Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

"Trong điên dại cũng luôn có đôi phần lý trí"

Lê Hồng Lâm

image  

"Trong tình yêu luôn tồn tại một chút điên dại, và trong điên dại cũng luôn có đôi phần lý trí" (Trích Zarathustra đã nói như thế, Friedrich Nietzsche).

*

Vì bộ sách này của Neel Burton soi sáng cho tôi nhiều thứ, đặc biệt là những ý nghĩ đôi khi hơi tăm tối không thể lý giải được hay một vài hội chứng hơi kì dị, tôi đọc đi đọc lại bộ sách này và muốn tri ân ông bằng cách lan tỏa đến thật nhiều người.

Thực sự, hiểu được bản thân mình hóa ra là điều không hề đơn giản. Và nếu không hiểu được mình thì chúng ta khó mà dám đối diện với chính mình và tìm cách vượt qua được chúng.

Trong lời giới thiệu đầu sách, tác giả viết rằng: Nếu chúng ta có đủ can đảm để hiểu mình, việc đó có thể đánh thức chúng ta về bản thân, về người khác và về thế giới xung quanh, đồng thời giải phóng chúng ta để khai phá tiềm năng cao nhất, đầy đủ nhất với tư cách một con người.

Lời tiên tri vĩ đại nhất của thế giới cổ đại xuất hiện ở Delphi, Hy Lạp và được khắc trước đền thờ của thần Apollo. Lời tiên tri là một mệnh lệnh đơn giản chỉ có hai từ như sau: BIẾT MÌNH.

Bộ ba cuốn sách tâm thần học này của Neel Burton, một tác giả, một bác sĩ chuyên ngành tâm thần học, một vị tiến sĩ - ủy viên của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh… không chỉ là một bộ sách xuất sắc về y khoa và tâm thần học, ông còn soi chiếu nó dưới nhiều góc độ như lịch sử, văn hóa, triết học, tư tưởng, văn chương nghệ thuật… và được diễn đạt với một nguồn kiến thức khổng lồ khiến trải nghiệm đọc ba cuốn này, với tôi thực sự tuyệt vời.

Ông bàn về 26 loại cảm xúc dưới góc độ tâm lý học, những thứ dẫn ta đến thiên đường hay địa ngục nếu biết hay không biết kiểm soát chúng; ông giúp ta nhận biết về tâm lý học của sự tự huyễn và đưa ra 40 chiến lược phòng vệ của cái tôi để đối mặt với con người trong ta. Và cuốn xuất sắc nhất với tôi, chính là Ý nghĩa của sự điên loạn; ông giúp độc giả nhận diện được những nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần sâu trong chúng ta - qua những hội chứng rối loạn tâm thần được khởi phát đi từ sự lo âu, sợ hãi và đau khổ không được nhận diện và không được chữa lành.

Ở mỗi hình thái của rối loạn tâm thần, trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực, ông đều phân tích chúng dưới nhiều góc độ, từ góc độ y khoa đến văn hóa và lịch sử. Ông giúp chúng ta nhận diện những điều tăm tối bên trong chúng ta để kiểm soát, khống chế chúng, thậm chí phát huy được chúng. Rất nhiều người mắc các hội chứng rối loạn nhân cách hay tâm thần là những thiên tài. Nhưng cũng tỉnh táo bởi ông cho rằng, không phải ai mắc các hội chứng này cũng là thiên tài. Nhiều trong số đó còn là ác quỷ vì những ý nghĩ tăm tối của căn bệnh không được nhận diện và chữa lành đã dẫn họ đi quá xa.

Những nghiên cứu và phân tích của ông giúp độc giả nhận diện được hai mặt của một vấn đề, để tránh nhìn nhận nó một cách tiêu cực thái quá, hoặc lạc quan tếu. Kiểm soát được tâm trí chúng ta, chính là hình thái cao nhất của một cuộc sống viên mãn.

Như đoạn dưới đây, bàn về chứng “loạn thần kinh”, ông viết:

“Những người mắc chứng lo âu trôi nổi mức độ nặng, từng bị miêu tả , đôi khi với thái độ miệt thị, là “loạn thần kinh”. Thuật ngữ “loạn thần kinh” (neurosis) bắt nguồn từ neuron (thần kinh) trong tiếng Hy Lạp cổ, và có ý nghĩa đại khái là “bệnh của hệ thần kinh”.

Đặc trưng cốt lõi của chứng loạn thần kinh là chứng lo âu “nền” nặng, nhưng nó cũng có thể biểu hiện ở các dạng khác như ám ảnh xã hội, hoảng loạn, cáu kỉnh, cầu toàn và xu hướng ám ảnh cưỡng chế. Dù ở dạng nào, chứng loạn thần kinh đều khiến ta không thể ảnh hưởng khoảnh khắc hiện tại, thích nghi tốt với môi trường xung quanh, hay xây dựng một nhân sinh quan phong phú, sâu sắc và viên mãn hơn.

Theo Carl Jung, những người mắc chứng loạn thần kinh về cơ bản gặp vấn đề trong việc tìm kiếm mục đích và ý nghĩa sống. Trong cuốn tự truyện ra mắt năm 1961, Memories, Dreams & Reflections (Ký ức, giấc mơ, suy ngẫm), ông nhận xét rằng phần lớn các bệnh nhân của mình “không phải là những người có niềm tin mà là những người đánh mất nó”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong một số trường hợp, chứng loạn thần kinh có thể mang lại lợi ích cho người bệnh.

Trong cuốn Two Essays on Analytical Psychology, ông viết:

“Độc giả chắc chắn sẽ thắc mắc: Chứng loạn thần, thứ lời nguyền sâu mọt và vô dụng của loài người này thì có giá trị hay ý nghĩa quái gì? Khiến thần trí ta điên loạn ư - nhưng như thế thì có ích gì?…

Phần mình, tôi biết, không chỉ một mà nhiều người đã nhờ vào chứng loạn thần kinh mà tìm thấy sự hữu dụng và lý do tồn tại của bản thân, thứ ngăn cản họ làm ra những điều điên rồ nhất và đưa cuộc đời họ vào khuôn khổ để phát huy hết những tiềm năng của bản thân. Những tiềm năng ấy có thể đã chết yểu nếu không nhờ chứng loạn thần kinh, như một đôi kìm sắt, giữ họ đúng ở nơi họ thuộc về.”

Đọc ba cuốn sách này, giúp tôi nhận diện được nhiều thứ và soi sáng được nhiều thứ, hoặc ở những lớp layers sâu hơn mà trước đây tôi chưa từng được biết tới, đặc biệt là trong trong những chương xuất sắc như “Lo âu, tự do và cái chết” hay “Tự sát và tự hại”…

Cuối cùng, trong phần Lời kết của cuốn sách, ông chốt lại rằng:

“Rối loạn tâm thần khác với các rối loạn y học hay thể chất “thuần túy”, chúng không chỉ là những vấn đề. Nếu được dẫn dắt đúng cách, chúng còn có thể mang lại những cơ hội. Đây là một quan điểm mà tôi đang cố gắng phổ biến, mà chỉ cần nhận ra thôi cũng đủ để tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta chữa lành, và xa hơn nữa, là trưởng thành từ những trải nghiệm của bản thân.

Bên cạnh đó, ta không nên lãng mạn hóa rối loạn tâm thần chỉ vì nó có thể giúp ta giải quyết vấn đề, phát triển bản thân hoặc khơi nguồn sáng tạo, cũng không nên bỏ bê nó chỉ vì nó có thể không dẫn đến những điều ấy. Không thể phủ nhận một điều rằng, một số rối loạn tâm thần có cơ sở sinh học rất rõ ràng, và tất cả chúng vừa tẻ nhạt vừa đau đớn bội phần. Trong một số trường hợp, rối loạn tâm thần có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng và thậm chí là cái chết, dù do tai nạn, tự bỏ bê hay tự hại.

Vậy nên, thay vì y tế hóa hay lãng mạn hóa rối loạn tâm thần, hay bệnh tâm thần, ta hãy nhìn nhận chúng trong chính bản chất của chúng, không tâng bốc cũng không hạ bệ, là cách bộc lộ và đôi khi là khẳng định bản chất sâu thẳm của con người chúng ta. Khi nhận ra những đặc trưng của chúng trong bản thân mình và chiêm nghiệm về điều ấy, ta sẽ có thể chế ngự và tận dụng chúng. Và đó, không nghi ngờ gì nữa, là óc thiên tài ở hình thái cao nhất.”

Ở đầu chương kết này, ông dẫn một câu nói rất hay của nhà văn Pháp đoạt giải Nobel André Gide, chính là điều minh họa cho cái ý xuất sắc ông nói ở câu trên. Ai làm nghề có yếu tố sáng tạo cá nhân, đặc biệt là nghề viết, hãy đọc kỹ và ghi nhớ, vận dụng nhé:

“Những điều đẹp đẽ nhất là những điều được thủ thỉ trong điên dại và viết ra nhờ lý trí. Ta phải cẩn thận khi làm bạn với hai điều ấy, tìm đến điên dại trong những giấc mơ, nhưng giữ lý trí bên mình khi cầm viết”.

*

Xin kết lại phần giới thiệu và lan tỏa về bộ sách này ở đây. Tôi không quăng link nữa, nếu bạn thấy bộ sách có ý nghĩa với mình, hãy mua và đọc chúng nhé.


Chú thích của Văn Việt:

Bộ sách ATARAXIA HIỂU RÕ TÂM TRÍ LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI của Neel Burton. Omega Plus - NXB Dân Trí, 2024, gồm ba cuốn:

- Thiên đường và địa ngục - Tâm lý học về 26 loại cảm xúc, Giang Thảo dịch;

- Ý nghĩa của sự điên loạn - Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần cho bạn, Đặng Gia Cát Lượng dịch;

- Trốn và tìm - Tâm lý học của sự tự huyễn, Hoàng Thu Anh dịch.