Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Một nhà sư tò mò, một đất nước u mê

 Nguyễn Hoàng Văn

 

Lời tác giả: Những câu chuyện nhức nhối từ một số nhà tu hành Việt Nam đã thôi thúc tôi cập nhật lại bài viết cũ liên quan đến một nhà sư tại Úc. Nhà sư này bị bắt quả tang vào chiều tối 7/8/2004 trong một “sting operation”: cảnh sát giả làm gái điếm bất hợp pháp và nhà sư đã xáp lại trả giá. Nhà sư bị kết tội trong phiên xử ngày 2/12/2004 nhưng sau đó, ngày 18/3/2005, đã kháng án thành công. Lý do: sư chỉ “tò mò” và “đùa”. Bằng chứng: cô gái điếm ra giá $50, sư mặc cả được $40 nhưng trong túi chỉ có “từ $20 đến $23”.[1]

***

“Tò mò” là lời của nhà sư, về giá đi khách của một cô gái điếm, còn “u mê” là lời của Trịnh Công Sơn, trong “Người con gái Việt Nam da vàng”: Ôi đất nước u mê ngàn năm

Cơ sự bắt đầu vào một chiều Đông muộn khi sư ra đường gặp gái… đứng đường. Tò mò, sư xáp lại hỏi giá. Và để đùa chơi, sư lại mặc cả, như cá, như tôm. Giá 50 từng bước hạ giảm, đến 40 thì sư sành điệu “Let’s go” để rồi choáng váng nhận ra rằng nàng Kiều kia là cớm, có đồng nghiệp mai phục trong góc kín với camera hẳn hoi, nghĩa là không thể chối cãi. Đến nước này thì sư trở về với chân lai bản mục của mình qua lý lẽ người tu hành như sư có hỏi thế là chỉ để đùa, cỡ như sư thì sao có thể hạ mình hỏi thật.

Như thế, chỉ một lần ra đường thôi, sư đã ba lần... thích. Đầu tiên, sư thích tò mò. Sau, sư thích giỡn chơi. Cuối cùng, sư thích tu đạo.

Thì, sư chỉ tò mò. Thường thì sự tò mò bị cho là xấu và có vậy thì Ruppert Murdoch, tên tài phiệt chuyên phá hoại nền dân chủ để làm giàu, mới có thể đếm tiền đến mỏi tay bằng hệ thống tabloid ngồi lê của y. Nhưng con người có tò mò thì mới có những phát minh khoa học để chúng ta có một thế giới như ngày hôm nay và, không nói đến những tò mò trong góc độ khao khát tri thức, chỉ là sự tò mò trong quan hệ giao tế của kiếp nhân sinh thôi thì, nói theo “ước mơ” của Michel Foucault về một “thời đại mới của sự tò mò”, cần nên hiểu nó theo nghĩa “quan tâm” (concern).[2] Như thế thì phải có những tầng bậc thấp cao hay sang hèn nào đó trong sự tò mò, hoặc tò mò chỉ để… thỏa chí tò mò, để hả hê sự hơn thua, hoặc tò mò để hướng tới một sự thay đổi tốt đẹp hơn, v.v. Nói như thế thì, nếu hôm ấy sư gặp gái đứng đường chính hiệu, sự tò mò kia sẽ… cao thấp, sang hèn thế nào?

Có xáp lại cô gái điếm ấy vì tò mò thì một bậc chân tu sẽ tò mò với cả sự “quan tâm”. Hoàn cảnh nào đã khiến cô ta ra nông nổi này? Làm sao để giúp cô ta gượng đứng lên với cuộc sống bình thường? Có cái áo choàng ấm áp, bậc chân tu sẽ cởi ra khoác lên để cô, trong y phục mỏng manh nhằm mồi chài khách, chống chọi với cái lạnh cắt da của mùa Đông vì những cơn gió lạnh buốt từ Nam Cực thổi về. Và, có bao nhiêu tiền lẻ trong túi, sư sẽ vét ra để biếu, hết luôn hay phần nhiều, v.v.

Nhưng sư đã không làm vậy. Sư tò mò hỏi giá rồi sư mặc cả, để đùa. “Đùa” được giá 40 thì sư “Let’s go” và, nếu không bị cảnh sát phá bĩnh, cái cảnh... “go” kia sẽ diễn biến như thế nào? “Go” một đoạn thì sư cười hề hề bảo rằng sư chỉ giỡn thôi? Hay “go” đến khi cô ta phơi thiên nhiên mình mẩy ra thì mới khẽ khàng chép miệng rằng sư chỉ tò mò thôi chứ sư không có đủ tiền? Hay sư sẽ nghiêm mặt chắp tay rằng bần tăng chỉ biết có tu đạo với đạo tu? Kiểu nào cũng có thể gọi là đùa nhưng, dẫu đùa chơi, cũng phải có một giới hạn không thể vượt qua, cho cả người phàm chứ đừng nói là bậc tu hành.

Tưởng tượng cảnh, một hôm, chúng ta ghé vào một tiệm buôn khảo giá, từ A đến Z, làm chủ tiệm mất bao nhiêu thì giờ rồi cười hề hề bảo mình chỉ đùa giỡn thế thôi, chủ nhân sẽ phản ứng như thế nào? Tưởng tượng cảnh, có ngày, chúng ta xâm mình ghé vào một nhà thổ và hách dịch phẩy tay gọi hết kiều nữ này đến kiều nữ khác chỉ để lắc đầu rồi, cuối cùng, cười khà khà bảo trong túi chỉ có mấy chục bạc lẻ thôi, khuyến mãi thì tới luôn, không thì… thôi, chủ nhân sẽ phản ứng ra sao? Đùa như thế đã tệ nhưng vẫn còn những lối đùa tệ hơn rất nhiều. Chúng ta tệ nếu lấy sự thật tình của người khác làm sự chơi của mình. Nhưng chúng ta sẽ tệ hơn rất, rất nhiều khi tung hứng tình trạng tuyệt vọng của người khác như thể trò vui. Người ta phải bán thân trong tình trạng lén lút là do rất cần tiền, dù cần chỉ để thoả mãn một cơn nghiện, nhưng vấn đề là họ cần một cách tuyệt vọng, ai nỡ lòng đem tình trạng ấy ra đùa, như mèo vờn chuột?

Nhưng sư, như đã khai với tòa, chỉ vờn giá để đùa. Mà, oái ăm thay, sư lại đùa như một bậc cao nhân: “I only want to ask her as a joke because of who I am! I would never do anything like that”; trông như thể là anh lính trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến lúc vênh mặt với ông thầy bói mù bị gọi đến cửa quan: “Cỡ như tao mà đi giữ dép cho mày à!”.

Anh lính thì thế còn sư thì dùng cái tư thế tu hành để khẳng định rằng cỡ như sư thì phải vượt lên trên những gì mà sư… bị bắt quả tang. Cái lối ngụy biện “fallacy of authority” này, vậy mà, vẫn khá là ăn khách. Thoạt tiên, khi câu chuyện mới nổ ra, tôi đã ngạc nhiên khi thấy không ít người hùng hổ bênh vực sư bằng những “thuyết âm mưu” ngớ ngẩn. Sau phiên tòa kháng án, tôi còn ngạc nhiên hơn trước số lượng những kẻ chúc mừng. Họ hể hả rằng sư oan ức. Và rằng sư đã được minh oan. Nghĩa là họ đã cố tình quên rằng hợp pháp chưa hẳn là hợp đạo đức và đạo hạnh của bậc chân tu phải cao hơn tiêu chí đạo đức thông thường. Mà, cả với “đạo đức dân chơi” thì có tay chơi nào lại... cò kè giá cả giữa chỗ chơi bời? Và còn lăn xả vào những nơi không ra dáng… chỗ chơi, cái góc đường lỗ chỗ sáng tối, thua xa những nhà thổ hạng bét đến mấy bậc?

Không phải là sự “quan tâm” của bậc chân tu để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, đã đành; cả những tín đồ ủng hộ nữa. Họ không có nốt sự “quan tâm” của người hành đạo về tính xứng đáng của người dẫn dắt mình và vấn đề, phải chăng, là một hình thức cộng sinh?

Trong xã hội tiêu thụ hiện tại người tu hành còn phải gánh vác rất nhiều sức ép vật chất và điều này sẽ dẫn đến những quan hệ qua-lại nào đó. Khi người ta gom góp công của để đầu tư cho một biểu tượng tín ngưỡng với người thờ tự chuyên nghiệp bên trong, biểu tượng ấy sẽ là một thứ sở hữu, là niềm tự hào và, thậm chí, là nấc thang cứu rỗi trong niềm tin của họ. Có ai dễ dàng chấp nhận để khoản sở hữu ấy – với phần “cứng” là nhà chùa và phần “mềm” là bậc tu hành – bị phá sản? Có ai dễ dàng chấp nhận niềm tự hào của mình bị đổ ập? Và có ai chấp nhận rằng mình đã cùng đường trong sự cứu rỗi? Và họ nương nhờ đến những lý thuyết âm mưu ngớ ngẩn, nương nhờ bất cứ lý lẽ nào thuận tai, v.v. và, hậu quả, nếu không nhẹ dạ cả tin, họ cũng cố đánh lừa mình. Lừa rằng phán quyết của một toà án thế tục cũng là cái thước đo đạo đức của bậc tu hành. Lừa rằng tiêu chí đạo hạnh của bậc chân tu cũng thường thường như đạo đức cho người thường.

Tự đánh lừa mình mãi thì, đến một lúc nào đó, nói theo Karl Marx, họ sẽ lâm vào tình trạng “vong thân” (alienation) bởi tự đánh mất chính mình qua việc đinh ninh rằng sự dối gạt đó là sự thật. Điều này, diễn đạt theo cách khác, chính là sự u mê và, hiện tại, chẳng có ai mong mỏi tình trạng này hơn là giới đầu cơ chính trị và tín ngưỡng. Dân chúng có u mê thì mới dễ bị bịt mắt và xỏ mũi và, để làm được như thế, phải ấn định những húy kỵ đối với sự thật bằng những ràng buộc pháp chế hay tín ngưỡng.

Đất nước đang nằm trong sự định đoạt của những nhà cai trị mà, trên lý thuyết, phải thực sự vô thần. Nhưng trên thực tế, như có thể thấy qua nhiều thông tin gián tiếp, họ lại phó thác gần hết sự quyết định trong tay đám thầy bói, thầy địa lý hay thầy cúng. Giới cai trị “vô thần” đang mê tín hơn bao giờ hết và sự thể cũng chẳng có gì là lạ bởi, dù là vô thần, bản chất thực sự của họ là mê tín. Họ mê tín trước lãnh tụ. Họ mê tín trước giáo điều. Và khi những thứ này hết thiêng mà phải vẫy vùng giữa cái “thị trường quyền lực” đầy bất an, họ phải bám víu vào đám “thầy” sực nức mùi nhang đèn. Trên thì bất an với chuyện quyền lực xuống, lên. Dưới thì nhân dân phải sống trong một môi trường bất trắc – từ chuyện mưu sinh đến việc ăn học hay bệnh tật của con cái đến sự thiếu an toàn của xã hội, v.v. – nên thị trường tâm linh mới sinh sôi mạnh mẽ cùng sự hình thành của những “nhóm lợi ích” tín ngưỡng.

“Lợi ích” của thị trường thờ cúng này không chỉ là vật chất mà còn đi xa như là ý đồ của tên thực dân Jean Decoux vào năm 1940 khi phát động “Phong trào thể thao” để làm giới trẻ Việt Nam sao lãng việc nước non. Và nếu thị trường tâm linh chủ yếu nhắm vào tầng lớp có tuổi thì, với giới trẻ, đã có thị trường của sự… tò mò. Trong khi người lớn mê đắm trong không gian sực nức mùi nhang đèn thì giới trẻ lại sa mình trong không gian ảo với những sóng gió nhí nhách của hậu trường giới phú hào và trình diễn để rồi tất cả, từ trẻ đến già, đều thờ ơ với chuyện … vua Lê.

Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”, Chế Lan Viên từng viết về cảnh lòng người chán nản dưới ách thực dân vào đầu thế kỷ 20 và bây giờ, guồng máy cai trị cũng mong chờ có thế. “Chuyện vua Lê”, gắn chặt với Hồ Gươm, hàm nghĩa “trả lại thanh gươm” nên, với nó, là điều tối kỵ. Với nó thì huyền sử này phải “rêu phong” bởi sự nhạy cảm chính trị, cùng với những địa danh có thể nói lên sự bất xứng với… gươm để hình thành nên những húy kỵ nhức nhối mang tên Gạc Ma, Thành Đô và, thậm chí, cả cuộc chiến gần nhất, vào năm 1979.

Nhưng một dân tộc mà không dám học sử của mình thì dân tộc đó sẽ đi về đâu? Một đất nước không dám tri ân những liệt sĩ bỏ mình vì nước nhưng lại gào rống, run rẩy sụp lạy trước hàng giả của bọn buôn Phật, đất nước đang lụn bại và thoái hóa đến mức nào? Đất nước phải sinh tồn, phải đi lên và, do đó, phải giẫm qua những húy kỵ được sản xuất bởi nhóm lợi ích cộng sinh giữa chính trị và tín ngưỡng.

Behind every great fortune lies a great crime”, đằng sau mỗi tài sản kếch xù nào cũng tiềm ẩn một tội ác kinh hoàng, Honoré de Balzac đã viết thế và, đằng sau những “cung điện” nấp bóng Phật, rực rỡ như những khối tài sản kếch xù ở Bái Đính, Tam Chúc, Hộ Quốc hay Linh Ứng, đang tiềm ẩn những thứ gì?

Cũng cùng một lịch sử khai phá, cũng dồi dào tài nguyên như nhau, tại sao ngày nay người Mexico phải liều mạng vượt biên vào Mỹ để làm thuê, làm mướn? Có nhiều cách giải thích tuy nhiên, trong góc nhìn của mấy “cung điện” trên, chúng ta có thể phân giải qua hình tượng cụ thể của cái nhà thờ. Những nhà thờ Tin Lành ở Bắc Mỹ thường là những nhà thờ giản dị trong khi nhà thờ nào của Giáo hội Công Giáo tại Châu Mỹ La Tinh cũng đồ sộ và nguy nga. Một bên thì cân bằng giữa hoạt động kinh tế và tâm linh nên, bên cạnh việc dành ra một ít để xây dựng nơi thờ phượng giản dị, xã hội đầu tư phần lớn vốn liếng tích lũy được vào những hoạt động kinh tế sinh lợi. Một bên thì của cải dành dụm chạy hết vào những nhà thờ lộng lẫy chỉ để sướng mắt với niềm tự hào suông thì, hậu quả, phải là thua sút, lạc hậu.

Đó, sự mất cân bằng giữa đời sống tâm linh và thế tục, cũng là lý do sẽ khiến đất nước chúng ta tụt lại phía sau. Đất nước đang thiếu bệnh viện và trường học – bệnh nhân chen nhau trên giường, vạ vật cả ở hành lang trong khi cha mẹ thì phải xếp hàng từ khuya vì một suất học cho con – nghĩa là thiếu một cách tuyệt vọng, thiếu đến chán nản. Thế nhưng họ lại mang danh Đức Phật từ bi để phung phí tài nguyên vào những “cung điện” đồ sộ, bát ngát nên vấn đề không đơn thuần là một sự đầu tư lệch lạc mà còn có thể xem như một tội ác. Mà khi chúng còn được dựng lên để con người không chỉ xa rời lẽ đạo mà còn xa rời lẽ nước, hờ hững với “chuyện vua Lê”, khiến đất nước tiếp tục lạc hướng, lẩn quẩn trong vòng u mê để rồi rã dần, nát dần, đó lại là một tội ác cực lớn, cực nặng.

 

Chú thích:

[1] Thích Nguyên Trực (Hoa Trung Nguyen), trụ trì chùa A Di Đà ở vùng Cabramatta, NSW; hiện chùa vẫn hoạt động bình thường. Khi bị bắt, sư khai là thuộc một chùa khác.

Tại Úc thì mại dâm là nghề hợp pháp tuy nhiên các “sex worker” phải làm việc tại các cơ sở đăng bộ và được kiểm tra sức khỏe định kỳ; hoạt động ngoài khuôn khổ này là bất hợp pháp, sẽ bị nghiêm trị, người bán lẫn người mua dâm. Thỉnh thoảng cảnh sát giả gái bán dâm lượn lờ tại các góc đường khuất vắng mồi chài. Nhà sư trên – lúc đó 47 tuổi – đã mắc mưu như thế. Đây là trả giá mà sư cho là đùa” (“Celibate monk asked ‘prostitute’ for sex Nirvana is just $40”, The Daily Telegraph 3/12/2004):

Sư: "How much?"

Gái: "Do you want full sex?"

Sư: "Yes."

Gái:: "$50"

Sau một hồi mặc cả, hai bên đồng ý $40, nhà sư trả lời “Let’s go” thì bị bắt.

Trước toà nhà sư thừa nhận là ông ta có hỏi giá nhưng đó chỉ là sự “tò mò của con người” và giải thích: "I only want to ask her as a joke because of who I am. I would never do anything like that."

Luật sư biện hộ: 1/ hiểu lầm do sư nói tiếng Anh không giỏi; 2/ lúc đó sư chỉ có khoảng từ 20 đến 23 Úc kim trong túi.

Tuy nhiên Tòa tuyên bố sư đã “gạ gẫm gái điếm” (soliciting a prostitute) và ra lệnh phải giữ hạnh kiểm tốt trong vòng 12 tháng (put him on bond for 12 months).

Sau đó sư kháng án với sự giúp đỡ của một luật sư gốc Việt và ngày 18/3/2005 toà Trung thẩm hủy án sơ thẩm, chấp nhận rằng hôm đó nhà sư chỉ tò mò và nói đùa.

[2] Gary Gutting (2005) Foucault: A Very Short Introduction, Oxford University Press, chapter 6.