

[369] Về vấn đề đóng quân đảo Thái Bình”, ngày 5/4 năm Dân Quốc 38 (1949), số 0683 kho Malaysia (38), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 793-794.

[370] Philippines muốn ngăn cản quấy nhiễu ta tiếp thu quần đảo Nam Sa”, ngày 26/3 năm Dân Quốc 38 (1949), số 628 chuyên hiệu điện đến, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 791.

[371] Về việc quân Mĩ tìm kiếm ở đảo Trường”, ngày 4/4 năm Dân Quốc 38 (1949), điện đến số 632, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.791-792.

[372] “Philippines mưu đồ đảo Thái Bình...”, ngày 13/4 năm Dân Quốc 38 (1949), số 635 chuyên hiệu điện đến, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.792-293.

[373] “Trình báo quá trình giao thiệp việc nội các Philippines thảo luận phái Tư lệnh Hải quân thị sát đảo Thái Bình”, ngày 19/5 năm Dân Quốc 38 (1949), số 063 công tự, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.795-796.

[374] “Nam Sa phong vân”, tr.150.

[375] “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.797-800.

[376] “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, tr.410-414.

[377] https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP85T00875R000600040012-5.pdf, p.8