Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 25)

Đỗ Duy Ngọc

SÀI GÒN NGÀY ĐẦU TIÊN GIẢM GIÃN CÁCH

Suốt thời gian thành phố này bị cách ly rồi phong toả, ai cũng mong đến ngày mở cửa. Thời gian cứ trôi đi với những bi thương. Tháng 7, tháng 8 rồi tháng 9, mọi người mong bao giờ cho đến tháng mười. Và hôm nay đây, tháng mười đến rồi đây, mọi chuyện vẫn chưa yên.

Mở đầu cơn đại dịch, làn sóng người với hàng trăm chiếc xe gắn máy mang theo cả gia đình với một nhúm gia tài gom góp được quay đầu xe về hướng Bắc làm một cuộc trở về. Hành trình cả ngàn cây số không khiến cho họ lo sợ bằng chuỗi ngày ở lại để chết vì đói vì dịch bệnh. Và hôm nay, khi mở đầu cho ngày giảm giãn cách cũng hàng ngàn người bỏ thành phố chạy ngược về miền Tây sau gần 5 tháng quắt quay với đói nghèo và bế tắc. Đêm 30.9 và rạng sáng 1.10, hàng dòng người ùn lại ở Long An trong tuyệt vọng. Họ không được đi tiếp về nhà, họ không còn lối thoát. Cả một thời gian dài đại dịch họ cố bám trụ thành phố trong đắng cay và túng bấn. Và cũng như những người quay đầu xe về phương Bắc trước kia, họ chỉ muốn về quê, được sống với cha mẹ, anh em, người thân với ruộng vườn ao cá. Có thể nghèo nhưng không đến nỗi thiếu ăn, có thể chưa kiếm được việc làm nhưng không sống trong nỗi lo âu và bế tắc.

Khuya 30.9, tại quốc lộ 1 (khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) giáp ranh tỉnh Long An, rất đông người dân đi xe máy tự phát về quê vẫn đang vạ vật, chờ đợi với hi vọng được cho qua. Đến khuya, dù đã qua ngày 1.10, vẫn còn hàng trăm người dân tập trung tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) mong được qua chốt để về quê ở các tỉnh miền Tây.

Mặc dù chính quyền địa phương và công an đã giải thích, thuyết phục người dân về lại nơi cư trú nhưng người dân vẫn không chịu giải tán, có lúc hỗn loạn tưởng như có thể đưa đến bạo loạn, dân chỉ mong muốn được sang phía địa bàn Long An để đi tiếp.

Đêm dừng lại ở chốt chặn, tiếng khóc của trẻ con, nỗi buồn của người lớn, tiếng loa của đội cảnh sát đặc nhiệm, công an hoà lẫn tiếng thét uất ức của đám người tạo thành một âm thanh hỗn loạn. May đêm qua trời không mưa. Tất cả đều bất lực. Người trở về bất lực vì bị ngăn chận bít nẻo về. Chính quyền bất lực vì không tìm ra giải pháp. Đã mấy tháng trôi đi, lãnh đạo không có một kế hoạch gì cho tình trạng này. Người dân đã nhẫn nại đợi chờ trong hoang mang, và chỉ cần giờ giảm giãn cách điểm là họ lên đường, điều đó chứng tỏ họ đã đến mức cuối cùng của sự chịu đựng.

Ở đợt di tản lần thứ nhất, chính quyền đành bất lực vì không thể ngăn chận làn sóng người quyết chí trở về trong những nỗi khó khăn chực chờ của con đường vạn dặm. Và giờ đây cũng là sự thất bại của nhà nước khi chặn người về mà không có một giải pháp rõ ràng. Điều đó cho thấy chính quyền đã không có một sách lược, một tầm nhìn trước những biến cố và cứ mãi thi hành một kiểu quen thuộc từ xưa đến nay là quản không được thì cấm.

Trở về nhà, về quê khi còn còn phương sống ở thành phố là một nhu cầu cấp bách và cũng là một trong những quyền của một công dân trong đất nước đã được hiến pháp, luật pháp quy định. Đã đành là trong mùa dịch, chấp nhận hạn chế đi lại. Nhưng khi đã giảm giãn cách, xoá cách ly, chính quyền phải nghĩ đến giải pháp cho những người muốn về quê. Không thể cấm và cũng không nên ngăn họ lại, họ có quyền được trở về nhà sau những tháng chịu đựng đói cơm, thiếu thuốc vì thất nghiệp.

Nhiều người ngủ trên giường nệm, trong phòng máy lạnh, cơm ngày ba bữa, không bị thiếu ăn, không có nỗi lo âu vì nghèo túng lên án họ là những người vô ý thức, truyền dịch đi khắp nơi. Cũng có những người ngồi cào phím bảo họ nghe xúi giục của những lực lượng phản động gây xáo trộn xã hội. Xin thưa với quý ông bà, các người không ở trong hoàn cảnh của họ thì nếu không thông cảm thì cũng đừng nên cất tiếng dạy đời. Chẳng có ai xúi giục họ cả, chính lẽ sinh tồn, chính vì cuộc sống khiến họ giữa đêm phải cùng vợ dại, con thơ chấp nhận lên đường trở về trong gió và sương đêm. Chính vì không muốn phải chết nên họ phải tìm một sinh lộ. Lỗi là lỗi ở chính quyền, là các chính sách của nhà nước. Một chính phủ không lo được đời sống tối thiểu cho nhân dân trong cơn nguy khốn chứng tỏ chính phủ ấy bất tài. Một nhà nước không làm cho dân yên tâm trước những biến cố chứng tỏ nhà nước ấy bất lực. Những người lãnh đạo không nghĩ ra được cách để giải quyết để an dân chứng minh họ là người thiếu tầm nhìn. Dân chỉ là nạn nhân của sự bất lực, bất tài đó. Không trách dân được. Tổ chức cho dân trở về có trật tự trong vòng kiểm soát. Mỗi địa phương chọn một vài địa điểm tập trung cho người trở về, chọn lọc dịch bệnh và cho phép họ sum họp với gia đình. Chuyện này đâu khó, chẳng qua vì thiếu óc tổ chức, chỉ biết làm theo chỉ thị, chỉ biết cấm và cấm. Xã hội, thể chế này chỉ biết giải pháp tốt nhất là cấm khi không quản được. Ngàn người muốn về gần chục tỉnh, hàng trăm huyện xã thì việc tổ chức cho họ trong trật tự không là chuyện khó. Chẳng qua chính quyền không muốn làm cũng như không dám làm. Và những người dân trở thành những kẻ bị từ chối, trở thành kẻ lưu vong trên chính đất nước mình.

Theo dõi tin tức từ mấy hôm nay, kế hoạch giảm giãn cách của thành phố cũng không làm cho người dân hài lòng như mong đợi. Suốt cả thời gian dài giãn cách, cách ly rồi phong toả, con số người nhiễm dịch và tử vong càng lúc càng cao mặc cho chính sách càng ngày càng siết chặt, mọi sinh hoạt và những tự do tối thiểu của con người bị ngăn chận. Điều đó chứng tỏ những biện pháp, chính sách đó không mang lại hiệu quả mà chỉ có những hậu quả bi đát. Số người bệnh và người chết cao nhất trên cả nước. Tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh cũng cao nhất nhì thế giới. Và cuối cùng là chọn cách sống chung với virus. Thế nhưng những kế hoạch, giải pháp giảm giãn cách đưa ra không vì cuộc sống của dân, không vì đã kiểm soát được dịch bệnh mà vì áp lực kinh tế. Người dân chưa được tự do đi lại sau thời gian dài bị tù hãm. Những sinh hoạt hàng quán vẫn chưa được buôn bán bình thường. Những ngôi chợ vẫn chưa được mở lại. Người đi đường sẽ bị chận lại xét giấy và bị phạt tiền. Thế thì có khác chi thời giãn cách? Ông Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm. Thế nhưng chính quyền chỉ đưa ra nhiều giải pháp cho kinh tế mà bỏ quên giải quyết vấn đề sức chịu đựng của xã hội.

Trong chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đêm 30.9, Phó Chủ tịch thành phố cho biết rằng từ ngày 1.10, người dân được di chuyển trong nội, ngoại thành nhưng phải có lý do chính đáng, những trường hợp không nêu được lý do vẫn bị xử lý. Thế thì có khác chi thời giãn cách? Ông nói rằng với việc lưu thông từ 1.10 sau khi các chốt kiểm soát được gỡ bỏ, không cần giấy đi đường, ông Hoan cho biết người dân có thể đi lại bình thường trong nội, ngoại TP.HCM (không di chuyển ra địa bàn tỉnh khác).

Nhưng ông lại bảo rằng người dân trong quá trình lưu thông cần chuẩn bị mã QR khai báo di chuyển tại ứng dụng VNEID và lịch sử tiêm chủng vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh đủ điều kiện lưu thông. Thế thì sao lại bảo là đi lại bình thường không cần giấy. Đủ thứ loại giấy đấy chứ. Mà trong thực tế, những cái thứ mã khai báo, ứng dụng và giấy chứng nhận chích vaccine vẫn đang rối rắm tùm lum, sai sót đủ thứ thì lấy cái gì để chứng minh đây?

Ông cũng cho rằng thành phố sẽ áp dụng chỉ thị mới để thích ứng, an toàn trong môi trường có dịch và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, lao động. Sẽ cố gắng mở cửa từng bước, an toàn, nới lỏng đến đâu, an toàn đến đó. “Không thể phòng chống dịch đi trước, sản xuất kinh tế đi sau hay ngược lại”. Có nghĩa là ưu tiên vì kinh tế trước, chuyện đời sống, sinh hoạt của dân tính sau vậy.

Sáng nay đường phố Sài Gòn đã nhộn nhịp hơn, không còn cái không khí vắng lặng của thời gian trước nhưng người dân vẫn nơm nớp lo. Lo vì thật sự dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt. Con số tử vong tuy có giảm nhưng số người nhiễm vẫn còn cao. Hơn nữa, theo thiếu tá Phan Phạm Anh Tài, Đội CSGT Công an Q.3 cho biết lực lượng CSGT tham gia vào 5 tổ tuần tra, 1 tổ hình sự đặc nhiệm, 1 tổ tuần tra 363. Theo đó, các lực lượng sẽ tuần tra lưu động trên đường, yêu cầu dừng xe, kiểm tra ngẫu nhiên người tham gia giao thông về thẻ xanh, chứng nhận tiêm ngừa hoặc giấy chứng nhận là F0 đã điều trị xong trong 180 ngày. Nếu không đủ các giấy tờ ấy và không có lý do chính đáng sẽ bị phạt. Vậy thì chạy ra đường trong tâm lý không an tâm chút nào. Thôi đành chờ lúc nào ổn rồi ra đường thôi. Ráng chờ thêm chút nữa.

Cũng theo tin các báo, lực lượng quân đội tăng viện sẽ tiếp tục ở lại thành phố và các tỉnh phía Nam sau ngày 1.10 khi lệnh giãn cách được nới lỏng để hỗ trợ các địa phương này trong công tác phòng chống dịch, cho đến khi việc tiêm vaccine được bao phủ. Từ ngày 23.8, Bộ Quốc phòng đã huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng ngàn quân chủ lực vào tham gia chống dịch ở thành phố với dự định kiểm soát dịch bệnh trong 15 ngày. Lực lượng này tham gia các chốt kiểm soát, khám bệnh cho người dân. Có thời gian ngắn quân đội đảm nhiệm toàn bộ việc chuyển hàng đến nhà người dân thay cho đội ngũ shipper bị cấm hoạt động, nhưng sau đó đã phải hủy bỏ vì không hiệu quả. Được biết, lực lượng này sẽ rút khi số F0 giảm, bệnh nhân trong các bệnh viện không còn nhiều người nguy kịch, y tế địa phương có thể đảm nhiệm công việc theo dõi và đảm nhiệm được các trường hợp cách ly chữa tại nhà, lúc đó quân đội sẽ giảm và rút về. Có thể là phải hết tháng 11.2021. Điều này chứng tỏ tình hình vẫn còn căng, không phải giảm giãn cách là dịch bệnh không còn mà người dân nên cảnh giác. Nếu chủ quan, dịch lại bùng lần nữa thì sẽ còn lắm cảnh bi thương.

Theo tôi, cách giảm giãn cách phải song hành giữa phục hồi kinh tế và sinh hoạt bình thường của nhân dân. Tất cả nên đơn giản hoá mọi thủ tục, không nên lắm lời dài dòng về các chỉ thị. Tất cả nên ngắn gọn để ai đọc cũng hiểu, nhớ và làm theo được.

Trước hết là ổn định và sắp xếp lại nhân lực, thiết bị tại các bệnh viện. Hiện nay số người nằm viện vì virus không còn cao như trước. Do đó phân bổ và tập trung cho các bệnh nhân mang những căn bệnh khác vì lâu nay họ đã bị bỏ quên và cũng đã có lắm người chết vì không được cứu chữa kịp thời. Cho phép xe cộ lưu thông từ các tỉnh để bệnh nhân tuyến tỉnh có thể tái khám và chữa bệnh bình thường, bệnh viện ổn định trở lại với công việc bình thường của nó.

Gỡ bỏ các dây giăng, kẽm gai, thông thoáng ngõ hẻm, con phố. Đưa dân phòng về lại công việc đúng của họ. Các chốt kiểm soát ngoại thành và cửa ngõ thành phố nên dành cho công an và quân đội đảm trách.

Sắp xếp và tổ chức cho người có nguyện vọng về quê được đi về hợp pháp và trật tự. Cho phép và tạo điều kiện cho những người công nhân trở lại thành phố để làm việc bởi tình trạng thiếu công nhân trầm trọng khi nhà máy mở cửa.

Không nên phân biệt vùng xanh, vàng, cam đỏ nữa khi chúng ta chấp nhận sống chung với virus. Và cũng vì thế cũng không còn phân biệt thẻ xanh với thẻ vàng. Thành phố đã công bố tỷ lệ tiêm chủng vaccine mũi 1 là gần như 100% rồi thì còn xét thẻ vaccine làm gì. Công nhân, nhà máy, hãng xưởng được mở cửa và người đi làm cũng không nên chọc ngoáy hàng ngày, hàng tuần nữa. Chỉ xét nghiệm với các đối tượng nguy cơ và khu vực có thể là ổ nhiễm. Chấm dứt ngay việc xét nghiệm toàn diện và thần tốc. Đưa lực lượng này về các bệnh viện để chăm sóc người bệnh tốt hơn, giảm tỷ lệ tử vong.

Cho phép chợ truyền thống và các hàng quán mở cửa buôn bán bình thường trong vòng kiểm soát với tỷ lệ người tham gia có ấn định. Sinh hoạt chợ là hồn phách của một vùng đất, thiếu nó thành phố chẳng còn sinh khí. Cho phép tự do đi lại vì ai cũng đã có ít nhất một mũi rồi, nhưng không cho phép đi đến những tỉnh thành đang có bùng phát dịch. Hãy xem bệnh cúm virus này như là một bệnh truyền nhiễm. Ngày trước bệnh dịch hạch, dịch tả, lao phổi, cúm mùa, đậu mùa, thương hàn, sốt rét cũng giết hàng triệu người, nhưng rồi nó cũng trở thành căn bệnh truyền nhiễm bình thường. Do vậy cũng nên đơn giản hoá tránh căng thẳng và tâm lý hoảng loạn trong dân. Bình thường hoá cuộc sống trước tiên là phải bình thường hoá căn bệnh. Đỉnh dịch đã qua rồi, người chết nhiều vì lỗi của các biện pháp và chỉ thị chưa đúng và không hợp thời điểm chứ không phải do cơn bệnh. Chúng ta thiếu chuẩn bị nên không có cách để đối phó gây hậu quả nghiêm trọng. Những người đã chết không có cách gì để sống lại được nên cũng không nên ngồi để trách móc hay nguyền rủa. Cách tốt nhất bây giờ là ý thức được nguyên nhân để sửa chữa tránh được những thiệt hại tiếp theo.

Sau mấy tháng dài chịu đựng, mong đợi ngày hôm nay. Nhưng rồi thấy cũng chẳng lấy làm gì phấn khởi. Những dự tính, những mong muốn định thực hiện trong ngày đầu tiên mở cửa cũng không làm được. Thôi đành chờ ngày tốt hơn với những chỉ thị hợp lý hơn vậy.

1.10.2021

Ngày đầu Sài Gòn giảm giãn cách

GIẢM GIÃN CÁCH

SÀI GÒN NGÀY GIẢM GIÃN CÁCH THỨ HAI

Cuối cùng, những người lao động nghèo muốn trở về quê ở những tỉnh miền Tây cũng đã được giải quyết. Điều đó cho thấy chẳng qua chính quyền không muốn làm hay không dám làm thôi. Nếu muốn quyết tâm làm rồi cũng sẽ được sắp xếp êm đẹp. Chính quyền thành phố đã phối hợp các tỉnh thành dùng xe buýt, ôtô tải đưa hàng nghìn người chạy xe máy từ thành phố về miền Tây. Hơn 20 ôtô tải, xe khách, buýt được lực lượng chức năng bố trí đậu dọc đường, hướng về tỉnh Long An, chờ sắp xếp đưa người dân về quê. 113 xe buýt được thành phố bố trí tại các chốt kiểm soát cửa ngõ hỗ trợ người dân về quê. Các xe buýt có sức chứa 40-80 chỗ, được bố trí gần các chốt nhằm sẵn sàng giải toả ùn ứ, hỗ trợ đưa người dân về các tỉnh thành an toàn. Phương án đưa ra ôtô sẽ chở cả người lẫn xe máy về từng tỉnh thành. Trước khi lên xe, người dân được xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính. Người có xác nhận âm tính còn hiệu lực 48 giờ không cần test lại. Đã có gần gần 500 người dân được xe cảnh sát dẫn về các tỉnh theo nguyện vọng.

Tỉnh Long An cũng chuẩn bị xe buýt, xe tải để hộ tống 1.200 người trong hai ngày qua đang bị kẹt ở huyện Đức Hoà về quê. Tại chốt kiểm soát tỉnh Long An giáp ranh Tiền Giang, cảnh sát giao thông hộ tống 2 đoàn về Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng với 6 xe được huy động. Kế đến, tỉnh Kiên Giang được bố trí 5 xe; An Giang, Bạc Liêu mỗi tỉnh 3 xe. Tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang mỗi tỉnh 1-2 xe đưa người dân hồi hương.

Những người liều lĩnh trở về ai cũng biết mình đang làm sai, nhưng không còn cách nào khác. Đã cùng đường sau thời gian bị phong toả, không còn tiền trả tiền trọ, cũng chẳng còn cách gì để kiếm sống, họ buộc phải tìm đường sống bằng cách trở về nhà. Một người trong đoàn sau khi đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính, được hỗ trợ phương tiện về quê đã phát biểu thật lòng: ”Cảm ơn lực lượng chức năng đã hỗ trợ, giúp đỡ cho chúng tôi được về quê, dù chính chúng tôi là người làm trái quy định của thành phố”.

Việc người dân được thu xếp để được về theo nguyện vọng cho thấy khi chính quyền thông cảm được cho dân, hiểu rõ được nguyện vọng của người dân thì mọi chuyện đều đưa đến kết quả êm đẹp. Không thể ép dân phải tuân theo những chủ trương khi dân chưa thuận tình.

Sáng nay 2.10, lại có thêm hàng ngàn người dân đi xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc tập trung trước chốt kiểm soát dịch trên đường Đồng Khởi, đoạn tiếp giáp giữa huyện Vĩnh Cửu với TP Biên Hòa yêu cầu được về quê. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, dù chủ trương của chính phủ là hạn chế tối đa những cuộc di chuyển đông người như thế này. Nhưng chính quyền Đồng Nai đã cố gắng tạo điều kiện cho những người muốn hồi hương. Lực lượng công an, cảnh sát cơ động , dân quân đã giúp đỡ và vẫy tay tạm biệt đoàn người từ giã.

Những cách giải quyết đấy hợp tình nên được sự ủng hộ của nhiều người dù vẫn biết những việc di chuyển đông người như thế có thể khiến cho dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Thế nhưng khi chúng ta đã chấp nhận sống chung với virus, xét nghiệm kỹ càng và số người đã được tiêm chủng khá nhiều thì việc cho phép nhân dân đi lại là việc cần làm. Không thể để cho dân nhập cư và những người lao động nghèo chịu đựng khó khăn hơn nữa.

Qua cơn đại dịch mới thấy rõ hơn dân ta còn nghèo quá, còn khổ quá. Ngay những người đã định cư ở Sài Gòn lâu năm, vẫn còn rất nhiều khu vực, nhiều gia đình, nhiều người còn sống trong thiếu thốn và tạm bợ. Đi vào trong những hẻm sâu, ngõ nhỏ, vẫn còn đó những căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, những xóm nghèo, thiếu nhiều tiện nghi sinh hoạt, người ta sống ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà tăm tối và ngột ngạt. Đi vào những con hẻm ở quận 4, Bình Thạnh, Gò Vấp hay Thủ Đức..đằng sau những cao ốc, những hàng quán, tiệm ăn rực rỡ ánh đèn là những khu lầy lội, ẩm thấp và trong đó có nhiều gia đình đã sống mấy đời ở đấy. Họ quẩn quanh với số phận mà không thoát ra được.

Những người nhập cư sống trong những dãy nhà trọ cũng chật chội và nóng bức. Thu nhập chỉ đủ trả tiền nhà và những bữa ăn không đủ dinh dưỡng. Nhưng vẫn còn hơn bám ở làng. Nhiều người đành sống trong những khu nhà mọc lên trên những đồng hoang, không điện nước, nhà vệ sinh, chắp vá và tạm bợ. Trú ngụ trong những lán nhà theo từng công trình đi mọi nơi. Nơi nào cũng đầy muỗi mòng và dễ lây nhiễm tật bệnh.

Họ làm đủ nghề để sống, có nhiều người mấy đời chạy chợ, buôn thúng bán bưng, có một chỗ ngồi nho nhỏ ở một cái chợ ven đường buôn bán những món rẻ tiền cho người nghèo, có người lượm ve chai, có người đi làm thuê, làm giúp việc nhà, phụ bán quán, rửa chén trong các nhà hàng, tiệm ăn. Người nhập cư đa số làm thợ hồ, chạy xe ôm, làm công nhân trong hãng xưởng, bán vé số, bán hàng rong. Nói chung thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, con cái khó được học hành đến nơi đến chốn. Đầu tắt mặt tối, suốt ngày chịu nắng mưa, gió bụi nhưng chẳng để dành được bao nhiêu.

Do vậy, khi có dịch, họ là những nạn nhân đầu tiên lâm vào cảnh thiếu ăn, dễ dính bệnh và có nhiều người tử vong nhất. Và rồi không thể chịu đựng một thời gian dài giãn cách, họ không còn được làm việc, không còn được bán buôn, họ kiệt sức và không lối thoát. Những gói an sinh, những đồng tiền hỗ trợ của chính phủ chỉ giúp họ một thời gian ngắn, sau đó lại thiếu thốn. Người nhập cư tìm cách về quê. Họ quyết về nhà bằng bất cứ phương tiện gì, đa số là xe gắn máy. Nhưng cũng có người về bằng xe đạp và cũng có những thanh niên đi về bằng đôi chân trần qua hơn 300 cây số.

Người nghèo thành phố đành tìm mọi cách để chịu đựng qua cơn khốn khó. Trước họ sống nhờ những đoàn thiện nguyện, những nhóm từ thiện. Giờ họ chờ những hỗ trợ của nhà nước, lúc có lúc không với nhiều thủ tục. Họ mong ngày mở cửa để được đi làm. Cho nên họ vui mừng khi nghe tin giảm giãn cách. Dù biết trước mặt còn biết bao gian khổ khó thoát ra được.

Suy cho cùng, tình trạng bỏ làng quê ra thành phố kiếm cơm là chuyện bình thường ở các nước nghèo đang phát triển. Tuy nhiên, nếu các chính sách về đời sống cũng như về nông nghiệp được quan tâm tốt hơn sẽ không có nhiều người bỏ làng ra đi như hiện nay. Người nông dân làm suốt bốn mùa mà vẫn thiếu ăn. Đất đai bị quy hoạch vô tội vạ, mảnh ruộng càng ngày càng bé lại, thu hoạch không đủ trả chi phí, họ đành bỏ đất mà đi. Ra thành phố cũng chỉ kiếm đủ miếng cơm qua bữa. Cho nên khi thành phố có biến động, không còn kiếm sống được nữa họ đành phải trở về. Đó là vòng luẩn quẩn của số phận người nông dân Việt bây giờ. Chưa có thời kỳ nào mà người Việt phải ly hương nhiều như thời nay. Lớp thì đi lao động, làm thuê ở xứ người. Lớp thì vào thành phố kiếm sống. Và cũng không thiếu người rời quê lấy chồng phương xa mong được đổi đời, đi ra xứ lạ bán thân nuôi miệng.

Làng quê Việt Nam không còn không khí của làng xưa nữa và những phong tục, nét đẹp của cha ông mất dần đi. Quan niệm sống cũng đổi thay, tình người đối xử với nhau cũng không còn như cũ nữa.

Những người hôm qua còn đứng dưới nắng nóng để mong một cuộc trở về giờ này chắc cũng đã thoả lòng với gia đình của mình nơi quê nhà. Cũng mừng cho họ nhưng rồi không biết tương lai sẽ ra sao? Có lẽ mốt mai, cuộc sống bình thường trở lại, họ lại lên thành phố, tiếp tục với những công việc cũ chứ ruộng đồng lúc này không còn nuôi sống họ được nữa rồi.

Hôm nay là ngày thứ hai giảm giãn cách ở Sài Gòn. Không khí thành phố có vẻ náo nhiệt hơn, mọi người cũng vui hơn. Nhiều chợ đã có lác đác người bán kẻ mua. Người bán tươi cười chào khách, tuy hàng hoá chưa nhiều, giá cả còn cao nhưng đã có sinh khí của cuộc sống. Như thức dậy sau giấc ngủ, như khoẻ lại sau cơn bệnh nặng, mặt người hớn hở với nụ cười dù đâu đó vẫn thấp thoáng nỗi đau của mất mát và chia lìa. Những tiệm vàng rộn rịp người bán, mấy tháng rồi ngồi không, giờ bán vàng để chi tiêu trong gia đình. Bán vàng còn để làm vốn tiếp tục bán buôn kiếm sống sau chuỗi ngày dài ngồi chờ đợi. Đem vài món quý đi cầm để có chút tiền mua nguyên liệu nấu đôi ba món ăn, mua vài thứ bán buôn kiếm chút lời để tiếp tục cuộc sống. Tiệm hớt tóc đông người, tiệm sửa xe lắm khách, tiệm tạp hoá nhiều người mua, tiệm sửa máy móc, điện thoại chen nhau, quán ăn cũng nhộn nhịp với những món ăn nhiều người đợi chờ. Mọi người ai cũng muốn giải quyết những việc mà hơn 120 ngày vừa qua không làm được. Nhưng trong sự hân hoan cũng còn lắm nỗi lo. Dịch vẫn còn đó, virus ở khắp nơi nên lúc nào cũng phải cảnh giác. Nhu cầu thì nhiều mà tiền bạc thì đang ít lần đi. Công việc kiếm ăn cũng nhiều khó khăn. Vui vì không còn bị giam hãm nhưng vẫn còn đó lắm nỗi lo cho tương lai. Lo cha mẹ đi làm mà con chưa được vào trường, ở nhà học trực tuyến không người trông coi. Lo mấy cái app lung tung chưa cập nhật nên ngại sẽ gặp rắc rối khi bị xét hỏi. Tiệm, quán, cửa hàng, chợ đang dần mở lại sợ tập trung lây nhiễm. Lo trộm cướp, băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng vì túng quá làm liều, vì thiếu tiền làm bậy.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an thành phố cho biết sau quá trình áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, các loại tội phạm nằm im không thể hoạt động. Do đó, sau khi nới lỏng giãn cách; các băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng hoạt động, nhất là trộm cắp, cướp giật tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ma túy; cho vay lãi nặng, tín dụng đen...Vì vậy đêm sẽ khó yên giấc, đi làm cũng khó yên lòng.

Sở Giao thông Vận tải cũng có văn bản khẩn về việc hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố. Từ ngày 5.10, xe buýt, xe khách, xe taxi, xe công nghệ. ở thành

phố sẽ tái khởi động. Nhịp thở của thành phố đang dần trở lại, mong nhịp thở không còn bị tắc, mạch máu được lưu thông để Sài Gòn đứng dậy đi lên.

Hôm nay chỉ nói chuyện vui, không nhắc đến những bi thương và buồn thảm của 120 ngày tù hãm. Không nhắc đến những con số lạnh lùng của dịch bệnh. Không nói đến những oan khuất, những thói của bọn sai nha, những thủ đoạn làm giàu trên xương máu nhân dân của bọn tài phiệt. Những tin vui sẽ bớt những mây mù của một mùa đại dịch. Mừng cho những ai qua cuộc đau thương vẫn còn đủ cha mẹ, anh em, con cháu, bạn bè, người thân và bản thân vẫn còn vui khoẻ.

2.10.2021

HỘI CHỨNG VỀ QUÊ VÀ KHỦNG HOẢNG LÒNG TIN

Sau đợt người dân lũ lượt theo nhau về quê đêm 30.9 rạng sáng 1.10 gây tắc nghẽn ở cửa ngõ Long An. Dù chính quyền tìm mọi cách ngăn cản và thuyết phục, làn sóng người vẫn không đồng tình. Cuối cùng, chính quyền phải sắp xếp cho dân về theo nguyện vọng. Tiếp theo đó, tối 2.10, bà con lao động miền Tây lại đi xe máy rầm rộ nối nhau từ Bình Dương về thành phố để hồi hương. Lãnh đạo tỉnh lại kêu gọi bà con ở lại nhưng cũng chẳng ai nghe, ai cũng chỉ có một mong muốn là trở về. Tất cả hướng ra quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn. Hàng ngàn chiếc xe rú trong đêm quyết chí ra đi.

Từ khi dịch bùng phát ở thành phố và một số tỉnh lân cận, đã có mấy đợt di tản như thế này. Bắt đầu là những người quê ở miền Trung và miền Bắc, đường xa hàng ngàn cây số, họ vẫn liều lĩnh quay đầu đi về. Rồi đến mấy đợt người miền Tây. Tất cả đã đến giới hạn của sự chịu đựng.

Trước đây, Sài Gòn đất lành chim đậu. Họ bỏ quê, bỏ ruộng vườn vào đây, lên đây kiếm kế sinh nhai. Đất Sài Gòn bao dung và rộng mở. Họ cũng đã trở thành dân Sài Gòn. Họ làm đủ nghề để sống và gởi tiền về nuôi con đi học, cho cha mẹ già viên thuốc lúc ốm đau. Thợ hồ cũng kiếm được một, hai trăm ngàn một ngày. Bán vé số được trăm tờ cũng có được trăm ngàn. Làm thúng xôi đầu hẻm, xe bánh mì đầu đường, gánh bún riêu trong ngõ cũng sống được qua ngày. Cùng chiếc xe đạp rong ruổi mua phế liệu, lượm ve chai cũng nuôi được gia đình. Làm công nhân trong hãng xưởng, bát cơm có thêm miếng thịt cá, con sinh ra có được hộp sữa để lớn. Họ an tâm sống và lao động trên đất này với chút hi vọng thế hệ tiếp nối sẽ có cuộc sống tốt hơn, tương lai sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng rồi đất không còn lành khi cơn đại dịch thổi tới.

Những chỉ thị, văn bản, nghị quyết, biện pháp lần lượt ra đời. Đường phố không người đi, xóm làng giăng dây, căng kẽm. Nhà máy đóng cửa. Mọi hoạt động đông cứng lại và họ trở thành người thất nghiệp. Số tiền nhỏ nhoi để dành cạn dần. Viễn cảnh chết đói đến gần đe doạ cuộc sống của vợ con. Họ nghe và tin những lời hứa của chính quyền, của nhà nước là không để một ai phải đói, không để ai bị bỏ lại phía sau. Họ tin và họ chờ. Nhưng rồi khi trong nhà không còn hạt gạo, khi sữa cũng chẳng có tiền mua cho con nhỏ, đến bữa không còn có bát cơm vẫn thấy mình bị bỏ quên, vẫn biết mình đang bị bỏ lại. Bốn tháng trông đợi, 120 ngày cầm cự bữa đói bữa no sống nhờ cơm từ thiện, họ bắt đầu tuyệt vọng. Gói hỗ trợ lần 1, rồi lần 2, thủ tục rườm rà, khai báo đủ kiểu nhưng người có kẻ không. Ở trên thì bảo trợ cấp cho từng người, ở dưới lại cho là cấp cho từng hộ. Số tiền hỗ trợ có nơi nhận, có chỗ chờ hoài không thấy. Có khi được cho bó rau, mấy củ lại cấp cho cả chục người trong nhà trọ, biết chia làm sao để ăn cho đủ. Bốn tháng tiền nhà, không tiền đóng, chủ đuổi. Bốn tháng tiền điện nước, cũng không đủ tiền trả, điện cắt, nước cắt, sống làm sao? Cuối cùng là bị đuổi ra khỏi phòng trọ, ra ở vỉa hè mà sống sao? Hàng ngày lại phải chứng kiến biết bao người lần lượt vào bệnh viện và chết trong lặng lẽ, biết bao hũ cốt lần lượt xuất hiện trên bàn thờ tạm bợ trong phòng trọ, biết bao tin người nhiễm bệnh không có ai chăm sóc. Mấy trăm hũ tro cốt cũng vừa đem về miền Tây vì không có địa chỉ rõ ràng ở thành phố.

Thế nên đành phải về thôi. Chỉ còn một con đường sống là quay lưng lại nơi chốn đã từng nuôi sống mình, gạt nước mắt mà ra đi. Ngày xưa đến đây vì tương lai và giờ đây cũng vì mốt mai mà đành phải lìa bỏ. Trách nhiệm thuộc về ai? Chính quyền không lo được cho dân thì không có gì để níu giữ họ lại.

Hiểu được nỗi lòng của những người chấp nhận, liều lĩnh ra về vì đã cùng đường mới thông cảm cho họ khi họ có lúc đã điên cuồng bạo loạn. Có đồng cảm với những bí bách của họ mới thấy thương cho cảnh họ quỳ với bó nhang giữa lộ mà vái với thinh không. Họ không quỳ lạy các lực lượng công an, cảnh sát cơ động, dân phòng đang đóng nơi chốt chặn họ lại. Bởi họ biết rõ lực lượng này chỉ chấp hành lệnh. Lệnh trên bảo cấm là cấm, thả là thả. Họ vái lạy bởi họ chỉ còn một con đường duy nhất. Họ vái lạy bởi họ chẳng còn biết tin ai. Họ vái lạy trời, lạy đất, lạy âm binh, ma quỷ, thành hoàng mở cho họ một con đường để được sống. Họ vái lạy như là một hành động cầu may để có một con đường thoát.

Họ cần một sinh lộ bởi họ không còn tin vào những lời hứa của con người nữa. Trước tình trạng người dân rời thành phố về quê, lãnh đạo thành phố phát biểu thấy có trách nhiệm chưa chăm lo chu đáo cho bà con. Đại diện cho chính quyền thành phố còn cho rằng bất cứ người dân nào đến với thành phố vì bất cứ lý do nào, thành phố đều trân trọng đón tiếp và thực sự chăm sóc để họ có điều kiện tốt nhất khi ở đây. Đối với người lao động, thành phố lại càng trân trọng vì chính họ góp phần phát triển kinh tế thành phố. Vì vậy, thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, luôn tìm những giải pháp tốt nhất để chăm lo cho người lao động, vì họ xứng đáng được như thế. Thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho người dân các tỉnh ở lại.

Nói hay quá, tình cảm quá, xúc động quá. Nhưng rất tiếc, dân nghe những lời như thế nhiều lần quá rồi. Dân đã chờ, dân đã mong, dân đã đợi chính quyền thực hiện những điều đã nói bằng hành động. Nhưng làm không tròn, nhưng không đúng như lời hứa. Nên dân chẳng còn tin, dân không còn sức đâu để đợi, nên dân phải dứt áo ra về. 120 ngày chờ mong sự giúp đỡ mà không thấy. Giờ với lời hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất sẽ chờ đến thêm bao tháng nữa? Nằm ở vỉa hè chờ sao? Nhịn ăn để chờ sao? Tin được nữa không?

Nhiều người đi về khi trong túi chỉ còn 50.000 đồng sau khi đã tốn hết tiền xét nghiệm để có tấm giấy đi đường. Có cặp vợ chồng, vợ mang bầu 8 tháng chở nhau về trên chiếc xe đạp với con đường hàng trăm cây số với vẻn vẹn có 100.000 đồng làm lộ phí. Không biết người sản phụ ấy có đẻ rớt con giữa lộ không nếu như không gặp người thấy tình cảnh của họ mà gởi cho 5 triệu đồng. Vợ chồng, con cái đèo nhau trên một chiếc xe với lỉnh kỉnh đồ đạc, tiền cũng đã cạn rồi, con đường về còn xa, còn qua biết bao nhiêu trạm, không biết rồi có về được quê nhà không? Những đứa trẻ đang còn ẵm ngửa vẫn phải chịu đựng với nắng mưa và gió bụi. Gia tài nhiều khi chỉ là cái quạt máy hay chỉ là đống móc áo. Gia sản chỉ gói gọn trên chiếc xe. Có người còn đạp xe đạp để làm chuyến đi về. Có cả gia đình lếch thếch đi bộ về, quê nhà xa quá, đi bao giờ mới đến? Họ biết bao gian nan, nguy hiểm trên đường đang chờ chực nhưng vẫn quyết đi vì không còn con đường nào khác.

Từ cuộc chiến tranh chống Pháp cho đến chiến tranh Nam Bắc kéo dài mấy chục năm. Người Việt đã bao lần tản cư, di cư, sơ tán rồi di tản. Tất cả đều tránh né để trốn chạy đạn bom, để tìm một nơi chốn yên bình trong thời chiến. Giờ đây, chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ rồi, thời đi ra biển để tìm bến bờ khác cũng chấm dứt lâu rồi. Thế nhưng người ta vẫn chứng kiến những đợt di tản nối tiếp nhau trong cơn đại dịch. Những cuộc trở về để sinh tồn, để được còn được miếng ăn, được sống cùng gia đình, người thân, với ruộng đồng ao cá dù giờ đây làng xóm chẳng còn được như xưa. Về để quên đi những lời hứa vì chẳng còn hi vọng, để trốn chạy những thực tế phũ phàng. Đó cũng là hình thức phản kháng của người dân khi mất lòng tin.

Trong cơn đại dịch đã mang lại biết bao đau thương và mất mát. Cơn đại dịch cũng còn mang đến hội chứng về quê và sự khủng hoảng lòng tin. Suy sụp kinh tế rồi thời gian sẽ phục hồi. Mất lòng tin khó lòng lấy lại.

3.10.2021

(Còn tiếp)