Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (6)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史

黎蝸藤

CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM

ĐÀI BẮC-2017

II.8. Trung Quốc mở rộng biên cương trên bản đồ lần thứ nhất

Sự kiện Pháp chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa đã dấy lên sự quan tâm của quan chức và người dân Trung Quốc đối với vấn đề biên giới biển. Phía nhà nước đã tiến hành hành động “mở rộng biên giới trên bản đồ”. Bộ Nội vụ Dân quốc thành lập Uỷ ban thẩm tra bản đồ thuỷ bộ (Thuỷ lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội), tiến hành thẩm định tên tiếng Trung, tên tiếng Anh các đảo ở biển Đông và công bố “Bảng đối chiếu tên tiếng Trung và tiếng Anh các đảo ở Nam Hải Trung Quốc” (Trung Quốc Nam Hải các đảo tự Hoa Anh danh đối chiếu biểu)[205] trong tập san số 1 của Uỷ ban này vào tháng 1/1935, có 132 đảo, đá đã được thẩm định.[206] Khi đó, quần đảo Trung Sa hiện nay được gọi là “quần đảo Nam Sa”, còn quần đảo Nam Sa hiện nay được gọi là “quần đảo Đoàn Sa”. Còn tên gọi các đảo, đá đó hầu như đều sử dụng phiên âm hoặc dịch ý của tên tiếng Anh, gần như có thể khẳng định rằng Uỷ ban đã phiên âm / dịch dựa vào bản đồ hàng hải và tài liệu đường biển của Anh để lập bảng này. Ngay cái tên quần đảo Đoàn Sa cũng là dịch từ Tizard Group. Trong tập san số 2 vào tháng 4, Uỷ ban này đã xuất bản “Trung Quốc Nam Hải các đảo tự đồ” (中國南海各島嶼圖: Bản đồ các đảo, đá ở Nam Hải Trung Quốc)[207] (Hình 3), xác định điểm cực Nam của Trung Quốc ở Tăng Mẫu Ám Sa (phiên âm từ tên tiếng Anh James Shoal [bãi ngầm James]). Đây là bản đồ biển Đông tương đối chi tiết đầu tiên mà chính phủ Dân quốc chính thức xuất bản.

“Mở rộng biên cương trên bản đồ” (địa đồ khai cương) theo tác giả là: chính phủ Dân quốc vẽ lên bản đồ của mình lãnh thổ và vùng biển mà họ không kiểm soát khi đó, chứ hoàn toàn không quan tâm rốt cuộc họ có quyền lợi lịch sử và thực tế hay không, cũng không quan tâm đến việc liệu họ có khả năng kiểm soát hay không, cứ vẽ ra trước rồi nói. Ở đây, để giúp lí giải việc mở rộng biên cương trên bản đồ thời Dân quốc, trước tiên cần nhìn lại bản đồ thời Dân quốc đến nay.

Bản đồ Trung Quốc từ năm 1900 trở về trước cơ bản chuẩn xác về hình dáng biên giới quốc gia của Trung Quốc, nhưng hoàn toàn không thể kiểm tra theo cái nhìn hiện đại đối với nước ngoài.

Lấy “Hải quốc đồ chí” (海國圖志) của Ngụy Nguyên làm ví dụ, hầu như tất cả các quốc gia và khu vực ở Đông Nam Á đều được vẽ không chuẩn xác. Điều này phản ánh trình độ nhận thức của Trung Quốc về địa lí biển Đông lạc hậu hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Đến khoảng cuối thế kỉ 19, bản đồ liên quan đến biển Đông do Trung Quốc xuất bản mới bắt đầu tham khảo thư tịch và tư liệu nghiên cứu của nước ngoài, kết nối với nước ngoài để bước vào “hiện đại hóa”.

Trong bản đồ mới chính thức xuất bản và có tính thẩm quyền cuối thế kỉ 19, biên giới phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.[208]

Sang thế kỉ 20, các bản đồ vẫn tiếp tục sử dụng cương vực này. Ví dụ “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” (大清帝國全圖) năm 1905 (1905, Hình 4),[209] đây là một trong số bản đồ biên giới Trung Quốc được vẽ theo phương pháp “hiện đại” do Trung Quốc xuất bản. Từ bản đồ có thể thấy biên giới phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Năm 1908, La Nhữ Nam biên soạn “Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết” (中國近世輿地圖說: Hình 5), đây là bộ tác phẩm địa lí vĩ đại của Trung Quốc gồm 8 tập 23 quyển. Có mấy điểm cần đặc biệt chú ý: (1) Trong sách có số lượng lớn trang đề cập đến phòng thủ biển của Trung Quốc, vì vậy tác giả không phải là người coi nhẹ phòng thủ biển; (2) Tác giả là người Quảng Đông nên chắc hẳn hiểu rõ địa lí Quảng Đông; (3) Tác giả đã dùng số lớn trang để giới thiệu địa lí học (phương Tây), hiển nhiên là người có trình độ học thuật hiện đại nhất định. Câu chữ trong sách viết rõ ra rằng biên giới phía Nam Trung Quốc là cực Nam đảo Hải Nam. Dù trong bản đồ toàn thể Trung Quốc hay trong bản đồ Quảng Đông đều không tìm thấy các đảo ở biển Đông.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-65.png

Hình 3: Bản đồ các đảo ở biển Nam Trung Hoa (1935)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-66.png

Hình 4: Đại Thanh đế quốc toàn đồ (1905)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-67.png

Hình 5: Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết (1908)

Một bản đồ khác năm 1908 là “Nhị thập thế kỉ Trung ngoại đại địa đồ” (二十世紀中外大地圖: Bản đồ lớn Trung Quốc và nước ngoài thế kỉ 20). Trong bản đồ này, biên giới phía Nam của Trung Quốc cũng chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam. Bản đồ châu Á của tập bản đồ này (Hình 6), hoàn toàn không biểu thị các đảo ở biển Đông, trong khi phần lớn bản đồ cùng thời kì của thế giới khi đó đều có thể hiện các đảo ở biển Đông. Trong khi đó, quần đảo Andaman của Ấn Độ và quần đảo Natuna ở biển Đông lại được thể hiện trên bản đồ. Bản đồ này có hai quyển thượng và hạ, quyển hạ là phần bản đồ thế giới, tiếc là tác giả chưa thể tìm được quyển hạ, nên không thể biết Trung Quốc vẽ Đông Nam Á như thế nào khi đó. “Quảng Đông dư địa toàn đồ” (廣東輿地全圖: Hình 7)[210] xuất bản năm 1909 là bản đồ sớm nhất vẽ Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa (Pratas) vào địa giới Trung Quốc trong số bản đồ cuối thời Thanh mà tác giả xem được. Năm 1909, Lí Chuẩn tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, đây là lần đầu tiên kể từ thời Cận đại, Trung Quốc tuyên bố và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ này phản ánh đầy đủ tiến trình lịch sử lúc bấy giờ. Đáng chú ý là mặc dù bản đồ này đã phản ánh yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông, nhưng trong bản đồ không có Trung Sa (Macclesfield Bank) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa), điều này cho thấy rằng khi đó hai quần đảo này vẫn không nằm trong tầm mắt của Đế quốc Đại Thanh.

Từ những bản đồ mà tác giả thu thập được, có thể thấy rằng trước năm 1909 Trung Quốc không vẽ các đảo ở biển Đông như là một bộ phận của Trung Quốc hay của tỉnh Quảng Đông trong bản đồ Trung Quốc. Năm 1909, sau hành động của Lí Chuẩn, Hoàng Sa mới bắt đầu được chính phủ và người dân Trung Quốc coi là một bộ phận của nước này. Còn Trường Sa và Trung Sa vẫn chưa được bất cứ tấm bản đồ nào đưa vào phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

Những năm đầu Dân quốc, đối với các đảo ở biển Đông các bản đồ về cơ bản vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống cuối thời Thanh. Trong “Trung Quốc tân dư đồ” (中國新興圖) xuất bản ở Thượng Hải năm 1915[211] (1915, Hình 8), cực Nam của Trung Quốc vẫn chỉ đến đảo Hải Nam, giống như “Nhị thập thế kỉ Trung ngoại đại địa đồ” (Bản đồ lớn Trung Quốc và nước ngoài thế kỉ 20) năm 1908. Đây là lần tái bản, có thể suy đoán lần xuất bản đầu tiên cũng tương tự như vậy. Cho đến lần xuất bản thứ ba của “Trung Quốc tân dư đồ” năm 1917,[212] tình hình vẫn không thay đổi, cực Nam Trung Quốc vẫn là đảo Hải Nam. Có thể thấy rằng mặc dù năm 1909 Lí Chuẩn đã đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền, nhưng một bộ phận đáng kể người vẽ bản đồ Trung Quốc, đặc biệt là không phải người Quảng Đông vẫn không coi Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Có thể thấy “Tây Sa là một bộ phận lãnh thổ Trung Quốc” vẫn chưa trở thành nhận thức chung của xã hội vào lúc đó.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-68.png

Hình 6: Nhị thập thế kỉ Trung ngoại đại địa đồ (Bản đồ lớn Trung Quốc và nước ngoài thế kỉ 20) (1908)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-69.png

Hình 7: Quảng Đông dư địa toàn đồ (1909)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-70.png

Hình 8: Trung Quốc tân dư đồ (1915)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-71.png

Hình 9: Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ (1917)

Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ[213] (中華民國新區域圖, 1917) (Hình 9) như tên gọi cho thấy, trọng điểm ở chữ “tân” (mới), và quần đảo Hoàng Sa cũng được đưa vào trong cương vực của Trung Quốc. Bản đồ này cũng là bản đồ sớm nhất mà tác giả đã xem có dùng khung vuông phụ để bổ sung các đảo ở biển Đông dưới dạng lồng bản đồ nhỏ vào trong bản đồ toàn quốc. Khu vực ở biển Đông thuộc về Trung Quốc trong bản đồ vẫn chỉ là Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) vẫn chưa được bao gồm vào trong lãnh thổ Trung Quốc.

“Trung Quốc địa lí duyên cách đồ” (中國地理沿革圖: Bản đồ phát triển và thay đổi về địa lí Trung Quốc) xuất bản năm 1922, là một tập bản đồ lịch sử, nhưng cái bản đồ mà Dân quốc chọn dùng là bản đồ Trung Quốc năm 1918. Trong bản đồ này, Tây Sa cũng xuất hiện với dạng khung vuông trên bản đồ toàn quốc, có thể thấy hình thức này đã bắt đầu phổ biến. Giống như bản đồ trên, chỉ có Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa (Pratas) thuộc bản đồ Trung Quốc.

Trung Quốc tân hình thế đồ” (中國新形勢圖: Bản đồ địa hình mới của Trung Quốc)[214] (1922, Hình 10) là một tập bản đồ tham khảo cho sách giáo khoa địa lí trung học, không chi tiết bằng tập bản đồ phía trên, nhưng có thể đủ để cho thấy phạm vi bản đồ Trung Quốc trong cái nhìn dòng chính của xã hội khi đó. Giống hai tấm bản đồ trên, cực Nam Trung Quốc chỉ đến Tây Sa (Hoàng Sa), còn Trung Sa (Macclesfield )và Nam Sa (Trường Sa) đều không nằm trong đó. Ngay cả đến “Trung Hoa tích loại phân tỉnh đồ” (中華析類分省圖)[215] năm 1931, bản đồ của Trung Quốc vẫn không thay đổi, cực Nam vẫn ở Hoàng Sa.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-72.png

Hình 10: Trung Quốc tân hình thế đồ (Bản đồ địa thế mới của Trung Quốc) (1922)

Năm 1934, để kỉ niệm 60 năm “Thân báo” ra đời, báo này đã đặc biệt tổ chức một nhóm chuyên gia địa lí (bao gồm Đinh Văn Giang, Ông Văn Hạo, Tăng Thế Anh) dùng nhân lực và vật lực to lớn biên soạn “Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ” (中華民國新地圖 - Hình 11). Đây có thể coi là bản đồ có thẩm quyền nhất thời kì Dân quốc. Tập bản đồ này dùng khổ giấy octavo để in, là một sáng kiến của Trung Quốc thời đó. Do giá cả và sử dụng thuận tiện, bản in thứ 16 được phổ biến rộng rãi hơn các bản in sau này. Mặc dù lúc này đã xảy ra sự kiện 9 đảo nhỏ khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, “Thân báo” cũng đưa tin về sự kiện này với thái độ gay gắt, nhưng trong tập bản đồ do báo này chủ biên, bản đồ Trung Quốc vẫn chỉ bao gồm Hoàng Sa và Đông Sa, Trường Sa vẫn chưa được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc.

Có thể thấy, bắt đầu từ thời Dân quốc đến trước năm 1917, quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa được giới vẽ bản đồ Trung Quốc thống nhất nhìn nhận là lãnh thổ Trung Quốc. Sau năm 1917, trên tuyệt đại bộ phận bản đồ, quần đảo Hoàng Sa mới trở thành một bộ phận của Trung Quốc. Nhưng từ năm 1917 đến năm 1934, theo tác giả thấy, trên bản đồ Trung Quốc lãnh thổ Trung Quốc chỉ là đến quần đảo Hoàng Sa, còn Trung Sa và Trường Sa tuyệt nhiên không phải là phần lãnh thổ được thể hiển trên bản đồ Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1935 sau khi Bộ Nội chính công bố tên gọi các đảo, giới vẽ bản đồ Trung Quốc cũng nhanh chóng theo kịp tiến độ của chính phủ.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-73.png

Hình 11: Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ (1934)

Bản in thứ hai “Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ” (中華民國新地圖, 1936) (Hình 12) do “Thân báo” biên tập đã được điều chỉnh để xuất bản dưới dạng khổ giấy sextodecimo.

Mặc dù trên bản đồ toàn quốc vẫn chưa thêm quần đảo Đoàn Sa (quần đảo Trường Sa) vào, nhưng trong bản đồ tỉnh Quảng Đông đã xuất hiện dòng chữ quần đảo Nam Sa (Trung Sa hiện nay) và quần đảo Đoàn Sa.[216] Lưu ý rằng trong bản đồ này không xuất hiện đảo Hoàng Nham (Scarborough). Có thể thấy rằng trong giai đoạn đầu khi chính phủ Dân quốc mở rộng biên cương trên bản đồ, vấn đề đảo Hoàng Nham có phải là một bộ phận của Trung Quốc hay không vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của giới biên tập bản đồ.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-74.png

Hình 12: Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ chi Quảng Đông tỉnh (Tỉnh Quảng Đông trong bản đồ Trung Hoa Dân Quốc mới) (1936)

Trung Hoa Dân quốc bưu chính dư đồ” (中華民國郵政輿圖; Bản đồ bưu chính Trung Hoa Dân quốc) là một bản đồ khác xuất bản năm 1936 (Hình 13), bao gồm nhiều đảo ở biển Đông hơn. Đảo Hoàng Nham cũng xuất hiện trong đó, gọi là “Nam Thạch”, được vẽ như là một bộ phận của quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trung Sa sau này). Ở phần cực Đông của quần đảo Trung Sa (xa hơn về phía Đông so với đảo Hoàng Nham), còn có một địa điểm mà hiện nay thường không được vẽ trong các bản đồ biển Đông, cũng được vẽ giống như đảo, địa điểm này là bãi Quản Sự (Stewart Shoal).

This image has an empty alt attribute; its file name is image-75.png

Hình 13: Trung Hoa Dân Quốc bưu chính dư đồ (Bản đồ bưu chính Trung Hoa Dân Quốc) (1936)

Trung Quốc tỉnh thị địa phương tân đồ” (中國省市地方新圖: Bản đồ mới tỉnh và thành phố Trung Quốc) (Hình 14) xuất bản vào năm 1939. Lúc này, mở rộng biên giới trên bản đồ đã nhận được sự thừa nhận rộng rãi của các nhà khoa học bản đồ của Trung Quốc. Những địa điểm không được ghi tên trên bản đồ năm 1936 đã được ghi rõ từng tên một trên bản đồ này. Bản đồ này được tập trung biên soạn như một bản đồ chuyên về các đảo ở biển Đông. Trong tất cả tập bản đồ tác giả đã xem, đây là bản sớm nhất loại này. Tên của đảo Hoàng Nham được gọi là đá Tư Ca Ba Lạc (斯卡巴洛礁: sī kǎ bā luò - phiên âm của Scarborough). Điều thú vị là trong bản đồ này, đảo Hoàng Nham không phải là một bộ phận của quần đảo Trung Sa, nó và bãi ngầm Đặc Lỗ (特魯路/Tè lǔ lù - phiên âm của Truro [Shoal]) đều được đánh dấu riêng biệt, có thêm các chữ “thuộc Trung Quốc”. Ngoài ra, bãi ngầm ở cực Đông của quần đảo Trung Sa, trước đây chưa có tên cũng đã có tên trên bản đồ này, tên là bãi Quản Sự.

Bãi Quản Sự (Stewart Shoal) cũng là một bãi đá ngầm chìm dưới nước, chỗ cạn nhất cách mặt biển 45 mét. Bãi ngầm này (cùng với bãi ngầm Bát Tiên và bãi ngầm Lập Địa từng được liệt kê thuộc quần đảo Trường Sa) đều không được đánh dấu trên các bản đồ do Bắc Kinh xuất bản hiện nay. Xem lại tài liệu đặt tên các đảo ở biển Đông của Dân quốc năm 1947, bãi Quản Sự không xuất hiện trong tài liệu này, nhưng bãi ngầm Bát Tiên và bãi ngầm Lập Địa đều được liệt kê trong đó. Vì sao năm 1947 và sau đó, bãi Quản Sự không được liệt kê vào? Không có lời giải thích công khai. Có ý kiến cho rằng vì mấy nơi này quá gần đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra sau đó, mà đường 9 đoạn lại không có toạ độ cụ thể, nên rất khó xác nhận chúng có nằm trong đường 9 đoạn hay không, do đó không nhắc đến chúng nữa.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-76.png

Hình 14: Trung Quốc tỉnh thị địa phương tân đồ (1939)

Từ đó có thể thấy rằng trong các bản đồ từ cuối thời Thanh đến thời Dân quốc, phạm vi của biển Đông về cơ bản đã tăng thêm theo thái độ của chính phủ. Điều đáng chỉ ra là so với quá trình Nhật Bản sáp nhập đảo Đại Đông (đảo Daito) và đảo Điếu Ngư (Senkaku) vào cuối thế kỉ 19, hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và đảo Hoàng Nham rất qua loa đại khái. Để xác nhận đảo Daito là đất vô chủ, Nhật Bản đã qua 3 lần lên đảo khảo sát mới biết được trên đảo không có người, cũng như không có dấu vết quản lí của nhà nước, cuối cùng mới tiến hành sáp nhập. Trước khi cuối cùng sáp nhập đảo Điếu Ngư, Nhật Bản đã tiến hành quan sát 10 năm, rồi sau 3 lần khẳng định không có bất cứ dấu vết kiểm soát của nước khác mới đưa vào quản lí hành chính.[217] Mặc dù trong “Trung Quốc Nam Hải đảo dữ đồ” (中國南海島嶼圖: Bản đồ các đảo ở biển Nam Trung Quốc) chính phủ Dân Quốc vẽ Trường Sa vào lãnh thổ của mình, nhưng khi xuất bản bản đồ này thì họ hoàn toàn dựa vào tư liệu nước ngoài, thậm chí trước đó chưa từng phái bất cứ tàu thuyền nào đến Trường Sa thăm dò, đo đạc. Không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã từng tiến hành điều tra, nghiên cứu về lịch sử và hiện trạng các đảo này để làm sáng tỏ các câu hỏi như: có dấu vết kiểm soát của nước khác trên đảo Scarborough (Hoàng Nham) hay không? Quần đảo Trường Sa rốt cuộc nên bao gồm bao nhiêu đảo? Thật sự Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền bao nhiêu đảo?... Tác giả thậm chí còn nghi ngờ liệu các quan chức phụ trách có hiểu rõ luật quốc tế không, có hiểu các bãi san hô nằm dưới mặt biển như bãi ngầm James (Tăng Mẫu ám sa) có quyền được coi là lãnh thổ hay không? Hoặc là phải chăng về căn bản họ không biết bãi Tăng Mẫu (Tăng Mẫu than - tên gọi khi đó) là một bãi ngầm?

Sau khi vẽ những đảo này (Trường Sa và đảo Scarborough) vào bản đồ, Trung Quốc cũng không phái tàu thuyền đến để tuyên bố chủ quyền, nói chi đến việc bảo vệ chủ quyền ở đó. Vì vậy, hành động đó của chính phủ Dân quốc là một ví dụ điển hình của việc “mở rộng biên cương trên bản đồ”.

Khi đó không có nước nào lưu ý nghiêm túc đến “Trung Quốc Nam Hải đảo dữ đồ”. Vì trong thực tiễn luật quốc tế khi đó, không ai lấy bằng chứng bản đồ làm bằng chứng chính thức hợp pháp.

Năm 1928, trong vụ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas thì Mĩ và Hà Lan mới vừa kiện ra Tòa Trọng tài, trong phán quyết Trọng tài không chấp nhận bản đồ là bằng chứng chủ quyền hợp pháp. Quốc tế thừa nhận quản lí thực tế chứ không phải tuyên bố miệng. Nhưng trong giao thiệp ngoại giao về quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng không đưa ra giao thiệp ngoại giao nào. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cơ bản đều không để mắt đến chủ trương của Trung Quốc.

Thật ra, “Tập san của Uỷ ban thẩm định bản đồ thuỷ bộ” công bố “Bảng đối chiếu tên gọi tiếng Trung và tiếng Anh các đảo ở biển Nam Trung Quốc” có phải là một tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông với bên ngoài hay không, đó cũng là vấn đề lớn. Uỷ ban thẩm tra bản đồ thuỷ bộ là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội chính, mà mục đích thành lập uỷ ban này là để tiêu chuẩn hóa bản đồ phát hành trong cả nước, bao gồm bản đồ các nước trên thế giới (ví dụ bản đồ địa chất thế giới, bản đồ cảng quân sự các nước trên thế giới...).[218] Vì vậy, đối tượng phân phối của tập san này là các nhà xuất bản bản đồ của Trung Quốc chứ không phải là cơ quan ngoại giao các nước. Tiêu đề phụ của số ra mắt của nó là “nhằm thẩm tra bản đồ thuỷ bộ để báo cho ngành xuất bản”.[219] Hơn nữa, do kinh phí thiếu thốn uỷ ban này đã bị bãi bỏ sau khi chỉ xuất bản 3 số tập san,[220] thành quả và ảnh hưởng của nó rất có hạn. Cơ quan tương tự, mới được thành lập lại vào năm 1946.[221]

Riêng về “Bảng đối chiếu tên gọi tiếng Trung và tiếng Anh các đảo ở biển Nam Trung Quốc”, bảng này không đưa thêm giải thích nào khác ngoài việc liệt kê các đảo, ví dụ như nói các đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc. Chỉ có 4 chữ tiêu đề “Trung Quốc Nam Hải” có thể nói lên rằng những đảo này thuộc về Trung Quốc. Nhưng vào những năm 1930, “Trung Quốc Nam Hải” cũng là tên gọi chính thức của biển Đông[222] (cũng gọi là “Nam Trung Quốc hải” [biển Nam Trung Quốc]). Vì vậy bốn chữ này vừa có thể biểu thị thuộc về Nam Hải của Trung Quốc mà cũng có thể chỉ biểu thị vị trí địa lí. Phía Trung Quốc đương nhiên có lí do để diễn giải theo cách là những đảo này thuộc về Trung Quốc, nhưng hàm nghĩa của nó suy cho cùng vẫn còn mơ hồ. Hơn nữa, tập san này không có bản tiếng nước ngoài, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không công bố với nước ngoài. Vì vậy, khi đó hầu như không có nước ngoài nào biết về tài liệu này, cũng không biết yêu sách của Trung Quốc. Ví dụ, nước Mĩ không biết Trung Quốc có ý đồ chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham (xem chương V, VI), trên thế giới cũng không có nước nào biết Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Ví dụ sau khi Nhật Bản tuyên bố chiếm quần đảo Trường Sa vào năm 1939 (xem III.1.), bức điện của Đại sứ quán Mĩ tại Nhật Bản đã gửi cho Bộ Ngoại giao Mĩ[223] có nêu: “Cả Anh lẫn Pháp đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo Trường Sa, nhưng khi Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền, Anh đã rút lại tuyên bố của mình và ủng hộ Pháp để thúc đẩy Pháp chú ý đến tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ chủ quyền của mình”. Bức điện không nhắc đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa.

Thậm chí xét đến ngay cả Mĩ là một nước trong khu vực này (khi đó đang chiếm Philippines) cũng không biết yêu sách của Trung Quốc, rất khó tin rằng Trung Quốc đã công khai tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo này, đặc biệt là chủ quyền của quần đảo Trường Sa và đảo Scarborough. Có học giả Đài Loan cho rằng: “ tuyên bố này là phương thức theo quy phạm nội bộ, không hề bày tỏ lập trường này của Trung Hoa Dân quốc với các nước trên thế giới.[224]

Trên thực tế, ngay cả ở Trung Quốc cũng không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ đã đưa quần đảo Trường Sa vào yêu sách lãnh thổ. Vào tháng 4/1937, có ngư dân báo cáo rằng ở Hoàng Sa có người Nhật xua đuổi họ, vì vậy chính phủ phái chuyên viên Hoàng Cường của Phòng Thanh tra khu hành chính thứ 9, tỉnh Quảng Đông đến điều tra, cuối cùng sự việc được xác nhận là không đúng sự thực. Trong báo cáo này có viết như sau: “quần đảo này (chỉ quần đảo Tây Sa - tác giả) nằm ở giữa 15° đến 17°vĩ Bắc, 110° đến 112° kinh Đông, cách cảng Du Lâm huyện Nhai 145 dặm về phía Đông Nam, là lãnh thổ cực Nam của nước ta.[225] Cũng trong báo cáo này có nhắc đến việc Nhật Bản chiếm “đảo Hoàng Sơn” (Loaita), nhưng không coi là Nhật Bản đã chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc.[226] Sau khi nhận được báo cáo, Bộ Ngoại giao bày tỏ: “Bộ trưởng Vương Thâm của Bộ gửi lời khen ngợi, mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền quần đảo này Bộ cần tiếp tục đàm phán với phía Pháp để sớm giải quyết. Về đảo Hoàng Sơn, theo thuyền trưởng Lương, đây là một trong số 9 đảo nhỏ, xét 9 đảo nhỏ đã bị Pháp chiếm hữu từ lâu nên có vẻ không có liên quan đến quần đảo Tây Sa.”[227] Còn Uỷ ban quân sự chính phủ Dân quốc, sau khi nhận được báo cáo thì một mặt khẳng định quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) là “lãnh thổ cực Nam của nước ta”, mặt khác cũng không bày tỏ việc Nhật Bản chiếm “đảo Hoàng Sơn” là xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc mà chỉ nhấn mạnh tính quan trọng của quần đảo Tây Sa và sự cần thiết phải nhanh chóng đóng giữ và xây dựng hải đăng ở Tây Sa...[228]

Từ góc độ pháp lí thấy rằng, mở rộng biên cương trên bản đồ cũng không chiếu theo trình tự pháp luật đã định. Hiến pháp thời kì Dân quốc rất hỗn loạn, nhưng không gây trở ngại việc dùng góc độ của hiến pháp để xem xét các quy định lãnh thổ. Trong “Dự thảo hiến pháp Thiên Đàn” năm 1913 có ghi: “Điều 2: Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc theo cương vực vốn có của nó. Lãnh thổ và phân vùng hành chính của nó sẽ không được thay đổi trừ khi thông qua luật.”[229] Trong “Ước pháp Trung Hoa Dân quốc” thông qua ngày 1/5/1914 có nêu: “Điều 3: Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc theo cương vực đế quốc sở hữu trước đây”.[230] Trong “Hiến pháp Trung Hoa Dân quốc” thông qua ngày 10/10/1923 (tức Hiến pháp Tào Côn) có nêu: “Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc theo cương vực vốn có của nó. Lãnh thổ và phân vùng hành chính của nó không được thay đổi trừ khi thông qua luật”.[231] Những bản hiến pháp này đều khẳng định: thứ nhất, lãnh thổ của Trung Hoa Dân quốc là kế thừa lãnh thổ của nhà Thanh, tức cực Nam chỉ đến Tây Sa; thứ hai, sự biến đổi của lãnh thổ phải qua việc sửa đổi pháp luật. Trình tự mở rộng biên cương trên bản đồ do một xuất bản phẩm của uỷ ban cấp thấp đưa ra, thậm chí cũng chưa đến mức độ pháp quy, càng không phải là một đạo luật được quốc hội thông qua.

Đương nhiên, vào năm 1935, Trung Quốc ở vào giai đoạn chưa có hiến pháp chính thức. “Ước pháp thời kì huấn chính” năm 1931 có tính chất tạm thời không đề cập trình tự thay đổi của lãnh thổ. Nhưng trong “Hiến pháp 1955” chính thức khởi thảo cũng có “Điều 4.... Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc không được thay đổi nếu không qua Quốc dân đại hội quyết nghị”.[232] Điều này cho thấy sự thay đổi của lãnh thổ đòi hỏi phải thông qua quyết nghị của cấp cao, đó là tinh thần nhất quán. Mở rộng biên cương trên bản đồ hiển nhiên đã làm trái với điều này.

II.9. Kết luận: Lợi ích không như nhau của Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp

Lịch sử biển Đông trong nửa đầu thế kỉ 20 có thể gọi là lịch sử lấy Nhật Bản làm trục chính. Trước thế kỉ 20, các nước đều không quan tâm nhiều đến vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa. Anh và Pháp vào nửa sau thế kỉ 19 từng lần lượt chú ý tới chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng thái độ đều khó nói là tích cực. Nguyên nhân của điều này không gì khác hơn là những đảo, đá nhỏ này vừa thiếu giá trị kinh tế vừa thiếu giá trị chiến lược. Mãi đến đầu thế kỉ 20, Nhật Bản vốn là nước ngoài khu vực đột ngột xông vào biển Đông, trước tác động của việc Nhật Bản bắt đầu bành trướng ra bên ngoài, các nước mới chú ý đến vấn đề các đảo ở biển Đông. Tranh chấp Đông Sa có thể được coi là điềm báo, Hoàng Sa và Trường Sa cũng lần lượt rơi vào vòng tranh chấp.

Ở Hoàng Sa, vào năm 1909 Trung Quốc đã lần đầu tuyên bố chủ quyền và vào năm 1921 đã gộp nó vào khu vực hành chính huyện Nhai tỉnh Hải Nam. Sau năm 1920, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cấp phát quyền khai thác khoáng sản ít nhất 5 lần, đồng thời tiến hành khảo sát chính thức Hoàng Sa. Trong loạt sự kiện này, nước Pháp đều không phản đối. Nhật Bản thừa nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa. Có thể nói một cách tương đối chắc chắn rằng từ năm 1909 đến năm 1931, Trung Quốc đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa một cách thực tế hữu hiện và không có tranh chấp. Còn Pháp cho đến cuối năm 1931 mới công khai bày tỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Lí lẽ của phía Pháp là Hoàng Sa là lãnh thổ cũ của Việt Nam trước đây, và Pháp với tư cách là nước bảo hộ của Việt Nam cần phải khôi phục lãnh thổ của Việt Nam. Từ năm 1932 đến năm 1938, Trung Quốc và Pháp đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhưng cả hai đều không hoàn toàn kiểm soát hữu hiệu Hoàng Sa.

Ở Trường Sa, dù từ cuối thế kỉ 19 bắt đầu đã có sự hoạt động của ngư dân Trung Quốc nhưng không có bất cứ nước nào quản lí. Trong những năm 1920, Nhật Bản từng khai thác quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa, nhưng trong vấn đề tuyên bố chủ quyền thì bị nước Pháp đi trước.

Năm 1930 Pháp đã tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, năm 1933 lại lần nữa tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ Trường Sa (đúng ra 7 đảo có nêu tên và các đảo phụ thuộc chúng -ND). Năm 1933 Nhật Bản đưa ra phản đối và giao thiệp ngoại giao cho đến khi chiếm đóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Anh giao thiệp kín với Pháp, nhưng Anh nghiêng về ủng hộ Pháp trong giao thiệp Nhật–Pháp. Trung Quốc chính thức đưa ra chủ trương lãnh thổ với Trường Sa, nhưng lại dùng hình thức “mở rộng biên cương trên bản đồ” (đáng ngờ) gộp quần đảo Trường Sa vào bản đồ Trung Quốc. Cứ như vậy, đến những năm 1920 và 1930, cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều bước vào thời kì tranh chấp.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các bên tranh chấp các đảo ở biển Đông (Nhật, Pháp, Trung Quốc và Anh) có những quan tâm hoàn toàn khác nhau đối với các đảo này. Trọng tâm của Nhật Bản là lợi ích kinh tế. Dù cả Anh lẫn Trung Quốc đều tính đến vấn đề khai thác các đảo ở biển Đông nhưng chỉ có người Nhật mới thực sự có thể chuyển hóa tài nguyên các đảo ở biển Đông thành lợi ích kinh tế thực sự, ở Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa đều như vậy. Tuy nhiên, Nhật không mấy thiết tha đối với vấn đề chủ quyền của các đảo ở biển Đông: trong tranh chấp Đông Sa, Nhật Bản chỉ yêu cầu Trung Quốc đưa ra bằng chứng Đông Sa thuộc Trung Quốc, sau khi Trung Quốc đưa ra thì Nhật Bản liền thừa nhận Đông Sa thuộc Trung Quốc; ở Hoàng Sa, sau khi Nhật Bản biết Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền, cũng chỉ áp dụng phương thức hợp tác (thông qua Hà Thụy Niên) để khai thác khoáng sản chứ không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Ở Trường Sa, Nhật Bản là nước tiến hành khai thác sớm nhất được sự phê chuẩn của chính phủ, nhưng trong thời gian khai thác 10 năm dài, họ đã không kịp thời tuyên bố chủ quyền lại cũng không xây dựng căn cứ quân sự. Do tác phong nghiêm cẩn trong vấn đề tuyên bố chủ quyền, Nhật vừa chậm chạp lại còn bộc lộ ý định cho đối thủ tiềm tàng, nên đã để Pháp giành được cơ hội trước trong vấn đề Trường Sa.

Còn Pháp không tham gia vào việc khai thác Hoàng Sa và Trường Sa. Tầm nhìn của Pháp không phải giá trị kinh tế mà là chiến lược. Pháp giống như Anh, họ cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa “chiến lược”. Động cơ chủ yếu của tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng vẫn là lợi ích chiến lược, để ngăn Nhật Bản chiếm đóng mà gây ra bất lợi đối với Đông Dương và Borneo. Trước khi có mối “đe dọa” của Nhật Bản, quan tâm của Pháp đối với Hoàng Sa chỉ như là một con bài tiềm năng để mặc cả với Trung Quốc, và họ càng thờ ơ với Trường Sa. Mặc dù sau đó An Nam đưa ra bằng chứng đã từng quản lí Hoàng Sa để thúc đẩy Pháp thay đổi thái độ trong vấn đề Hoàng Sa, nhưng rất khó để nói rằng sự thúc đẩy này có vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình đưa ra quyết sách, theo quan điểm của tác giả, nhiều khả năng là Pháp tìm ra thêm một số lí do để hợp lí hóa hành vi của mình mà thôi.

Tương tự, đối với Trường Sa thì Anh cũng là lấy giá trị chiến lược làm điểm xuất phát. Khác với Pháp, Anh không muốn xung đột trực tiếp với Nhật Bản mà mong muốn Pháp đóng vai trò trái độn giữa Nhật Bản và các lãnh thổ thuộc Anh.

Lợi ích chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa có thật hay không? Tác giả thấy rất hoài nghi. Nếu như thật sự có ý nghĩa chiến lược như vậy thì tại sao Nhật Bản không chiếm quần đảo Trường Sa sau khi đã phát triển chúng quá lâu, không vội tuyên bố chủ quyền, và không xây dựng căn cứ quân sự trên đó? Hơn nữa, như có thể thấy ở chương sau, ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ý nghĩa chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa hầu như bằng không. Do đó, tác giả cho rằng cả Anh và Pháp đều phóng đại lợi ích chiến lược của các đảo ở biển Đông.

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông nằm ở “chủ nghĩa dân tộc” nhiều hơn. Trung Quốc đều đã thử qua kế hoạch khai thác ở Đông Sa và Hoàng Sa, nhưng những khai thác do người Trung Quốc chủ trì đều chẳng có kết quả gì, cuối cùng đành phải để người Nhật Bản khai thác nửa công khai nửa lén lút mới có thể kéo dài thêm, có thể thấy rằng các lợi ích trên giấy tờ không thể biến thành lợi ích thực tế với khả năng thương mại của Trung Quốc vào thời điểm đó. Còn Trung Quốc cũng không tìm cách đóng quân ở Hoàng Sa nên có thể thấy Trung Quốc không có lợi ích chiến lược nào ở Hoàng Sa.

Ngược lại, chủ nghĩa dân tộc lại luôn là động lực thúc đẩy Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, trong vụ 9 đảo nhỏ, thứ động lực này lại được sử dụng cho quần đảo Trường Sa. Quá trình xây dựng dân tộc hiện đại của Trung Quốc khởi đầu sau cuối thế kỉ 19, nhưng chủ nghĩa dân tộc với “sỉ nhục dân tộc” là hạt nhân khởi đầu sau “21 Điều [đòi hỏi]” của Nhật, và ngày càng nghiêm trọng hơn trong một loạt “sỉ nhục” sau đó. “Mất đất” chính là biểu hiện lớn nhất của “sỉ nhục dân tộc”. Điều này có thể lí giải vì sao trong sự kiện Hà Thụy Niên ở Hoàng Sa và sự kiện 9 đảo nhỏ, báo chí, học giả thậm chí một số chính khách Trung Quốc đều đã thể hiện cuồng nhiệt như vậy. Cần phải chỉ ra rằng cái gọi là mất đất của Trung Quốc, thật ra không hẳn là mất đất thực sự, có loại “mất đất” chỉ là kết quả của sự tưởng tượng và thổi phồng. Ví dụ “Quốc sỉ đồ” (Bản đồ nỗi nhục quốc gia) rất phổ biến khi đó vẽ hầu như toàn bộ Đông Nam Á (Đông Dương, Malaya thuộc Anh và Sulu) vào trong “biên giới quốc gia trước đây”. Trung Quốc vốn dĩ không có ý định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nhưng sau khi trải qua tranh chấp Hoàng Sa, dân chúng cũng phản ứng gay gắt đối với việc Pháp tuyên bố chiếm đóng Trường Sa, nên cũng áp dụng phương pháp mở rộng biên cương trên bản đồ để “mở rộng biên cương” tới Trường Sa. Nói một cách tương đối, nhân viên thực tế làm công tác ngoại giao và chuyên gia có tri thức luật quốc tế đều tương đối thận trọng hơn và có khả năng nhận thức chính xác vấn đề biên giới của Trung Quốc cũng như quan hệ lợi hại trong những vấn đề này, họ cũng có thể ảnh hưởng đến những người ra quyết sách. Vị vậy, trong vấn đề 9 đảo nhỏ, cho dù khí thế quần chúng sôi sục nhưng chính phủ Trung Quốc cuối cùng không tham gia vào tranh chấp.

Từ quan điểm luật quốc tế thấy có mấy điểm sau đây là đáng chú ý:

Thứ nhất, chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa là bắt đầu vào năm 1909 khi Lí Chuẩn đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền. Trước đó Trung Quốc chưa tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, điều này trái ngược với việc Trung Quốc sau này luôn luôn tuyên bố rằng họ đã có chủ quyền đối với Hoàng Sa từ xưa đến nay. Có mấy luận cứ cho điểm này: (1) Các bản đồ và sách địa lí có thẩm quyền chính thức của Trung Quốc trước năm 1909 đều chỉ ra rằng cực Nam của Trung Quốc là Nhai Sơn thuộc đảo Hải Nam; (2) Trước năm 1909, Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa; (3) Trước năm 1909 Trung Quốc không thực hiện quyền quản lí Hoàng Sa; (4) Quốc tế đều cho rằng năm 1909 là năm Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lần đầu tiên đối với Hoàng Sa.

Thứ hai, trong giai đoạn từ năm 1909 đến năm 1931 khi tranh chấp Trung - Pháp nổ ra, Trung Quốc đã có ý định chủ quyền thực sự và quản lí hữu hiệu, bằng chứng bao gồm: (1) Sáp nhập vào khu vực hành chính; (2) Phê chuẩn quyền khai thác; (3) Khảo sát của các tổ chức nhà nước. Các yêu sách trong thời kì này được sự thừa nhận của Nhật Bản cũng như sự thừa nhận ngầm của Pháp.

Thứ ba, Pháp bắt đầu tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa vào năm 1931, sau 22 năm tính từ năm 1909. Thời gian này mặc dù Pháp có các hành vi (1) đổ bộ lên đảo khảo sát; (2) phái tàu tuần tra, nhưng những hành vi thể hiện kiểm soát hữu hiệu này lại không đủ để sánh với bằng chứng của Trung Quốc. Về phương diện ý thức chủ quyền, Pháp thậm chí càng yếu hơn. Thời gian này, Pháp đều giữ thái độ ngầm thừa nhận đối với hành vi của Trung Quốc, điều này tạo thành sự bất lợi đối với chủ quyền Hoàng Sa. Ngay cả lập luận rằng các hoạt động của Trung Quốc từ năm 1921 đến năm 1928 là hành vi của chính quyền miền Nam, mà chính phủ miền Nam là chính phủ không được nước Pháp thừa nhận, thì cũng không có cách nào để hợp lí hóa thái độ ngầm thừa nhận của Pháp. Bởi vì thực ra khi đó Pháp có lãnh sự quán ở Quảng Châu, lãnh sự quán này luôn giao thiệp với chính quyền miền Nam. Pháp hoàn toàn có thể bày tỏ sự phản đối với chính phủ miền Nam qua lãnh sự quán này. Tuy nhiên, dù đối với vấn đề Hoàng Sa trong thời gian dài Pháp có “thừa nhận ngầm” nhưng lại không hề bày tỏ thái độ “thừa nhận”, trong luật quốc tế điều này cũng cần được xem xét thích đáng.

Thứ tư, trong vấn đề Hoàng Sa, Việt Nam có nhân tố bất lợi có thể hiểu được, do không có cách gì trực tiếp tiến hành giao thiệp với Trung Quốc. Nếu xét đến điểm này, lấy năm 1925 lúc mà Việt Nam đề xuất với chính quyền Pháp đứng ra tranh chấp làm thời điểm Việt Nam phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa thì từ năm 1909 đến năm 1925 chỉ có 16 năm, khoảng thời gian này vẫn không xem là quá lâu.

Thứ năm, Nhật Bản là nước tiến hành khai thác tài nguyên hiện đại hóa ở Trường Sa sớm nhất, cũng là nước tiến hành quản lí Trường Sa thông qua hình thức cấp giấy phép sớm nhất. Theo nghĩa này, yêu sách chủ quyền của Nhật Bản đối với Trường Sa có bằng chứng tương đối có sức nặng.

Thứ sáu, Pháp là nước dùng hành động thực tế để tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa sớm nhất. Điều này đã tăng thêm bằng chứng có sức nặng cho yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa của Pháp. Nhưng Anh và Nhật Bản lập tức đưa ra phản đối và bác bỏ. Điều này có nghĩa là yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa không được công nhận.

Thứ bảy, sau khi Pháp chiếm đóng Trường Sa, Trung Quốc không đưa ra ý kiến phản đối. Ngay cả tính luôn thái độ bày tỏ không rõ ràng lúc đầu (bảo lưu quyền phản đối), nhưng đó cũng nhằm vào quần đảo Hoàng Sa mà thôi. Sau khi hiểu rõ 9 đảo nhỏ không phải là quần đảo Hoàng Sa, họ không đưa ra phản đối ngay với phía Pháp giống như Nhật Bản.

Thứ tám, lần thứ nhất mở rộng biên cương trên bản đồ của Trung Quốc có thể xem là đã tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa hay không là nghi vấn rất lớn, điều này là vì: (1) câu chữ biểu đạt mơ hồ; (2) tập san chỉ là một cuốn tạp chí mới của cấp rất thấp; (3) không trải qua trình tự pháp luật nghiêm ngặt, không phù hợp với tinh thần hiến pháp; (4) không tuyên bố với bên ngoài; (5) các nước có liên quan đều không hiểu rõ tình hình.


[205] “Bảng đối chiếu tên tiếng Trung, Anh tên gọi các đảo ở Nam Hải Trung Quốc”, Tập san Uỷ ban thẩm tra bản đồ thuỷ bộ, số 1 năm 1935, tr. 61-65. “Tuyển tập sử liệu”, tr.44.

[206] Một đảo ở quần đảo Đông Sa, 28 đảo ở quần đảo Tây Sa, 7 đảo ở quần đảo Nam Sa, 96 đảo ở quần đảo Đoàn Sa.

[207] “Bản đồ các đảo ở Nam Hải Trung Quốc”, Tập san Uỷ ban thẩm định bản đồ thuỷ bộ, số 2 năm 1935, tr.73. “Tuyển tập sử liệu”, tr.45.

[208] “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, tr. 446-455.

[209] “Bộ sưu tập quý bản đồ cổ Trung Quốc”, Nxb Bản đồ Tây An, 1995.

[210] “Quảng Đông dư địa toàn đồ”, Nxb Thành Văn, căn cứ vào bản chụp xuất bản năm Tuyên Thống thứ nhất, Trung Quốc phương chí tùng thư, số 108.

[211] “Trung Quốc tân dư đồ”, Thượng Hải thương vụ ấn thư quán, tái bản năm Dân quốc thứ 4 (1915).

[212] “Trung Quốc tan dư đồ”, Thượng Hải thương vụ ấn thư quán, bản thứ 3 năm Dân quốc thứ 6 (1917).

[213] Đồng Thế Hưởng, “Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ”, Thượng Hải trung ngoại dư đồ cục xuất bản, 1917.

[214] Đồng Thế Hưởng, “Trung Quốc tân hình thế đồ”, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, 1922.

[215] “Trung Hoa tích loại phân tỉnh đồ”, Vũ Xương Á Tân địa học xã, 1931.

[216] Quần đảo Nam Sa khi đó chỉ quần đảo Trung Sa hiện nay, quần đảo Đoàn Sa chỉ quần đảo Nam Sa hiện nay. Để rõ ràng, khi đề cập đến những địa danh trong tiết này, sử dụng tên gọi hiện nay thêm vào nhận dạng câu chữ khi đó trong dấu ngoặc đơn.

[217] “Đảo Điếu Ngư là của ai”, tr. 140-178.

[218] “Thân báo”, Thẩm tra nội bộ bản đồ thuỷ bộ, ngày 7/5/1934, số 6.

[219] “Lời nói đầu-nhằm thẩm tra bản đồ thuỷ bộ để báo cho ngành xuất bản”, “Tập san Uỷ ban thẩm tra bản đồ thuỷ bộ”, số 1 năm 1935, tr.7-8.

[220] “Thân báo”, Bãi bỏ Uỷ ban thẩm tra bản đồ lập thêm ở Bộ Nội chính, ngày 10/6/1935, tr.6.

[221] “Thân báo”, Bộ Nội chính tiến hành sửa đổi lại điều lệ thẩm tra bản đồ thuỷ bộ, ngày 25/9/1946, tr.6.

[222] Ví dụ trong một bài báo phiên dịch của “Thân báo” viết (nước Pháp) “nó kiểm soát toàn bộ Trung Quốc Nam Hải”. “Nghiên cứu quyền lợi của Pháp ở Viễn Đông” (tiếp theo), ngày 27/11/1938, tr.3.

[223] FRUS, 1933-1945, Franklin D. Roosevelt, 1939 vol.III, The Far East (1955) 111-112, 851G.014/8: Telegram. “Both Great Britain and France have claimed title to Spratly Islands but when Japan also laid claim the British withdrew in favor of the French while impressing on the French the importance of stoutly defending their title against the Japanese.”

[224] Trần Hân Chi “Ý nghĩa và ảnh hưởng của tranh chấp chủ quyền Nam Sa đối với qua hệ hai bờ eo biển Đài Loan”, “Vấn đề và nghiên cứu”, năm 1999, kì 7 quyển 38, tr. 23-40.

[225] “Về vụ người Nhật chiếm quần đảo Tây Sa pháo kích ngư dân nước ta”, ngày 17/8 năm Dân quốc thứ 26 (1937), thư chuyên viên Hoàng Cường gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 364.

[226] Như trên, tr.366.

[227] “Sự việc quần đảo Tây Sa”, ngày 20/8 năm Dân quốc thứ 26, Vụ Âu Mĩ Bộ Ngoại giao gửi chuyên viên Hoàng, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 369.

[228] “Về hiện trang và tăng cường xây dựng quản lí quần đảo Tây Sa”, ngày 31-8 năm Dân quốc thứ 26 (1937), số 12342, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 369-373.

[229] http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%A4%A9%E5%A3%87%E6%86%B2%E8%8D%89

[230] http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%AD%E8%8F%AF%E6%B0%91%E5%9C%8B%E7%B4%84%E6%B3%95

[231] http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%9B%B9%E9%8C%95%E6%86%B2%E6%B3%95

[232] http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%BA%94%E4%BA%94%E6%86%B2%E8%8D%89