Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Trần Mộng Tú và “Lòng nào như suối cạn”

Huỳnh Duy Lộc

image

 

image

 

image

Nhà thơ Trần Mộng Tú

 

Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại Hà Đông, di cư vào Nam năm 1954. Chị làm thư ký cho hãng thông tấn Associated Press ở Sàigòn từ năm 1968 đến năm 1975 và thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ. Sau năm 1975, chị sang Mỹ định cư, viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000. Trong bài viết “Trần Mộng Tú, thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ”, tác giả Cao La cho biết về hoạt động sáng tác của Trần Mộng Tú khi còn ở trong nước và khi sống ở hải ngoại: “Trước biến cố năm 1975, Trần Mộng Tú đã làm thơ trong khi còn đi học cũng như khi bắt đầu làm việc cho Associated Press, một hãng thông tấn ngoại quốc ở Việt Nam.

Sau khi sang Mỹ tị nạn, độc giả đã đọc thơ và văn Trần Mộng Tú trên các tạp chí văn chương của người Việt ở nước ngoài như Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Thế kỷ 21… Các tác phẩm của Trần Mộng Tú thường được chép lại và đăng trên báo chí tiếng Việt khắp thế giới. Năm 1990, nhà xuất bản Người Việt đã ấn hành tuyển tập thơ đầu tiên của thi sĩ tựa là “Thơ Trần Mộng Tú”. 4 năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21 in tập truyện ngắn và tùy bút nhan đề “Câu truyện của lá phong”. 2 năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21, cũng là một ấn phẩm do công ty Người Việt sáng lập năm 1989, đã in tuyển tập thơ thứ nhì với nhan đề “Để Em Làm Gió”. Năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ đã in tập truyện ngắn khác, “Cô Rơm, và Những Truyện Ngắn”… Lần đầu tiên, hai bài thơ về chiến tranh của Trần Mộng Tú xuất hiện trong thế giới văn chương quốc tế vào năm 1990, đăng trong “Vision of War, Dream of Peace” (Viễn ảnh chiến tranh: Giấc mơ hòa bình). Đó là “The Gift in Wartime” (Quà tặng trong chiến tranh) và “Dream of Peace” (Giấc mơ hòa bình), cả hai được dịch sang Anh ngữ do Vann Phan, một ký giả cũng cộng tác với nhật báo Người Việt.

Bài thơ “Quà tặng trong chiến tranh” được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí ở hải ngoại.

QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH

Em tặng anh hoa hồng

Chôn trong lòng huyệt mới

Em tặng anh áo cưới

Phủ trên nấm mồ xanh.

Anh tặng em bội tinh

Kèm với ngôi sao bạc

Chiếc hoa mai màu vàng

Chưa đeo còn sáng bóng.

Em tặng anh tuổi ngọc

Của những ngày yêu nhau

Đã chết ngay từ lúc

Em nhận được tin sầu.

Anh tặng em mùi máu

Trên áo trận sa trường

Máu anh và máu địch

Xin em cùng xót thương.

Em tặng anh mây vương

Mắt em ngày tháng hạ

Em tặng anh đông giá

Giữa tuổi xuân cuộc đời.

Anh tặng môi không cười

Anh tặng tay không nắm

Anh tặng mắt không nhìn

Một hình hài bất động.

Anh muôn vàn tạ lỗi

Xin hẹn em kiếp sau

Mảnh đạn này em giữ

Làm di vật tìm nhau.

(tháng 7.1969)

Bản dịch tiếng Anh bài thơ này đã được in trong cuốn sách giáo khoa Văn học “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành tại Mỹ". (Trần Mộng Tú, thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ)

Nhà thơ Du Tử Lê đã giải thích vì sao những bài thơ của Trần Mộng Tú đã trở thành tiếng nói chung và sợi dây tinh thần gắn kết những người Việt di tản cảm thấy lạc lõng ở xứ lạ quê người: “Trần Mộng Tú là nhà thơ đầu tiên nổi tiếng ngay với những bài thơ đầu tiên của chị ghi lại những cảm thức lạc lõng từ những bước chân tỵ nạn thứ nhất ở xứ người… Phương tiện phổ biến báo chí gần như không có. Nó chỉ được chép tay hoặc chuyền tay giữa những người tỵ nạn tựa những chiếc lá đột ngột lìa cành, bị rải đi khắp nơi trên nước Mỹ bát ngát bao la. Những bài thơ của Trần Mộng Tú xuất hiện trên một tạp chí có số lượng ấn bản đến tay người đọc không quá ba trăm người. Nhưng những bài thơ, những vần thơ của chị đã được nhân rộng bằng phương tiện chép lại, chuyền tay, gửi qua bưu điện. Chúng ta chỉ có thể lý giải hiện tượng bất ngờ hiếm hoi này vì thơ Trần Mộng Tú hiện ra như một sợi dây tinh thần nối kết những trái tim Việt Nam tan tác, tận cùng đáy thẳm lạc lõng. Thơ Trần Mộng Tú hiện ra như chiếc cầu tâm linh cho mọi người còn thấy mình gần gũi với quê cha, đất tổ, qua sợi dây thiêng liêng tiếng Việt. Ở bậc thềm tỵ nạn thứ nhất, những năm giữa thập niên 1970, nhiều người Việt tỵ nạn còn tập làm quen với phương tiện liên lạc bằng điện thoại. Phương tiện phổ thông nhất của lớp người này là thư từ, là nhắn tin. Trong bối cảnh đó, những rung động của Trần Mộng Tú, qua thơ của chị, là những rung động chân thành, những cảm thức đi ra từ trái tim, không thể gần gũi hơn với người Việt trong hoàn cảnh bị cắt lìa hoàn toàn với quê hương. Một trong những bài thơ viết trên bậc thềm tỵ nạn thứ nhất của Trần Mộng Tú được đám đông đón nhận và mau chóng truyền tụng là bài thơ có nhan đề “Lòng nào như suối cạn”… (“Trần Mộng Tú, thơ và niềm hãnh diện thi ca Việt”)

“Lòng nào như suối cạn” là bài thơ thể hiện tâm trạng bẽ bàng của hai người thuộc lớp người tỵ nạn đầu tiên mà Du Tử Lê gọi là “bậc thềm tỵ nạn thứ nhất” gặp lại nhau ở xứ lạ quê người, thấy mọi sự dường như đã khác trước dù tình xưa vẫn còn. Ngồi bên nhau trong quán cà phê lạ, hai người nhớ lại những lần gặp nhau trong quán cà phê ở quê nhà quanh năm có nắng ấm, nơi "Đời không có mùa đông", thấy vị cà phê dịu ngọt như tình yêu nồng nàn trong mắt. Nhưng rồi biến động của thời cuộc đã làm cho biết bao người phải nháo nhác rời bỏ quê hương và lần gặp lại nhau ở xứ lạ quê người, chàng ngỡ ngàng thấy nàng "má đã phai sắc hồng" và nàng thấy chàng "trán đã thêm nếp nhăn". Chỉ mới có một năm mà đã có biết bao đổi thay và cuộc sống gian nan đã làm cho mọi cảm xúc đều nhạt phai ít nhiều.

LÒNG NÀO NHƯ SUỐI CẠN

Ngày xưa trong quán nhỏ

Đời không có mùa đông

Trên môi cà phê ngọt

Trong mắt giọt tình nồng.

Hôm nay trong quán lạ

Hai đứa ngồi nhìn nhau

Trên môi cà phê đắng

Trong mắt giọt tình sầu.

Một năm trời lận đận

Đời ngọt những vết thương

Một năm trời bôi bác

Đời vui những tấn tuồng.

Anh bây giờ đã khác

Trán đà thêm nếp nhăn

Em bây giờ đà khác

Má đà phai sắc hồng.

Mắt nào không lệ chảy

Môi nào thơm hương hoa

Lòng nào như suối cạn

Tình nào đã chia xa.

Một năm trời xứ lạ

Không còn gì cho nhau

Giọt tình cuồng trong mắt

Cũng tan theo nỗi sầu.

Nhà thơ Du Tử Lê cho biết bài thơ này đã được hai nhạc sĩ phổ nhạc: “Bài thơ in ra, chỉ một tuần sau đã được nhạc sĩ Nam Lộc phổ nhạc với tựa đề mới “Giọt tình sầu”. Và không lâu sau, người thứ hai ở tiểu bang khác cũng chọn bài thơ trên của Trần Mộng Tú để soạn thành ca khúc là nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, với tựa đề “Quán lạ”.

Có hai bản thu âm ca khúc “Quán lạ” của Hoàng Quốc Bảo với giọng ca Thái Hiền: một bản thu âm trong album “Tịnh tâm khúc” của Hoàng Quốc Bảo với tiết điệu chậm và một bản thu âm có tiết điệu nhanh hơn trong album “Huyền thoại…” của Thái Hiền.

Ca khúc “Quán lạ” trong album “Huyền thoại…” của Thái Hiền:

Ca khúc “Quán lạ” trong album “Tịnh tâm khúc”:

 

Nguồn: FB Huỳnh Duy Lộc