Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Độc Sáng Độc Thoại Đối Thoại

 Nguyễn Thị Thanh Bình

Người mà tôi đã được gặp, khá ấn tượng với bờ trán cao triết gia, cặp kính trắng cọng tròn, ria mép lãng đãng bạc lười cạo, ít nói ít cười nhưng lại hóm hỉnh, pha trò.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất chưa hẳn vì Nguyễn Viện đã sắm được một tiểu sử rực rỡ vững chắc, mà dường như khi anh bảo anh hoàn toàn không muốn đoạn rời quê hương mình.

Theo Nguyễn Viện, đã làm một nhà văn thì phải ở lại trên chính quê hương mình để viết, để đi cùng với những thăng trầm lịch sử, nỗi đau cùng niềm hy vọng, trăn trở của đất nước.

Bất chấp cho cả những lần bị quê hương ruồng bỏ, rượt bắt anh phải đi uống-nước-trà với lũ ở đồn Phan Đăng Lưu.

Nói chi đến chuyện sách của một nhà văn đi bên lề trái như anh được xuất bản trong nước. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ biết đâu một khi cuốn truyện kịch này của Nguyễn Viện được Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao đang tung ra đời, mà tôi đã có dịp hân hạnh đọc dưới dạng bản thảo sẽ được dịch ra tiếng Anh, Pháp… để phát hành rộng rãi với thế giới, và rồi sẽ bay ngược về quê nhà.

Kỳ thực con người ở ngoài đời của Nguyễn Viện khá hiền lành, và sẽ không một chút gì táo tợn, dữ dội, đểu giả, thách đố như trong cõi văn chương của anh. Đặc biệt là hai tác phẩm Ở phía đông âm phủ / Và hắn đã đến mà chúng ta đang quan tâm, chú ý.

Ở đây tôi chỉ xin được làm công việc mở một cánh cửa he hé, khi bước vào thế giới văn chương Nguyễn Viện. Nơi lấp lánh, lộng lẫy chất độc sáng khác biệt, giỏi đùa cợt giữa biên giới thực-ảo của thứ không gian tiểu thuyết, và ở đó đối thoại cũng chừng như của những rợn ngợp ý tưởng, trong niềm tin chính bản thân tác giả muốn truyền đạt tới người đọc.

Vâng, khi trái đất đang nóng dần lên, tôi có cảm tưởng hai truyện kịch này của Nguyễn Viện cũng như muốn nổ tung cùng thần trí sáng tạo tuyệt vời của anh.

Cũng cùng một khí quyển chính trị, và cùng một phong cách tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử, nhưng Ở phía đông âm phủ lấy bối cảnh của Việt Nam, và Và hắn đã đến mượn bối cảnh quốc tế.

Chúng ta sẽ được dịp gom chung một cuốn sách để đời độc đáo trong tay, dù chỉ vỏn vẹn 169 trang, nhưng có thể nói là đã vắt kiệt hết những suy tưởng ưu tư chất chứa về con người, lẫn những thông hiểu kiến thức thời sự, văn hóa… Đông Tây của một nhà văn đích thực say đắm, cao cả, tận tụy đến miết cuối đời.

Phải công nhận đây là cuốn sách hay lạ kỳ mà tôi được đọc từ bấy lâu nay. Lạ kỳ và của hiếm như chưa từng có một tác giả văn học Việt nam đã viết trước đó và chắc cả mai hậu. Bởi có lẽ, không một nhà văn nào có thể nhại theo được bút pháp của Nguyễn Viện. Xây dựng cấu trúc một cuốn tiểu thuyết hiện đại thì có thể có khá nhiều người làm được. Nhưng bắt chước cho giống Nguyễn Viện thì không.

Nguyễn Viện thuộc bản quyền bản sắc của Nguyễn Viện đã đành. Văn xuôi của Nguyễn Viện là của riêng một cõi Nguyễn Viện; kể cả ý đồ đánh đổ các yếu tố dựng xây nhân vật và cốt truyện. Nói cách khác, truyện của Nguyễn Viện là truyện không có cốt truyện, và nhân vật cũng không có sự hỗ tương từ đầu truyện đến cuối truyện.

Hẳn nhiên chúng ta cũng không có ý định xếp Nguyễn Viện vào ê-kíp của những tác giả hậu hiện đại, vì chính tác giả nhiều khi cũng không rõ “nguyên tắc” của hậu hiện đại là gì.

Thì chính Nguyễn Viện, khi bàn về nghệ thuật viết văn cũng đã phát biểu: “Một nghệ sĩ đích thực chỉ sáng tạo từ những đòi hỏi của chính mình, không vì nhu cầu hiện đại, hậu hiện đại hay một thứ gì khác.”

Công tâm mà nói, văn của Nguyễn Viện tập hợp được nhiều giọng điệu. Khi thì giễu nhại châm biếm, khi thì thơ mộng như thơ.

Đặc biệt ở hai truyện kịch này, nổi trội nhất là phần đối thoại giữa những cuộc gặp “giả tưởng” của những chân dung nổi bật thời đại.

Đối thoại được mở ra rất thông minh và có thể làm chao đảo người đọc bằng những cú hích bất ngờ, khi tác giả bám sát vào hiện thực của những sự kiện lịch sử để thực hiện những cuộc trò chuyện, phỏng vấn dưới âm ty hay cả trong một không gian tòa sảnh có máy điều hòa thở đều của trần gian.

Đối thoại vì thế chính là những cuộc độc thoại chồng chất ý tưởng, và tác giả muốn phơi bày những ẩn ức hay huyễn hoặc tinh thần chưa được hiển lộ.

Thử nói sơ về truyện kịch Và hắn đã đến, chúng ta sẽ thấy Nguyễn Viện cho dù muốn sử dụng “chất liệu” lịch sử chính trị, nhưng nhà văn vẫn là người có quyền kiến tạo, phóng đại một phiên bản chỉ ngờ ngợ như thế để khám phá, tìm tòi những thú vị đằng sau những phô diễn của nó.

Theo Nguyễn Viện, con người ở nơi đâu cũng đều mong chờ một đấng tái sinh cứu chuộc. Người dân Do Thái cũng đã từng ngóng trông một vị dẫn đường kiểu Môi Sen, và tương lai sáng sủa hơn cho dân tộc mình. Như người Việt chúng ta vẫn có những chờ đợi vô vọng. Tuy nhiên, để khỏi rơi vào cảm giác tuyệt vọng vô nghĩa, con người có vài suy nghĩ khác nhau về đấng toàn năng.

Tác giả cho rằng chúng ta đã quên là “Ngài” đã có mặt từ khi sinh ra thế giới con người.

Nhân vật “Hắn” mà chúng ta đang trông đang đợi lắm khi cũng chỉ là bản chất của con người.

Điều này gợi nhớ đến vở kịch nổi tiếng Trong khi chờ Godot của Samuel Beckett, hệt Vladimir và Estragon trong vở kịch, đang chờ một điều gì đó mơ hồ và chừng như không bao giờ đến.

Thật ra tôi cũng khá váng vất với thông điệp gửi gắm sâu sắc của Nguyễn Viện, về nhân vật “Hắn” chính là con người với tất cả những hỉ nộ ái ố nhiều mặt đẹp xấu. “Hắn” đâu phải từ trời của Thượng Đế giáng xuống, hay từ dưới đất được mặc khải chui lên. Mà chính là nằm trong hẳn mỗi người. Do đó, sứ mệnh được làm người  là do chúng ta định. Hoàn toàn không phải là tại trời, ý trời.

Trên thực tế có muôn vạn ê chề, là do bàn tay điều khiển, dẫn dắt của những con người siêu nhân “lầm lạc”.

Chúng ta đâu còn lạ gì về sự trơ trọi của con người trong thế giới hiện đại, nơi những nguyên tắc đạo đức và nhân văn dường như bị lãng quên.

Tiếc là đám đông vốn chỉ là những bầy cừu ngoan ngoãn, chỉ biết cúi mặt ngồi chờ những rủi may và những sai khiến của những lãnh tụ “siêu nhân” ấy. Ở đây chúng ta bắt gặp phần “chính luận” sâu sắc của nhà văn Nguyễn Viện: Đó là tiếng nói nhiều âm thanh đau đớn và van nài của một kẻ sĩ, một trí thức trước những biến động thời cuộc, khi tác giả ngầm bảo đã đến lúc chúng ta phải biết nhận thức đó là một niềm trông đợi viển vông, xa vời. Mỗi con người phải tự có trách nhiệm nhận lãnh vai trò lịch sử giao phó. Không thể thoái thác cho một ai khác.

Những nhân vật tai to mặt lớn đi đứng, “phát biểu” trong Và hắn đã đến như Tập Cận Bình, Putin, thế lực tài phiệt toàn cầu đại diện ở phố Wall, quyền lực Mỹ đại diện bởi tên trùm CIA… đều được Nguyễn Viện quan sát, mô tả, vẽ lại chân dung khá tài tình.

Những con người làm ra lịch sử và nắm vận mệnh thế giới trong tay.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Viện, họ cũng chỉ là những nhân vật được nhà văn tái tạo. Trong một tác phẩm văn học, nhà văn cũng chính là Thượng Đế. Do đó, Nguyễn Viện tha hồ đặt ra nhiều câu hỏi nhiều nhận định và đưa ra nhiều ý tưởng lớn mang tính “sinh sự” về chính trị, nhưng anh cũng thật hóm hỉnh khôi hài và không phải bẻ cong ngòi bút vuốt ve, xu nịnh ai.

Điều này khiến tác phẩm của Nguyễn Viện trở nên đáng đọc, lý thú của một người có chính kiến và biết trình bày ý tưởng của mình.

Thêm nữa. Dù truyện kịch này có được so sánh, đem làm đối trọng với Trong khi chờ Godot hay không, đó là công việc nhận định đứng đắn của các nhà phê bình văn học nên làm. Với tư cách là một độc giả, và tôi cũng chỉ muốn nhìn dưới góc độ của một độc giả sẵn lòng yêu mến văn chương Nguyễn Viện, tôi đã bắt gặp rất nhiều đoạn được viết với bút pháp rất thơ, cũng như những mẩu đối thoại cuốn hút, duyên dáng với nhân vật nữ xuất hiện thoáng chốc tên Ngự.

Một điều đáng nói là văn chương Nguyễn Viện trong tác phẩm này có vẻ muốn lấy lòng phụ nữ nhiều hơn. Nguyễn Viện đã trút những lằn roi chăm chọc, châm biếm lên cánh đàn ông nhiều tham vọng xuất chúng kia, nên nơi đây vắng mặt thứ nhục cảm ẩn ức, cần giải tỏa đâu đó lên thân phận vốn đã bị rẻ rúng của phụ nữ Việt Nam.

Ở đây Nguyễn Viện hoàn toàn chấp nhận nữ quyền: “Ngự thông minh hơn tôi. Đó cũng là điều khiến tôi thích Ngự.”

Và những câu văn đọc lên lắm lúc nghe như thơ: “Linh hồn con người là một đoạn ký ức giữa lưng chừng thời gian. Không có khởi đầu, cũng không có kết thúc.” Hoặc: “Văn chương không cứu rỗi được cô ấy. Văn chương, nó rẻ rúng như chùm khế ngọt, xàm xì như một cơn mưa phùn, nặng lòng như một nỗi đau, cay đắng như một sự phản bội và hân hoan như một nụ hôn đầu. Văn chương nó không trọng đại như ta tưởng.”

Và như đã mào đầu, truyện kịch Ở phía đông âm phủ được Nguyễn Viện chọn bối cảnh Việt Nam để lồng những khuôn mặt chính trị lẫy lừng của dân tộc Việt.

Khác với cuốn Và hắn đã đến, ở đây Nguyễn Viện hoàn toàn từ chối viết hoa những tên riêng như ông diệm, ông minh, ông ánh, ông huệ… thậm chí cả hai chữ việt nam, sông gianh, sông bến hải…

Có thể nào chỉ đơn thuần là một cách viết làm mới, hay chính tác giả bỗng có điều gì đó không vui khi gợi nhớ những tên gọi ấy?

Điều tôi đặc biệt chú ý đến cuốn truyện này, có thể nói là những chi tiết, những tiểu tiết. Tôi có cảm tưởng chính những tiểu tiết, chi tiết mới đóng góp để làm thành tác phẩm lớn.

Chẳng hạn khi mô tả ông minh (nhân vật Hồ Chí Minh), Nguyễn Viện đã rất chi tiết khi viết: “ông huýt sáo một điệu nhạc dân ca trung quốc.” Hoặc: “Dưới âm phủ ông minh tiếp tục khẳng định chiến thắng vinh quang của mình khi viết lên quan tài ông diệm ba chữ “tay sai mỹ”, mà quên rằng, chính ông cũng sẽ chỉ là tốt thí cho bọn quốc tế vô sản như ông diệm đã nói trong cái đêm trắng ở paris. Hay chi tiết về cục gạch: “ông minh cười nhạt: - Sẽ không ai tin. Nhưng chính đó là cục gạch trong bếp của mẹ tôi. Đi bất cứ đâu tôi cũng bỏ vào túi xách mang theo. Đấy là quê hương.”

Với cùng bầu khí chính trị, Ở phía đông âm phủ mở ra một thế giới của luyện ngục với những gặp gỡ đối thoại hiếm hoi là lạ của những con người đã từng là lãnh tụ kiệt xuất đã vùi sâu dưới ba lòng tấc đất, nhưng vẫn còn chưa yên nguôi với giấc mộng bá vương hay tham vọng chưa thành ở trần thế.

Cái làm thu hút người đọc là sự pha trộn nhuần nhuyễn của một chút gì đó chất liệu lịch sử, đan chen với những hư cấu tưởng tượng phong phú của một ngòi bút ý thức được điều mình muốn dàn trải, trao gởi.

Có những câu hỏi mà chết rồi cũng không giải mã được, thì đúng là tác giả đang làm khó độc giả, hay một cách nào đó muốn đánh thức tâm tư cua con dân Việt: “ông diệm: - Khi nằm trong âm phủ này, nhiều lúc tôi nghĩ, có thật chúng ta đã sống và chết vì quê hương không?”

Nguyễn Viện cũng sử dụng độc thoại, như một cách thế chuyện trò với những ý tưởng ngồn ngộn trong đầu mình. Ở đó chúng ta thường bắt gặp như những suy tư thời sự thế sự, nhưng dù viết dưới đề tài nào đi nữa chừng như Nguyễn Viện vẫn muốn làm một tiểu thuyết gia hơn là viết như một nhà chính luận: “Người ta nhìn thấy phía sau của hỗn loạn đó là mỹ và c.s. Những kẻ giấu mặt này biến những tham vọng thành con sói. Người quốc gia đơn độc và thối rữa chính quyền từ ông diệm đến ông thiệu trở thành kẻ hiến tế cho những toan tính của các đại cường. Ở phía bên kia vĩ tuyến, độc dược của tình hữu nghị quốc tế vô sản thấm xuống lòng đất, và nó biến đất ấy thành đất chết. Con người phải khóc lóc và nghiến răng.”

Ở đây Nguyễn Viện muốn dùng thể loại truyện kịch có lẽ vì nó có vẻ thích hợp với những đề tài lịch sử, chính trị, xã hội. Nhất là đã gọi là truyện (kịch) thì khán giả dường như phải bị bỏ quên, nhường chỗ cho văn bản của truyện, để hướng tới một tác phẩm văn học với chất thơ, tư tưởng triết lý siêu linh nhiều hơn. Quả thật có khi khán giả chính là nhân vật “tôi”. Cũng hệt như có những lúc sân khấu không còn diễn viên,  chỉ là một khoảng trống hoang mang.

Dù đọc dưới góc độ nào đi nữa, tôi ngờ rằng tác phẩm này khi trình làng sẽ gây nhiều chú ý tranh cãi. Như những khuôn mặt văn chương lẫy lừng khi viết về những nhân vật lịch sử Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Nam Cao… thì dù mọi người có bình luận cách nào thì cũng không thể không công nhận giá trị của những tác phẩm Mùa mưa gai sắc, Gia phả (Trần Vũ), Phẩm tiết (Nguyễn Huy Thiệp), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác) hay Gió lửa (Nam Dao) đều mở ra mỗi người mỗi vẻ cái nhìn phóng chiếu về đề tài lịch sử đáng nghiền ngẫm. Hay nói đúng hơn, lịch sử chỉ là một cái cớ để tác giả có quyền vận dụng khả năng lập ngôn của mình về con người, khi chính tác giả cũng đâu phải là người viết chính sử mà phải sao chép rập khuôn.

Với một nhà văn tự nhận là ngoài lề như Nguyễn Viện, hai tác phẩm truyện kịch này quả thật xuất hiện rất đúng thời điểm, để tiếng nói của anh không đến nỗi phải chìm vào vô vọng. Nhất là với những ai đã từng đọc những cuốn khác của Nguyễn Viện, theo tôi không thể không tìm đọc tác phẩm độc đáo này.