Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Quê hương – dấu binh lửa

Đào Như                                                                                                             Bút ký

Lời Phi Lộ:

Trong hơn một tháng nay, từ tháng 10.2014 kênh truyền hình CNN của Mỹ, hàng ngày làm sống lại nước Mỹ trong Những Năm Sáu Mươi của thế kỷ trước qua những thước phim The Sixties. Những biến động của xã hội Mỹ vào thời khoảng này đều được lồng trong khung cảnh của Chiến Tranh Việt Nam/ Vietnam-War.

Những Năm Sáu Mươi của thế kỷ trước là thời đại kinh hoàng của nước Mỹ. Những biến động của Vietnam-War trong Những Năm Sáu Mươi đã hủy hoại xã hội Mỹ, từ đạo lý, nhân văn, đến chính trị, kinh tế và con người.

Vietnam-War trong Những Năm Sáu Mươi đã để lại cho nước Mỹ một nền kinh tế băng hoại, một nền chính trị suy đồi và hàng triệu thanh niên, sinh viên, nam cũng như nữ, sống vô vọng không lý tưởng, lang thang khắp đường phố New York, Los Angeles, Chicago, Houston, San Francisco… nghiện ngập cần sa, ma túy, bạo động, sex ở lề đường...

Việt Nam quê hương tôi, vào Những Năm Sáu Mươi, một đồng minh của Mỹ ở phia tây bờ biển Thái Bình Dương, cũng có một thời chiến tranh đổ nát. Vietnam-War càn quét quê hương tôi với những sự cố dữ dội: những mồ chôn tập thể ở Huế trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, mùa Giáng Sinh 1972 cháy sáng bởi những trận bom của pháo đài bay B52 cày nát Thủ Đô Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm.

Chiến-tranh-Việt-Nam đã cướp đi hơn ba triệu sanh linh Viêt Nam, đã để lại hơn 4 triệu người thương tật và hơn cả chục triêu Cô nhi Quả phụ...

Chiến-Tranh-Việt-Nam đã để lại cho quê hương tôi những nghĩa trang buồn ở Biên Hòa, những nghĩa trang suốt dọc Trường Sơn...

Từ Chiến-tranh-Viêt-Nam, nhân loại đã phát hiện ra Dioxine – chất độc khai quang, là vũ khí chiến lược cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của nhân loại...

Người thì bảo Chiến-Tranh-Việt-Nam là cuộc nội chiến Bắc Nam, kẻ lại bảo Chiến-Tranh-Việt-Nam là cuộc chiến chống xâm lăng, chống các đế quốc Tư bản và Cộng sản.

Riêng tôi, là một bác sĩ phẫu thuật, tôi biết Chiến-Tranh-Việt-Nam là thảm họa thật sự cho quê hương tôi, cho dân tộc tôi…

Chiến-Tranh-Viêt-Nam không chỉ là niềm đau riêng của hai dân tộc Việt - Mỹ, nó còn là bài học chung cho cả nhân loại.

Trong chiến tranh không có kẻ thắng người bại. Tất cả đều là nạn nhân. Chiến tranh chỉ gây ra đổ nát, nghèo đói, lạc hậu, hận thù phi lý…

Bài bút ký sau đây là chứng tích cho thân phận con người trong chiến tranh…

***

Nhìn sông Hậu, con sông lớn nhất của tổ quốc, mênh mông miệt mài trôi, cuồn cuộn phù sa và ánh sáng, không một ai có thể nghĩ rằng vùng đất quê hương kỳ diệu này cũng là vùng đất chiến tranh trong gần 30 năm qua. Thị trấn Cần Thơ nằm trên hữu ngạn sông Hậu vẫn sinh hoạt bình thường.

Bây giờ là tháng hai năm 1972. Dân chúng trong thị trấn Miền Tây này đâu có ngờ chỉ trong một vài tháng nữa là cả nước đi vào Mùa Hè Đỏ Lửa với những trận đánh ở ngọn đồi Tân Cảnh, Căn Cứ Lữ Đoàn 2 Dù. Sau đó là Trận An Lộc, Trị Thiên, Đại Lộ Tử Thần, những trận địa chiến hai bên bờ sông Thạch Hãn... Những trận đánh lớn cứ theo nhau, vượt Trường Sơn, từ Trung vào Nam, từ Cao Nguyên đổ xuống đồng bằng duyên hải như thác ngàn.

Hai phe, bốn bên dốc toàn lực đổ quân vào những trận đánh điên cuồng, đẫm máu nhằm làm áp lực ở hòa đàm Paris giai đoạn chót.

Những trận đánh tận tình hủy diệt nhau làm rực lửa những trang báo khắp thế giới, thắp sáng lương tri nhân loại. Hầu hết các gia đình người Mỹ, mỗi chiều tối đều ngóng nhìn lên màn ảnh truyền hình, theo dõi chương trình CBS Evening News Reports tại New york, hớp từng lời tường thuật về Chiến tranh Việt Nam của Walter Cronkite.

Những trận đánh đẫm máu xé nát trái tim những bà mẹ nước Mỹ. Phong trào phản chiến trên khắp thế giới lên đến cực điểm. Sinh viên trong các trường đại học nhất là tại Mỹ, Anh và các quốc gia Bắc Âu và Tây Âu bãi khóa, tổ chức “truồng chạy” phản đối chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam.

Trong khi đó tại Sàigòn, giọng hát Thái Thanh thảm thiết trong bài Kỷ Vật Cho Em, một kiệt tác phản chiến của Phạm Duy, viết sau chiến dịch Lam Sơn 719:

“Anh trở về trong chiếc poncho…

Anh trở về trên đôi nạng gỗ…

Anh trở về tật nguyền chai đá…

Anh trở về dang dở đời em…”.

Bây giờ là tháng Tư 1972 - Mùa Hè Đỏ Lửa thật sư bùng nổ. Cả nước, cả thế giới sống trong căng thẳng của chiến tranh Việt Nam. Tình trạng này càng căng thẳng hơn vì những đợt rải bom của pháo đài bay chiến lược B52 ở rừng núi Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh. Có khi B52 đánh bom địa đạo Củ Chi hay vùng ven đô Sàigòn... Phóng viên thời sự quốc tế nằm ở các hotel Caravelle, Ritz, hay Ambassy… tại trung tâm Sàigòn hàng đêm thức giấc nghe bom rung từng lớp cửa kính.

Chính phủ trung ương ở Sàigòn lúc này cũng bắt đầu tranh thủ nhân tâm. Bộ Y Tế phát động phong trào Y Tế Về Làng, nghĩa là hàng tuần các bác sĩ phải hướng dẫn một đoàn y tế và thuốc men đi về các thôn xã, ngay cả trong những làng ở tận các vùng sâu để khám bịnh cho thuốc những đồng bào thôn quê nghèo khó, không đủ phương tiện ra các bịnh viện ở tỉnh thành điều trị.

Các bác sĩ ai cũng chấp nhận thi hành nghị định của Bộ, mặc dầu nghị định này có nhiều thiếu sót, như không có gì bảo đảm an ninh cho đoàn y tế, nhất là cho các bác sĩ, phần nhiều từ quân đội biệt phái, nghĩa là vẫn còn trong quân ngũ. Hơn nữa khi đi đoàn mang theo một ít thuốc men, rủi gặp Họ, Họ xin thì sao?

Đó là những điều mà bác sĩ Phan Ngọc thường lo nghĩ cho phong trào Y Tế Về Làng. Nhưng ngày mai thứ bảy, cuối tháng Tư 1972, đến phiên anh, anh cũng phải đi.

Anh có chút vui là anh biết có tôi cùng đi, phụ anh, vì anh rất thích tôi. Nhưng tôi rất quan ngại cho anh, là chuyến này chúng tôi đi vào tận vùng sâu Thuận Trung. Ở Cần Thơ ai cũng biết, Thuận Trung, Cờ Đỏ, là những vùng xôi đậu nổi tiếng. Muốn vào Thuận Trung chúng tôi phải lên khỏi Ô Môn, rồi dùng tắc ráng (đò nhỏ chạy bằng máy, còn gọi là xuồng đuôi tôm) đi trên sông một giờ mới đến Thuận Trung.

Đoàn Y tế gồm có 16 người, đem theo thuốc men, dụng cụ y tế và thức ăn trưa cho toàn đội. Lâu ngày lắm, hôm nay chúng tôi mới được hít thở không khí đồng quê. Mọi người đều vui nhộn, quên đi những nguy hiểm có thể xẩy đến trong một vài giờ sắp tới...

Có lẽ chính quyền xã đã thông báo cho đồng bào hay, nên chúng tôi vừa căng lều dựng trại xong là đồng bào đã đổ xô lại vô cùng đông đảo. Chúng tôi say sưa khám bịnh, cấp thưốc cho họ. Thỉnh thoảng có những phụ nữ dìu những ông già đầu quấn khăn rằn mà họ bảo là cha hay ông nội, ông ngoại của họ. Phần nhiều những người này bị suy kiệt và nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhất là kiết lỵ và viêm gan, có người bị sốt rét rừng. Họ được khiêng đến chúng tôi trong lúc cơn bịnh đang hoành hành...

Sau các ông già ấy là các bà già, sau nữa là một số phụ nữ. Họ cười đùa và nói chuyện với các nữ y tá của chúng tôi một cách thoải mái.

Bác sĩ Phan Ngọc bảo nhỏ vào tai tôi “Tôi nghi các cô phụ nữ này quá! Trong một vài phút nữa các cô dám mời mình nhảy sol-đố-mì lắm!”.

Lúc đó cách chúng tôi khỏang 2, 3 cây số, máy bay săn giặc nhào lên bổ xuống bắn phá dữ dội, nghe cả tiếng súng lớn và tiếng bom nổ.

Ông xã trưởng cũng vừa xuất hiện, ông chào bác sĩ Ngọc và nói với chúng tôi: “Đó là vùng oanh kích tự do, họ đang đánh nhau”.

Bà cụ mà tôi đang khám cũng cho tôi hay “Họ đánh nhau hà rầm, chuyện xảy ra như cơm bữa, bác sĩ đừng có lo”.

Lúc này thì bác sĩ Ngọc thật sự sợ. Anh quên hẳn chuyện có thể các phụ nữ mời anh nhảy sol-đố-mì. Anh hối anh em khám bịnh cho thuốc cho nhanh đặng về sớm. Thật sự tôi còn sợ hơn cả anh ấy nhưng cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Nhưng càng trưa số bịnh nhân càng đông. Thuận Trung không phải một xã mà lớn hơn xã, nó là một làng giàu có, dân chúng đông đúc. Mặc dầu người dân sống ở đây thường gặp tai nạn chiến tranh, nhưng họ vẫn bám ở đây mà sống vì đời sống ở đây sung túc.

Một người đàn ông đi nạng, cụt mất một chân, tay phải xách con gà, đang tươi cười tiến tới. Anh đang đứng trước tôi, môi anh run run:

- Thưa bác sĩ, chắc bác sĩ quên con… Quên em... rồi!

Thật sự lúc ấy tôi hoàn toàn không nhớ. Tôi cố nhớ anh là ai, gặp anh hồi nào. Nhận ra một người là bịnh nhân quen của mình, trong hoàn cảnh này là sự cần thiết và có lẽ may mắn cho tôi và cho cả đội y tế nữa. Nhưng tôi đành chịu, không thể nào nhớ...

Anh nói tiếp:

- Em là Nguyễn văn Chín, gần ba năm về trước bác sĩ đã cứu em. Em bị thương do một cốt mìn từ máy bay rải xuống chưa kịp nổ. Bác sĩ cưa chân em và cắt một phần... Anh vừa nói anh vừa chỉ vào háng.

Nghe tới đó, tôi vụt đứng dậy:

- Chín! Anh Chín! Tôi nhớ anh rồi. Trong ba năm tôi cứ mong gặp lại anh, để tiếp tục điều trị cho anh, nhưng sao anh không tái khám đúng theo giấy hẹn...

Cách đây gần ba năm, vào khoảng 1 giờ sáng tôi nhận một ca gửi từ quận Thới Long, tức cũng là làng này. Nạn nhân là một nông dân, đi cày đạp phải mìn,1 phần 3 cẳng chân trái biến mất, lòi trơ xương chầy, và phần ngọn dương vật của anh cũng bị mảnh mìn cắt đứt và biến mất.

Anh được chuyển về tôi hơi trễ, đã 7 tiếng sau khi bị thương. Anh bị choáng nặng, bất tỉnh không hay biết gì nữa, tim nghe rời rạc, mạch không bắt được. Anh bị mất máu quá nhiều và cả nhiễm trùng.

Sau khi được phẫu thuật, sức khỏe của anh phục hồi rất tốt. Tôi có ý định sau này sẽ gửi anh ấy về khu Tiết Niệu thuộc trường Y Sàigòn để tái tạo dương vật của anh. Nhưng sau khi xuất viện không thấy anh trở lại tái khám. Chúng tôi cũng quên hẳn anh đi.

Tôi hỏi bịnh nhân:

- Sao sau khi xuất viện, có cái hẹn tái khám, mà không thấy anh trở lại?

Người bịnh nhân cũ thều thào:

- Thưa bác sĩ, vợ em nói thôi, “nó” như vậy cũng được rồi. Em vẫn chống nạng cày thuê được mà giờ khỏi sợ phải đi lính đi tráng gì hết.

Anh vừa nói vừa nhìn sang chị vợ đang đứng ngoài xa rồi quay lại nói với tôi:

- Từ hôm qua, vợ chồng em biết bác sĩ hôm nay đến khám bịnh cho đồng bào, nên em xin biếu bác sĩ con gà mái ấp để bác sĩ đem về Cần Thơ nấu cháo.

Tôi quyết liệt từ chối. Có nhiều lý do lắm, nhưng tôi chỉ nêu lý do là tôi không thể mang con gà từ Thuận Trung về Cần Thơ được.

Tội nghiệp chị vợ, chị chạy lại gần tôi, nói rất thật thà:

- Xin bác sĩ nhận đi bác sĩ. Đó là con gà mái ấp, xương mềm, nấu cháu ăn bổ lắm bác sĩ.

Thật sự nghe tới đây, không chỉ tôi mà ngay các cô điều dưỡng cũng muốn khóc. Họ nghèo quá, không biết lấy gì để tỏ lòng nhớ ơn tôi, chỉ còn một con gà mái đang ấp trứng, họ cũng bắt nó đem cho tôi.

Nghĩ tới cái ổ trứng không còn gà mẹ, lạnh tanh vào giờ này, ai cũng ray rứt. Cuối cùng không phải một mình tôi mà cả đội y tế, nhất là các cô y tá nhất quyết yêu cầu hai vợ chồng đem con gà về trả lại cho ổ trứng.

Chúng tôi sửa soạn ăn trưa, thì thấy một nhóm thanh niên nam nữ và hai ông bà cụ khiêng một bịnh nhân tay ôm bụng xem chừng bịnh nặng lắm và đã lâu ngày. Bịnh nhân được đặt nằm ngửa trên một tấm phản, phủ trên thân người một cái mền màu xám, loại mền quân-tiếp-vụ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nghe bà mẹ bịnh nhân nói:

- Không sao đâu con, các bác sĩ sẽ cứu con... Rồi bà khóc…

Bấy giờ tôi thấy bác sĩ Ngọc nở nụ cười, có lẽ anh thấy yên tâm vì chúng tôi được quần chúng địa phương này tin yêu. Anh đến hỏi thăm bịnh nhân. Người bịnh lí nhí nói không ra lời, người cha đứng bên cũng lặng thinh, còn bà mẹ chỉ biết khóc và than vãn chiến tranh làm khổ gia đình bà. Bà đã mất mấy con trai vì chiến tranh, “Nay chỉ còn thằng này là thằng út duy nhất còn lại, mà bây giờ nó cũng…!”.

Bác sĩ Ngọc đến giở mền, mắt gắn chặt vào ổ bụng bệnh nhân, miệng há hốc. Tôi chỉ nghe anh kêu lên một tiếng “Trời”! rồi anh chụp mền lại, không đủ can đảm nhìn thêm nữa. Cả toán y tế chạy lại, anh xua họ đi . Anh gọi tôi lại, vén mền, nắn ổ bụng bệnh nhân. Tôi nghe anh hỏi người bịnh:

- Đau không em?

Tôi thấy người bịnh nhăn mặt.

Tôi đến giở mền kéo thấp xuống, bảo bịnh nhân co chân lại khép hai đầu gối lại, há miệng thở nhẹ tự nhiên. Tôi sờ các sợi lạt vót nhọn được may vào thành bụng của bịnh nhân, đã khô cứng, và vết thương thành bụng đã nhiễm trùng, có chỗ đã viêm mủ, bốc mùi.

Tôi hỏi bịnh nhân bị thương hồi nào và mổ bao lâu rồi, và bây giờ bụng anh có đau không?

Không chờ bịnh nhân trả lời, bác sĩ Ngọc nói ngay:

- Còn hỏi gì nữa, viêm phúc mạc rõ ràng quá, bịnh nhân đã nhiễm trùng huyết đang bị sốt cao độ.

Rồi anh than vãn:

- May thành bụng bằng lạt vót nhọn, quá sức đau khổ...

Nhưng sau đó anh lấy lại bình tĩnh, hỏi tôi:

- Bây giờ làm sao?

Tôi chưa kịp trả lời và thấy bác sĩ Ngọc đã bình tĩnh lại, nên toàn toán y tế đổ nhào đến đã nhìn bụng bệnh nhân. Không ai nói được nên lời. Chỉ có cô điều dưỡng Hy, chuyên viên gây mê hồi sức la lớn:

- Trời hỡi! May thành bụng bằng tre vót nhọn! Tội quá đi... Và cô đưa hai tay lên ôm đầu...

Bác sĩ Ngọc nhìn tôi, lặp lại câu hỏi:

- Giờ tính làm sao?

Không chờ tôi trả lời, toàn toán y tế đều muốn đem ngay nạn nhân về bịnh viện Cần Thơ điều trị. Tôi cũng hiểu rằng đó là điều bác sĩ Ngọc mong muốn, dù anh không dám nói ra. Ngay sau đó anh ra lệnh truyền dịch cho bịnh nhân để tái tạo lại các các chất điện giải và nước.

Một số nhân viên y tế thực hiện y lênh của bác sĩ Ngọc, số còn lại quay lại sữa soạn bữa trưa. Đã gần hai giờ chúng tôi đói thật sự, nên cái hứng thú vui hưởng khí hậu đồng quê cũng biến mất.

Chợt các cô điều dưỡng nhìn tôi và nói:

- Vợ chồng ông bà Chín, bịnh nhân của bác sĩ, cả gia đình họ quay trở lại kìa.

Nhìn lại, tôi thấy hai vợ chồng anh Chín cùng mấy đứa con khệ nệ bưng mấy rổ cơm nóng phủ lá chuối và hai nồi canh chua to đang bốc hơi nghi ngút.

Tưởng họ làm thịt con gà, tôi phàn nàn:

- Tội quá đi anh chị Chín, anh chị làm thịt con gà mái thật sao?

Chị Chín nhanh nhẹn trả lời:

- Thưa bác sĩ và các cô, không phải thịt gà đâu. Đó là nồi canh chua nấu với cá lóc, xin mời bác sĩ và các cô dùng.

Bác sĩ Phan Ngọc nhìn vào nồi canh chua, ngạc nhiên hỏi:

- Cá lóc ở đâu mà sẵn vậy?

Chị Chín nói:

- Anh Chín trả con gà mái vào ổ, rồi chạy xuống lạch trước nhà, anh lặn lật cái chum bể mà anh để đó cách đây mấy tháng, trông có con “lóc chiếc” gì chun vào đó ở không. Hên quá bác sĩ, ảnh bắt được con cá lóc bông cân gần 2 kí. Anh nấu liền nồi canh chua để mời bác sĩ và các anh chị.

Nghe xong, bác sĩ Ngọc cám ơn và quay lại nói cùng anh chị em trong toán y tế:

- Ở đây đời sống có vẻ sung túc, nên dầu có khó khăn do chiến tranh, người dân vẫn bám ruộng bám vườn mà sống.

Toán Y Tế Về Làng của chúng tôi trở về bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa tại Cần Thơ đúng 5 giờ chiều. Chiếc xe ambulance chở bịnh nhân và cha mẹ anh đến thẳng Phòng Cấp Cứu Ngoại, CCN. Giấy tờ nhâp viện của bịnh nhân anh đã làm trước, ngay tại lều y tế Thuận Trung. Anh yêu cầu tôi túc trực bên bịnh nhân, còn anh thì anh phải làm việc với bác sĩ giám đốc bịnh viện. Nếu cần, anh phải làm việc với cả an ninh quân đội vì anh vẫn còn tại ngũ.

Anh bảo tôi: “Phải thận trọng, đừng để anh em hiểu lầm mình”.

Tôi di chuyển bịnh nhân vào phòng CCN. Anh Diệp Phùng, y tá trưởng phòng CCN trực hôm ấy liền đến phụ tôi, đưa bệnh nhân từ brandcard sang giường cấp cứu. Anh tiếp ứng tôi rất chu đáo. Anh thăm hỏi bịnh nhân, nhìn vào giấy tờ nhập viện mà bác sĩ Ngọc đã làm sẵn, anh nói với tôi:

- Thưa bác sĩ, “tụi nó” vừa giựt mìn sập cầu Cái Tắc, một chiếc xe đò bị lật, một người chết, tài xế bị thương nặng cùng với năm người khác. Hôm nay thứ Bảy mà xui thật, lãnh đủ. Bác sĩ Vĩnh và Bác sĩ Quốc đang mổ cấp cứu.

Nói xong, anh đến xem lại bịnh nhân. Anh đọc hồ sơ, vén drap lên, nhìn thành bụng bệnh nhân. Tôi thấy anh thất sắc. Anh chạy đến bên tôi, quát lớn:

- Bác sĩ và bác sĩ Phan Ngọc tiếp thu thằng Việt cộng này ở đâu vậy? Tôi biết mà, Thuận Trung, Cờ Đỏ là “chiến khu” của tụi nó...

Tôi chưa kịp phản ứng, anh tiếp tục hét lớn, chửi thề:

- Đ.M… Chỉ có tụi bác sĩ Việt cộng mới may thành bụng bằng lạt, bằng tre vót nhọn. Nó là thằng Việt cộng. Bác sĩ rước Việt cộng vào nhà... vào nhà thương.

Anh định chạy đến giật chai dịch đang chuyền cho bịnh nhân. Các cô y tá và cả toán y tế đang có mặt trong phòng CCN liền nhảy đến ôm anh lại. Cô Hy, chuyên viên hồi sức gây mê nói:

- Người ta bị thương mà anh Phùng...

Diệp Phùng vẫn không nghe, tiếp tục la hét và nguyền rủa người bịnh. Anh nhảy bổ vào định đánh người bịnh. Anh chỉ mặt bịnh nhân, hét lớn:

- Vì mày, vì bọn Việt cộng tụi mày mà con tao chết, và anh nhào đến để đánh bịnh nhân.

Tôi trì kéo với anh Diệp Phùng, nhất định bảo vệ người bịnh của mình. Một cánh tay choàng qua vai tôi từ phía sau, nắm cổ áo anh Diệp Phùng ghì lại, và giọng nói của bác sĩ Vĩnh vang lên sau lưng tôi:

- Nó bị thương nặng. Không được hành hung bịnh nhân, anh Phùng!

Anh Diệp Phùng khựng lại và bị bác sĩ Vĩnh kéo rời xa người bịnh. Tôi quay lại, cám ơn Bác sĩ Vĩnh. Bác sĩ Vĩnh người cao lớn, tốt nghiệp y khoa tại Montpellier - Pháp. Anh chuyên về giải phẩu lồng ngực. Bác sĩ Vĩnh cho tôi hay anh vừa mổ cấp cứu xong. Anh hỏi tôi:

- Anh có cần tôi phụ anh mổ ca nầy không?

- Cám ơn anh. Có lẽ không, vì anh Ngọc có kế hoạch mổ ca này với tôi ngay chiều tối nay.

Sau đó Bác sĩ Vĩnh chào tôi, ra về.

Anh Diệp Phùng đang ngồi trên ghế, trong một góc tường của phòng CCN, thở hổn hển. Anh có vẻ mệt. Không hiểu vì anh còn tức giận hay vì bị bác sĩ Vĩnh nắm cổ áo chặt quá khi cố dở họng anh lên và kéo anh xa bịnh nhân.

Tôi biết anh Diệp Phùng hơn ba năm trước, khị tôi đến làm việc tại bịnh viện này. Anh đậu ưu hạng khóa “Infirmier d’État” tại Chợ Rẫy - Sàigòn vào những năm 1950. Những năm về trước anh là y tá có văn bằng cao nhất, Y Tá Quốc Gia, trong binh viện. Anh là y tá yêu nghề, biết thương yêu kính trọng bịnh nhân, được nhiều bằng khen thưởng. Anh được cất nhắc làm Trưởng Phòng Cấp Cứu Khoa Ngoại, một chức trách cao nhất (plafond) của y tá.

Anh có gia đình, vợ và 4 con: 2 trai, 2 gái, với một đời sống gia đình mẫu mực. Con trai lớn của anh vừa đậu tú tài 2, bị động viên, thụ huấn tại Trường Sĩ Quan Bộ binh Thủ Đúc. Bất hạnh cho anh, con trai anh, một trong những sinh viên sĩ quan bị chết vì dịch viêm màng não do trùng Méningocoques bộc phát bất ngờ trong quân trường Thủ Đức năm 1969.

Cái chết của con trai anh là một tai biến khủng khiếp cho gia đình anh, và là thảm họa cho riêng anh. Anh trở nên phẫn uất, phản kháng với tất cả mọi người, anh trở nên nghiện rượu và trong cơn say, anh nguyền rủa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chửi Mỹ, lên án Việt cộng.

Anh trở thành người chống cộng hung bạo. Anh thường bảo là tại Việt cộng mà con anh chết. Ngày đầu tiên tôi gặp anh, anh đã nói chuyện với tôi trong hơi men của rượu.

Tôi vào phòng phẫu thuật trễ, chưa kịp xin lỗi, bác sĩ Ngọc đã nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ:

- Nào, phải kiên trì làm việc với ca này. Khó đó anh...

Tôi thấy anh đã chuẩn bị cho bịnh nhân rất kỹ. Anh phủ những nép lạt khô bằng bằng gạc ướt sau khi rửa thành bụng bằng thuốc khử trùng. Anh giải thích:

- Phải làm cho lạt mềm, trở thành dẻo, để khỏi bị gãy. Tôi có kinh nghiệm về “vụ” này. Hồi sau Mậu Thân tôi đã can thiệp “mổ lại” hai ca thế này. Tất cả đều xuất viện an toàn...

Sau gần hai giờ làm việc kiên trì, cuối cùng chúng tôi đã giải phóng toàn thể ruột của bịnh nhân ra khỏi mô sợi, không còn đoạn nào bị tắc nghẽn hoặc tím tái.

Chúng tôi cắt bỏ toàn bộ các mô sợi trong ổ bụng rồi rửa ổ bụng, chặm sạch máu. Ruột bịnh nhân đã trở lại hồng hào. Chúng tôi đóng thành bụng sau khi dẫn lưu hai hố chậu.

Trong phòng dành riêng cho bác sĩ viết tường trình phẫu thuật, bác sĩ Phan Ngọc nói với tôi:

- May ổ bụng bằng lạt vót nhọn, quá đau khổ. Đau khổ cho cả bịnh nhân lẫn bác sĩ. Chiến tranh! Khốn nạn! Chiến tranh thật khốn nạn!

Chúng tôi ra khỏi phòng phẫu thuật lúc 11 giờ đêm. Cuối tháng tư, bầu trời đầy sao đẹp lạ thường. Tôi thư thả tản bộ trong sân bịnh viện, muốn tận hưởng những giây phút thoải mái sau một ngày lao động vất vả.

Chợt nghe tiếng anh Diệp Phùng chào tôi:

- Thưa bác sĩ, bác sĩ chưa về nghỉ sao?

Tôi chưa kịp trả lời, anh ấy chỉ tay về cuối chân trời xa:

- Bác sĩ có thấy hỏa châu, trái sáng đầy trời không? Họ lại đánh nhau. Dân chúng lại bị thương, chết chóc. Bác sĩ về nghỉ đi. Không khéo, khuya nay lại phải vào mổ cấp cứu nữa!

Tôi đến bắt tay anh để ra về. Diệp Phùng nắm chặt tay tôi trong hai bàn tay anh rồi hỏi:

- Thằng nhỏ Việt cộng mà bác sĩ và bác sĩ Phan Ngọc mổ liệu có hy vọng gì không?

- Tôi nghĩ là hy vọng... Và rất tốt...

- Ừm! Được vậy, tôi cũng mừng cho nó...

                                              Viết xong tại Bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa Cần Thơ- mùa Hè 1972

                                              Cập nhật lần cuối vào Nov-2014-Chicago-Illinois-USA