Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Nguồn năng lượng sạch và lành từ Lý Hải

Lê Hồng Lâm

 

Lật mặt 7: Một điều ước gần chạm mốc 200 tỷ chỉ sau một kì nghỉ lễ – một thành tích quá ngoạn mục của Lý Hải. Ngay từ khi mới xem suất đầu, tôi đã dự đoán bộ phim này sẽ chạm mốc từ 400-500 tỷ. Điều khiến tôi ngạc nhiên và tin rằng phim này tiếp tục lập kỷ lục là Lý Hải có thể làm được một bộ phim “sạch” và “lành” như vậy, chạm vào cảm xúc của đại chúng đến vậy, dù nó vẫn còn nhiều khuôn mẫu và không phải là một bộ phim xuất sắc.

TẠI SAO “LẬT MẶT: MỘT ĐIỀU ƯỚC” LẠI THÀNH CÔNG NHƯ VẬY DÙ KHÔNG PHẢI “LẬT” GÌ?

Cho đến giờ phút này, Lý Hải và Trấn Thành trở thành hai “thương hiệu” bất bại tại phòng vé phim Việt. Không chỉ bất bại, phim sau của họ thành công hơn phim trước và tranh nhau phá kỷ lục. Họ còn có công lớn khi khai phá được một lớp khán giả mới hay sự kết nối thế hệ trong khán giả, kiểu, cả gia đình ba thế hệ đi xem phim cùng nhau vì thông điệp tình thân gia đình gần gũi mà họ gửi gắm trong phim.

Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải chính xác là một bộ phim như vậy. Những đứa con chắc không dám rủ ba mẹ họ đi xem các phần trước của Lật mặt, nhưng đến phần 7, tôi tin là nhiều đứa con muốn đưa bố mẹ của họ đi xem. Và đây mới chính là cú “lật mặt” ngoạn mục nhất của Lý Hải với phần 7 này. Anh đã phá bỏ những sở trường đã trở thành thương hiệu của loạt phim là hành động và hài kể một phần kế tiếp giản dị, chân thành và chỉ muốn chạm vào cảm xúc của khán giả bằng sự xúc động và giá trị đẹp mà anh muốn gửi gắm.

Ở phần mở phim, tôi cứ nghĩ đang xem một câu chuyện nhân tình thế thái hơi chua xót, chịu ảnh hưởng từ Tokyo Story của huyền thoại Nhật Bản Ozu; xem đến một đoạn nữa, tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung-sook và có một phân đoạn khác khiến tôi nghĩ đến Parasite của Bong Joon-ho, nhưng dường như Lý Hải luôn có cách để thoát khỏi sự ảnh hưởng đó bằng những câu chuyện và tình tiết rất Việt Nam, dù đôi lúc để lộ sự sắp đặt.

Lật mặt 7: Một điều ước kể về một câu chuyện tình thân gia đình mà người mẹ trở thành nhân vật trung tâm. Nhân vật bà Hai (nghệ sĩ kỳ cựu Thanh Hiền) là một người mẹ suốt đời vì con, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất như phải nuôi con một mình vì chồng qua đời sớm. Và khi bước vào tuổi già, bà sống cùng cô con gái thứ hai (Đinh Y Nhung), cũng là một bà mẹ đơn thân nhưng vẫn bị gã chồng cũ say xỉn làm phiền (một vai cameo rất duyên của Lý Hải) ở một thị trấn vùng núi yên bình, không gian mà đám trẻ Sài thành thướng đến để trú ngụ tìm lại cảm giác kết nối với thiên nhiên. Bà vẫn kinh doanh nhỏ để giữ cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Bốn người con còn lại của bà, sống ở bốn nơi khác nhau, làm những nghề khác nhau, cũng đang phải vật lộn với cơm áo gạo tiền nên chưa trả hiếu cho người mẹ già cả đời hy sinh vì họ.

Một tai nạn xảy ra khiến bà Hai phải bó bột ở chân và đi lại khó khăn, phải ngồi xe lăn; trong khi cô con gái thứ hai đang phải chăm con dài ngày ở bệnh viện khiến bốn người con còn lại phải bàn cách để chăm sóc mẹ và chốt lại mỗi người con sẽ chăm sóc bà một tuần cho đến khi cô con gái thứ hai có thể chăm sóc bà.

Và thế là bốn câu chuyện nhỏ của bốn gia đình người con được lồng ghép vào một câu chuyện lớn kể về một câu chuyện về trách nhiệm & bổn phận của những đứa con dành cho bố mẹ.

Câu chuyện đầu tiên diễn ra ở Hà Nội, trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội mà bố mẹ đều làm công chức, hai đứa con tuổi teenager hơi xa cách và khó kiểm soát được chúng. Xung đột gia đình ở nhà người anh cả Hai Khôn (Trương Minh Cường đóng) diễn ra khá điển hình và hơi “đổ khuôn”. Một cô vợ hơi ghê gớm nhưng luôn tỏ ra biết điều, hai đứa con cũng đang trong khủng hoảng tuổi mới lớn khiến người anh cả này mặc cảm không chăm sóc được mẹ chu toàn. Câu chuyện xung đột ở gia đình người anh cả kết thúc trong sự êm đẹp và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình bằng một trận nước mắt trong bữa cơm tối. Xung đột được giải quyết hơi nhanh và hơi dễ, đó cũng là cảm nhận của tôi ở các câu chuyện còn lại.

Nhưng rõ ràng, ba câu chuyện của ba người con tiếp theo, ở một làng chài ven biển, ở một căn biệt thự nghỉ dưỡng trên cao nguyên và ở một gia đình bình dân tại Sài Gòn được Lý Hải xử lý mượt mà và hay hơn, chứng tỏ anh có độ trải nghiệm và thấu hiểu đời sống của người bình dân - đại chúng ở miền Trung và Nam hơn.

Câu chuyện gia đình Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên) và cô vợ Tư Thắm (Tín Nguyễn) ở làng chài ven biển là câu chuyện hay nhất, chạm vào cảm xúc nhất và cũng có tính bản địa tốt nhất. Và ở câu chuyện này tôi muốn dành lời khen cho Tín Nguyễn và Ngân Chi (đóng vai cô con gái) vì lối diễn xuất thô mộc rất chân thực của họ. Bối cảnh làng chài ven biển được đề cao về mặt văn hóa thông qua một lễ hội truyền thống dân gian được dàn dựng đẹp mắt. Tình huống được đặt ra trong câu chuyện cũng dễ “chạm” hơn: Tư Hậu đi biển đánh bắt xa bờ khi cơn bão sắp tràn tới. Chỉ có những người làm nghề đi biển mới thấu hiểu được nỗi lo của người thân dành cho họ. Và trong câu chuyện của gia đình Tư Hậu, nỗi lo với những dự cảm chẳng lành khiến người mẹ già, ông bố vợ đãng trí nhưng minh mẫn về biển cả (một vai diễn rất đẹp của nghệ sĩ Mạnh Dung), cô vợ và đứa con gái sống trong lo sợ suốt cả đêm thâu để rồi kết lại bằng một “happy ending” khiến khán giả được vỡ òa cảm xúc. Lý Hải đã kể một câu chuyện thật đẹp và chân thực trong trong câu chuyện thứ hai này.

Câu chuyện thứ ba và thứ tư của hai người con còn lại: Năm Thảo (Trâm Anh) và Sáu Tâm (Trần Kim Hải) cũng được biên kịch Lý Hải chịu khó nghiên cứu tìm tòi về bối cảnh văn hóa, về những tình huống tréo ngoe nhưng vẫn ít nhiều hợp lý. Xung đột trong hai gia đình Năm Thảo ở một căn biệt thự vùng Tây Nguyên và gia đình Sáu Tâm trong một khu phố bình dân ở Sài Gòn cũng được xây dựng có đầu tư, dù như đã nói từ đầu, để lộ ra những khuôn mẫu.

Khi đã để cho khán giả được “đi du lịch qua màn ảnh lớn” lại được chứng kiến những câu chuyện gia đình khá đặc trưng và điển hình ở mỗi vùng miền Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, Lý Hải đã kết nối những tầng cảm xúc đã được “cài cắm” vào khán giả trước đó để làm nên một đoạn kết đánh thẳng vào cảm xúc của họ bằng một hình mẫu người mẹ đúng kiểu "nước mắt chảy xuôi" và "phúc đức tại mẫu". Điều đó cũng khiến nỗi dày vò ân hận của những đứa con không chăm sóc và báo hiếu được cho bố mẹ mình càng tăng lên.

Đó là thứ cảm xúc mà Lý Hải đã gieo và đã gặt khá thành công trong Lật mặt 7: Một điều ước. Và hơn tất cả, chúng chạm vào được cảm xúc của số đông, của khán giả đại chúng.

CÁCH LÝ HẢI CHINH PHỤC ĐẠI CHÚNG

Nguồn năng lượng “sạch” và “lành” (đến mức cả phim không có ai là người xấu) khiến Lý Hải ghi điểm với công chúng, mang lại được cho công chúng một thứ giá trị mang tính phổ quát về tình thân gia đình. Nguồn năng lượng sạch và lành đó rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội càng khiến sự kết nối gia đình ngày càng lỏng lẻo. Những đứa con có thể “facetime” chứ không phải “face to face” để họp mặt gia đình hay về thăm mẹ. Nguồn năng lượng lành đó cũng cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện tại khi có nhiều giá trị truyền thống bị mai một dần hoặc khiến người ta hoài nghi vào cái gọi là lòng tốt ở đời.

Nhân vật người mẹ trong bộ phim mới của Lý Hải khiến những đứa con xa quê như tôi có cảm giác như mẹ của mình. Cũng hi sinh cả đời cho con cái, cũng đầy lòng tự tôn về bản thân, không bao giờ muốn làm phiền con cái.

Nghệ sĩ Thanh Hiền, một nữ diễn viên kỳ cựu nhưng chưa bao giờ đóng vai chính đã có một vai diễn thật đẹp nhân vật bà Hai, người mẹ già và cũng là linh hồn của bộ phim. Dù tôi vẫn muốn vai diễn này có chất “đời” và chất “người” hơn nữa, đây vẫn là một nhân vật người mẹ thành công của Lý Hải qua diễn xuất điềm tĩnh và bao dung như một người mẹ của nghệ sĩ Thanh Hiền. Mà sự thành công lớn nhất của Lý Hải là anh là chinh phục được khán giả đại chúng thông qua câu chuyện về sự bao dung của người mẹ và được lấy cảm hứng từ người mẹ của chính anh.

Như đã nói ở trên, câu chuyện tôi thích nhất trong bộ phim này là câu chuyện của một gia đình miền biển với những chất liệu được xử lý mượt mà nhất và phần bối cảnh cũng được đầu tư công phu nhất. Đại cảnh Lý Hải tái hiện cảnh lễ hội miền biển ở Lăng thần Nam Hải thực sự công phu và cho thấy sự tìm tòi của anh để tôn vinh văn hóa địa phương. Lý Hải nói rằng, lễ hội ngoài đời ra sao, anh tìm cách để làm y chang như thế. Một lễ hội ở miền biển cũng rất đông, nên số lượng quần chúng đoàn phim tìm kiếm cũng rất đông, đến mức còn gom hết người trong làng. Nhóm nghệ sĩ hát bội cũng do một đoàn chuyên nghiệp của Quy Nhơn diễn. Việc dàn dựng để tôn vinh một nghi lễ của ngư dân ở miền biển vào trong một bộ phim rõ ràng là đã “lấy điểm” được người dân địa phương. Trong một clip phỏng vấn hậu trường, tôi nghe được những thanh niên địa phương bày tỏ sự tự hào về văn hóa và con người làng biển ở Ninh Thuận được Lý Hải xây dựng trong phim.

Nhân vật ông bố vợ đãng trí của Tư Hậu (do nghệ sĩ Mạnh Dung đóng) cũng là một nhân vật, dù nhỏ, nhưng được tìm tòi. Ông đãng trí, nói trước quên sau và đôi khi còn không nhận ra được người thân, nhưng mỗi khi nói đến biển, đến nghề nghiệp mà ông cả đời gắn bó, đến tập tính của thói quen và văn hóa của người ở làng chài, ông trở thành một ông già minh mẫn và thậm chí thông thái. Những nhân vật phụ khác cũng được Lý Hải xây dựng có tìm tòi về câu chuyện cá nhân, nên hầu như các nhân vật đều có chuyện để kể, không ai quá mờ nhạt, dù vậy cũng không ai quá nổi trội.

*

Từ một ca sĩ, Lý Hải chuyển sang làm phim và gặt hái được những thành công ngoạn mục. Cá nhân tôi từng không đánh giá cao tay nghề của anh ở những tập phim trước, dù không thể phủ nhận anh kể chuyện có duyên, nhưng đến Lật mặt 7: Một điều ước tôi phải thừa nhận rằng anh đã lên tay thấy rõ và đang càng ngày càng mở rộng được biên độ khán giả của anh hơn.

Điện ảnh Việt đang cần những “ông vua phòng vé” như Trấn Thành, như Lý Hải, vì họ góp phần mở động biên độ khán giả. Từ trên dưới hai triệu khán giả cho một bộ phim kỷ lục, họ đã kéo thêm vài triệu khán giả nữa cho các bộ phim của họ.

Và càng có nhiều khán giả đến với phim Việt, bom tấn quốc tế bị “đè bẹp” trên sân nhà, điện ảnh nội địa sẽ ngày càng khởi sắc, nhất là với những bộ phim đậm màu sắc văn hóa và con người Việt Nam hiện tại.

Nguồn năng lượng sạch và lành đến từ Lý Hải quá đúng lúc và sẽ tiếp tục giúp anh lập kỷ lục mới.

 

clip_image002

Hình ảnh này trong một bài phỏng vấn của Lý Hải trên báo với phần trả lời vừa khiêm nhường nhưng cũng biết thế mạnh của mình.

 

clip_image004

Một vai cameo của Lý Hải trong Lật mặt 7. Anh biết cách chọn vai cameo lắm.