Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 4)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png

被扭曲的南海史二十世紀前的南中國海黎蝸藤南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579

Chương 3 Biển Đông thời cận cổ (I) — Trung Quốc

Biển Đông cận cổ đại hình thành đại khái trong thời gian từ thế kỉ 10 đến giữa thế kỉ 19. Cùng với việc Việt Nam trở nên độc lập và hoạt động giao thông tích cực của Trung Quốc ở biển Đông, hiểu biết về biển Đông ngày càng sâu sắc hơn, lịch sử biển Đông vì thế cũng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, ý nghĩa chính xác của các tài liệu khác nhau và hiệu quả của chúng trong luật pháp quốc tế cần được xem xét kĩ lưỡng. Do số lượng sử liệu nhiều nên có thể phải chia thành hai chương, chương này tập trung thảo luận các tư liệu Trung Quốc, chương sau tập trung vào tư liệu Việt Nam, đồng thời bàn về Brunei và Philippines.

3.1 Trung Quốc và Việt Nam sau thế kỉ 10

1. Nhà Tống và Đại Việt, Chiêm Thành

Trước và sau khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc, nhà Lí đã thay thế nhà Đinh ở Việt Nam. Khi mới thành lập, nhà Lê bắt đầu đánh Tống ở phía Bắc và Chiêm Thành ở phía Nam. Trong trận Bạch Đằng năm 981, nhà Lê chống lại sự can thiệp của nhà Tống với danh nghĩa ủng hộ việc khôi phục nhà Đinh (Việt Nam gọi đây là cuộc kháng chiến chống Tống lần 1). Tuy nhiên, do đánh nhau quá nhiều, nhà Lê không tồn tại được lâu, chỉ sau 29 năm bị nhà Lí thay thế. Vào đầu triều đại Lí, để giành được lợi thế chính trị trước các đối thủ trong nước, Lí Thái Tổ đã cầu phong với hoàng đế nhà Tống. Nhưng điều này không có nghĩa là nhà Lí trở thành một nước chư hầu của nhà Tống. Nhà Lí đối với nhà Tống tương tự như Nam Việt đối với nhà Hán, với nhà Tống thì xưng là vua, nhưng ở trong nước thì xưng là hoàng đế. Cái gọi là cầu phong chỉ là một cử chỉ chính trị chứ không có ý nghĩa thật sự.

Nhà Lí là một triều đại có xu hướng khuếch trương quân sự trong đối ngoại, tuy được nhà Tống phong vua nhưng vẫn tiếp tục chống nhà Tống. Cuối thế kỉ 11, Tống và Việt nổ ra “Chiến tranh Hi Ninh” (1075-1077), mà Việt Nam gọi là “Kháng chiến chống Tống lần 2”. Nhà Lí phái tướng Lí Thường Kiệt "đánh phủ đầu" nhà Tống, chiếm Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu và các nơi khác ở tây nam Quảng Đông, cuối cùng hai bên làm hoà sau khi nhà Tống phản công. Sau khi nhà Tống kết thúc, ngay cả khi nhà Bắc Tống trở thành nhà Nam Tống, Trung Quốc và Việt Nam nói chung là hoà bình. Quốc hiệu ban đầu của nhà Lí là "Đại Việt", nhưng nhà Tống ra chiếu không chấp nhận mà phong làm "Giao Chỉ quận vương". Cho đến khoảng năm 1174, nhà Tống phong Lí Anh Tông làm "An Nam quốc vương". Từ đó, nước Việt Nam còn được gọi là An Nam. Nhà Lí không còn giữ thế thủ như Giao Chỉ trước khi độc lập mà tấn công Chiêm Thành. Năm 1044, vua Chiêm Thành bị giết, dẫn đến sự sụp đổ của vương triều thứ 8 của Chiêm Thành. Năm 1068, Lí Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm Thành và đã đánh bại quân Chiêm Thành trong một trận hải chiến, bắt được vua Chiêm thứ 9. Lúc bấy giờ, nhà Tống đã ưu đãi Chiêm Thành để kiềm chế Việt Nam. Trong Chiến tranh Hi Ninh, 3 nước Tống, Chiêm Thành và Chân Lạp liên minh chống lại nhà Lí, nhưng họ không đánh thắng được. Sau chiến tranh, Chiêm Thành lại bang giao tốt với nhà Lí, và nhà Tống cũng thay đổi thái độ ủng hộ Chiêm Thành.

Mối quan hệ giữa Tống - Chiêm đã trở nên xa cách, nhưng vẫn bình thường. Nhưng về sau, Chiêm Thành đã lấy lại được sức mạnh và đạt được sự cân bằng quyền lực trong cuộc đối đầu với Việt Nam. Vì vậy, trong thời kì này, ranh giới Giao Chỉ và Chiêm Thành không có nhiều thay đổi. Ngoài ra, còn có các cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa nhà Lí với Đại Lí, Chân Lạp và Ai Lao (Lào).

2. Người tộc Việt ở lại Trung Quốc

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, không phải tất cả người tộc Việt Nam đều chuyển đến Việt Nam. Không rõ số lượng người Việt còn ở lại Trung Quốc, nhưng nhìn chung, ngoài một số lượng không xác định người Việt bị người Hán đồng hóa, có hai nhánh hậu duệ tương đối rõ ràng của người Việt đã sống một cách độc đáo cho đến ngày nay. Một nhánh là người tộc Lê (黎) ở đảo Hải Nam. Nhánh còn lại là người Đản (疍) sống trên trên thuyền bè ở miền nam Trung Quốc, họ coi đó là nhà từ lâu đời, sống trôi nổi nổi trên sông biển và hoạt động trên mặt nước, Do sự khác biệt đáng kể về ngôn ngữ và thói quen sinh hoạt với người Hán, họ luôn bị coi là tiện dân. Mãi đến những năm 1930, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mới ban hành lệnh cấm phân biệt đối xử với người Đản. Sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, vào những năm 1950, trong quá trình xác định dân tộc, những người Đản sống trên sông nước được cho là đã mất đi mối liên hệ nội bộ và ý thức dân tộc, và đã bị “đồng hóa một cách tự nhiên” vào người Hán nên không xếp họ thành một dân tộc riêng mà được định danh là người Hán.[162] Sau đó, người Đản được sắp xếp bỏ thuyền lên bờ, và nhanh chóng bị Hán hóa. Ngoài ra, một số ít người Việt trở thành người Kinh ở Trung Quốc sau thế kỉ 19 do di cư và do phân định biên giới. Nhưng trong mọi trường hợp, số lượng con cháu của người tộc Việt ở Trung Quốc quá ít ỏi so với ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam, nước duy nhất có tộc Việt là sắc tộc chính, nên các quyền lịch sử của người Việt phải do họ kế thừa..

3. Vị trí lịch sử của Trung Quốc, Việt Nam và nhà Nguyên trong thời kì Mông Cổ chiếm đóng

Bắt đầu từ đầu thế kỉ 13, Mông Cổ trỗi dậy. Đại lục Á-Âu phải đối mặt với một kẻ thù mới. Trước khi Mông Cổ trỗi dậy, trên vùng đất thuộc Trung Quốc và bán đảo Đông Dương ngày nay về đại thể có các nước sau: nước Kim ở phía bắc Trung Quốc, Đại Hạ (Tây Hạ) ở phía tây bắc, Tây Liêu ở Tân Cương và Thổ Phiên ở cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, Đại Lí ở khu vực xung quanh Vân Nam, nhà Tống của Trung Quốc ở phía nam sông Hoài, Đại Việt ở phía bắc Việt Nam, Chiêm Thành ở phía nam Việt Nam. Sau khi Mông Cổ trỗi dậy, những khu vực này đều trở thành mục tiêu tấn công của Mông Cổ.

Vào nửa đầu thế kỉ 13, Tây Hạ, Tây Liêu và Kim đều bị Mông Cổ tiêu diệt. Thổ Phiên bị Mông Cổ chiếm năm 1246. Năm 1254, Mông Cổ chinh phục Đại Lí qua Tây Khương, và kể từ đó giáp giới với Đại Việt. Cuộc tấn công của Mông Cổ vào Đại Lí đã khiến người Thái ở Đại Lí di cư về phía nam của, gây áp lực rất lớn lên vương quốc Cao Miên. Cuối cùng, người Thái thiết lập được quyền lực chính trị ở Thái Lan, và người Cao Miên dời đô về phía nam đến Phnom Penh trở lại.

Nhà Lí của Đại Việt bị nhà Trần (1225-1400) thay thế vào năm 1225. Năm 1257, quân Mông Cổ đánh Việt Nam lần thứ nhất. Mông Cổ từng chiếm đóng kinh đô của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông (thái tử lúc bấy giờ), Việt Nam đã thành công trong việc chống lại quân Mông Cổ, cuối cùng xin làm chư hầu để đổi lấy việc Mông Cổ rút khỏi Việt Nam.

Sau khi bị thua trước Việt Nam, quân Mông Cổ dốc toàn lực quay sang đánh Trung Quốc, sau một thời gian dài đánh nhau, họ đã chiếm được kinh đô của nhà Tống năm 1276 và cuối cùng đánh bại quân kháng chiến của nhà Tống vào năm 1279. Trung Quốc lần đầu tiên bị khuất phục. Khi nhà Tống suy tàn, hoàng đế nhà Tống muốn lánh nạn ở Chiêm Thành nhưng không thành.

Sau khi chinh phục Trung Quốc, Mông Cổ lại xâm lược Đại Việt vào năm 1284. Đồng thời, chia lực lượng tấn công Chiêm Thành bằng đường bộ và đường biển. Đại Việt và Chiêm Thành gác lại ân oán, hợp sức chống lại quân Mông Cổ, đánh tan quân Mông Cổ. Năm 1287, quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ ba nhưng vẫn thất bại. Ngay từ đầu, Mông Cổ hài lòng với mối quan hệ chư hầu hời hợt giữa Đại Việt và Chiêm Thành, không có những cuộc tấn công quy mô lớn. Việt Nam trở thành một trong số ít nước ở lục địa đẩy lùi được quân Mông Cổ. Sau cuộc xâm lược An Nam không thành, người Mông Cổ tiếp tục đánh Trảo Oa (Java) vào năm 1292, nhưng cũng tay không quay về.

Trung Quốc được gọi là nhà Nguyên trong thời kì Mông Cổ chiếm đóng, và vị trí của nhà Nguyên đang gây ra tranh cãi giữa các nhà sử học. Một bên cho rằng nhà Nguyên là triều đại chính thống của Trung Quốc, trong khi bên kia cho rằng nhà Nguyên là thời đại Trung Quốc bị đô hộ. Tác giả nghiêng về quan điểm thứ hai vì những lí do sau:

Trước hết, nhà Nguyên là một nước do người Mông Cổ thành lập, khi Thành Cát Tư Hãn lập quốc, Mông Cổ lúc bấy giờ chưa có quan hệ trực tiếp với Trung Quốc (thời Nam Tống). Trong quá trình bành trướng của Mông Cổ, các triều đại Tây Liêu, Tấn, Tây Hạ và Tống lần lượt bị Mông Cổ thôn tính. Trước khi Mông Cổ bị chia cắt, ảnh hưởng của nó đã lan đến châu Âu, Trung Á và Tây Á, bao gồm cả Tây Tạng và Đại Lí, những nước chưa từng là một phần của Trung Quốc. Ngay cả sau khi Đế chế Mông Cổ bị chia cắt, Nguyên Mông bao phủ nhiều đất đai hơn "Trung Quốc" ban đầu. Ngoài các vùng đất của Tây Hạ, Kim và Nam Tống ban đầu, nó còn bao gồm cả Mông Cổ, Tây Tạng, Đại Lí, Lĩnh Bắc và bắc Triều Tiên. Sau khi nhà Nam Tống diệt vong, họ lại chiếm đóng Đại Việt, Chiêm Thành và Bồ Cam (Bắc Miến Điện) trong một thời gian ngắn, đồng thời cũng vượt biển đánh Nhật Bản và Java. Qua đó có thể thấy rằng Trung Quốc chỉ là một bộ phận, mặc dù rất quan trọng, trong toàn bộ quá trình bành trướng của người Mông Cổ.

Thứ hai, trong hệ thống đế quốc Mông Cổ, hoàng đế nhà Nguyên được gọi là Đại Hãn và được coi là người kế vị Thành Cát Tư Hãn. Trên danh nghĩa, ông là tông chủ của một số hãn quốc khác. Xét theo quy mô của đế chế, danh hiệu Đại Hãn cao hơn so với hoàng đế nhà Nguyên. Sau khi Chu Nguyên Chương xâm lược Đại Đô, nhà Nguyên không kết thúc mà tiếp tục cai trị ở Mạc Bắc, Mông Cổ. Mặc dù được gọi là "Bắc Nguyên" trong sử liệu Trung Quốc, nhưng cả quốc hiệu và hệ thống luật pháp của họ đều không bị gián đoạn.

Thứ ba, người Hán bị xếp ở hàng thứ ba và thứ tư thấp nhất trong hệ thống phân cấp sắc tộc của nhà Nguyên. Người Hán không được kết hôn với người Mông Cổ. Người Mông Cổ cùng với người Sắc Mục chủ yếu gồm người Hồi, người Tây Tạng chiếm địa vị thống trị. Người Hán là một tầng lớp bị áp bức và hút máu cả về chính trị và kinh tế. Xét từ các đặc điểm khác nhau, vào thời Nguyên, Trung Quốc chỉ là một lãnh thổ bị Mông Cổ chinh phục, và địa vị của nó thậm chí còn thấp hơn các khu vực khác đã bị chinh phục trước đó.

Ngay cả trong khía cạnh văn hóa mà Trung Quốc tự hào, triều đại nhà Nguyên là một sự đảo lộn. Về mặt văn hóa, người Mông Cổ không bị Hán hóa như những người Nữ Chân trước họ và người Mãn Châu sau này. Trong khi lưu giữ văn hóa Mông Cổ, họ cũng tích cực du nhập văn hóa Trung và Tây Á, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng. Chế độ thi cử đã bị bãi bỏ trong một thời gian dài. Ảnh hưởng của Nho giáo suy yếu. Thơ văn truyền thống nhường chỗ cho Nguyên Khúc mới nổi. Cái gọi là "sau Nhai Sơn không có Trung Quốc" thể hiện chính xác sự suy tàn của văn hóa truyền thống Trung Quốc trong triều đại nhà Nguyên.

Tất nhiên, điểm quan trọng nhất là người Mông Cổ không hoàn toàn trở thành một phần của Trung Quốc như người Mãn Châu, mà có quốc gia độc lập của riêng họ. Sau khi Mông Cổ giành độc lập vào năm 1945, Mông Cổ được coi là Đế quốc Mông Cổ chính thống. Là một phần của Đế quốc Mông Cổ, nhà Nguyên đương nhiên cũng được coi là một phần của lịch sử Mông Cổ.

Nếu lấy những nguyên tắc trên đây để so sánh Nam Việt với Việt Nam, nhà Thanh với Trung Quốc, và nhà Nguyên với Trung Quốc, thì tính chất thực dân của ba nước này theo thứ tự từ yếu đến mạnh: Nam Việt - Thanh - Nguyên. Theo tác giả, có thể vạch ra một ranh giới giữa nhà Thanh và nhà Nguyên: nhà Thanh có thể được coi là triều đại chính thống của Trung Quốc, trong khi nhà Nguyên có thể được coi là thời kì mà Trung Quốc bị chinh phục.

4. Nhà Minh và thời kì Trung Quốc đô hộ lần 4

Người Mông Cổ bị nhà Minh do quân kháng chiến lập nên, đánh đuổi khỏi Bắc Kinh vào năm 1368. Nhà Minh cũng chiếm Vân Nam, vốn không phải là một phần của Trung Quốc nhưng đã được Mông Cổ sáp nhập vào. Kể từ đó, Vân Nam cũng trở thành một phần của Trung Quốc.

Ở Việt Nam, sự cai trị của nhà Trần bị gián đoạn bởi tình trạng nội loạn vào năm 1400, với sự xuất hiện của nhà Hồ trong một thời gian ngắn. Năm 1407, nhà Minh lợi dụng tình hình Việt Nam bất ổn, Minh Thành Tổ phái 50 vạn quân sang đánh chiếm Việt Nam, mở đầu thời kì đô hộ lần 4 của Trung Quốc. Thời kì đô hộ lần 4 của Trung Quốc về cơ bản có thể coi là thời kì xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam. Sự xâm lược như vậy không hợp lòng người và cũng không ổn định, và triều đại nhà Minh buộc phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1428 chỉ sau 20 năm cai trị. Lê Lợi, thủ lĩnh quân khởi nghĩa, lập nên nhà Lê. Kể từ đó, Việt Nam mãi mãi tách rời khỏi Trung Quốc. Những năm sau đó, dù có thay đổi triều đại, nhưng phần lớn thời gian, Việt Nam đều lệ thuộc Trung Quốc với tư cách một nước chư hầu. Nhưng đó chủ yếu là một động thái nghi thức để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược, và Việt Nam vẫn hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, cuộc xâm lược Việt Nam của nhà Minh cũng dẫn đến việc cướp bóc và thiêu hủy một số lượng lớn sách Việt Nam trong chiến tranh, dẫn đến sự thất thoát lớn về sử liệu trước đó của Việt Nam.

5. Việt Nam thôn tính Chiêm Thành và thâu tóm đàng Trong

Sau khi Đại Việt thành lập, chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành vẫn tiếp diễn. Đại Việt nói chung có ưu thế, nhiều lần buộc Chiêm Thành phải thần phục từ thế kỉ 10 đến thế kỉ 14. Khi nhà Minh sắp diệt xong nhà Hồ, Chiêm Thành nhân cơ hội tiến lên phía bắc và giành lại đất đai đã bị Đại Việt chiếm đóng. Nhưng sau khi giành lại độc lập từ tay nhà Minh, Đại Việt bắt đầu mở các cuộc tấn công liên tục vào Chiêm Thành.

Năm 1470, Đại Việt mở cuộc tấn công tàn khốc, chiếm kinh đô Chiêm Thành và bắt vua Chiêm Thành. Hầu hết đất đai của Chiêm Thành đã được sáp nhập vào Việt Nam, chỉ còn lại một vùng nhỏ từ mũi Đại Lãnh (Cape Varella) đến Nha Trang là khu tự trị của Chiêm Thành, trở thành xứ bảo hộ của Đại Việt. Cho đến nay, Chiêm Thành về cơ bản đã bị Đại Việt thôn tính. Một số lớn người Chăm chạy ra nước ngoài, một số chạy sang Sumatra và thành lập Vương quốc Hồi giáo Aceh, số còn lại chạy sang Malacca và nhiều người Chăm chạy sang Cao Miên (Giản Phố Trại: Campuchia) và Lào.

Năm 1527, Việt Nam chia đôi, bước vào thời kì Nam Bắc triều. Phía bắc do họ Mạc cai trị, lập ra nhà Mạc; phía Nam do họ Trịnh nhân danh phò vua Lê cai trị. Sau nhiều năm chiến tranh, năm 1592 họ Trịnh tấn công nhà Mạc. Con cháu nhà Mạc chỉ có thể duy trì một chính quyền nhỏ ở biên giới phía bắc Việt Nam với việc bám vào nhà Minh và nhà Thanh. Chúa Trịnh về cơ bản đã thống nhất Việt Nam, trên danh nghĩa là khôi phục nhà Lê nhưng thực chất vua chỉ là bù nhìn của chúa Trịnh, có địa vị giống như thiên hoàng Nhật dưới chế độ Mạc phủ. Tuy nhiên, Chúa Trịnh ngay lập tức phải đối mặt với một thách thức khác từ đối thủ của mình.

Chúa Nguyễn và chúa Trịnh đều thuộc hai đại gia tộc ủng hộ nhà Lê phía nam, nhưng quyền lực luôn bị chúa Trịnh khống chế và chúa Nguyễn chỉ có thể dùng Quảng Nam ở phía nam làm căn cứ phát triển. Để có được năng lực chống lại chúa Trịnh, Chúa Nguyễn đã ủng hộ chế độ Chiêm Thành và kết hôn với Chân Lạp, và do đó Chiêm Thành có cơ hội hồi sinh. Hai thế lực chúa Nguyễn và chúa Trịnh chính thức quay lưng lại với nhau vào năm 1627. Chúa Trịnh ở phía bắc và chúa Nguyễn ở phía nam. Bắc và Nam lại đối đầu với nhau trong cuộc chiến kéo dài 50 năm. Mãi đến năm 1673, dưới sự trung gian của nhà Thanh, hai bên mới ngừng đánh nhau. Năm 1677, chúa Trịnh đánh bại chính quyền họ Mạc ở Cao Bằng và thống nhất miền bắc. Năm 1692, chúa Nguyễn đã phát động một cuộc chiến chống lại Chiêm Thành, và cuối cùng thôn tính Chiêm Thành vào năm 1712, người tộc Chăm chỉ còn cái tên trên danh nghĩa. Vị vua cuối cùng của Chiêm Thành dẫn một số lớn thần dân chạy sang Campuchia. Thông qua di dân và chiến tranh với Cao Miên (Chân Lạp, tức Campuchia). chúa Nguyễn chiếm vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn của người Cao Miên, thu được vùng đất ngày nay gọi là Nam Kì, và thiết lập biên giới phía nam Việt Nam ngày nay. Kể từ đó, Cao Miên không còn liên hệ gì với biển Đông.

Năm 1771, ba anh em họ Nguyễn ở miền Trung (thuộc vùng đất phía Nam của chúa Nguyễn) phát động cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Lật đổ nhà Nguyễn năm 1777, tiến ra bắc đánh dẹp họ Trịnh năm 1787, thống nhất Việt Nam, lập ra triều đại Tây Sơn, chấm dứt triều đại Hậu Lê trên danh nghĩa. Thời kì tốt đẹp của triều đại Tây Sơn không kéo dài lâu, và ấu chúa Nguyễn An (Nguyễn Phúc Ánh) của chúa Nguyễn đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Việt. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của người Pháp, ông đã đánh bại nhà Tây Sơn vào năm 1802, lập ra nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam và lên ngôi trở thành hoàng đế Gia Long.

6. Nhà Thanh thay thế nhà Minh

Cuối thế kỉ 16, Mãn Châu nổi lên ở Đông Bắc Trung Quốc. Vào đầu thế kỉ 17, nhà Minh bị kẹt giữa hai chiến tuyến là cuộc bạo loạn vũ trang trong nước và sự xâm lược của người Mãn Châu, và cuối cùng bị chính quyền Đại Thuận của Lí Tự Thành tiêu diệt vào năm 1644. Nhà Thanh đã tận dụng cơ hội này để tiến vào, và trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, đã tiêu diệt chính quyền Nam Minh và các nhóm vũ trang khác, thống nhất Trung Quốc.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhà Thanh gần với triều đại chính thống của Trung Quốc hơn là nhà Nguyên. Trước khi trỗi dậy, Mãn Châu đã được nhà Minh sách phong và sai khiến và về cơ bản có thể được coi là một nước chư hầu của nhà Minh. Mặc dù trong thời lập quốc có xảy ra các vụ tàn sát người Hán, nhưng ngay sau đó, nhà cầm quyền đã đưa ra chính sách Mãn - Hán một nhà. Mặc dù các lợi ích chính trị vẫn nghiêng về người Mãn, và về mặt phong tục, người Mãn đã ép buộc người Hán phải theo kiểu tóc và trang phục của họ, nhưng về mặt văn hóa, người Mãn đã nhanh chóng bị Hán hóa. Vào cuối triều đại nhà Thanh, thậm chí không có nhiều người nói tiếng Mãn và viết được chữ Mãn. Về thể chế, nhà Mãn Thanh tuân theo luật Hán, tôn trọng Nho giáo và thi cử. Quan trọng nhất, sau khi nhà Thanh sụp đổ, người Mãn đã hoàn toàn hoà nhập vào người Hán và không giữ lại đất nước của mình. Mặc dù nước Mãn Châu được thành lập một thời gian ngắn sau đó, nhưng đã sớm đã tái hợp nhất vào Trung Quốc. Theo các tiêu chuẩn khác nhau, bản chất của nhà Thanh, đặc biệt là nhà Thanh giai đoạn cuối, về cơ bản khác với nhà Nguyên, vì vậy, tác giả cho rằng mối quan hệ giữa nhà Thanh và nhà Minh là mối quan hệ thay thế lẫn nhau, về cơ bản khác với quan hệ Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống.

Từ thời Tống, Việt Nam đã là một nước độc lập, đến thời Minh, Việt Nam bị Trung Quốc thôn tính 21 năm, rồi lại độc lập. Vì vậy, trong gần 900 năm, chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản là độc lập. Do đó, về mặt kế thừa chủ quyền, Trung Quốc và Việt Nam không có tình trạng không rõ ràng như trước thời Tống.

3.2 Giao thông ở biển Đông cổ đại sau thời Tống

1. Sự phát triển của nhà Tống và nhà Nguyên

Kể từ thời Tống, ngành hàng hải của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc. Có một số lí do cho điều này:[163]

Thứ nhất, giao thương đường bộ của nhà Tống đã bị chặn. Nhà Tống ngay từ khi thành lập đã không kiểm soát hành lang Hà Tây ở phía tây bắc (do Tây Hạ kiểm soát), sau khi nhà Nam Tống thành lập, nhà Tống rút về khu vực sông Hoài, không còn có biên giới chung với Tây Hạ, và bị chia cắt bởi nước Kim. Vì vậy, thời nhà Tống Con đường tơ lụa tới phương Tây về cơ bản đã bị cắt đứt, chỉ còn có thể giao thương với phương Tây bằng đường biển. Đồng thời, nhà Tống, thậm chí cả Nam Tống, tiếp tục có các hải cảng quan trọng ven biển vốn đã phát triển từ thời Hán, thuận lợi cho việc buôn bán với nước ngoài.

Thứ hai, do hệ thống quan lại và quân đội cồng kềnh, chi tiêu chính phủ của nhà Tống rất lớn, và tăng thu ngân sách là vấn đề cấp bách nhất mà các chính phủ kế tiếp phải đối mặt. Thu thuế mua bán thông qua giao thương đường biển trở thành nguồn thu nhập không thể thiếu của chính quyền nhà Tống.

Thứ ba, kinh tế thời Tống thịnh đạt, thủ công nghiệp phát triển, nhất là đồ sứ và lụa. Nhà Tống cần thị trường nước ngoài, và nước ngoài cũng cần hàng hóa của nhà Tống, do đó tỉ trọng giao thương nước ngoài tăng lên.

Cuối cùng, nhà Tống đã có một bước phát triển đột phá trong kĩ thuật hàng hải và công nghệ đóng tàu. Thân tàu lớn hơn so với thời Đường, và tất nhiên phát minh nổi bật nhất là la bàn. Trong những chuyến đi biển trước đây, thuyền viên có thể phán đoán phương hướng qua các thiên thể. Sau khi phát minh ra la bàn, người ta có thể phán đoán phương hướng suốt ngày đêm mà không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.

Việc khuyến khích hàng hải của nhà Tống có thể được minh họa bằng hai ví dụ:

Thứ nhất, vào đầu nhà Tống, chính quyền nhà Tống “cử 8 quan trong nội phủ, mang theo vàng và lụa, chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm đi đến các nước phiên thuộc ở phía nam biển để biếu tặng và gạ gẫm mua các loại hương liệu, sừng tê, ngà voi, ngọc trai và long não."[164]

Đây là hoạt động thu hút đầu tư và mua sắm quy mô lớn ở nước ngoài đầu tiên do chính phủ tổ chức trong lịch sử Trung Quốc, chắc chắn đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại đường biển giữa Trung Quốc và nước ngoài.

Thứ hai, để quản lí giao thương đường biển, nhà Tống đã thành lập các ti Thị Bạc (sở quản lí thuyền buôn) ở Hàng Châu, Minh Châu và Tuyền Châu, điều đó có nghĩa là các thương cảng biển Đông được mở rộng hơn nữa từ Quảng Châu đến bờ biển Phúc Kiến và Chiết Giang. Có tới 9 thương cảng vào thời Tống. Đến thời Tống, sách về địa lí hải ngoại phong phú hơn trước rất nhiều. Tiêu biểu nhất là "Lĩnh ngoại đại đáp" của Chu Khứ Phi và “Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát. Hai cuốn sách này sẽ được thảo luận chi tiết sau. Có đến hàng chục nước phiên được ghi chép trong hai cuốn này, cùng những ghi chép về bán đảo Ả Rập và Bắc Phi đặc biệt quý giá. Những ghi chép về Philippines cũng bắt đầu xuất hiện vào thời Tống, cho thấy giao thương ở biển Đông đã đến phần phía đông của biển Đông.[165]

Khác với thực tế là thương mại ở biển Đông do người nước ngoài kiểm soát vào thời Đường, người Trung Quốc thời Tống đã tham gia vào việc hàng hải ở biển Đông với số lượng lớn. Vào thời Tống, giao thông ở biển Đông ban đầu do người Ả Rập kiểm soát, dần dần phát triển thành sự kiểm soát chung của người Ả Rập và người Tống. Tàu thuyền của các nước phiên vẫn chiếm một vị trí quan trọng, nhưng tàu thuyền nhà Đường cũng đã đạt được vị trí đối thủ.

Có một số lượng lớn người nước ngoài đến Trung Quốc định cư vào thời Tống. Lượng khách nước ngoài tập trung tại Quảng Châu đông đến mức chính quyền Quảng Châu phải ra lệnh cấm người nước ngoài mua nhà đất với số lượng lớn tại Quảng Châu. Tuyền Châu còn là nơi “thương nhân nước ngoài lẫn lộn trong dân”. Hầu hết khách nước ngoài là những nhà hàng hải ngắn hạn và thương nhân, vì vậy họ thường sống gần bến cảng. Nhưng cũng có nhiều du khách nước ngoài ở lại Trung Quốc trong một thời gian dài. Theo sử liệu, có rất nhiều doanh nhân nước ngoài nổi tiếng đã ở lại Trung Quốc, chẳng hạn như Tân Áp Đà La (Simabdhara) người Ả Rập, một doanh nhân lớn đã sống ở Quảng Châu vài chục năm. Một số khách nước ngoài thậm chí còn giữ các chức vụ quan trọng, chẳng hạn như Bồ Thọ Canh, một người Chiêm Thành sống ở Tuyền Châu, [166] từng phụ trách ti Thị bạc ở Tuyền Châu.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của giai đoạn này là số lượng người di cư từ Trung Quốc đã tăng lên đáng kể so với trước. Ở nước ngoài, cụm từ "người Đường" (唐人: Đường nhân) xuất hiện và nó vẫn tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay. Việc di cư ra nước ngoài vào thời Tống là vì lí do kinh tế và chính trị. Khi nhà Nam Tống sụp đổ, có một đợt di cư quy mô lớn của người Trung Quốc đến Đông Nam Á (chủ yếu là bán đảo Đông Dương và các đảo của Indonesia).

Vào giữa và cuối triều đại Nam Tống, cướp biển ngày càng lộng hành, giao thương ở biển Đông trong một thời gian giảm sút. Nhưng vào thời Nguyên, giao thương ở biển Đông phát triển hơn nữa. Đế quốc Mông Cổ cai trị một vùng rộng lớn. Bản thân nhà Nguyên là một nước do người Mông Cổ cai trị, một số lượng lớn người Tây vực đã tham gia vào chính quyền và công việc thương mại ở Trung Quốc, và sự giao lưu giữa các dân tộc đã sâu sắc hơn bất kì thời kì nào trước đó. Nhà Nguyên cũng luôn khuyến khích giao thương với nước ngoài, và quy mô giao thương biển Đông thậm chí còn vượt qua cả thời Tống. Ở Trung Quốc, số lượng và sự phân bố của khách nước ngoài đã vượt qua thời Tống. Đồng thời, có nhiều người Hán định cư ở nước ngoài hơn trước. Lúc này, với sự suy tàn của đế quốc Ả Rập (bị Mông Cổ tiêu diệt), có thể tàu thuyền Trung Quốc đã giành được ưu thế tuyệt đối trong giao thương biển Đông.[167]

Trong các triều đại Tống và Nguyên, phạm vi giao thông ở biển Đông đã được mở rộng rất nhiều. Thay đổi đáng chú ý nhất là bờ biển phía đông và nam biển Đông - Philippines và Brunei - cũng đã tham gia vào mạng lưới giao thông biển Đông. Trong Chư phiên chí thời Nam Tống, những cái tên như Tam Tự (Philippines), Bột Nê (Brunei), và Ma Dật (Mindaro) lần đầu tiên xuất hiện. "Đảo di chí lược" của Uông Đại Uyên là cuốn sách đầu tiên về địa lí hải ngoại dựa trên những gì người Trung Quốc nghe thấy khi đi du lịch bằng đường biển để viết (các tác phẩm của triều đại nhà Tống về địa lí hải ngoại đã được viết theo lời kể của người nước ngoài), đề cập đến nhiều quốc gia hơn hai tác phẩm của nhà Tống, và đã có những ghi chép đáng tin cậy về quần đảo Trường Sa trong cuốn sách. Điều đáng nói là chính sự phát triển của các tuyến hàng hải dọc theo bờ biển phía đông và phía nam của biển Đông đã giúp tàu bè có thể đi qua vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa hoặc bị gió thổi đến quần đảo này, làm cho việc khám phá quần đảo Trường Sa trở nên khả thi. Trong Chư phiên chí, đã có tuyến đường từ Tuyền Châu, Trung Quốc đến Đài Loan, rồi đến Luzon.[168] Tuy nhiên, trong thời Tống và thời Nguyên, từ Brunei đến Trung Quốc, dường như trước hết phải đi đường vòng đến Chiêm Thành, hoặc đến Java, rồi sau đó đi theo tuyến đường biển truyền thống, và có thể chỉ sau thời Minh mới từ Brunei đi thẳng đến Trung Quốc.[169]

Hình 8 Giao thông trên biển Đông thời Tống và Nguyên, vẽ theo "Ngã quốc cổ đại đích hải thượng giao thông” (Giao thông hàng hải thời cổ nước ta) của Chương Tốn

2. Bước ngoặt thời nhà Minh

Triều đại nhà Minh đánh dấu bước ngoặt của ngành hàng hải Trung Quốc từ thịnh sang suy. Vì Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cần các nước công nhận tính hợp pháp của mình, ông đã cử một số lượng lớn sứ giả ra nước ngoài để yêu cầu nước ngoài chấp nhận "sách phong" của ông. Điều này đã thiết lập khuôn khổ của "hệ thống thiên tử-chư hầu" trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Kết quả là các nước ở biển Đông trở thành “phiên thuộc” của nhà Minh. Nhưng hầu hết các nước "phiên thuộc" này không thật sự là chư hầu của Trung Quốc, mà chỉ đơn thuần là sự thừa nhận sức mạnh của Trung Quốc, và thậm chí sau này đó là cách duy nhất để được giao thương với Trung Quốc. Vì Chu Nguyên Chương sợ rằng tàn dư của Trương Sĩ Thành và Phương Quốc Trân sẽ thông đồng với người Nhật để xâm lược (tức là bọn cướp người Nhật thời kì đầu), nhà Minh đã sớm bắt đầu áp đặt lệnh cấm biển [海禁:hải cấm]. Năm 1371, Chu Nguyên Chương ra lệnh cấm các hộ thuyền ven biển kết nhóm ra khơi khi chưa được phép. Sau đó, ông lại ban lệnh cấm mọi hoạt động đi biển, kể cả đánh cá và nói: "Trẩm thấy rằng các tuyến đường biển có thể thông với nước ngoài, vì vậy đã cố cấm việc đi lại." Ti Thị Bạc cũng bị Chu Nguyên Chương loại bỏ. Lệnh cấm biển của Chu Nguyên Chương lên đến đỉnh điểm vào năm 1394. Ngoài việc "nghiêm cấm giao thông sang các ​​nước phiên bên ngoài" một lần nữa, ông còn "cấm sử dụng hương liệu và hàng hóa các nước phiên trong dân chúng."[170] Trong thời kì này, ít nhất ở cấp độ chính thức, tàu thuyền Trung Quốc không được phép đi giao thương trên biển và chỉ có các nước Lưu Cầu (Ryukyu), Chiêm Thành, Chân Lạp và Xiêm La (Thái Lan) là được cho phép buôn bán với Trung Quốc. Vị thế thương mại của Trung Quốc ở biển Đông đương nhiên giảm sút đáng kể. Mặc dù trên thực tế, lệnh cấm biển không thể triệt để và một số lượng đáng kể tàu thuyền tư nhân đã chuyển từ buôn bán chính thức sang buôn lậu, nhưng quy mô không thể so sánh với giao thương nước ngoài do các quan chức nhà Tống và Nguyên khởi xướng.

Sau khi Chu Đệ tức là hoàng đế Vĩnh Lạc lên nắm quyền, nhà Minh tiếp tục cấm người dân ra biển buôn bán, nhưng lại nối lại giao thương triều cống với nước ngoài. Chu Đệ cử Trịnh Hoà bắt đầu một chuyến đi chưa từng có đến Tây Dương. Trịnh Hoà đã thực hiện 7 chuyến đi đến Tây Dương (1405-1433) trong khoảng thời gian 30 năm, đi đến hàng chục nước và đến tận Đông Phi, một quy mô chưa từng có. Các ghi chép ban đầu về các chuyến đi của Trịnh Hoà đã bị thất lạc và hành trình của ông không được ghi lại trong chính sử, nhưng 3 tác phẩm do những người theo ông viết và một phần hải đồ (xem 3.10.3) vẫn có thể được sử dụng để tái tạo lại hành trình của ông cho hậu thế.

Chuyến đi của Trịnh Hoà đến Tây Dương đã đánh dấu thời huy hoàng của ngành hàng hải Trung Quốc. Không may là ngay cả vào thời Trịnh Hoà, nhà Minh đã cấm thuyền buôn tư nhân ra khơi. Khi hành động chính thức quy mô to lớn này phải dừng lại do chi phí quá lớn (và một phần do bệnh tật và cái chết của Trịnh Hoà ngay sau chuyến đi thứ 7), không có hoàng đế nào có thể thúc đẩy thực hiện một chuyến đi như vậy.

Nhà Minh quay trở lại thời suy thoái hàng hải. Gánh nặng của giao thương triều cống đối với triều đình trung ương là rất lớn (theo thông lệ, Trung Quốc thưởng lại cho "người triều cống" một món quà gấp nhiều lần giá trị của cống phẩm). Đến đầu thế kỉ 16, dưới triều Hoằng Trị, việc này gần như không bền vững và tần suất giao dịch triều cống giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước có nhu cầu đối với hàng hóa của nhau và giao dịch triều cống đang dần suy giảm không thể đáp ứng những nhu cầu đó. Về mặt pháp lí, người Trung Quốc và người nước ngoài không được phép buôn bán tư nhân trên biển, điều này đã làm nảy sinh nạn buôn lậu bất hợp pháp. Lệnh cấm biển được nới lỏng vào đầu thế kỉ 16 để làm chậm lại nạn buôn lậu, nhưng người Bồ Đào Nha ép phải được giao thương (1517). Điều này đã làm dấy lên sự phản đối của nhiều quan lại nên nhà Minh ra lệnh cấm biển trở lại, hai lần ra lệnh tịch thu, tháo bỏ toàn bộ số tàu biển đôi. Cuối thời Gia Tĩnh, lệnh cấm biển càng nghiêm ngặt hơn.

Thương nhân tư nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành kẻ buôn lậu lần nữa. Những kẻ buôn lậu này kết hợp với cướp biển đã trở thành cướp biển Nhật thế kỉ 16, tức cướp biển Nhật giai đoạn sau hay còn gọi là cướp biển Nhật thời Gia Tĩnh. Có nhiều nguyên nhân hình thành cướp biển Nhật giai đoạn sau, [171] trong đó quan trọng nhất là vào những năm 1520, Bồ Đào Nha đến phương Đông và bắt đầu giao dịch buôn lậu ba bên với Trung Quốc và Nhật Bản. Vào những năm 1530, Nhật Bản đã đưa ra một phương pháp đúc bạc mới (thổi tro), giúp tăng sản lượng bạc lên rất nhiều và có sức mua rất lớn. Vào giữa thế kỉ 16, thương mại Trung-Bồ đã được thiết lập tốt và có quy mô lớn. Các thương nhân thu lợi rất nhiều từ loại hình thương mại này. Nhưng mặt khác, nhà Minh tiếp tục áp dụng lệnh cấm biển nghiêm ngặt trong thời gian dài, gây trở ngại nghiêm trọng cho loại buôn bán này. Điều này khiến các thương nhân Trung Quốc chấp nhận rủi ro sử dụng buôn lậu làm phương thức buôn bán chính. Từ thương nhân họ chuyển thành buôn lậu và cướp biển, hoặc cả hai, và đóng vai trò quan trọng nhất trong nhóm cầm đầu cướp biển Nhật. Các thủ lĩnh chính của cướp biển Nhật thời Gia Tĩnh đều là người Trung Quốc dù cơ sở của họ đóng tại Nhật Bản, nổi tiếng nhất là Vương Trực (còn được gọi là Uông Trực). Ông là thủ lĩnh của một nhóm thương nhân biển có vũ trang quy mô lớn ở Đông Á vào thời điểm đó, và ông đã nhận lời mời của lãnh chúa Matsura Takanobu, đến đặt căn cứ trên đảo Hondo (tỉnh Nagasaki) thuộc vùng Hizenkoku ở vùng biển bên ngoài Kyushu, để tham gia vào thương mại trên biển và cướp biển, cũng như hợp nhất với các tập đoàn cướp biển Trung Quốc khác. Vào thời điểm đó, "không tên cướp biển nào có thể sống sót trừ khi nằm dưới sự kiểm soát của [vua (vương)] Trực". Có thể thấy rằng người Trung Quốc, chẳng hạn như Vương Trực là những người điều khiển cướp biển Nhật.

Thành phần chủ yếu của cướp biển Nhật là cư dân ven biển Trung Quốc và những nông dân Nhật bị phá sản và những người lang thang. Cư dân ven biển Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến của Trung Quốc, dựa vào biển để sống đã bị cắt đường mưu sinh dưới lệnh cấm biển nghiêm ngặt và kéo dài của Trung Quốc, đã tham gia buôn lậu với số lượng lớn. Họ buôn lậu càng nhiều, lệnh cấm biển của chính phủ càng trở nên nghiêm ngặt. Vì vậy, trong vòng luẩn quẩn này, nạn “cướp biển Nhật” ngày càng lộng hành, mở rộng từ buôn lậu sang cướp bóc. Vào những năm 1540, một nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Giang Tô và Chiết Giang, cư dân ven biển địa phương không còn con đường sống nào khác ngoài buôn lậu và cướp bóc. Về phần Nhật Bản, Nhật Bản đang ở thời Chiến Quốc vào giữa thế kỉ 16. Do chiến tranh loạn lạc và thiếu sự kiểm soát của chính quyền trung ương, nhiều nông dân phá sản và người lang thang ra đời. Các lãnh chúa địa phương (daimyo) của Nhật Bản một mặt không thể kiềm chế họ, mặt khác lại rất vui khi kiếm được lợi nhuận từ việc buôn lậu và cướp bóc của cướp biển Nhật. Vì vậy, những nông dân và samurai này cũng gia nhập hàng ngũ cướp biển Nhật. Ngoài ra, vào giữa thế kỉ 16, do sự trỗi dậy của người Thát Đát (Tatar) ở phía bắc, Trung Quốc đã dồn nhiều tâm sức vào việc phòng thủ phía bắc. Phòng thủ ở phía đông nam bỏ trống, điều này cũng làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng của nạn cướp biển Nhật ở phía đông nam.

Do đó, những kẻ buôn lậu Trung Quốc đã lấy Nhật Bản làm căn cứ, thuê những người tị nạn từ Trung Quốc và người Nhật, buôn bán và cướp bóc dọc theo bờ biển Trung Quốc, gây ra thảm họa cướp biển Nhật kéo dài gần 100 năm. Mặc dù "cướp biển Nhật" có cả người Trung Quốc và người Nhật, nhưng phần lớn trong số họ là người Trung Quốc. "Minh sử Nhật Bản truyện" có câu: "người Nhật thật có khoảng 3 trên 10, và người Nhật thì 7 trên 10."[172] Vì họ chủ yếu là người Trung Quốc, làm sao có thể gọi họ là cướp biển Nhật ? Trên thực tế, cả "cướp biển Nhật" và quân đội nhà Minh đều sẵn sàng gọi mình và gọi nhau là “Oa khấu” (cướp Nhật). Từ cái nhìn của "cướp biển Nhật", tự gọi mình là "cướp biển Nhật" có thể giúp tăng tính đe dọa. Theo quan điểm của quân đội nhà Minh, gọi họ là cướp biển Nhật sẽ giúp tăng thêm chiến công, vì vậy đây rõ ràng là một nhóm buôn lậu và cướp biển do người Trung Quốc thống trị, và do đó tiếp tục sử dụng cái tên cướp biển Nhật.

Cướp biển Nhật khiến nhà Minh phải có nỗ lực lớn để trấn áp, và việc này trở thành đề tài chính trong phòng thủ biển của Trung Quốc vào thế kỉ 16 - phòng cướp biển Nhật. Cướp biển Nhật thời kì đầu ở vùng biển đông nam Giang Tô và Chiết Giang rất hùng mạnh khiến nhà Minh phải tập trung phòng chống. Những vị tướng nổi tiếng như Hồ Tông Hiến, Thích Kế Quan và Dữ Du Đại… xuất hiện. Vào những năm cuối thời Gia Tĩnh, cướp biển Nhật dọc bờ biển phía đông nam về cơ bản đã bị quét sạch. Cướp biển Nhật ở bờ biển đông nam chuyển sang hoạt động dọc bờ biển Quảng Đông, nhưng thực lực không còn như trước. Một nguyên nhân khác khiến cướp biển Nhật suy giảm là nhà Minh dỡ bỏ lệnh cấm biển năm 1567, cho phép tàu thuyền tư nhân Trung Quốc đi Đông Nam Á, nhưng tàu đi Nhật vẫn bị cấm. Sau khi Toyotomi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản vào năm 1588, ông đã ban hành "Lệnh cấm cướp biển", và số lượng người Nhật tham gia cướp biển Nhật giảm đi rất nhiều. Đến cuối thế kỉ 16, cướp biển Nhật cơ bản đã biến mất. Đến năm 1624, cướp biển Nhật cuối cùng đã bị quét sạch.

Trong số những tên cướp biển Nhật ở biển Đông, đáng chú ý nhất là Lâm Đạo Can (khoảng giữa thế kỉ 16) và Lâm Phụng (khoảng giữa thế kỉ 16), đáng nói là cả hai đều hùng mạnh ở biển Đông vào thời điểm đó. Ban đầu hoạt động ở Phúc Kiến, Lâm Đạo Can bị đánh bại và chuyển sang Huệ Châu và Triều Châu ở Quảng Đông, ở đó ông bị chính quyền đánh bại vào năm 1573 và mất hạm đội vào tay Lâm Phụng, vì vậy ông phải chạy đến Pattani ở bán đảo Malaysia. Sau đó, ông được vua Xiêm La (Thái Lan) thu phục, lập công lớn trong các cuộc chiến tranh giữa Xiêm La và Việt Nam và trở thành một quan chức cấp cao ở Xiêm. Lâm Phụng là một tên cướp biển mới sau Lâm Đạo Can. Năm 1574, ông bị truy đuổi đến Bành Hồ và Đài Loan, rồi chạy thoát sang Philippines sau khi thất bại. Khi đó, Philippines bị Tây Ban Nha chiếm đóng. Lâm Phụng chiếm được Manila và tàn sát cư dân địa phương. Năm 1575, dưới sự phản công của Tây Ban Nha, ông đã bị đánh bại trên một hòn đảo nhỏ tên là Tocaotican.[173]

Vào những năm đầu triều Vạn Lịch, Trung Quốc từng dỡ bỏ lệnh cấm biển, nhưng chỉ giữ lại một thương cảng ở Quảng Châu trong một thời gian dài, còn hai cảng Tuyền Châu (sau đổi thành Phúc Châu) và Ninh Ba thỉnh thoảng mở và đóng. Kể từ đó, ngành giao thông biển của Trung Quốc đã không thể khôi phục lại vinh quang của các triều đại Tống và Nguyên.[174]

Hàng hải Ả Rập đã suy giảm trong thế kỉ 14. Nhưng Hồi giáo bắt đầu du nhập vào các quần đảo Đông Nam Á vào thế kỉ 15 và thành lập nhiều quốc gia thịnh vượng. Mã Lục Giáp (Malacca), Bột Nê (Brunei) và vương quốc Hồi giáo Tô Lộc (Sulu) là ba nước mạnh nhất trong số này. Malacca đã thay thế Tam Phật Tề (Srivijaya) trong tuyến giao thương "Tây Dương", trong khi Brunei và Sulu có vị trí quan trọng trong tuyến "Đông Dương" (tức biển Đông ở phía đông Brunei).

Thay đổi lớn nhất trong thương mại biển Đông vào thế kỉ 16 là sự xuất hiện của người phương Tây. Người Bồ Đào Nha đã đi tiên phong trong hành trình từ châu Âu vòng qua mũi Hảo Vọng đến châu Á vào cuối thế kỉ 15, trở thành những người phương Tây đầu tiên đến biển Đông. Người Tây Ban Nha đã mở đường vòng quanh Nam Mĩ và vòng quanh thế giới vào đầu thế kỉ 16, và chiếm đảo Luzon vào giữa và cuối thế kỉ 16. Hà Lan cũng đã đến biển Đông vào cuối thế kỉ 16, chiếm đóng Java và thiết lập quyền lực chính trị của riêng mình ở Đài Loan, lúc đó là một vùng đất chưa có chủ. Anh và Pháp cũng bắt đầu đi tàu vào biển Đông vào khoảng đầu thế kỉ 17. Các nước phương Tây này, đặc biệt là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan, đóng một vai trò quan trọng trong thương mại biển Đông trong thời Minh. Như đã nêu trên, sự gia tăng của cướp biển Nhật có mối quan hệ rất lớn với thương mại của người phương Tây.

Nhật Bản bắt đầu giao thương với Đông Nam Á vào giữa thế kỉ 14, được gọi là "Nam Man mậu dịch" (Nam Man dùng để chỉ Đông Nam Á). Lúc đầu, việc buôn bán chủ yếu do các tàu thuyền phương Tây thực hiện. Nhưng sau khi Nhật Bản thống nhất, để phá vỡ thế độc quyền của người phương Tây, họ cũng bắt đầu đi đến biển Đông. Năm 1592, Toyotomi Hideyoshi cấp giấy thông hành Chu Ấn cho các thương nhân từ Nagasaki và những nơi khác như một giấy phép đặc biệt cho ngoại thương, và giao thương tàu thuyền Chu Ấn trở thành một thể chế ngoại thương của Nhật Bản kể từ đó. Tàu thuyền Chu Ấn đã đến Giao Chỉ (cụ thể là nước Quảng Nam của chúa Nguyễn), Xiêm La, Luzon, An Nam (cụ thể là Đông Kinh của chúa Trịnh), Campuchia, Cao Sa (Đài Loan), Tây Dương (cụ thể là Áo Môn: Macao), Thái Nê (bán đảo Malay ), Chiêm Thành và những nơi khác, nhưng không đến Trung Quốc và Triều Tiên. Tàu thuyền Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ trong giao thông ở biển Đông trong một thời gian, nhưng vào năm 1633, khi Nhật Bản đóng cửa, việc sản xuất tàu thuyền lớn bị cấm và việc giao thương tàu Chu Ấn chấm dứt.

3. Sự suy tàn của nhà Thanh

Sau khi nhà Thanh thành lập, ngành giao thông biển của Trung Quốc bước vào thời kì suy thoái. Để ngăn chặn sự quấy nhiễu của Trịnh Thành Công trên bờ biển, chính quyền nhà Thanh đã liên tiếp đưa ra các chính sách "cấm biển" (海禁: hải cấm) và "lùi ranh giới" (還界: hoàn giới). Chính sách trước cấm tàu ​​thuyền dân sự đi biển, trong khi chính sách sau cực đoan hơn, dời tất cả cư dân ven biển vào cách xa bờ từ 30 đến 50 lí. Những chính sách này đã tác động mạnh đến ngành giao thông biển của Trung Quốc. Sau khi nhà Thanh đánh bại tập đoàn Trịnh Thành Công và chiếm Đài Loan, chính sách cấm biển đã được nới lỏng. Nhưng dù vậy, vẫn có nhiều hạn chế đối với người Trung Quốc ra nước ngoài buôn bán, chẳng hạn như cấm đóng thuyền buôn lớn và đánh thuế nặng đối với thương nhân Trung Quốc. Những biện pháp hạn chế này đã làm khoảng cách giữa thương nhân Trung Quốc và người phương Tây trong ngoại thương, rộng hơn và kết quả cuối cùng là người Trung Quốc hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề trong giao thông ở biển Đông. Do đó, giao thông ở biển Đông bị các cường quốc phương Tây chi phối. Bờ biển giao thương với nước ngoài của Trung Quốc cũng dần dần bị thu hẹp, đầu thời Thanh vẫn có 4 thương cảng, đến năm Càn Long thứ 22 (1757) quy định chỉ có một thương cảng cho nước ngoài là Quảng Châu. Cho đến thời Chiến tranh thuốc phiện năm 1840, chính sách đối ngoại của Trung Quốc thường được gọi là bế quan tỏa cảng, và chính phủ Trung Quốc không hề theo đuổi các quyền trên biển ở biển Đông. Lực lượng phòng thủ biển và hải quân của nhà Thanh, giống như nhà Minh, chỉ giới hạn ở việc phòng thủ gần bờ và chỉ có thể thực hiện các cuộc tấn công chống cướp biển và chống buôn lậu, chứ không có khả năng ra biển xa. Ví dụ, "Dương phòng tập yếu" (洋防輯要) được viết vào giữa thế kỉ 19, tác giả Nghiêm Như Dục là một học giả kiêm quan lại đã từng trải qua các vấn đề về biển Quảng Đông, nhưng vẫn còn "lạc hậu" trong suy nghĩ, lời văn và trọng tâm vẫn không thoát khỏi khuôn khổ chống Nhật của quyển "Trù hải đồ biên" (籌海圖編)[175] (xem 3.9).

Mặc dù chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm biển trong một thời gian dài kể từ thời Minh, nhưng tàu buôn Trung Quốc vẫn là một lực lượng quan trọng trong giao thương biển Đông, bởi vì giao thương biển Đông mang lại nhiều lợi nhuận. Hầu hết các tàu buôn này đều tham gia buôn bán dưới hình thức buôn lậu, và một số thậm chí còn kết hợp với các lực lượng nước ngoài, chẳng hạn như người Nhật (cướp biển Nhật), người Tây Ban Nha và người Anh. Mặc dù sự thịnh vượng của các lực lượng buôn lậu này cũng dính dáng đến sự tham nhũng của các quan lại Trung Quốc có liên quan, nhưng rõ ràng Trung Quốc không chính thức ủng hộ hoạt động buôn lậu này. Ở Trung Quốc, cướp biển là tội phạm và phải bị diệt trừ, điều này hoàn toàn khác với tình hình ở một số nước khuyến khích cướp biển (như các lãnh chúa Nhật Bản, Sulu và Anh… lúc bấy giờ).

Cần chỉ ra rằng vào thời cuối Minh và đầu Thanh, mặc dù các thuyền buôn Trung Quốc chiếm một tỉ lệ nhất định trong giao thông biển Đông, nhưng hàng hải của họ vẫn chưa phát triển bằng phương Tây hay thậm chí Brunei và Sulu. Vào thế kỉ 18, có 4 tuyến đường từ Trung Quốc đến Nam Dương, đó là tuyến đường từ Phúc Kiến đến Philippines qua eo biển Đài Loan, tuyến đường từ Quảng Đông đến Philippines qua phía đông quần đảo Trung Sa (Macclesfield Bank) và tuyến đường từ Quảng Đông đến Indonesia qua phía đông của quần đảo Hoàng Sa (tức là cái gọi là kênh ngoài [ngoại câu]), và tuyến đường từ Quảng Đông đến Giao Chỉ và Chiêm Thành qua tuyến đường biển giữa phía đông đảo Hải Nam và phía tây của quần đảo Hoàng Sa (cái gọi là kênh trong [nội câu]). Trong số 4 tuyến đường, tàu thuyền Trung Quốc chỉ có thể đi tuyến đầu tiên và tuyến thứ tư, trong khi hai tuyến ở giữa chỉ có thể đi bằng tàu thuyền phương Tây hoặc tàu Brunei-Sulu (xem 3.4.11, 3.4.12). Một trong những nguyên nhân là do tàu thuyền Trung Quốc không có kiến ​​thức thiên văn về hàng hải, không tìm được mốc định vị trên biển nên chỉ có thể đi các tuyến tương đối gần bờ, lí do khác là hai tuyến đường sau đi qua vùng biển nguy hiểm, chỗ mà tàu thuyền Trung Quốc dễ đâm vào đá ngầm, không thể đi lại được. Hai tuyến đường này đáng được đề cập vì chúng đều đi qua Trung Sa và Trường Sa (đi xuyên qua hoặc dọc theo chúng), và do đó có liên quan mật thiết đến việc khám phá Trường Sa và các hoạt động ở Trường Sa. Từ triều Minh trở đi, Trung Quốc có đợt di cư ra nước ngoài quy mô lớn. Đặc biệt là vào đầu nhà Thanh, để thoát khỏi chiến tranh và thoát khỏi chính sách cấm biển, một số lượng lớn người dân từ bờ biển phía đông nam đã di cư đến khu vực Nam Dương. Trong mắt chính phủ Trung Quốc, những người di cư này là "dân phản nghịch", vì vậy các hoạt động của họ không liên quan gì đến chính phủ Trung Quốc

Nói chung, từ thời Tống đến thời Thanh, giao thông ở biển Đông về cơ bản là như sau: từ thời Tống, hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông bắt đầu thịnh vượng và đạt đến đỉnh cao vào thời Nguyên.Vị thế của Trung Quốc trong giao thông biển Đông có thể sánh ngang với Ả Rập.Tuy nhiên, vào thời Minh, Trung Quốc bắt đầu thi hành chính sách cấm biển, dù có một số lần đảo ngược nhưng nhìn chung ngành giao thông biển của Trung Quốc ngày càng đi xuống. Các chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà là một kì tích trong lịch sử hàng hải lúc bấy giờ, nhưng chúng không giúp ích gì cho sự hồi sinh thương mại của Trung Quốc ở biển Đông. Cũng vào lúc đó, giao thông biển của Ả Rập cũng suy giảm, nhưng Sulu và Brunei trỗi dậy và trở thành những nhà cung cấp giao thông chính ở khu vực này. Từ thế kỉ 16, người phương Tây tiến vào biển Đông và dần dần giành được địa vị lớn. Nhà Thanh thực hiện chính sách cấm biển nghiêm ngặt hơn nhà Minh, sau năm 1757 thậm chí còn “bế quan tỏa cảng”, ngành giao thông biển của Trung Quốc ở biển Đông từ đó sa sút. Mặc dù người Trung Quốc vẫn hoạt động ở biển Đông chủ yếu dưới hình thức buôn lậu và có một số lượng lớn người Trung Quốc di cư đến biển Đông, nhưng điều này không thể hiện thái độ chính thức của Trung Quốc đối với giao thông ở biển Đông.

3.3 Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

1. Có phải người Ả Rập đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa?

Trong lịch sử, không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi ai là người phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa đầu tiên, vì người phát hiện ra không nhất thiết phải để lại những ghi chép, và những ghi chép để lại có thể không nhất thiết phải được truyền lại. Tác giả phỏng đoán rằng quần đảo Hoàng Sa đã được phát hiện sớm nhất vào thời Tống. Vì sau thời Tùy và Đường, tuyến đường biển từ Chiêm Thành đến Quảng Châu không còn cần phải đi vòng qua tuyến đường ven biển, vòng qua vịnh Đông Kinh (Bắc Bộ), rồi vòng qua bán đảo Lôi Châu, mà có thể đi thẳng từ Nhật Nam đến Tượng Thạch (Đại Châu Đầu, Vạn Ninh) rồi đến Quảng Châu. Từ Nhật Nam đến Tượng Thạch, khi mà hướng gió thay đổi, tàu thuyền có thể bị thổi bay đến quần đảo Hoàng Sa hoặc Trung Sa (Macclesfield Bank). Trong thời kì này, giao thông vận tải cho giao thương biển chủ yếu do người Đại Thực (Ả Rập) cung cấp nên có thể họ là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa.

Trong các ghi chép về chuyến đi về phía Đông của người Ả Rập có nhắc đến một địa danh gọi là “Cổng Trung Quốc ” (中國門: Trung Quốc môn), đó có thể là quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Trong ghi chép của họ, hành trình từ Ả Rập đến Trung Quốc được chia thành 7 vùng biển. Từ tây sang đông, đại khái là biển Ba Tư, biển La La (Larwi), biển Hạ Nhĩ Can (Harkand), biển An Đạt Man (Andaman), biển Quân Đặc Lộng (Kundrang), biển Chiêm Bà (Campa) và biển Trướng (Cankhay).[176] Các cuốn sách khác nhau có những ghi chép khác nhau, ví dụ như trong "A Ba Tư nhân sử” (Sử Abbasids ) của Nhã Khố Bi (Yakubi, ) biển Andaman được gọi là biển Cố La (固羅: Guluo), sau biển Guluo là biển Thạch Can, biển Kundrang và biển Trướng, nhưng không có biển Campa.[177]

Nhiều ghi chép của Ả Rập nói rằng biển Trướng (漲海: Trướng Hải) còn được gọi là biển Trung Quốc. Hàn Chấn Hoa cho rằng điều này cho thấy vùng biển này thuộc về Trung Quốc.[178] Tên vùng biển có thể biểu thị sự phân định chủ quyền cho các nước ở phương Đông giáp với biển, nhưng người Ả Rập đặt tên vùng biển này không mang ý nghĩa chủ quyền mà chỉ biểu thị mối liên hệ về địa lí (cách thức và truyền thống của người phương Tây gọi tên các vùng biển có lẽ theo phong tục của người Ả Rập). Ví dụ, biển Chiêm Bà không phải là biển của Chiêm Thành, mà thuộc về thuộc về vua Ma Ha La Đồ (Maharadja) nước Bà Cách (Java).[179] Hay chẳng hạn, người Ả Rập có nhiều tên gọi cho cùng một vùng biển như biển Andaman còn được gọi là biển Guluo, [180] biển Thạch Can là biển Tích Lan (Sri Lanka).[181] Cũng có tài liệu ghi rằng biển Chiêm Bà là biển Trung Quốc.[182] Vì vậy, diễn giải quá mức tên gọi biển Trung Quốc là không thích đáng.

Trong “Tô Lai Mạn Đông du kí ” [蘇萊曼東游記: Du kí phương Đông của Suleiman] năm 851 có viết:

Khởi hành từ đảo Côn Sơn, đoàn thuyền đi vào vùng biển Trướng, rồi vào Cổng Trung Quốc. Cổng Trung Quốc được hình thành bởi các rạn san hô ngầm và thuyền đi qua theo các lối đi giữa các rạn san hô này. Nếu nhờ trời được bình an thì tàu thuyền rời Côn Đảo sẽ đến Trung Quốc sau một tháng. Bảy ngày trong một tháng thuyền đi tới lui qua các rạn san hô ngầm.[183]

Cổng Trung Quốc ở đây, Hàn Chấn Hoa cho rằng đó là quần đảo Hoàng Sa.[184] Nhưng trên thực tế, vị trí chính xác của nó rất khó xác định. Đảo Côn Sơn ở đây, tức là Poulo Condore ở miền Nam Việt Nam, là một nơi nguy hiểm cho hàng hải từ xa xưa. Đây là điều mà các nhà hàng hải Trung Quốc gọi là "đi sợ Thất Châu, về sợ Côn Lôn" (去怕七洲, 回怕崑崙: khứ phạ Thất Châu hồi phạ Côn Lôn)[185]. Theo mô tả của đoạn văn này, sau khi đi qua đảo Côn Lôn và vào biển Trướng, Cổng Trung Quốc là con đường mà tàu thuyền buộc phải đi qua trong 7 ngày, điều này rất khác với điều được ghi lại trong tài liệu Trung Quốc sau này (xem 3.4, 3.5) là quần đảo Hoàng Sa là khu vực những nguy hiểm cần phải tránh. Vì vậy, không thể coi các bãi đá ngầm ở đây phải là quần đảo Hoàng Sa

Về phần mô tả Cổng Trung Quốc cũng có những ghi chép trái ngược nhau, chẳng hạn Sách Địa lí của Pháp Cơ Hách [Fakih] (khoảng năm 902) ghi về Cổng Trung Quốc:

Cái gọi là Cổng là một hẻm núi cao ở giữa biển mà tàu thuyền phải đi qua đó để đến Trung Quốc. Hành trình từ đảo Côn Lôn đến Trung Quốc mất một tháng, nhưng phải mất 7 ngày để tàu đi qua hẻm núi này. Đi qua cổng (Trung Quốc) là đến Quảng Châu, có nước ngọt, ngày đêm thủy triều lên xuống hai lần.[186]

Theo ghi chép này, Cổng Trung Quốc là một hẻm núi được hình thành bởi những ngọn núi cao giữa biển, không phải là bãi ngầm và có thể đến Quảng Châu thông qua Cổng Trung Quốc. Do đó, Cổng Trung Quốc ở đây có thể là quần đảo Vạn Sơn ở cửa sông Châu Giang, hoặc nhóm đảo Thất Châu (七洲列島: Thất Châu liệt đảo) ở phía đông bắc đảo Hải Nam.

Ngoài ra, Hà Chấn Hoa tin rằng "đảo Trướng Hải" được ghi trong "Chư quốc phong thổ kí" (諸國風土記) (1154) của Edrich là quần đảo Hoàng Sa.[187] Tuy nhiên, có một mô tả về đảo này trong đoạn văn, “Đây là một đảo màu mỡ, đông dân cư và nước ngọt.”[188] Điều này rõ ràng là hoàn toàn khác với quần đảo Hoàng Sa.

Do đó, xét từ những ghi chép của người Ả Rập, rất có thể họ đã biết quần đảo Hoàng Sa, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy họ mô tả quần đảo Hoàng Sa. Tác giả đoán rằng khả năng lớn nhất là khu vực mất 7 ngày để đi qua này là "khu vực nguy hiểm" rộng lớn chạy theo hướng bắc nam từ Hoàng Sa đến đảo Côn Lôn, đây có thể là nguồn gốc của "Khu vực Nguy hiểm Phạ Lạp Tái [帕拉塞: pà lā sài (Paracel)]" được vẽ dưới dạng “hình chiếc ủng’ trong các bản đồ biển Đông do phương Tây xuất bản từ thế kỉ 16 trở đi (xem 4.1.2).

2. Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa

Như đã nói ở trên, rất khó để trả lời câu hỏi ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa, nhưng nếu đổi câu hỏi thành “Theo các ghi chép lịch sử thì ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa?” thì câu trả lời sẽ xác định hơn.

Trong các ghi chép lịch sử, ghi chép sớm nhất có nói đến quần đảo Hoàng Sa có thể được xác định rõ ràng là “Tống hội yếu” (宋會要)[189] vào đầu thời Tống, lần đầu tiên sử dụng từ "Thạch Đường" để chỉ quần đảo Hoàng Sa. Theo ghi chép trong đó, vào năm Thiên Hi thứ 2 (1018), sứ giả Chiêm Thành là La Bì Đế Gia (Ropidiga) đi sứ sang Trung Quốc (Hình 9).

Hình 9 "Tống Hội yếu", sứ thần Chiêm Thành nhắc đến Thạch Đường

Ropidiga nói: “Người nước chúng tôi đi đến Quảng Châu, nếu thuyền bị gió thổi đến Thạch Đường, thì dù cả năm cũng sẽ không đến được.”[190]

Trong “Độc sử phương dư kỉ yếu” (讀史方輿紀要) của Cố Tổ Vũ có ghi:

Vào năm Thiên Hi thứ hai triều Tống, sứ giả Chiêm Thành nói rằng người nước chúng tôi đi đến Quảng Châu, nếu thuyền bị gió thổi đến Thạch Đường, thì dù cả năm cũng sẽ không đến được. Thạch Đường ở biển Nha Châu cách xa 700 lí, chìm dưới nước 8, 9 xích.[191]

Trong "Tống sử" (宋史) cũng có những ghi chép tương tự như trong "Tống hội yếu".[192] Vị trí của Thạch Đường nói ở đây rất rõ ràng, cách biển Nhai Châu 700 lí. Xét theo hành trình, vị trí địa lí và mô tả địa mạo, Thạch Đường ở đây chính là quần đảo Hoàng Sa. Bởi vì khoảng cách giữa đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), đảo chính của quần đảo Hoàng Sa, và Nhai Châu là 330 km, tức là khoảng 700 lí, còn độ sâu 8 hoặc 9 xích chỉ các rạn san hô ngầm, tương tự như địa hình của quần đảo Hoàng Sa (Hình 11). Kết luận này được chấp nhận rộng rãi, [193] nhưng một số người cho rằng Thạch Đường dùng chỉ Trường Sa.[194]

Thông thường, các chuyên gia Trung Quốc coi đoạn ghi chép này là bằng chứng cho thấy "người Trung Quốc đã biết về quần đảo Tây Sa vào thời Tống".[195] Nhưng tác giả phải chỉ ra rằng mặc dù đoạn văn này do người Trung Quốc ghi, nhưng người Trung Quốc chỉ là người ghi lại vào thời đó, còn người Chiêm Thành mới là người cung cấp thông tin này, và những gì người Trung Quốc ghi lại chính là sự xuất hiện của người Chiêm Thành ở quần đảo Hoàng Sa. Đương nhiên, người Chiêm Thành nên cảm ơn người Trung Quốc đã giúp họ ghi lại giai đoạn lịch sử này, nhưng nếu không có thông tin do người Chiêm Thành cung cấp, người Trung Quốc sẽ không biết về "Thạch Đường".

Do đó, nếu các ghi chép lịch sử đó là chuẩn xác, thì người Chiêm Thành là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Như đã đề cập trước đó, Chiêm Thành hiện là một phần lãnh thổ của Việt Nam nên xét về sự kế thừa chủ quyền theo luật pháp quốc tế, người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Năm 1018 chính là năm quần đảo Hoàng Sa được bắt đầu được ghi chép trong lịch sử.

Quần đảo Hoàng Sa được đặt tên như thế nào? Có thể hình dung rằng khi người Chiêm Thành đặt chân đến quần đảo này, họ nhất định sẽ đặt cho nó một cái tên, có thể rất đặc biệt hoặc rất thông thường. Nhưng người Chiêm Thành không nói tiếng Trung nên tên sẽ không phải là Thạch Đường. Có rất ít nguồn tư liệu viết về người Chiêm Thành nên không thể biết họ gọi quần đảo này là gì.

Từ "Thạch Đường" lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách "Sơ học kí" (初學記) thời Đường, vào lúc đó, nó không phải là một danh từ riêng, mà chỉ là khái quát hóa một loại địa hình đảo san hô.[196] Lí do quần đảo Hoàng Sa được gọi là “Thạch Đường” có lẽ là vì người Trung Quốc đã dựa trên mô tả của người Chiêm Thành về quần đảo này mà dùng từ "thạch đường" (bờ/đê đá) để chỉ nó. Ở Trung Quốc, Thạch Đường không những dùng để chỉ Tây Sa (Hoàng Sa), mà trong nhiều tài liệu, Thạch Đường còn dùng để chỉ Nam Sa (Trường Sa) hoặc Trung Sa (Macclesfield Bank), điều này gây ra nhiều bất tiện cho các nghiên cứu sau này. Vì vậy, khi xác định các đảo ở biển Đông do Trung Quốc ghi nhận, không thể phán đoán họ muốn chỉ điều gì nếu chỉ dựa vào địa danh.

3. Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Trường Sa

Vậy ai là người đã phát hiện ra quần đảo Trường Sa, câu hỏi này lại càng khó trả lời hơn. Người Ả Rập đã không phát triển các tuyến đường xuyên qua khu vực quần đảo Trường Sa trước thế kỉ 10, vì vậy họ không có khả năng là người phát hiện ra quần đảo Trường Sa. Theo những ghi chép có liên quan, ghi chép sớm nhất và rõ ràng về quần đảo Trường Sa là từ "Tống hội yếu", quyển 197 ghi:

Năm Gia Định thứ 9, ngày 20 tháng 7. Không biết nước Chân Lí Phú lập quốc từ bao giờ. Nước này ở góc tây nam, đông nam giáp Ba Tư Lan, tây nam giáp Đăng Lưu Mi... từ nước này muốn đến Trung Quốc phải đi bằng đường biển, sau 5 ngày đến Ba Tư Lan, kế đó là biển Côn Lôn, đi qua nước Chân Lạp, và sau vài ngày đến nước Tân Đạt Da (có lẽ tên viết sai của nước Tân Đạt, tức là một cách dịch khác của tên Tân Đồng Long), và đến biên giới Chiêm Thành trong vài ngày. Sau 10 ngày vượt biển, gần phía đông nam có một bờ đá (thạch đường) tên là Vạn Lí, biển chỗ sâu chỗ cạn, nước chảy xiết nhiều đá ngầm, có 17 hay 18 chiếc thuyền bị đắm, không bờ không núi, thuyền đến biên giới Giao Chỉ, và sau 5 ngày sẽ đến Khâm Châu và Liêm Châu. Tất cả đều được tính khi thuận gió, và gió thuận đều là gió nam vào mùa hè, còn khi về nước thì phải đợi gió bắc vào mùa đông, nếu không như vậy sẽ không đi được.[197]

Đoạn trích này nói rằng vào năm 1209, có một sứ giả của nước Chân Lí Phú đến. Sứ giả nói với các quan nhà Tống về vị trí của mình và con đường đến Trung Quốc. Chân Lí Phú nằm ở Vũ Lí (Ratcha Buri) miền trung Thái Lan[198] hoặc ở tỉnh Tiêm Trúc Vấn (Chanthaburi) ở đông nam Thái Lan.[199] Sau khi thuyền đến Chiêm Thành, có một bờ đá (thạch đường) gọi là Vạn Lí ở phía đông nam Chiêm Thành. Theo lời sứ giả, người dân nước ông trên đường đi tới biên giới Giao Chỉ khi vào đến biên giới Chiêm Thành thuyền gặp sóng gió bị thổi bay đến "Vạn Lí Thạch Đường" ở phía đông nam. Tuyến đường này chạy dọc theo bờ biển từ miền nam tới miền trung Việt Nam (Hình 11).

Hình 10 "Tống hội yếu", sứ giả của nước Chân Lí Phú đề cập đến Vạn Lí Thạch Đường

Mặc dù một số học giả Trung Quốc cho rằng chỗ đó được gọi là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), [200] nhưng theo phân tích về vị trí mà đoạn văn cung cấp, Vạn Lí Thạch Đường ở đây chỉ có thể là quần đảo Trường Sa. Những người theo thuyết Tây Sa hầu hết đều hiểu “biên giới Chiêm Thành” là “Chiêm Thành”, tức là họ cho rằng đó là khu vực xung quanh Huế, cố đô của Chiêm Thành, nhưng họ quên rằng Chiêm Thành không phải là một địa điểm, mà là một đất nước chạy dài theo hướng bắc nam. Lộ trình của các sứ giả là dọc theo đường biển từ biên giới Chiêm Thành, tức là cực nam của Chiêm Thành (gần Nha Trang của Việt Nam), và họ phải mất 10 ngày mới đến được biên giới Giao Chỉ, tức là cực nam của Giao Chỉ (gần Huế). Quần đảo Hoàng Sa nằm ngay phía đông Huế trên biên giới Chiêm Thành và Giao Chỉ, và nằm ở phía đông bắc chứ không phải phía đông nam của toàn bộ tuyến đường. Thậm chí khi coi Huế là điểm cực bắc của hải trình, quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía đông của Huế. Do đó, không thể nói quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía đông nam của tuyến đường biển này trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, quần đảo Trường Sa nằm ngay phía đông nam của tuyến đường này, vì vậy chỉ có quần đảo Trường Sa là giải thích hợp lí duy nhất[201] (Hình 11). Xét về đường đi, sứ giả đi theo đường ven biển dọc theo bờ biển Việt Nam, vào vịnh Bắc Bộ và đến Khâm Châu, tuyến đường này không cần đi qua quần đảo Hoàng Sa (xem 2.2).

Có hai điểm khác đáng chú ý trong đoạn văn này. Đầu tiên, vào thời đó, Thạch Đường là tên chung của các rạn san hô, không phải là một danh từ riêng, vì vậy trong đoạn trích có ghi "có một bờ đá (thạch đường) ở phía đông nam tên là Vạn Lí". Tên của quần đảo Trường Sa là bờ đá (thạch đường) "Vạn Lí". Điều này một lần nữa chứng minh sự phát triển của việc sử dụng từ ‘thạch đường’ trong chương trước. Thứ hai, vào thời đó, các sứ giả trước hết qua biên giới Chiêm Thành để đi vào nước Chiêm Thành, sau đó đi qua biên giới Giao Chỉ (tức là biên giới giữa Chiêm Thành và Giao Chỉ ) và vào Giao Chỉ, và cuối cùng đến Trung Quốc. Khi đề cập đến Vạn Lí Thạch Đường thì vẫn còn ở vùng biển của Chiêm Thành trước khi vào Giao Chỉ. Sau khi vượt qua vùng biển này thì mới đến vùng biển (giao giới) của Giao Chỉ. Điều này chứng tỏ quần đảo Trường Sa được người Chân Lí Phú coi là vùng biển truyền thống của Chiêm Thành thời đó.

Hình 11 Sơ đồ diễn giải ghi chép trong hai "Tống hội yếu"

Đoạn văn này không nói rõ ai là người đã khám phá ra Vạn Lí Thạch Đường. Xét từ lời văn, chưa chắc là do người Chân Lí Phú phát hiện, còn nguồn gốc kiến ​​​​thức rất có thể là từ người Chiêm Thành (Chăm), vì bờ đá Vạn Lí nằm ở phía đông nam của biên giới Chiêm Thành.

Có một bằng chứng khác cho thấy người Chăm có thể là những người đầu tiên khám phá ra quần đảo Trường Sa. Trong “Tống Sử, Chiêm Thành truyện” có ghi "đi về phía đông 2 ngày đến nước Ma Dật, đi 7 ngày đến nước Bồ Đoan".[202] Nước Ma Dật là đảo Mindanao ở miền trung Philippines, đây là tuyến đường duy nhất trong "Tống sử" đi qua phần phía nam của biển Đông và cần đi qua quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, cuốn sách cũng ghi lại rằng nước Bột Nê “đi đến Chiêm Thành hay Ma Dật đều trong 30 ngày.”[203] Nếu như từ Chiêm Thành đến Ma Dật [逸} (tức là Ma Dật [逸]) gần 2 ngày thì chưa chắc đã đến Bột Nê trước rồi mới đến tuyến đường ven biển, mà rất có thể là tuyến đường đi qua vùng biển phía nam biển Đông. Liên quan đến ghi chép về chuyến đến Ma Dật của người Chăm, Trần Hồng Dụ cũng suy đoán là do người Chăm kể lại cho người Trung Quốc khi họ đi sứ đến nhà Tống vào năm 971 (nhưng không đưa ra bất kì cơ sở nào), vì vậy có khả năng người Chăm là người đầu tiên đã phát triển tuyến đường trực tiếp từ miền nam Việt Nam đến Philippines vào giữa thế kỉ 10.[204] Nếu đúng như vậy thì những người Chăm đi trên tuyến đường này đương nhiên sẽ là những người có cơ hội tốt nhất để khám phá quần đảo Trường Sa.

3.4 Mô tả về các đảo ở biển Đông trong các sách địa lí của Trung Quốc

Kể từ thời Tống, những ghi chép về các đảo ở biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, đã tăng lên rất nhiều trong sử sách Trung Quốc. Những ghi chép này có thể được chia thành 4 loại:

- Loại thứ nhất thuần túy là sách địa lí và sách hàng hải, phần lớn không chỉ rõ ranh giới của Trung Quốc và sự quy thuộc lãnh thổ, nhưng có thể tìm thấy những gợi ý trong các câu chữ trong một số tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm này là của tư nhân và do đó không phản ánh ý định chính thức về chủ quyền. Nhưng từ đó, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về ranh giới biển và sự quy thuộc các đảo trong tư duy truyền thống.

- Loại thứ hai là phương chí và địa lí chí chính thức, luôn có địa vị chính thức hoặc bán chính thức ở Trung Quốc.Từ góc độ hiệu lực của bằng chứng, chúng có ý nghĩa hơn trong việc chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông so với sách địa lí hoặc bản đồ đơn thuần.

- Loại thứ ba là bản đồ, thường được đính kèm với các công trình địa lí và phương chí, những bản đồ này sẽ được đề cập khi thảo luận về các công trình đó.

- Loại thứ tư là bằng chứng về quản trị các đảo ở biển Đông trong sử sách, đây là bằng chứng quan trọng nhất chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông. Ngoài ra, dấu vết hoạt động của Trung Quốc tại các đảo ở biển Đông đã được tìm thấy trong khảo cổ lịch sử.

Sau đây sẽ thảo luận từng loại một.

Loại đầu tiên là sách địa lí và sách hàng hải. Trung Quốc có một lợi thế rõ ràng về các ghi chép lịch sử do có lịch sử lâu đời, đặc biệt là do có các ghi chép trong thời gian dài và được bảo quản tốt. Nói chung, các công trình địa lí khó có thể sử dụng làm cơ sở để xác định chủ quyền. Vì về nguyên tắc, việc biết một địa điểm, và ghi lại địa điểm đó trong sách địa lí, rõ ràng là không tương đương với việc sở hữu nó. Trong luật quốc tế, chỉ "khám phá" đơn thuần không thể mang lại chủ quyền, và "hiểu biết" đơn thuần không thể được coi là cơ sở của chủ quyền. Tuy nhiên, nếu trong sách địa lí có những từ ngữ liên quan đến việc phân chia biên giới quốc gia theo truyền thống, hoặc những câu chữ có thể giải thích sự quy thuộc các đảo, thì chúng, đặc biệt là trường hợp sau, vẫn là cơ sở tương đối vững chắc để phán đoán về mặt quy thuộc chủ quyền. Những ghi chép như vậy trong sách cổ rất quan trọng đối với việc tìm hiểu nhận thức của người dân về cái gọi là “biên giới quốc gia truyền thống” thời bấy giờ, và việc phân chia “biên giới quốc gia truyền thống” có ý nghĩa to lớn đối với việc xác định biên giới quốc gia trước khi hình thành các quy tắc của luật quốc tế hiện đại.

Kể từ thời Tống, đã có nhiều ghi chép địa lí về biển Đông và các đảo ở biển Đông. Hầu như tất cả những ghi chép này đều nằm trong sách địa lí và du kí, chủ yếu ghi chép về các nước ngoài, bao gồm "Lĩnh ngoại đại đáp" (嶺外代答) và “Chư phiên chí” (諸蕃志)thời Tống, "Đảo di chí lược" (島夷志略) thời Nguyên và "Hải ngữ" (海語) thời Minh", và "Hải tra dư lục" (海槎餘錄), “Hải quốc văn kiến lục" (海國聞見錄) và "Hải lục" (海錄) vào đầu thời Thanh, và "Hải quốc đồ chí" (海國圖志) và "Doanh hoàn khảo lục"(瀛寰考略)... cuối thời Thanh. Ngoài ra còn có khá nhiều ghi chép liên quan trong các sách hướng dẫn đi biển (sổ tay hàng hải) của Trung Quốc. Những sách đi biển này được viết riêng hoặc là một phần trong các cuốn sách khác.

Trong lịch sử Trung Quốc, tên của Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) rất lộn xộn, chúng thường được gọi bằng tên Trường Sa, Thạch Đường, Vạn lí Trường Sa, Thiên lí Thạch Đường, v.v. Có hơn 20 cách gọi các tên này, một tên cho nhiều địa điểm, một địa điểm có nhiều tên hoặc thậm chí cùng một tên nhưng lại chỉ hai địa điểm khác nhau trong cùng một cuốn sách.[205] Trong "Thạch Đường Trường Sa địa danh tư liệu tập lục khảo thích”, Lâm Kim Chi cho rằng có ít nhất hơn 100 cách gọi tên khác nhau.[206] Phần này chủ yếu phân tích các ghi chép về Thạch Đường, Trường Sa. Một số học giả cho rằng biển Thất Châu (Thất Châu Dương), Cửu Nhũ Loa Châu và thậm chí một số tên gọi khác là chỉ quần đảo Hoàng Sa.[207] Vấn đề biển Thất Châu sẽ được thảo luận trong phần tiếp theo. Còn những tên gọi khác ít gặp sẽ được phân tích khi được nói tới trong các phần khác. Tóm lại, cần phải phân tích chi tiết các tên gọi khác nhau trong các tài liệu này, sau đó mới có thể suy ra nơi chúng muốn nói đến, thay vì chỉ đơn giản nhìn vào lời văn để hiểu nghĩa. Có một số tư liệu nêu rõ vị trí nên dễ dàng suy ra nơi nó muốn nói tới; tuy nhiên, cũng có nhiều tài liệu chỉ liệt kê tên, và rất khó để phân tích chính xác khi chỉ dựa trên tài liệu đó, vì vậy cần phải xem xét toàn diện.

Ở đây tác giả phải chỉ ra rằng sự lộn xộn của các tên gọi này không chỉ là một khó khăn trong việc nghiên cứu lịch sử và địa lí biển Đông, mà còn tạo cơ hội cho một số sử gia cố tình đưa ra những lập luận mang tính định hướng. Cách tiếp cận đi chệch khỏi nguyên tắc tìm kiếm sự thật từ thực tế thế này dù đúng về mặt "chính trị", nhưng nó không được chấp nhận về mặt học thuật và việc chỉnh đốn điều này cũng là một mục đích quan trọng của cuộc thảo luận sau đây.

Do số lượng các văn bản ghi chép về các đảo ở biển Đông từ thời Tống tới nay rất lớn, tác giả không có cách nào để nhận diện hết các tư liệu liên quan trong cuốn sách này. Tuy nhiên, vì nhiều tư liệu Trung Quốc được trích dẫn trực tiếp từ các tác phẩm trước đó nên cuốn sách này chỉ cần phân tích những tư liệu gốc quan trọng. Hầu hết các tư liệu này có thể tìm thấy trong "Sử địa luận chứng" (史地論證) của Hàn Chấn Hoa và "Cương vực nghiên cứu" (疆域研究) của Lí Kim Minh. Đó là hai cuốn sách có thẩm quyền về lịch sử và địa lí biển Đông của Trung Quốc, và hai chuyên khảo đó về cơ bản bao gồm những bằng chứng thuyết phục nhất có tính độc đáo và giá trị lịch sử, vì vậy về cơ bản chúng có thể phản ánh toàn cảnh bức tranh tư liệu ở Trung Quốc. Ngoài ra, cũng có thể tham khảo các bài báo của Lưu Nam Uy, [208] Lâm Kim Chi, [209] v.v. Ngoài những tư liệu này, tác giả cũng sẽ bổ sung một số dẫn chứng nhằm phản ánh chân thực nhất tới mức có thể toàn cảnh bức tranh lịch sử.

1. Lĩnh ngoại đại đáp (1178) của Chu Khứ Phi thời Tống

Từ thời Tống trở đi, tác phẩm quan trọng sớm nhất về địa lí là Lĩnh ngoại đại đáp (嶺外代答) của Chu Khứ Phi, một nhà địa lí thời Nam Tống. Chu Khứ Phi làm quan ở Quảng Tây trong 6 năm, đặc biệt là khi làm quan ở Khâm Châu, ông đã viết “Tùy sự bút kí đắc tứ bách dư điều” (Lời nói đầu), [210] cuối cùng viết Lĩnh ngoại đại đáp, đây là cũng là tác phẩm duy nhất còn sót lại của ông. Nó chứa đựng những ghi chép phong phú về địa lí, nhân văn, biên phòng, phong tục, sản vật của Quảng Tây thời Tống, cũng như địa lí, nhân văn, phong tục và sản vật của các nước khác như An Nam, Chiêm Thành, Tam Phật Tề, Trảo Oa, Ba Tư, Mộc Lan Bì, Đại Tần, và nước Phụ Nữ… Do đó, cuốn sách này không chỉ là một sách địa phương chí của Quảng Tây vào thời Tống, mà còn là một tác phẩm địa lí và lịch sử bang giao giữa Trung Quốc và nước ngoài vào thời Tống. Trước Chu Khứ Phi, không ai ghi chép một cách hệ thống và chi tiết về các vùng đất và giao thông trên biển của nước ngoài, ngay cả khi có thì đó cũng chỉ là một tài liệu lịch sử tổng hợp, có nhiều sai sót và xuyên tạc. Mặc dù Chu Khứ Phi không ra nước ngoài hoặc làm việc trên tàu, nhưng ông rất chú ý đến các vùng đất xa lạ, và thông qua lời kể của các thương nhân hoặc thông ngôn trên tàu, ông đã ghi lại tên của hơn 40 nước cùng vị trí, tình hình đất nước và giao thông vận tải của hơn hơn 20 nước, tất cả đều hoàn toàn là sáng tác gốc, một thành tựu tuyệt vời.[211]

Có hai điều liên quan đến các đảo ở biển Đông trong Lĩnh ngoại đại đáp. Điều đầu tiên là Địa lí môn - Tam hợp lưu (地理 門·三合流) (Hình 12):

Hình 12 "Lĩnh ngoại đại đáp"

Ở phía tây nam của 4 quận Hải Nam, biển được gọi là biển Giao Chỉ. Ở giữa có ba dòng chảy hợp nhất (Tam hợp lưu), đầu sóng phun vọt chia thành ba dòng chảy: một dòng chảy về phía nam, xuyên qua biển các nước phiên; một dòng chảy về phía bắc, qua biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô và Chiết Giang; một dòng chảy về phía đông, vào cái gọi là biển Đại Dương Đông không bờ bến. Tàu thuyền qua lại ở phía nam phải lao vào ba dòng chảy này, nếu có gió thổi mới đi qua được. Nếu đi vào vùng hiểm mà không có gió, thuyền không ra được, bị vỡ nát trong 3 dòng chảy. Nghe đồn rằng có bờ đá Trường Sa dài hàng vạn lí ở biển Đông Đại Dương, chỗ có vĩ lư (rốn biển) để nước thoát, chảy xuống âm phủ (Cửu U ). Xưa có một con tàu bị gió tây thổi mạnh, đến biển Đông Đại Dương, tiếng rốn biển vang trời dậy đất. Lát sau có gió đông lớn nên tránh được.[212]

Trong đoạn văn này, Chu Khứ Phi lần đầu tiên mô tả một nơi cực kì quan trọng được gọi là "Tam hợp lưu”, được đặt tên như vậy vì nó là nơi giao nhau của ba dòng nước, phía bắc đến Trung Quốc, phía nam đến các nước phiên di, tức là An Nam, Chiêm Thành và Tân Đạt…, và phía đông là biển lớn (biển Đông Đại Dương). Theo "lời đồn", biển Đông Đại Dương có Trường Sa Thạch Đường là nơi rất nguy hiểm. Còn bản thân Tam hợp lưu cũng hết sức nguy hiểm, nếu không có gió, tàu thuyền sẽ bị mắc kẹt trong 3 dòng chảy không thể thoát ra được, nếu gió tây thổi, tàu sẽ bị gôm về biển Đông Đại Dương, và sẽ gặp nguy hiểm khi đến Trường Sa Thạch Đường.

Vị trí của Tam hợp lưu này là ở biển Giao Chỉ (nguyên văn là Giao Chỉ dương), biển Giao Chỉ này nằm ở đâu? Lời văn nói rằng nó ở phía tây nam của Hải Nam. Lí Kim Minh cho rằng biển Giao Chỉ chính là vịnh Bắc Bộ (dọc theo bờ biển của miền bắc Việt Nam ngày nay), [213] Hàn Chấn Hoa cũng nghĩ như vậy, ông cho rằng “biển Giao Chỉ (phía nam của cửa vịnh Bắc Bộ ngày nay)".[214] Một trong những mục đích lập luận của họ là hi vọng làm phạm vi của biển Giao Chỉ nhỏ lại, và đẩy ranh giới trên biển của Trung Quốc tới tận quần đảo Natuna, điều này sẽ được giải thích sau. Nhưng điều này là sai. Văn bản gốc mô tả chính xác biển Giao Chỉ ở "phía tây nam của 4 quận Hải Nam", nhưng vịnh Bắc Bộ ở phía [tây và] tây bắc chứ không phải phía tây nam của đảo Hải Nam. So sánh các bản đồ, chúng ta có thể thấy rằng biển Giao Chỉ trong ngữ cảnh này chỉ khu vực phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc, phía đông đường bờ biển miền trung Việt Nam và phía tây quần đảo Hoàng Sa. Trên thực tế, nhiều học giả về lịch sử và địa lí không chuyên chứng minh sự quy thuộc của các đảo ở biển Đông đã tin một cách chính xác rằng “biển Giao Chỉ ” chỉ vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam.” Ví dụ, Dương Vũ Tuyền, người chú giải “Lĩnh ngoại đại đáp”, lập luận rằng "biển Giao Chỉ chỉ vùng biển phía đông của miền trung Việt Nam ngày nay".[215] Trong "Thuận phong tương tống” (順風相送) có nói thêm rằng “biển Giao Chỉ là vùng biển giữa núi Độc Trư (đảo Hải Nam) và Tiêm Bút La (đảo Chiêm Bà = Cù lao Chàm )” (xem 3.4.4).

Trường Sa Thạch Đường nằm ở biển Đông Đại Dương, nằm ở phía đông của biển Giao Chỉ. Về mặt địa lí, Trường Sa Thạch Đường ở đây chỉ quần đảo Hoàng Sa, hoặc có thể là cả quần đảo Trung Sa (Macclesfield Bank). Nhà chú giải Dương Vũ Tuyền cũng cho rằng nó "chỉ các đảo và rạn san hô của quần đảo Tây Sa và Trung Sa".[216] Sự gần gũi của hai quần đảo này làm cho khó phân biệt giữa chúng trong tài liệu Trung Quốc cổ đại, và không có khả năng Trường Sa Thạch Đường chỉ quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, cần lưu ý rằng Chu Khứ Phi không biết rõ về ‘Trường Sa Thạch Đường’, do đó đã sử dụng hai chữ 'Nghe đồn' (傳聞: truyền văn).

Điều thứ hai là Cổng nước ngoài, nước ngoài đi thuyền (外國門, 航海外夷: Ngoại quốc môn, hàng hải ngoại di).

Hôm nay đi xuống các châu quận ven biển trải dài từ đông bắc đến tây nam, và dừng lại ở Khâm Châu. Các châu, quận ven biển loại có thuyền buôn đến. Nhà nước đã xoa dịu người nước ngoài và thành lập Ti Thuyền buôn (Thị Bac Ti) ở Tuyền Châu và Quảng Châu, vì vậy tất cả những thương nhân gặp khó khăn muốn kiện cáo khẩn cấp thì đến Ti Thuyền buôn. Tháng 10 năm đó, được thăng làm giám sát giao thương với người nước ngoài. Khi họ đến, sau ngày hạ chí, đã triệu tập các thương nhân và bảo vệ họ. Nước giàu có và có nhiều hàng quý giá nhất như là nước Đại Thực, tiếp theo là nước Đồ Bà, kế đó là nước Tam Phật Tề, tiếp theo là các nước khác. Tam Phật nằm trên tuyến đường biển chính mà các nước qua lại. Từ Tam Phật đến, đi thẳng về hướng bắc, thuyền của sẽ đi qua hai đảo Thượng, Hạ Trúc và biển Giao Chỉ, rồi vào địa phận Trung Quốc. Ai muốn đến Quảng Châu thì đi vào từ Đồn Môn. Ai muốn đến Tuyền Châu thì đi vào từ cửa Giáp Tí. Từ Đồ Bà đến, đi theo hướng lệch về phía tây bắc một ít, thuyền sẽ đi qua đá 12 con (Thập Nhị Tử thạch) và hoà vào tuyến đường biển Tam Phật Tề chỗ dưới đảo Trúc. Từ Đại Thực đến, dùng thuyền nhỏ đi về phía nam, và khi đến nước Cố Lâm thì chuyển qua thuyền lớn rồi đi về phía đông, và khi đến Tam Phật Tề, đi theo tuyến đường như người Tam Phật Tề đến Trung Quốc. Các nước khác như Chiêm Thành và Chân Lạp đều ở gần phía nam của biển Giao Chỉ, chỉ ở xa không bằng một nửa Tam Phật Tề và Đồ Bà, còn Tam Phật Tề và Đồ Bà thì xa không bằng một nửa Đại Thực. Các nước phiên di này có thể đến Trung Quốc trong một năm, nhưng Đại Thực có thể phải sau hai năm. Nói chung tàu thuyền các nước này di chuyển theo gió thuận, một ngày đi cả ngàn lí, nhưng khi có gặp gió bấc thì tai họa khôn lường. May mà đậu trên địa phận ta còn có luật bộ giáp bảo hộ, đậu ở nước ngoài thì người và của không còn. Nước Nhược Phu Mặc Cà, Vật Tư Lí… ở rất xa, và không biết cách bao nhiêu ngàn lí.[217]

Thương Hạ Trúc ở đây chỉ chỗ nào vẫn còn tranh cãi. Một số học giả cho rằng đó là Singapore, một số cho rằng đó là quần đảo Á Nam Ba Tư (Anambas), và một số cho rằng đó là đảo Áo Nhĩ (Pulau Aur). [218] Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh tin rằng nó đề cập đến quần đảo Natuna.[219] Dù là gì, những nơi này cách nhau không quá xa và đều ở góc tây nam của biển Đông, vị trí chính xác của nó không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề đang thảo luận, vì vậy hãy tạm coi đó là quần đảo Natuna.

Lí Kim Minh cho biết: “Ghi chép này đã ghi rõ ranh giới Nam Hải của nước ta vào thời điểm đó, tức là phía tây giáp với biển Giao Chỉ ở phía bắc Việt Nam và phía nam giáp quần đảo Natuna của Indonesia, các thuyền buôn đến giao thương với Trung Quốc chỉ cần qua quần đảo Natuna và biển Giao Chỉ sẽ vào biển Trung Quốc.”[220] Có thể thấy dụng ý của Lí Kim Minh và Hàn Chấn Hoa khi muốn chứng minh rằng biển Giao Chỉ (Giao dương) là vịnh Bắc Bộ. Trước nhất, họ cho rằng Giao dương là vịnh Bắc Bộ dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam ngày nay, nhưng từ vịnh Bắc Bộ đến Quảng Châu, Tuyền Châu không cần đi từ Tây sang Đông sao? Sau đó, họ lập luận rằng đoạn văn chỉ ra rằng Thương Hạ Trúc là ranh giới phía nam của Nam Hải của Trung Quốc (cái gọi là Trung Quốc chi cảnh [địa phận của Trung Quốc]), trong khi Giao dương (theo họ là vịnh Bắc Bộ) là giới hạn phía tây.

Muốn phủ nhận đoạn văn nói đến một tuyến đường bắc nam, Hàn Chấn Hoa lập luận thêm: "Đoạn văn trên nói thuyền ‘đi qua Thương, Hạ Trúc và biển Giao Chỉ rồi vào địa phận Trung Quốc' dựa trên việc sử dụng chữ 'và' (與: dữ), có nghĩa là ‘qua Thương Hạ Trúc’ rồi vào địa phận Trung Quốc', cũng như (tức là ‘và’) 'qua biển Giao Chỉ’rồi vào địa phận Trung Quốc'. Nếu nói rằng chỉ khi đến biển Giao Chỉ mới 'rồi vào địa phận Trung Quốc', thì không cần dùng chữ 'và', chỉ cần viết ‘đi qua Thương, Hạ Trúc, biển Giao Chỉ rồi vào địa phận Trung Quốc’. Viết như vậy chẳng phải sẽ ngắn gọn hơn sao? Tuy nhiên, đoạn văn này đã sử dụng từ '與' (dữ : và/với), điều đó chắc chắn bao gồm cả hai địa điểm trước cũng như sau, đều có thể đi tới địa phận Trung Quốc.”[221] Phân tích của họ về biển Giao Chỉ ở đây sai hoàn toàn.

Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, biển Giao Chỉ (Giao dương) không phải là vịnh Bắc Bộ mà là vùng biển rộng lớn kéo dài từ phía Nam đảo Hải Nam đến bờ biển miền Trung Việt Nam. Thứ hai, lộ trình của tàu thuyền được đề cập ở đây bắt đầu từ Tam Phật Tề (Sumatra), và đích đến của chúng không phải là các cảng ở vịnh Bắc Bộ như Khâm Châu, mà là Quảng Châu và Tuyền Châu, nơi có các Ti Thuyền buôn (Thị bạc Ti). Từ những phân tích trước đây về giao thông ở biển Đông sau thời Đường, có thể thấy rằng các tuyến đường biển vào thời đó đã không còn là các tuyến đường ven biển của nhà Hán, và tàu thuyền không nhất thiết phải đi đường vòng qua vịnh Bắc Bộ để đến Quảng Châu và Tuyền Châu của Trung Quốc. Từ vịnh Bắc Bộ đến Quảng Châu và Tuyền Châu, phải đi về phía đông, nhưng trong đoạn văn trên không có từ ngữ nào nói đến việc đi từ phía tây sang phía đông. Cách giải thích của Hàn Chấn Hoa về từ "dữ" (và/với) thậm chí còn sai hơn, cơ sở lập luận của ông là nếu theo cách giải thích đến Thượng, Hạ Trúc trước rồi sau đó mới đến biển Giao Chỉ thì từ "và" là không cần thiết. Nhưng dù chữ ‘và’ (與) ở đây không thật sự cần thiết, nhưng việc thêm chữ "và" vào ngữ cảnh vẫn rất tự nhiên. Trong sách cổ, nếu miêu tả hai tuyến đường thì thường sẽ viết trực tiếp (xem bài viết về Tam hợp lưu trên và thảo luận sau trong Hải ngữ), chứ không dùng cách khó hiểu dễ gây “hiểu sai” của Hàn Chấn Hoa. Hơn nữa, theo cách giải thích của Hàn Chấn Hoa, lẽ ra chúng ta nên dùng "hoặc" thay vì "và", hoặc "cả hai đều vào địa phận Trung Quốc" thay vì "rồi vào địa phận Trung Quốc". Ngoài ra, làm sao có thể đi thuyền từ Sumatra đến vịnh Bắc Bộ mà lại không đi qua Thượng Hạ Trúc?

Do đó, đoạn văn "Cổng nước ngoài, nước ngoài đi thuyền" mô tả rõ ràng một tuyến đường từ Sumatra, đi từ nam lên bắc, đầu tiên đi qua Thương, Hạ Trúc (Natuna), sau đó đi qua biển Giao Chỉ trước khi đến lãnh thổ của Trung Quốc. Thứ tự của tuyến đường từ nam lên bắc là Thượng, Hạ Trúc, biển Giao Chỉ và địa phận Trung Quốc, và rõ ràng ranh giới phía bắc của Giao dương là ranh giới phía nam của địa phận Trung Quốc. Vùng biển của Trung Quốc và biển Giao Chỉ không phải là giáp nhau theo hướng đông - tây mà theo hướng bắc - nam. Việc Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh coi biển Giao Chỉ là giới hạn phía tây của địa phận Trung Quốc là vô lí và biển Giao Chỉ chỉ có thể là giới hạn phía nam của biên giới biển phía nam của Trung Quốc.

2. Chư phiên chí (1225) của Triệu Nhữ Quát triều Tống và các tài liệu cùng thời khác

Triệu Nhữ Quát là một nhà địa lí triều Nam Tống. Năm 1224, tức năm Gia Định thứ 17, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ti Thuyền buôn (Thị Bạc Ti) Phúc Kiến, và vào năm 1225, tức năm Bảo Khánh thứ nhất, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ti Thuyền buôn Tuyền Châu. Về địa lí của biển Đông, Triệu Nhữ Quát là người ghi chép đầu tiên. Vì quan tâm đến địa lí, ông đã tận dụng vị thế thuận tiện trong công việc của mình để học hỏi nhiều điều về địa lí, phong tục và sản vật các nước từ các thương nhân và sứ giả của nhiều nước khác nhau trong thời gian làm Trưởng Ti Thuyền buôn Phúc Kiến kiêm Trưởng Ti Thuyền buôn thành phố Tuyền Châu. Ông đã tận dụng những trao đổi thông tin này, cũng như các tài liệu khác nhau mà ông có được, để viết hai quyển Chư phiên chí (諸蕃志). Quyển đầu ghi lại tình hình chung của hơn 50 nước từ Nhật Bản cho đến Morocco ở Bắc Phi. Quyển thứ hai ghi lại sản phẩm, lấy sự vật làm trọng điểm, mô tả nơi xuất xứ, sản xuất, cách sử dụng, vận chuyển và mua bán, v.v., cuối cùng có một chương về "Hải Nam". Đây là tài liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu giao thông trên biển, ngoại thương và bang giao hữu nghị với các nước vào thời Tống. Cuốn sách gốc đã bị mất và phiên bản hiện tại được biên soạn từ Vĩnh Lạc đại điển.

Có 2 chỗ nói về các đảo ở biển Đông trong Chư phiên chí: chỗ đầu tiên là lời nói đầu, và chỗ thứ hai là Địa lí chí Hải Nam. Lời nói đầu của Chư phiên chí ghi :

Nhữ Quát được lệnh đến đây, lúc rảnh rỗi đã xem bản đồ của các nước [phiên], có cái gọi là Thạch Sàng (石床: giường đá), Trường Sa nguy hiểm (險: hiểm), và biển Giao Chỉ, đảo Trúc trắc trở (限: hạn), hỏi chi tiết đều không có. Nhờ các thương nhân nước ngoài liệt kê lại tên các nước, nói về đất đai, tập tục, liên hệ đạo lí, sản vật của núi sông, rồi dịch sang tiếng Trung Quốc, loại bỏ những chỗ thô tục, và giữ lại điều thật, gọi tên là Chư phiên chí.[222]

(汝適被命此來, 暇日閱諸蕃圖, 有所謂石床長沙之險, 交洋竺嶼 之限, 問其志則無有焉。迺詢諸賈胡, 傳列其國名, 道其風土, 與夫道 里之聯屬, 山澤之蓄產, 譯以華言, 則其穢渫, 存其事實, 名曰《諸蕃 志》.)

Các chuyên gia Trung Quốc (chẳng hạn như Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh) hầu hết đều cho rằng Thạch Sàng và Trường Sa lần lượt chỉ Hoàng Sa và Trường Sa, và họ gần như nhất trí tin rằng câu này thể hiện ý nghĩa rằng biển Giao Chỉ và đảo Trúc là đường phân giới vùng biển Trung Quốc và vùng biển nước ngoài.[223] Vì vậy, họ coi cả Hoàng Sa và Trường Sa đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng cách hiểu này là sai.

Thứ nhất, "trắc trở" (限: hạn) ở đây không phải nói đến ranh giới, mà nói đến "những chướng ngại vật nguy hiểm", tức vẫn là "hạn chế", đó là nghĩa gốc của "hạn". Thuyết văn giải tự (Giải thích và phân tích các chữ) ghi: "hạn, trở ngại." Trong Từ Nguyên ghi: "(1) Hạn, hiểm trở”. ‘Chiến quốc sách’ có ‘Nam hữu Vu Sơn, Kiềm Trung chi hạn’ (phia Nam có Vu Sơn, Kiềm Trung là chỗ trắc trở).” Do đó, trong câu này, vế trước nói về sự nguy hiểm (險: hiểm) của Thạch Sàng, Trường Sa, vế sau nói về sự trắc trở (限: hạn) của biển Giao Chỉ và đảo Trúc, đây là phương pháp đối (Thạch Đường Trường Sa chi hiểm, Giao dương Trúc tự chi hạn) và là cách diễn đạt phổ biến nhất trong văn cổ tiếng Trung. Trong Lĩnh ngoại đại đáp có ghi rằng hành trình từ Tam Phật Tề đi về phía bắc phải đi qua lần lượt Thượng Hạ Trúc và biển Giao Chỉ. Bất kể Thượng và Hạ Trúc thuộc quần đảo Natuna hay đảo Aur, chúng đều cách đảo Côn Sơn ở nam Việt Nam không xa, và cả hai đều ở cực tây nam của biển Đông. Trong Đảo di chí lược - Côn Lôn, Uông Đại Uyên viết: "Núi Côn Lôn...ở giữa biển lớn và đối diện Tây Trúc của Chiêm Thành, bên dưới có biển Côn Lôn, tên biển từ đó mà ra".[224] Biển Giao Chỉ và biển Côn Lôn đều là vùng biển nguy hiểm, trong Lĩnh ngoại đại đáp, Địa lí môn, Tam hợp lưu nói trên có viết rằng biển Giao Chỉ là một khu vực nguy hiểm. Biển Côn Lôn cũng là một khu vực nguy hiểm. Đảo di chí lược - Côn Lôn nêu, "Tục ngữ nói: trên có Thất Châu, dưới có Côn Lôn."[225]Mông Lương Lục” đời Nam Tống cũng có: “Đi sợ Thất Châu, về sợ Côn Lôn.”[226] Đây là miêu tả về sự nguy hiểm của biển Côn Lôn. Vì vậy, biển Giao Chỉ và đảo Trúc là hai chỗ trở ngại nguy hiểm cho Trung Quốc trên con đường ra nước ngoài.

Thứ hai, Triệu Nhữ Quát viết Chư phiên chí (Sách ghi về các nước phiên) và đọc Chư phiên đồ, (bản đồ các nước phiên) nên không có lí do gì để cho rằng những địa danh mà ông viết trong cương giới Trung Quốc. Vì biển Giao Chỉ và đảo Trúc không phải là một phần của Trung Quốc, nên không có lí do gì để tin rằng việc Triệu Nhữ Quát nói đến Thạch Sàng, Trường Sa ở đây có nghĩa là ông ấy coi hai nơi này là một phần của Trung Quốc.

Thứ ba, Thạch Sàng và Trường Sa ở đây đều chỉ quần đảo Hoàng Sa. Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh cho rằng Thạch Sàng chỉ Tây Sa (Hoàng Sa), còn Trường Sa là Nam Sa (Trường Sa) chỉ là chuyện đương nhiên. Nhà địa lí Tăng Chiêu Tuyền chỉ ra rằng vào thời Tống, thạch đường và trường sa được dùng để chỉ hai loại địa hình khác nhau, thạch đường là rạn san hô vòng, thạch sàng là nền đá ngầm (thạch đường và thạch sàng được sử dụng lẫn lộn), và trường sa là bãi cát và cồn cát phát triển trên nền đá (thạch sàng). Chúng (được gắn thêm Thiên Lí hay Vạn Lí) dùng làm tên riêng chỉ sau thời Nguyên.[227]

Ở cuối quyển hai Chư phiên chí, có một chương về Hải Nam (Hình 13). Trong đó có đoạn sau:

Xa như Cát Dương, là chỗ cuối của biển, không còn đất liền. Bên ngoài có các châu Ô Lí và Tô Cát Lãng, [228] phía nam đối diện Chiêm Thành, phía tây nhìn về Chân Lạp, phía đông chính là Thiên Lí Trường Sa, Vạn Lí Thạch Sàng, mênh mông không bờ bến, trời nước một màu. Tàu thuyền đi lại, chỉ lấy nam châm làm chuẩn, ngày đêm phải thận trọng quan sát, sống chết chỉ phụ thuộc vào một sai biệt nhỏ.[229]

Nhiều nội dung của Chư phiên chí là sáng tác gốc, và một số nội dung được trích dẫn từ Lĩnh ngoại đại đáp. Chương Hải Nam đính kèm ở cuối sách có thể không nằm trong sáng tác gốc. Bởi vì Hải Nam lần đầu tiên được đưa vào lãnh thổ của Trung Quốc là vào thời Hán, nhưng vào cuối thời Tây Hán (46 TCN), do sự phản kháng liên tục của người Lê trên đảo, hệ thống tổ chức trên đảo đã bị loại bỏ và mãi đến thời Tùy (đầu thế kỉ 7) mới được tái lập. Nhưng vào thời Tống, hệ thống này đã được thiết lập hàng trăm năm và đảo này không được tính vào các nước phiên, Phùng Thừa Quân cho rằng Triệu Nhữ Quát cũng thêm cả Hải Nam vào vì người Lê ở Hải Nam đã được nhắc đến trong Lĩnh Ngoại Đại Đáp.[230] Dựa trên những sản vật mà ông mô tả, Dương Bác Văn đoán rằng Triệu Nhữ Quát chỉ sao chép lại cuốn Quế Hải ngu hành chí của Phạm Thành Đại.[231] Cuốn sách này là hồi ức về những chuyện cũ được Phạm Thành Đại viết thành sách vào khoảng những năm 1170, sau khi ông được thăng chức chuyển từ phủ Tĩnh Giang (Quế Lâm) đến Tứ Xuyên. Đáng tiếc là cuốn sách này đã bị thất lạc, và trong bản hiện còn trong Vĩnh Lạc đại điển lại không có đoạn văn này, vì vậy rất khó để chứng minh.

Hình 13 Chư phiên chí, chương Hải Nam

Một đoạn văn rất giống xuất hiện trong hai tác phẩm địa lí khác cùng thời sau đó. Một là Dư địa kỉ thắng [輿地紀勝] (1227) do Vương Tượng Chi viết, quyển 127 “Cát Dương Quân - phong tục hành thắng” có ghi:

Cát Dương, vùng đất có nhiều núi cao với đỉnh núi đẹp, vì vậy trong quận này có những người sống tự lập (chú thích gốc, Quỳnh Quản chí), tập quán của Cát Dương gần với người di, có nhiều kiêng kị âm dương đến nỗi nhiều người không chôn cất người thân hơn 10 năm (chú thích gốc, Hồ Đạm Am), bên ngoài nó là các châu Ô Lí, Tô Mật, Cát Lãng, và nằm đối diện với Chiêm Thành. Phía tây là Chân Lạp, Giao Chỉ, phía đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, trên dưới mênh mông, ngàn dặm một màu, tàu thuyền đi lại các đảo, chim bay sát đầu cổ mà không giật mình.[232]

吉陽, 地多高山峰巒秀拔所以郡人間有自立者 (原注, 瓊管志) 吉陽俗近夷, 多陰陽拘忌, 至有十數年不葬其親者 (原注, 胡澹庵) 其外則烏里蘇密吉浪之洲, 而與占城相對。西則真臘交趾, 東則千里長沙萬里石塘, 上下渺茫, 千里一色, 州船往來, 飛鳥附其顯頸而不驚 (原注, 瓊管 志).

Đoạn văn này về cơ bản giống như đoạn trong Chư phiên chí, và có thể đến từ cùng một nguồn, và cuốn sách này chỉ ra rằng đoạn văn là từ một cuốn sách cổ tên là Quỳnh Quản chí [瓊管志].

Tác phẩm kia là Phương dư thắng lãm [諸蕃志} (1239) của Chúc Mục. Trong đó có ghi:

Bên ngoài nó là các châu Ô Lí, Tô Mật, Cát Lãng, phía nam đối diện với Chiêm Thành, v.v., phía đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường, trên dưới mênh mông, ngàn dặm một màu.

(其外則烏里蘇密吉浪之州, 南與占城相對云云, 東則千里長沙, 萬里 石塘, 上下渺茫, 千里一色.)

Mô tả của nó về cơ bản giống với mô tả được ghi trong Chư phiên chí, với một chút khác biệt về hướng. Từ cách diễn đạt "v.v…", có thể thấy đây là một đoạn trích. Do đó, lời văn của chương Hải Nam trong Chư phiên chí, cũng có thể là từ Quỳnh Quản chí. Vì Quỳnh Quản chí đã bị thất lạc từ lâu nên năm chính xác nó ra đời càng không được biết đến, nhưng thường được đoán đó là một tác phẩm của đầu thế kỉ 13 (khoảng những năm 1200). Chư phiên chí có thể đã trích dẫn từ Quỳnh Quản chí, nhưng không loại trừ rằng Quỳnh Quản chíChư phiên chí đều trích dẫn từ Quế Hải Ngu hành chí, trong khi Dư địa kỉ thắngPhương dư thắng lãm lại có thể trích dẫn từ Quỳnh Quản chí.

Phán đoán từ lời văn trong Chư phiên chí, Cát Dương chính là Cát Dương Quân, sau này là Nhai Châu và hiện nay là Tam Á. Câu này nói rằng có những nơi bên ngoài Nhai Châu được gọi là Ô Lí, Tô Mật và Cát Lãng. Ba địa danh này đều thuộc Giao Chỉ (Ô Lí thuộc địa phận Huế, Tô Mật và Cát Lãng chắc cũng ở gần đó, [233] có lẽ là những địa danh dọc bờ biển miền Trung Việt Nam), và đều là lãnh thổ nước ngoài. Phía nam của nó là Chiêm Thành, phía tây là Chân Lạp, và phía đông là Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường. Chiêm Thành và Chân Lạp cũng là những nơi thuộc nước ngoài. Do đó, từ mô tả này, cũng không thể rút ra kết luận ​​rằng Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường vốn nằm liền kề với Giao Chỉ, Chiêm Thành và Chân Lạp, thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường ở đây chỉ nơi nào ? Về mặt địa lí, Thiên Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường ở phía đông Hải Nam chỉ có thể để chỉ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa (Macclesfield Bank). Quần đảo Trường Sa cách xa đảo Hải Nam về phía đông nam, vì vậy rất khó để xem xét tới. Cách giải thích này cũng phù hợp với mô tả trong Lĩnh ngoại đại đáp. Các nhà địa lí lịch sử Tăng Chiêu Tuyền (Trung Quốc), [234] Trần Hồng Du (Đài Loan), [235] và F. Hirth và W.W. Rockhill[236] cũng giữ quan điểm này. Ở đây, “Trường Sa” được thay bằng “Thiên Lí Trường Sa”, và “Thạch Sàng” được thay bằng “Vạn Lí Thạch Sàng” dùng để hình dung bề rộng của nó. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện tư liệu về Thiên Lí Trường Sa. Tác giả không loại trừ khả năng hai từ này dùng để chỉ hai địa hình của quần đảo Hoàng Sa.


[162]Trương Lệ Văn “Hải Nam Đản dân vấn đề tái nghiên cứu”, Tự Trương Nhất Bình đẳng chủ biên “Bách Việt nghiên cứu”, Kị Nam Đại học xuất bản xã, 2011, tr. 378-389.

[163]Có thể xem Trần Cao Hoa, Trần Thượng Thắng, “Trung Quốc hải ngoại giao thông sử”, Văn Tân xuất bản xã, 1997.

[164]Từ Tùng, “Tống hội yếu chuyển yếu”, chức quan tứ tứ chi nhị, Trung Hoa thư cục ảnh ấn bổn, 1957, tr. 3364

[165]Trần Cao Hoa, Trần Thượng Thắng, “Trung Quốc hải ngoại giao thông sử”, Văn Tân xuất bản xã, 1997, tr. 95 -101.

[166]Cũng có thuyết cho rằng Bồ Thọ Canh là người Ả Rập, và phân tích về lịch sử cuộc đời của ông ta xem Tang Nguyên Ẩn Tàng, bản dịch "Bồ Thọ Canh khảo" của Trần Dụ Thanh, Trung Hoa thư cục, 1954.

[167]Tang Nguyên Ẩn Tàng, bản dịch "Bồ Thọ Canh khảo" của Trần Dụ Thanh, Trung Hoa thư cục, 1954, tr. 92.

[168]Trần Hồng Du, “Tảo Kì Nam Hải hàng lộ dữ đảo tiều chi phát hiện”, “Quốc lập chánh

trị đại học lịch sử học báo” kì 39, 5/2013, tr. 49-50

[169]Nt, tr. 51-53.

[170]Trần Cao Hoa, Trần Thượng Dương, “Trung Quốc hải ngoại giao thông sử”, Văn Tân xuất bản

xã, 1997, tr. 167-172.

[171]Đồng Kiệt, “Gia Tĩnh đại Oa khấu thành nhân tân tham”, “Trung Quốc xã hội lịch sử bình luận”, 2011, q. 12, tr. 204-220.

[172]Minh sử, q. 332, Nhật Bản, tr. 8353.

[173]Juan González de Mendoza, Robert Parke, Sir George Thomas Staunton, The History of the Great and Mighty Kingdom of China and the Situation Thereof, Vol II, Hakluyt Society, 1854, p. 117-119.

[174]Đồng Kiệt, “Gia Tĩnh Đại Uy khấu thành nhân tân tham”, “Trung Quốc xã hội lịch sử bình luận”, 2011, q. 12, tr. 204-220

[175]Lí Cung Trung, Lí Hà “倭寇記憶與中國海權觀念的演進——從籌海圖編到洋防輯要的考察” (kí ức về cướp biển Nhật và sự phát triển quan niệm về quyền trên biển của Trung Quốc - điều tra từ ‘Trù hải đồ biên’ đến ‘Dương phòng tập yếu’ ", "Giang Hải học san", 2007, số 3

[176]Suleiman, “Tô Lai Mạn Đông du kí”, trích từ “Đông phương văn hiến tập chú”, tr. 51-57.

[177]Yakub “Sử Abbasids”i, trích dẫn từ "Đông phương văn hiến tập chú", tr. 67.

[178]Sử địa luận chứng, tr. 31.

[179]Musoudi, “Đồng cỏ vàng”, trích trong "Đông phương văn hiến tập chú", tr. 117.

[180]Yakub, “Sử Abbasids”, trích trong "Đông phương văn hiến tập chú", tr. 67.

[181]Yakutia, "Từ điển địa danh", trích trong "Đông phương văn hiến tập chú", tr. 224.

[182]Jacquot, “ Phong tục các nước”, trích trong "Đông phương văn hiến tập chú", tr. 208.

[183]Suleiman, “Tô Lai Mạn Đông du kí”, trích trong “Đông phương văn hiến tập chú”, tr. 57.

[184]Sử địa luận chứng, tr. 32.

[185]Ngô Tự Mục, ‘Mộng lương lục’, Tứ khố toàn thư, q. 590, tr. 102.

[186]Ibn Fakih, sách không có tên, tên tạm thời là "Sách Địa lí", trích trong ““Đông phương văn hiến tập chú”, tr. 75.

[187]Sử địa luận chứng, tr. 32.

[188]Edrich, “Chư quốc phong thổ kí", trích trong “Đông phương văn hiến tập chú”, tr. 212.

[189]Tống hội yếu”, đã bị mất, “Tống hội yếu tập cảo” hiện có được sao chép từ “Vĩnh Lạc đại điển” của Từ Tùng nhà Thanh.

[190]Từ Tùng, “Tống hội yếu tập cảo”, q. 197, bản in chụp lại của Trung Hoa thư cục, 1957, tr. 7748

[191]Ngạch Tổ Vi, Độc sử phương dư kỉ yếu, quyển 185, Quảng Đông 6, Quỳnh Châu Phủ, Nhai Châu. Đài Bắc, Trung Hoa thư cục, 1955, tập 5, tr. 4336-4337

[192]Tống sử, Liệt truyện 148, Chiêm Thành, tr. 14083

[193]Ngư vực nghiên cứu, 。 tr. 41. Trần Hồng Du, Tảo kì Nam Hải hàng lộ dữ đảo tiều chi phát hiện, “Quốc lập chính trị đại học lịch sử học báo”, kì 39。 tháng 5/2013, tr. 25-92

[194]Lưu Nam Uy, Nam Hải chư đảo cổ địa danh sơ tham, Địa danh tư liệu vị biên, tr. 419

[195]Cương vực nghiên cứu, tr. 41

[196]Tăng Chiêu Tuyền, Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích, “Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng”, 1991, kì 1, tr. 133-160

[197]Từ Tùng, “Tống hội yếu chuyển cảo”, tập 197, bản in chup của Trung Hoa thư cục, 1957, tr. 7763

[198][ thái ] Lê Quát Dụng, “Thái Quốc cổ đại sử địa tùng khảo”, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 2000, tr. 132, 140.

[199]Tô Diệu Khanh, “Nam Hải câu trầm lục”, Đài Bắc, Thương vụ ấn thư quán, 1982, tr. 106.

[200]Cương vực nghiên cứu, tr. 41.

[201]Lưu Nam Uy, “Nam Hải chư đảo cổ địa danh sơ tham”, Địa danh tư liệu vị biên, tr. 419.

[202]Tống sử, q. 489, tr. 14077.

[203]Tống sử, q. 489, tr. 14094.

[204]Trần Hồng Dụ, “Tảo kì Nam Hải hàng lộ dữ đảo tiều chi phát hiện”. “Quốc lập chính trị đại học lịch sử học báo”, kì 39, thang 5/2013, tr. 31-53.

[205]Lâm Kim Chi, “Trung Quốc tối tảo phát hiện, kinh doanh hoà quản hạt Nam Hải chư đảo đích lịch sử”, Địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 27-28.

[206]Lâm Kim Chi, “Thạch Đường Trường Sa địa danh tư liệu tập lục khảo thích”, Địa danh tư liệu hối biên, tr. 423-442.

[207]Lâm Kim Chi, “Trung Quốc tối tảo phát hiện, kinh doanh hoà quản hạt Nam Hải chư đảo đích lịch sử”, Địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 41.

[208]Lưu Nam Uy, “Nam Hải chư đảo cổ địa danh sơ tham”, Địa danh tư liệu vị biên, tr. 419-423

[209]Lâm Kim Chi, “Thạch đường Trường Sa địa danh tư liệu tập lục khảo thích”, Địa danh

tư liệu hối biên, tr. 423-442

[210]Chu Khứ Phi viết, Dương Vũ Tuyền chú giải, “Lĩnh ngoại đại đáp giáo chú”, Bắc Kinh, Trung Hoa Thư cục, 1999, tr. 1

[211]Sđd, Lời nói đầu, tr 9.

[212]Sđd., tr. 36.

[213]Cương vực nghiên cứu, tr. 22

[214]Sử địa luận chứng, tr. 236

[215]Chu Khứ Phi viết, Dương Vũ Tuyền chú giải, “Lĩnh ngoại đại đáp giáo chú”, Bắc Kinh, Trung Hoa Thư cục, 1999, tr. 36.

[216]Nt, tr. 37

[217]Nt, tr. 126.

[218]Nt, tr. 127.

[219]Cương vực nghiên cứu, tr. 22.

[220]Cương vực nghiên cứu, tr. 23.

[221]Sử liệu luận chứng, tr. 236.

[222]Triệu Nhữ Quát viết, Dương Bác Văn chú giải, ”Chư phiên chí giáo thích”, Trung Hoa thư

cục, 1996, tr. 1.

[223]Cương vực nghiên cứu, tr. 24.

[224]Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi nhất : Bách dương tạp trở, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Hải tha dư lục”, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 344.

[225]Nt.

[226]Ngô Tự Mục, “Mộng lương lục”, Tứ khố toàn thư, q. 509, tr. 102.

[227]Tăng Chiêu Tuyền “Trung Quốc cổ đại đối hoàn đích nghiên cứu”, trích từ Tăng Chiêu Tuyền

Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích”, “Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng”, 1991, kì 1, tr. 133-160.

[228]Tô Cát Lãng” ở đây phải là “Tô Mật, Cát Lãng” do bị viết thiếu, xem “Dư địa kỉ thắng” và “Phương dư thắng lãm” nói phía sau.

[229]Triệu Nhữ Quát viết, Dương Bác Văn chú giải, ”Chư phiên chí giáo thích”, Trung Hoa thư cục, 1996, tr. 216

[230]Vi Thừa Ước “Chư phiên chí giáo chú”, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1956, tr. 148.

[231]Cương vực nghiên cứu, tr. 222

[232]Vương Tượng Chi “Dư địa kỉ thắng”, Văn tuyển lâu ảnh Tống sao bản, tập 33, q. 127.

[233]Sử địa luận chứng, tr. 237.

[234]Tăng Chiêu Tuyền “Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích”, “Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng”, 1991, kì 1, tr. 133- 160.

[235]Trần Hồng Du, “Tảo kì nam hải hàng lộ dữ đảo tiều chi phát hiện.””Quốc lập chính trị đại học lịch sử học báo”, kì 39, 5/2013, tr. 25-92

[236]Dẫn từ trích dẫn trên.