Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 9)

Tác giả: Lê Oa Đằng Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png
被扭曲的南海史二十世紀前的南中國海黎蝸藤南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579
4. Ghi chép cứu hộ thời nhà Thanh

Cứu hộ cũng là bằng chứng đáng tin cậy về quản trị dân sự. Loại bằng chứng này cũng khá hữu ích trong việc chứng minh liệu Trung Quốc có thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa hay không. Bằng chứng do Trung Quốc đưa ra có ba mục sau:

"Việt hải quan chí" [粵海關志] (Sách ghi chép về cửa khẩu Quảng Đông) ghi lại vụ tai nạn thuyền cống của Xiêm La vào năm 1663: "Vào năm Khang Hi thứ hai, thuyền cống chính của nước Xiêm La trên đường về, đi đến biển Thất Châu và bị gió cuốn mất. Chỉ có một thuyền hộ tống đi đến Hổ Môn nhưng vẫn được lệnh phải về nước.”[500] Trong ghi chép này, Trung Quốc không cứu tàu mà chỉ ra lệnh thuyền hộ tống trở về Xiêm La. Không thể giải thích rằng Trung Quốc có quyền quản lí vùng biển này. Hơn nữa, biển Thất Châu ở đây có lẽ cũng chỉ biển Thất Châu thuộc nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc Hải Nam, bởi vì vào thời điểm đó, biển Thất Châu chỉ dùng để chỉ biển Thất Châu theo nghĩa hẹp (xem 3.5).

Có hai ghi chép khác trong kho lưu trữ nhà Minh và nhà Thanh tại Cố Cung.[501] Ghi chép có liên quan thứ nhất là “Báo cáo về việc thuyền của nước Một Lai Do và các nước khác bị gió cuốn đến biển Cửu Châu thuộc Vạn Châu [萬州], theo lệ tàu thuyền nước ngoài bị gió thổi vào vào nội địa sẽ phải hồi hương” năm 1756.[502] Báo cáo ghi rằng 16 thuyền viên của Một Lai Do (tức Mã Lai Do, Malayo) và các nước khác đã gặp nguy hiểm sau khi bị gió thổi đến "biển Cửu Châu thuộc Vạn Châu", 12 người sống sót đã được sắp xếp để hồi hương.

Thuyền của nước đó chở đầy hàng hóa như vải bông…, và hướng đến Ca Lạt Ba Sinh Lí (Karaba), bị gió thổi đến biển Cửu Châu thuộc Vạn Châu và vỡ nát. Hai tên Cha Sa Sảo và Ni Khái bị chết đuối, còn hai tên Hàm Ni Phê và Duy Ca Phê lần lượt chết vì bệnh tật, còn sống 12 tên. Sau khi chính quyền châu đó [該州]xác minh, cấp cho khẩu phần ăn và chuyển đến huyện Hương Sơn, rồi được đưa đến Áo Môn (Ma Cao) tìm một tàu thuận tiện để về nước.

"Biển Cửu Châu thuộc Vạn Châu" ở đây chưa từng xuất hiện trong sử sách, Hàn Chấn Hoa nói rằng đó là một tên gọi khác của biển Thất Châu, ông cũng nói rằng "Vô tứ duệ đồ” [無四裔圖] trong "Lịch đại dư địa duyên ngạn hiểm yếu đồ" [歷代輿地沿岸險要圖] năm 1879, ghi chú rõ "biển Cửu Châu, nay là Thất Châu Dương".[503] Rà soát lại sách vở năm 1879, chỉ có "Lịch đại dư địa duyên cách hiểm yếu đồ" [歷代輿地沿革險要圖] do Dương Thủ Kính và Nhiêu Quách Trật soạn.[504] Tuy nhiên, trong tập bản đồ này không thể tìm ra câu ông nêu. Trong tên báo cáo viết là Vạn Châu (萬州), nhưng trong văn bản viết là châu đó (該州: cai châu). Vì vậy, không rõ “châu đó” được đề cập ở đây có phải là “Vạn Châu” hay không. "Biển Cửu Châu thuộc Vạn Châu" ở đây cũng có thể là biển Cửu Châu thuộc Vạn Sơn bị viết nhầm. Biển dọc theo cửa sông Châu Giang, Châu Hải, Ma Cao, Trung Sơn và quần đảo Vạn Sơn được gọi là biển Cửu Châu, là cửa ngõ vào Quảng Đông. Đánh giá từ tên của huyện Hương Sơn và Macao được đề cập trong lời văn, rất có thể sự việc trên đã xảy ra ở khu vực này.

Xét trên toàn bộ sự việc, đây chỉ đơn thuần là một cuộc cứu trợ các thủy thủ nước ngoài trôi dạt vào Trung Quốc đại lục, ngay cả sự việc này xảy ra ở biển Thất Châu gần Vạn Châu cũng không thể coi là đó sự quản lí vùng biển của quần đảo Hoàng Sa. Thứ nhất, như đã phân tích ở mục 3.5, Thất Châu Dương với quần đảo Tây Sa không là một. Thứ hai, và quan trọng nhất, tàu thuyền Trung Quốc không hề vào khu vực này để cứu hộ mà cứu vớt thuyền viên đã trôi dạt vào đất liền, điều này không thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Trên thực tế, trong ghi chép của Việt Nam cũng có rất nhiều sự việc tương tự, đó là việc Việt Nam cứu các thủy thủ gặp nạn trên quần đảo Hoàng Sa nhưng trôi dạt vào đất liền Việt Nam (xem Chương 4), theo cùng tiêu chuẩn thì đó không phải bằng chứng có hiệu lực về chủ quyền.

Ghi chép thứ hai vào năm 1762, một chiếc thuyền Xiêm La bị đắm trên đường sang Trung Quốc:

Theo báo cáo từ huyện Tân Ninh, thuyền cống chính bị gió cuốn đi và chìm ở khu vực Tra Loan của huyện, thuyền cống phụ bị mất cột buồm và mắc kẹt ở biển Thất Châu, các quan chức địa phương được gọi đến để thu thập các vật phẩm và hàng hóa bị chìm.[505]

Huyện Tân Ninh là tên cũ của Đài Sơn, thành phố Tân Hội, Quảng Đông. Ghi chép này thể hiện rõ hành vi cứu hộ của Trung Quốc ở “biển Thất Châu”. Nhưng ở đây, biển Thất Châu ở đâu thì không rõ. Có thể đây chỉ là biển Thất Châu gần quần đảo Thất Châu. Bởi vì thuyền cống chính trôi dạt vào Đài Sơn, việc thuyền cống phụ bị đắm ở quần đảo Hoàng Sa, cách xa hàng nghìn dặm là điều tuyệt đối không thể xảy ra, mà nhiều khả năng bị đắm ​​ở nhóm đảo Thất Châu, cách đó 300 lí về phía nam. Vì lí do tương tự như ví dụ trên, ngay cả khi vụ đắm tàu ​​xảy ra ở biển Thất Châu theo nghĩa rộng, cũng không thể nói rằng vụ đắm tàu ​​xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa.

Nói về các thuyền cống của Xiêm La, có thể thảo luận về một bằng chứng khác. Năm 1780, Xiêm La cử sứ thần Trịnh Chiêu tới Trung Quốc, và Phraya Mahanuphap đi cùng đã viết một bài thơ dài "Nirat Muang Kwangtung".[506] Đây là tài liệu duy nhất về đoàn sứ của Thái Lan tới Trung Quốc vào thời điểm đó. Phraya Mahanuphap là một nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ, viết nhiều bài thơ, nhưng chỉ có bài thơ dài này mới thành bài thơ đặc biệt,[507] bản dịch sang tiếng Hán như sau:

………….

Trong hai ngày, nhìn thấy ánh sáng trên núi, bóng núi dài vô tận, đi được hai ngày, cuối cùng cũng đến được biển Ngoại La, từ đó là đường dẫn đến Quảng Đông, thành phố xa mờ mịt. Biển bờ đều rộng lớn, hương tỏa khắp nơi. Hoành Sơn chạy liên tục về phía đông, đất này thuộc nước Việt Nam. Tới đó biên giới kết thúc, kim quay về hướng đông, sóng dữ dâng lên tận trời, đầu óc hoảng loạn. Chóng mặt như say rượu, nôn ra hết thức ăn ngon. Buồm lại thả ra làm thuyền muốn chạy lùi, gió bão cuồng nộ, mưa lớn ập đến bất ngờ như tên lao vút xuống, sóng dâng cao, va đập không đương nổi. Mọi người trong thuyền chạy hoảng loạn, la hét thảm thiết, hoặc nắm lấy cột buồm cũ hoặc chạy tới bên thuyền tam bản cầu nguyện Tri Phi Duy, gặp nạn thì gọi vua Phạm. Muốn đậu lại mà không có bờ, nhìn bốn phía trời nước mênh mông. Năm người nhìn nhau, bị chôn trong biển thì thật đau đớn. Từ bi cứu khổ, Bồ tát có tấm lòng, giông bão dần lắng xuống, buồm căng một nửa tạm đủ cho thuyền chạy, dù giông bão đã ngưng, trong lòng 5 người vẫn còn hoảng hốt, một vầng trăng đơn treo giữa trời, sáng ra trời vẫn mờ mịt và mặt trời vàng vọt, có thể nhìn thấy gì trên biển, cá và rồng ẩn trong nước, bơi thành đàn quanh mạn thuyền, nhìn thấy kinh hãi và thất vọng. Nước sậm đen như mực, tò mò muốn đo, báo 500 thác, cảnh giác thở dài trước biển sâu, ngước mắt nhìn lòng kinh sợ, bên mạn phải có một con cá voi, dài 35 thác, đuôi lộ, đầu khuất, có thể rộng tới 15 thác, đuôi như tôm vua, phun nước cao hơn cây, chỉ thấy vân ở sống lưng, căng buồm chạy tránh nó, thắp nến đốt hương, cá voi khổng lồ từ từ đi khỏi, ném theo con gà và lảo đảo lạy tạ ơn thần với tất cả lòng thành và không quên đốt giấy vàng mã. Sáng chiều cúng Ma Tổ, chiêng đánh kêu vang vang, đêm treo đèn sáng rực từ đầu đến cuối, canh tàn đêm hết, nắng sớm chiếu rọi núi xa, núi non trùng điệp, mút mắt toàn màu xanh, đó chính là đất Trung Hoa, nghe lòng vui mênh mang. Có khách chỉ dãy núi, nói rằng đó là Lão Vạn Châu. Đi vào Quảng Đông đường thông suốt với núi nổi cao lên trên bờ biển....[508]

Đoàn sứ Thái Lan phải mất 33 ngày mới đến được Quảng Đông. Đoạn trích trên mô tả đoạn hành trình của họ từ Việt Nam đến Quảng Đông. Sau khi đi qua biển Ngoại La, họ đi vào tuyến đường thủy dẫn đến Quảng Đông. Họ nhìn thấy "Hoành Sơn" thuộc về Việt Nam, đó là chỗ biên giới Việt Nam kết thúc. Sau đó, họ gặp bão, mọi người vô cùng sợ hãi, may mắn là cuối cùng họ có thể vượt qua an toàn. Một ngày sau khi cơn bão dịu đi, họ đo độ sâu của nước và mô tả khung cảnh nơi họ đang ở là một vùng biển rộng lớn, nước sâu 750 mét (500 thác). Sau đó, họ gặp một con cá voi khổng lồ và vội vàng chạy tránh, thắp hương và lạy Phật. Sau đó, để đảm bảo an toàn, sáng chiều đều cúng Ma Tổ, gõ chiêng, đánh trống và thắp đèn. Một buổi sáng (hoặc có thể một ngày sau), cuối cùng họ cũng nhìn thấy những ngọn núi phía xa thuộc về “đất Trung Hoa”. Khi thuyền tiếp tục tiến về phía trước, có người chỉ ra rằng ngọn núi phía trước là Lão Vạn Châu (chỉ quần đảo Vạn Sơn ở cửa sông Châu Giang ở Quảng Đông), tức là lối vào Quảng Đông.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng bài thơ này cho thấy quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.[509] Bài thơ dài này là một bài thơ Thái, mang tính chất văn chương, không thể diễn giải theo cách chính xác được. Sau khi bài thơ gốc được dịch sang tiếng Hán, mặc dù về cơ bản ý nghĩa không sai nhưng do số lượng từ và vần điệu hạn định nên một số hàm nghĩa vi tế không thể diễn đạt hết. Về nguyên tắc, tác giả không chủ trương dựa trên bản dịch để diễn giải quá mức.

Trên thực tế, mặc dù quần đảo Hoàng Sa không được đề cập trực tiếp ở đây nhưng thật ra có thể hàm ý về sự quy thuộc của nó. Theo bài thơ, sau khi thuyền đến biển Ngoại La, nó đi đến Quảng Đông (từ đó là đường dẫn đến Quảng Đông). Nhưng khi đó thì vùng biển này vẫn thuộc về Việt Nam và “đường dẫn” (通道: thông đạo) chưa nằm trong địa phận Quảng Đông. Sau khi rời bờ một khoảng cách nhất định, họ mới thấy Hoành Sơn trong "Hoành Sơn chạy liên tục" ám chỉ điều gì? Điều này trước tiên phải xem xét họ cách bờ bao xa, trong bản dịch, nó được mô tả là "thành phố xa mờ mịt", nhưng trong bản gốc thực ra có nói rằng vì lúc này sương mù dày đặc nên không ai có thể nhìn xa được.[510] Vì vậy, theo nguyên tác bài thơ, nơi nhìn thấy "Hoành Sơn" có thể không cách xa bờ biển đất liền.

Có tiền lệ người Xiêm La gọi quần đảo Hoàng Sa là núi Hoàng Sa, chẳng hạn, thông sự Xiêm La thời nhà Minh đã nói: “Gặp gió tây thổi tạt vào giữa Đông hải, có một ngọn núi tên là Vạn Lí Thạch Đường”.[511] (Xem 3.4.8) Tuy nhiên quần đảo Lí Sơn (tức Ngoại La) cách bờ biển không xa cũng có thể là “Hoành Sơn” ở đây.[512] Rồi câu “Tới đó biên giới kết thúc, kim quay về hướng đông” càng củng cố thêm cho nhận định sau, vì nếu như thuyền đi đến Quảng Đông qua quần đảo Hoàng Sa thì lúc đó thuyền vốn đang đi về phía đông và như vậy. không cần “quay hướng” về phía đông;[513] và mặc dù đi thuyền từ bờ biển Việt Nam tới quần đảo Lí Sơn cũng là đi thuyền về phía đông, nhưng khoảng cách này không quá xa và có thể đã bị tác giả bỏ qua. Vì vậy, ghi chép về biên giới ở đây khác với mô tả về biên giới trong ghi chép về chuyến đi Xiêm La của Ngô Huệ trong “Tứ di quảng kí”, cuốn sách này cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về ranh giới Giao Chỉ (xem 3.4. 6), nhưng không phải là không thể hiểu được rằng cách nhìn của người Xiêm La về biên giới khác cách nhìn của người Trung Quốc.

Vì vậy, một số chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng nơi sau khi gặp bão chính là quần đảo Tây Sa.[514] Điều này cũng có khả năng nào đó. Theo ghi chép về chuyến đi sứ của Ngô Huệ tới Xiêm La, ông quả thực đã gặp phải tình huống nguy hiểm như vậy ở gần Tây Sa. Tuy nhiên, phần mô tả vị trí gặp bão trong bài viết không đề cập đến bất kì đảo hay núi nào có thể gắn liền với địa hình của quần đảo Hoàng Sa mà thay vào đó là “muốn neo đậu mà không có bờ, nhìn bốn phía trời nước mênh mông," rất khác với mô tả của Ngô Huệ "có một đảo rất lớn cắt ngang biển và những tảng đá kì lạ và sắc nhọn", vì vậy địa điểm xảy ra cơn bão không phải là các rạn san hô và bãi cạn ở khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Một buổi sáng sau, thuyền nhìn thấy núi non “trùng điệp”, đó chính là “đất Trung Hoa”. Sau đó, một khách trên thuyền đã chỉ ra quần đảo Vạn Sơn ở Quảng Đông, và cuối cùng thuyền tiến vào Quảng Đông.[515] Vì vậy, nếu “Hoành Sơn” không chỉ quần đảo Hoàng Sa thì rất có thể thuyền đã không đi qua quần đảo Hoàng Sa trong chuyến hành trình.

Dù như thế nào, nếu thuyền Xiêm La cho rằng quần đảo Lí Sơn là một phần biên giới của Việt Nam thì quần đảo Hoàng Sa, gần Trung Quốc hơn, không phải là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng không thuộc về Việt Nam không có nghĩa là thuộc về Trung Quốc. Vì như bài thơ đề cập sau đó, sau khi đi qua vùng bão, nhìn thấy quần đảo Vạn Sơn chính là “đất Trung Hoa”. “Đất Trung Hoa” (中華土: Trung Hoa thổ) được nhắc đến trong bản dịch có thể được hiểu là đất liền của Trung Quốc chứ không phải là biên giới của Trung Quốc. Đây cũng là một vấn đề do dịch thuật gây ra, trong nguyên bản tiếng Thái, từ “ขอบเขต” dùng ở đây cũng giống như từ “เขต” dùng trong phần trước về “biên giới Việt Nam”, đều có nghĩa là biên giới. Vì vậy, theo miêu tả trong bài thơ, quần đảo Hoàng Sa nằm trên vùng biển quốc tế giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc và không thuộc về bất kì quốc gia nào. Cách hiểu của sứ giả Xiêm La có thể không thống nhất với cách hiểu về đường biên giới của Trung Quốc và Việt Nam (chẳng hạn biên giới ở đâu? Biên giới biển giữa hai nước có liên tục không?), nếu có xung đột thì ghi chép của Trung Quốc và Việt Nam vẫn sẽ được ưu tiên hơn.

Ngoài ra, còn có một số ghi chép còn nghi vấn trong giai đoạn sau, sẽ được thảo luận trong Chương 5. Theo thảo luận trên, trong gần 900 năm lịch sử từ thời nhà Tống (961) đến cuối nhà Thanh (1840), chỉ có một vài bằng chứng không thật chắc về việc quản lí của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông, chủ yếu là quần đảo Hoàng Sa. Trong số 4 cái gọi là ghi chép "tuần tra biển", chỉ có ghi chép về Ngô Thăng là ghi chép tuần tra biển thật sự, nhưng nơi ông tuần tra không phải là quần đảo Hoàng Sa; địa điểm đo thiên văn Nam Hải của nhà Nguyên không thể xác định được, và có nhiều khả năng là ở bờ biển miền Trung chứ không phải quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc chỉ tiến hành cứu hộ một lần ở “biển Thất Châu”, nhưng cuộc cứu hộ này nhiều khả năng diễn ra ở biển Thất Châu gần nhóm đảo Thất Châu. Nhóm đảo Thất Châu, không phải là quần đảo Hoàng Sa. Không có ghi chép nào trong lịch sử về việc Trung Quốc quản lí quần đảo Trường Sa. Nếu nhìn vào lịch sử lâu dài và những bằng chứng ít ỏi một cách đáng tiếc, việc quản lí quần đảo Hoàng Sa trong số các đảo ở biển Đông của Trung Quốc có thể được mô tả là lẻ tẻ, phân tán và không đáng tin cậy, trong khi đối với quần đảo Trường Sa thì không có bằng chứng quản lí nào cả.

3.10 Chinh phạt và đi sứ

Từ thời Tống đến thời Thanh, các đảo ở biển Đông đã được nhắc đến trong ghi chép về 3 chuyến đi chinh phạt và đi sứ của Trung Quốc.

1. Cuộc chinh phạt Giao Chỉ của nhà Tống (980)

Ghi chép sớm nhất là ghi chép về cuộc chinh phạt Giao Chỉ của nhà Tống vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980) trong “Vũ kinh tổng yếu” đã đề cập ở phần trước. Do một số tài liệu của Trung Quốc coi đó là ghi chép về tuần tra biển nên nó đã được đưa vào trong các ghi chép về quản lí để phân tích (xem 3.9.1). Thật ra, đây là ghi chép về một chuyến chinh phạt. Có rất nhiều nghi ngờ về việc Cửu Nhũ Loa Châu ở đây có phải là quần đảo Hoàng Sa hay không, nó có lẽ là đá Tượng, tức là gần đảo Đại Châu. Ngay cả khi đây là quần đảo Hoàng Sa, việc đi ngang qua một địa điểm nhất định trong một chuyến chinh phạt cũng không trở thành bằng chứng về quản lí địa điểm đó

Vào cuối thời nhà Tống, quân Mông Cổ tấn công tàn quân nhà Tống chạy trốn ra biển ngoài khơi Quảng Đông. Vua quan hoàng đế nhà Tống tuyệt vọng muốn chạy tới Chiêm Thành bằng đường biển. Tướng Trần Nghi Trung đã chạy thoát sang Chiêm Thành trước và không hề quay trở lại. Hoàng đế Tống sau đó trốn chạy từ Tỉnh Áo đến eo biển Tạ Nữ, "xuống biển lần nữa", chạy đến "biển Thất Châu" trước, nhưng "muốn đến Chiêm Thành để sống nhưng không thành" nên "đành ở Cương Châu".[516] Hàn Chấn Hoa tin rằng, biển Thất Châu ở đây là quần đảo Hoàng Sa.[517] Nhưng cách nhìn đơn giản này là không thể đứng vững được (xem 3.5.10). Như tác giả đã trình bày chi tiết ở phần 3.5, biển Thất Châu trước thời Thanh dùng để chỉ nhóm đảo Thất Châu ở góc đông bắc đảo Hải Nam. Vì vậy, biển Thất Châu ở đây rất có thể là nhóm đảo Thất Châu, hoặc có thể là biển Cửu Châu[518] ở Ma Cao tại cửa sông Châu Giang gần Quảng Châu. Hơn nữa, ngay cả Hoàng đế nhà Tống có đến được quần đảo Hoàng Sa trong thời gian trốn chạy thì cũng khó có thể chứng minh rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc địa hạt quản lí của nhà Tống.

2. Cuộc chinh phạt Trảo Oa của Mông Cổ (1292)

Sau khi quân Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống ở Trung Quốc, họ bành trướng thêm ra bên ngoài, sau khi nếm trải thất bại ở Đại Việt và Chiêm Thành, hoàng đế đã để mắt tới vùng Trảo Oa (Java) xa xôi hơn. Vì vậy, vào mùa đông năm Chí Nguyên thứ 29 (1292), ông phát động cuộc viễn chinh tới Java. "Nguyên sử -Trảo Oa truyện" [元史·爪哇傳] viết rằng "thế tổ đã vỗ về bọn tứ di, trong các lần xuất quân ra nước phiên bên ngoài, lần đi đánh Java là quan trọng nhất".[519]

Vào tháng 2 cùng năm, Hốt Tất Liệt bổ nhiệm thái khanh phủ Tuyền Châu Diệc Hắc Mê Thất, cựu vạn hộ quân Đặng Châu Sử Bật, hữu thừa hành tỉnh Phúc Kiến Cao Hưng v.v., làm hành trung thư tỉnh bình chương chính sự của Phúc KIến và lập kế hoạch tấn công Java. Chuẩn bị 500 thuyền biển lớn nhỏ và 20 vạn quân. Vào tháng 11, quân 3 tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây và Hồ Quảng hội lại ở Tuyền Châu. Quân do Diệc Hắc Mê Thất và Sử Bật chỉ huy, hành quân từ cảng Hậu Chử ở Tuyền Châu vào tháng 12. Nhưng chuyến này hao binh tổn tướng, tháng 4 năm sau phải rút quân. Sau đó Hốt Tất Liệt vạch kế hoạch xâm lược Java một lần nữa nhưng đã bỏ cuộc. Vì vậy, chuyến đi đánh Java trở thành sự kết thúc của cuộc chiến tranh bành trướng kéo dài hàng thế kỉ của Mông Cổ.

Lộ trình của chuyến chinh phạt này được nêu trong "Nguyên sử - Sử Bật truyện” [元史·史弼傳] như sau:

Bật tập hợp 5000 quân, xuất phát từ Tuyền Châu. Gió to sóng dữ, thuyền lắc lư, quân sĩ mấy ngày không ăn được. Băng qua biển Thất Châu và Vạn Lí Thạch Đường, đi qua biên giới Giao Chỉ và Chiêm Thành, tháng giêng năm sau, đến các núi Đông Đổng, Tây Đổng và đảo Ngưu Khi, rồi tiến vào đại dương Hỗn Độn tới đảo Cảm Lãm, núi Giả Lí Mã Đáp, Câu Lan…. đóng quân đốn cây, và đóng thuyền nhỏ để đi vào.[520]

Ở đây, biển Thất Châu chỉ khu vực xung quanh nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc Hải Nam và Vạn Lí Thạch Đường chỉ khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Một số nguồn của Trung Quốc gọi biển Thất Châu là quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lí Thạch Đường là quần đảo Trường Sa,[521] điều này không đúng. Đối với biển Thất Châu, phải đến giữa thế kỉ 18, biển Thất Châu theo nghĩa rộng mới xuất hiện, biển Thất Châu ở đây chỉ có thể là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, tức là biển Thất Châu xung quanh nhóm đảo Thất Châu (xem 3.5).Trong ghi chép duy nhất của nhà Nguyên về Vạn Lí Thạch Đường, "Đảo di chí lược" dùng tên này để chỉ chung các đảo ở biển Đông (xem 3.4.3), nhưng vào thời Minh (khi Nguyên sử được viết lại), Vạn Lí Thạch Đường dùng để chỉ riêng một quần đảo nào đó, sau đó đều chỉ quần đảo Hoàng Sa (xem 3.4.4 và 3.4.5). Hơn nữa, tuyến đường biển đến Java lúc đó không cần phải đi qua quần đảo Trường Sa (hiện nay cũng vậy). Xét theo trình tự của lộ trình thì chuyến chinh phạt này cũng không thể đi qua quần đảo Trường Sa, vì quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam biên giới của Giao Chỉ và Chiêm Thành, sao lại có thể đi về phía nam đến quần đảo Trường Sa rồi quay về hướng Tây Bắc để tới Giao Chỉ.? Vì vậy, Vạn Lí Thạch Đường ở đây chỉ có thể là quần đảo Hoàng Sa.

Giống như bằng chứng trước đó, việc đi ngang qua một địa điểm nhất định trong chuyến chinh phạt không thể được sử dụng làm bằng chứng về việc quản lí địa điểm đó. Vì vậy, việc Sử Bật đi qua quần đảo Hoàng Sa trong thời gian xâm lược nước ngoài không thể hiện việc Trung Quốc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trong ghi chép này, theo thứ tự mô tả, quân Mông Cổ đi qua quần đảo Hoàng Sa trước khi đến biên giới Giao Chỉ, điều này cho thấy quần đảo Hoàng Sa không nằm trong biên giới Giao Chỉ. Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là quần đảo Hoàng Sa lúc đó thuộc về Trung Quốc? Điều này trước hết phụ thuộc vào việc liệu lúc đó có vùng biển liên tục giữa Trung Quốc và Giao Chỉ hay không, tức là giữa hai nước có vùng ‘đất’ vô chủ và vùng biển quốc tế hay không. Điều này tương tự như cuộc thảo luận về việc liệu có vùng ‘đất’ vô chủ giữa Trung Quốc và Lưu Cầu (Ryukyu) thời nhà Minh trong vấn đề đảo Điếu Ngư hay không. Trong vấn đề Điếu Ngư, vì Đài Loan lúc đó là một lãnh thổ rõ ràng vô chủ nên có đủ lí do cho sự tồn tại của vùng đất vô chủ giữa Trung Quốc và Ryukyu.[522] Nhưng ở đây thì không có câu trả lời rõ ràng. Nguyên sử được viết vào đầu thời nhà Minh (1369) dựa trên sử liệu của nhà Nguyên. Theo cái nhìn của tác giả, thời Nguyên không hề có miêu tả nào về các vùng biển liên tục giữa Trung Quốc và Việt Nam. Xét từ ví dụ biển Hoa Đông và Điếu Ngư Đài, có vẻ như phải đến thời nhà Thanh, khái niệm biên giới trên biển liên tục giữa các nước láng giềng mới được xác lập.[523] Thứ hai, ghi chép về chuyến đi sứ của Ngô Huệ năm 1441 cho thấy ông tiến vào biên giới Giao Chỉ trước rồi mới đến quần đảo Hoàng Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa nằm trong biên giới Giao Chỉ (xem 3.4.6). Cuối cùng, vẫn còn có tranh cãi về việc lãnh thổ Trung Quốc thời Nguyên thuộc về Mông Cổ hay Trung Quốc (xem 3.1, 3.8.3).

3. Những chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà vào đầu thời Minh

Từ năm 1405 đến 1433, hạm đội do Trịnh Hoà chỉ huy đã thực hiện 7 chuyến đi đến Tây Dương, tới các quốc gia ở biển Đông và hơn 30 quốc gia dọc theo Ấn Độ Dương. Quy mô đội tàu này là chưa từng có và thể hiện trình độ cao nhất của ngành hàng hải thế giới vào thời điểm đó. Mục đích chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà vẫn còn được tranh luận cho đến ngày nay. Có thể tìm thấy nhiều lập luận khác nhau trong 3 lĩnh vực chính là chính trị - ngoại giao, quân sự và kinh tế, trong đó có các lập luận đề cao uy đức của nhà Minh, tìm kiếm địa vị chính thống thông qua triều cống nước ngoài, ngoại giao hoà bình và phát triển giao thương hải ngoại được giới học thuật chấp nhận nhiều nhất. Có thể có sự kết hợp của nhiều mục đích khác nhau, nhưng chính trị và ngoại giao là chủ yếu, còn kinh tế chủ yếu phục vụ mục đích chính trị và ngoại giao, riêng mục đích quân sự có thể là ít quan trọng nhất.[524] Tuy nhiên, trong số các thuyết khác nhau, có rất ít đề cập đến giả thuyết cho rằng Trung Quốc muốn kiểm soát biển Đông về mặt quân sự. Một số người cho rằng các chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà là nhằm mục đích xâm chiếm Đông Nam Á, nhưng thuyết này chưa được chấp nhận, trái lại, một số người cho rằng Trịnh Hoà đã duy trì sự an toàn của các tuyến đường biển ở Đông Nam Á.[525]

Đáng tiếc là các chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà không để lại bất kì ghi chép hàng hải gốc nào (hoặc đã bị thất lạc). Chỉ có một mô tả ngắn gọn về các chuyến đi của Trịnh Hoà trong "Minh sử: Trịnh Hoà truyện". Ba vị quan đi cùng Trịnh Hoà trong chuyến đi của ông vào thời điểm đó: Phí Tín, Mã Hoan và Củng Trân tương ứng viết ba cuốn du kí: "Tinh tra thắng lãm", "Doanh nhai thắng lãm" và "Tây dương phiên quốc chí". Chúng ghi lại một số tình hình các nước mà Trịnh Hoà đã đến, để lại những thông tin quý giá cho thế hệ tương lai nghiên cứu về các nước này cũng như mối quan hệ của các nước đó với Trung Quốc. Ba tác phẩm này chỉ mô tả các quốc gia mà họ đã đến và không để lại bất kì bản đồ lộ trình nào của chuyến đi của Trịnh Hoà. Trong ba cuốn sách này, cũng không có cái tên nào giống như Thạch Đường Trường Sa xuất hiện. Sau này, trong “Vũ bị chí” của Mao Nguyên Nghi vào cuối thời Minh có “bản đồ từ xưởng đóng thuyền báu hạ thủy, ra biển qua cửa Long Giang đi nước ngoài” (自寶船廠開船從龍江關出水直抵外國諸番圖: tự bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long Giang quan xuất thủy trực để ngoại quốc chư phiên đồ), thường được gọi là “Hải đồ Trịnh Hoà”. "Vũ bị chí" được viết vào năm 1628, hơn 200 năm sau chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà. Tuy nhiên, "Hải đồ Trịnh Hoà" được ước tính vẽ trong khoảng thời gian từ 1425 đến 1430, do đó nó có thể phản ánh chính xác lộ trình hàng hải của Trịnh Hoà.[526]

Trên một trang trong "Hải đồ Trịnh Hoà", xuất hiện ba địa danh “Thạch Đường"[石塘], "đảo Vạn Sinh Thạch Đường" [萬生石塘 嶼] và " Thạch Tinh Thạch Đường" [石星石塘] (Hình 71). Giống như hầu hết các bản đồ hàng hải cổ của Trung Quốc, tỉ lệ và vị trí của "Hải đồ Trịnh Hoà" hết sức không chính xác. So với hầu hết các bản đồ cổ khác, "Hải đồ Trịnh Hoà" bị biến dạng đặc biệt nghiêm trọng, điều này có lẽ liên quan đến việc nó chỉ là một sơ đồ về lộ trình. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận định về vị trí của 3 địa danh này. Ngoài ra, 3 cái tên này không trùng với tên của Thiên Lí Thạch Đường và Vạn Lí Thạch Đường nên các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài đang tranh cãi không ngừng về việc những địa điểm này nằm ở đâu.

Hình 71: Hải đồ Trịnh Trịnh Hoà

Có học giả tin rằng Thạch Tinh Thạch Đường là Đông Sa, còn Thạch Đường và đảo Vạn Sinh Thạch Đường đều là Hoàng Sa.[527] Một số học giả cho rằng: xét từ vị trí và kí hiệu trên bản đồ, “Thạch Tinh Thạch Đường” được vẽ ở phía đông và được thể hiện bằng các dấu chấm và vòng tròn đan xen, có nghĩa là các rạn san hô và bãi ngầm, chỉ quần đảo Trung Sa; còn “Thạch Đường" được vẽ ở phía tây, phải chỉ quần đảo Hoàng Sa; "đảo Vạn Sinh Thạch Đường" được vẽ ở phía đông và phía nam của "Thạch Đường", và phạm vi được vẽ lớn hơn "Thạch Đường", vì vậy nó phải chỉ quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng hướng tuyến đường biển trong hải đồ là từ phải sang trái, với "biển Giao Chỉ" ở phía trước "Thạch Đường". Nếu "Thạch Tinh Thạch Đường" là quần đảo Trung Sa và "đảo Vạn Sinh Thạch Đường" là quần đảo Trường Sa, thì "Thạch Đường" ở phía trước "đảo Vạn Sinh Thạch Đường" có vẻ không phải là quần đảo Hoàng Sa.[528]

Về vị trí của những địa danh này, tác giả cho rằng cách giải thích của Lí Kim Minh hợp lí hơn, lấy đỉnh núi đánh dấu cho Thạch Đường là cụm đảo Vĩnh Lạc (An Vĩnh) ở phía tây Tây Sa (Hoàng Sa), và lấy đỉnh núi đánh dấu cho đảo Vạn Sinh Thạch Đường là cụm đảo Tuyên Đức (Lưỡi Liềm) ở phía đông Tây Sa, còn chỗ vẽ dấu bằng vòng tròn và chấm đen được ghi chú trên bản đồ là Thạch Tinh Thạch Đường ứng với quần đảo Trung Sa.[529] Việc Trịnh Hoà đã đi qua quần đảo Tây Sa và Trung Sa trong chuyến đi Tây Dương là không có gì phải bàn cãi. Chỉ có vị trí của các đảo cụ thể là khó xác định chính xác do sự biến dạng lớn của hải đồ.

Liệu những nơi mà Trịnh Hoà đã đi qua trong các chuyến đi Tây Dương có thể được tính là sự thống trị của Trung Quốc đối với những nơi đó không? Rõ ràng là không. Nếu tính thì Ả Rập, Đông Phi và những nơi khác sẽ là lãnh thổ của Trung Quốc. Có chuyên gia Trung Quốc mô tả việc Trịnh Hoà đi qua quần đảo Hoàng Sa là một cuộc “tuần tra”, điều này hoàn toàn vô căn cứ. Trong các ghi chép liên quan của “Minh sử" và ba cuốn du kí không hề có từ dạng như "tuần tra", cũng như không hề đề cập đến quần đảo Hoàng Sa. Hoàn toàn tùy tiện khi biến việc đi qua một nơi nào đó thành tuần tra nơi đó. Mục đích chuyến đi của Trịnh Hoà chủ yếu là chính trị và ngoại giao, không có yếu tố mở rộng quân sự, điều này càng củng cố thêm cho lập luận rằng việc đi qua một nơi nào đó không có nghĩa là đặt nơi đó dưới quyền thống trị.

Điều đáng nói là một số học giả tin rằng tên của một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay có liên quan đến thời đại của Trịnh Hoà (chẳng hạn như cụm đảo Tuyên Đức (Lưỡi Liềm), cụm đảo Vĩnh Lạc (An Vĩnh), đảo Triệu Thuật (Cây), đảo Tấn Khanh (Duy Mộng), v.v.), và họ tin rằng những cái tên đó là từ chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà, được đặt tên vào thời điểm đó.[530] Điều này đơn giản là sai. Những cái tên đó chỉ xuất hiện trong hai đợt đặt tên của Chính phủ Dân Quốc vào năm 1935 và 1947, không được nhầm lẫn.

Tóm lại, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa 3 lần trong quá trình đi chinh phạt và đi sứ. Tuy nhiên, điều này không thể được diễn giải thành Trung Quốc hành xử chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

3.11 Hoạt động dân sự ở biển Đông

Gần như chắc chắn rằng trước thời cận đại, cả Hoàng Sa và Trường Sa đều không có cư dân định cư lâu dài. Đó là do những đảo này nằm cách xa đất liền và không thể tự cung cấp đủ vật liệu sinh hoạt. Trong nhiều năm dài, có lẽ chỉ có ba loại người đến những đảo này: thủy thủ bị đắm tàu, ngư dân hoạt động ngắn hạn và những người trục vớt đồ vật bị mất.

1. Người bị đắm thuyền

Có rất nhiều ghi chép trong sách vở Trung Quốc và nước ngoài về việc tàu thuyền đi ngang qua và bị chìm gần Hoàng Sa. Nhưng những ghi chép này không làm sáng tỏ bất kì vấn đề nào liên quan đến chủ quyền. Bởi vì biển Đông vốn là một tuyến đường giao thông tấp nập nên quần đảo Hoàng Sa được các nhà hàng hải từ khắp nơi trên thế giới biết đến, kể cả Trung Quốc, muộn nhất là sau thời nhà Tống (thế kỉ 10). Là một điểm nguy hiểm về hàng hải có tiếng gần các đường biển, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà hàng hải vô tình đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa hoặc thậm chí bị đắm tàu ​​​​ở quần đảo Hoàng Sa trong hành trình. Vào thời Minh, các tuyến đường thương mại giữa Trung Quốc, Philippines và Brunei đã được mở, đây cũng có thể là sự khởi đầu của việc người Trung Quốc đi qua Trường Sa.

Vì Hoàng Sa là một điểm đen hàng hải nguy hiểm nên không có gì đáng ngạc nhiên khi có những vụ đắm tàu ​​xung quanh Hoàng Sa. Ví dụ,một vụ đắm tàu ​​​​thời Minh của Trung Quốc đã được phát hiện ở Hoàng Sa năm 1974.[531] Năm 1996, ngư dân Trung Quốc phát hiện tàu buôn Trung Quốc thời Nam Tống "Hoa Quang Tiêu 1" trên bãi Hoa Quang (đá Lồi) ở Hoàng Sa.[532] Sau đó, nhiều vụ đắm tàu ​​lần lượt được tìm thấy ở đá Bắc, đảo San Hô (Hoàng Sa) và đảo Kim Ngân (Quang Ảnh).[533]

Ngoài việc trực tiếp phát hiện ra tàu thuyền bị chìm, nhiều loại tiền xu và đồ gốm cũng được tìm thấy trên các rạn san hô ở Hoàng Sa và Trường Sa, và những món đồ này cũng do tàu thuyền chìm để lại. Ví dụ, Giáo sư Vương Hằng Kiệt khi khảo cổ ở Trường Sa vào năm 1992, ông đã tìm thấy đồ gốm sứ, đồng xu cổ và mỏ neo sắt có nguồn gốc từ thời nhà Tần và nhà Hán trên các rạn san hô xung quanh Trường Sa. Những món đồ này đều được tìm thấy gần bãi đá ngầm, và Vương Hằng Kiệt cũng cho rằng những món đồ này nhiều khả năng là từ tàu thuyền bị chìm trôi dạt tới.[534] Năm 1994, các học giả Trung Quốc đã tìm thấy các di vật gốm sứ từ thời Tần, Hán đến thời Minh và Thanh gần đảo Đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, và các sản phẩm sứ từ thời Hán đến Minh gần đảo Bắc.[535] Từ năm 1996 đến năm 1997, ngư dân Trung Quốc đã tìm thấy khoảng 36000 đồng xu (từ thời Tần đến thời Minh, trong đó tiền xu thời nhà Minh chiếm đa số) và một số lượng lớn đồ sứ trên rạn san hô nền của đá Bắc[536]. Đến năm 2013, khoảng 90 địa điểm dưới nước ở quần đảo Hoàng Sa đã được đăng kí.[537]

Những bằng chứng này cho thấy rằng tàu thuyền Trung Quốc cổ đại đã đi đến khu vực này, chẳng hạn như việc phát hiện các vụ đắm thuyền ​​​​ở Hoàng Sa có thể chứng minh rằng các thuyền buôn chở hàng hóa Trung Quốc đã đi qua Hoàng Sa. Khảo cổ học cũng xác nhận rằng rạn san hô đá Bắc là nơi xảy ra hầu hết các vụ đắm tàu[538] Chúng đều là sự bổ sung tuyệt vời cho các nguồn văn bản. Nhưng chúng không thể trở thành cơ sở để khẳng định chủ quyền. Vì biển Đông luôn là tuyến đường biển tấp nập nên người dân từ bất kì quốc gia nào cũng có thể đến quần đảo Hoàng Sa, dù hầu hết họ đến một cách thụ động. Trung Quốc chưa bao giờ độc chiếm các tuyến đường biển ở biển Đông, thậm chí còn ở thế yếu trong hầu hết thời gian; người Ấn Độ, Ả Rập và sau này là người phương Tây đều đi qua khu vực đó. Tài liệu viết của nhiều quốc gia khác nhau cũng để lại các ghi chép về việc người Đông Nam Á, người Ả Rập và người phương Tây bị đắm tàu ​​​​ở khu vực Hoàng Sa. Vì vậy, việc thuyền buôn đi ngang qua hay thuyền bị đắm ở khu vực không thể diễn giải được thành sự quy thuộc của các đảo này.

2. Ngư dân đến đảo hoạt động trong thời gian ngắn

Điều thú vị hơn nữa là hoạt động của ngư dân Trung Quốc tại khu vực này. Bởi vì so với việc chỉ đi ngang qua hoặc bị đắm, hoạt động đánh bắt cá có thể được coi là quyền ban đầu. Ngư dân Trung Quốc có thể đã bắt đầu hoạt động đánh bắt cá ở Hoàng Sa từ lâu nhưng vẫn chưa xác định được thời gian chính xác. Trong sách vở của chính Trung Quốc, cho đến thời cận đại, không có nhiều ghi chép về hoạt động của ngư dân ở khu vực này ngoại trừ ghi chép về tàu thuyền đi ngang qua các đảo ở biển Đông. Có hai ghi chép có thể xét tới:

- thứ nhất là ghi chép trong "Quảng Châu kí" [廣州記] của Bùi Uyên nhà Tấn viết ở phần 2.3: "Ở đảo San Hô, cách huyện 500 lí về phía nam, xưa có người đánh cá trên biển thu được san hô." Mặc dù hầu hết các chuyên gia Trung Quốc tin rằng đảo san hô ở đây là quần đảo Đông Sa, nhưng từ góc độ nhìn nhận, "đảo san hô" cách Đông Hoàn 500 lí về phía nam này có nhiều khả năng là bãi cạn Helen (Helen Shoal), nằm trong quần đảo quần đảo Trung Sa của Trung Quốc (xem Phần 2.2);

- thứ hai là ghi chép ghi "Quỳnh Đài ngoại kí" [瓊台外記] thời Minh vốn đã thất lạc. Ghi chép này được trích dẫn lại trong "Vạn Châu chí" thời Đạo Quang nhà Thanh: "Trường Sa Thạch Đường ở phía đông (Vạn) Châu, một vùng đất với biển bao quanh, mỗi khi có gió mạnh thủy triều dâng làm ngập nhà và ruộng, dân chúng bị hại." Nhưng " Tác giả cuốn "Vạn Châu chí" sau đó nói thêm: "Tên Trường Sa Thạch Đường được được lưu truyền, nhưng biển rộng mênh mông, không biết vị trí của nó ở đâu."[539] (Hình 72)

Ghi chép này được Trung Quốc trích dẫn như là ghi chép về việc người Trung Quốc định cư sớm ở Hoàng Sa và Trường Sa, vì có nói tới nhà và ruộng. Nhưng Trường Sa và Thạch Đường ở đây, theo phân tích ở Mục 3.6, thực chất chỉ là quần đảo Hoàng Sa (thật ra nếu đó là quần đảo Hoàng Sa cũng không phù hợp về vị trí vì ghi chép nói ở phía Đông Vạn Châu, trong khi thực tế ở phía Nam hay Nam Đông Nam- ND). Theo những ghi chép khác, có vẻ rất khó có ai đó đã cất nhà và khai ruộng trên đó. Ngay cả người trích dẫn trong "Vạn Châu chí" cũng cảm thấy ghi chép này rất không đáng tin cậy (“không biết vị trí nó ở đâu”). Vì vậy, có rất nhiều nghi vấn về ghi chép này.

Ngoài ra, rất khó tìm thấy các ghi chép về người Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa trong sử liệu cổ của Trung Quốc. Những ghi chép sớm nhất có thể tìm thấy là những hồi ức của ngư dân thế kỉ 20 về các hoạt động của tổ tiên họ. Độ tin cậy của những kí ức này có thể không chính xác về mặt thời gian do đã xảy ra quá lâu. Vả chăng, thời gian mà họ có thể nhớ lại đại khái tới những năm đầu thời Đạo Quang.

Hình 72 "Vạn Châu chí"

Trong hoạt động đánh bắt cá lâu dài của mình, ngư dân Trung Quốc có những ghi chép dưới dạng sổ tay gọi là "Canh lộ bạ", các sổ tay này trở thành bằng chứng cho hoạt động của ngư dân Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng tiếc là không thể xác định được ngày viết của những cuốn Canh lộ bạ này mà chỉ có thể ước tính dựa trên suy đoán và kí ức của một số ngư dân, do đó không thể biết chính xác họ bắt đầu đánh cá ở Hoàng Sa và Trường Sa từ khi nào. Theo suy đoán, ngư dân Trung Quốc đã đi đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa vào khoảng đầu thời Minh (điều này chỉ là phỏng đoán, không ai có thể chứng minh được) và đi đánh cá ở quần đảo Trường Sa có thể chỉ cho tới thời Thanh hoặc thậm chí cuối thời Thanh mới bắt đầu. Xét từ các tài liệu hiện có, có thể xác nhận thời gian các Canh lộ bạ này xuất hiện chỉ có thể từ thời cận đại trở đi (sau năm 1840), vì vậy các vấn đề liên quan sẽ được thảo luận chi tiết ở Chương 5.

Không ít dấu tích được cho là của người Trung Quốc đã được tìm thấy trên các đảo ở biển Đông. Những dấu tích này bao gồm hai loại, một loại là dấu tích về sinh hoạt, loại thứ hai là những công trình kiến ​​trúc đơn giản như các miếu cổ.

Các dấu tích sinh hoạt chủ yếu đến từ hai phát hiện:

- thứ nhất là vào năm 1975, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện ra một di chỉ cư dân thời Đường - Tống trên đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật) thuộc quần đảo Hoàng Sa và khai quật được 107 mảnh đồ dùng gốm sứ từ thời Đường và Tống: "Tại đảo Cam Tuyền năm 1974, một di chỉ cư dân thời Đường -Tống đã được khai quật trên đảo, và lại được khai quật vào năm sau, qua hai cuộc khai quật đã tìm thấy được nhiều di vật văn hóa, trong đó có một số lượng lớn đồ gốm, dao sắt, đục sắt, mảnh nồi sắt và hơn 100 mảnh chim còn sót lại. Xương và vỏ ốc, vỏ trai các loại, đó là bằng chứng về sinh hoạt và cư trú của nhân dân nước ta trên đảo”.[540]

- thứ hai là “cụm di chỉ cư trú từ thời Minh - Thanh” được giáo sư được giáo sư Vương Hằng Kiệt của Trung Quốc phát hiện trên đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 1993. Các di chỉ cư trú này đều là công trình trú mưa gió và hầu hết đều trổ cửa về phía Nam để nhận được gió nam và tránh bị gió đông bắc thổi vào.[541] Do đó, Lí Kim Minh kết luận rằng chúng “chứng minh đầy đủ rằng nhân dân nước ta đã sống ở quần đảo Tây Sa và Nam Sa và tham gia vào các hoạt động sản xuất ít nhất là từ thời Đường.”[542] Có người thậm chí còn cho rằng như vậy ngay từ thời Hán, người Trung Quốc đã tới hoạt động tại các đảo này. Việc người Trung Quốc đã hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa từ thời nhà Minh là có thể tin được, nhưng không có đủ cơ sở để chuyển những hoạt động này ngược tới thời Hán hoặc Đường.

Thứ nhất, theo các ghi chép khảo cổ học, các đồ vật như đồng tiền Vương Mãng, đồng tiền Khai Nguyên và đồng tiền Hồng Vũ được tìm thấy trên đảo San Hô (Hoàng Sa)[543]. Những đồng tiền này rõ ràng là từ các tàu ​​thuyền đắm và chúng không thể sử dụng làm bằng chứng về sinh hoạt của người Trung Quốc trên đảo được. Đồng tiền Vương Mãng và những đồng tiền khác đã được xác nhận rằng chúng là di vật từ thuyền bị đắm vào ​​thời Minh được phát hiện năm 1974.[544] Điều này cho thấy một số đồng tiền cổ và các di tích văn hóa khác được tìm thấy trên các đảo hay các rạn san hô không phải đến đó vào thời điểm sản xuất mà có thể đã được vận chuyển đến đó dưới dạng đồ cổ và các hàng hóa khác.

Thứ hai, cái gọi là di chỉ thời Đường - Tống có khoảng thời gian rất dài, và có sự khác biệt lớn về việc chúng thuộc thời Đường hay thời Tống. Có một khoảng thời gian gần 600 năm (622-1276), trong đó hiểu biết của Trung Quốc về Tây Sa đã thay đổi từ “biết không chắc” thành “biết rõ ràng”, và sự khác biệt này không thể bỏ qua. Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam vẫn là một phần của Trung Quốc cho đến cuối thời Đường. Nếu có người từ Trung Quốc đến quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm đó thì họ là tổ tiên của người Hán hay người Việt? Ngay cả những dấu tích thuộc thời nhà Tống cũng khó phân biệt được là do người Việt hay người Trung Quốc lưu lại dựa trên những hiện vật này. Bởi vì nguồn gốc văn hóa và tập tục sinh hoạt của cả hai rất giống nhau. Từ lâu, cả hai đều cùng theo văn hóa Trung Quốc, cùng sử dụng chữ Hán và cùng thuộc một hệ thống văn hóa. Lời giới thiệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho biết: “Do ảnh hưởng của truyền thống và văn hóa Trung Quốc nên phong tục tập quán văn hóa của Việt Nam cũng tương tự như nước ta”.[545] Những đồng tiền và đồ dùng cổ của Trung Quốc được lưu thông rộng rãi ở Đông Nam Á nên ngay cả những di tích văn hóa sau thời Tống cũng không nhất thiết phải do người Trung Quốc mang đến đảo.

Thứ ba, theo mô tả của giáo sư Vương Hằng Kiệt, các di chỉ triều Đường, Tống, Minh và Thanh tốt nhất chỉ là những chỗ trú ẩn tạm thời về quy mô xây dựng. Khó có thể chắc chắn rằng đó là địa điểm của những người thật sự định cư trên đảo, nhiều khả năng đó chỉ là nơi ở ngắn hạn của ngư dân, hoặc thậm chí là di chỉ tạm trú trên đảo hoang của người bị đắm tàu ​​trên biển, do đó chúng khó có thể tạo thành bằng chứng cho việc người Trung Quốc cư trú và sinh hoạt tại đây.

Một loại khác là các ngôi miếu trên đảo. Những ví dụ này gồm có ba loại: (1) Miếu Nương Nương: có một bức tượng Quan Âm được làm vào thời Minh trên đảo Sâm Hàng (Quang Ảnh) quần đảo Hoàng Sa, một miếu Ma Tổ (Chú Nương Nương) trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa;[546] (2) Miếu thổ địa: có một số miếu thổ thần đơn sơ được tìm thấy trên đảo Thái Bình (Ba Bình), đảo Trung Nghiệp (Thị Tứ) và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài ra miếu thổ địa trên đảo Ba Bình còn có bốn chữ tiếng Trung “hữu cầu tất ứng” (有求必應: có cầu sẽ được đáp ứng);[547] (3) Miếu cô hồn (hay 叫兄弟公: khiếu huynh đệ công) nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, trên cửa miếu treo một tấm bảng gỗ ghi “hải bất dương ba” (海不揚波: biển lặng), ngoài ra còn có nhiều tấm bài vị thần trên các đảo khác thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong đó, một tấm trên đảo Bắc có dòng chữ "minh ứng anh liệt nhất bách hữu dư huynh đệ trung hồn linh vị thần vị” (明應英烈一百有餘兄弟忠魂靈位神位: Linh hồn trung của hơn 100 anh hùng liệt sĩ nhà Minh".[548]

Lí Kim Minh cho biết, theo khảo cổ học, một số miếu cổ này được xây dựng từ thời Minh, còn hầu hết được xây dựng từ thời Thanh. Tuy nhiên, theo lời văn, những miếu cổ trên quần đảo Hoàng Sa được xây dựng sớm nhất là vào thời Minh, trong khi những miếu trên quần đảo Nam Sa có lẽ là sản phẩm của thời Thanh (có thể là cuối thời Thanh).[549] Điều này về cơ bản phù hợp với các ghi chép lịch sử. Ví dụ, năm 1867, tàu Anh ghi nhận sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc ở Trường Sa (xem phần 5.3).

Việt Nam cho rằng một số miếu cổ thật ra là do người Việt Nam xây dựng. Lí Kim Minh đưa ra ví dụ: Việt Nam cho rằng miếu Nương Nương trên đảo Hoàng Sa là của người Việt vì tượng Nương Nương rất giống với các tượng đá ở Việt Nam.[550] Ông bác bỏ nhận định này, chỉ ra rằng trước năm 1945, trên đảo Trường Sa chỉ có tượng Nương Nương, không có miếu. Miếu chỉ được xây dựng vào năm 1947. Nguồn gốc của bức tượng được cho là di vật do một tàu buôn Trung Quốc để lại cách đây hơn 100 năm. Ông cũng thừa nhận rằng các tượng đá rất giống nhau, nhưng ông cũng tin rằng việc tượng đá giống nhau là chuyện bình thường, đặc biệt vì tín ngưỡng Ma Tổ được truyền bá rộng rãi ở Đông Nam Á nên việc tượng đá giống nhau không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông không giải thích cụ thể tại sao Ma Tổ là một tín ngưỡng ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á mà miếu Ma Tổ trên đảo Phú Lâm lại phải là miếu do Trung Quốc xây dựng.

Về những dữ liệu khảo cổ học này, Việt Nam vẫn còn nghi ngờ, cho rằng Trung Quốc giả mạo bằng chứng, bởi phần lớn những kết quả khảo cổ này có được sau khi Trung Quốc thật sự nắm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1975. Các di tích và kiến trúc ở Hoàng Sa và Trường Sa quả thực có loại vấn đề này, trong 100 năm qua, Hoàng Sa và Trường Sa đã đổi chủ nhiều lần, mỗi lần đổi chủ, quốc gia thống trị mới đều bận rộn phá bỏ những "dấu vết" do người trước họ để lại, do đó rất khó để có được dữ liệu khảo cổ chính xác về lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc có thể không làm giả chứng cứ như Việt Nam cáo buộc, nhưng cũng không thể cố tình tìm kiếm di tích do người nước ngoài để lại, dù có tìm được di vật cũng không báo cáo mà chỉ báo cáo có chọn lọc những kết quả khảo cổ có lợi cho mình. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và có thể thực hiện được. Trước tình hình phức tạp của Hoàng Sa và Trường Sa, việc tiến hành khảo cổ học ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách toàn diện và công bằng dường như là một nhiệm vụ bất khả thi.

Tóm lại, một sự thật không thể chối cãi là ở Hoàng Sa (sau thời nhà Minh) và Trường Sa (sau thời cận đại) đã có hoạt động của ngư dân Trung Quốc nhưng không hề có người thường trú. Tuy nhiên, điều này không thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này, bởi vì đây chỉ là những hành động tư nhân, không thể đại diện cho ý định chủ quyền và quản trị thực tế của chính phủ. Hơn nữa, trong tài liệu chính thức của Trung Quốc cũng không có ghi chép nào về điều này, nên không thể gán cho những hành động này bất kì màu sắc chính thức có thể có nào.

3. Công việc mò vớt hàng hoá tàu thuyền bị đắm

Đây là bằng chứng có lợi cho Việt Nam, vì dữ liệu lịch sử Việt Nam cho thấy, bắt đầu từ thế kỉ 18, đội Hoàng Sa đã tiến hành mò vớt những đồ vật thất lạc ở quần đảo Hoàng Sa (xem Chương 4). Tuy nhiên, trong nghiên cứu hiện đại, không có báo cáo nào về việc tìm thấy di tích liên quan. Như đã đề cập ở trên, điều này có thể là do không còn di tích nào cả, hoặc có thể có di tích nhưng chúng đã bị bỏ phế, hoặc có thể có di tích nhưng chưa được khai quật, hoặc có thể chúng đã được khai quật nhưng không được báo cáo.

3.12 “Ao nhà Trung Quốc” phóng đại

Trong thời kì loạn lạc vào cuối nhà Đường và thời Ngũ Đại, người Trung Quốc bắt đầu di cư ra nước ngoài, hơn nữa con đường đất liền đi về phương Tây từ thời nhà Tống bị Khiết Đan và Tây Hạ cắt đứt, Trung Quốc mới bắt đầu khuyến khích mạnh mẽ thương mại ở biển Đông và ảnh hưởng của nó ở biển Đông cũng bắt đầu tăng lên. Trùng hợp là vào đầu thời Tống, Việt Nam độc lập với Trung Quốc, Trung Quốc cũng chấp nhận ngoại giao bình đẳng, từ đó nảy sinh ý thức dân tộc. Đại Việt độc lập dường như ít quan tâm đến biển, không có nhiều ghi chép về biển Đông trong các tư liệu lịch sử trong thời gian dài. Điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Mông Cổ xâm lược và lập ra đế chế Nguyên. Trong thời kì này, các xứ phương Đông và phương Tây nằm dưới một đế chế Mông Cổ thống nhất (mặc dù các hãn quốc có thủ lính khác nhau). Người Mông Cổ liên tiếp xâm chiếm Việt Nam, Chiêm Thành và Trảo Oa ở biển Đông. Đây là chiến dịch lớn nhất của "Trung Quốc" ở biển Đông từ khi có sử. Dù chiến dịch đó được công bố là thất bại, đây cũng là bước khởi đầu cho việc "Trung Quốc" kiểm soát sâu hơn biển Đông. Tuy nhiên, nhà Nguyên là quốc gia của người Mông Cổ và việc có thể tính nó là của Trung Quốc hay không cũng còn nhiều tranh cãi. Vào thời Minh, vì Chu Nguyên Chương cần các nước công nhận tính hợp pháp của mình nên đã cử một số lượng lớn sứ giả ra nước ngoài để yêu cầu nước ngoài chấp nhận việc “sách phong” của ông. Các nước ở biển Đông cũng được liệt vào danh sách chư hầu của nhà Minh, điều này đã thiết lập nên khuôn khổ “thể chế thiên quốc-chư hầu” [宗藩體制: tông phiên thể chế] vào thời nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời tạm thời tạo ra ấn tượng rằng biển Đông là phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong một số tác phẩm phương Tây, biển Đông vào thời Tống, Nguyên, Minh (giữa thế kỉ 10 đến giữa thế kỉ 15) được gọi là “Ao nhà Trung Hoa”.[551] Tác giả cho rằng đây là một sự cường điệu. Dựa trên những thảo luận ở trên, Trung Quốc thật sự đã đạt được tiến bộ đáng kể trong giao thông biển Đông giữa thời Tống và Minh khi Trịnh Hòa đi Tây Dương. Nhưng nó không đến mức có thể được gọi là "Ao nhà Trung Quốc" [中國湖: Trung Quốc hồ].

Trước hết, trong thời kì này, về mặt giao thông, ngay cả thời hoàng kim của nhà Tống và nhà Nguyên, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện thế độc quyền, người Ả Rập và người Chăm vẫn là giữ vai trò quan trọng. Sau khi nhà Minh thành lập, giao thương triều cống là hình thức giao thương duy nhất, thuyền buôn Trung Quốc khó có thể ra khơi hợp pháp. Trong hoạt động giao thương triều cống, các thuyền buôn nước ngoài đến Trung Quốc và sau đó vận chuyển hàng hóa Trung Quốc về quê hương của họ. Do đó, giao thông thương mại gần như bị nước ngoài độc quyền.

Thứ hai, trong hàng trăm năm này, Trung Quốc chỉ thực hiện 4 chiến dịch ở biển Đông, tức là nhà Tống đánh Việt Nam trên biển (hai cuộc kháng chiến chống nhà Tống), Mông Cổ đánh Việt Nam và Chiêm Thành, và Mông Cổ đánh Java. Tuy nhiên, trong 4 cuộc chiến này, Trung Quốc (trong đó có Mông Cổ) là bên thua cuộc. (Ngoài ra, khi quân Mông Cổ đánh nhà Tống, cũng tiến hành hải chiến ở biển Đông, nhưng chỉ giới hạn ở phần bờ biển phía bắc biển Đông). Trung Quốc không hề thể hiện rằng họ có thể vượt trội các nước khác về mặt thống trị.

Thứ ba, Trung Quốc không có ghi chép về tuần tra biển xa ở biển Đông. Phạm vi ảnh hưởng thật sự của nó cũng chỉ giới hạn ở bờ biển phía bắc.

Thứ tư, vào thời nhà Tống, Trung Quốc đã xác lập tư duy ngoại giao bình đẳng và tâm lí không là bá chủ đối với các nước ở Biển Đông.[552] Mông Cổ không phải là Trung Quốc, và dù sức mạnh của họ ở biển Đông có mạnh đến đâu cũng không thể đơn giản coi đây là ao nhà của Trung Quốc. Hơn nữa, Mông Cổ không có nhiều quyền kiểm soát đối với biển Đông, điều này có thể thấy từ góc độ Mông Cổ hai lần thất bại trong việc chinh phục các nước ở biển Đông. Các quốc gia ven biển lần lượt trở thành chư hầu của nhà Minh vào đầu thời nhà Minh. Nhưng hầu hết các nước chư hầu chỉ là trên danh nghĩa, được thúc đẩy bởi những lợi ích từ việc giao thương triều cống (vì việc giao thương triều cống chỉ có thể được thực hiện sau khi trở thành một nước chư hầu), chứ không phải từ mức độ kiểm soát của nhà Minh đối với các quốc gia này.

Cuối cùng, các chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà vào thời nhà Minh là đỉnh cao của sức mạnh hàng hải của Trung Quốc. Có lẽ trong mấy chục năm đó, Trung Quốc quả thật có vị thế thống trị ở biển Đông, nhưng đó chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi trên dòng sông dài của lịch sử. Sau khi Trịnh Hoà mất, cái gọi là thời đại ao nhà Trung Quốc cũng chấm dứt. Chắc chắn là không phù hợp khi lấy sự kiểm soát trong khoảng thời gian ngắn để mô tả sự kiểm soát của một quốc gia trong hàng trăm năm.

Từ sau thời Trịnh Hoà đến giữa thế kỉ 19, biển Đông được các học giả nước ngoài mô tả là “Biển Mở” (the Open Sea).[553]. Điều này đúng với trường hợp Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc ở biển Đông tuy lúc vầy lúc khác nhưng nhìn chung là “cấm biển” và ngăn tàu thuyền tư nhân ra biển giao thương. Về mặt quân sự, đó là nghiêm ngặt phòng thủ biển để ngăn chặn cướp biển Nhật. Ở biển Đông, Trung Quốc đặc biệt bảo thủ, lịch sử chưa ghi nhận cuộc chiến tranh nào đáng nhắc tới, thậm chí hiếm khi chủ động ra khơi truy đuổi cướp biển. Ví dụ, cuộc chiến chống lại tên cướp biển lớn Lâm Phụng chủ yếu diễn ra trên đất liền hoặc tại các cảng.[554] Qua đó có thể hình dung được họ thật sự kiểm soát biển Đông đến mức nào. Trên thực tế, nhà Minh không có nghĩa vụ gì với các nước chư hầu này. Ví dụ, sau khi người Bồ Đào Nha chinh phục Malacca (1511), Malacca đã nhờ Trung Quốc giúp đỡ, nhưng Trung Quốc không thật sự gửi quân đến trợ giúp Malacca mà chỉ bày tỏ thái độ thù địch ngoại giao với Bồ Đào Nha, nhưng sau đó lại làm hòa và cho thuê Ma Cao.[555] Thời nhà Minh cấm biển, có rất nhiều cướp biển Trung Quốc hoạt động ở biển Đông, hình thành nên “cướp biển Nhật” với người Trung Quốc là chủ yếu. Trong số đó, nhóm cướp biển do Lâm Phụng cầm đầu thậm chí còn xâm chiếm Philippines. Nhưng các nhóm cướp biển này đều là tội phạm mà chính phủ Trung Quốc muốn tiêu diệt nên hoạt động của chúng không thể coi là thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc. Nhà Thanh cũng kiên trì chính sách cấm biển như vậy. Hoạt động “quân sự” đáng chú ý nhất trước thế kỉ 20 là chiến dịch cùng với Việt Nam chống buôn lậu trên biển Đông vào đầu thế kỉ 19, nhưng phạm vi của nó chỉ giới hạn ở mũi phía nam đảo Hải Nam (xem phần 5.3). Nếu như biển Đông thật sự trở thành ao nhà của Trung Quốc thời Trịnh Hòa thì sau thời Trịnh Hòa, Trung Quốc mất đi vị thế thống trị ở biển Đông. Điều này càng trở nên đúng hơn sau khi người phương Tây tiến vào biển Đông vào thế kỉ 16.

Ao nhà Trung Quốc là thổi phồng, nhưng còn các đảo ở biển Đông thì sao? Trung Quốc có chủ quyền thật sự đối với các đảo ở biển Đông hay không? Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử có nhiều tên gọi khác nhau, khiến việc nghiên cứu trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, qua phân tích trên, chúng ta có thể tóm tắt lịch sử hiểu biết của Trung Quốc về các đảo ở biển Đông và rút ra kết luận như sau:

Thứ nhất, không có ghi chép nào trước thời nhà Tống về Hoàng Sa và Trường Sa được xác nhận. Với sự phát triển của các tuyến đường biển, việc phát hiện vùng biển quanh các đảo quần Hoàng Sa và Trường Sa trở nên khả thi. Nhưng xét theo thư tịch, cả hai đều không do người Trung Quốc phát hiện. Ghi chép đáng tin cậy sớm nhất về Hoàng Sa là những gì sứ giả Chiêm Thành nói với người Trung Quốc vào giữa thời Bắc Tống. Ghi chép sớm nhất về Trường Sa là lời của sứ giả Chân Phú Lí nói với người Trung Quốc vào thời Nam Tống, và sứ giả này nói rõ Trường Sa nằm trong ranh giới của Chiêm Thành. Vì vậy, nếu dựa trên các ghi chép lịch sử thì người đầu tiên phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa phải là người Chiêm Thành.

Thứ hai, ở Trung Quốc, Hoàng Sa ban đầu được gọi bằng cái tên chung là Thạch Đường, mãi đến đầu thế kỉ 13, nó mới bắt đầu được mô tả bằng những tên gọi như Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường (Sàng). Nhưng tại thời điểm đó, hai cái tên này dùng để chỉ hai địa hình khác nhau trong cùng một khu vực, chứ không phải lần lượt chỉ Hoàng Sa và Trường Sa. Sứ giả nước Chân Phú Lí đầu tiên gọi Trường Sa là "Vạn Lí Thạch Đường". Nhưng vào thời điểm đó, thật khó để xác định liệu những danh từ này với các từ bổ nghĩa “vạn lí” và “thiên lí” có là danh từ riêng hay chúng chỉ mô tả sự rộng lớn của hai nơi này. Vì những tính từ như “thiên lí” và “vạn lí” mãi đến tận thời nhà Thanh mới xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc.

Thứ ba, phải đến thời nhà Nguyên mới có bằng chứng rõ ràng cho thấy người Trung Quốc thật sự biết về quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, trong các ghi chép của nhà Nguyên, Vạn Lí Thạch Đường dường như đã trở thành tên gọi chung cho các đảo ở biển Đông (南海諸島: Nam Hải chư đảo) gồm tất cả các đảo đá bên trong biển Đông. Mặc dù Uông Đại Nguyên giải thích về một số nhánh, dường như chỉ các quần đảo khác nhau, nhưng không có tên cụ thể nào được đặt cho mỗi nhánh.

Thứ tư, trong hầu hết các ghi chép có liên quan của nhà Minh, cái tên Vạn Lí Thạch Đường được dùng để chỉ riêng quần đảo Hoàng Sa, và cái tên Vạn Lí Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa ("Thuận phong tương tống" và "Hải ngữ"). Trong “Hải tra dư lục” thì Thiên Lí Thạch Đường chỉ Tây Sa, trong khi Vạn Lí Trường Đê (Sa) chỉ Trường Sa. Ngoại trừ sự khác biệt về tên gọi nêu trên, nó rất giống với các tác phẩm trước. Trong " Đông Tây dương khảo", Vạn Lí Thạch Đường có hai ý nghĩa, khi thì dùng để chỉ Hoàng Sa, khi thì dùng để chỉ Trường Sa, cách sử dụng này tương đối hiếm. Một số cái tên trong "Hải đồ Trịnh Hoà" không tìm thấy được trong các cuốn sách khác và thậm chí còn bất thường hơn.

Thứ năm, vào đầu thời Thanh, bắt đầu từ "Chỉ nam chính pháp", cách gọi Trường Sa và Thạch Đường đã bị đảo ngược: Vạn Lí Trường Sa chỉ Hoàng Sa, và Vạn Lí Thạch Đường chỉ Trường Sa. Cách gọi này hoàn toàn trái ngược với cách gọi chủ đạo thời Minh. Không rõ lí do tại sao điều này lại xảy ra. Thời kì này, Đông Sa còn được gọi là "Nam Áo Khí". Trong "Hải quốc văn kiến lục", Vạn Lí Trường Sa được dùng để chỉ Hoàng Sa, nhưng Trường Sa lại dùng tên Thiên Lí Thạch Đường (không phải Vạn Lí). Trong "Hải lục", Vạn Lí Trường Sa chỉ Hoàng Sa, và Thiên Lí Thạch Đường chỉ Trung Sa (Macclesfield Bank). Có thể thấy, cho đến đầu thế kỉ 19, cách sử dụng các từ Trường Sa, Thạch Đường, Thiên Lí và Vạn Lí vẫn chưa hoàn toàn cố định. Điều này cho thấy sự hiểu biết của Trung Quốc về các quần đảo này vẫn còn rất mơ hồ.

Thứ sáu, theo lập luận của các chuyên gia Trung Quốc, cũng còn một số tên gọi khác được cho là để chỉ quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa nhưng hầu hết đều không có cơ sở. Chẳng hạn như Cửu Nhũ Loa Châu và đá Tượng (Tượng thạch) đều có nhiều khả năng là Đại Châu Đầu ở gần Vạn Châu. Việc xác nhận vị trí thật sự của núi Tiêu Thạch trước đó càng khó hơn.

Thứ bảy, những ghi chép trong sách địa lí tổng quát chỉ cho thấy sự hiểu biết của Trung Quốc về những nơi này, cũng như sự hiểu biết về những nơi khác ở Đông Nam Á. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc có chủ quyền đối với những nơi này. Hơn nữa, cần chỉ ra rằng phần lớn những hiểu biết này không bắt nguồn từ người Trung Quốc mà có được do người nước ngoài truyền lại.

Thứ tám, dưới thời Tống và Nguyên, ngành hàng hải của Trung Quốc phát triển nhưng không lấn át được người Ả Rập với tư cách là lực lượng chính trong giao thông ở biển Đông. Tới thời kì người Ả Rập suy tàn, Trung Quốc lại thực hiện chính sách cấm biển lâu dài dưới thời Minh và Thanh, khó có thể nói là có đủ ảnh hưởng đến giao thông ở biển Đông. Các chuyến đi của Trịnh Hoà chắc chắn rất có tiếng tăm nhưng không tiếp tục được, không thể chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông và các đảo ở biển Đông. Thái độ của Trung Quốc đối với biển Đông là luôn giữ tâm thế “phòng thủ biển”, tập trung vào chống cướp biển và buôn lậu dọc bờ biển đất liền và đảo Hải Nam mà thiếu chú ý đến các đảo ở biển Đông.

Thứ chín, kể từ thời Thanh, ngành hàng hải của Trung Quốc ở tình trạng lạc hậu lâu dài, lúc này giao thương ở biển Đông đang bị người phương Tây và các nước mới nổi như Brunei và Sulu thống trị. Khi đó, do hạn chế về mặt kĩ thuật, tàu thuyền Trung Quốc không thể đi tuyến kênh ngoài (ngoại câu) giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa, cũng như không thể đi thẳng từ Quảng Đông qua quần đảo Trung Sa đến Luzon, Brunei và Sulu nên không thể đi xuyên qua quần đảo Nam Sa..

Thứ mười, Trung Quốc thiếu các ghi chép về quản lí nhà nước đối với các đảo ở biển Đông. Trong gần 1000 năm, những ví dụ về tuần tra và cứu hộ mà chuyên gia Trung Quốc có thể dẫn ra được là rất ít và rải rác, điều quan trọng nhất là hầu như không có ví dụ nào trong số này có thể được xác nhận là ghi chép về quản trị thật sự. Và một số ghi chép về việc đi qua các đảo ở biển Đông trên đường đi chinh phạt và đi sứ khó có thể được coi là một hành vi quản lí.

Thứ mười một, mặc dù một số địa phương chí mô tả "biển Trường Sa" và "biển Thạch Đường" như là sông núi của Vạn Châu thuộc Hải Nam, nhưng đây là kết quả của việc trình bày sai lệch các ghi chép thời Tống sau thời Vạn Lịch nhà Minh, tất cả các phương chí đó đều có ghi “không biết có thật không” (莫稽其實: mạc kê kì thật). Vì vậy, chúng khó có thể làm bằng chứng cho việc Trung Quốc đã sáp nhập những những nơi này vào khu vực hành chính. Ngược lại, tất cả địa lí chí có thẩm quyền thuộc cấp trung ương đều không hề có các ghi chép với cụm từ “không biết có thật không” như vậy.

Thứ mười hai, có những cái tên như Trường Sa, Thạch Đường, Thiên Lí Trường Sa, Vạn Lí Thạch Đường… trong bản đồ Trung Quốc cổ. Tuy nhiên, hầu hết các địa điểm này trên bản đồ đều khó xác định là Hoàng Sa hay Trường Sa hiện tại. Điều quan trọng nhất là những bản đồ này nếu không là " hỗn hợp nhất cương vực đồ " [混一疆域圖]tương đương với bản đồ thế giới thì lại là " Đông nam di hải đồ" [東南夷海圖] hoặc "Tây nam di Hải đồ" [西南夷海圖] chuyên dùng để mô tả các nước ngoài (di). Loại bản đồ đầu rất khó giải thích liệu những nơi này có thuộc về Trung Quốc hay không (theo cách vẽ đã tự phủ định), trong khi hai loại sau thậm chí còn dễ bị coi là những địa điểm của nước ngoài hơn nữa. Tuy nhiên, trong các tập bản đồ có thẩm quyền do Trung ương xuất bản, giới hạn phía nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay cả bản đồ phòng thủ biển, tương đương với bản đồ quân sự, cũng không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ mười ba, từ các phát hiện khảo cổ học, sự xuất hiện của thường dân Trung Quốc ở Hoàng Sa có lẽ có thể truy đến thời Tống. Nhưng những dấu tích đó có vẻ là nơi tạm trú cho người bị nạn trong các vụ đắm thuyền. Những ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa trong sách hướng dẫn đi biển bắt đầu xuất hiện từ thời Minh trở đi chỉ đơn thuần là những chỉ dẫn cho người đi biển cố tránh những nơi này. Sổ đi biển chép tay "Canh lộ bạ" của ngư dân có ghi Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng thời điểm xuất hiện sớm nhất của chúng vẫn chưa được xác định và chỉ có thể truy tới giữa thế kỉ 19 với bằng chứng thuyết phục. Xét tổng hợp từ khảo cổ và các ghi chép trong sách vở, có thể tin rằng ngư dân Trung Quốc đã đến Hoàng Sa vào thời nhà Minh và đến Trường Sa vào cuối thời Thanh. Tuy nhiên, hoạt động của ngư dân như vậy chỉ là cơ sở cho quyền ban đầu và không thể coi là xác lập chủ quyền.

Tóm lại, từ thời Tống đến đầu thời Thanh, sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc đối với biển Đông cho thấy một quá trình “lên đến đỉnh điểm rồi suy giảm”. Sau sự phát triển thương mại thời Tống, sự phát triển quân sự thời Nguyên (Mông Cổ) và sự phát triển chính trị thời kì đầu nhà Minh, ảnh hưởng của Trung Quốc ở biển Đông đạt đến đỉnh cao khi Trịnh Hoà thực hiện các chuyến đi Tây Dương vào thế kỉ 15. Sau đó, với lệnh cấm biển được áp đặt vào thời Minh và Thanh, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với biển Đông đã suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay cả ở thời kì đỉnh cao, biển Đông vẫn chưa thể trở thành một “ao nhà Trung Quốc”. Biển Đông vẫn là nơi các nước có thể tự do đi lại. Trong mấy thiên kỉ qua, Trung Quốc chưa bao giờ cai trị quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chưa gộp các đảo ở biển Đông vào khu vực hành chính của mình và không có bằng chứng về hoạt động mang tính nhà nước ở các đảo ở biển Đông. Người Trung Quốc có thể đã phát triển quần đảo Hoàng Sa sớm nhất và đến quần đảo Trường Sa vào cuối thời Thanh, nhưng họ chỉ giới hạn trong các hoạt động tư nhân của ngư dân và những hoạt động như vậy khó được coi là thể hiện ý chí quốc gia theo luật pháp quốc tế.

HẾT


[500]Lương Đình Tương, Việt hải quan chí, q. 21, Tục tu tứ khố toàn thư, tập 835, tr. 90.

[501]Sử liệu vị biên, tr. 68-70.

[502]Sử liệu vị biên, tr. 68.

[503]Sử liệu vị biên, tr. 69.

[504]Dương Thủ Kính, Nhiêu Quách Trật, Lịch Đại dữ địa duyên cách hiểm yếu đồ, bản Nhiêu Đông Hồ khắc vào năm Quang Tự thứ 5, 1879.

[505]Sử liệu vị biên, tr. 70.

[506]Chữ Thái นิราศพระยามหานุภาพไปเมืองจีน (Nirat Phraya Mahanuphap tới Trung Quốc), có thể tìm thấy bản gốc tiếng Thái ở https://grailert.files.wordpress.com. Bản dịch được trích dẫn tương ứng với các trang từ 3 đến trang 4, từ แล้วจากนั้นสองวันก็เห็นเขาจำเพราะทาง. Để hiểu được nguyên văn bài thơ, tác giả đã nhận được sự giúp đỡ từ một người bạn Thái Lan có bằng Tiến sĩ, xin bày tỏ lời cảm ơn.

[507]Trịnh Chiêu cống sứ nhập triều Trung Quốc kỉ hành thi dịch chú, Tự Diêu Nam, Hứa Ngọc dịch, Cổ đại Nam dương sử địa tùng khảo, Hương Cảng thương vụ ấn thư quán, tháng8/1958, bản 1, tr. 81.

[508]Trịnh Chiêu cống sứ nhập triều Trung Quốc kỉ hành thi dịch chú, Tự Diêu Nam, Hứa Ngọc dịch, Cổ đại nam dương sử địa tùng khảo,Hương Cảng thương vụ ấn thư quán, tháng 8/1958, bản 1, tr. 83, 89, 90. Dấu câu và phân đoạn theo đúng bản dịch gốc của bài thơ. Nhưng trong bài thơ gốc tiếng Thái lại không có dấu câu và phân đoạn như vậy. Trong bài thơ gốc tiếng Thái, cứ bốn câu là một đơn vị, bản dịch tiếng Trung này không tuân theo quy tắc chấm câu này, có chỗ dùng dấu phẩy dùng dấu chấm, có chỗ dùng dấu chấm hết dùng dấu phẩy.

[509]Hoàng Thịnh Chương, Nam Hải chư đảo lịch lai thị Trung Quốc lĩnh thổ đích lịch sử chứng cứ, Đông Nam văn hóa, 1996, số 4, kì 114,tr. 81-91.

[510]Câu gốc là เห็นสุดมุงหมอกมีดไม่เห็นหน. มีด chỉ màu đen, หมอก có nghĩa là sương mù.

[511]Lương Đình Tương, Việt hải quan chí, q. 21, Tục tu tứ khố toàn thư, q. 835, tr. 86.

[512]Hoàng Thịnh Chương, Nam Hải chư đảo lịch lai thị Trung Quốc lĩnh thổ đích lịch sử chứng cứ, Đông Nam văn hóa, 1996, số 4, kì 114,tr. 81-91.

[513]Câu gốc là ก็บ่ายข้ามตามบูรพาภาค, บ่าย có ý là xoay hướng.

[514]Hoàng Thịnh Chương, Nam Hải chư đảo lịch lai thị Trung Quốc lĩnh thổ đích lịch sử chứng cứ, Đông Nam văn hóa, 1996, số 4, kì 114,tr. 81-91.

[515]Trong bài thơ dịch “Có khách chỉ núi, nói là Lão Vạn Châu” có thể coi là miêu tả không liên quan ở một đoạn văn khác. Nhưng trong thơ Thái không có sự phân chia như vậy. Tác giả cho rằng “dãy núi” (山陬:sơn tưu) ở đây là những ngọn núi “liên tục” và “không dứt” ngay phía trên.

[516]Tống sử, Nhị vương bổn kỉ, “tháng 12, Bính Tí, Thị đi Tỉnh Áo, bão làm vỡ thuyền, suýt chết đuối, rồi bị bệnh. Hơn 10 ngày sau, binh lính bắt đầu tụ tập một ít, người chết 14. Đinh Sửu, Lưu Thâm truy đuổi đến biển Thất Châu, và bắt được Du Như Khuê. " " Tháng 3, Văn Thiên Tường chiếm Huệ Châu, và đô thống Quảng Châu Lăng Chấn, điều động phán quan Vương Đạo Phu đến Quảng Châu. Ông muốn sống ở Chiêm Thành nhưng không thành nên đành đóng quân ở Cương Châu, sai quân đánh chiếm Lôi Châu.” Quyển 108 “Tống sử kỉ sự bản mạt” “Nhị vương chi lập”: “Tháng 12 Bính Tí, hoàng đế đến Tỉnh Áo, bị gió bão mạnh, thuyền vỡ, hoàng đế kinh hoàng và ốm yếu, hơn 10 ngày sau, binh lính tụ tập một lúc, hơn một nửa số người chết, Lưu Thâm nhà Nguyên tấn công Tỉnh Áo, hoàng đế vội vã đến eo biển Tạ Nữ, ra biển trở lại, chạy đến biển Thất Lí, muốn đến Chiêm Thành nhưng không thành. Tháng 2 năm thứ 3, vua về lại Quảng Châu.” Biển Thất Lí ở đây và biển Thất Châu là một.

[517]Sử địa luận chứng, tr. 143.

[518]Xem Đàm Kì Tương, Tống Đoan Tông đáo quá đích Thất Châu dương khảo, Sử khảo chứng, tr. 9-20. Nguyên kinh thế đại điển có đề cập rằng nơi ở là "biển Thất Châu của Quảng Châu", trong Quảng Đông phương chí cũng cho rằng nơi Tống Đoan Tông đến ban đầu là biển Cửu Châu. Vì vậy, Đàm Kì Tương cho rằng đó là do Cửu (九) bị viết nhầm thành Thất (七) trong truyện.

[519]Nguyên sử, q. 217, Trảo Oa truyện, tr. 4664.

[520]Nguyên sử, q.162, Sử Bật truyện, tr.3802.

[521]Sử liệu vị biên, tr. 45.

[522]Điếu Ngư Đài thị thùy đích, tr. 9-24

[523]Nt, tr. 9-24, 44-56.

[524]Từ Hoằng, Trịnh Hòa hạ Tây Dương mục đích dữ tính chất nghiên cứu đích hồi cố, Đông Ngô lịch sử học báo, kì 16, (2006/12/01), tr. 25-51.

[525]Nt.

[526]Hướng Đạt, Chỉnh lí Trịnh Hòa hàng hải đồ tự ngôn, tr. 3-16. Từ Tây dương phiên quốc chí, Trịnh Hòa hàng hải đồ, Lưỡng chủng hải đạo châm kinh, Trung Hoa thư cục, 2000.

[527]Ngô Phụng Bân, Cổ địa đồ kí tái Nam Hải chư đảo chủ quyền vấn đề nghiên cứu, Địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 62

[528]Lí Kim Minh, Trịnh Hòa hàng hải đồ, Trung đích nam hải chư đảo, từ Trịnh Hòa dữ hải dương học thuật nghiên thảo hội luận văn tập. Xem thêm trang Hải cương http://www.haijiangzx.com/html/2012-03-01/page_41829_p1.html.

[529]Nt.

[530]Trần Trọng Ngọc, Luận Trung Quốc nhân hướng Nam Hải hải vực phát triển đích tứ cá giai đoạn, Quốc lập trung ương đồ thư quán đài loan phân quán quán san, q. 4, kì 4, tr. 85-98.

[531]Cương vực nghiên cứu, tr. 89.

[532]Bao Xuân Lỗi, Hoa Quang tiều I hào, nam tống trầm thuyền đích phát hiện dữ bảo hộ, Đại chúng khảo cổ, kì tháng 1/2014.

[533]Trang Nhân Dân, Tây Sa quần đảo 2015 niên thủy hạ khảo cổ khải động, 2015/04/13, http://culture.people.com.cn/BIG5/n/2015/0413/c172318-26837040.html.

[534]Vương Hằng Kiệt, Nam Sa quần đảo khảo cổ điều tra, Khảo cổ, 1997, kì 9.

[535]Cương vực nghiên cứu, tr. 90.

[536]Hứa Vĩnh Kiệt, Phạm Y Nhiên, Trung Quốc Nam Hải chư đảo khảo cổ thuật yếu, Giang Hán khảo cổ, tháng 1/2012, kì 122, tr. 40-47.

[537]Trang mạng Trung Quốc khảo cổ, Tây Sa quần đảo tân phát hiện 5 xứ thủy hạ văn vật di tồn, 2013/08/13, href="http://www.kaogu.net.cn/html/cn/kaoguyuandi/kaogusuibi/2013/1025/35511.html">http://www.kaogu.net.cn/html/cn/kaoguyuandi/kaogusuibi/2013/1025/35511.html.

[538]Hứa Vĩnh Kiệt, Phạm Y Nhiên, Trung Quốc Nam Hải chư đảo khảo cổ thuật yếu, Giang Hán khảo cổ, tháng 1/2012, kì 122, tr.

[539]Đạo Quang Vạn Châu chí, q. 3 Tam triều tịch phụ, 1958, bản sao Trung Sơn đồ thư quán, không đánh số trang.

[540]Cương vực nghiên cứu, tr. 88-89.

[541]Nt.

[542]Nt.

[543]Nt.

[544]Nt.

[545]Nt

[546]http://vn.mofcom.gov.cn/article/ddgk/zwfengsu/200902/20090206061531.shtml.

[547]Cương vực nghiên cứu, tr. 92-94.

[548]Nt.

[549]Nt.

[550]Nt.

[551]CFSCS, tr.9-30.

[552]Cát Triệu Quang, Hà Vi Trung Quốc, Hương Cảng, Ngưu Tân đại học xuất bản xã, 2014, tr. 5-10.

[553]CFSCS, tr.31-50.

[554]Minh sử, q. 222, Ân Chánh Mậu, Lăng Vân Dực.

[555]Nigel Cliff, Holy War: How Vasco da Gama's Epic Voyages Turned the Tide in a Centuries-old clash of civilizations, Harper, 2011, p.367-370.