Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Khát

Nguyễn Thỵ                                                                                                   Truyện ngắn

Cô Tơ ngồi tựa lưng vào gốc dừa cháy ngọn cách vòi nước công cộng khoảng vài mét, tay cầm nón lá quạt liên tục mà mồ hôi vẫn ướt đẫm lưng áo. Quãng đời dài bốn mươi bảy năm của cô chưa có năm nào hạn, mặn khắc nghiệt như năm nay.

Mùa hạn đến sớm, kéo dài hàng tháng trời và khốc liệt hơn năm trước gấp bội. Kênh rạch phơi mình trơ đáy, những con mương khô cằn nứt nẻ, từng mảng đất cong vênh bạc phếch nằm kề nhau chịu trận dưới trời nắng lửa.

Ruộng đồng cũng cùng chung số phận trong hạn hán bủa vây. Độ mặn bất thường xâm lấn, ngấm sâu vào đất đồng, những nhánh lúa mới trổ đòng đã cháy lá, nguy cơ mất mùa đang đe dọa từng ngày. Người nông dân nóng ruột bơm liều nước mặn vào đồng hy vọng cứu được cây lúa nhưng càng làm lúa chết nhanh hơn vì nhiễm độc. Rễ lúa thối đen, chết dần chết mòn trong ngấn nước mặn đắng dưới gốc đang bị nung nóng bởi nắng hạn. Bao tiền của, công sức coi như đổ sông đổ biển, vốn liếng tiêu tan trong nỗi xót xa cùng cực của người nông dân.

Trong sân vườn cây trái chết khô, hoa màu vàng úa quắt queo. Chuồng trại bẩn thỉu hôi hám vì không có nước dội rửa, bầy gà khô mỏ lơ láo đi rong tìm nước, cổ họng tóp teo kêu lên những tiếng "coóc coóc" nghe đến não lòng...

Ngoài cống ngăn mặn, một bên nước mặn đầy kênh, một bên cạn khô dòng nước ngọt, cứ thế đã bao ngày. Độ mặn càng lúc càng tăng không biết đến khi nào dừng lại để có thể dẫn nước về cứu lúa, cứu cây trái, hoa màu...

Tất cả những cảnh tượng đó đang từng ngày, từng giờ đốt cháy tâm can người dân Láng Lộc.

Nước mắt rơi xuống những cánh đồng cũng đã cạn, chỉ còn những ánh nhìn trũng sâu, hanh vàng, tấm lưng đen sạm và mái đầu khét nắng. Họ ngồi bó gối bên bờ ruộng khô hay ở đầu hàng ba nín gió, bất lực ngước nhìn bầu trời lồng lộng nắng.

Cô Tơ che tay ngang trán nhìn ra xa về phía cầu Kênh Một. Con đường duy nhất để những chuyến xe thiện nguyện chở nước cứu trợ từ các nơi đổ về đã bị đứt đoạn cả tuần nay, cơn khát nước ngọt của người dân càng thêm bỏng cháy.

Như những cây cầu nông thôn khác vốn nhỏ hẹp gầy còm, cầu Kênh Một giờ nghiêng ngả chênh vênh như vắt qua một cõi không rực lửa.

Nguồn nước cạn kiệt đã gây sụt lún, sạt lở ven kênh, móng cầu đã đổ sụp do đất ở hai đầu cầu vỡ toang vì nắng hạn, mọi phương tiện di chuyển đều phải đi xuống lòng kênh. Đường sá lại càng ngoằn ngoèo cách trở, gây khó cho mấy chiếc xe chở nước vốn tránh dằn xóc sợ làm đổ những giọt nước từ phương xa mang đến cho người dân đã xếp hàng chờ suốt ngày đêm. Giữa cơn khát cháy, cả người cho lẫn người nhận đều chắt chiu từng giọt nước quý giá, ngọt mát nghĩa tình.

Có cụ già ở đầu bên kia Kênh Một đã hai ngày không có nước nấu cơm. Cụ vừa khóc nghẹn vừa chắp tay "A Di Đà Phật" rồi "Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát" đến chục lần khi nước được mang đến tận ngôi nhà xiêu vẹo, mái lá khô cong như rang trong chảo nắng. Nước mắt người già cô quạnh giữa thiên tai làm quặn thắt cả cõi lòng.

Cô Tơ vừa nghĩ ngợi mông lung vừa ngóng thằng Tấn- con trai út của cô ra thay ca mà đến giờ cũng chưa thấy bóng! Vừa tốt nghiệp đại học, chỉ mới vài lần bị từ chối khi xin việc đã nản, lại vin vào việc quê nhà lâm cảnh thiên tai, nó tất tả về quê để phụ với cô chăm sóc bà nội già trên bảy mươi tuổi đã bị lẫn hơn năm nay. Và quan trọng nhất- là để an ủi, sẻ chia, cùng mẹ thăm hỏi, động viên người cha đang vướng vòng lao lý do chống đối chính quyền địa phương trong vụ lấp kênh cũ đào kênh mới từ mùa hạn 2019-2020- việc mà nó chưa làm được vì phải đảm bảo kết quả học tập năm cuối theo lời căn dặn của cha.

***

Hôm nay trời vẫn nóng như thiêu đốt, nhiệt độ trên góc điện thoại của chú Tám Dõng vẫn ở mức 38°C, còn bên ngoài chắc phải trên 40°C! Hạn hán kéo dài làm mọi người gần như kiệt quệ từ tinh thần đến thể chất. Ít nghe lời bông đùa, đốp chát của đám thanh niên, tiếng cười dòn rụm của mấy đứa con gái chưa chồng cũng im bặt. Lâu lâu chỉ còn nghe tiếng mấy bà mẹ chồng thiên hạ càu nhàu, gắt gỏng, than trời trách đất thậm chí chửi vung thiên địa vì cái vụ thiếu nước sinh hoạt kéo dài.

Ngoài vòi nước công cộng ra, hơn chục cây nước máy đã được lắp đặt trong địa bàn từ nguồn tài trợ của các nhà từ thiện nhưng lực nước quá yếu, nước không chảy hoặc chỉ chảy ri rỉ, đục ngầu, mằn mặn, chỉ đỡ hơn nước biển một chút.

Ở đây hầu như nhà nào cũng có hồ xi-măng hoặc thùng phuy, lu, khạp chứa nước mưa nhưng dè sẻn mấy rồi cũng đến giọt cuối cùng, dù chỉ dám dùng để uống và nấu ăn. Họ đã phải đứng trong thau để tắm rồi lấy nước đó giặt đồ hoặc tưới cây. Nhiều nhà đã dừng hẳn việc tắm giặt, quần áo mặc mấy ngày liên tiếp thay ra đem phơi nắng cho bớt hôi rồi mặc lại, trẻ con và người lớn thi nhau nổi sảy, sinh ghẻ, ngứa ngáy đến không ngủ được.

Hạn, mặn đang xảy ra ở nhiều nơi, nước sạch từ nguồn dự trữ và các nhà hảo tâm thì không thể đủ. Nước đổi từ ghe bầu hoặc xe bồn của tư nhân mới đầu từ 75- 150 ngàn đồng một mét khối đã choáng váng, giờ nghe đâu có nơi lên đến 400- 450 ngàn đồng một mét khối, kêu trời không thấu!

Còn biết bao chuyện khổ cực trần ai, dở cười dở khóc xoay quanh chuyện thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu ở vùng khô hạn và xâm nhập mặn thường xuyên.

Chú Tám Dõng đi tới đi lui, nghe đi nghe lại mười hai câu phụng hoàng, hết dây đào rồi đến dây kép trên mấy cái vê-lốc mà vẫn chưa đến lượt mình hứng nước. Chú nhìn dãy can nhựa xếp hàng tư dài ngút mắt mà thở dài ngao ngán. Nếu trong số hộ dân đứng ngồi lom khom đợi nước kia không có bóng dáng cô Tơ chắc nỗi chán chường trong lòng chú còn nhiều hơn gấp bội.

Cô Tơ là mối tình đầu thơ dại của chú- cái thuở vùng đất Láng Lộc này chưa mọc lên cây nước nào. Mùa khô nắng cháy nâu sạm cả làn da con gái, gió biển thổi rát mặt, chung quanh toàn ruộng muối trắng lóa. Nước biển được dẫn vô ruộng để phơi cho đến kết tinh thành muối. Nước biển càng mặn, nắng càng nhiều thì hạt muối càng chất lượng, to chắc, lóng lánh như hạt kim cương.

Hai mùa mưa nắng thuận hòa, hạn, mặn ít khi xảy ra, hoặc nếu có cũng trong khả năng chịu đựng của con người.

Trong nắng gió nồng nàn của vùng quê ven biển, mối tình của chú như con lạch nhỏ âm thầm chảy qua cửa sông rồi đổ ra biển lớn mất tăm.

Cô Tơ đi lấy chồng khi mới mười bảy tuổi, vào cái ngày Láng Lộc bất ngờ đổ cơn mưa đầu mùa xuống những đống muối trắng phau chưa kịp đậy bạt, tan chảy như cõi lòng của chú Tám- lúc đó còn là chàng trai hai mươi tuổi.

Đành phải làm lại thôi, biển còn thì muối còn. Đời diêm dân đã sẵn gian nan cơ cực, chút tình si tan vỡ cho thêm vị đắng cay thì có sá gì.

Nhưng từ đó chú Tám chợt hiểu- thì ra trong nước mắt cũng có muối, cũng mặn chát trên môi, tái tê đầu lưỡi (như khi buồn cắn hạt muối do chính mình làm ra với biết bao vất vả mà phải bán với giá rẻ mạt cầm bằng như cho không!).

Một khối tình tinh khiết vun cao trên đồng muối, mưa qua một bận, tất cả trả về cho biển- còn vị mặn thì đọng lại đến suốt đời.

Mấy năm nay, sau khi chồng cô Tơ bị bắt giam không có ngày xét xử, chú Tám Dõng cũng đã năm lần bảy lượt cùng thằng con trai lớn của cô bỏ công ăn việc làm từ BD về lo đơn từ, khiếu nại khắp các cửa mà cũng chẳng ăn thua.

Rồi chuyện Tám Dõng đứng ra kêu gọi giúp những hộ neo đơn đào ao trữ nước- trong đó có nhà cô Tơ. Chuyện thay phiên đưa đi, rước về khi bà Sáu, mẹ chồng cô đau ốm phải vào trạm xá... Ai cũng tưởng chắc phải có gì giữa họ, thật ra chỉ do tấm lòng trượng nghĩa- với ai cũng vậy- và thương cảm cho người anh em đang nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, tuyệt nhiên không có chút sai quấy nào cho dù là trong tư tưởng.

Chỉ mong sau này chồng vợ đoàn viên đừng vì những điều đó mà mất đi tình làng nghĩa xóm.

Chú cứ ở xa xa, âm thầm dõi theo cô Tơ như thế. Lặng lẽ bước đi phía sau cô một đỗi, qua ngõ hẹp, vũng lầy hay cầu ván cheo leo. Cho đến giờ ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, có lẽ người mà chú đắc tội nhiều nhất chính là bản thân chú. Một thân một mình trong ngôi nhà thờ tự, làm bạn với bầy chim bồ câu tự do sinh sôi đông tới nỗi chúng trú ngụ ngay cả trên trần nhà.

Hay chính nỗi cô đơn đó mới là điều mang hạnh phúc đến cho chú?

Tiếng đàn độc tấu khúc phụng hoàng từ chiếc điện thoại trong túi đã im bặt từ lâu. Chú Tám lại nhìn hàng can nhựa dài thăm thẳm, nghe lác đác đâu đó tiếng thở than, tiếng ủi an, tiếng bông đùa...

Rồi nước sẽ được rót về cho từng hộ dân trong xóm, ấp, chỉ có cô Tơ mãi vẫn là cơn khát muôn đời trong tim chú.

***

Tiếng thằng Tấn bỗng vang lên hốt hoảng làm mọi người nhất loạt quay về phía nó:

-Má ơi! Bà nội có ra đây không?

Cô Tơ đứng phắt dậy, thảng thốt:

-Mày ở nhà canh chừng, sao nội đi đâu lại không biết?

-Nội kêu khát, con đi vô bếp chắt được nửa ly nước cho nội, sẵn lượm mấy cái trứng gà, trở ra thì không thấy nội đâu nữa!

Sau một hồi lâu đổ xô tìm kiếm, hai mẹ con cô Tơ và một nhóm người, trong đó có chú Tám Dõng đứng lặng trên bờ kênh giữa buổi chiều xế bóng. Nắng vẫn còn gay gắt chiếu xuống hai bên bờ lau cỏ héo khô, trời không một chút gió- bà Sáu đang ngồi giữa lòng kênh nứt nẻ, hai bàn tay vốc không khí từ dưới kênh lên rửa mặt. Bà cứ nhẹ nhàng, khoan thai, vẻ mặt vô cùng thư thái như cô gái trẻ đang ngắm mình dưới làn nước trong, cười khúc khích khi thấy gương mặt mình bỗng lung linh, xao động rồi vỡ tan bởi đôi tay cứ vốc nước lên rửa mặt. Hai bàn tay xương xẩu, cằn cỗi, có lúc dừng lại giây lâu trên đôi môi khô nẻ của bà.

Cách bà Sáu vài bước chân là chiếc ghe tam bản cũ của chú Tám Dõng. Chú vẫn thường neo đậu bên bờ kênh từ hồi còn chở muối đến tận những xóm làng xa xôi của miền nước ngọt. Nơi đó có những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ các loại mắm từ bạt ngàn tôm cá khi mùa lũ về. Bây giờ nguồn cá tôm cũng cạn kiệt, từ lâu những chuyến đi mặn mà của chú đã không còn cần thiết nữa. Chú không nhớ chiếc tam bản neo lờ lửng trên dòng kênh này đã bao lâu, đã mắc cạn ở đó từ bao giờ, đã qua bao mùa khô hạn mà những đường xảm, trét kỹ lưỡng trước kia bị hở rộng nhiều chỗ, hai bên thân ghe mốc cời như gỗ mục.

Thằng Tấn vừa cõng bà nội từ dưới lòng kênh khô đi lên vừa nói với chú Tám:

- Chiếc tam bản này sửa chữa lại đi chở nước được nè chú Tám! Chú cháu mình mua dầu chai lấp vò rồi tìm nguồn nước chở về giúp bà con đi chú!

Cô Tơ và mọi người chờ câu trả lời nhưng không nghe chú Tám Dõng nói gì. Tuy nhiên họ biết- ai chứ Tám Dõng sẽ nhanh chóng thực hiện lời đề nghị của thằng Tấn vì rất hợp tình hợp lý trong thời điểm này. Có lẽ chú sẽ kêu gọi vài ba người nữa để công việc được kịp thời và hiệu quả hơn. Nhiều người trong số họ rất sẵn sàng cho việc đó.

Hạn, mặn chắc chỉ kéo dài đến cuối tháng, cùng lắm là sang đầu tháng sau. Mùa mưa rồi cũng sẽ đến dù có muộn hơn so với mọi năm. Sau những giọt nước ngọt lành được sẻ chia trong cơn khát cháy rồi sẽ có những đám mưa từ trời, nước lại về trên kênh rạch làm dịu mát quê nghèo.

Cây lúa sẽ hồi sinh bằng cách này hay cách khác, hoa trái sẽ lại đâm chồi và con người sẽ tìm ra cách thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Một ngày về chốn thiên tai

                                                                                                                     N. Th