Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 4)

Jörg WischermannGerhard Will (chủ biên)

Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

clip_image002[4]
Vũ Đức Liêm

Chương 4Huyền thoại quá khứ và nền chính trị bản sắc dân tộc ở Việt Nam đương đại1

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1954

Dẫn nhập: Truyền thuyết sáng lập trong nền văn hóa chính trị Việt Nam

Không gì có vẻ cổ xưa hơn huyền thoại sáng lập của các nhà nước. Những huyền sử như thế có vai trò căn bản đối với việc tạo thành ký ức tập thể và bản sắc của xã hội. Thăng trầm của các huyền thoại lịch sử là một hiện tượng có tính phổ biến, đặc biệt là vai trò của chúng trong các dự án chính trị (political projects) hướng tới mục tiêu tạo ra cảm thức về tính liên tục giữa quá khứ và hiện tại. Chương sách này phân tích câu chuyện Hùng Vương dựng nước và vai trò của nó trong việc kiến tạo tự sự chính trị và thực hành văn hóa ở Việt Nam thời kỳ sau 1986. Mục tiêu của nghiên cứu này hướng tới là khám phá chức năng kiến tạo bản sắc của các nhân vật huyền thoại đã trở thành quốc tổ, trong việc tìm kiếm bản sắc dân tộc cũng như tính chính danh chính trị mới. Mỗi xã hội đều có bệ đỡ là huyền thoại kiến tạo mà ở đó câu chuyện về nguồn gốc được được lưu truyền. Huyền thoại kiến tạo tạo ra nguồn cảm hứng và thiết chế mà nhờ đó quá khứ và những cấu thành liên quan tới quá khứ tham dự vào việc định hình hiện tại. Chính vì thế, chức năng trung tâm của câu chuyện lập quốc là củng cố vững chắc bản sắc mới được kiến tạo đối với dân chúng, tạo ra các tuyên bố về tính chính danh chính trị, và hợp thức hóa các dự án thiết kế xã hội của loài người. Nói cách khác, huyền thoại lịch sử này đóng vai trò là linh hồn của đời sống tâm linh xã hội và là sợi chỉ kết nối, thống nhất một nhóm người (thường là một cộng đồng dân tộc) trong không gian và thời gian.

KIến tạo huyền thoại

Kiến tạo truyền thống sử dụng huyền thoại lịch sử là một hiện tượng phổ biến, không nhất thiết giới hạn trong các khung cảnh hiện đại. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, từ việc sử dụng các câu chuyện dân gian, thần thoại không có bằng chứng lịch sử, vay mượn từ các truyền thống khác, cho tới việc huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử và tạo ra những quá khứ cổ xưa. Truyền thuyết dựng nước ở Việt Nam là một trường hợp thú vị. Lần đầu tiên xuất hiện một cách có hệ thống dưới dạng văn bản trong một tác phẩm chữ Hán có tên Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện (嶺南摭怪列傳), câu chuyện này phản ánh khung cảnh của vùng Lĩnh Nam mà địa bàn chủ yếu bao gồm các khu vực Quảng Đông, Quảng Tây ở miền Nam Trung Quốc và vùng châu thổ sông Hồng của Việt Nam. Tập hợp của hàng tá các câu chuyện ngắn này đề cập tới nhiều khía cạnh của vùng đất đó trong thời cổ, từ các nhân vật huyền thoại, anh hùng địa phương, các vị thần, thế lực siêu nhiên, các vị thần tiên, tới sự tích về nguồn gốc bánh chưng bánh dày và dưa hấu.2

Giải thích khung cảnh đưa tới sự ra đời của các huyền thoại và truyền thuyết này, lời tựa của Lĩnh Nam Chích Quái Liệt truyện tuyên bố rằng khu vực Lĩnh Nam có núi sông kỳ lạ, đất đai linh thiêng, con người hào kiệt, truyện tích thần kỳ. Từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc (722 TCN-221 TCN), không xa giai đoạn thái cổ, phong tục phương Nam còn giản lược, chưa có sử sách để chép việc thực, cho nên việc cũ ấy bị mất mát đi rất nhiều, may chỉ còn nhờ dân gian truyền khẩu mà lại không mất. Lại nhờ sử sách Trung Quốc và sự khai mở của các triều đại ở Việt Nam (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV) mà ghi chép về quá khứ của vùng đất này mới trở nên phong phú với nhiều chi tiết. Như đề cập bởi chính các tác giả, có những học giả đi trước hiếu cổ, thích sưu tầm tích cũ và ghi chép lại. Văn bản của họ đến tay vị tiến sĩ nhà Lê là Vũ Quỳnh vào năm 1492 thì đầy những sai lỗi. Tới năm 1493, một vị tiến sĩ khác là Kiều Phú cũng tham dự vào việc hiệu chỉnh văn bản này và nhờ đó đưa tới sự ra đời của văn bản Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện. Mặc dù họ không phải là những đôi tay cuối cùng có liên quan tới sự tiến hóa văn bản học của công trình này, hai ông được coi là tác giả chính thức.

clip_image002Trang đầu và mục lục của một bản chép tay Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện Nguồn: Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.6.

Truyền thuyết được khảo sát nằm ở trung tâm của tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện. Đó là một câu chuyện lịch sử đề cập tới thế thứ phổ hệ của họ Hồng Bàng mà từ đó ra đời các vị vua đầu tiên của Việt Nam: Hùng Vương. Câu chuyện này được chính thức công nhận là tự sự lập quốc của người Việt và dân tộc Việt Nam. Phổ hệ vương triều này được truy nguyên về một thủ lĩnh Trung Hoa huyền thoại là Thần Nông, người có con kết hôn với một người phụ nữ ở phương nam. Con của bà được biết đến là Lạc Long Quân sau đó đã giành quyền cai quản vùng đất phía nam và đóng vai trò như một anh hùng khai hóa, dạy dân làm nông, nuôi tằm dệt lụa, cải biến phong tục, chống lại thú dữ và các thế lực ngoại xâm. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân cai trị vùng đất ở phía nam nước Xích Quỷ, kết hôn với một nàng tiên của vùng núi tên là Âu Cơ, người sau đó sinh ra một cái bọc. Tin rằng đó là điềm không lành, bà đem ra đồng nội, nhưng cái bọc sau đó sinh ra trăm trứng, nở ra thành một trăm người con trai khôi ngô, tuấn tú. Khi Lạc Long Quân quay về thủy phủ, Âu Cơ ở lại một mình chăm đàn con. Khi nhận thấy bà không thể tiếp tục một mình gánh vác công việc, nàng tiên gặp chồng và cố thuyết phục Long Quân cùng chia sẻ trách nhiệm với các con. Tuy nhiên người chồng đã làm cho lời đề nghị đó bất thành bằng cách tuyên bố rằng hai người thuộc về hai giống khác nhau. Ông ấy thuộc dòng dõi rồng, vua của thủy tộc còn bà thuộc dòng dõi tiên, người ở trên đất, và sự đối lập đó không cho phép họ ở bên nhau. Cuối cùng, họ chia tách, mỗi người mang theo năm mươi người con về vùng đất của mình, phân chia vương quốc và tổ chức cai trị.3 Năm mươi người con theo Âu Cơ sẽ tôn phò người đứng đầu làm thủ lĩnh, gọi là Hùng Vương, và vương quốc mà ông cai trị có tên là Văn Lang. Mặc dù không một tên riêng của các thủ lĩnh này được ghi chép lại bằng văn bản, triều đại của họ được tin rằng tồn tại mười tám đời, từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN.

Đó là mốc khởi đầu của người Việt Nam. Những nhân vật lịch sử này sẽ trở thành quốc tổ của họ và thế thứ phả hệ đó sẽ trở thành nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của nhà nước Việt Nam. Người Việt Nam hiện đại sẽ gọi nhau bằng khái niệm “đồng bào” và coi mình là “con rồng, cháu tiên”.

Để có thể xem xét truyền thuyết lịch sử này và sự kết nối của nó với khung cảnh chính trị xã hội thời hiện đại, một vài câu hỏi quan trọng cần phải được đưa ra, bao gồm có việc lí giải câu chuyện về Hùng Vương đã ra đời và phát triển như thế nào? Nó phản ánh điều gì? Và những thăng trầm của cuộc hành trình huyền thoại để đưa nó đến với Việt Nam hiện đại. Ngày nay, câu chuyện về thời đại Hùng Vương và vương quốc của họ được công nhận một cách rộng rãi như là các nguồn cội cổ xưa của dân tộc Việt Nam hiện đại. Như lời của giáo sư Phạm Huy Thông, Giám đốc Viện Khảo cổ học từng khẳng định từ góc độ lý luận sử học rằng thời kỳ Hùng Vương “đã trở thành một di sản thiêng liêng của dân tộc nhờ có các thành tựu nghiên cứ khoa học … (vì thế) không ai được phép đưa ra các bình luận tùy tiện nhân danh khoa học.”4 Với tính thiêng liêng của bản sắc dân tộc và các dự án nghiên cứu khoa học quy mô, Hùng Vương đã chính thức được công nhận là thủy tổ của dân tộc Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu trong tự sự chính trị hiện đại.

THỰC TẾ

Câu chuyện Hùng Vương dựng nước liên quan tới một khía cạnh của thực hành lịch sử thời trung đại Việt Nam giữa thế kỷ XIV và thế kỷ XIX. Các dự án phức tạp và lâu bền của giới trí thức diễn ra sau một nghìn năm vùng đất châu thổ sông Hồng nằm trong khuôn khổ của nhiều đế chế Trung Hoa, khi miền bắc Việt Nam bắt đầu vươn lên độc lập vào thế kỷ X. Tầng lớp trí thức địa phương đang trỗi dậy đã tiến hành một dự án để xác lập một biên niên sử của riêng mình dựa vào việc thu thập thông tin liên quan tới vùng đất này vốn được ghi chép một cách mơ hồ trong các tài liệu Trung Quốc trước đó.

Kết quả của nỗ lực này phản ánh ảnh hưởng sâu đậm của truyền thống văn chương và sử học Trung Quốc lên thế thứ vương triều của họ Hồng Bàng. Trong hệ phân loại văn học Trung Quốc, Lĩnh Nam Trích Quái được viết theo thể loại chí quái vốn nở rộ vào thời kỳ nhà Đường (618-907). Đối với các lý thuyết văn học hiện đại, văn bản này là một tập hợp của các câu chuyện dân gian và truyền thuyết. Bởi vì các câu chuyện này hướng về con người trong quá khứ, định danh tối ưu nhất phù hợp với chúng là truyền thuyết lịch sử. Trong khi tầng lớp tinh hoa miền châu thổ sông Hồng đang tiến vào quá trình chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa một cách sâu sắc, các nguồn tài liệu Trung Quốc đã thúc đẩy việc tạo ra một truyền thống sử học mới mà trung tâm chính là việc giới thiệu một thế thứ vương triều bao gồm các vị thủ lĩnh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (truyện họ Hồng Bàng). Thế thứ này sau đó có ảnh hưởng lớn trong việc xây dựng các lịch sử vương triều chính thống, và được đưa vào trong các biên niên sử chính thức được biên soạn từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Thực tế là các cuộc khảo cổ học đã chứng nhận sự tồn tại của các khu định cư của cư dân thời đồ đồng và những hiện vật liên quan ở vùng châu thổ sông Hồng có niên đại khoảng thiên niên kỷ thứ III TCN. Tuy nhiên vẫn cần có thêm tư liệu thành văn để tạo ra sự kết nối giữa các hiện vật này với các thủ lĩnh địa phương được cho là Hùng Vương. Trong khi đó, các câu chuyện về Hùng Vương bắt đầu được ghi chép lại thành văn bản ở giai đoạn muộn hơn (thế kỷ XIV-XV) với dấu ấn rõ ràng của các truyền thống cổ điển Trung Hoa.

Điểm hấp dẫn của câu chuyện dựng nước ở Việt Nam đó là việc nó tham dự vào các dự án chính trị và thực hành bản sắc xã hội. Câu chuyện lập quốc khẳng định một diễn trình lịch sử liên tục và bồi đắp các nội hàm bản sắc văn hóa chính trị vì thế nó giành được vị trí trung tâm của tâm thức lịch sử của xã hội. Vua chúa và các thủ lĩnh đã tìm kiếm ở câu chuyện này khả năng tập hợp sự ủng hộ của dân chúng bằng cách tuyên bố về một lịch sử liên tục và tạo dựng các yếu tố bản sắc văn hóa, và chính trị từ câu chuyện này. Hệ quả là tầng lớp tinh hoa nhiều tham vọng, giới quan liêu và các nhà chính trị có động lực để nâng cấp câu chuyện về vua Hùng lên tầm mức quốc gia và mở rộng ảnh hưởng tới toàn thể dân chúng. Những gì ở thế kỷ XX chính là sự công nhận một cách chính thức ở cấp độ quốc gia câu chuyện dựng nước, giữ nước. Hùng Vương là niềm tự hào của truyền thống dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của toàn dân Việt Nam.

Tôi đã trình bày bên trên về nguồn gốc câu chuyện lịch sử dựng nước và những bước thăng trầm tiến hóa của nó trong quá khứ. Phần sau đây là một khảo sát về cách thức câu chuyện gia nhập vào diễn trình lịch sử hiện đại Việt Nam, trong quá trình tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành một nghi lễ cấp quốc gia, trở thành một phần không thể thiếu trong các không gian văn hóa, chính trị và xã hội công cộng, trong trí nhớ và ký ức quá khứ của một dân tộc. Khảo sát này này sẽ bắt đầu bằng việc cung cấp khung cảnh mới của lịch sử Việt Nam từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986 và môi trường xã hội thúc đẩy những tìm kiếm bản sắc và truyền thống dân tộc. Phần tiếp theo sẽ đề cập tới quá trình lịch sử dựng nước của Việt Nam và các biểu tượng cho bản sắc dân tộc giai đoạn đầu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội đương đại. Cuối cùng, bài viết đánh giá vai trò của câu chuyện Hùng Vương dựng nước trong việc củng cố ý thức độc lập và xây dựng bản sắc chính trị hiện đại cho xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở thế kỷ XXI, khi các nhân vật lịch sử này trở thành ông tổ chung của hơn chín mươi triệu người Việt Nam và câu chuyện dựng nước trở thành một phần của niềm tự hào, của sức mạnh dân tộc.

Việt Nam sau năm 1986: Khung cảnh xã hội mới

Vào tháng 4 năm 2013, sáu triệu người hành hương hướng về đền Hùng, 70 km về phía tây bắc Hà Nội để tham gia vào một trong các sự kiện lễ hội lớn nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Trên sân khấu là Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị vua dựng nước. Công cuộc Đổi mới rõ ràng đã mang lại một bầu không khí chính trị-xã hội đổi khác, với một trong những chuyển biến quan trọng chính là sự thay đổi thái độ có tính cởi mở hơn đối với thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Đó có lẽ là một bước chuyển biến dài từ tuyên ngôn của Karl Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.5

Sự thay đổi này chính là một trong các chuyển dịch quan trọng của xã hội Việt Nam ở giai đoạn sau năm 1986. Sự chuyển đổi ý thức hệ gợi ý về nỗ lực tìm kiếm một không gian linh hoạt hơn, nơi mà ý tưởng về cuộc đấu tranh giai cấp và tôn giáo cùng với chủ nghĩa thế tục sẽ từng bước chấp nhận câu chuyện về bản sắc dân tộc. Những chuyển biến có tính ý thức hệ này là chỉ báo cho thấy biến đổi căn bản về khung cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để cho câu chuyện thời dựng nước đóng một vai trò quan trọng hơn trong thực hành văn hóa xã hội. Nó cung cấp những kiến giải giá trị giúp soi rọi động lực phía sau thúc đẩy quá trình mở rộng giá trị bản sắc của câu chuyện họ Hồng Bàng nhằm thay thế cho các tự sự thời Chiến tranh Lạnh. Thực tế là câu chuyện dựng nước có nhiều vai trò đóng góp vào việc đa dạng hóa nền văn hóa chính trị Việt Nam sau sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Trước tiên, sự sụp đổ của các mô hình xã hội chủ nghĩa có khiếm khuyết ở Liên Xô và Đông Âu để lại một khoảng trống ý thức hệ. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục ở các xã hội này trở thành một trong các tự sự chính trị lớn của thời đại. Sự sụp đổ của bức tường Berlin (1989) không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng từ góc độ mô hình mà còn dóng lên hồi chuông cho các quốc gia xã hội chủ nghĩa còn lại. Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “chẳng quan trọng nếu con mèo là trắng hay đen chừng nào nó vẫn bắt được chuột,”6 gợi ý rằng cuộc xung đột ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đã không còn quan trọng. Sự chuyển dịch này ảnh hưởng tới nhà nước ở Việt Nam và góc nhìn chính sách mà hệ quả chính là công chuyển đổi từ năm 1986, với lần đầu tiên kinh tế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân được chính thức công nhận. Điều này sẽ được biết đến như là công cuộc Đổi mới.7 Để tạo ra những không gian thực hành mới từ góc độ tư tưởng và tinh thần xã hội, các giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có câu chuyện dựng nước trở thành một phần không thể tách rời của nền văn hóa chính trị mới. Chúng có chức năng như là một hệ thống giá trị mới dẫn dắt tâm linh và thực hành văn hóa nhằm hướng tới các bản sắc mới từ góc độ cộng đồng và cá nhân. Quá trình quốc gia hóa câu chuyện dựng nước là bước chuyển dịch lớn nhằm từng bước thay thế ý tưởng về đấu tranh giai cấp và Chiến tranh Lạnh, hướng tới các truyền thống văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Thực tế câu chuyện truyền thuyết này đã can dự vào một tự sự chính trị quan trọng về chủ nghĩa dân tộc gắn liền với vai trò của nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy, bảo trợ nền văn hóa, bản sắc và các giá tri của quốc gia.

Thứ hai, các chỉ dấu kinh tế trong những thập kỷ vừa qua cũng là một sức ép mới đối với nhà nước trong việc tìm kiếm các sức mạnh tinh thần hướng đến câu chuyện bản sắc và truyền thống dân tộc. Theo lập luận của TS. Phạm Hồng Hiệp, phát triển kinh tế trở thành một trong các cơ sở nền tảng củng cố sức mạnh cầm quyền của nhà nước. Thậm chí ở các thời kỳ kinh tế khó khăn, nó chính là cơ sở quan trọng nhất phản ánh sức mạnh thể chế và cơ sở của quyền lực chính trị. Trong giai đoạn đầu cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế đạt tăng trưởng tốt với nguồn ODA phong phú. Tuy nhiên ở giai đoạn sau đó, lợi ích nhóm và việc đầu tư quá nhiều và không hiệu quả vào các tập đoàn kinh tế lớn đã làm thiệt hại nhiều tỉ USD. Những diễn biến này đã ảnh hưởng sâu sắc tới khung cảnh kinh tế, xã hội và môi trường chính trị Việt Nam, cũng như các nỗ lực tìm kiếm các biểu tượng văn hóa quyền lực mới nhằm giữ được ổn định chính trị. Trong bối cảnh đó, việc quay lại với các giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc là một xu thế hướng không chỉ giúp thống nhất, cố kết sức mạnh của một cộng đồng xã hội mà còn thúc đẩy các giá trị mới của cộng đồng đó ra bên ngoài, trong một thế giới toàn cầu hóa. Vậy câu chuyện dựng nước của Việt Nam đã vận hành như thế nào trong nền văn hóa chính trị hiện đại?

Cuối cùng bài viết này hướng tới bức thông điệp không kém phần quan trọng là sự mở rộng của câu chuyện dựng nước đáp ứng tính năng động và các nhu cầu văn hóa, bản sắc đa dạng của dân chúng, đặc biệt là của tầng lớp trung lưu mới nổi. Chính sự cởi mở của nhà nước về tôn giáo đã xúc tác cho sự ‘hợp tác’ giữa nhà nước và nhân dân trong việc mở rộng không gian thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Một trong những chuyển đổi đánh dấu sự tham dự của nhân dân vào quá trình này chính là sự mở rộng của không gian công cộng thực hành lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo mà từ đó hoạt động thờ cúng Hùng Vương được phát triển. Trong vòng hai thập kỷ trở lại đây đã bùng nổ các hoạt động thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, xây dựng chùa chiền, đền miếu trong khung cảnh “tôn giáo nhân dân”.8 Chính trên sân khấu này, câu chuyện Hùng Vương dựng nước đóng vai trò bệ đỡ thúc đẩy sự định hình của các làn sóng yêu nước mới ở Việt Nam. Nó hỗ trợ dự án văn hóa chính trị quay về với các di sản dân tộc để vinh danh văn hóa truyền thống mà hạt nhân là sự thờ cúng các vị quốc tổ: Hùng Vương.

Sự phát triển này cho thấy sự tham dự của truyền thuyết quá khứ trong thay đổi tự sự văn hóa chính trị ở một số khía cạnh. Không chỉ các nhân vật lịch sử trong truyền thuyết được công nhận một cách chính thức là quốc tổ, mà tín ngưỡng thờ cúng họ cũng được tổ chức ở tầm mức quốc gia. Theo ý nghĩa đó, huyền thoại dựng nước là trung tâm của dự án nhà nước về một nền văn hóa chính trị. Nó cấu thành thành tố căn bản của quá trình tín ngưỡng hóa chủ nghĩa dân tộc mà theo đó nhà nước tiến đến chiếm giữ các không gian công cộng linh thiêng bằng cách thể chế hóa việc công nhận các nhân vật truyền thuyết cũng như tín ngưỡng thờ cúng liên quan. Điều này cho thấy sức mạnh của các truyền thống sử học Việt Nam trong việc giúp định hình bản sắc, thực hành chính trị và củng cố khối đoàn kết xã hội thông qua xác lập và thực hành của các khái niệm như quốc tổ, quốc giỗ, quốc lễ… Sự chuyển dịch của không gian thờ cúng tín ngưỡng Hùng Vương trên bình diện quốc gia, sự phát triển của các không gian công cộng, lễ hội, giáo trình, sách nghiên cứu, sách giáo khoa về thời đại Hùng Vương, sự ra đời của các công viên, bảo tàng, nhà tưởng niệm… đã tạo nên những dấu ấn của nền văn hóa Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Ở đó, câu chuyện dựng nước đã không chỉ thúc đẩy tính năng động và giúp định hình các bản sắc mới cho Việt Nam.

Quốc tổ và dự án Nhà nước về bản sắc văn hóa

Việc mở rộng ảnh hưởng của câu chuyện Hùng Vương lập quốc trở thành một trong các dự án chính trị-xã hội quan trọng của nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa vừa hiện đại vừa gắn với truyền thống. Sự tương tác giữa hoạt động của nhà nước và nhân dân đã tạo ra sức sống và sự đa dạng cho quá trình này, cũng như chuẩn bị sân khấu cho không gian thờ cúng tín ngưỡng Hùng Vương ở bình diện quốc gia. Nhà nước đóng vai trò lớn về chính sách, hỗ trợ và thúc đẩy các dự án nghiên cứu toàn diện về thời kỳ dựng nước, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trùng tu, bảo tồn di tích, tổ chức lễ hội cho sự phát triển có tính quốc gia hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để thực hiện điều này, hai khía cạnh quan trọng liên quan tới chức năng của huyền thoại được chú ý tới: thứ nhất là việc sáng tạo tri thức để hợp thức hóa câu chuyện truyền thuyết và thứ hai là bổ sung vào huyền thoại dựng nước các yếu tố có tính lịch sử để hướng tới việc chính danh hóa các chức năng quyền lực của nó. Thực sự là đã có một nỗ lực thống nhất nhằm tái định nghĩa, nghi lễ hóa, và thể chế hóa các nhân vật lịch sử huyền thoại để trở thành một phần trong các biểu tượng văn hóa mới. Kết quả là Hùng Vương và hệ thống tín ngưỡng thờ cúng dành cho họ xuất hiện trong một phức hợp niềm tin và thực hành nghi lễ, nơi mà huyền thoại và truyền thuyết giao thoa. Nằm ở giữa của sự giao lưu này chính là một hình dung mới về bản sắc Việt Nam. Chúng ta sẽ xem xét về sự tương tác giữa huyền thoại và sự thật bằng việc khám phá chức năng của câu chuyện dựng nước.

Đầu tiên là các nỗ lực thiết chế hóa của nhà nước. Sự thay đổi này không chỉ tạo ra cơ sở cho thực hành tôn giáo tín ngưỡng mới mà còn đặt các vua Hùng và sự nghiệp của họ ở trung tâm của những nghi lễ ở tầm vóc quốc gia. Các nhân vật lịch sử này cùng với tín ngưỡng dành tặng cho họ đã tạo ra một phức hợp niềm tin, tôn giáo, văn hóa mà từ đó góp phần định hình nên các bản sắc dân tộc Việt Nam hiện đại. Từ những năm 1990, nhà nước hỗ trợ phục hồi nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương. Báo cáo chính trị ngày 27/06/1991 cũng nói rõ: “Đảng và nhà nước công nhận vai trò của các tôn giáo trong việc củng cố và tăng cường đời sống đạo đức của công dân và xã hội”.9 Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.”10 Từ đó, một loạt các văn bản luật đã được ban hành nhằm tạo ra hành lang pháp lý và quy phạm pháp luật xung quanh hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Một sân khấu đã được dựng sẵn cho sự vươn lên ở quy mô quốc gia của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Một khía cạnh văn hóa đặc biệt được nhấn mạnh bởi những người làm chính sách đó là mối liên hệ giữa tôn thờ Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên. Nghị quyết Trung ương V khóa VIII năm 1998 và Sắc lệnh Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2004 hướng đến khôi phục lại các tín ngưỡng và lễ hội địa phương như thờ cúng Hùng Vương. Đó là cơ sở để thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” vốn trở thành xuất phát điểm cho sự trỗi dậy của thực hành tôn giáo, tín ngưỡng và các thiết chế liên quan.11 Từ cơ sở đó mà ‘bản sắc dân tộc’ sẽ gắn chặt chẽ với sự thực hành tín ngưỡng địa phương mà trung tâm điểm chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, với trung tâm điểm là khu di tích tại tỉnh Phú Thọ. Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 cũng chỉ ra một khía cạnh khác đáng tự hào của tín ngưỡng này đó là tưởng nhớ các anh hùng dân tộc. Ghi nhận rằng tôn vinh những người có công với nước là truyền thống lịch sử quý giá và biểu tượng của đạo đức xã hội, vì thế nhà nước có nhiệm vụ “giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.” Bức thông điệp này là đơn giản và rõ ràng, hướng đến truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nếu như cá nhân gắn kết với tổ tiên gia đình thì quốc gia gắn liền với quốc tổ.

Thứ hai, huyền thoại này được hỗ trợ bởi một dự án chính thống về sáng tạo tri thức nhằm xác lập và củng cố tính chất lịch sử liên tục cũng như quá khứ huy hoàng. Việc sử dụng các truyền thống viết sử, khoa học liên ngành, truyền thông đại chúng, và hệ thống giáo dục phổ thông góp phần tạo ra các làn sóng thực hành tín ngưỡng, tâm linh và văn hóa xã hội mới, gắn kết câu chuyện dựng nước với ký ức và bản sắc tập thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Để đưa câu chuyện truyền thuyết vào thực tế, nhà nước đã thúc đẩy tái hiện các khung cảnh tri thức mới nhằm củng cố tính xác thực của các nhân vật truyền thuyết. Quá trình này cũng khắc họa thêm cho niềm tin truyền thuyết với dữ liệu lịch sử và tư liệu khảo cổ học. Được khích lệ bởi cuộc nói chuyện của chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền Hùng năm 1954, rằng “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, các học giả miền Bắc Việt Nam đã dành nhiều thập kỷ để đưa trở lại một bảng phả hệ vương triều thời dựng nước.12 Sau nhiều hội thảo cấp quốc gia trong những năm 1960, các công trình nghiên cứu đồ sộ, đa diện về thời kỳ Hùng Vương đã được xuất bản, xác lập một cách vững chắc vị trí của các nhân vật lịch sử truyền thuyết trong tự sự lịch sử về thời kỳ dựng nước cổ xưa của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, từ năm 2008, lễ hội đền Hùng chính thức trở thành ngày nghỉ lễ cấp quốc gia, gắn kết với đời sống của toàn bộ công dân Việt Nam. Lịch sử mới về thời đại Hùng Vương được đưa vào trong các sách giáo khoa, cùng với đó là việc phát hành các bộ tem thư, tổ chức các hội thảo khoa học, dựng phim tài liệu, xây mới các bảo tàng, mở rộng các cuộc tìm kiếm khảo cổ học … nhằm xây dựng một cuộc vận động bản sắc mang tầm quốc gia. Bản sắc mới này cũng tìm cách kết nối và tập hợp nhiều nhóm cộng đồng dân cư và tôn giáo khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Một trong những cơ quan đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động này chính là Ủy ban Dân tộc. Một bài báo đăng tải trên website chính thức của cơ quan này đã khẳng định rõ rằng: “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là cội nguồn tâm thức Việt”, và cần phải được coi là “tín ngưỡng chính thống của dân tộc” vì, như tác giả lập luận, thờ cúng tổ tiên là linh hồn của bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo đó, các vua Hùng dựng nước là một truyền thống được tổ chức hơn 2.000 năm, và giờ đây xứng đáng được tôn vinh bởi tất cả người Việt Nam như là quốc tổ.13 Học giả và nhà cách mạng lão thành Vũ Khiêu cũng nhấn mạnh rằng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã xuất hiện ở Việt Nam từ trước khi xuất hiện các tôn giáo từ bên ngoài như Nho giáo, Phật giáo, và Đạo giáo; vì thế nó có tính bản địa, phản ánh các giá trị địa phương tốt đẹp nhất đã được lưu giữ qua hàng nghìn năm.14 Rõ ràng phần lớn những lập luận này ghi nhận tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như là nền tảng văn hóa căn bản và coi đó là cơ sở để thúc đẩy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Dựa trên cơ sở rằng thờ cúng tổ tiên là căn cốt đối với người Việt, và là thực hành được chia sẻ bởi nhiều nhóm tộc người và tôn giáo khác nhau, vì thế sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đơn giản là sự kéo dài của phạm vi không gian từ làng tới nước. Nói cách khác, những người thực hành thờ cúng tổ tiên cũng đang tham dự và trở thành một phần của truyền thống thờ cúng Hùng Vương. Một sự diễn dịch như thế hướng đến tạo ra các gắn kết liên – tộc người có tính chất quốc gia thông qua ngày kỷ niệm vào tháng Tư hàng năm, nơi “63 tỉnh thành nhớ về tiên tổ, 54 dân tộc tìm về cội nguồn”.15

Tự sự về quốc tổ và truyền thống dựng nước còn được xác lập trên cơ sở một truyền thống thực hành chính trị lâu dài ở Việt Nam. Các triều đại trong quá khứ xây dựng miếu thờ các nhân vật lịch sử lỗi lạc. Đó chính là sự thực hành của ý niệm chủ nghĩa dân tộc dòng tộc (‘kinetic nationalism’) vốn vận hành dựa trên sự chia sẻ quan hệ gia đình và thân thích của người Việt Nam, đặc biệt là giữa người Kinh, chiếm khoảng 86% dân số. Đối với họ, nhà là cơ sở của nước, hay nói cách khác, nước là tập hợp của các gia đình. Vì thế, nếu gia đình thờ cúng tổ tiên thì quốc gia có quốc tổ.

Truyền thuyết dựng nước cũng được thúc đẩy trên cơ sở tiếp nhận các tự sự xã hội, chính trị và tộc người mới. Trung tâm điểm của niềm tin này là ý tưởng rằng các nhà nước trung tâm ở Việt Nam có truyền thống tôn thờ các nhân vật lịch sử từ xa xưa. Sự thực hành này tạo ra ý niệm về chủ nghĩa dân tộc họ hàng (kinetic nationalism) trong đó nhấn mạnh tới sự chia sẻ tính chất gia đình hay các mối quan hệ thân thuộc giữa người Việt Nam vốn có cùng chung nguồn cội. Ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc này được phát triển mạnh trong cộng đồng người Kinh – tộc người đa số vốn chiếm đến 86% dân số Việt Nam. Theo niềm tin đó, gia đình (nhà) chính là đơn vị cơ sở để tạo ra nước, hay quốc gia là một thực thể cộng gộp của các gia đình. Theo đó, nếu gia đình thờ cúng các tổ tiên của mình thì quốc gia cũng có các tổ tiên của riêng mình để thờ phụng. Trên cơ sở đó, Hùng Vương đã được công nhận là quốc tổ trong khi lễ hội đền Hùng được kỷ niệm ở tầm vóc quốc gia. Sự chuyển dịch này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền văn hóa chính trị Việt Nam đương đại vốn đang phản ánh một mội tương tác chưa từng có giữa truyền thuyết lịch sử, tôn giáo và chính trị.

clip_image004

Một con tem kỷ niệm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2015).

Thứ ba, để hỗ trợ cho công cuộc này, nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm các công trình tưởng niệm, di tích và không gian công cộng hướng đến các vua Hùng. Truyền thống đã được đưa tới mọi người dân Việt Nam thông qua nhiều bảo tàng, nhà tưởng niệm, công viên được xây dựng trên khắp các tỉnh thành phố. Tầm quan trọng của các không gian này là tạo ra một sự tiếp nối và kế thừa liên tục của ký ức xã hội. Báo cáo chính thức trình lên Ủy ban di sản của UNESCO năm 2012 đã khẳng định rằng, theo lịch sử truyền khẩu thì đến năm 1945, các cụ cao niên ở 196 làng ở Phú Thọ đã tổ chức lễ hội thường niên, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội và phong tục tập quán địa phương. Tuy vậy, quy mô của hoạt động kỷ niệm rất khác nhau với các nghi lễ không thống nhất. Thêm vào đó là việc các di tích thờ cúng bị phá hủy bởi thiên tai và chiến tranh. Như trình bày trong báo cáo, “phần lớn các địa điểm thực hành tín ngưỡng như đền, đình làng, và miếu thờ đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng, và lễ hội dân gian không được tổ chức. Tại phần lớn các làng, người dân chuẩn bị lễ vật một cách thầm lặng, thắp hương thờ Hùng Vương nói riêng và các nhân vật có liên quan nói chung tại gia hay nhà thờ họ. Vì thế, nền văn hóa vật thể của các cộng đồng này đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Một số lớn các di chỉ quan trọng đã mất, hủy hoại, hay lãng quên.”16 Hai thập kỷ sau công cuộc Đổi mới, vị thế của các vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật này sẽ đổi khác, chỉ riêng trong thời điểm lễ hội, khu đền miếu ở Phú Thọ sẽ chào đón khoảng sáu triệu du khách. Không chỉ có việc đền Hùng nhận được hàng trăm tỷ đồng đầu tư mà theo đó còn là sự mở rộng của mạng lưới các đền thờ lên đến 1.421 địa điểm, bao gồm đình miếu, đài tưởng niệm, bảo tàng, công viên lịch sử trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Tín ngưỡng này đã trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ để trở thành biểu tượng trung tâm của nền văn hóa và bản sắc dân tộc.

Sự phát triển này đến từ các nỗ lực quy mô lớn của nhà nước nhằm thiết chế hóa hoạt động tôn giáo tín ngưỡng từ những năm 1990. Từ năm 1995, các hoạt động này đã gia tăng đáng kể với việc trùng tu, sữa chữa các đền miếu bị hư hại. Theo báo cáo thì tại 12 huyện của tỉnh Phú Thọ, 50% di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được khôi phục, 10% được sửa chữa.17 Trung tâm điểm của dự án chính là khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ, vốn trước đó đã được đầu tư 700 tỷ VNĐ cho giai đoạn 2010-2015. Dự án hiện tại được vận hành bởi tỉnh Phú Thọ sẽ mở rộng khu phức hợp tâm linh gồm đền tháp, resorts, công viên thiên nhiên, và khu tưởng niệm lên tới 845 ha, dự kiến số vốn sẽ là 4.500 tỉ VND từ nay tới 2025.18 Bốn năm trước đó, một ngôi đền dành cho Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh cũng đã được đầu tư tôn tạo với khoản kinh phí 500 tỷ VNĐ trên một không gian 40 ha.19 Rõ ràng là các dự án này mang theo kỳ vọng lớn vào sự phát triển của không gian văn hóa tâm linh, du lịch và lễ hội. Theo dự kiến thì năm 2020, đền Hùng sẽ đón 10.000 khách du lịch quốc tế và 8,2 triệu khách nội địa, với doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 90,5 triệu USD; và đến năm 2030, các con số này lần lượt là 25,000 khách quốc tế, 10,7 triệu khách nội địa, và 308,5 triệu USD doanh thu.20

Các không gian tâm linh dành cho vua Hùng cũng được mở rộng mạnh mẽ ở miền Trung, miền Nam, cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cũng như các phái đoàn ngoại giao Việt Nam trên thế giới. Đáng chú ý trong số này là Công viên vua Hùng ở Cần Thơ, đền thờ quốc tổ ở Gia Lai, đền Hùng ở Đà Lạt, Nha Trang, Công viên Văn Lang ở thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, có hơn chục địa điểm liên quan tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xây dựng mới hay khôi phục trong thời gian gần đây. Tại nhiều di tích này, chính quyền địa phương bắt đầu tổ chức các nghi lễ thờ cúng từ năm 2009, trong khi ở nhiều nơi khác là quá trình chuyển đổi phản ánh sự mở rộng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lên khung cảnh văn hóa Việt Nam hiện đại. Một trong các ví dụ quan trọng của sự phát triển này là đền Hùng ở thành phố Hồ Chí Minh. Di tích này được xây dựng năm 1926 trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn để tưởng niệm các binh sĩ Việt Nam thiệt mạng ở châu Âu trong cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất (Temple de Souvenir). Từ những năm 1950 đến 1980, di tích này là miếu thờ Khổng Tử, bao gồm cả một khu vực tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt. Gần đây nhất, địa điểm này được đổi tên thành Đền thờ Hùng Vương, và trở thành địa điểm chính thức của tín ngưỡng thờ cúng quốc tổ, nơi diễn ra các lễ hội hàng năm của thành phố.21 Các địa điểm khác cũng tham gia vào quá trình phát triển tương tự, bao gồm có các khu vực lễ hội, văn hóa và không gian du lịch, giải trí. Một trong các tâm điểm hút du khách của thành phố Hồ Chí Minh là Công viên Văn hóa Suối Tiên gần đây cũng đã xây dựng một đền thờ Hùng Vương bên trong khu vực quần thể của mình, dành cho các hoạt động tâm linh. Đương nhiên là du khách cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi và khuyến mại khi tham dự vào không gian văn hóa này.

Cuối cùng là sự tham dự của quyền lực chính trị vào việc trực tiếp góp phần thiết chế hóa câu chuyện truyền thuyết dựng nước thông qua các nỗ lực bảo trợ cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Sự thực hành này đánh dấu một trong những chuyển biến chính trị và tôn giáo mạnh mẽ nhất trong xã hội đương đại Việt Nam. Nằm ở trung tâm của toàn bộ tiến trình này là việc đưa hoạt động thờ cúng các nhân vật truyền thuyết lịch sử trở thành nghi lễ chính thức quốc gia dành cho quốc tổ. Dự án nhà nước về văn hóa chính trị là cách thức hiệu quả nhất đưa câu chuyện dựng nước vào đời sống hiện thực bằng cách thêm vào các tầng bậc tri thức mới. Tín ngưỡng dành tưởng niệm các vua Hùng trở thành bộ phận trung tâm của chủ nghĩa dân tộc mới mà ở đó các thiết kế của nhà nước hướng tới việc mở rộng thực hành này tới các không gian xã hội linh thiêng và tăng thêm tính chính danh qua việc thiết chế hóa. Như thế, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của nhà nước trong việc đầu tư, phát triển hệ thống các di tích thờ cúng Hùng Vương trên cả nước. Cùng với đó là quá trình thiết chế hóa tín ngưỡng này trên phạm vi quốc gia để trở thành một thành tố quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa đương đại ở Việt Nam. Trung tâm điểm, hạt nhân của bản sắc này chính là việc công nhận vua Hùng là các quốc tổ một cách chính thức. Từ sự ủng hộ và tạo dựng cơ chế, chính sách, tổ chức này mà lễ hội thờ đền Hùng đã nhanh chóng trở thành sự kiện hành hương văn hóa, tâm linh lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Không chỉ tạo ra sự phát triển về bản sắc hay chuyển đổi của nền văn hóa chính trị hướng tới truyền thống dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn in dấu ấn lên các nghị trình chính trị, xã hội. Sự xuất hiện của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước tại lễ hội đền Hùng là minh chứng cho thấy đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận chủ đề tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam, ở đó câu chuyện về quốc tổ và bản sắc dân tộc ngày càng đóng vai trò quan trọng. Sự phát triển của tinh thần quốc tổ này còn giúp gắn kết cộng đồng đa dạng các dân tộc và tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm có cả kiều bào hải ngoại. Thông qua sự thực hành văn hóa và chính trị này, các biểu tượng mới về quyền lực và bản sắc được củng cố, các mạng lưới dân tộc mới được xây dựng và phát triển kết nối các di tích và không gian lãnh thổ, tâm linh từ Phú Thọ tới thành phố Hồ Chí Minh, từ sứ quán Việt Nam ở Liên Bang Nga tới các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cung cấp cơ sở và nền tảng kết dính các thiết chế đạo đức, tâm linh, văn hóa và xã hội. Các vị khách tới thăm sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga sẽ bị thu hút không chỉ bởi không gian kiến trúc lộng lẫy của tòa nhà mà còn là một khu vực đặc biệt có tên là ‘không gian tâm linh’. Ở đó, nổi bật lên là ban thờ đức Phật, chủ tịch Hồ Chí Minh và các vua Hùng. Như đại sứ Nguyễn Thanh Sơn tự hào giới thiệu tới các vị khách, không gian này chính là một ví dụ tiêu biểu cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam thời kỳ Đổi mới, trong đó có các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài như một cách thức kết nối người Việt hải ngoại.22 Sự mở rộng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng thúc đẩy việc kiến tạo các không gian văn hóa hiện đại, kết hợp các bản sắc liên vùng và liên tộc người ở Việt Nam. Khu đền Hùng ở Gia Lai là một ví dụ. Tọa lạc trên vùng đất Tây Nguyên, sảnh chính của di tích này có cấu trúc được mô phỏng theo ngôi nhà Rông, hình thái kiến trúc truyền thống phổ biến của đồng bào các dân tộc trên vùng đất này. Người ta cũng có thể nhận thấy trong các nghi lễ tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh rằng bánh chưng và bánh dày, vốn phổ biến ở miền Bắc, đã được thay thế bằng bánh tét – loại bánh quen thuộc hơn với phương nam dù bản thân chúng không xuất hiện trong câu chuyện truyền thuyết dựng nước ban đầu. Những ví dụ này cho thấy những nỗ lực hòa nhập văn hóa, tộc người, tôn giáo vào một dòng chủ lưu chung của văn hóa Việt Nam. Mặc dù có những nỗ lực như thế, tín ngưỡng phức tạp này cũng gặp một số trở ngại đến từ chính các nội dung có tính truyền thuyết của nó.

Huyền thoại dựng nước đã được vận hành như thế nào: Tiếng nói của nhân dân?

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét mức độ thành công của việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của truyền thuyết dựng nước trong khung cảnh thực tiễn của xã hội Việt Nam hôm nay. Gợi ý ở đây là việc thúc đẩy câu chuyện lập quốc đã định hình ý thức hệ chính trị đương đại và tạo ra cơ sở tiền đề cho việc để đi tới một nền văn hóa chính trị hiện đại. Sự ghi nhận rõ ràng đó là bằng cách đưa huyền thoại dựng nước vào các tự sự chính trị đương đại, xã hội Việt Nam tạo ra một khung cảnh tương tác độc đáo giữa ‘huyền thoại’, ‘sự thật lịch sử’, và ‘bản sắc quốc gia’ – những thành tố sẽ định hình đặc trưng cơ bản của chuyển đổi ý thức hệ đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam. Cả câu chuyện truyền thuyết và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từng bước được thiết chế hóa. Lễ hội thường niên, công viên thành phố, bảo tàng, sách giáo khoa, tác phẩm âm nhạc, chương trình TV… giúp định hình những vai trò mới của truyền thuyết kiến quốc trong khung cảnh đương đại. Hệ quả của làn sóng văn hóa mới này không chỉ ở con số hàng triệu du khách và người hành hương mà còn hàng nghìn tỷ đồng đầu tư và các dự án quy mô giúp hiện thực hóa các thực hành văn hóa trên cơ sở xác lập địa vị chính thức của Hùng vương với tư cách là quốc tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương đã trở thành nền tảng tiềm năng cho sự định hình của một tôn giáo dân tộc. Chương này gợi ý rằng việc duy trì lễ hội thường niên tổ chức bởi Đảng và nhà nước là một phần của câu chuyện về tính chính danh quyền lực. Các nỗ lực này đã tạo được những thành công bước đầu phản ánh qua việc thúc đẩy sự can dự của dân chúng trong sự trỗi dậy của các cuộc vận động mới về bản sắc dân tộc. Để có thể định giá một cách đúng đắn ‘thành công’ của cuộc vận động này yêu cầu sự khảo sát kỹ lưỡng đối với các phản ứng xã hội. Thực tế dự án nhà nước nhằm thúc đẩy huyền thoại dựng nước không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn là cách thức kiểm soát các tự sự chính trị đương đại cũng như tìm kiếm sự gắn kết của dân chúng với các tự sự này. Trong khi có thể dễ dàng nhận ra việc hàng nghìn di tích được xây dựng; công viên, trường học, khách sạn, và nhà hàng được đặt tên theo Hùng Vương và các nhân vật của thời đại này; hàng trăm lễ hội được tổ chức hàng năm trên toàn quốc; và hàng triệu người Việt đang tham gia vào việc tưởng nhớ các nhân vật quốc tổ thì sự trỗi dậy của nền văn hóa đại chúng gắn liền với câu chuyện lập quốc cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với việc kết nối truyền thuyết này vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là huyền thoại về nền cầm quyền kéo dài 2.622 năm của 18 đời vua Hùng. Khi các dự án văn hóa mới được triển khai, rõ ràng là cần những kiến giải có tính hợp lý hơn về phả hệ này. Bên dưới mỗi bức tượng của 18 vị vua Hùng tại di tích thuộc tỉnh Gia Lai đều có tấm biển đề tên tuổi, số vợ con và cháu của các nhân vật lịch sử này. Vị vua thứ bảy, Hùng Chiêu vương chẳng hạn, được cho là sống 692 tuổi, cai trị trong vòng 200 năm, có 64 vợ, 23 người con trai, 36 người con gái và 750 chắt. Dù các thông tin này được đề cập là dẫn theo một cuốn sách xuất bản, có vẻ như các chi tiết này vẫn cần phải làm rõ đối với nhiều cư dân địa phương và du khách.23

Thách thức thứ hai đến từ chính nỗ lực quốc gia hóa truyền thuyết dựng nước và gắn kết kết các thủ lĩnh ban đầu xuất hiện trong tín ngưỡng của người Kinh với thực hành văn hóa của hơn 50 tộc người thiểu số. Như đã trình bày bên trên về đền Hùng ở Gia Lai, trên vùng Tây Nguyên, khu vực của nhiều cộng đồng thiểu số như Ede, Bana, Jarai… cấu trúc của đền thờ được mô phỏng theo các ngôi nhà cộng đồng địa phương. Các nỗ lực khác gắn kết truyền thuyết Hùng Vương với sử thi và huyền thoại của các tộc người thiểu số cũng là cách thức về một thế thứ phả hệ vua Hùng thống nhất. Việc gắn kết văn hóa người Thái, Mường vào truyền thống dựng nước và thờ cúng Hùng Vương là một ví dụ. Trong một bộ phim tài liệu ngắn của đài Truyền hình Phú Thọ: “Người Mường và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, các nhà nghiên cứu, nhân viên hành chính và cư dân địa phương đã khẳng định về mối quan hệ chặt chẽ giữa người Mường và người Kinh, cả hai đều chia sẻ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người ta cũng nói rằng người Mường đã dựng miếu thờ thần Tản Viên, một vị sơn thần và cũng là con rể của vua Hùng. Vì thế, đương nhiên là họ thuộc về một phần của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.24 Những sự diễn dịch như thế là rất quan trọng vì chúng mở rộng đường biên văn hóa của câu chuyện dựng nước cũng như cộng gộp các cộng đồng đa sắc tộc trên lãnh thổ Việt Nam vào một khung cảnh thực hành văn hóa xã hội mới dựa trên tự sự về quốc tổ và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên diễn trình tương tác tộc người và tiến trình mở rộng lãnh thổ phức tạp ở Việt Nam sẽ làm cho các nỗ lực này thêm kịch tính, đặc biệt là việc kết nối với các nhóm dân tộc thiểu số ở miền Trung và miền Nam.

Quy mô của lễ hội đền Hùng những năm gần đây cho thấy sự phát triển này. Các cuộc hành hương tâm linh hàng triệu người là chỉ dấu về một phong trào hướng đến một cuộc vận động có tính dân tộc. Dù có sự vận động xã hội ở mức độ như thế, cũng cần phải xem xét hiện tượng xã hội này như một cách thức phản ứng của dân chúng đối với sự cởi mở chính sách tôn giáo của nhà nước. Trong hai thập kỷ gần đây, có sự bùng nổ các hoạt động tôn giáo tại các chùa chiền, đền miếu và đình làng địa phương trong khuôn khổ hoạt động tôn giáo phổ thông. Từ góc độ người dân, sự trỗi dậy của các hoạt động tín ngưỡng này thường được coi là cách thức để hướng tới hiện đại hóa, hay phương thức hội nhập quốc tế.25 Sự suy yếu của chủ nghĩa cộng sản trong những năm cuối 1980 đưa tới sự nổi lên của các hình thức ý thức hệ khác ở Việt Nam. Nhiều người Việt vì thế đã chủ động tạo ra các không gian tâm linh của riêng mình. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một phần trong những lựa chọn đa dạng đó. Điều hấp dẫn là mặc dù cả nhà nước và nhân dân đều hướng tới sự mở rộng của nó một cách nhiệt thành, sự hưởng ứng này tới từ các động lực khác nhau. Những người đầu tiên tìm kiếm khung cảnh mới cho tính chính danh về quyền lực gắn với các giá trị truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên nhóm thứ hai hướng tới sự cởi mở về chính sách và thực hành tôn giáo để thực thi các sáng kiến của riêng mình. Thêm nữa, môi trường tôn giáo mới giúp tạo ra cơ hội cho dân chúng tham dự vào các nghị trình chính trị – xã hội, bao gồm có tự do báo chí và tự do tôn giáo. Mặc dù vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là cơ sở chung để nhà nước và nhân dân tăng cường sức sống cho các thực hành dân tộc chủ nghĩa mới. Trong vòng hai thập kỷ, từ một lễ hội ở tầm mức địa phương, nghi lễ này đã trở thành lễ hội và cuộc hành hương lớn nhất ở Việt Nam. Bất cứ nỗ lực nào để hiểu sự chuyển đổi của Việt Nam sau năm 1986 cũng sẽ không hoàn thiện nếu như chúng ta bỏ qua mối quan hệ năng động giữa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một phần của dự án nhà nước và nhân dân trong việc thúc đẩy các giá trị văn hóa truyền thống, định ra các khuôn khổ mới của bản sắc dân tộc.

Nói cách khác, truyền thuyết dựng nước có vai trò năng động trong thực tiễn văn hóa và chính trị. Một cuộc dịch chuyển xã hội lớn trên nền tảng của thực hành tín ngưỡng liên quan đến các vua Hùng phản ánh sự chuyển dổi nhanh chóng của một xã hội trước các thách thức của thời hậu Chiến tranh Lạnh. Dựa trên một phác thảo phức tạp về thực hành tín ngưỡng có tính biểu tượng và kiến tạo tri thức, truyền thuyết dựng nước thúc đẩy quá trình định hình các truyền thống mới thông qua việc thiết chế hóa tín ngưỡng, định hình lại các biểu tượng và hình thành tri thức mới. Dù truyền thuyết dựng nước và các thực hành nghi lễ liên quan đã khỏa lấp nhiều khoảng trống về cuộc khủng hoảng ý thức hệ thời kỳ sau 1986, cuộc hành trình của chúng trong nền văn hóa Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Kết luận: Huyền thoại dựng nước ở Việt Nam và xa hơn

Khảo sát huyền thoại dựng nước và khung cảnh vận hành của nó trong nền văn hóa chính trị Việt Nam đương đại gợi mở một số hiểu biết mới về thực tiễn chuyển biến chính trị, xã hội. Chương này đã gợi ý rằng trong khung cảnh sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên bang Xô Viết, cuộc khủng hoảng ý thức hệ toàn cầu đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc tìm kiếm các giá trị tinh thần xã hội mới. Thời kỳ sau năm 1986 đặt ra thách thức đầy mâu thuẫn giữa một bên là sự khủng hoảng của ý thức hệ cộng sản và bên kia là gia tăng các mối quan tâm về các đặc tính Việt Nam cùng với các nỗ lực được ý thức cao độ để bảo tồn và phát triển chúng. Sự lựa chọn của nhà nước là tìm về với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng bản địa. Các sử gia và học giả đã tham dự vào cuộc hành trình tái khám phá quá khứ, và tạo ra các tự sự tri thức mới. Khi quyền lực chính trị bị ảnh hưởng từ góc độ ý thức hệ, sẽ xuất hiện nhu cầu tái định vị lại tính chính danh quyền lực mà trong trường hợp này là việc thúc đẩy các giá trị mới của bản sắc dân tộc qua việc gắn kết chặt chẽ hơn với quá khứ cổ xưa.

Hàng triệu người hành hương tới đền Hùng vào dịp lễ hội và hàng nghìn người khác tham dự sự kiện tại các di tích trải khắp Việt Nam chứng minh cho sự hấp dẫn và sức hút của tín ngưỡng này. Nhà nước trung ương đã thành công trong việc tạo ra một cuộc vận động xã hội để thúc đẩy dự án văn hóa xã hội của mình. Cuối cùng, câu chuyện truyền thuyết dựng nước đã trở thành một thực hành tri thức, lịch sử, tín ngưỡng và lễ hội phức tạp mà tôi lập luận rằng tất cả đã trở thành một phần của nền văn hóa chính trị hiện đại. Quá trình này có đóng góp quan trọng đối với việc tạo ra các nền tảng mới cố kết cộng đồng quốc gia dân tộc ở Việt Nam xung quanh một truyền thống dựng nước. Trong khi đó, người dân đã tìm cách có tiếng nói của riêng mình. Họ tham gia tích cực vào quá trình quốc gia hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tạo ra các không gian tâm linh riêng và biểu đạt tự do thực hành tôn giáo. Sự tham dự này một lần nữa khắc họa tính cách năng động của sự chuyển đổi kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và tác động của chúng lên địa hạt tư tưởng và tinh thần.

Mối quan hệ giữa truyền thuyết – thực tiễn ở Việt Nam có thể soi sáng một khung cảnh rộng lớn hơn của lịch sử loài người. Đây là câu chuyện về như cầu chính trị – xã hội hướng tới sự đổi thay ở giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh và truyền thuyết lịch sử đã đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra các bản sắc dân tộc mới cũng như cũng cố tính chính danh quyền lực của người cầm quyền. Một hiện tượng phổ quát có thể được ghi nhận trong lịch sử của ‘các truyền thống được kiến tạo’ vốn diễn ra ở châu Âu, châu Á hay bất cứ đâu trong lịch sử của tất cả các xã hội loài người.26 Huyền thoại lập quốc tồn tại ở nhiều truyền thống, thuộc về nhiều hệ hình chính trị khác nhau, từ câu chuyện về nguồn gốc của hoàng gia Anh cho tới con sói đã nuôi dưỡng hai anh em Romulus và Remus của thành Roma cổ xưa. Loại hình huyền thoại này có thể phức tạp như câu chuyện về Tam hoàng, Ngũ đế của Trung Quốc, những người đã xây dựng xã hội và nhà nước tiếp sau bà Nữ Oa – một vị nữ thần nửa người nửa rắn tạo ra con người, cho tới các huyền thoại rõ ràng hơn như câu chuyện về Khun Bulom của người Lào, người đã phá vỡ quả bầu cho con người chui ra và mở rộng những người Thái-Lào sang phía đông và phía tây; tuy nhiên đặc trưng cơ bản nhất của chúng là sự can dự vào các dự án chính trị để tạo dựng bản sắc tập thể của cộng đồng. Các huyền thoại này không chỉ là một phương tiện mà ở đó con người cam kết với quyền lực của quá khứ mà còn là các nỗ lực nhằm thiết lập tính liên tục mà ở đó các phần quá khứ được lựa chọn sẽ can dự vào việc định hình hiện tại.

Nhiều huyền thoại dựng nước đã từng ở bên lề của các nền văn hóa trước khi bước vào dòng chủ lưu, gắn với các dự án chính trị và tham gia kiến tạo truyền thống, định hình bản sắc. Như đã trình bày, việc ‘kích hoạt’ và tái tạo các truyền thuyết dựng nước thường đến vào các thời điểm chuyển biến chính trị xã hội quan trọng và xuất hiện nhu cầu xã hội đó tự định hình lại bản sắc. Khi tầng lớp tinh hoa nhận thức về sự chuyển dịch này, dự án mới của họ hướng tới các hệ giá trị thay thế bằng cách tìm kiếm các phương thức mới mà quá khứ có thể đóng vai trong khung cảnh hiện tại. Với ý nghĩa đó, huyền thoại quá khứ sẽ dẫn dắt chúng ta vào tương lai.

Chú thích
1

Bài viết này được tác giả chỉnh sửa từ bài viết đã đăng trong phiên bản tiếng Đức xuất bản năm 2018 của tập sách này cũng như từ nguyên bản tiếngAnh của bài viết do tác giả biên soạn. Việc chỉnh sửa này được tác giả thực hiện hoàn toàn theo nguyện vọng riêng của mình.

2

Các bản chép tay khác nhau của Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện cung cấp số lượng không thống nhất về các câu chuyện. Bản chép tay do Phạm Quỳnh thuê viết lại và được dịch, xuất bản năm 1961 (Khai Trí: Sài Gòn) chẳng hạn, có 40 câu chuyện. Xem Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện (Sài Gòn: Khai Trí, 1961) [ND].

3

Nguyên văn, Âu Cơ nói với Lạc Long Quân: “Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm con trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không có chồng vợ, một mình vò võ.” Lạc Long Quân đáp lại: “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con chung nhưng phương viên bát đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con trai về thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi hay xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” Lĩnh Nam chích quái, 1961, trang 44.

4

Ta Chi Dai Truong and Tran Hanh. Comments on Liam Kelley›s “The Biography of the Hồng Bàng Clan as a Medieval Invented Tradition”, Journal of Vietnamese Studies, 7/2012, trang 160.

5

Karl Marx và Friedrich Engels, On Religion, New York 2008, trang 42.

6

Benjamin Yang, Deng: A Political Biography, New York 1998, trang 303.

7

Về cải cách kinh tế ở Đại hội VI năm 1986, xem chương của Adam Fforde trong tập sách này: “Huyền thoại của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986”.

8

Jayne S. Werner, God and the Vietnamese revolution: Religious Organizations in the Emergence of Today’s Vietnam, in: Tam T. T. Ngo/Justine B. Quijada (eds.), Atheist Secularism and Its Discontents: A Comparative Study of Religion and Communism in Eurasia, London 2015, trang 29.

9

Tran Thi Lien, Communist state and religious policy in Vietnam: a historical perspective, Hague Journal on the rule of law, 5/2013, trang 235.

10

The 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, 25. 12. 2001, Allens Arthur Robinson: Vietnam Laws Online Database on www.vietnamlaws.com, trang 13.

11

Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết 03/NQ-TW, 16. 7. 1998.

12

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại đền Hùng năm 1954, trong Tỉnh Ủy Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh với đền Hùng, Hà Nội, 2009, tr. 24-26.

13

Phạm Bá Khiêm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tâm thức nguồn cội của người Việt, 10. 5. 2012, http://web.cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=117455443.

14

Vũ Khiêu, Truyền thống thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, trong Bộ Văn hóa, Các di tích thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, Hà Nội, 2005, trang 27-28.

15

Văn tế giỗ tổ Hùng Vương, trong: Bộ Văn hóa, Di tích thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, Hà Nội, 2005, trang 155.

16

Vietnam Institute of Culture and Arts Studies, Report on the scientific inventory of the worship of Hung Kings in Phu Tho Province, Hanoi 2012, trang 15.

17

Vietnam Institute of Culture and Arts Studies, Report on the scientific inventory of the worship of Hung Kings in Phu Tho Province, Hanoi 2012, trang 15.

18

Thông tấn xã Việt Nam (TTXV), Đầu tư hơn 4500 tỷ đồng bảo vệ đền Hùng, 12. 1. 2016, http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/15956.

19

Hà Tùng Long, Bắc Ninh chi 32 tỷ để tôn tạo đền thờ Kinh Dương Vương, 3. 11. 2015, http://dantri.com.vn/van-hoa/bac-ninh-chi-32-ty-de-ton-tao-den-tho-kinh-duong-vuong-20151103104817792.htm.

20

Decision on planning and developing tourism in Phu Tho Province, 2011-2020, and the 2030-perspective, The People Committee of Phu Tho Province, No. 30/2012/NQ-HĐND, 7. 12. 2012

21

Trung Sơn, Đền Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên được xếp hạng di tích, 30. 6. 2015, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/den-hung-vuong-o-thao-cam-vien-duoc-xep-hang-di-tich-3241090.html.

22

BolsaTV, A tour at Vietnamese embassy in Russia, 25. 12. 2015, https://www.youtube.com/watch?v=mG4pgxNNr4Y.

23

Nguyễn Đình Minh, Bàn thêm về câu chuyện vua Hùng thọ gần 700 tuổi, 25. 6. 2014, http://vanhaiphong.com/y-kien-nha-van/794-ban-them-ve-cau-chuyen-vua-hung-tho-gan-700-tuoi-nha-thnguyen-inh-minh.html, cũng xem Hoàng Phương, Giật mình chuyện vua Hùng thọ gần 700 tuổi, giadinh.net.vn/xa-hoi/giat-minh-chuyen-vua-hung-tho-gan-700-tuoi-20130705102354412.htm (20/11/2020).

24

Đài truyền hình Phú Thọ, Người Mường với tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương, https://www.youtube.com/watch?v=QThstcXXInE (15. 05. 2017).

25

Kate Jellema, Returning home: Ancestor veneration and the nationalism of Doi Moi Viet Nam, in: Philip Taylor (ed.), Modernity and Re-enchantment: Religion in Post-revolutionary Vietnam, Singapore 2005.

26

Eric Hobsbawm và Terence Ranger, The Invention of Tradition, Cambridge 1983.