Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Khi lớp màn bị thay thế bởi tấm gương soi (Đọc Hồi phục của Phan Hồn Nhiên)

Đoàn Huyền

image  

Phong cách tự sự của Phan Hồn Nhiên trong Hồi phục chuẩn xác, mạch lạc, lại trang nhã, điềm nhiên. Cách viết của cô là cách người ta dựng lên những bản thiết kế, cách người ta gạt mọi thứ vào trong khuôn, cách người ta bọc thế giới lại trong một lớp màn. Đó là lý do các tác phẩm trong Hồi phục dễ cho ấn tượng về những câu chuyện diễn ra đằng sau một tấm kính, đằng sau một màn hình: hiển hiện đấy, cử động đấy nhưng bằng một hiện diện, một động đậy của hình ảnh; rõ ràng đấy, rực rỡ đấy nhưng bằng sự rõ nét, sự sặc sỡ của màu vẽ. Nhân vật của thế giới “phản chiếu và in bóng lẫn nhau nhưng không hề nhìn thấy nhau” ấy dường như khó cưỡng chống xu hướng sống đời nhân vật truyện tranh. Nhưng khi lớp vỏ được bóc đi, hiện lên, một thế giới rậm rì sự sống, một thế giới lấp lánh những tấm gương soi, một thế giới phản chiếu nhau, nhìn thấy nhau trong lúc nhìn thấy chính mình.

Khi thế giới bọc trong một lớp màn

Mười tác phẩm trong tập truyện về cơ bản có cùng một diễn tiến: thế giới khi nhìn qua một lớp màn, thế giới lúc lớp màn bị lột bỏ. Khi lớp màn còn bao phủ, thế giới của truyện được đẩy ra sau màn hình, cắt đứt mọi gắn bó với đời sống, rút cạn lại trên bề mặt. Vào lúc bị đẩy lên bề mặt, chia lìa với những huyệt đạo cắm sâu trong lòng sự sống, tất cả còn lại chỉ là một màn ảnh, bao nhiêu động lực sống của con người tụ lại có một điểm: trình diễn. Con người bẻ đi những cành nhánh ngang dọc, nhổ đi những chùm rễ hoang mang bổ về hố thẳm, xóa đi mọi chiều sống của bản chất người ngổn ngang, để chỉ còn lại một mặt phẳng dẹt, để bọc mình trong một “lớp vỏ”, để trở thành một hình ảnh.

Trở thành một hình ảnh chính là cách thế của đa số các nhân vật trong Hồi phục – “phần đông người ta truy đuổi hoặc sao chép một hình ảnh nào đó” (Cảnh biển)[1]. Nhưng “một hình ảnh nào đó” ở đây thường chỉ đổ về đúng một kiểu mẫu – hình ảnh của các gương mặt trang bìa, của những chân dung “tươi tắn” nơi mấy “trang đầu” “quyển album gia đình” (Cảnh biển), của “những mẫu hình đẹp đẽ dù quan sát ở góc độ nào” (Nâng cốc). Bởi đó là bản chất và hiệu lực của hình ảnh: phủi bỏ những bất an, xóa dấu những hỗn loạn, nắn chỉnh dòng chảy bất định, âm u của nội tâm, để tạo sinh cảm giác đẹp đẽ, lạc quan, tươi vui mà vững chắc, an toàn, yên ổn. Hình ảnh, mà kết tinh cao nhất của nó – hình mẫu, là hiện thân của ý niệm về sự ấn định, cố định, ổn định. Trở thành một hình ảnh, nghĩa là người ta lẩn tránh những ngẫu nhiên, bất ngờ lẫn những biến động, hiểm họa mà sự sống dâng hiến, từ chối sống đời hoa trái thơm tho rập rờn giữa đường biên mong manh của rạng rỡ và hư hoại. Nhưng ý niệm không những vốn xa lạ với bản thân sự sống mà còn cắt xẻ, hủy hoại các cuộc đời bằng sức mạnh sắc lạnh và thô bạo. Bởi thế cuộc trình diễn mình như những hình ảnh luôn đi đến một chung cuộc nơi những phô bày dù đẹp đẽ, những thành tựu dù vẻ vang, con người, rốt cuộc, “vẫn cứ tê tái cảm giác thua cuộc”[2].

Vào lúc “tuổi già”, hoặc lúc, tình cờ, một biến cố lăn đến, hình ảnh tuột khỏi nhân vật, vai diễn chối từ kẻ diễn trò. Người mẹ trong Cảnh biển bị “luồng sáng thẳng thừng không che chắn” lột bỏ lớp tuồng của hình ảnh như “bước ra từ tạp chí, minh họa cho các bài viết về tận hưởng cuộc sống tươi đẹp khi đã ở bên kia con dốc đời người”, để trả lại cho bà bộ dạng già nua và mỏi mệt: “đôi mắt nhạt màu”, “hàng lông mày đã rụng phần nhiều”, “đôi vai trơ xương và khuôn hàm lỏng lẻo”. Gương mặt thực sự của “người mẹ không ngừng trốn chạy”, của người mẹ chỉ đủ can đảm “hiện diện” “vài trang đầu” “quyển album gia đình” hiện lên thành một gương mặt bị bôi xóa, một gương mặt không đường nét; “khoảng tối nào đó”, “bên trong”, “bà không muốn bị nhìn đến, không muốn phải nghĩ đến”, giờ tìm thấy chỗ của mình trên chính gương mặt bà – “toàn bộ các chi tiết trên đó bị gột trắng, nổi lên duy nhất khuôn miệng mở hé như một hố đen.” Người thiết kế lớn tuổi trong Nâng cốc – “một hình mẫu đặc biệt”, đi đến chặng cuối của một cỗ máy đã vận hành êm xuôi ba mươi năm, chỉ để thấy tất cả đều là không: sự tan biến của những ý niệm – “một tên tuổi được nể trọng trong giới thiết kế. Một người bất khả chiến bại”, và, cùng với nó, sự hiển hiện của “tàn lụi”, “tuyệt vọng”, “cô độc”, “trống rỗng”, tức, thấy mình trong “một hình ảnh người ta vẫn tình cờ bắt gặp đâu đó, chấp nhận, nhưng chẳng bao giờ mong muốn trở thành.”

Tạo dựng mình thành những hình ảnh dựa trên các ý niệm, để rồi trở thành chính các ý niệm, phần đông những nhân vật của tập truyện tạo ra các ấn tượng mang sắc diện đối nghịch: nhã nhặn nhưng xa cách, hòa nhã mà dửng dưng. Và không gian sống duy nhất của họ là một bề mặt kim loại trơn láng, sáng lạnh, khô ráo và vô cảm, nhưng tiện lợi, bóng lộn, sạch sẽ như màn hình vô tuyến. Mối quan hệ giữa các cá nhân thành ra một “mạng lưới”, nơi mỗi cá thể là một “đốm sáng”. Các cá thể “gài gài” vào nhau, ở cạnh nhau, va chạm hoặc êm xuôi, nhưng không nuôi nấng sự gắn bó, không trao gửi sự nâng đỡ, không tạo sinh hơi ấm. Người ta cất tiếng nhưng không để nói với nhau: “Các vấn đề không ăn nhập, duy trì kiên tục, tạo nên cuộc đối thoại kỳ quặc... Không ai thực sự nghe ai. Không ai cần hiểu rõ người bên cạnh mình” (Cảnh biển). Nên, thân thích với tha nhân cũng cùng một sự xa lạ “ngay cả những người sống cạnh, vợ chồng ta, con cái ta cũng thế.... Kỳ thực, cũng như những kẻ khác, họ hoàn toàn không biết ta là ai” (Nâng cốc). Bởi mối quan hệ của họ là mối quan hệ giữa các sinh vật xứ lạnh – những “con gấu trắng đi dọc bờ biển băng giá” nên “thường mất hút nhau vì mỗi kẻ đều tan lẫn vào không gian trắng xóa quanh mình” (Đĩa nhạc Milhaud), nên bất kể trạng thái gần kề của các thân thể, “bất kể họ đứng ngay dưới lò sưởi”, người trong cuộc luôn “có một ám ảnh về việc giữ ấm” (Hồi phục). Thái độ của người kể chuyện của Đứa trẻ dành cho “bà bác đau ốm”, người “bảo trợ cho các chương trình học tốn kém” “trong suốt mười năm,” người mà tài sản của bà, anh sẽ là người thừa kế, thành ra lại là màu sắc đậm đà nhất giữa các mối cảm tình mờ nhạt – “sự lạnh nhạt khốn khiếp” của “một con kền kền” “đã bị thui chột bản năng rình mồi.”

Đáng nói, tình thế người ta mất hút lẫn nhau không phản ánh về “thế giới phản chiếu và in bóng lẫn nhau nhưng không hề nhìn thấy nhau” nhiều cho bằng về thế giới nội tâm thất lạc sâu xa với chính mình, về những tồn tại đang tự thân tan rã: “Các thời khắc đã trôi qua [...] trong chuỗi hình ảnh nối tiếp ấy, anh bỗng nhận ra anh cũng đang tan biến đi, rỗng xốp, rồi dần trở nên trong suốt cho đến khi anh không còn có thể nhìn thấy chính anh” (Đĩa nhạc của Milhaud). “Thế giới phản chiếu và in bóng lẫn nhau nhưng không hề nhìn thấy nhau” là thế giới con người lẩn trốn mình và xa lạ với kẻ khác, thế giới con người dứt mình khỏi mạch nguồn của bản thể và chia lìa với sự kết nối ngoại giới. Họ đánh mất nguồn lực và động lực sống đích thực. Đó phần nhiều là hình ảnh thế giới con người hiện đại, nơi chi có “ánh sáng của mặt trời lạnh”, nơi con người những tin “mình là một súc thịt bị đóng hộp” (Vàng ngô). Bởi nơi đó lớp màn bọc bao lấy thế giới, bưng kín hơi thở và nhịp đập của sự sống. Lớp vỏ bọc “quấn chằng chịt” trên bề mặt thế giới ấy khiến nó như thể một “xác ướp băng giá” (Chìa khóa). Dưới lớp màng bọc ấy, sự sống như mất dấu. Nhưng khi thế giới xoay nghiêng, cái bề mặt, mà người ta tưởng là toàn bộ thế giới, chợt nứt vỡ, lớp màn, mà người ta tưởng là vĩnh viễn cố định, rách rời, thế giới bề sâu đột hiện – nơi kẻ này nhìn thấy phản chiếu của chính mình trong kẻ khác, nơi người ta trở thành những tấm gương soi, nơi có ánh sáng và hơi ấm. Nơi, sự sống, hiển hiện và nối dài.

 

Thế giới lấp lánh những tấm gương soi

Thế giới “phản chiếu và in bóng lẫn nhau nhưng không hề nhìn thấy nhau” là kết quả thái độ sống “giữ khoảng cách vừa đủ”, “không cho phép kẻ lấn tuyến vượt lên”, “nắm bắt từng phần thế giới chung quanh, tiên lượng các va đập bên trong nó, đồng thời giữ một vị thế an toàn tách biệt cho chính mình.” Nhưng, kỳ thực, khát khao vượt khỏi lớp rào, chạm tới và gắn kết với điều gì đó, người nào đó ở thế giới bên ngoài vẫn tồn tại như một khoảng trống mơ hồ, chập chờn như một đốm lửa luôn mong được bùng cháy. Khát khao âm thầm ấy càng được kích thích và làm đậm thêm khi những cảnh huống họ lâm phải trong cuộc đời, cho họ biết “ấn tượng” mình là “kẻ cầm trịch trong các biến cố đời mình” chỉ là hư ngụy.

Những cuộc soi chiếu và đổ bóng lên nhau diễn ra trong toàn tập truyện. Nhưng nếu cuộc soi chiếu đó chỉ là sự phóng chiếu lên nhau những sự thật tăm tối, và những ảo ảnh của nội tâm đầy ẩn ức thì nó rút cục sẽ đi đến một cuộc tương tàn của những tâm hồn yếu đuối, để sắt thép và năng lượng bạo tàn của kim loại lên ngôi, như tình thế của hai nhân vật trong truyện Hồi phục: “Anh”, và Biên. Nhưng đây là trường hợp duy nhất mà ở đó sự phản chiếu bị phủ nhận, sự “xâm lấn” bị chặn đứng, trong những cuộc soi chiếu và đổ bóng ấy. Những sự soi chiếu ở các trường hợp khác dù không yên ả nhưng không va chạm và thường đi đến một trạng thái thấu hiểu sâu hơn về chính bản thân mình.

Chúng có thể là một cuộc soi chiếu một chiều: sự phân thân của tự ngã trong tha nhân. Sự phân thân ấy có thể là nỗi dằn vặt của nhân vật này, trong một ảo giác nào đó đã hiện thân thành chính nhân vật kia, để chất vấn và kết án chính mình, như trường hợp của Tommi và “thằng bé” trong Đứa trẻ: “Đứa trẻ hỏi về Knut. Tôi nói con chó đã có một nơi tốt hơn. Cho đến khi thằng bé tình cờ nhìn thấy bức ảnh con chó bị bắn chết [...] Nó không hoảng sợ, cũng không shock. Nó chỉ liên tục đặt câu hỏi vì sao lại làm như thế,... Thoạt đầu tôi giải thích. Nhưng làm sao thằng bé tin khi tôi cũng không tin điều mình nói. Bỗng nhiên nó chuyển qua nguyền rủa tôi, như thể không phải nó, mà con Knut, à không, là chính tôi, cất lên những lời ấy.”

Có lúc, sự phân thân ấy gây một chấn động lớn lao. Là khi nó trở thành một hóa thân, khi cuộc đời này biến thành cuộc đời hoàn toàn đối nghịch. Hình ảnh của Vinh, nhân vật trong Xuyên đêm, người đàn ông “mặc áo khoác màu beige”, bên chiếc vali, ngồi ở ga chờ sân bay, vừa phảng phất vừa phản chiếu hình ảnh tên sát nhân trên bìa cuốn sách anh đang đọc: “… người đàn ông đứng trước ngã tư vắng lặng trong buổi tối... Vệt đèn hắt đến [...] làm nổi lên vạt áo khoác màu beige thanh lịch và cái cặp da mềm được xách bởi một bàn tay hờ hững.” Trạng huống hất bóng lên nhau ấy báo hiệu một soi chiếu, đồng thời, một khích động.

Khi “anh tiếp tục trôi theo dòng chảy các suy đoán vừa tỉnh táo, vừa điên rồ một cách đáng sợ của tên sát nhân” thì “bên trong anh, một điều gì đó cũng mơ hồ dịch chuyển.” Sự dịch chuyển làm mối gắn kết sít sao của những mảng khối trong cuộc đời lay động, khiến anh rơi vào “khoảnh khắc nhìn vào thời gian sống chính mình”, cái khoảnh khắc anh vẫn “lảng tránh”, để từ ấy “mọc” ra trong anh “các ý nghĩ nặng nề” đầy “sức mạnh đe dọa”: “… trong sâu thẳm, Vinh lờ mờ nhận ra có một thứ gì đó mà anh đã vuột mất [...] Chẳng phải [...] anh từng tin không đời nào để mình cùn mòn đi trong thói quen của loài mối, dốc toàn bộ sức lực và thời gian để gây dựng nên một đời sống trưởng giả?”, và để se nên cái ý nghĩ “khiến anh tức giận đến lặng đi”, rằng “mọi thứ làm nên cuộc đời của chính anh chỉ là những điều lặp đi lặp lại.”

Những hình dung từ thuộc về kẻ trong bóng tối: “thất lạc”, “đáng sợ”, “điên rồ”, thậm chí “sát nhân”, đã bắt tay với những tác động của ngoại cảnh để đánh thức và triệu hồi một khả thể khác, thuộc về “thế giới u ám”, vẫn luôn lẩn khuất đâu đó trong tiềm thể anh. Nếu không có sự thức dậy của khả thể ấy sẽ không thể có cuộc hóa thân thành “một kẻ nguy hiểm”, trong cuộc trừng phạt và chặn đứng mọi cơ hội của kẻ bạo hành, của anh, sau đấy. Cuộc trừng phạt ấy không hẳn chỉ là một trải nghiệm đọc, nơi anh hóa thân thành nhân vật cuốn sách, trong khi vẫn đủ tỉnh táo để nếm trải những “ấn tượng” “mọc ra” từ cuộc hóa thân đó với tư cách một thử nghiệm, một “kiểm chứng”, như trải nghiệm của một người đọc khác trong truyện ngắn khác của tập truyện. Nó, kỳ thực, là trải nghiệm: sống lại một ban đầu phấp phỏng, nôn nao, và chập chững sống một mới mẻ, đầy bất trắc và gian nguy. Ở đó, những cảnh huống, những cú ngoặt như thể xùy ra từ chốn vô hình, ngang nhiên định đoạt, mặc xác sự tồn tại, mặc xác luôn xác tín của kẻ vẫn tin “ta là một nhà lập trình giỏi”: “Anh quyết định, trước khi kịp hiểu mình vừa nói gì.” Trạng thái thăng bằng, hờ hững, vô cảm và bất biến “của một cỗ máy” vốn dĩ được anh tạo dựng và gìn giữ không ngăn nổi tình thế chếnh choáng, cảm giác lênh đênh, chới với như đạp phải hư không: “Cảm giác ấm áp, bồn chồn và không phải không sợ hãi. Như lần hẹn hò đầu tiên, khám phá cơ thể phụ nữ đầu tiên. Anh vẫn hít thở, vẫn suy nghĩ. Nhưng máu dưới da anh đang chảy nhanh hơn. Nhịp đập của khối cơ trong lồng ngực mạnh hơn…”

Đó là cảm giác chạm vào cuộc sống bằng làn da trần không lớp bảo hộ, là cảm giác chạm vào sự sắc nhọn rướm máu của nó trong nỗi bất an đầy hân hoan. Cảm giác ấy gây tạo một phản lực, đập lên lớp màn bao phủ, xưa nay vẫn ngăn trở anh với thế giới. Chính lớp màn ấy, anh giam mình trong trạng thái cân bằng của máy móc, cũng chính trong lớp màn ấy, anh chịu đựng cảm giác cô lập và “ngột ngạt” của một cá thể tách lìa, không thiết đến, không dám biết đến cái nắm tay đầy hy vọng và lắm rủi ro với những gì ngoài mình. Trong nó, mối liên hệ với đồng loại, đối với anh, là phiền phức, tạm bợ, qua đường: “Người thu ngân [...] tò mò quan sát vị khách mặc áo khoác màu beige khi Vinh mở ví. Anh không nhìn bà ta. Chẳng để làm gì với những gương mặt xa lạ mà người ta biết chắc sẽ không bao giờ gặp lại trong đời”, “những cuộc đời nhạt nhẽo và vô nghĩa có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu. Điều anh cần làm là lánh xa, không có thêm bất kỳ liên hệ nào, để tránh phiền toái.” Nhưng dưới tác động của phản lực ấy, một biến động lớn của cuộc đời anh đã xảy ra. Bởi, nó không những “xua tan cảm giác ngột ngạt” của nhà tù nội tâm anh vẫn nhốt mình, mà quan trọng dưới tác động của nó lớp băng trong lòng anh đã không còn nguyên vẹn: “Một thứ gì đó vỡ ra bên trong anh, như vết nứt trên mặt băng dày, nguy hiểm, nhưng cho thấy bên dưới nó vẫn có một dòng chảy xanh thẫm.” Nhờ đổi thay ấy, người ta có thể chạm vào sự sống, có thể lặn sâu và cảm nhận dòng chảy chân thực của nội tâm, để nếm biết một sự thật kỳ diệu: khi lớp băng đã nứt vỡ, dòng chảy ấy có thể nhập vào một dòng chảy khác để làm một cuộc hóa thân khác, chỉ có điều cuộc hóa thân này là cuộc hóa thân với chính con người trong đời thực, sống động và gần gũi.

Cuộc hóa thân ấy, qua cách diễn đạt của nhân vật trong truyện Vàng ngô, hiện lên như một diệu kỳ, một đặc ân mà sự sống ban cho mối quan hệ người: “Gần như Ben và tôi tựa vào nhau. Chúng tôi ngồi im như thế, cảm nhận chút hơi ấm từ người cạnh bên [...] Thốt nhiên tôi thấu suốt nhiều điều, như thể tôi đã bơi vào thế giới của Ben [...] Những xúc cảm ngây thơ, vô tư lự, cho đến trạng thái dịu dàng và giận dữ thản nhiên thấm vào các mô xốp của cơ thể tôi, ở lại bên trong tôi, sống động và buồn bã.” Bản chất cuộc hóa thân ấy là một hòa kết trong sự tan rã của tự ngã, trong sự ly khai cái đơn lập, khi các thế giới gặp gỡ, chạm tới nhau, tan vào trong nhau. Cuộc hóa thân ấy xảy ra một khắc cũng đủ khiến đời sống người ta rung động, nhưng nếu cái dòng chảy kia là một thế giới thăm thẳm, mà qua nó người ta có thể tận hưởng những tia nước tinh khôi của mạch nguồn huyền nhiệm của sự sống, thì lúc ấy, cuộc hóa thân đó là một phép màu, chuyển hóa và thăng hoa cuộc sống và cuộc đời của con người.

Điều diệu kỳ đó lấp lánh trong mối quan hệ giữa người thiết kế với cha con-cá voi xanh, trong Xâm lấn, và mối quan hệ của người con gái với bóng dáng thấp thoáng ẩn hiện của người cha-cá voi xanh trong Cảnh biển. Người cha trong hai truyện ngắn này luôn gắn với cái tên của loài động vật khổng lồ. Nhưng đó không chỉ là một cách gọi khác, và cách gọi khác ấy cũng không đơn thuần chỉ là một cái tên đặc biệt. Giữa người cha và loài sinh vật của biển khơi ấy dường như có một mối liên hệ, một sự đổ bóng. Thế nên, tồn tại người nhỏ bé ấy vừa là hiện thân của điều gì đó siêu phàm lại vừa là một hiện hữu có thật, đời thường và bình dị. Tức, một siêu phàm trong dáng hình của bình dị. Và một bình dị, siêu phảm bởi chính sự bình dị của mình. Cá voi xanh “to lớn hơn hết thảy mọi thứ chung quanh”, bởi, bên trong nó đã là cả một đại dương, bởi, nó, tự thân, đã đầy đủ với tư cách một thế giới, một thế giới của chính nó và cho chính nó. Nó là một hiện hữu mà ở đó một sinh thể có thể vươn mình đến tầm vóc của một thiên nhiên vĩ đại, lại vừa có mặt như một cá thể độc lập, có thực. Nó mang cái cao vời của bầu trời, cái thăm thẳm của đại dương, nhưng hoàn toàn không phải một thứ ảo tượng siêu hình. Nó tồn tại giữa biển cả, giữa lòng sự sống, như một hạnh phúc, như một niềm vui, vững chãi và vô hại – “Nó hạnh phúc với sự đồ sộ không ai sánh được. Thế giới của nó là chính nó. Không ai phá hủy được nó và ngược lại, nó cũng chẳng hề gây hại cho bất kỳ ai.”

Khi hiện hữu trong một tồn tại song trùng như thế, thì cá nhân ấy hiển nhiên tự thân sẽ “xuất sắc”, phi thường, sẽ tất yếu nổi trội giữa đám đông “hàu ốc xuẩn ngốc”. Mang cả một đại dương trong lòng, người ta có thể điềm nhiên làm điều mà những kẻ khác không thể: “… không cần tranh đấu hay biện minh. Chỉ cần sống, tiếp tục sống, duy trì cái thế giới họ tin là tốt lành và sự cân bằng giữ được nguyên vẹn.” Và quan trọng khi đã cư ngụ đời mình trong sự thăm thẳm của biển cả, của nguồn cội, thế giới nội tâm của con người ấy có thể trở thành nguồn sáng cho tự thân và tha nhân. Họ, khi ấy, đối với kẻ khác, hơn cả một chốn nương tựa, một nơi dựa dẫm, mà, một tấm gương, người ta vừa nhìn thấy chính mình, vừa tìm thấy niềm an ủi lớn lao – “nhưng ta cảm thấy được an ủi rất nhiều khi nhìn thấy mình trong làn da óng mướt của loài sinh vật ấy.” Nhờ sự tĩnh lặng thăm thẳm từ tấm gương ấy, người kia “được thấy mình bình thường”: “không còn tấn công, mưu tính, đề phòng... Không biến thành một kẻ khác. Không nhún nhường, giả trá, cầu cạnh. Anh thấy anh và cảm giác trong anh nhẹ nhõm, gần như thể đạt đến sự cân bằng.” Chính thế, cái người mang cả một đại dương trong lòng trở thành một “hiện diện” “duy nhất” mà bên cạnh họ, kẻ kia được sống trọn vẹn nỗi cô đơn của mình trong trạng thái của gắn kết, sẻ chia: “vừa hoàn toàn một mình, vừa biết mình không rơi vào tình thế chỉ có một mình.”

Như thế, tất yếu dẫn đến sự chuyển hóa của kẻ được “chia sẻ ảnh hưởng của cá voi.” Với người thiết kế, đó là một “thay đổi, theo cách... không định trước”. Từ một kẻ vô cảm, “hám lợi”, hoài nghi, ông can dự vào cuộc sống cha con nhà cá voi xanh, gắn bó đặc biệt với đứa trẻ đến mức “ở một thời điểm tôi đã bước qua đường biên phái tính, biến thành sinh vật vừa đàn ông vừa đàn bà, hút chặt vào đứa trẻ bởi cả hai đặc tính của hai giới.” Từ kẻ “quay lưng với các loại cảm xúc”, phòng thủ mọi “nguy cơ làm mình suy yếu từ bên trong”, đã đầu hàng những tình cảm có thể làm mình “suy sụp”, “kiệt quệ”, “đau thấu xương tủy”. Cuối cùng, một hóa thân, một hòa nhập như lẽ tự nhiên: “Ở lẽ nào đó, ông ấy biến thành một phần con người tôi. Tôi nhìn con bé theo cách ông ấy, nói chuyện với nó, du lịch nhìn ngắm thế giới cùng nó.”

Người con gái là hình bóng phản chiếu của người cha cá voi xanh, chỉ có điều, trong tầm vóc của một “sinh vật nhỏ nhoi”, “không đáng kể trong mắt kẻ khác”. Nhưng, như cá voi xanh, tồn tại như một niềm vui, niềm hạnh phúc trong sự cô độc giữa biển khơi, “sinh vật nhỏ nhoi” ấy cũng là một hiện hữu tràn ngập ánh sáng, mà mỗi ngày thức dậy đều mang trong lòng sự hài lòng của một tia nắng: bé nhỏ, nhưng kiên vững với ánh sáng trong ngần, ngoan cường, nhẫn nại của chính mình: “Phần đông người ta truy đuổi hoặc sao chép một hình ảnh nào đó. Nhưng cô thì không.” Bởi người con của cá voi xanh sớm cảm biết cái bí mật lớn lao của lòng đại dương trong “âm thanh rì rầm” của “khúc ca thăm thẳm về loài sinh vật biển sâu”: “… từ khi cô còn là đứa trẻ, con cá voi của vùng biển xám đã dạy cô bơi lội, không ngừng ngạc nhiên khi nhìn ngắm thế giới chung quanh, thu nhận hơi ấm trìu mến từ các sinh vật khác và sống vừa vặn với chính mình.”

Rốt cuộc, trạng thái “xâm lấn”, “xâm chiếm” các ranh giới, trạng thái “lấn tuyến vượt lên” khỏi các lằn ranh, đã âm thầm diễn ra. Ở bình diện câu chuyện, trạng thái ấy thể hiện ở sự vượt khỏi đường biên của một câu chuyện, một truyện ngắn lan sang một câu chuyện khác, một truyện ngắn khác – từ Xâm lấn chảy tràn sang Cảnh biển. Và thể hiện rõ rệt nhất, ở sự xâm lấn trong bình diện quan hệ các nhân vật: nơi người thiết kế thấy mình trong cái bóng lớn của người cha-cá voi xanh và chấp nhận để cái bóng lớn ấy bao trùm mình, để nó trở thành một phần trong mình. Chưa hết, sự xâm lăng ấy không dừng lại ở câu chuyện của quá khứ, mà còn vươn đến xa thẳm tương lai, trong hành trình đang tới của người con gái: “Tôi thấy tương lai của mình nơi cô gái trẻ. Một phản chiếu của ông ấy, của cả tôi, nhưng được điều chính, trong sạch, can đảm và bền vững hơn.” Và sự xâm lấn ấy còn âm ỉ xuyên thấu như một dòng chỉ mảnh chạm tới, và níu lại kẻ tưởng chừng đã lánh mình chốn khác – người mẹ suốt đời trốn chạy, trong một gắn kết mơ hồ và dịu dàng như một hơi thở: “Bà mẹ ngồi ghế bên cạnh. Khi cài dây an toàn, bà nhận ra trong túi áo [...] Chiếc đèn pin nhỏ [...], bà cầm nó xoay nhẹ. Đèn sáng. Đốm trắng bay nhẹ trong khoang xe đang bắt đầu bị bóng tối ngoài kia xâm lấn” (Cảnh biển).

Thậm chí, sự xâm lấn ấy xuyên qua cả lằn ranh câu chuyện, qua biên giới các nhân vật, các cuộc đời, để chạm tới những kẻ đứng trông, những kẻ hoàn toàn ngoài cuộc – người bác sĩ trong Xâm lấn, trong tư cách một khán giả. Hay, cũng có thể giả như, trong tư cách một độc giả? Ngã rẽ ấy là một kết cục không ngờ, tươi đẹp. Bởi sức mạnh chuyển hóa có thể lan đến một kẻ đứng ngoài, một kẻ luôn luôn giữ mình trong trạng thái lãnh đạm, ơ thờ. Tức, cái tâm thái trùng khít với thái độ lạnh lẽo của thế giới chung quanh: “Tôi chợt nhớ vài đôi mắt bệnh nhân nguy kịch tôi vẫn bắt gặp đôi khi, trong suốt và rực rỡ [...] Tôi đã không bận tâm chúng đang tồn tại, và cũng chẳng có ý định lục lọi tìm hiểu chúng”. Nó gắn người ta vào một kết nối không trực tiếp, mà, ẩn chìm, nhưng khiến họ chạm được vào hiện hữu của chính bản thân mình trong cảm giác chân thật, trong lòng tin tràn đầy vào một tương lai phồn sinh: “Tôi đứng trên vỉa hè ngã tư, mất vài giây định phương hướng [...] Trong các đợt mưa đổ xuống ngắn ngủi ấy, một thứ gì đó chậm rãi hiện lên trong tôi, không chắc chắn lắm, nhưng gần như cảm giác tự tin. Về một gương mặt, một mối liên hệ sâu khuất, trong một tương lai tự nó trở thành vô biên. Tôi chỉnh lại áo khoác, tiếp tục bước đi, với hình bóng sắc nét của chính tôi phía trước dẫn đường.”

Có lẽ đoạn kết đẹp đẽ của Xâm lấn thể hiện rõ nhất tinh thần của tập truyện. Một tập truyện mà bề ngoài có vẻ như mô tả về một “thế giới phản chiếu và in bóng lẫn nhau nhưng không hề nhìn thấy nhau”, nhưng, kỳ thực, là một miêu tả những cuộc xâm lấn, xâm chiếm lúc nhẹ nhàng, lúc thô bạo. Những cuộc xâm lấn ôm trong lòng khát khao được kết nối với ngoại giới, trong sự nhìn thấu chính mình và tha nhân, cùng khát khao chìm khuất nhưng mãnh liệt: được thoát khỏi tự ngã, nếm trải những đa dạng và bất ngờ của sự sống và những bản thể khác trong hơi ấm và lòng cảm thông.


[1] Trích đoạn các truyện ngắn đều lấy từ tập truyện Hồi phục, Phan Hồn Nhiên, NXB Trẻ, 2016.

[2] Tâm trạng của nhân vật Tổng Cóc trong truyện ngắn Chút thoáng Xuân Hương của Nguyễn Huy Thiệp.