Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng Trì Trì, mlồi/mlồ, Chiêm Thành - Cham và *Lâm (Ấp) (phần 41)

Nguyễn Cung Thông[1]

 

Phần này bàn về các cách dùng Trì Trì, mlồi/mlô, chiem thành (~ Chiêm Thành/NCT) từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Nhân tiện nhìn rộng ra và bàn thêm về tên gọi Chàm, Chăm và *Lâm (trong quốc hiệu Lâm Ấp). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), TQ (Trung Quốc), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục), v.v. Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ, Chăm cổ hay Hán cổ).

1. Tên (nước) Chiêm Thành và cù lao Chàm

1.1 VBL ghi bốn cách gọi tên nước là chiem thành (~ Chiêm Thành, không có dấu mũ ^ và không viết hoa), trì trì và nước mlồi (xem hình chụp bên dưới), mlồ[2]. Vào thời này, tiếng Việt chưa có quy ước viết hoa cho địa danh như các ngôn ngữ Ấn Âu như Bồ Đào Nha, La Tinh, Pháp... Để ý Chiêm Thành tiếng Bồ là Champa, nhưng tiếng La Tinh là Ciampa (có lúc ghi là Ciampà) phản ánh phần nào các âm tiếng Việt chăm/chàm và Hán Việt Chiêm 占; hay tên nước Chiêm Thành viết là 占城 trong đa số tài liệu lịch sử VN và TQ.

image

VBL trang 833

Học giả Lê Quý Đôn từng ghi nhận về lịch sử Chiêm Thành (Phủ Biên Tạp Lục, Quyển thứ 1 - Sự tích 2 xứ Thuận, Quảng - năm 1776) "Huyện nhà Hán rất to, như 2 xứ Thuận Hoá, Quảng Nam của người nước ta tức là Chiêm Thành về thời Tống, nước Lâm Ấp đời Tấn đời Đường, mà ở đời Hán là đất một huyện ở Tượng Châu mà thôi". Lê Quý Đôn đã không nhắc đến giai đoạn Hoàn Vương như trong Tân Đường Thư (新唐書, năm 1060) – Hoàn Vương liệt truyện (環王列傳): "Hoàn Vương, vốn là Lâm Ấp (林邑), còn có tên là Chiêm Bất Lao (占不勞), cũng gọi là Chiêm Bà (占婆)...". Tuy các tài liệu từ thời Tống, Nguyên, Minh đều thấy dùng quốc hiệu Chiêm Thành - nhưng lại không thấy Tân Đường Thư nhắc đến nên có lẽ không phổ biến cho lắm vào TK 9, ngay sau thời đại Hoàn Vương.

image

VBL trang 105 - Chiêm Thành không viết hoa

1.2 Trì Trì ~ Champa

VBL ghi Trì Trì cũng là tên nước Chiêm Thành, Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) cũng ghi như vậy và thêm vào chữ Nôm 池 池 (trì bộ thuỷ 池 là ao hồ, td. thành trì); Theurel (1877) ở Đàng Ngoài cũng ghi nét nghĩa này. Trì Trì trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 hay năm 1697) lại viết là 持持 (trì 持 hàm ý cầm giữ[3]) - trích từ trang https://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/60-search?searchPage=125&uiLang=en:

茶 全 既 被 擒 其 將 逋 持 持 走 至 藩 籠 㨿 其 地 稱 占 城 主 持 持 得 國 五 分 之 一 使 使 称 臣 入 貢 乃 封 為 王 帝 又 封 華 英 南 蟠 王 凡 三 國 以 霸 縻 之. [63b*5*18]

Trà Toàn ký bị cầm, kì tướng Bô Trì Trì tẩu chí Phiên Lung, cứ kì địa, xưng Chiêm Thành chủ, Trì Trì đắc quốc ngũ phân chi nhất, sứ sứ xưng thần nhập cống, nãi phong vi vương đế hựu phong Hoa Anh, Nam Bàn vương phàm tam quốc dĩ bá mi chi. Tạm dịch: sau khi Trà Toàn (?-1471) bị bắt, tướng của hắn là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung [Phan Rang ngày nay], chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn [các xứ phía tây và phía nam Phan Rang] gồm 3 nước để dễ ràng buộc. So với Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim, 1920) thì ghi lại chuyện này như sau:

image

Việt Nam Sử Lược - Chương XV Nhà Lê

Như vậy là sau hơn 100 năm, người Việt vẫn còn gọi Chiêm Thành là Trì Trì (tên vua của một lãnh thổ Chiêm Thành) như LM de Rhodes đã ghi nhận khá chính xác như là một nhân chứng lịch sử. Một người Việt Nam, Bentô Thiện, vào năm 1659 cũng nhắc đến việc Trì Trì quy hàng vua Lê - ông không ghi họ (hay tiếng đệm[4] Bô) mà ghi như VBL - xem hình chụp bức thư viết tay này ở Phụ Trương mục 5.

1.3 Mlồ - Mlồi là Chiêm Thành

VBL trang 470 còn ghi một cách gọi khác của Chiêm Thành là mlồi (xuất hiện 2 lần) hay mlồ (xuất hiện 1 lần).

image

VBL trang 470

Tân Đường Thư (khoảng năm 1060) từng ghi tên gọi người Chăm là "mã lưu nhân" 馬留人 (người mã lưu - mã lưu có thể là một dạng kí âm và đơn âm hoá của mlồ/mlồi theo người viết/NCT). Mã là ngựa, lưu là dừng lại, nhân là người - cụm danh từ "mã lưu nhân" này không có nghĩa rõ ràng[5] vì là kí âm của tiếng bản địa (td. tiếng Chăm) mlôi. Lưu 留 có một dạng âm cổ phục nguyên là *lu đọc gần với lô. Sau này, phụ âm đầu m- yếu đi (tha hoá[6]) chỉ còn âm lồ hay Lồi để chỉ người Chăm sau này như trong cách dùng quân Lồi (quân Chăm, Béhaine/1772-1773, Taberd/1838), người Lồi (người C:hăm, Huỳnh Tịnh Của/1895). Còn có thể Lồi là một dạng đơn âm hoá của Hroi (> roi > lồi, ảnh hưởng của tiếng Việt[7]). Nên nhắc ở đây là An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ (Taberd/1838) ghi OLIM CIAMPA seu LOI vel THUẬN THIÊNG (từng là CIAMPA hay là LOI hay là THUẬN THIÊNG/NCT) ở trên địa danh BÌNH THUẬN TRẤN - xem hình chụp lại ở dưới:

image

An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ (Taberd/1838)

1.4 cu lao cham là cù lao Chàm hay cù lao Chăm?

Đặc biệt là trong mục lao (cù lao), VBL ghi cách dùng cu lao cham (~ cù lao Chàm): bản đồ 1561/1653 ghi là polociampeila, tiếng Bồ là ilha de champeilo. Theo người viết/NCT, polo- liên hệ đến tiếng Inđônêsia và Mã Lai pulao, tiếng Tagalog (ở Phi Luật Tân) là pulô, tiếng Chăm là palau/palao, dạng tiền Mã Lai Đa Đảo *palaw; -ciampeila có thể do ngữ căn ciam- (~ Cham) hợp với tiếng Bồ ilha (đảo): ilha > eilo. Có thể vì biến âm nên dạng ilha không dễ nhận ra ở âm tiết cuối (qua tiếng Bồ) nên mới có cấu trúc polociampeila (nghĩa đen là đảo + Chăm + đảo). Không nên ngạc nhiên với cấu trúc 'láy nghĩa' như trên vì ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và nhiều khi ta không hiểu nét nghĩa cổ hay từ ngoại quốc nữa: thí dụ như nước Đông Timor là East Timor hay Timor-Leste (tiếng Bồ). Thật ra, timor đã có nghĩa là phía đông (tiếng Inđônêsia, Mã Lai...) thành ra cấu trúc East Timor có nghĩa là đông - đông cũng như Timor-Leste. Tiếng Việt từng dùng sông giang hà để chỉ dãi ngân hà[8] (ngân hà, sông ngân ~ the Milky Way (A) ~ la voie Lactée (P): sông, giang và hà đều cùng một nghĩa, v.v.

image

VBL trang 399-400

image

  Bản đồ Đông Nam Á của nhà vẽ hoạ đồ Ý Giacomo Gastaldi (1500-1566), in vào khoảng 1561 ở La Mã. Để ý các tên đảo thường dùng từ pulo, thí dụ như cù lao Chàm ghi là pulo campaa, REGNO DE CAMPAA là vương quốc Chăm, REGNO DE GAVCHINCHINA là vương quốc Gauchinchina (vương quốc "Đàng Trong" ~ Cochinchina - kẻ quãng/VBL, cachu ~ Kẻ Chợ). Bản đồ này sau được in lại bằng hình màu bởi Gerard de Jode năm 1593:

image

Pulocampaa trong bản đồ của Abraham Ortelius (1527-1598) ghi CAMPA (nước Champa ~ Chăm) so với CAMBOIA in năm 1602.

image Bản đồ của chuyên viên vẽ hoạ đồ người Pháp Nicolas Sanson (1600-1667) ghi là pulociampello (cù lao Chàm hay Chiêm) và CHIAMPAA ROY (vương quốc Champa/ Chăm) - xuất bản năm 1654 ở Paris. image  

Bản đồ 1561 (de Rhodes) - các địa danh trong bài này là Dinh Ciam (Dinh Chiêm), CIAM (tỉnh/xứ Chiêm) và Polociampeilo (cù lao Chàm)

VBL chỉ có các dạng chàm, chám (chám tlán), chấm (chấm cu), chậm, chăm (chu chăm). Dạng cham trong cu lao cham (~ cù lao Chàm) có khả năng cao[9] là chăm so với chàm (hay các dạng không phải bình thanh như chám, chảm, chạm dựa vào VBL) vì VBL có những trường hợp không ghi âm ă mà chỉ ghi a như

- blang (VBL) ~ trăng, mạt blang ~ mặt trăng; blan ~ lăn...

- đang, đèn ~ đăng

- chang, có chang ~ chăng, có chăng

- bàng an, bàng yen ~ bằng an, bằng yên; ảm, ảm con ~ ẳm, ẳm con

- blam mực ~ chấm mực

- kháp, kháp mọi nơi (VBL) ~ khắp, khắp mọi nơi

- hàng hà sa sồ (VBL) ~ hằng hà sa số

- đạc (VBL) ~ đặc

- ra nam (VBL) ~ ra năm – nhưng VBL lại ghi đúng sang năm; nám ~ nắm...

- chám ~ chấm (cả hai dạng đều hiện diện trong VBL)

- cửa lác đi lác lại (VBL) ~ cửa lắc đi lắc lại

- chiem thành ~ Chiêm Thành (VBL không ghi dấu mũ ^), v.v.

Ngoài ra, vào đầu TK 19, LM Philiphê Bỉnh (1759-1832) chép tay từ điển VBL - chỉ cho hai phần Việt và Bồ - và cho ta dữ kiện về tiếng Việt Đàng Ngoài đã dùng dạng chăm (cù lao chăm) - trích từ tài liệu của Thư Viện Toà Thánh La Mã (mã số borg.tonch8):

image

Cù lao chăm (Philiphê Bỉnh)

Chăm cũng xuất hiện (cù lao chăm) trong một tự điển Việt Bồ - Bồ Việt (chép lại từ VBL) khoảng cùng thời LM Philiphê Bỉnh - trích từ tài liệu của Thư Viện Toà Thánh La Mã (mã số borg.tonch23):

image

Cùng thời với LM Philiphê Bỉnh ở Đàng Ngoài, tiếng Việt Đàng Trong cũng đã dùng dạng chăm như trong tự điển viết tay của LM Béhaine (1772/1773) chụp lại ở bên dưới, Taberd in lại hoàn toàn mục này (1838); chữ Nôm chăm dùng châm HV 針 trong phủ chăm, gạo chăm

image  

image

An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ 南 大 國 畫 圖 (Taberd/1838) - 200 năm sau thời VBL nhưng vẫn còn địa danh Cù Lao Chăm, để ý cửa Đại Chăm[10] (~ cửa Đại Chiêm - Phủ biên tạp lục/sđd) ở đối diện và Cù Lao Ré (có thêm dấu và viết hoa, cũng gọi là Pulo Canton) - trích từ trang https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/dd/An_Nam_Dai_Quoc_Hoa_Do_by_Jean_Louis_Taberd_1838.jpg

Phần sau sẽ đi vào chi tiết về các âm chiêm, chăm, chàm và đề xuất một dạng âm cổ phục nguyên (reconstructed sound/A) liên hệ đến âm lâm HV 林 trong quốc hiệu Lâm Ấp 林邑.

2. Nhìn rộng ra - bàn thêm về các âm chiêm, cham

Số là anh bạn Inrasara có bàn về chữ Chăm, Chiêm và Chàm có từ bao giờ - theo anh thì chăm chỉ có từ năm 1979 do quy định chính thức của nhà nước và không có mặt trong tự điển hay ngoài đời - tham khảo bài nói chuyện trên trang này (3/2023) https://www.youtube.com/watch?v=x0g8Sm6-Y7M hay bài viết "Trao đổi: Chăm hay Chàm đúng?" trang này (2010) https://baodanang.vn/channel/5433/201008/trao-doi-cham-hay-cham-dung-1999374/, v.v. Sau đó người viết có vài trao đổi với anh về khả năng các dạng chăm hay chàm đã xuất hiện trước năm 1979 rất lâu – td. như các tài liệu đã được nhắc đến là

- Alexandre de Rhodes (VBL: cu lao cham ~ cù lao Chăm/Chàm...) - TK 17

- Béhaine (1772/1773, tự điển Việt - Nôm - La Tinh) ghi chăm (phủ chăm)

- Taberd (1838) - tự điển Việt La Tinh ghi chăm (phủ chăm) và bản đồ Việt Nam (ghi cù lao chăm)...

- Huỳnh Tịnh Của (1895, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) ghi chăm, chàm....

- Theurel (1877, tự điển Việt - La Tinh) ở Đàng Ngoài, v.v.

Phần này ghi nhận thêm cách nhìn mở rộng và các dữ kiện về cách đọc của chăm, chàm và chiêm theo dòng thời gian và hiện diện trong tài liệu đã xuất bản với vài hệ luận tương ứng.

2.1 Dạng cham (~ chăm, chàm) đã xuất hiện từ các tài liệu của LM de Rhodes (VBL, các bản báo cáo). Tuy nhiên, một số tài liệu trước thời VBL cũng gián tiếp ghi nhận cách đọc này qua con chữ La Tinh/Bồ. Thí dụ như từ năm 1621, Kẻ Chiêm/Chăm đã được ghi lại qua dạng Cacciam trong các tài liệu của LM Christoforo Borri (ở khu vực Đà Nẵng bây giờ từ 1618 đến 1621). “Tạm dịch/NCT: Đàng Trong chia ra 5 tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi Chúa ở ngay sát Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Thứ hai là Cacciam, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamgya, thứ tư là Quignin, người Bồ gọi là Pullucambi và tỉnh thứ năm là Renran”

image

Cacciam (LM Christoforo Borri).

Hình chụp bên trên cho thấy một đoạn từ trang 8 cuốn Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (1631) của LM Christoforo Borri. So sánh dạng Cacciam tiếng Ý của Borri với dạng Cacham trong tài liệu viết tay của LM João Roiz (tiếng Bồ Đào Nha - đã được đánh máy lại): Cacham xuất hiện 2 lần (tỉnh Cacham) - xem hình chụp bên dưới

image

Cacham (LM João Roiz)

image  

Bản đồ của Rossi - Cantelli da Vignola in ở La Mã năm 1683 (dựa vào thông tin từ các giáo sĩ Dòng Tên và Tavernier, Modeslo).

image

Kẻ Chàm (Kẻ Chiêm, in trên địa danh Caciam) theo bản đồ 1683 bên trên gồm có dinciam (Dinh Chiêm) và cũng thuộc đất Quảng Nam.

Bản đồ 1561 (de Rhodes) - so với các địa danh trong bài này là Dinh Ciam (Dinh Chiêm), CIAM (tỉnh/xứ Chiêm) và Polociampeilo (cù lao Chàm, không ghi trong bản đồ nhưng lại xuất hiện trong VBL là cu lao cham).

image Bản đồ 1653 (de Rhodes - các LM Dòng Tên) - Province de Ciam (tỉnh/xứ Chiêm), Dinhciam (Dinh Chiêm, vị trí ở trong nơi 2 con sông gặp nhau so với Haifo (Hoài Phố ~ Faifo/VBL).

Tóm tắt những cách dùng chỉ Kẻ Chàm/Chăm từ các giáo sĩ tiên phong như João Roiz (1620), Gaspar Luis (1621) đã ghi Cacham (kẻ chàm), Christoforo Borri (1631) ghi là cacciam, Gaspar Luis (1626) ghi là Dinh Cham, Cacham, Antonio de Fontes (1626) Digcham ~ Cacham, Dinh Cham, De Rhodes (1647) ciam (Chàm), Ke cham (Kẻ Chàm) - cu lao cham (VBL, 1651), Gaspar D'Amaral (1632) Kễ chàm (kẻ chàm), v.v. Như vậy là có hai dạng ciam hay cam, phản ánh hai cách đọc chiêm hay cham/chăm/chàm.

2.2 Các dạng kí âm của Chiêm trong quốc hiệu Chiêm Thành

2.2.1 Bắt đầu có lẽ nên xem lại một số địa danh cổ hơn mà không thấy nhắc đến trong các tài liệu tiếng Việt, Hán hay Nôm, tuy các bản đồ Tây phương từng ghi là campa, Ciampa như đã bàn ở trên - đây cũng là các cách gọi trong một số thư tịch Hán và tài liệu cổ như

a) 占波 Chiêm ba trong "Đại Đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện - quyển hạ - Kinh châu Tuệ Mệnh thiền sư" tác giả/pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713)

b) 瞻波 Chiêm ba trong "Đại Đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện - quyển hạ - Kinh châu Pháp Chấn thiền sư" tác giả/pháp sư Nghĩa Tịnh

c) 擔波 Đam ba trong "Dị vực chí - quyển hạ[11] - Đam Ba quốc" tác giả Chu Trí Trung (?-?) thời nhà Nguyên (1279-1368)

d) 詹波 Chiêm ba trong "Nguyệt lệnh quảng nghĩa - tuế lệnh nhị - phương vật" tác giả Phùng Ứng Kinh (1555-1606)

e) 瞻婆 Chiêm bà trong "Đường Thư - Nam man truyện"

f) 瞻博 Chiêm bác trong "Đường Thư - Nam man truyện"

g) 占不劳 Chiêm bất lao[12] trong "Tân Đường Thư"

h) 尖城 Tiêm thành từ một tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha vào cuối TK 16 (Boxer Codex).

Bức vẽ bên dưới (trang 12) ghi lại cảnh một cặp nam nữ người Chăm trong cuốn "Boxer Codex" (soạn vào khoảng 1590 ở Phi Luật Tân) - trích từ trang https://en.m.wikipedia.org/wiki/File:%E5%B0%96%E5%9F%8E_Chamcia_-_Couple_from_Champa_-_Boxer_Codex_%281590%29.jpg . Champa ghi là Chamcia và 尖城 (tiêm thành, tiêm HV có dạng âm trung cổ là *tsem ghi cận âm của chiêm, đọc gần như chêm tiếng Việt giọng Bắc hiện nay). Để ý hoa tai vàng của người nam lẫn người nữ[13] - xem thêm chi tiết về âm/chữ tlàm (*chàm ~ hoa tai/VBL) trong Phụ Trương mục 3.

image

Như vậy là có 8 cách kí âm chiêm qua chữ Hán, đặc biệt để ý các chữ chiêm dùng để kí âm là 占 瞻 詹 và đam/đảm 擔 vì các dạng này thường xuất hiện hơn. Do đó phần sau sẽ đi vào chi tiết các cách đọc những chữ này theo dòng thời gian (lịch đại), từ đó sẽ bàn thêm về các khả năng phục nguyên âm cổ (thời Hán). Một điểm nên nhắc ở đây là càng đi xa hơn (thời Hán, tiền Hán) thì dữ kiện ngữ âm/tài liệu càng ít, các nét nghĩa mờ hơn và độ chính xác càng nhỏ.

Các dạng chữ Nôm cổ cũng phân biệt hai âm (lúa) chiêm và chăm:

image

Lúa chăm (針) và lúa chiêm (占) trong “Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa” Hoàng Thị Ngọ, NXB Văn Học - Hà Nội (2016). Thành ngữ tiếng Việt còn có “Chiêm Nam mùa Bắc, Chiêm cứng ré mềm, Chiêm khô ré lụt...” - tham khảo thêm về các loại lúa chiêm và ảnh hưởng không nhỏ tới nông nghiệp các nước chung quanh trong Vân Đài Loại Ngữ (Lê Quý Đôn) hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (lúa chiêm gọi là hạ điền hoà).

2.2.2 Chiêm là âm HV thường viết là và xuất hiện thường xuyên trong các tài liệu Hán/Nôm ở VN như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chẳng hạn. Xem lại các cách đọc chiêm 占 hay 佔 貼 (thanh mẫu chiếu 照 vận mẫu liêm 廉 bình thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

職廉切 chức liêm thiết (TVGT, ĐV, QV)

之廉切,音詹 chi liêm thiết (TV, VH, LT, CV, TVi) - bình thanh (âm chiêm)

章豔切 chương diễm thiết (QV, TV, LT, TVi) - khứ thanh (âm chiếm)

TNAV ghi vận bộ 廉纖 (liêm tiêm)/dương bình

CV ghi cùng vần/bình thanh 詹 瞻 占 噡 霑 沾 (chiêm triêm)

Giọng BK bây giờ là zhān (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông zim1 và các giọng Mân Nam [梅县腔] zham1 zham5 [海陆腔] zham5 zham1 [客英字典] zham1 zham5 [沙头角腔] zam5 [东莞腔] zam1 zam5 [台湾四县腔] zam5 zam1 [客语拼音字汇] zam1 zam4 [宝安腔] zam5 | zam1 [陆丰腔] zham1粤语 zim1 zim3潮州话 〖ziam1 (chiam)「澄海」ziang1〗 〖ziam3 (chìam)「澄海」ziang3〗tiếng Nhật sen và tiếng Hàn jeom.

2.2.3 Một dạng khác của chiêm được kí âm là 瞻 (thanh mẫu 照 chiếu vận mẫu 廉纖 liêm tiêm bình thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

職廉切 chức liêm thiết (TVGT, ĐV, QV)

諸廉切 chư liêm thiết (NT, TTTH)

之廉切, 音詹 chi liêm thiết, âm chiêm (TV, LT, VH, CV, TVi) - bình thanh

之廉反 chi liêm phản (NKVT 五經文字)

軄廉反 chức liêm phản (LKTG) - 軄 là dị thể của 職

章豔切,詹去聲 chương diễm thiết, chiêm khứ thanh (TV, LT)

TNAV ghi vận bộ 廉纖 (liêm tiêm/dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 詹 瞻 占 噡 霑 沾 (chiêm triêm)

側姜切,音章 trắc khương thiết, âm chương (TVi, KH)

職謙切 chức khiêm thiết (CTT)

Giọng BK bây giờ là zhān (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông zim1 và các giọng Mân Nam 客家话 [客语拼音字汇] zam1 [陆丰腔] zham1 [客英字典] zham1 [沙头角腔] zam1 [宝安腔] zam1 [台湾四县腔] zam1 [梅县腔] zham1 [海陆腔] zham1粤语 zim1, tiếng Nhật sen tiếng Hàn chem.

2.2.4 Lại một dạng khác của chiêm được kí âm là 詹 (thanh mẫu 照 chiếu vận mẫu 廉纖 liêm tiêm bình thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

職廉切 chức liêm thiết (TVGT, ĐV, QV, LT)

職廉反 chức liêm phản (LKTG)

之蓝切 chi lam thiết (NT, TTTH)

之廉切,音占 chi liêm thiết, âm chiêm (TV, VH, CV, TVi/CTT)

TNAV ghi vận bộ 廉纖 liêm tiêm/dương bình

CV ghi cùng vần/bình thanh 詹 瞻 占 噡 霑 沾 (chiêm triêm)

徒濫切,音澹 đồ lạm thiết, âm đạm (TViB, KH)

多甘切,音儋 đa cam thiết, âm đam (TVi, KH) - 音儋 âm đam (CTT)

Giọng BK bây giờ là zhān (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông zim1 và các giọng Mân Nam 客家话 [台湾四县腔] zam1 [客英字典] zham1 [海陆腔] zham1 [陆丰腔] zham1 [宝安腔] zam1 [客语拼音字汇] zam1 (Zam1 đọc như chăm tiếng Việt bây giờ).

Như vậy chiêm là âm đọc Hán Việt từ đời Đường (dựa vào các phiên thiết và âm vận từ thời này cùng phương ngữ), chăm còn là một âm đọc của Mân Nam (td. người Hẹ/Hakka) - đây cũng là giai đoạn Champa có quốc hiệu là Chiêm Thành như trong các thư tịch từ đời Đường về sau. Một dạng âm cổ phục nguyên của chiêm 占 là *trêm (đọc cận âm theo tiếng Việt ~ *tem) hay *?liêm, so với một dạng âm cổ phục nguyên của chiêm 詹 là *tjam - đều có phụ âm đầu là phụ âm đầu lưỡi d, t. Điều này còn phù hợp với cách đọc

- điểm 点 點 (điểm - chấm - châm), điếm 店 (tiệm), trạm 站... dựa vào thành phần hài thanh 占, triêm điếp 沾, triển 颭, thiêm 笘, thiếp 帖...

- niêm 鮎 (niêm - trê/cá trê), niêm 粘 黏, niêm 拈... dựa vào thành phần hài thanh 占

- đam/đảm 擔 儋, đam/đạm 澹... dựa vào thành phần hài thanh ...

Một điểm đáng chú ý từ các phụ âm đầu là khả năng n- (phụ âm đầu lưỡi/răng/kêu/tắc) cũng có thể đã từng hiện diện trong các chữ có thành phần hài thanh 占 như 鮎 (niêm - trê/cá trê), niêm 粘 黏, niêm 拈: điều này có thể giải thích là các phụ âm n và l (hay r) đã có mặt trong các dạng âm cổ phục nguyên, như dạng *?liêm của học giả Trịnh Trương Thượng Phương 鄭張尚芳 (1933-2018). Ngoài ra, giao lưu giữa nước cổ Chiêm Thành và các triều đại Hán/Đường thường phải qua ngã Giao Châu và Mân Nam, cho nên ảnh hưởng của tiếng địa phương (td. Mân Nam, lẫn lộn[14] hai phụ âm đầu n và l) không thể không có vết tích nào - điều này còn phản ánh qua các tương quan l-ch hay tr-ch khi so sánh cách đọc của tiếng Việt, Hán Việt và Nôm:

- lam 藍 chàm (ĐNQATV) > màu xanh đậm, tiếng Khmer là trom ត្រុំ , tiếng Proto-Tai (tiền Thái) là *kromC... Một dạng âm cổ phục nguyên là *g-ram

- lang 郎 chàng

- lạp 臘 chạp (tháng chạp)

- lạc 絡 chạc (dây chạc)

- la 羅 lưới - chài, so với li 離 lìa, ra, rời. Có tác giả cho chài gốc từ tiếng Phạn जाल jāla

- lông/lung 籠 lồng, chuồng

- lôi 蕾 chồi

- lược 略 chước

- lâm 林 (hay 臨) trong Lâm Ấp so với chăm – chàm - chiêm

- len   chen ken

- lệch chệch (trịch xích)

- lìa chia (chia lìa)

- lùm chùm (chòm) chụm

- lánh tránh

- leo (cheo leo), trèo, treo

- lêu trêu (Việt Bồ La)

- lên trên

- lồi lòi trồi trội

v.v.

Chữ Nôm (cổ) cũng dùng lam để chỉ chàm như

渃溓溪綠女藍

Dòng nước Liêm Khê lục nữa [hơn] chàm. Ức Trai (Quốc Âm Thi Tập), 34a

玻瓈坎式藍喑

Pha lê muôn khoảnh thức chàm om. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, 33a

- Chữ Nôm trăm từng viết là lâm 林

摆倘鳩渚於工弄媄年巴林老迈咄昌

Bảy tháng cưu [mang] chửa ở trong lòng mẹ, nên ba trăm sáu mươi đốt xương. Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, 10a

油林種紙共包侖針

Dẫu trăm giống chỉ cũng vào trôn kim. Ngọc Âm Chỉ Nam Giải Nghĩa, 36a

- Chữ Nôm trám dùng lãm HV 覧 làm thanh phù:

眉昂柳䜹䜹 枚[輸]藾殊藾檑

Mày ngang lá liễu thưa thưa. Môi thua trái trám, má thù trái roi. Thiên Nam Ngữ Lục Ngoại Kỉ, 110b

Chữ Nôm treo từng dùng liêu 尞 (> leo) làm thanh phù

Chữ Nôm trên từng dùng liên 連 (> lên) làm thanh phù

v.v.

Tóm lại, ta có cơ sở để cho một dạng âm cổ phục nguyên của chiêm là *(t)liơm với phụ âm t đã yếu đi (tha hoá) so với phụ âm xát/đầu lưỡi/kêu l - ngoài ra nguyên âm iê đã mở rộng hơn (như các nguyên âm phục nguyên của chiêm) để đọc gần như ơ để cho ra âm *lơm gần với âm lâm HV 林 trong quốc hiệu Lâm Ấp 林邑. Lâm có một dạng âm cổ phục nguyên là *grơm (hay *glơm/NCT so với *lơm), có thể liên hệ đến tiếng Khmer cổ đại *ram (rừng kế sông bị lụt[15]).

Thành ra ta có cơ sở để liên hệ Chiêm trong Chiêm Thành với Lâm trong Lâm Ấp qua quá trình phục nguyên âm cổ, cũng như qua các liên hệ âm HV và Việt. Điều này giải thích được tại sao âm Chiêm, Lâm và Cham (td. Champa, Chiêm Bà) luôn là thành phần chung trong các cách gọi tên nước Chiêm Thành, ngoài ra cũng giải thích được nhà nước Lâm Ấp đã tồn tại trước thời Chiêm Thành, phù hợp với các tài liệu lịch sử trước đây.

Tóm tắt phần 41 này, tự điển VBL cho ta nhiều dữ kiện rất thú vị từ chính nhân chứng lịch sử (LM de Rhodes): như các cách gọi khác nhau Champa, Ciam (Chiêm), Chiêm Thành, Cham (Chăm/Chàm), Trì Trì, Mlô (Mlồi), cu lao cham (cù lao Chăm/Chàm). Những dữ kiện này còn phù hợp với các tài liệu lịch sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Nam Thực Lục, thư tịch Hán cổ... Tuy nhiên cần phải khai thác thêm chi tiết cùng với các tài liệu khác cùng thời như bản đồ địa phương, tài liệu địa phương (td. tiếng Chăm) để cho ra kết quả chính xác hơn nữa. Ngoài ta, dựa vào các tài liệu âm vận Hán cổ và Hán Việt, một dạng âm cổ phục nguyên của Chăm/Chàm/Chiêm có thể là *(C)lơm, lơm đọc gần như lâm (td. giọng Quảng Nam, kí hiệu C chỉ một phụ âm như t/k/g đã mất đi). Điều này dẫn đến khả năng Lâm trong quốc hiệu Lâm Ấp[16] vào TK 2 SCN cũng chính là Chăm/Chiêm trong cách gọi tên nước như Champa (Chiêm Bà) hay Chiêm Thành - phản ánh quá trình biến đổi phụ âm đầu lưỡi/răng cổ hơn (*(C)l > lâm) thành phụ âm mặt lưỡi/vô thanh ch (> cham/chiêm). Một trường hợp nữa đáng chú ý là tên nước Hoàn Vương 環王 từ năm 757 đến 859 của Chiêm Thành, có thể hàm ý hoàng tộc Chăm thời đó thường trang sức[17] dây chuyền vàng, vòng ngọc (hoàn 環 là vòng ngọc); nhưng cũng có thể là một cách dịch nghĩa của tlàm (VBL trang 803 là hoa tai, tlàm ~ chàm - chằm) cũng liên hệ trực tiếp đến âm Chăm - xem thêm Phụ Trương mục 3. Do đó ba tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành đều có thể liên hệ đến Chăm hay Chàm. Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc, nếu cảm thấy thích thú, tra cứu và tìm hiểu sâu xa hơn trong thư tịch cổ, bia kí cùng ngôn ngữ địa phương để tìm ra nhiều kết quả ngoạn mục hơn nữa.

3. Tài liệu tham khảo chính

1) Trần Văn Ân (?) "DINH TRẤN THANH CHIÊM VỚI CHỮ QUỐC NGỮ" có thể tham khảo bài viết này trên mạng như http://vanhocnghethuat.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=201&ctl=tcb&mid=712&tc=532

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

                            (1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”... Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

4) Đổng Thành Danh (2018) "Đặt lại vấn đề thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp", "Xác định lại ranh giới Đại Việt- Champa qua các thời kỳ" (2015), "Công cuộc mở đất Aiaru- Phú Yên 1597 – 1611" (2015), "Sự bản địa hóa ở vương quốc Champa thế kỷ XV- XVII" (2018), v.v. Có thể tham khảo loạt bài viết này trên trang này https://nghiencuulichsu.com/tag/dong-thanh-danh/, v.v.

5) Ngô Văn Doanh (2006) "Tháp bà pô nagar: những bia ký sanskrit" có thể đọc toàn bài trang này http://thuvien.due.udn.vn:8080/dspace/bitstream/TVDHKT/10305/2/000000CVv140S032006027.pdf

6) Lê Quý Đôn (1776) "Phủ biên tạp lục" dịch giả Ngô Lập Chí (Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội - Khoa Xã Hội -1959). "Vân Đài Loại Ngữ" Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, Trần Văn Khang làm sách dẫn, Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu - NXB Văn Hoá Thông Tin (in năm 2006).

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

8) Nguyễn Văn Huy (2016) "Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam" có thể đọc toàn bài trang này https://nghiencuulichsu.com/2016/08/31/tim-hieu-cong-dong-nguoi-cham-tai-viet-nam/ ...

9) Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa (2017) "Lịch sử Champa từ sơ khai đến cuối thế kỉ XV" có thể tham khảo bài viết trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2017/10/02/lich-su-champa-tu-so-khai-den-cuoi-the-ki-xv/ - để ý một số ý kiến về bài viết ở phần cuối trang (có tất cả 17 thoughts đến nay 1/2024).

10) Nguyễn Đình Nam (2023) "Dinh Chiêm (Dinciam) ở đâu?" có thể tham khảo bài này trên mạng như https://nghiencuulichsu.com/2023/11/22/­dinh-chiem-dinciam-o-dau/, v.v.

11) Từ Nguyên (1979) Bản cập nhật năm 2004 - Thương Vụ Ấn Thư Quán (Bắc Kinh)

12) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giớ­i thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum - completum et novo ordine dispositum - 1838).

14) Võ Văn Thắng (2023) "Vùng Quảng Nam và sự xuất hiện nước Hoàn Vương" có thể tham khảo tài liệu này trên trang https://baoquangnam.vn/van-hoa/vung-quang-nam-va-su-xuat-hien-nuoc-hoan-vuong-140597.html...

Phụ Trương

1. Dạng cham (~ cham, chàm hay chăm) đã xuất hiện trong các bài viết của LM de Rhodes: td. trong cuốn Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine et autres royaumes de l'Orient (Paris, 1653) trang 164:

image

2. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi các mục Chiêm và Chiếm (đều viết chữ Nôm là 占), nhưng mục Chăm 占 ghi là Chàm ~ Chiêm Thành. Đặc biệt là thành ngữ ở Huế ở Chăm có nghĩa là ở xa lắm (hàm ý đường đi từ Sài Gòn ra Bình Thuận, Thừa Thiên). Cách dùng gạo chăm có khả năng là từng thông dụng ở Đàng Trong (td. Béhaine/Taberd/Huỳnh Tịnh Của, có thể ảnh hưởng gần đây hơn và vết tích của âm cham/chăm) so với gạo chiêm ở Đàng Ngoài (ảnh hưởng của âm Hán Việt - Chiêm, Chiêm Thành).

image

3. Trằm - *cham - hoa (bông) tai

Trằm (VBL ghi là tlàm) từng có nghĩa là hoa tai, trằm hoãn 㻸瑗 còn là cụm danh từ chỉ hoa tai, một loại trang sức trên cơ thể; bây giờ không còn thấy hiện diện trong tiếng Việt. Hoa (bông) tai thời xưa có thể rất lớn[18] (như vòng đeo cổ, đeo tay). Học giả Lê Ngọc Trụ[19] (2002) ghi dạng chằm - chằm hoãn và đưa ra nhận xét chằm có gốc là hoãn (hoàn 環)!

image

VBL trang 803

image

Béhaine (1772/1773) – Taberd (1838)

Trằm[20] (inaures La Tinh,) và trằm hoãn xuất hiện trong tự điển Béhaine (1772/1773) - Taberd (1838) - Theurel (1877) – Vallot (1898) - Génibrel (1898) - Gustave Hue (1937).

image

Hoa tai/tự điển Béhaine (1772/1773)

image

Tlàm (VBL) > tràm (Philiphê Bỉnh, tự điển Việt Bồ viết tay).

image

Hình vẽ một người Chăm cỡi voi (quản voi/VBL) với cái vố đánh voi truyền thống (VBL ghi là ꞗố đánh uoi). Tên bức tranh là Chiêm Thành quốc 占城國) tác giả Trần Mộng Lôi (1650-1741, học giả đời Thanh/Khang Hi) trong cuốn Cổ kim đồ thư tập thành[21]《古今圖書集成》, để ý người đàn ông này có ‘đeo chằm’ (đeo tlàm/VBL ~ đeo hoa tai).

image

Tượng thần Siva thế kỷ 12 - hiện vật khai quật tại Tháp Mẫm - trích từ trang https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/17361/phu-djieu-than-siva-thap-mam-the-ky-xii-trong-nghe-thuat-djieu-khac-dja-champa-hien-djang-djuoc-trung-bay-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia.html . Để ý các hoa tai và vòng trang sức (< ảnh hưởng Ấn Độ giáo).

4. Tại sao lại chú ý đặc biệt đến âm chiêm/chăm trong quốc hiệu champa?

Cách dùng Chiêm Thành từ trên 1300 năm trong tài liệu Hán cổ, cũng như người Việt thường dùng dạng (lúa) chiêm hay chăm từ rất lâu (theo Lê Quý Đôn/sđd - ít nhất là vào thời Tống). Lưu Tuân 劉恂 (thời Đường Chiêu Tông) soạn cuốn Lĩnh Biểu Lục Dị 嶺表錄異 (còn gọi là Lĩnh Nam Lục Dị 岭南录异) trong đó có ghi là vào năm 877 (Đường Hy Tông - năm Càn Phù thứ tư) “占城國進馴象三頭” Chiêm Thành quốc tiến tuần tượng tam đầu (tạm dịch/NCT nước Chiêm Thành dâng voi có ba đầu)… Ngoài ra Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho thấy các cách dùng như Chiêm nhân[22] 占人 (người Chiêm/Chăm), Chiêm quốc 占國 (nước Chiêm/Chăm), Chiêm sứ 占使 (sứ giả Chiêm Thành), Chiêm khấu (giặc cướp Chiêm Thành) 占寇, Chiêm ngữ 占語 (tiếng Chiêm/Chăm), Chiêm chúa 占主 (vua/chúa nước Chiêm/Chăm), phía nam bình Chiêm, phía bắc đánh Tống... cùng với tên gọi chính thức là Chiêm Thành[23] 占城, v.v.

Chiêm sứChiêm Thành trong Thiên Nam Ngữ Lục (câu 7093 – 7096).

Cũng nên chú ý đến ảnh hưởng của tiếng Phạn (Ấn Độ) trong vùng ĐNA. Thí dụ như tên nước Kampuchia cũng lấy từ tiếng Phạn (Sanskrit) Kambojas काम्बोज (Kamboga, một dân tộc cổ đại ở bắc Ấn Độ) – có lẽ khi giao lưu với các lái buôn Ấn Độ, các vị này thấy khu vực này (Đông Nam Á) cũng giống như các dân Kambojas sống ở bắc Ấn xa xôi (và thời đó không có giai cấp xã hội/castes). Nước Thái Lan trước đây có tên là Xiêm (vịt Xiêm, dừa Xiêm...) có gốc từ tiếng Phạn syama श्याम (đen, thâm) có lẽ hàm ý nước da của dân địa phương. Tên Tân Gia Ba Singapore cũng có gốc Phạn simha सिंह (—> Singa, con sư tử) ghép với pura पुर (thành phố, lâu đài), biểu tượng (quốc gia) của Tân Gia Ba là con sư tử... Tên Mã Lai (Malaysia) cũng có gốc Phạn malaya मलय (tên một dãy núi, hàm ý nước Mã Lai có nhiều núi). Chăm (pa) có thể liên hệ đến tiếng Phạn campa चम्पक (loại hoa sứ màu vàng) hay địa danh, cũng như các tên Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga... Đây còn có thể là kết quả của từ nguyên dân gian (folk etymology): hai âm giống nhau của Cham và Champa dẫn đến khả năng liên hệ tên nước với cách gọi ‘văn vẻ’ như tên một loài hoa sứ chẳng hạn. Quá trình này còn thấy trong các cách gọi tên nước gần đây hơn như Mỹ, Đức, Pháp (chỉ là cận âm chứ không có nghĩa gì liên hệ đến mỹ/đẹp, đức/hạnh, pháp/lề luật...).

5. Thư viết tay của Bentô Thiện (1659)

Thư viết tay của Bentô Thiện (1659) cũng ghi tên chúa Chiêm Thành là Trì Trì thần phục nước An Nam. Vua bắt được chúa Chiêm Thành (Mlồy)... Ngữ pháp tiếng Việt vào TK 17 khá đặc biệt: nó có thể là đại (danh) từ số nhiều hay số ít; chẳng là không; ăn thịt là hoạ ~ rất hiếm (ít khi) ăn thịt; chữ quốc ngữ thời này không phân biệt rõ ràng hai thanh hỏi và ngã.

image

[... Thiên hạ thái bình (bìng). Chiêm (chiem) thành Trì Trì cũng đến làm tôi. Vua đi đánh bắt được chúa Mlồi (mlồy), trai (blay) gái đem về nước An Nam làm ruộng (ruọng) cho vua, song le nó chẳng (chảng) có ăn thịt, cho đến nay (nai) cháu con nó ăn thịt là hoạ....]/NCT.

6. Mầy ở kẻ nào? Kẻ Bắc/Nam/Đông/Tây cho đến Kẻ Chăm/Chàm...

image

VBL trang 354

Để biết quê nhà của ai, tiếng Việt vào TK 17 đã dùng câu hỏi "Mầy ở kẻ nào?" (VBL trang 354). Bản đồ của LM de Rhodes và các GS Dòng Tên cho thấy VN lúc này có các Kẻ Bắc, Kẻ Tây, Kẻ Đông, Kẻ Nam và phía nam của Kẻ Nam là Kẻ Quảng (trong thơ của Bentô Thiện), dĩ nhiên không thể gọi Kẻ Nam được nữa và vì từng là đất Chăm nên gọi là Kẻ Chăm (Kẻ Chàm, Caciam/Cacham). Các địa danh này hiện diện trong ngôn ngữ dân gian chứ không thấy ghi nhận một cách chính thức (đơn vị hành chánh). Vì là ngôn ngữ dân gian (khẩu ngữ) nên ranh giới của địa danh ‘kẻ’ không rõ ràng: từ cách dùng Kẻ Chợ (chỉ kinh đô Thăng Long/Hà Nội, nghĩa mở rộng chỉ thủ đô của một quốc gia) đến Kẻ Bắc/Nam/Đông/Tây (gồm một vùng đất rất lớn) cho đến Kẻ Coc, Kẻ Tru (bản đồ de Rhodes, gần như một làng địa phương). Ngay cả đến thời cụ Philiphê Bỉnh (cuối TK 118, đầu TK 19), ta vẫn thấy cụ đôi khi dùng làng Bùi chu hay Kẻ Bùi (chỉ làng Bùi Chu) cũng như các bạn cùng thời:

image Kẻ Bùi - trang 431 “Nhật trình kim thư khất chính chúa giáo” (Philiphê Bỉnh).

image

Kẻ chợ, làng Bùi chu - trang 85 "Sách sổ sang chép các việc" (Philiphê Bỉnh).

Hãy nghe người Việt (LM Philiphê Bỉnh, cách đây 2 TK) giải thích tại sao có tên xứ Quảng:

image

image

Nước Quảng - trích từ "Truyện nước Anam Đàng Trong - quyển nhị" Philiphê Bỉnh. Thời gian đầu thì có lúc gọi là kẻ Quảng - trích từ bức thư viết tay của Bentô Thiện (1659):

Điều này cho thấy là cách dùng kẻ không đơn giản như học giả Đào Duy Anh từng nhận xét[24] "Trong tiếng Việt Nam có cái lệ lấy chữ Kẻ đặt lên trên một chữ khác để gọi tên một làng, chữ thứ hai này thường là chỉ một đặc điểm gì về địa lý hay về kinh tế của làng ấy, ví như Kẻ Chợ, Kẻ Noi, Kẻ Vẽ, Kẻ Mộc ở Bắc bộ, Kẻ Hạ ở Quảng Bình, Kẻ Trái ở Thuận Hóa". Kẻ còn có nghĩa là người: kẻ chợ, kẻ quê, kẻ dữ, kẻ hèn (VBL) so với giả HV 者 (người nào, td. tác giả, kí giả...). Vào TK 17, VBL ghi kẻ chợ là kinh đô xứ Đông Kinh (Đàng Ngoài) - xem đoạn viết tay của Philiphê Bỉnh chụp lại ở trên (sau VBL gần 2 TK) - và Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa[25] trang 87 "… Bang kì kẻ chợ khoẻ bền muôn thu. Thành thị chợ họp đế đô. Thông nhau kẻ bán người mua của nhiều...".


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email: nguyencungthong@gmail.com

[2] Có thể là sắp chữ hay in nhầm mlồi thành mlồ.

[3] VBL còn ghi cách dùng trì trì gan hàm ý bị hỏi mà không trả lời - so với nghĩa của trì trợm (và lì lợm) chẳng hạn, có lẽ trì bộ thủ 持 (giữ, trơ ra) thích hợp hơn so với trì 池 bộ thuỷ (bộ thuỷ hàm ý địa danh)?

[4] So với po/pu tiếng Chăm dùng để chỉ người trên (kính trọng) và potau - putao là vua (bua - ꞗua trong VBL).

[5] Cũng theo Tân Đường Thư (không thấy Cựu Đường Thư hay các tài liệu Hán cổ khác nói đến chuyện này) thì Mã là tên họ của ba trăm hộ người Chăm vào cuối đời Tuỳ ( 隋 - năm 581 đến năm 618) vì có lẽ do Mã Viện xưa kia đã từng giữ 10 hộ dân ở lại. Điều này khó hiểu vì sau 600 năm mà còn giữ họ Mã (chữ/họ Hán, Mã Viện sinh năm 14 TCN và chết năm 49), ngoài ra không thấy tài liệu Chăm ghi các dữ kiện liên hệ? Để ý là năm Minh Mạng thứ 14 (1833, có tài liệu cho là vào năm Minh Mạng thứ 13...) thì triều đình bắt người Chăm phải theo phong tục người Việt và lấy họ HV như Mã, Thành, Đạo, Phú, Bá, Hán, Châu, Đổng, Dụng, Đắc... Tham khảo thêm bài viết "Bàn thêm về họ người Chăm" của tác giả Đổng Thành Danh trên trang này chẳng hạn https://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so/3932-dong-thanh-danh-gop-phan-tim-hieu-van-de-ho-va-ten-cua-nguoi-cham.html hay bài viết "GIẢI MÃ NGUỒN GỐC tên họ người Chăm xưa & nay – Phần 2: Tên họ của người Chăm thường dân" tác giả Sakaya (Trương Văn Món) trang này chẳng hạn https://khamphaninhthuan.com/nguon-goc-ten-ho-nguoi-cham-xua-nay-phan-2-ten-ho-cua-nguoi-cham-thuong-dan/, v.v.

[6] Từ điển VBL còn ghi mlắc (~ lắc), mlạc (~ lạc), mlạt (~ lạt, nhạt), mlặt (~ lặt, nhặt), mlút (~ lút), mlụt (~ lụt), mlả (~ lả), mlẽ (~ lẽ, nhẽ), mlời (~ lời, nhời), mlớn (~ lớn, nhớn), mlở - mlầm mlở (~ lầm lỡ), v.v.

[7] Td. hroi > roi > loi, hla/sla > lá: so sánh tiếng Việt lá với tiếng Chăm hala, tiếng Bahnar hla, Mon သၠ (hlaˀ), Brâu hala/xala, Co hala, Khme/Bahnar/Darang... Sedang/Hrê/Kơtu hla, v.v. Ngoài ra GS Trần Quốc Vượng trong bài viết (2004) "Dấu vết người Chăm và văn hoá Chăm Pa ở Bắc Việt Nam" cũng cho rằng Ma Lôi > M'Lôi > Lôi (tên người Chăm thời Lý có Đoàn Ma Lôi, Phan Ma Lôi...).

[8] Theo Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II trang 308 - sđd).

[9] Cu lao cham là cấu trúc tiếng Việt chứ không phải cấu trúc Bồ hoá hay La Tinh hoá như Annamite, Saigonais…

[10] Cửa Đại Chiêm từng là simhapura (僧伽補羅 tăng già bồ la ~ thành phố sư tử) hay Lâm Ấp phố... Thời de Rhodes ghi là Haifo (Hoài phố, xem bản đồ de Rhodes) hay Faifo (VBL), bây giờ là Hội An. Điều thú vị là Hội An có thể coi là một Singapore cách đây hai ngàn năm (cùng tên gọi/Phạn và lịch sử kinh tế chính trị tương tự).

[11] Quyển thượng ghi nhiều chi tiết về Chiêm Thành so với Đam Ba, vậy là Chiêm Thành và Đam Ba (Champa) có thể là hai nước Chăm cùng hiện diện vào thời nhà Nguyên - so sánh với ba nước Chăm vào thời vua Lê Thánh Tông (Hoá Anh, Nam Phan và Chiêm Thành - theo Việt Nam Sử Lược/Trần Trọng Kim).

[12] Có khả năng bất lao 不劳 là dạng kí âm HV (đơn âm hoá) của *bru hay *brau, so với dạng *mlo và kí âm 馬留 mã lưu HV, xem thêm chi tiết trong mục 1.3 ở phần trên.

[13] Ngay từ thời Lâm Ấp, vua và phụ nữ quý tộc thường đeo nhiều trang sức như vòng vàng, hoa tai... Tham khảo Phụ Trương mục 3 hay Cựu Đường Thư, quyển 197 mục thứ nhất (Lâm Ấp Quốc) trang này chẳng hạn https://zh.wikisource.org/zh-hant/%E8%88%8A%E5%94%90%E6%9B%B8/%E5%8D%B7197 hay Tân Đường Thư, quyển 222 hạ - mục thứ nhất Hoàn Vương (Lâm Ấp) trang này https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%96%B0%E5%94%90%E6%9B%B8/%E5%8D%B7222%E4%B8%8B...

Trong Lương thư (梁書) – Lâm Ấp liệt truyện (林邑列傳) – tác giả Diêu Tư Liêm (姚思廉 sinh năm 557 – chết 637 đời Đường) có ghi “… Trai gái đều dùng vải cát bối (吉貝) quấn ngang người từ vùng eo xuống dưới chân, gọi là thiên man, cũng gọi là đô man. Lấy vòng nhỏ xâu đeo qua tai (hoa tai)...”

[14] Tham khảo loạt bài viết về khuynh hướng lẫn lộn n và l cùng tác giả/NCT như trên trang https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20351, v.v.

[15] Tiếng Khmer រាម (riəm đọc như là riơm) nghĩa là rừng nhiều cây cối mọc ở dọc theo sông ngòi - tiếng Việt còn dùng rậm như rừng rậm, râu rậm, tóc rậm... So sánh với sâm HV 森 (rậm) và lâm 林 trong Lâm Ấp.

[16] So với các cách giải thích khác như Lâm Ấp là gọi tắt của Tương Lâm Ấp theo Thuỷ Kinh Chú, so với bi kí ghi là Campanagara (thành Chăm Pa), Campapura (Ấp Chăm Pa), hay bộ lạc dừa (cổ Chăm gọi là li-u > lâm) và bộ lạc cau (punang - pinang) - rất khó giải thích tương quan của hai âm li-u và lâm ấp, v.v. Xem thêm các trang https://chamblogger.wordpress.com/2021/05/03/van-de-quoc-hieu-danh-xung-lam-ap-chiem-thanh-champa-trong-lich-su/ hay https://nghiencuuquocte.org/2019/10/17/van-de-nha-nuoc-lam-ap-trong-lich-su/..

[17] Theo tác giả Nguyễn Anh Huy thì Hoàn Vương quốc nghĩa là “vương quyền trở về quê cũ” (xem bài viết đã dẫn) - thật ra hoàn ở đây theo thư tịch Hán viết là 環 bộ ngọc (~ vòng ngọc) chứ không phải là hoàn 還 bộ túc (~ trở về), thành ra lập luận như trên không phù hợp với văn bản. Một cách lí giải khác là “Hoàn Vương” là “vua theo vòng tròn”, cũng có thể đã được dùng để chỉ khái niệm “rāja-dhi-rāja”, phù hợp với thể chế quyền lực theo kiểu vòng tròn các tiểu quốc (mandala) - theo tác giả Võ Văn Thắng (xem phần tài liệu tham khảo). Từ một trường hợp rất cụ thể (vòng ngọc) để mở rộng thành một dạng nhà nước cai trị (khái niệm trừu tượng) trong thời đại này cần phải giải thích với cứ liệu dẫn chứng thêm nữa.

[18] Td. người Hmong tin rằng hoa tai càng lớn thì người đàn bà càng khoẻ, chịu khó hơn. Bộ tộc Gadaba ở Ấn Độ đeo hoa tai rất lớn - tham khảo trang https://medium.com/@Gaatha/indian-tribe-gadaba-9b64eb5d006e, v.v.

[19] Lê Ngọc Trụ: "Tầm nguyên tự điển Việt Nam", NXB Thành Phố HCM (1993).

[20] Chú ý/NCT: chữ hiếm 㻸 đọc là trầm (側岑切 trắc sầm thiết/TVGT) hay sầm (側岑切 sừ trâm thiết/TV), nghĩa là một loại đá tựa như ngọc - dùng để kí âm tlàm/trằm (hoa tai).

[21] Soạn từ năm 1700 đến năm 1725, gồm 10 ngàn bộ (tất cả là 800 ngàn trang) ghi lại các tác phẩm và hình vẽ /bản đồ từ xưa cho đến đời vua Khang Hi - tham khảo thêm chi tiết trang này chẳng hạn https://zh.wikipedia.org/zh-hant/%E5%8F%A4%E4%BB%8A%E5%9B%BE%E4%B9%A6%E9%9B%86%E6%88%90

[22] Để ý: chiêm nhân có nghĩa là viên quan coi việc bói toán trong tài liệu Hán cổ (td. Chu Lễ - Xuân Quan - Chiêm Nhân 周禮.春官.占人) rất khác với cách dùng Chiêm nhân HV của người Việt như trên.

[23] Từ thời học giả Louis Finot (Viện Viễn Đông Bác Cổ /EFEO) đã cho rằng Champa là tên từ quá trình Ấn Độ hoá (có gốc Phạn) ĐNA, học giả Michael Vickery (trong Champa Revised/2005) đặt vấn đề là tại sao các bộ tộc Nam Đảo như Rade, Jarai, Chru, Roglai thường chỉ dùng Cam là ngữ căn để gọi Champa, cũng như sử Việt và TQ đều dùng Chiêm, nhất là cách dùng Chiêm Thành - tại sao không gọi là Chiêm Bà Thành? Người viết đồng ý với nhận xét này, thêm một dữ kiện là Chiêm Bà Thành 瞻波城 từng là thủ đô của Anga (thế kỉ 6 TCN) ở Ấn Độ, ngay chỗ hai sông Campa và Ganga gặp nhau - nay là các làng có tên là Campāpurī và Champanagar, v.v.

Tham khảo chi tiết về Champapuri (~ Chiêm Thành) của cổ Ấn Độ trang này chẳng hạn https://dbpedia.org/page/Champapuri hay https://academic-accelerator.com/encyclopedia/champapuri, v.v.

[24] Đào Duy Anh "Ðất nước Việt Nam qua các đời", NXB Thuân Hoá (tái ban năm 1994).

[25] Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa", NXB Văn Học, Hà Nội (2016). Nguồn gốc của cách dùng kẻ chợ rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết 41 này.