Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Đang rơi

 Dạ Ngân

 

Tôi nhớ đó là khoảng năm 1984. Nhớ rõ vì khi ấy tôi mới bắt đầu xin được cơ quan một máy chữ cũ và viết trên máy. Chiếc máy hiệu gì không nhớ nữa, tệ quá, máy nhỏ xinh, xách tay nhẹ nhàng, như laptop so với computer để bàn vậy.

Đã biết những ông bà lãnh đạo được thụ hưởng những tiêu chuẩn đương nhiên xứng với cương vị của họ. Ví như ô tô biển xanh. Ví như bảo vệ canh gác. Ví như nhà cao cửa rộng (còn gọi là nhà công sản). Ví như ăn uống không phải tự túc. Ví như chữa bệnh đã có Ban bảo vệ sức khỏe. Vân vân và vân vân.

Chúng tôi là số đông, một biển công nhân viên chức ăn lương. Họ cũng ăn lương và nếu lương có cao ngất thì họ cũng là số ít, chóp bu, như cái chóp nón lá, để ý làm gì. Và chúng tôi sạch thật dù có người thở dài tâm tư, dù không ít người ngước lên âm thầm bon chen, quẫy đạp. Tôi xác tín văn chương, ở nhà tập thể, nấu ăn bằng vỏ dừa đi xin về phơi khô làm chất đốt, luôn đi chợ chiều rau héo cá dạt, đêm đêm giăng mùng chụp xuống bàn để gõ máy chữ viết lách kiếm nhuận bút nuôi con. Má ghé, thấy con lạc loài khó hiểu, chỉ tặc lưỡi: “Làm nghề gì moi tim moi óc ra ăn, quanh năm không thấy ai biếu xén gì trơn!”. Hóa ra má dân thường, má ở vùng sâu vùng xa mà má cũng cảm thấy có những người quanh năm được biếu xén!

Một lần tôi ra chợ trời mua ruy băng cho máy chữ. Viết lách là làm riêng, văn phòng cơ quan cấp máy chứ không cấp ruy băng. Phải ra chợ trời vì cửa hàng thương nghiệp quốc doanh chỉ bán hàng made in xã hội chủ nghĩa xài không bao lâu đã khô, mỗi lần thay ruy băng hai tay nhòe như thợ in trong xưởng! Chợ trời còn hàng của thời VNCH, không biết họ nhập từ Mỹ, từ châu Âu hay Nhật gì đó còn tồn trong nhà của dân đô thị, ruy băng tốt, xài mãi xài mãi không muốn vứt.

Tôi mua 2 cuộn, thực tình túi lép chỉ có thể mua được chừng ấy thôi. Khi trả tiền, người đàn ông bán hàng áng là viên chức cũ, hay thầy giáo cũ, hay sĩ quan cũ… nhìn cung cách là biết, người ấy ý tứ hỏi: “Cô có muốn ghi hóa đơn không, muốn ghi bao nhiêu?”. Tôi sững người. Hóa đơn cho hai cuộn ruy băng (thời ấy hóa đơn viết tay còn được cho là hợp lệ) cũng có thể nới giá lên ư?

Tôi không còn hồn nhiên nữa. Có vậy tôi mới biết hình như đã có rất nhiều người cùng phía với tôi không sạch như tôi nghĩ. Nhà văn Nguyễn Quang Thân năm 1982 kể, rằng thanh xuân của anh sạch đến nỗi suốt ngày nghĩ sao lại Cải cách ruộng đất, sao lại đánh Nhân văn đánh Giai phẩm, sao Liên Xô làm ra được tàu vũ trụ, sao nước Mỹ dám bầu vị tổng thống trẻ thế. Đầu óc trong cho nên toàn nghĩ đại sự đại cục. Đi công tác, về lấy bản đồ lấy thước ra đo để ghi chính xác số km khi thanh toán công lệnh. Nhưng rồi, vợ và con, cuộc sống không xanh nữa, một người đàn ông tủi cực với “cơm áo không đùa”, có lần nhà hư bóng đèn, không xoay nổi (chỉ phân phối và phải xếp hàng trong chính cơ quan mới đến lượt), ngặt nghèo quá thể nên anh đứng lên giữa mọi người trong cơ quan tuyên bố: “Tớ sẽ thó cái bóng điện này, ai kỷ luật tớ, tính sau!”.

Tôi nhớ thầy cô của các con mình. Một thầy giám thị của trường cấp 2 nghiêm ngắn tận tâm đến nỗi khi thầy ấy phải đi đoàn tụ gia đình ở Mỹ, con gái tôi đã khóc ngất vì nuối tiếc. Tôi nhớ người thầy của chính tôi, môn Văn cấp 3 bổ túc văn hóa, vị thầy ấy hay tâm sự riêng: “Chị Ngân, trong sách bắt dạy vậy về Nhân văn Giai phẩm chứ sâu xa, bọn tôi ở trong này nghĩ khác”. Tôi nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng với kiểu nói của riêng ông giữa lớp Viết văn Nguyễn Du: “Các anh chị nhớ cho, ở mình hiện tại chưa có khoa học lịch sử nha”. Tôi nhớ sự im lặng của biết bao người cùng thế hệ với tôi, chỉ để cầu an cho mình. Sự mất mát như việc dứt áo ra đi của một thầy giám thị cũ, sự “hai mặt bắt buộc” của người giáo viên môn Văn chuyên cho cán bộ đi bổ túc văn hóa, hoặc sự ngất ngưởng nửa đùa nửa thật của thầy Trần Quốc Vượng và, số đông này mới áp đảo, số đông im lặng làm ngơ ở khắp nơi, không riêng gì ngành Giáo dục.

Cho đến khi con gái tôi kể rằng cô giáo của đứa con tiểu học của nó đã điện thoại cho phụ huynh đề nghị nên cho học trò đi học thêm ở nhà cô. Con tôi học Sư phạm Văn nhưng không xin việc ở trường nào và con của nó cũng giỏi môn Văn nên việc đi học thêm không cần thiết. Cô giáo bỗng òa khóc trong điện thoại: “Chị ơi, chị thương em, em mới làm được nhà, còn thiếu tiền mua máy giặt, chị thương em với!”. Hết biết! Nói theo ngôn ngữ ưa sốc hiện nay là hết ý kiến!

Không ai dám bảo mình vô can xét chỉ góc độ bẩn và sạch về tư cách, nhân cách. Ít ra thì chúng ta đều ăn cắp thời gian của công sở, chúng ta ăn mất danh dự của chính mình. Chừng như chúng ta đang rơi rất sâu, đúng không?