Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Lã Nguyên – Đọc như là tái thiết ngôn ngữ

Trần Đình Sử

Lã Nguyên là nhà lí luận phê bình văn học Việt Nam xuất hiện từ thời Đổi mới. Trước đó ông đã cùng tôi viết giáo trình lí luận văn học. Ông cùng tôi, với Lại Nguyên Ân phụ việc cho chị Thiếu Mai thời Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Tuy vậy vì mưu sinh, phải sang đầu thế kỉ XXI thì ngòi bút của Lã Nguyên mới tung hoành ngang dọc ở các miền dịch thuật và phê bình. Hoạt động văn học của ông chủ yếu là dịch thuật lí luận và phê bình văn học. Ông dịch thuật tác phẩm của M. Bakhtin, M. L. Gasparov, Ju. Lotman, G. Kosikov… Đã xuất bản sách Lí luận văn học – những vấn đề hiện đại (2017, sách tái bản và bổ sung), Kí hiệu học văn hóa (2016), Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài (2020), Tự sự học – lí thuyết và ứng dụng (nhiều tác giả – 2018), Số phận lịch sử của các lí thuyết văn học ( 2018), Phê bình kí hiệu học (2018), Nguyễn Duy nhà thơ cổ điển hiện đại Việt nam (2021) và nhiều bài báo.

Lã Nguyên tên thật là La Khắc Hòa, sinh năm 1947 tại đất Cổ Bôn, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn (cũ là Phủ Thiệu), tỉnh Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp khoa văn Đại học Sư phạm Vinh năm 1968, được giữ lại làm giảng viên, rồi sau đi học Tiến sĩ ở Leningrad, nay là Sankt Peterburg, Liên bang Nga. Sau khi về nước ông dạy học ở khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến khi về hưu. Ông đã tham gia viết báo, viết giáo trình, viết tài liệu học tập từ những năm 80, nhưng chủ yếu là tích lũy để đến đầu thế kỉ này thì ông mới xuất hiện dồn dập với nhiều công trình kể trên.

Mặc dù kí hiệu học đã được giới thiệu và ứng dụng vào Việt Nam từ những năm 70 thế kỉ trước, song phải đến Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên chúng ta mới có thể coi là một thành quả đáng kể của việc vận dụng lĩnh vực tri thức này vào nghiên cứu văn học, nghệ thuật Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành và triển vọng của ngành nghiên cứu kí hiệu học nước nhà.

Vấn đề kí hiệu tuy đã biết từ xưa, song trở thành môn khoa học chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỉ XX, bùng nổ vào những năm 60 và có sự phát triển vượt bậc từ những năm 70 thế kỉ trước. Thế giới có nhiều trường phái kí hiệu học: F. de Saussure, Ch. Peirce, E. Cassirer, trường phái Tartu-Moskva.

Lã Nguyên đặc biệt tâm đắc với trường phái kí hiệu học văn hoá của Ju. Lotman, có một quá trình nghiên cứu lâu dài. Thành quả này có thể nhận thấy qua mấy điểm sau đây. Một là tác giả từ mấy chục năm gần đây đã phiên dịch, giới thiệu kí hiệu học và diễn ngôn học của M. Bakhtin, Ju. Loman và các học giả nổi tiếng khác (xem: Lí luận văn học – Những vấn đề hiện đại (2012, 2017), Kí hiệu học văn hoá, 2014, 2015). Hai là vận dụng một số khái niệm kí hiệu học để mô tả khá thuyết phục một số ngôn ngữ nghệ thuật trong một số văn bản văn học được tập hợp trong cuốn sách này.

Như đã biết, ngôn ngữ nghệ thuật hình thành trên cơ sở ngôn ngữ tự nhiên nhưng không đồng nhất với ngôn ngữ tự nhiên. Là ngôn ngữ nghệ thuật, người ta chỉ có thể miêu tả nó (như miêu tả tiếng Việt, tiếng Anh), mà không thể định nghĩa nó. Mà muốn miêu tả thì phải có khái niệm công cụ, thao tác khoa học thì mới làm được. Ngày trước cũng có người muốn miêu tả kí hiệu trong ca dao, tục ngữ và thơ ca, nhưng chỉ với cặp khái niệm cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mô hình giao tiếp của R. Jakobson nguời ta đã không làm được.

Các bạn hãy đọc bài Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và hệ hình giao tiếp nghệ thuật của Lã Nguyên. Vấn đề nổi bật trong giao tiếp là ai nói, nói gì, nói với ai, nói thế nào, vạch ra các yếu tố ấy với trật tự của chúng trong một trào lưu văn học, ta có mô hình giao tiếp của trào lưu ấy. Trong trường hợp văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam (văn học này ở Liên Xô, Trung Quốc thời trước cũng có tình hình tương tự, nhưng không đậm đặc như ở ta, nhất là trong thơ Tố Hữu), ta nghe được tiếng nói của kẻ chiến thắng, nói về bốn nhân vật-kí hiệu: lãnh tụ anh minh, mẹ vĩ đại, chúng con chiến đấu anh hùng, bên cạnh đó là kẻ thù - bầy thú man rợ, đã khái quát được các nhân vật chính của một nền văn học. Trong “chúng con” lại có hai loại kí hiệu: một loại được nói, tuyên bố các chân lí, một loại chỉ hành động mà không nói. Chỉ với các kí hiệu ấy văn học chúng ta đã kể và nói vô vàn câu chuyện của văn học một thời. Điều thú vị là không chỉ thơ mà cả văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa trên nét lớn đều đặt vừa khít vào cái mô hình giao tiếp đó, nó chính là các từ vựng cơ bản trong ngôn ngữ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn trước năm 1975.

Nói đúng hơn đó là siêu ngôn ngữ của văn học tuyên truyền mà mỗi nhà văn, mỗi thể loại, mỗi tác phẩm văn học cụ thể lại có ngôn ngữ cụ thể. Đó là siêu ngữ của một thời lạm phát các loại kí hiệu để động viên con người, tạo thêm động lực bổ sung khi trong thực tế con người chỉ có thiếu thốn và đau khổ, khi “tiếng hát át tiếng bom”, “một người làm việc bằng hai”, “một ngày bằng hai mươi năm”, “lịch sử chọn ta làm điểm tựa”, “trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”. Văn học ấy là sản phẩm của trường kí hiệu ấy. Con người đương thời sống và cảm xúc trong dòng thác các kí hiệu ấy mà phần nào cách li với thực tế khắc nghiệt, coi mô hình ấy là cuộc sống thật. Theo tôi, không chỉ văn học, mà cả hội họa, điêu khắc, sân khấu và đặc biệt là âm nhạc, ca khúc thời ấy cũng đều sáng tác theo mô hình giao tiếp ấy. Bạn sẽ hỏi: Vậy độc giả đương thời có hiểu nền văn học ấy theo mô hình giao tiếp ấy hay không? Tôi nghĩ họ vẫn hiểu như thế, nhưng xem đấy là chân lí duy nhất đúng và chân thật, đồng thời cảm thấy nó đẹp đẽ, ngọt ngào. Nhưng khi bạn đọc đã có ngữ cảnh khác, một mô hình giao tiếp khác, thì cái mô hình kia mới lộ ra sự khuôn sáo và sơ lược.

Trong bài Nguyễn Tuân, nhà văn của hình dung từ, nhà nghiên cứu lại xem nhà văn là người viết và đi tìm cách viết của nhà văn, từ đó chỉ ra Nguyễn Tuân là nhà văn của hình dung từ. Hình dung từ là tên gọi của nghệ thuật miêu tả nó làm nhạt đi hứng thú đối với cốt truyện gay cấn. Lã Nguyên đã chỉ ra nội hàm của cái hình dung từ ấy trong suốt tiến trình viết của nhà văn trải qua các giai đoạn: hình dung từ về kì nhân, kì sự, kì thú, sang văn học cách mạng ông chuyển sang hình dung từ về kì quan (cảnh sắc đất nước) và quái nhân (tức viết về phi công Mĩ). Khi viết về kì quan và về quái nhân, nhà văn đồng thời thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà chủ thể là người mang hệ giá trị của người chiến thắng. Sử dụng hình dung từ chính là ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nó không chỉ miêu tả mà còn biểu diễn, làm dáng đủ loại cung bậc. Chỉ bấy nhiêu kí hiệu Lã Nguyên đã khái quát gần như trọn vẹn toàn bộ phong cách nghệ thuật của nhà văn, cả nét đẹp, độ tinh vi, nét cá tính lẫn nhược điểm. Chỉ có “kì văn” là nhà nghiên cứu chưa làm, bởi làm việc này đòi hỏi sẽ phải một cuốn sách dày thì mới nói hết. Tôi đặc biệt đánh giá cao các bài tiểu luận loại đó, coi là những bài phê bình kí hiệu học đúng nghĩa. Đọc các bài ấy, dù bạn đọc đã rất quen với đối tượng nghiên cứu của chúng vẫn cứ thấy ngạc nhiên thú vị về những điều mới lạ vừa được phát hiện. Cho nên không phải ai cũng cảm thấy được cái mô hình ấy.

Theo kí hiệu học, sự phát triển, biến đổi của văn học một thời đại hay sự đổi thay phong cách một nhà văn đều có nghĩa là biến đổi về ngôn ngữ nghệ thuật và đều có thể nghiên cứu từ phía kí hiệu học. Lã Nguyên đã có các bài viết về bức tranh thể loại văn học của giai đoạn văn học 1975, tiếng nói to, nói nhỏ trong giai đoạn văn học sau năm 1986, bước ngoặt của Nguyễn Huy Thiệp trong văn học đổi mới, dấu hiệu hậu hiện đại trong văn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, ngôn ngữ nghệ thuật của Sương Nguyệt Minh trong Miền hoang, hay những đổi mới trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Đặng Thân. Lã Nguyên đã sử dụng các biểu hiện kí hiệu khác nhau khá thành thục. Khi thì tiếng nói to, nói nhỏ, khi thì hình ảnh áp phích, tượng đài thị giác, khi thì không gian nghệ thuật, khi thì nguyên tắc dương tính, âm tính, khi thì các phép tu từ kí hiệu học như phúng dụ (allegorie), biểu trưng (embleme), biểu tượng (symbole), giai thoại (anecdote), nghịch dị (grotesque). Lã Nguyên thường dùng lối đối lập ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại này với thời đại kia, với khung tri thức của chúng, ví như văn học trung đại, văn học trước 1975, văn học đổi mới, văn học hậu hiện đại. Các thao tác nghiên cứu giúp cho người đọc một cách nhìn, một cách kiểm chứng, một nhận thức có tính thực chứng, khách quan, một tri nhận cụ thể về ngôn ngữ nghệ thuật, sự khác biệt của nó với ngôn ngữ tự nhiên. Ông vừa nghiên cứu vừa diễn giải các phạm trù, khái niệm kí hiệu học mà ông sử dụng, giúp bạn đọc có thêm tri thức để lí giải, dẫu có lúc có thể hơi dài dòng và có những chỗ trùng lặp, vì đã nói ở bài này rồi, sang bài sau thấy nói lại. Có thể có chi tiết bạn đọc sẽ có chút hoài nghi, song đối với một hướng phê bình mới, chúng không ảnh hưởng đại cục.

Sự giải mã của Lã Nguyên đối với văn học giai đoạn trước không phải là giải mã của kẻ đương thời, mà là kẻ giải mã của người thời đại sau, khi dòng thác kí hiệu của một thời đã đi qua, nó có ý vị như một phản tỉnh, một tái nhận thức, một lời chào biệt. Ông không đứng ở vị trí của người đam mê đương thời, không ở vị trí của “fan” hâm mộ Nguyễn Tuân. Sự giải mã đối với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Xuân Khánh… lại có ý vị khác. Nó là giải mã đồng thời là chào mừng, mời gọi một ngôn ngữ mới, thúc giục chúng nảy sinh. Chính ở đây thể hiện bản chất của phê bình.

Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên là sự mở rộng thi pháp học sang một lĩnh vực mới với những công cụ mới. Tuy nhiên ông vẫn kế thừa thi pháp học ở tính quan niệm của hình thức, bởi hình thức mang tính quan niệm là một cách nói khác về tính kí hiệu của nghệ thuật. Điều này thấy rõ qua thao tác chung của nghiên cứu thi pháp và kí hiệu học trong quá trình kiến tạo kí hiệu của Lã Nguyên. Điều này cũng thấy rõ qua bài Thơ Tố Hữu – kho “kí ức thể loại” của văn học từ chương, thì những lời thề, cáo, chiếu, biểu, hịch, tâm thư đều đã được nói trong Thi pháp thơ Tố Hữu ở phần Thể loại thơ trữ tình chính trị sử thi. Lã Nguyễn chỉ đặt lại trên bình diện khác.

Phê bình kí hiệu học chính là phát hiện, kiến tạo kí hiệu, giải mã kí hiệu, phiên dịch kí hiệu, là giải thích ý nghĩa của các kí hiệu. Kí hiệu học cũng là nghĩa học. Từ nghĩa của người phát, sang nghĩa của văn bản đến nghĩa của người giải thích đều đã có sự thay thế, sự đổi thay. Văn bản bao giờ cũng đa mã, đa nghĩa, mã văn bản và mã giải thích không đồng nhất, đồng thời trong quá trình tồn tại của văn bản có những ý nghĩa chết đi và ý nghĩa mới sinh thành theo ngữ cảnh mới. Một sự giải mã mới sẽ khiến cho cách giải mã cũ trở nên vô hiệu và khi chưa có cách giải mã khác thì nó vẫn là cách đọc hợp lí. Đây chính là thực chất của lịch sử phê bình và tiếp nhận và cũng là ý nghĩa của phê bình kí hiệu học hôm nay.

Ý nghĩa của phê bình kí hiệu học rất to lớn. Bởi kí hiệu là phương tiện duy nhất của mọi hoạt động biểu nghĩa, giải nghĩa, giao tiếp, của văn hoá nói chung, phương tiện duy nhất để lưu giữ thông tin và sản xuất thông tin. Kí hiệu cũng là cấu trúc nội tại của mọi hoạt động biểu nghĩa. Nghĩa, ý nghĩa (bao gồm sự nảy sinh, phát đi, truyền đạt, tiếp nhận, hiểu, biến dị) là vấn đề hạt nhân của mọi khoa học nhân văn mà nghiên cứu văn học là bộ phận trong đó. Kí hiệu học được coi như là phương pháp luận chung của khoa học xã hội và nhân văn. Như thế phê bình kí hiệu học là khuynh hướng phê bình phù hợp nhất của thời đại. Đó là con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất đi thẳng vào biểu nghĩa của văn bản. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định kí hiệu học sẽ là khuynh hướng của phê bình văn học thế kỉ XXI. Bởi văn học thế kỉ XXI sẽ tự giải thoát khỏi những cách biểu đạt “phản ánh” hiện thực theo lối “ngây thơ” hay “tự biểu hiện” một cách vô thức, khi đó nghệ thuật sẽ tự giác sử dụng vô vàn kiểu kí hiệu để thể hiện tư tưởng. Tốc độ biến đổi của văn hoá trong thời hội nhập gia tăng, hoạt động kí hiệu ngày càng sôi động, nhu cầu biểu nghĩa và giải mã đột biến. Cách biểu đạt của văn học cũng ngày càng mới lạ. Như cầu đọc hiểu các văn bản mới ngày càng cấp thiết. Một khi đã miêu tả được ngôn ngữ nghệ thuật của văn bản thì nghĩa và ý nghĩa của nó cũng tự hiển lộ, và nhà nghiên cứu không cần phải bình tán gì về nội dung của văn bản nữa, mà người đọc tự cảm thấy tất cả dư vị của sự phát hiện. Phê bình kí hiệu học cho thấy tính chất sắc bén của nó trong việc đọc các văn bản khó, dài, nhiều trang hoặc rất bề bộn. Bởi ngôn ngữ nghệ thuật này bị giấu kín dưới bức tranh đời sống sinh động, cho nên đi tìm ngôn ngữ này tương tự như một cuộc khảo cổ. Nó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có thao tác mới, rất công phu, kiên nhẫn, phải đọc thuộc, hầu như rất thông thuộc, thậm chí là thuộc lòng cái văn bản được nghiên cứu, xác lập mô hình, rồi kiểm chứng, khớp lại với từng văn bản trong cái tổng thể được nghiên cứu, nếu thấy khớp thì lúc đó mới yên tâm về sự khái quát về ngôn ngữ.

Kí hiệu học của Lã Nguyên không phải là kí hiệu học kiểu F. Saussure, R. Jakobson, R. Barthes, U. Eco, mà là kí hiệu học của trường phái Tartu-Moskva của Ju. Lotman và các nhà kí hiệu học Nga thời kì hậu xô viết, đặc biêt là trường phái M. Bakhtin, N. Tamarchenco, V. Tiupa, Ju. Shatin. Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên xuất hiện vào giai đoạn mà sự hạn hẹp của kí hiệu học Saussure được khắc phục, kí hiệu ba thành phần của Peirce được sử dụng. Không phải ngẫu nhiên mà Lã Nguyên không dùng đối lập nhị nguyên cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mà lưu ý tới kí hiệu ba thành phần: tên gọi, nghĩa và ý nghĩa. Đây chính là nguyên nhân khiến cho phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên khác với nghiên cứu kí hiệu học của Phan Ngọc, Hoàng Trinh và những người khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong khi tiến hành phân tích kí hiệu học đối với văn bản ông đều sử dụng các mã văn hoá, tức là mã liên văn bản đã có trước thể hiện trong văn bản. Ông giải mã Nguyễn Tuân dựa vào một chữ “kì” đã có trong văn học trung đại.

Tập sách nhỏ về thơ Nguyễn Duy của Lã Nguyên nêu ra một vấn đề rất lớn đối với văn học sử đương đại Việt Nam. Đó là vấn đề loại hình hóa các dòng văn học trong nội bộ của nó. Bấy lâu nay ta quen nhìn văn học đương đại từ cách mạng tháng Tám 1945 như một dòng thống nhất, duy nhất, như sản phẩm quy tụ của nhiều dòng khác biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các dòng lệch lạc đã bị phê phán, đánh đổ hết rồi. Sự đa dạng được tính bằng phong cách cá nhân. Sự khác biệt của nền văn học được xét theo giai đoạn lịch sử. Văn học kháng chiến chống Pháp, văn học thời chống Mĩ, văn học thời Đổi mới, hậu Đổi mới.

Với thực hành phân tích diễn ngôn nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, Lã Nguyên chứng minh thơ Nguyễn Duy, tuy hợp lưu với dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử của nó, song nó không phải là thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa, bởi nó không phải là thơ ca của Đảng, “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa” (Tố Hữu), không phải thơ của nghệ sĩ chiến sĩ theo mẫu hình của Đảng. Thơ Nguyễn Duy là thơ của chúng sinh, của Dân trong suốt đường thơ của ông. Lã Nguyên đã tiến hành một cuộc giải phẫu, đối lập giữa một bên là thơ Tố Hữu, loại hình thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa của Đảng tiêu biểu nhất và một bên là thơ Nguyễn Duy, nhà thơ của chúng sinh trên các mặt hình tượng tác giả – kiểu nhà thơ như người sáng tạo một loại hình thơ, nhân vật trữ tình (trả lời câu hỏi ai nói trong thơ), thể tài và cảm hứng (trả lời câu hỏi thơ nói gì), ngôn ngữ và giọng điệu (thơ nói bằng ngôn ngữ nào), và cuối cùng rút ra kết luận như đã nói từ đầu: “Nguyễn Duy là nhà thơ hiện-đại-cổ-điển Việt Nam, sáng tác của ông không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa.” Việc so sánh, đối chiếu được tiến hành rất chặt chẽ bằng những khái niệm có độ tin cậy cao, mang nội hàm thế giới quan sâu sắc, và hàng loạt các ví dụ thơ cùng loại và khác loại mà mọi người đều có thể kiểm tra bằng hiểu biết của mình. Sự khác biệt của kiểu nhà thơ Nguyễn Duy so với kiểu nhà thơ - chiến sĩ của Tố Hữu hoàn toàn không phải khác biệt về cá tính hay phong cách cá nhân, mà khác biệt về nguyên tắc trong nhãn quan của nghệ thuật. Bởi vì trong mỗi kiểu ấy, mỗi nhà thơ lại có phong cách riêng của họ. Một đằng là kiểu nhà thơ - chiến sĩ, được sinh ra từ sự kiện cách mạng, mang sứ mệnh thiêng liêng, đảm nhiệm việc tuyên truyền lí tưởng, ngợi ca chế độ, lãnh tụ và quần chúng nhân dân đi theo Đảng, sống cùng Đảng, chết không rời Đảng, vạch ra những chân lí lớn của thời đại, cổ vũ chiến đấu cho lí tưởng sáng ngời, chỉ nói tiếng nói của Đảng và cách mạng. Một đằng là kiểu nhà thơ chúng sinh, sinh ra như mọi đứa trẻ ở thôn quê, lớn lên trong mọi hoàn cảnh đời thường, nói tiếng nói của tầng lớp dưới đáy, đời thường, tình cảm cha mẹ, vợ, con, bà cháu, với khát vọng cải thiện hoàn cảnh đất nước, không theo chủ nghĩa gì. Sở dĩ khác biệt thế là vì, tuy cùng sống trong một bầu không khí tình thần thời đại, nhưng Tố Hữu là người lãnh đạo, ông quán triệt tính đảng sâu hơn, còn nhà thơ - người lính như Nguyễn Duy, ông chỉ cảm nhận như người thường, quan tâm sự sống, cái chết, buồn vui đời người thường dân, không mảy may quan tâm đến sứ mệnh lịch sử của Đảng.

Nếu chứng minh của nhà phê bình văn học Lã Nguyên có đủ sức thuyết phục mà được thừa nhận phổ biến, thì việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam từ năm 1945 đến nay đứng trước một viễn cảnh khoa học rất khả quan. Chúng ta sẽ bằng phân tích diễn ngôn mà chỉ ra, bên cạnh dòng văn học chủ lưu do Đảng lãnh đạo hùng mạnh, thu hút nhiều nhân tài, phục vụ cho cuộc đấu tranh của Đảng, còn có các dòng sáng tác khác nhau trong mỗi thời, nhỏ hơn, yếu thế hơn, theo những nhãn quan nghệ thuật khác, xuất hiện trong các thời kì của lịch sử. Đó có thể là những dòng văn học đã xuất hiện và đã bị phê phán, bị thủ tiêu, gắn cho những nhãn mác thù địch, suy đồi, xa lạ với vô sản, thiếu tính đảng. Đó có thể là nhiều nhà văn có quan điểm khác, tương tự như kiểu nhà thơ chúng sinh của Nguyễn Duy, chẳng hạn như kiểu nhà thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hoàng Hưng, Lưu Quang Vũ, Ý Nhi, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo và nhiều người khác. Và ngay trong các nhà thơ kiểu chiến sĩ, bên cạnh sáng tác theo đơn đặt hàng của Đảng, họ còn sáng tác theo kiểu nhà thơ khác. Bởi vì theo lí thuyết và lịch sử, một nhà thơ có thể đồng thời sáng tác theo những kiểu nhà thơ khác nhau. Chính Tố Hữu trong tập Một tiếng đờn đã là một kiểu nhà thơ khác.

Điều này không mới lạ gì đối với lí luận của Liên Xô trước đây. Năm 1954, sau khi Stalin mất, trong Đại Hội lần thứ 2 của Hội Nhà văn Liên Xô, các nhà văn đã yêu cầu nới rộng các hạn chế của phương pháp. Từ đó cho đến những năm 1966 các dòng văn học khác nhau xuất hiện, và năm 1966, M. B. Khrapchenco, G. N. Pospelov đã đề nghị phân biệt văn học xô viết với văn học sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Theo đó, văn học xô viết bao hàm trong nó những sáng tác không theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn như các sáng tác Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó của M. Bulgakov, thuộc văn học xô viết, nhưng không theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1971, D. Markov đề xuất quan niệm văn học xã hội chủ nghĩa là một hệ thống mở, nghĩa là trong hệ thống đó, bên cạnh dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn có nhiều dòng khác. Từ thực tế đó quay lại nhìn nhận văn học cách mạng Việt Nam thực tế là một hệ thống mở với nhiều kiểu tác giả khác nhau. Quan điểm của chúng ta trước đây đối với các dòng ấy quá nghiệt ngã, nhưng rồi từ ngày Đổi mới đến nay, quan điểm của chúng ta trở nên mềm mại hơn, bao dung hơn, có đánh giá lại, trao giải thưởng, in tác phẩm, và theo logic, nên chấp nhận có các kiểu sáng tác khác nhau trong nền văn học đương đại Việt Nam. Đặc biệt từ sau năm 1986, các nghị quyết của Đảng liên quan đến văn nghệ đều không nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, khuyến khích tìm tòi phương pháp và phong cách khác nhau. Tuy nhiên các nhà văn học sử Việt Nam tuy có lối mở như vậy, nhưng vẫn thận trọng tư duy như cũ. Phải chăng họ chờ một cú hích như công trình này của Lã Nguyên rồi mới động chân động tay?

Công trình của Lã Nguyên không chỉ là một đề xuất về văn học sử, mà bản thân còn là đề xuất về thực hành phân tích diễn ngôn về văn học, về thơ, có thể giúp gợi mở một cách tiếp cận thi ca để khắc phục cái tệ “diễn, bình, tán” trong phê bình, mà sinh thời học giả Hoàng Ngọc Hiến đã chỉ ra. Công trình này, cũng tựa như công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của chúng tôi mà tác giả có nhã ý nhắc đến đôi chỗ, nhằm xác định địa vị lịch sử của thơ Tố Hữu trong văn học Việt Nam, còn gợi lên cách tiếp cận chuyên luận về sáng tác của một tác giả có tầm cỡ. Nguyễn Duy là một nhà thơ nổi tiếng. Song địa vị lịch sử của thơ ông trong nền thơ Việt Nam đương đại thế nào, mặc dù đã có vài người nhắc đến, nhưng rõ ràng Lã Nguyên đã đem đến một câu trả lời sáng tỏ nhất. Công trình này mong sẽ kêu gọi xuất hiện thêm những chuyên luận cùng loại, phân biệt với loại đại chúng “Tác giả xxx, đời và thơ”.

Bằng những bài nghiên cứu táo bạo, công phu, Lã Nguyên đã trình làng một hướng phê bình mới, phê bình kí hiệu học. Chúng tôi vui mừng tin tưởng rằng khuynh hướng này sẽ nhanh chóng được bắt rễ, lan toả trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam, làm cho bức tranh nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam thêm đa dạng.

 

image

Trần Đình Sử và Lã Nguyên