Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Lê Huỳnh Lâm hay Nỗi cô đơn của Thế hệ Hậu-gãy-cầu

Đặng Quốc Thông

 

1.

Kỳ về Việt Nam vừa rồi, chúng tôi ghé Huế, một phần vì rất lâu rồi không ghé, phần khác là để thăm anh Nguyễn Phúc Vĩnh Ba và tìm hiểu thêm về một việc. Lần đầu đi uống cà phê với anh Vĩnh Ba, anh hẹn ra quán Spatel d’Annam, có lẽ là quán cà phê đẹp nhất ở Huế, ở ngay bên Đại Nội, lịch sự, rộng, thoáng, mát mẻ, nhiều khách nhưng không ồn ào. Lần thứ hai hẹn đi uống cà phê, anh Vĩnh Ba hỏi muốn gặp ở đâu. Trong đầu tôi đã có hai quán: Quán Rơm Coffee and More ở 148 Lương Ngọc Quyến và Gác Trịnh tại 19, tầng 2, Nguyễn Trường Tộ. Vì chưa dám chắc về tình cảm của anh đối với người nhạc sĩ phản chiến gốc Huế, tôi đề nghị với anh quán thứ nhất, nhưng anh gạt đi. Thấy vậy, tôi đề nghị gặp ở Gác Trịnh, anh vui vẻ bảo: “Được đọ”.

Anh Vĩnh Ba hẹn gặp lúc 4 giờ chiều, nhưng chúng tôi đến Gác Trịnh sớm hơn, mục đích là để “kiểm tra thực địa”. Lý do cho sự cẩn trọng này là, đêm hôm trước, ngay khi chưa hẹn cà phê với anh Vĩnh Ba, tôi và Hàn Hương Giang cũng đã ghé quán này rồi, quán khá khó tìm phần vì trời tối, phần vì không ngờ nó nằm lặng lẽ trên lầu hai của một cư xá cũ, nhưng thật tiếc, khi tìm được quán thì quán đã đóng cửa, dù lúc đó chỉ mới 8 giờ. Cẩn trọng là thế mà cũng suýt bị hụt: Khi chúng tôi leo lầu bước vào Gác Trịnh lúc 3 giờ 45 phút, một người đàn ông phong trần râu tóc rất nghệ sĩ đang lúi húi dọn dẹp bàn ghế. Tôi hỏi ngay: “Sắp đóng cửa quán?”. Anh quay lại nhìn chúng tôi với một nụ cười hiền và bẽn lẽn: “Cũng định vậy, nhưng có khách thì sẽ ở lại tiếp”.

Người đàn ông phong trần râu tóc rất nghệ sĩ nhưng lại rất bẽn lẽn đó chính là Lê Huỳnh Lâm, chủ quán Gác Trịnh. Khi tôi nói có hẹn với anh Vĩnh Ba hôm nay ở đây, Lê Huỳnh Lâm hào hứng: “A, thầy Vĩnh Ba”. Hoá ra, hai bên đã biết nhau từ trước, Huế đúng là bé tí. Sau đó Lê Huỳnh Lâm dẫn chúng tôi tham quan một vòng Gác Trịnh, cùng chúng tôi leo cả lên phần gác xép ngày xưa Trịnh Công Sơn hay ngồi nhìn qua ô cửa sổ hông nhỏ tìm ý nhạc nơi con đường tha thướt tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh phía dưới. Một lát thì anh Vĩnh Ba đến, bốn chúng tôi cùng ngồi uống cà phê tán gẫu. Lúc này, tôi chỉ biết Lê Huỳnh Lâm có vẽ tranh, tranh của anh treo ngay phòng trước của quán. Đến khi anh bẽn lẽn tặng tôi tập thơ thì tôi rất bất ngờ, nhưng cũng kịp nghĩ trong đầu: “Chết cha, lại thơ!”.

 

2.

Tập thơ Lê Huỳnh Lâm tặng tôi là tập thơ đầu tay của anh và có tựa Thi ca mùa ngái ngủ. Không biết có phải do cái tựa đó không mà trong cơn ngái ngủ của chuyến bay dài từ Sài Gòn về lại Houston, tôi đã quyết định lôi tập thơ ra đọc. Đọc bài thơ đầu lần đầu, choáng váng và tỉnh ngủ, vì không hiểu gì cả, các ý thơ cứ lộn tung lên cả, toàn bộ bài thơ không một dấu chấm phẩy, không chữ viết hoa để ngắt nhịp, không khoảng tách khổ, không cả liên từ chuyển ý, câu chữ cứ miên man tuôn ra như một dòng ý thức. Đọc lại lần thứ hai, chậm chạp, dò tìm, thì mơ hồ cảm nhận được. Đọc đến lần thứ ba mới tin là mình hiểu được đại khái, một niềm tin hoàn toàn chủ quan, dựa vào những phân đoạn cũng hoàn toàn chủ quan, và đại khái, đại khái theo nghĩa đấy là một bài thơ “vấn đề”. Hãy đọc:

BLUES KHÔNG MÀU

blues không nước mắt

em gợi lên trong ký ức ngàn năm

những người da đen

xa lạ trên mảnh đất tổ tiên

trời cao xanh

cây lá một màu kỳ vọng

nhịp blues sinh động trên những con đường

trên những cánh đồng

không còn người da vàng

em có biết

trên vuông đất

em đi bằng nhịp blues

không còn màu xanh của mạ non

không còn màu vàng rực rỡ những ngày mùa

người da vàng đi về phía không mặt trời

không buồn vui

người da vàng ngậm ngùi

người da vàng không được nhảy điệu blues

nỗi buồn khô nước mắt

blues trên những bước chân

blues trên từng sợi lông măng

blues trong ánh mắt

blues trên quê hương em

blues phi châu

người da màu

blues héo hắt

blues thương đau

blues đang bước vào Nhà trắng…

Nhạc blues của những người nô lệ da đen nghẹn ngào, khắc khoải, buồn thảm. Hình như chỉ Trịnh Công Sơn gọi người Việt bằng từ da vàng: “Người nô lệ da vàng ngủ quên / ngủ quên, quên đã bao năm / ngủ quên không thấy quê hương / bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta / bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do...” Lê Huỳnh Lâm viết bài thơ này tháng 8 năm 2008, như tiên tri cho việc người da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bước vào Nhà Trắng tháng 11 cùng năm, còn người nô lệ da vàng, cũng như một tiên tri, vẫn còn “trên những cánh đồng... không còn màu xanh của mạ non... không còn màu vàng rực rỡ những ngày mùa... đi về phía không mặt trời...” Lê Huỳnh Lâm ngái ngủ khi làm thơ, nhưng thông điệp của anh khiến tôi tỉnh ngủ.

 

3.

Theo Võ Quê, Lê Huỳnh Lâm, các bút danh khác là Lê Hoàng Hải và Hoàng Diệp Lạc, sinh năm 1967, tốt nghiệp ngành Toán, Đại học Huế, đã có nhiều bài viết in trên các báo Tia Sáng, Tuổi Trẻ, Kiến Thức Ngày Nay, Văn Nghệ, Tạp chí Sông Hương, Văn Hóa Huế, Thừa Thiên Huế, Phụ trương Thơ báo Văn Nghệ, Quê Hương, Tuần báo Giác Ngộ, Nhớ Huế. Trước Thi ca mùa ngái ngủ (tập thơ – Nhà xuất bản Văn Học 2010) anh đã có Sông hoa (tuỳ bút – Nhà xuất bản Thuận Hoá 2006). Sinh 1967 ở Huế, như vậy năm 1975, Lê Huỳnh Lâm 8 tuổi, chưa kịp thuộc về “thế hệ gãy cầu”, mà thuộc về thế hệ “hậu-gãy-cầu”. Thế hệ gãy cầu, năm 1975, ít nhất cũng 15, 16 tuổi. Ở tuổi này, họ đã kịp có nhiều kỷ niệm về miền Nam thời quá khứ, để lúc lúc có thể quay về tìm chỗ trú thân, trong tâm tưởng.

Thế hệ hậu-gãy-cầu thì bất hạnh hơn, họ không có những kỷ niệm thời quá khứ để quay về tìm, kiểu như Hồ Sĩ Bình, một người thuộc thế hệ gãy cầu: “phố thị xuôi về nơi khúc sông nhỏ / mùa xuân / đánh rơi dưới chân cầu cũ lấm tấm những hạt vui / những dấu buồn khuất lấp / hoa cải vàng bao nghìn thu / cũng một màu thảng thốt / mưa bụi bay tháng giêng ơi / một chiều không đổi...”, mặc dù sự quay về tìm này cũng chỉ là một “thú đau thương”, tìm mà không thấy. Với thế hệ hậu-gãy-cầu, kỷ niệm của họ là ở thời hiện tại, hiện tại hiểu theo nghĩa từ sau năm 1975. Bởi vậy, khi cái hiện tại đó quá u ám, đến độ “người da vàng đi về phía không mặt trời”, họ loay hoay “đi tìm nơi trú ngụ tâm hồn”. Đây chính là tên một bài thơ trong Thi ca mùa ngái ngủ. Tôi rất thích bài này. Hãy đọc:

ĐI TÌM NƠI TRÚ NGỤ TÂM HỒN

đường cong

ranh giới tối sáng

hàng triệu con tim đội nón

đi tìm nơi trú ngụ

trên những cánh đồng in dấu chân lạ xa

đường cong

ranh giới thiện ác

hàng triệu cái đầu đông cứng tín điều ngoại nhập

xoá nhoà sử sách

vũ điệu mang hình chiếc búa

nguỵ tín với tổ tiên

đường cong

cha ông gây dựng cơ đồ

mơ hồ dấu tích xưa

cơn mưa trái mùa hành quân về nguồn cội

gieo những nỗi buồn trĩu nặng trên gương mặt người nông dân

còn đâu thánh thần?

đường cong

vẽ một vòng đất nước

bước về đâu cũng chạm vong hồn

buổi chiều mang mang màu sông núi

tôi - một hạt bụi biết ưu phiền

hỡi những đường cong

ngàn năm làm nên lịch sử

chỉ cho tôi nơi trú ngụ tâm hồn!

Bài thơ này, lúc đầu đọc, tôi cũng chỉ hiểu đại khái là rất buồn thảm. Hiểu đại khái là vì tôi không hiểu sao Lê Huỳnh Lâm lại dùng hình tượng “đường cong” lặp đi lặp lại như thế? Đường cong đó tượng trưng cho đất nước hình chữ S? Cho bầu trời? Một điều rất lạ là Lê Huỳnh Lâm dường như bị ám ảnh bởi “đường cong”, nó được anh sử dụng trong bảy bài thơ khác nhau. Không hiểu nên tôi đánh dấu để đọc lại, đánh dấu bằng cách dùng bút màu xanh gạch một đường ngang kéo dài từ chữ “đường cong” rồi đánh vồng lên thành nửa vòng tròn ở rìa trang giấy. Đến khi đọc lại, tôi thắc mắc về câu “vũ điệu mang hình chiếc búa”. Vũ điệu nào mà mang hình chiếc búa? Tôi tự hỏi. Thế rồi tôi chợt nhìn cái đường gạch ngang có nửa vòng tròn tôi đã vẽ, và ngay lập tức, một liên tưởng đã được hình thành!

Cái búa mà đi cùng với một cái cong cong thì chỉ có thể ám chỉ một thứ, nhất là khi kèm theo nó là “tín điều ngoại nhập”, “xóa nhòa sử sách”, “ngụy tín với tổ tiên”, “cơn mưa trái mùa hành quân về nguồn cội / gieo những nỗi buồn trĩu nặng trên gương mặt người nông dân”, và nhất là “đường cong / vẽ một vòng đất nước / bước về đâu cũng chạm vong hồn...”. Chỉ bằng một bài thơ với năm khổ ngắn, Lê Huỳnh Lâm không những đã tóm tắt đầy đủ một cách tài tình bản chất của toàn bộ giai đoạn lịch sử cận đại của cả một dân tộc mà còn nói thay cho cả một thế hệ hậu-gãy-cầu và không chỉ thế hệ hậu-gãy-cầu. Sống với những “kỷ niệm ở thời hiện tại” như thế thì việc “đi tìm nơi trú ngụ linh hồn” của Lê Huỳnh Lâm mãi mãi chỉ là một nỗ lực vô vọng. Thế hệ hậu-gãy-cầu bất hạnh là ở chỗ đó.

4.

Có những chuyện kinh hoàng xảy ra ngày trước. Với thế hệ gãy cầu, những chuyện đó là kỷ niệm thật của thời quá khứ, nhưng với thế hệ hậu-gãy-cầu, chúng chỉ có thể tồn tại dưới dạng kỷ niệm thật ở thời hiện tại. Khi không chứng kiến khi chuyện xảy ra thì chỉ có thể viết về chúng như một kinh nghiệm “nghe kể”, mà viết lại một chuyện nghe kể như thế rất dễ lâm vào tình trạng méo mó, sai lệch khiến cảm xúc thẩm mỹ nơi người đọc khó thăng hoa. Đây là trường hợp của Nguyễn Một trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Lê Huỳnh Lâm tinh tế hơn, anh chọn nói về lịch sử qua những trải nghiệm thật trong hiện tại, nên độ khả tín rất cao và kẻ hưởng lợi nhiều nhất là người đọc khi sự kiện được tái hiện trong trọn vẹn chiều kích thời gian của nó. Hãy đọc:

GỬI NHỮNG VONG HỒN

mùa xuân gợi nhớ

một mùa xuân

đêm

hàng ngàn vết thương từ đất

nhức nhối

nở ra

loài hoa màu máu

những buổi chiều đầu xuân

chập chờn

hương khói

ánh lửa

tàn tro

vẽ hồn người thương tật

trên các ngả đường

tạm trú trong bức tranh

đợi chờ

ngày rét mướt đầu mùa

nhiều đường gân gồ nhăn vây bủa trên vừng trán mẹ

những người mẹ mồ côi chồng, con và cả niềm hy vọng

trong ánh mắt sâu mỏi mòn

mẹ ném từng nắm gạo, muối sống, hột nổ xanh đỏ tím vàng

lời nhắn nhủ mẹ viết trên vàng mã

ngợi ca sự chết và niềm vô vọng

những ngày buốt căm

thành phố bạt ngàn vòng hoa trắng

những con mắt vô thần

gắn trên khuôn mặt lạnh như tiền

nhập vai phản diện trong một bi hài kịch

hồi kết

một bình minh nhuốm màu sắc Gauguin

màu đất đá

trên những ngả đường mùa xuân

vẫn còn gạo, muối sống và hột nổ xanh đỏ tím vàng...

mong bầy chim sẻ

không vỗ cánh

giữa những bước chân

con người.

Đọc bài thơ này, tôi không hiểu ý nghĩa của từ “hạt nổ”. Tra google, thấy trên trang “Khám phá Huế” có bài Sắc màu hạt nổ của Võ Văn Dần: “Hạt nổ thường được nhuộm bằng 4 màu: đỏ, xanh, vàng, trắng... Một điều khá thú vị mà lần đầu tiên tôi nghe đến: Làm nghề nổ phải tuyệt đối tinh tấn, sạch sẽ từ con người cho đến các vật dụng, đặc biệt người làm nổ phải có cái tâm trong sáng, tự đáy lòng mình phải tôn kính các vị đã khuất. Nếu người uế tạp đứng làm nổ thì kết quả sẽ không như mong đợi... Cũng là điều dể hiểu bởi vì đây là mặt hàng khá đặc thù chỉ dùng để cúng nên trong quá trình sản xuất phải tuyệt đối sạch sẽ, tươm tất. Có như vậy người cúng mới gửi gắm trọn vẹn tâm nguyện và sự thành kính của mình đối với những người đã khuất...”. Đọc xong mà lạnh toát người!

Sự kiện Mậu Thân ở Huế đã được tả rất chi tiết trong Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca. Tôi không biết còn tác phẩm văn xuôi của ai khác về sự kiện tang tóc này, thơ nêu được đầy đủ và bao quát nhất cái bi thảm của sự kiện thì càng không thấy. Nếu đúng vậy thì Nhã Ca và Lê Huỳnh Lâm, một ở thời quá khứ, một ở thời hiện tại, đã bổ sung cho nhau để kể lại câu chuyện trong toàn vẹn chiều kích thời gian của nó. Tác nhân của tội ác chối bỏ nó, nạn nhân của tội ác dường như cũng muốn cố quên, nhưng lịch sử sẽ không bao giờ bị xóa. Thú thật khi đọc bài thơ này của Lê Huỳnh Lâm, hình dung trong đầu mình cái hiu hắt thê lương của “thành phố bạt ngàn vòng hoa trắng... / những ngả đường mùa xuân / vẫn còn gạo, muối sống và hột nổ xanh đỏ tím vàng”, tôi nghẹn ngào.

Mậu Thân 68 ở Huế xảy ra từ 30/1 đến 28/2. Không biết có phải vì vậy không mà những bài thơ Lê Huỳnh Lâm viết trong hai tháng này thường rất u uất. Bài Gửi những vong hồn viết tháng 2/2008. Bài Một ngày mùa đông, viết tháng 1/2010, có những câu xé lòng: “tôi uống bia / như uống nỗi buồn trần thế / đắng / và tôi khóc / khóc cho những giấc mơ đời người / khóc cho linh hồn chú Khán P.R. được bay lên / khóc cho bóng hình ba tôi một mình giữa phố / khóc khi nghe giọng nói mạ tôi yếu dần... / khóc cho ngày mai đất nước này không được đổi thay...”. Bài Mùa tro, không in trong Thi ca mùa ngái ngủ, nói về người đàn ông ru con bằng “... câu chuyện mùa tro... / có tiếng súng / tiếng thét / tiếng rên la / và tiếng loài cầm thú...”. Mùa tro thường bắt đầu khoảng giữa tháng Hai.

5.

Với một người nhận ra “không còn màu vàng rực rỡ những ngày mùa / người da vàng đi về phía không mặt trời”, với một người mà thực tại chỉ là sự hiu hắt thê lương của “thành phố bạt ngàn vòng hoa trắng... / những ngả đường mùa xuân / vẫn còn gạo, muối sống và hột nổ xanh đỏ tím vàng”, là “khóc cho ngày mai đất nước này không được đổi thay”, và là “chỉ cho tôi nơi trú ngụ tâm hồn”, con người ấy phải cùng cực cô đơn, cô đơn vì, nói như W. B. Yeats trong bài thơ nổi tiếng nhất của mình: “Turning and turning in the widening gyre / The falcon cannot hear the falconer / Things fall apart; the center cannot hold / Mere anarchy is loosed upon the world / The blood-dimmed tide is loosed, and everywhere / The ceremony of innocence is drowned / The best lack all conviction, while the worst / Are full of passionate intensity...

Bay vòng vòng ngày càng xa

Chim ưng nào nghe tiếng chủ

Thế giới tường xiêu nhà đổ

Nơi nơi hỗn loạn xổ lồng

Tứ phía bủa vây sóng máu

Nhận chìm trong trắng thơ ngây

Người ưu tú cạn kiệt niềm tin

Kẻ đồi bại mặc tình thao túng...

Hiện thực hiện lên trong cặp mắt thi sĩ của Lê Huỳnh Lâm thật u ám, vô vọng. Chỉ cần đọc lướt qua tựa của 50 bài thơ, người đọc cũng cảm nhận ngay cái u ám, vô vọng này. Thí dụ: Nơi tận cùng (bài 2), Tàn tro trên đầu mười ngón lửa (bài 6), Giấc mơ của những chiếc mặt nạ da người (bài 8), Chết (bài 17), Vô vọng (bài 18), Thời của quỷ (bài 27), Tất cả đều là ma quỷ (bài 42), Sự vô nghĩa (bài 48), v.v. Tương tự, dường như Lê Huỳnh Lâm bị ám ảnh bởi các ý niệm u tối. Anh có 2 bài nhắc đến cái “chết”, 7 bài nói về cái vô vọng của xã hội, ít nhất là 9 bài nhắc đến từ “trắng” trong các kết hợp gợi sự tang tóc: lá trắng, hoa trắng, áo trắng, người trắng, nhuộm trắng mắt đời, và 7 bài nói về “đêm”, trong đó, dài nhất, đến 8 trang, và có lẽ xuất sắc nhất, là bài số 15 mang tựa “ĐÊM”. Trích:

Đêm

tiếng muỗi vo vo bên vành tai ngái ngủ

chợt nghe lời mẹ gọi

giật mình tỉnh giấc

cơn đau quặn thắt

tiếng côn trùng ùn ùn mọi phía

đêm

mẹ miền xa về trong mộng mị

mắt mẹ hiền như chiếc lá khô

...

đêm

tiếng mõ khuya hay tiếng người gõ cửa

lời cầu kinh hay bài ca trốn chạy

...

đêm

xác người lăn lóc trên cầu gỗ

mùi đồng loại xông lên rờn rợn

...

đêm

bặt thinh tiếng người

lũ ma trơi the thé cười

...

đêm

đánh thức người tử tù

trong xà lim tăm tối

...

đêm

năm tháng thở dài theo bước chân cuồng dại

thiếu nữ không ngần ngại hiến dâng

...

đêm

không còn là đêm

mặt trời lên

tối đen cả đất trời

những mảnh đời đang rơi

hố thẳm

vời vợi

đêm

canh năm lành lạnh gáy

ngón tay gầy đếm đốt mong em

đêm bạc tình

mộng mị cũng ra đi

chiếu chăn vô tình

rủ nhau cuộn lại

và chỗ nằm

vắng một xác thân

đêm

năm canh

dằng dặc...

Người đọc có thể phê bình thơ Lê Huỳnh Lâm u ám, u tối, vô vọng, bi quan, cô đơn cùng cực. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng làm sao khác được? Nhà thơ thông qua sự quan sát, chắt lọc và ghi lại bằng nghệ thuật của riêng mình cái hiện thực mà anh cảm nhận được xung quanh. Khi hiện thực u ám, u tối, vô vọng, anh ta có thể làm gì khác nếu muốn cất lên tiếng nói lương tri của chính mình và đồng loại? Nhận chân được vấn đề là đã giải quyết được nửa vấn đề. Hiểu theo cách này, thơ Lê Huỳnh Lâm rất lạc quan trong chính cái bi quan của nó. Đây là cảm giác của tôi khi đọc những bài như Tụng ca rác, Nghĩ về những ngày mưa gió, và đặc biệt bài Thượng trí thức, một bài vừa châm biếm sâu cay vừa cảnh tỉnh nghiêm khắc để người trí thức tự soi lại mình. Xin đọc:

THƯỢNG TRÍ THỨC

buổi sáng trinh nguyên

những ly cà phê trên những chiếc ghế

người đàn bà bất ngờ xuất hiện tay chỉ về phương Bắc

ca hát như điên

“Thưa thượng trí thức

uống cà phê ăn mì đọc báo nói nhảm”

bên kia đường ba con chó sủa hoang

trên trời xanh có những áng mây

dưới màu nắng ban mai

trên ngọn cây cổ thụ

hai con chim cu âu yếm

trong nỗi yên bình giả tạm

mặt trời lên cao

nắng hòa vào những ly bia

người đàn ông say sưa kể quá khứ đời mình

về những niềm hạnh phúc đau đớn

chất giọng ngâm nga pha ca trù

người đàn ông nhắc nhan đề những cuốn sách của Henry Miller

“dưới chân thang”, “thời giết người”…

một người khác nói:

“nụ cười dưới chân thang”, “thời của những kẻ giết người”

người đàn ông nói một tràng tiếng Pháp

như ký ức nô lệ trăm năm vẫn còn in dấu

và nói về hiện sinh

mà không sống hiện sinh

người đàn ông nói về phim Tàu rất hay

có phải chăng do một ngàn năm nô dịch

người đàn ông nói về phim Mỹ và Nga

những xã hội mafia thường kết thúc bằng họng súng

bên dòng sông xanh

bóng người đàn bà mang tên một loài hoa thoáng hiện

trong chiếc áo dài bản sắc Việt

mà hương tóc không còn mùi chanh và bồ kết

người đàn ông ngẩn ngơ

quên những điều mình vừa nói

ôi! những người đàn ông trên sáu mươi

thường hay nói nhưng không hành động

thèm một chút Freuds trước khi chiều buông

mỗi ngày

những ly cà phê trên những chiếc ghế

những ly bia trên những chiếc bàn

đất trời dày đặc sương mù

có người đàn bà bay ngang ký ức

chỉ tay về phương Bắc

“Kính thưa thượng trí thức”.

 

6.

Dĩ nhiên tôi còn có thể nói thêm rất nhiều những cảm nhận của mình về thơ Lê Huỳnh Lâm. Chẳng hạn, tôi có thể nói về sự liên tưởng của tôi giữa nỗi cô đơn của Lê Huỳnh Lâm với nỗi cô đơn của John Singer trong The Heart is a Lonely Hunter mà Carson McCullers viết năm 1940 lúc mới 23 tuổi khiến cả văn đàn nước Mỹ sửng sốt, một liên tưởng mạnh và tức khắc đến độ tôi phải lục đọc ngay lại tác phẩm đó trong tủ sách của mình, mục đích là để xem ai cô đơn hơn. Cũng như tôi có thể nói thêm về những bài thơ tình của Lê Huỳnh Lâm, chẳng hạn bài Sài Gòn cuộc hạnh ngộ lênh đênh với: “Sài Gòn buổi chiều chợt mưa bay / dáng cũ nhập nhoè miền bộ nhớ ảo / giữa mù xưa em ngồi bên bến lạnh / đường phố chiều nay ngập nước hoá sông Thơm... / em vẫn thế giữa muôn trùng hư ảnh / sắp đặt – tình cờ / cuộc hạnh ngộ lênh đênh”. Tuyệt đẹp.

Hoặc bài thơ tình lạ lùng có tên Đêm thì thầm cùng nỗi nhớ. Bài thơ tình này, cũng giống nhiều bài thơ tình của các tác giả khác, kể về tình yêu của một người con trai dành cho một người con gái, anh yêu đến độ “từng cơn đau nhích về phía con đường ngóng bước em qua... / anh vẽ nụ ngày trên hàng ngàn chiếc lá soi sáng ô cửa vuông / cho nỗi buồn em tan biến... / anh ngước lên nền trời / tìm hình bóng em trong vì sao sáng lạnh / cạnh vũng trăng hoang liêu...”. Nhưng khác với tất cả, bài thơ tình này kết thúc bằng những câu lạ lùng: “và tự dặn lòng mình / hãy yêu thương / nhưng đừng níu giữ / em hiểu không?”. Đọc bài thơ này, tôi cảm giác dường như ở đây nỗi cô đơn tuyệt đối đã đồng nhất với khao khát tự do tuyệt đối, và tôi lại lẩn thẩn liên tưởng đến truyện ngắn Makar Chudra của Maxim Gorky.

Chưa hết, tôi cũng còn có thể nói thêm về nghệ thuật biểu hiện trong thơ của Lê Huỳnh Lâm. Khi một nội tâm đã cô đơn tuyệt đối và tự do tuyệt đối thì khó có gì ràng buộc được nó. Nó cất tiếng khi cần, và khi một hình ảnh khác vụt hiện, nó chuyển mạch tự sự mà chẳng cần tín hiệu. Theo cách đó, nó nhào trộn hình ảnh, đặt cạnh nhau như trong một bức mosaic những ý tưởng trật khớp với người đọc trừ với nội tâm hỗn loạn của chính nó. Nó phá vỡ mọi nguyên tắc, nó bất cần chấm phẩy, nó tuôn ra liên tục như một dòng ý thức. Thế nên, đọc để hiểu cặn kẽ thơ của Lê Huỳnh Lâm khá chật vật. Tôi biết anh ngưỡng mộ Rimbaud, người mà Xuân Diệu cũng ngưỡng mộ: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine / Hai chàng thi sĩ choáng hơi men / Say thơ xa lạ, mê tình bạn / Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen...”.

Tôi cũng biết Rimbaud rất nổi tiếng với thi tập Illuminations (Hoa đăng), gồm 40 bài thơ văn xuôi và 2 bài thơ tự do, như một tuyên ngôn gián tiếp mới về thi pháp, từ bỏ phong cách tự sư theo tuyến tính, tung hê toàn bộ hệ thống liên kết văn bản, và, thay vào đó, nén chặt trong thơ những chuỗi hình ảnh làm giật mình cảm xúc, nhiều khi phi lôgic và rất bất chợt của miền tiềm thức nhưng đồng thời giúp tăng tính thơ cho thơ, phả vào thơ nhiều yếu tố mộng tưởng tiệm cận ảo giác và giúp đẩy thơ đến ngấp nghé bến bờ siêu thực. Về chủ đề, những bài thơ của Rimbaud tuy đa dạng nhưng nổi bật vẫn là tinh thần phản kháng xã hội, nhất là văn minh đô thị, một thứ vừa hấp dẫn vừa đáng ghét. Tôi đọc thấy tất cả những điều này về Rimbaud trong thơ của Lê Huỳnh Lâm. Không biết anh có bị ảnh hưởng?

Và cuối cùng tôi cũng còn có thể nói thêm, với và qua Lê Huỳnh Lâm, về nhận xét của Phạm Tấn Hầu, một thi sĩ cũng gốc Huế, tuy lớn tuổi hơn nhưng rất đồng cảm với Lê Huỳnh Lâm. Trong lời đề tựa cô đọng và xác đáng cho Thi ca mùa ngái ngủ, Phạm Tấn Hầu nhận xét: “Lê Huỳnh Lâm không quan tâm tra hỏi hay tìm cách định nghĩa thơ ca”. Về ý này, tôi xin triển khai thêm: Đúng là Lê Huỳnh Lâm không hiển ngôn, nhưng đây đó trong thơ mình, Lê Huỳnh Lâm cũng đã gián tiếp “định nghĩa” thơ ca, rõ rệt nhất là trong bài Gửi một nhà thơ không còn làm thơ: “thế giới trong mỗi người / không phải là khẩu phần / không phải là tem phiếu / không phải là chiếc khuôn của đấng tạo hóa / đừng bắt buộc tôi giống ông / đừng bắt buộc chúng ta giống nhau / đừng nhân bản – xin đừng – các ông hãy dừng tay...”.

Vậy đấy, tôi còn có thể nói thêm rất nhiều những cảm nghĩ của tôi khi đọc Thi ca mùa ngái ngủ. Thế nhưng, như Lê Huỳnh Lâm đã phát biểu trong Ngụ ngôn của những tiếng hót (Sông Hương - số 279, 28/05/2012): “Thi ca và khoa học cùng nhìn về một hướng nhưng con đường đến đích là khác nhau, thế giới của các nhà khoa học là thế giới của kinh nghiệm lý trí, thế giới của cái nhìn phóng chiếu ra bên ngoài. Trong khi đó thế giới thi ca vượt qua lý trí để đạt đến thực tại của cá thể qua những cơn xúc cảm và sự tiếp nhận trực diện từ nội tâm và ngoại cảnh”. Thi ca là lời phát biểu của nội tâm, vậy ta cũng hãy thôi nhiều lời và hãy lắng nghe bằng chính nội tâm mình. Còn nếu muốn bàn cho vui, như những người đồng cảm, ta hãy cùng đến Gác Trịnh, nơi Lê Huỳnh Lâm bẽn lẽn sẽ luôn ngồi đợi với ly café đón chào, phải thế không hỡi Nỗi cô đơn của Thế hệ Hậu-gãy-cầu?

 

Houston, những ngày sau bão

July 10, 2024

image

Lê Huỳnh Lâm và tác giả ở quán Gác Trịnh

    PHỤ LỤC: THƠ LÊ HUỲNH LÂM SAU “THI CA MÙA NGÁI NGỦ”     HÃY CHÌA BÀN TAY TỪ NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ (Tạp chí Da Màu, 18/07/2014)   em giành chiếc áo hay giành câu thơ giữa buổi chiều gió rát những cánh tay dong cao với bầu trời đón nhận chút niềm xanh huyễn hoặc trên con đường họ giành từng centimet thời gian hay giành nhau đến trước huyệt lộ nơi gương mặt cải trang chính mình khi bình minh bên này là lúc hoàng hôn bên kia tôi chìa bàn tay xin chút lòng trắc ẩn chiếc micro tăng âm cho sự dối lừa của cái miệng vài ba thằng hề văn nghệ uống viagra đi tìm chỗ tối trong tâm tưởng hắn tự sướng với danh từ, tự sướng với tính từ, tự sướng với động từ, … để quên mất cuộc sống nhân từ tôi chìa bàn tay xin chút lòng nhân ái như xin hạt mưa gieo giữa mùa khô hạn đâu đó có những trạm lắng nghe tiếng cười hả hê sau đêm dài đánh quả mà quên mất tiếng núi sông đang trỗi dậy đâu đó chỉ là chiếc camera được ngụy trang thần thánh để kinh doanh trên nỗi đau phận người trong cổ thư hiền nhân đã nói đất nước đang suy thì người giàu là kẻ cướp nương vào các ngôn từ mỹ miều đậy che sự mục ruỗng tâm can tôi chìa bàn tay xin một tiếng nói thật thà để mỗi chiều lắng nghe dòng sông kể chuyện thắp cây hương trong am lòng yên tịnh thanh bình nở hoa trong nhịp thở không màu nơi bàn chân về tụng niệm mỗi bước xanh tôi chìa bàn tay hứng lấy giọt trong lành là nước mắt của thần linh đọng vào phiến lá hạt sân si lăn tròn vào khoảng trống cho mùa người đậm thêm chút từ bi tôi chìa bàn tay còn dấu đinh xuyên vào nỗi nhớ và sự chờ đợi lớn thành núi thành sông để con người biết cúi mình ngó xuống bàn chân đang đứng trên cùng một mặt đất đau buồn … em giành chiếc áo hay giành câu thơ sao không giành chỗ ở ngôi cao vô hình mà tranh nhau chút lòng nghi kỵ hãy chìa bàn tay từ những điều giản dị như đứa bé tập đi trên mặt đất yên bình…     NHỮNG ĐIỀU ANH KHÔNG THỂ NÓI (Tạp chí Da Màu, 24/06/2014)   những câu chuyện của ngày của đêm đi qua các giác quan trong một buổi sáng hạt mưa như mầm của nỗi buồn cứ nở trong không gian phía bên kia năm bảy con người xoay quanh chiếc bàn giữa lòng đường xác con chuột bầm dập vết máu loang trên mặt đường xa xa tiếng gọi người con gái bên góc phố nâu gầy chỉ còn bàn chân cứ bước qua mỗi ngày như bước qua những câu chuyện nhiều khi anh nhớ cái lần đầu tiên ấy bên chiếc cầu nhỏ anh đã hôn em vụng về nhiều khi anh nhớ nụ cười em đẹp lạ thường trên gương mặt nhân hậu và những vòng tay ấm cuộc tình những câu chuyện của ngày của đêm của trí nhớ anh ngỡ rằng mình không còn bơ vơ giữa cuộc đời như hạt mưa sáng nay gieo vào anh cơn đau xa xa tiếng người con gái gọi bàn tay anh lạnh ôm nửa vòng trái đất không với tới phía bên kia cuộc đời cho em những niềm vui anh chỉ còn những buổi sáng đưa con đến trường và những buổi chiều chở Celin về ngôi nhà nhỏ có cu Măng chơi trò trốn tìm khi nghe tiếng xe quen ngoài ngõ nhiều khi anh ngỡ mình đã chết trong những giấc mơ và những cơn say không nhớ tên chính mình những câu chuyện của ngày của những con đường anh đã đi qua có bàn tay nào còn ấm để chìa ra có ánh mắt nào đọng lại cái nhìn thương cảm để chia sẻ có giọng nói nào gợi lên chút lòng trắc ẩn có nhịp đập nhân ái nào trong trái tim những câu chuyện của ngày dẫn dắt anh qua ngã ba cuộc đời dưới bóng cây bằng lăng mùa hạ những chiếc lá vàng xanh suốt mùa còn sót lại ánh nhìn của người con gái màu của giấc mơ sẽ không phai nhạt mỗi câu chuyện là một niềm hy vọng mong manh và những chồi non mở ra thành lá nhiều khi anh ngả mình vào khoảng trống câu chuyện nơi đó không có âm mưu nào xuất hiện nơi đó anh không đề phòng một ánh mắt hay bàn tay nào nơi đó anh nhớ gương mặt em buồn và làn da em trắng huyền trong những đêm trăng những câu chuyện của ngày và đêm và trí nhớ dắt anh qua những buổi chiều bơ vơ chỉ có con đường và cơn mưa mặt đất không còn một bóng người xa xa tiếng gọi của người con gái cùng nhịp mưa rơi đều trên phận người đâu đó trong kí ức hiện lên những tên vô lại những tên sát nhân những tên tai mắt những tên đạo đức giả trong bị thịt buồn nôn đang nói chuyện tương lai xa xa một mệ già gánh nỗi buồn rao bán xa xa một em bé vỗ về giấc mơ rao bán xa xa những giáo viên rao bán tri thức xa xa những người chữa bệnh rao bán sự sống xa xa những tu sĩ rao bán đức tin xa xa mấy thằng văn nghệ nửa mùa rao bán chút nhân cách dối trá còn sót lại xa xa một người đàn bà ráo bán chút nhụy hoa cuối cùng trong im lặng anh thắp ba cây hương trong tâm tưởng tiễn đưa tất cả về nghĩa địa phố những câu chuyện của ngày của đêm của những thế kỷ đọa đày anh bày biện những giấc mơ tuổi thơ cho kỷ nguyên mới chỉ còn hơi ấm của dòng sông và tiếng thở của lá thì thầm trong nỗi nhớ va si le o na ka ma ra su tra le temps de l’amour du tue những câu chuyện của ngày của đêm của máu và nỗi đau và những tiếng nổ giòn trong kí ức khi tất cả các cánh cửa đóng lại sự đổ vỡ sau ngày tận thế trên bề mặt của hành tinh nước mắt chỉ còn bài thơ cuối cùng sẽ xuất bản trong lời tiên tri của đá và nước sẽ thanh lọc tội lỗi cho cái đầu của thế giới được gột rửa cho trái tim của mặt đất được thay máu và ngôi lời của mặt trời sẽ thiêu hủy tri thức bệnh hoạn và ánh trăng sẽ vỗ về giấc mơ vô thần những câu chuyện của ngày được kể trong buổi chiều mưa bay xa xa là những ngã tư tiếp nối của niềm vô vọng những dòng sông sẽ dâng cao khúc nhạc chiều và những điều anh không thể nói khi thế giới đã được đặt định trong những cuốn sách màu đỏ và con người chỉ là trò chơi của đấng vô hình ban phát thứ bình minh giả tạm cho những vì sao anh bước vào phía không thời gian là chiều thứ không âm dương của những con số nơi đó không có những vỉa lề không có những kí hiệu không có màu sắc không có âm thanh không có ái tình và sân hận không có cả sự không có và điều quan trọng là không có em nên anh bước vào phía thời gian để đón nhận sự hữu hạn cuộc đời bên cạnh người con gái có đôi mắt núi rừng có trái tim phát ra những lời nguyện cầu có gương mặt chịu đựng những nỗi đau có tình yêu thánh thiện và có câu chuyện của ngày của đêm của nụ hôn trong buổi chiều mưa bay mùa hạ bên kinh thành nhiều lá và cơn say dài đến cuối cuộc đời của nỗi nhớ co ro trong mùa xa giá lạnh có đêm giáng sinh một mình em lặng lẽ phía thánh đường có ánh nến lung linh soi bước có lời thánh ca buồn cất lên trong khuya xưa có tiếng khóc chào đời của người chăn dắt và có anh đang dõi theo bước em thầm lặng trong tâm tưởng của kẻ nổi loạn anh không chấp nhận một tín điều nào ngoài tình yêu của con người chỉ còn lại câu chuyện của ngày của đêm và nỗi nhớ… và tiếng gọi người con gái bên góc phố nâu gầy o pa ri sa na ka ta li a     HOÀN CẢNH RA ĐỜI MỘT BÀI THƠ (Tạp chí Da Màu, 12/03/2010)   hoàn cảnh ra đời một bài thơ mơ hồ như huyền thoại của đất ẩn chứa những trầm tích của máu và niềm kiêu hãnh tự ngàn năm chỉ có những đứa trẻ thường bập bẹ câu hỏi thơ ngây bây giờ bài thơ cũng cần có lý lịch để tường trình khi có người tra hỏi bây giờ bài thơ cần được trình bày hoàn cảnh để người đọc hiểu mình hơn bây giờ bài thơ được làm theo đơn đặt hàng cho một thỏa hiệp tụng ca bây giờ bài thơ được giảng dạy theo chỉ thị từ vô thức mấy ngàn năm đất nước đã có thơ mấy ngàn năm thơ vẫn vang vọng song hành cùng các triệu đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, … mấy ngàn năm thơ dập dìu bên vành nôi cùng vận nước chợt một ngày những vần thơ hiển hiện từ vô thủy vô chung hay từ trái tim, khối óc và sự cô đơn ngôn từ Hoàn cảnh ra đời một bài thơ mơ hồ như huyền thoại của đất.     TRÒ CHƠI CỦA TRẺ CON (Tạp chí Da Màu, 31/07/2009)   chiều chồng khít trên từng viên gạch cổ thành ẩn hiện dấu vân tay người xưa sau vệt nắng buồn mùi của đất và màu của lửa vỡ ra cùng cơn mưa mùa hạ trầm bổng điệu ru buồn chiều vẽ hình vòng cung ngang qua nỗi nhớ bơ vơ bước chân phía không mặt trời những chiếc bóng hút sâu sau vòm cửa về đâu? chiều xiên xuống góc màu kỳ ảo những bộ dạng thương tật chuyển động trên bề mặt bê tông đông cứng ý tưởng chiều vắng người kể chuyện cổ tích bên vườn địa đàng âm thanh man dại phát ra từ khối kim loại hình chiếc phễu những tín điều của hai thế kỷ trước hoá thân vào mỗi xóm làng khu phố âm kinh bủa vây trên triệu triệu nấm mồ co ro trong nỗi sợ vô hình chiều run run ngón tật nguyền gõ lên nốt chữ vô tri ghép nối những mảnh đời nghiệt ngã ngày chồng khít trên từng kí tự trò chơi của trẻ con tập đánh vần A E I O U