Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: 10 năm Văn Việt và tôi

Ngu Yên

10 năm không phải quá dài, nhưng mỗi đời người có được bao nhiêu lần 10 năm?

Những người bỏ ra 10 năm để làm chuyện này, họ có được bao nhiêu lần 10 năm để làm chuyện khác?

Tôi biết mạng lưới Văn Việt và Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập qua nhà văn Trần Vũ trong một lần trò chuyện qua điện thoại. Sau đó, anh giới thiệu tôi với nhà thơ Ý Nhi. Từ đó, tôi sinh hoạt chữ nghĩa với Văn Việt.

Văn Việt không chỉ gặp khó khăn ở trong nước; bên ngoài, dư luận tuyên truyền rằng Văn Việt là một hoạt động trá hình. Một cái bẫy do Đảng Cộng sản chủ trương.

Cái bẫy? Tôi nghĩ, bẫy ai ở hải ngoại? Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nào ở ngoài nước đáng bị bắt, đáng theo dõi? Với sức mạnh quyền lực của nhà cầm quyền trong nước, thì các “nhân dân tự vệ” văn chương hải ngoại có đáng gì.

Sự cộng tác sáng tạo giữa trong và ngoài nước là một giao lưu cần thiết để phát triển văn học và văn hóa, ai cũng biết, ai cũng hiểu, có bao nhiêu người làm?

Lịch sử văn học thế giới cho thấy sự giao lưu văn chương của Châu Mỹ La Tinh trong thập niên 1950-1960 đã tạo ra phong trào Magic Realism, một phong trào văn học văn hóa tầm vóc thế giới lần đầu tiên phát xuất không phải từ Châu Âu, Châu Mỹ. Sự giao lưu của Nhật, của Nam Hàn, của Nam Phi, vân vân, là chứng cớ rõ rệt.

Điểm quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là sự giao lưu về sáng tạo. Sáng tạo là đầu và đuôi tất cả những thành tựu đáng kể của con người. Có phải Văn Việt là nhóm tiên phong từ trong nước tiến hành công việc giao lưu sáng tạo sau thời điểm tháng Tư 1975?

Nếu xem thường việc giao lưu sáng tạo qua chữ nghĩa, sẽ chứng tỏ sự hiểu biết chưa sâu sắc về động lực phát triển một quốc gia. Ngày nay, chúng ta đối diện với giá trị của sự phát triển toàn cầu cùng những ràng buộc, cân bằng, xung đột, hệ lụy của nó, nhưng không thể không công nhận, đó là chiều hướng chính của thế giới ngày mai. Phát triển toàn cầu đối với một quốc gia là phát triển toàn bộ. Nếu chỉ phát triển một lãnh vực, thì những lãnh vực trì trệ khác sẽ làm đất nước đi khập khiễng. Đi què quặt biết bao giờ mới đến ước mơ?

Việt Nam, gần đây, phát triển mạnh nhất là kinh tế, nếu lãnh vực chính trị không phát triển theo kịp, thì tương tự như một thân xác béo phì, mà hệ thống thần kinh non nớt hoặc bệnh đau. Phải chăng con người đó có dáng dấp si khờ? Nếu lãnh vực văn học văn hoá không phát triển tương xứng với sức gia tăng của kinh tế, con người đó có cái xác khổng lồ mà tâm hồn hạt tiêu. Phải chăng con người đó có dáng dấp đại gia ma lanh ma le, hành vi thiếu tự trọng?

Một quốc gia lành mạnh là một quốc gia có phát triển toàn bộ. Cứ theo định luật tự nhiên, sự phát triển của một lãnh vực này sẽ kích thích, lôi kéo, phong phú hóa các lãnh vực khác. Nếu để tự nhiên, thì chậm. Nếu có thúc đẩy, sẽ nhanh hơn. Chẳng phải sự giao lưu sáng tạo là một phần thúc đẩy quan yếu hay sao?

Cá tính chung yếu nhất của dân ta là sợ. Cái sợ này di truyền nhiều thế hệ, ẩn núp dưới biết bao nhiêu hình thức biện minh, bình phong, nhân danh. Cứ nhìn sự dũng cảm châu chấu đá voi của người dân Ukraine, cứ so sánh việc mổ bụng của người Nhật, cứ tìm hiểu sự tiến bộ cấp tính của Nam Hàn và Ba Lan, thì sẽ thấy cái sợ ghê gớm đã níu chân, trói tay, bao đầu, bịt mắt dân mình trước những cơ hội, tình huống, dấn thân để xứng đáng làm người.

Tôi cho rằng, ngoài giá trị của giao lưu sáng tạo, Văn Việt đã nỗ lực dấn thân đối đầu với nỗi sợ bản thân, nỗi sợ xã hội, nỗi sợ chính trị và cả nỗi sợ làm-người-không-sợ.

Cái bẫy. Đúng. Không phải do nhà cầm quyền ngụy trá, mà do chính Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập tự dựng lên, tự chính thức lộ diện, để nhà nước có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào, bắt trọn ổ, trù ẻo trọn đời, như đã từng ra tay với nhóm Nhân văn Giai phẩm.

Đáng sợ chưa? Mà vẫn làm. Khó khăn? Chắc chắn là khó khăn, nhưng đã trải qua 10 năm, chứng tỏ được: Dù sợ nhưng vẫn làm thì sợ sẽ bớt đi. Đây là một phương pháp tâm lý để giúp những người nhút nhát, sợ sệt, quen dần với nỗi sợ, được áp dụng trong các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hoa Kỳ. Càng thiếu hiểu biết, càng không dám đối đầu, nỗi sợ càng gia tăng. Để bớt sợ, thì ngược lại, tìm hiểu vấn đề cho thấu đáo, tiến hành thực tập đối đầu. Dân ta chỉ có thể phát triển phẩm chất, khả năng, và hiệu quả cao khi nào bớt sợ. Chẳng phải Văn Việt đang cố gắng bớt-sợ và quảng bá sợ-bớt hay sao?

Ngoài hai điểm chính mà tôi chia sẻ, tôi còn muốn tâm sự về những thích thú cá nhân đối với phong cách làm việc của mạng lưới Văn Việt. Tôi chưa hề gặp gỡ bất kỳ một ai trong nhóm Văn Việt khi bắt đầu sinh hoạt giao lưu. Chỉ biết mỗi nhà thơ Ý Nhi và nhà ngữ học Hoàng Dũng và biết vô ảnh vì chưa thấy nhau lần nào.

Năm 2017, khi Văn Việt chọn trao cho tôi đồng giả thưởng thi ca, tôi cảm ơn không chỉ vì giải thưởng, mà vì Văn Việt phải đối đầu với cái đó, có vượt qua thì giải thưởng mới đến tôi. Một hành động tế nhị, can đảm và yêu thơ. Tôi cũng cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng đã qua đến Houston để trao tận tay giải thưởng này, vì tôi bận rộn công việc, đã không về tham dự được trong ngày tuyên trao giải thưởng.

Chuyện mà tôi quan tâm về những mạng lưới, tạp chí, báo văn học văn chương trong và ngoài nước là phẩm hạnh làm việc của ban điều hành và ban kỹ thuật:

Tôi biết hầu hết các mạng lưới và báo chí văn hóa văn chương đều là tư nhân, có toàn quyền hành xử trong khu vực giấy hoặc không gian ảo của mình. Nhưng, đồng thời, những nghệ sĩ cộng tác cũng làm việc không công. Người muốn chia sẻ sự hiểu biết, người muốn trình bày khả năng sáng tạo, người muốn một chút danh gì với núi sông. Nếu các mạng lưới, báo chí được biết đến, được nhắc lại trong dòng thời gian, phần chính là do những đóng góp tài năng của các người sáng tác. Khi mạng lưới hoặc báo chí tỏ vẻ đăng bài như một ân huệ, thì người viết tự trọng sẽ bỏ đi chơi chỗ khác, hoặc chơi một mình với facebook, với mạng lưới riêng hoặc với ma.

Về hành xử này, Văn Việt rất đứng đắn. Trân trọng tâm trí trong chữ nghĩa sáng tác. Liên lạc với người viết khi có vấn đề, khi cần phải thảo luận. Tôi thích thú sự hiền hòa và trầm tĩnh của nhà thơ Ý Nhi, người mà tôi gửi bài đến cho Văn Việt. Tôi thích thú sự làm việc cẩn trọng và khả năng hiểu biết của nhà ngữ học Hoàng Dũng. Tôi thích thú khả năng layout của ban kỹ thuật. Và giờ đây, tôi vô cùng thích thú khi Văn Việt thọ mạng 10 năm dù nhiều thương tích.

Tôi nghĩ rằng, trong cõi sống không có gì quý hơn thời gian, Vì nó giới hạn, duy nhất, một đi không trở lại, cho phép con người làm được nhiều việc song song với nó. Vậy thì, 10 năm không phải quá dài, nhưng mỗi đời người có được bao nhiêu lần 10 năm?

Những người bỏ ra 10 năm để làm chuyện này, họ có được bao nhiêu lần 10 năm để làm chuyện khác?

Chúc mừng Văn Việt.

Chúc mừng các anh chị nghệ sĩ trong Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập.

Houston. 27 tháng 1 năm 2024