Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Sứ quán Lều: Cuộc đấu tranh bền bỉ cho nhân quyền

Trường An

Du khách tham quan khu di tích tòa nhà Quốc hội cũ, tại thủ đô Canberra của Úc hẳn sẽ ngạc nhiên, khi nhìn thấy trên mảnh đất công viên đối diện với tòa nhà có vài túp lều ván xiêu vẹo. Lại gần hơn, họ có thể nhìn thấy dòng chữ “Aboriginal Embassy” (Sứ quán Thổ dân) sơn trên một vách lều cùng lá cờ thổ dân Úc và hàng rào nhỏ mang dòng chữ “Sovereignty” (Chủ quyền). Những du khách này sẽ ngạc nhiên hơn nữa, nếu ai đó nói với họ rằng, họ đang được chứng kiến dấu ấn của một cuộc đấu tranh nhân quyền độc đáo, kéo dài liên tục hơn nửa thế kỷ.

Năm 1967 đánh dấu một bước tiến lớn trong lịch sử nhân quyền nước Úc, khi lần đầu tiên chính quyền Úc công nhận... sự tồn tại của thổ dân Úc bằng cách chấp nhận... tính dân số thổ dân vào tổng dân số Úc![1] Tuy nhiên nhiều người thổ dân, đặc biệt là lớp thanh niên, hoàn toàn không hài lòng với sự tiến triển chậm chạp của chính quyền trong việc công nhận các quyền dân sự và chính trị của cộng đồng thổ dân Úc. Được tiếp lửa bởi các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam và chống chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi trong những năm 1960, các nhà hoạt động nhân quyền thổ dân Úc tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình ôn hòa, đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của cộng đồng thổ dân Úc.

Năm 1972, chính quyền của Thủ tướng McMahon thông qua một đạo luật từ chối công nhận các quyền về đất đai của người thổ dân Úc (Aboriginal land rights or native title in Australia). Chính quyền Úc lập luận rằng khi người Anh đặt chân tới, Úc chỉ là một mảnh đất hoang không người (!) nên nước Anh có quyền sở hữu toàn bộ đất đai ở Úc theo học thuyết Đất Vô chủ (Terra Nullius).

imageNgày 26 tháng Một (ngày Quốc khánh Úc nhưng phần lớn cộng đồng thổ dân gọi là Ngày Xâm lược)[2] năm 1972, bốn nhà hoạt động thổ dân Michael Anderson, Billy Craigie, Tony Coorey, và Bertie Williams từ Sydney tới thủ đô Canberra và dựng trước tòa nhà Quốc hội[3] Đại sứ quán Thổ dân với một cái dù bãi biển và vài tấm biển bằng bìa cứng. William giải thích tên “Sứ quán” được lựa chọn cẩn thận để thu hút sự chú ý của dư luận rằng, người thổ dân Úc, chủ nhân của mảnh đất này, chưa từng từ bỏ chủ quyền trên đất nước của họ, và chính quyền cũng chưa từng thương lượng một Thỏa ước nào với người thổ dân.

 

Năm 2014, tiến sỹ Gary Foley nhận xét rằng “sứ quán lều” cũng giúp mọi người nhận thức rõ điều kiện sống khó khăn thiếu thốn của cộng đồng thổ dân Úc, những người bị đối xử như những kẻ xa lạ ngay trên mảnh đất của họ. Gary Foley nói “...chúng tôi là người lạ (aliens) ngay trên mảnh đất của mình, do đó, như những người lạ, chúng tôi cần một sứ quán”. Sáng kiến của bốn nhà sáng lập “Sứ quán Lều” được các nhà hoạt động xã hội khắp nước Úc nhiệt liệt hưởng ứng. Hàng trăm nhà hoạt động kéo về “Sứ quán Lều” và cái dù bãi biển được thay thế bằng những căn lều mới được dựng lên với lá cờ thổ dân phía trước[4]. Kep Enderby, thẩm phán và chính trị gia Úc, tư vấn cho những người biểu tình rằng họ hoàn toàn có quyền cắm lều trên đất công bên ngoài tòa nhà Quốc hội.

imageTuy nhiên, tất cả những kiến nghị và yêu cầu của “Sứ quán Lều” về quyền lợi của các cộng đồng thổ dân đều bị chính quyền bác bỏ. Dựa trên Pháp lệnh sửa đổi về Xâm nhập Đất công Bất hợp pháp, ngày 20 tháng Bảy cảnh sát đột ngột tấn công “Sứ quán Lều”, phá hủy các căn lều và bắt tám người. Ba ngày sau, 200 người biểu tình quay lại khu vực “sứ quán” nhưng bị 200 cảnh sát viên ngăn chặn. Số người biểu tình tăng vọt lên trong những ngày sau đó. Gần 2000 người đã đụng độ đẫm máu với cảnh sát được phái tới ngăn chặn họ với kết quả là 36 cảnh sát viên phải nhập viện và 18 người biểu tình bị bỏ tù. Để đẩy mạnh phong trào đấu tranh, một nhóm cốt cán của “Sứ quán Lều” gồm John Newfong, Cheryl Buchanan, Gary Foley and Michael Anderson đã ấn hành một số tờ báo của người thổ dân, cung cấp thông tin phản biện với truyền thông chính thống. “Sứ quán Lều” bắt đầu thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và xuất hiện trên các bản tin như của The New York Times hay BBC News. Một số nhà hoạt động thành lập nhà hát thổ dân ở Redfern, Sydney, cũng như các buổi biểu diễn đường phố để góp phần truyền tải thông điệp của cuộc đấu tranh.

imageTháng Mười năm 1973, Thủ tướng đương nhiệm Gough Whitlam đồng ý gặp mặt và trao đổi với các nhà hoạt động thổ dân sau một cuộc biểu tình ngồi tại tòa nhà Quốc hội (Whitlam khi còn là lãnh tụ đảng đối lập đã từng gặp mặt các sáng lập viên của “Sứ quán Lều” năm 1972 và bày tỏ sự ủng hộ với các yêu sách của họ khi đó). Tháng Năm năm 1974 chứng kiến các cuộc biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Bộ Quản lý Thổ dân và tòa nhà Quốc hội. Những người biểu tình cáo buộc Gough Whitlam “nuốt lời hứa” và đề đạt một loạt yêu sách về việc trao trả các vùng đất của thổ dân lại cho các cộng đồng cũng như trả tiền bồi thường cho quá trình chiếm dụng trái phép (cộng lãi suất hàng năm), và việc lập một ủy ban của thổ dân để tự quản lý các vấn đề của họ.

imageNăm 1976, Luật về Quyền Đất đai của thổ dân (soạn thảo dưới thời Whitlam) được chính quyền Fraser thông qua. Sứ quán Lều tạm thời được dời khỏi trảng cỏ trước tòa nhà Nghị viện cũ và trong suốt 15 năm sau đó được tạm dựng ở nhiều nơi ở Canberra và ở Redfern (Sydney), nơi được coi là thủ phủ của thổ dân Úc tại Sydney. Tuy nhiên việc tạm di dời Sứ quán Lều không ảnh hưởng chút nào đến phong trào đấu tranh nhân quyền bền bỉ của các cộng đồng thổ dân Úc. Năm 1992, Edward Koiki Mabo, một nhà hoạt động nhân quyền gốc thổ dân eo biển Torres, đạt được một chiến thắng vang dội cho cộng đồng thổ dân trong vụ kiện chính quyền bang Queensland yêu cầu thừa nhận các quyền sở hữu đất đai không gián đoạn của người thổ dân Úc và thổ dân eo biển Torres, kể cả sau khi người da trắng bắt đầu định cư và thuộc địa hóa nước Úc. Vụ án Mabo vs Queensland đã tạo ra khái niệm Quyền Sở hữu Đất của người Bản xứ (Native Title) khi chứng minh rằng khái niệm Đất Vô chủ (Terra Nullius) không thể áp dụng trong trường hợp nước Úc. Thủ tướng đương nhiệm năm 1992 Paul Keating, trong bài diễn văn nổi tiếng Redfern Speech đã ca ngợi phán quyết trong Mabo đã “minh chứng cho chân lý và thiết lập nền tảng cho công lý”. Một năm sau phán quyết Mabo, chính quyền Paul Keating đã thông qua đạo luật về Quyền [Đất đai] của Người Bản xứ (Native Title Act). Rất tiếc là Eddie Mabo đã mất vào tháng Giêng năm 1992, năm tháng trước khi phán quyết Mabo ra đời. Ông mất khi mới 55 tuổi vì bệnh ung thư và được truy tặng Huy chương Nhân quyền Úc. Vụ án Mabo đã gây một cơn địa chấn không chỉ trong lòng nước Úc mà còn trên toàn thế giới, là tiền lệ cho phong trào đấu tranh cho quyền [đất đai] của người thổ dân khắp thế giới. Vụ Mabo trở thành một trong những vụ án kinh điển trong sách giáo khoa luật toàn thế giới.

Mặc dù được đề xuất bởi chính quyền Paul Keating, người kế nhiệm ông, Thủ tướng John Howard Đảng Tự do đã dứt khoát từ chối tuyên bố “xin lỗi” với cộng đồng thổ dân vì những bất công họ phải chịu đựng trong suốt những năm thuộc địa và ngay cả sau khi thành lập liên bang năm 1901. Mãi đến năm 2008, vào ngày 13 tháng Hai, Thủ tướng Kevin Rudd, sau khi đánh bại John Howard, đã thay mặt chính phủ Úc nói lời xin lỗi tới toàn thể cộng đồng thổ dân Úc, đặc biệt với Thế hệ bị đánh cắp.[5] Đây cũng là một chiến thắng mang tính lịch sử cho các nhà đấu tranh nhân quyền của thổ dân Úc.

Năm 1992, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Sứ quán Lều lại được dựng trên trảng cỏ trước Nghị viện cũ – nơi nó vẫn đứng vững trong suốt hơn 30 năm qua cho đến hôm nay. Sứ quán Lều trở thành điểm đến cuối của gần như mọi cuộc biểu tình ở Canberra từ đấu tranh yêu cầu giảm tình trạng tù nhân gốc thổ dân chết trong tù[6] tới chống biến đổi khí hậu, từ bình đẳng giới tới chống diệt chủng ở Gaza. Đôi khi các cuộc biểu tình có các mục tiêu “kết hợp”. Ngày 26 tháng Giêng 2024 (Ngày Quốc Khánh – Ngày Xâm lược), tôi có tham gia một cuộc biểu tình với khoảng 1500-2000 người tham dự bắt đầu từ Quảng trường Garema ở trung tâm Canberra tiến tới Nghị viện và cuối cùng, kết thúc ở Sứ quán Lều như thường lệ. Cái khác biệt ở đây, đó là mặc dù cuộc biểu tình nhằm mục đích đòi quyền lợi cho các cộng đồng thổ dân Úc (vì là ngày Xâm lược) người biểu tình cũng đồng thời mang biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu yêu cầu chính phủ Úc cắt đứt quan hệ với chính quyền Netanyahu vì cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Gaza. Xen kẽ với các tiếng hô “From river to the sea, Palestine will be free!” (Từ sông ra tới biển, Palestine sẽ tự do!), “Albanese, Penny Wong, blood on your hands!” (Thủ tướng Albanese, Ngoại trưởng Penny Wong, tay các người đang nhúng máu!) là các tiếng hô ủng hộ quyền của người thổ dân “Always was, always will be Aboriginal land!” ([Úc] Đã, đang, và sẽ luôn luôn là mảnh đất của người thổ dân!). Một số biểu ngữ, hay hơn nữa, mang ý nghĩa cho cả hai mục tiêu của cuộc biểu tình “Diệt chủng không có gì để tự hào!” (No pride in genocide!). Thật ra sự kết hợp này cũng không có gì khó hiểu khi về bản chất, cuộc đấu tranh này đều vì những nạn nhân của các chế độ đế quốc thuộc địa.

 

image  

Hơn 50 năm đã trôi qua, ba trong bốn người sáng lập ra Sứ quán Lều đã không còn nữa,[7] nhưng Sứ quán Lều vẫn luôn còn đó. Vẫn chỉ vài cái lều nho nhỏ với các dòng chữ kẻ bằng tay nhưng Sứ quán Lều vẫn luôn đứng đó như một lời nhắc nhở cho chúng ta cái nghĩa vụ cơ bản của mình: biết quan tâm và chiến đấu cho các giá trị của con người.

 

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Các nhà sáng lập Sứ quán Lều ngày 26 tháng Giêng năm 1972. Từ trái qua: Billie Craigie, Bert Williams, Ghillar Michael Anderson, và Tony Coorey.

Ảnh 2: Cảnh sát đối đầu những người biểu tình ngày 30 tháng Bảy năm 1972.

Ảnh 3: Gough Whitlam nói chuyện với những người biểu tình ngày 8 tháng Hai năm 1972 (Whitlam trở thành Thủ tướng Úc tháng Mười hai cùng năm).

Ảnh 4: Edward Koiki Mabo (1936 – 1992).

Ảnh 5: Một cuộc biểu tình kết hợp chống diệt chủng ở Gaza và đòi quyền người thổ dân ngày 26 tháng Giêng năm 2024 (tác giả chụp).

 

Các trang tham khảo:

The Aboriginal Tent Embassy - The Commons (commonslibrary.org)

Aboriginal Tent Embassy — 'the guys who woke up Australia' — marks its 50th anniversary - ABC News

‘Fifty years of resistance’: Aboriginal Tent Embassy began with an umbrella and became a symbol of sovereignty | Indigenous Australians | The Guardian

A milestone for Black sovereignty in this country: celebrating 50 years of the Tent Embassy – IndigenousX

Mabo v Queensland (No 2) - Wikipedia


[1] Lưu ý rằng từ năm 1901 (thành lập Liên bang Úc) nước Úc thi hành chính sách “Nước Úc Trắng” (White Australia) nhằm mục đích chỉ tiếp nhận người da trắng châu Âu vào nước mình. Người thổ dân Úc không hề được tính trong các thống kê dân số (mặc dù vẫn làm chết xác, bị đưa vào lính và rải xác trên các chiến trường để vinh danh... nước Úc Trắng! Chính sách này bị xóa bỏ từ từ giữa những năm 1949 và 1973.

[2] Có rất nhiều ý kiến yêu cầu hủy ngày Quốc khánh Úc hiện tại (26 tháng Một, ngày chuyến tàu chở tù nhân từ Anh lần đầu cập cảng Botany ở bang New South Wales năm 1788) vì cho rằng đó là một ngày đau khổ cho cả cộng đồng thổ dân Úc cũng như những người đi đày. Nhiều người Úc tiến bộ vẫn đi làm ngày này (đổi cho một ngày nghỉ khác) hoặc tham gia biểu tình để thể hiện sự phản đối với ngày Quốc khánh.

[3] Bây giờ là Nhà Quốc hội cũ – Old Parliament House – một điểm tham quan ở Canberra.

[4] Lá cờ này được chính thức công nhận năm 1995.

[5] Stolen Generation: chương trình của chính phủ Liên bang và các chính quyền tiểu bang Úc tách trẻ em thổ dân khỏi cha mẹ để người da trắng nuôi dưỡng trong giai đoạn 1905-1967.

[6] Ảnh hưởng rất lớn từ phong trào “Black lives matter” ở Mỹ sau cái chết của George Floyd năm 2020.

[7] Lưu ý rằng tuổi thọ trung bình người thổ dân Úc thấp hơn các nhóm người khác ở Úc gần 10 năm do điều kiện sinh sống thấp hơn rất nhiều.