Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

Nhà thơ, nỗi hôm nay

 Inrasara

Kể từ khi chúng ta là một hội thoại, và có thể nghe ra nhau.

- Hoelderlin

 

Nhà thơ hôm nay chưa nghe ra nhau, sự vụ đó không lạ. Bởi chúng ta chưa sẵn sàng để nghe nhau. Chưa là hội thoại, chưa chịu ngồi lại cho hội thoại.

Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, những xu hướng mới tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sau Tết 2008, đã có mươi bạn thơ đương đại đến muộn gần cả tiếng đồng hồ. Đến muộn, nhe hai hàng răng ra cười, gật chào người này nọ rồi an tọa. Như không có gì xảy ra. Cũng không ít nhà thơ thuyết xong liền… rời hiện trường. Hai, ba, bốn, năm… tôi thử làm con số đếm. Ý kiến ta mang sẵn từ nhà, ta đến đó ngồi, ta đợi phiên lên bục, phát ngôn, rồi về. Vậy thôi, chấm hết. Không biết điều gì đã xảy ra trước hay sẽ sau đó. Không cần biết.

Tiếp, Ngày hội Thơ Việt Nam tại Bách Tùng Diệp (và vô thiên lủng ngày, hội khác) không hiếm nhà thơ nổi tiếng đăng đàn đọc thơ mình xong rồi… về! Lặng lẽ hay ồn ào, tùy.

Chớ bảo thiếu tôn trọng bạn thơ hay người nghe, hoặc ban tổ chức gì gì cho lớn chuyện. Nhà thơ ta là ta, không cần biết mấy vớ vẩn đó. Sự vụ nói lên vấn đề đơn giản nhưng to con hơn: chúng ta chưa là hội thoại. Hội và thoại. Và từ đó, nghe ra nhau. Mà muốn có khả năng nghe thì cần biết học nghe. Muốn học nghe, điều kiện đầu tiên là biết (rán, cắn răng) ngồi lại. Nhà thơ chúng ta chưa có được đức tính đó: sự kiên nhẫn của nghệ sĩ sáng tạo.

Chúng ta luôn vội vội vàng vàng. Để làm gì không biết nữa.

Năm bận Ngày hội Thơ Việt Nam tại năm điểm ở ba tỉnh thành khác nhau, tôi đã thử đến trước mươi phút và về muộn cũng ngần ấy thời gian. Với ý định “lập biên bản” ngày của nhà ta. Cảm giác luôn là chông chênh. Cánh trẻ chả thèm quá bộ sang sân thơ già, nhóm cách tân coi thường ra mặt thơ truyền thống, phe thủ cựu cho thơ trình diễn không gì hơn trò trẻ con nhí nhố, thơ tự do xem vài chiếu thơ Đường luật như mảnh đất đìu hiu tự sướng với nỗi lạc hậu của mình. Mỗi nhóm, mỗi thế hệ, mỗi xu hướng, mỗi nhà ta là ta. Và không ai khác.

Người thơ chưa chịu hội thoại, để có thể nghe ra nhau.

*

Nhà thơ nghĩ nỗi hôm này mà… kinh!

- nhại Kiều

Từ không nghe ra nhau, các cá nhân, phe nhóm tự nguyện kéo nhau xuống mức thấp nhất có thể, hoặc đẩy nhau sang cõi bờ khác: hồ nghi và gây hồ nghi về làm tay sai tổ chức với thế lực nào đó, trong hay ngoài nước. Sao cho cay cho sâu cho thật đau. Ta muốn độc quyền mặt bằng thơ Việt. Ở đó chỉ có ta và thơ tương cận ta tồn tại. Từ đó nhà thơ ý định tẩy chay với loại trừ đối thủ, như thể trò chính trị rẻ tiền.

Bạn thơ THD sáng mở mắt dậy nhắn tin:

- Có blogger cáo giác tui làm công an do không tham gia biểu tình đó ông.

- Điên! - Tôi nhắn tin trả lời bạn.

Đó là nỗi vô minh đầu tiên.

- Còn tui nè, sau khi bài “Dự cảm văn học 2008” đăng lên báo điện tử Toquoc – tôi nói với bạn thơ, sáng lò mò dậy dòm điện thoại di động, hơn mươi bạn văn không được nhắc tên trong bài viết, nhắn tin trách móc tôi hoặc gợi ý ni nớ. No problem. Trong ba tin nhắn nặc danh, có một tay quyết định cất nhấc ông Inrasara lên tận chức… an ninh nữa!

Hôm sau, có bạn từ quê lên chơi, tôi mới mang vụ đột ngột lên lon này ra khoe. Thế là được phen cười nứt bụng, như món quà Tết bất ngờ. Nửa tháng sau, một bạn thơ trẻ (thực) tình cờ gặp tôi, than phiền với ánh mắt lảng tránh: trong bài viết chú muốn ám chỉ cháu. Tôi kêu lên ô là là! Vậy là bạn tự khai mình là một trong ba “nặc danh” rồi là gì, khờ vậy chớ! Cứ ảo tưởng mình là cái rốn nên mới ra nông nỗi. Tập thơ bạn mới ra lò năm 2008, trong lúc tui làm cái “ngoảnh lại” ở năm ngoái cơ mà.

Chúng ta luôn bị ám bởi chính trị và, mãi để cho chính trị ám, là thế.

Vô minh, nhà thơ dễ bị thế lực chính trị (quốc gia nào cũng vậy thôi) lợi dụng, chia rẽ “tách đàn”. Thằng D công an, tay Th chó săn, tên M chỉ điểm, con X được A25 bú mớm để làm cò mồi, bài thơ này của bà K là ám chỉ ông H về vụ nọ. Vân vân… Ngó qua ngó lại, chẳng ma nào lợi dụng hay gây “chia rẽ nội bộ” bọn làm thơ cả, mà chỉ có ta với nhau, ta với mình. Ta ù ù cạc cạc và ta hãi sợ, ta khai báo bạn bè và ta đi nộp mạng tự khai báo, trong khi chẳng có ma nào hỏi han hay tra khảo gì ta cả! ‘Bboh jamơng lac xơng, bboh tapơng lac mưnwix’: Thấy cọc tưởng chông, thấy gốc cây cho là người.

Vô minh, bởi nhà thơ chỉ thấy có ta, mà không ai khác.

H. Miller: Nếu chúng ta không chịu nhìn chúng ta như kẻ khác nhìn chúng ta, thì vết thương sẽ không bao giờ lành, và chúng ta đời đời chịu sống phân li và ngăn cách.

*

… cô đơn là một điều kiện tiên quyết cho tự do. Tự do tuỳ thuộc vào khả năng tư duy phản tỉnh, và tư duy phản tỉnh chỉ có thể bắt đầu khi con người ở trong cô đơn.

- Cao Hành Kiện

Ở hội thảo trên, nhà thơ Trần Tiến Dũng phát biểu:

- Tinh thần thơ ca đương đại là tinh thần phản kháng. Tôi không nói nội dung mà là tinh thần phản kháng. Nếu không có nó thì thơ không nói được gì cả.

- Tôi nghĩ nhà thơ hôm nay cần phản tỉnh, gây phản tỉnh hơn là phản kháng – từ trên Bàn chủ trì, tôi đã phát như thế. Bởi tư duy phản tỉnh và gây phản tỉnh là nền tảng của phản kháng chứ không phải ngược lại.

Một họa sĩ giơ tay: Tôi phản đối ông Sara phản bác ý kiến nhà thơ Trần Tiến Dũng. Chủ trì thì ông chỉ trách nhiệm điều phối chứ không phản bác.

Để cho một vị nữa tiếp tục “tôi đồng ý với Trần Tiến Dũng”, tôi nói:

- Đã qua hai tham luận rồi, nhưng tôi chưa thấy ai chịu “thảo” cả. Lẽ nào mọi người đến đây để đọc rồi xuống rồi lên đọc rồi về. Tôi nói là để gợi mở, gợi ý và gợi hứng cho thảo luận, chứ không phải phản bác. Mặc dù ý kiến của Trần Tiến Dũng không phải không có cái để nói lại. Cả vụ “hình thức nhỏ” của thơ ở tham luận của Nhật Chiêu mở màn hội thảo cũng đáng để mang ra mổ xẻ lắm chứ!

Sau khi được tôi khơi mào, không khí hội trường mới ấm dần lên chút.

Phản kháng – hay lắm. Nhưng có không ít phản kháng bắt nguồn từ nỗi vô minh, hay từ phản ứng vụn trước sự việc vụn vặt. Đôi khi nó chỉ do ngộ nhận hay bởi nguyên cớ bá vơ. Nhà thơ đang viết ngon lành, một sáng thức giấc bị bạn văn tố giác đâu tận trên trời là “mật vụ cộng sản gài”, đã nổi máu anh hùng. Để chứng tỏ nỗi trong sáng và ta đang hoàn toàn sáng tác tự do, anh gồng mình viết điều mà bình thường mình không viết, để cuối cùng trở thành kẻ phản kháng bất đắc dĩ. Anh rơi vào kế khích tướng của người nhà mà không hay. Tội hơn, có bạn thơ trẻ bị bạn thân nói xóc, đẻ vội bài thơ rất cộm và, cũng vội vã bắn nó lên mạng, để rồi chỉ vài giờ sau thôi hối đến muốn chạy níu lại cũng không kịp. Lại có bạn văn đột hứng có bài phản kháng, bị chộp cho cái nón phản động to đùng, thế là ngay tức thời nhà ta giải giáp quy hàng, quỵ lụy và quỵ lụy.

Thi đàn ta hôm nay mênh mông ngụ ngôn siêu thực như thế. Thương!

Tư duy phản tỉnh, tự thức self-consciousness trao cơ hội cho ta khả năng cất bước ra khỏi rừng mê! Bởi, chỉ trên nền tảng kia, phản kháng các loại mới có đất cắm rễ, đâm chồi và trụ vững để không phải bị tróc gốc ngã đổ trước đảo điên lòng người, bão giông thời cuộc. Từ đó, người viết trì trì hành dã thi ca, bất thối chuyển trước mọi dọa nạt, mọi khiêu khích hay mọi hình tướng gây khiếp hãi nào bất kì.

Phản tỉnh khả năng dắt tay phản kháng bước ra khỏi quỹ đạo cảm tính cá thể, giải thoát khỏi mọi lệ thuộc phe nhóm, tự do khỏi mọi trường ảnh hưởng của tôn giáo, chính trị, ý thức hệ xã hội. Tư duy phản tỉnh để nhìn sự thể như nó là thế. Ở lãnh vực thơ ca, phản tỉnh giúp ta nhận mặt nỗi nhảm, nhàm, sáo & mòn, ẩm & hụt hơi của một nền thơ, một trào lưu thơ, của thơ bạn bè, và của chính ta.

*

Hãy làm thơ và đừng nghĩ

mi là thi sĩ

- Nguyễn Đăng Thường

Nhà văn có đồng bóng không? Có, nhưng ít.

Trong giới viết lách, thi sĩ có lẽ là nòi dễ “lên tướng” nhất. Một bạn văn nhận định: không hiểu thế nào người viết văn xuôi tuổi càng lớn càng đĩnh đạc, oai phong, trong khi ngược lại, nhà thơ càng bệ rạc, nhếch nhác. Đó là chưa so đọ với cánh làm mĩ thuật.

Saroyan kể rằng, khi cầm trên tay tập truyện ngắn đầu tay Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay, ông đã ngó trước nhìn sau xem có thấy cô gái xinh đẹp nào bu quanh mình không? – Chẳng ma nào cả. Mấy cô gái xinh đẹp bu quanh ngôi sao ca nhạc mặc áo sặc sỡ có hàng nút to, hay siêu sao bóng đá, quần vợt các loại. Nhà văn thì… không! Cũng lác đác vài cô gái thông minh kè kè bên nhà văn. Nhưng chỉ có thế.

Một bạn thơ vừa ra tập thơ đầu đời, chạy xe ra phố, đầu nghếch lên. Chả thấy ai quan tâm tới mình. Nghếch mãi đâm ra mỏi cổ, cậu mới từ từ hạ đầu xuống ngó thẳng đường như mọi người. Hôm sau, ấy ôm chồng thơ vào trường Đại học cũ với dáng bước đầy tự tin, bề thế, nhưng rồi chả tới đâu cả.

- Mới ra thơ à? Một giảng viên hỏi, hờ hững vậy thôi. Cu cậu chớp thời cơ phát hành tặng cho người thầy cũ một cuốn. Và xui rủi thay, đó là cuốn duy nhất phát hành được. Hứng khởi buổi đầu như muốn lụi tàn. Tính đi suy lại, cậu ta làm chuyến quy hồi cố hương với bốn cục thơ nặng chịch. Mọi người xúm lại: thằng Klu mới in sách bà con ơi, lạ quá! Lâu nay hắn có làm lụng gì đâu, vậy mà đã ra nhà thơ đấy.

Nhưng rồi sự việc chỉ ngưng lại đó, không nhích thêm một li. Dân nhà quê giải tán ai lo việc nấy, như chưa hề có sự cố nào xảy ra, như chưa hề có tập thơ vừa hạ sinh. Sau đó, họ chỉ nhớ mơ hồ rằng làng mình vừa có (thêm) một nhà thơ. Chấm hết.

Buồn bã, cu cậu quay trở lại thành phố. Nơi đó có các nhà thơ với nhau, có nhà thơ với mình. Nơi đó thi thoảng có vài bài điểm sách, vài tổng kết nhắc tên mình, tập thơ mình. Nơi đó có cà-phê cóc, có nhậu nhẹt bù khú, có đẩy đưa hay mạt sát, có tụ tập đông người với biểu tình, có rỉ tai hay nói toạc, có đủ thứ chuyện xoay quanh chữ với nghĩa.

Nhà thơ Việt Nam thiếu truyền thống tự sát như dân phương Tây. Dại gì làm thế cơ chứ. Ta chỉ có mỗi cuộc đời để sống, ai lại đi cắt khẩu vì... thơ, chán chết! Đến tận cùng của trống rỗng hay buồn chán hoặc bế tắc, bọn làm thơ trẻ ở ngoài kia giải quyết nó một cái rụp ngon lành: cắt! Ở Việt Nam không có gì được đấy đến tận cùng nên, chúng ta bắt đầu trôi. La cà trong thế giới của mình. Hành hạ hay tâng bốc nhau, an ủi xoa dịu hay chì chiết nhau cũng trong vũ trụ vây quanh đó.

Nơi ấy có nhiều điều lạ xảy ra.

Lạ trước hết là, thế nào rồi nhà thơ cũng gắng gượng tìm mọi cách trưng bày mình ra. Thể hiện mình, phô cái tôi mình tràn lên trang giấy. Ẻo lả diêm dúa hay cộc lốc thô tục. Thơ như thể một thứ nhật kí tâm tình. Chúng ta ưa quan niệm viết thơ là viết cho mình, nên cần thành thật. Thành thật luôn được đôn lên làm chuẩn cao tuyệt của thơ. Cho nên, độc giả xa lạ là không cần thiết lắm, bởi độc giả đến với thơ là tìm giao cảm, đồng cảm. Đồng thanh tương khí đồng khí tương cầu. Để mà còn lai rai, tán tụng nhau.

Cái tôi đó không mở ra với ai mà chỉ biết có mình cùng cõi người ta quanh mình. Đôi lúc nó tỏ vẻ vươn ra để nhìn hay nghe sự thể bên ngoài. Nhưng thao tác đó chỉ nói lên nỗi thèm muốn được thế giới bên ngoài nhìn ngắm nó nhiều hơn nữa.

Do đó, ta rất khoái đọc thơ mình. Được dịp lên diễn đàn là cứ nhè thơ mình mà đọc, thây kệ người nghe, mặc kệ người nghe có nghe hay không. Ta cũng rất khoái xuất hiện để… phát biểu. Chẳng có ý gì mới mẻ cũng phát. Cánh trẻ thì nói càn đầy cảm tính. Còn bậc anh chị thì lên giọng dạy dỗ, nên thế này với không nên thế kia. Hay trong thơ phải có món ni, nên chừa món nớ.

Tại diễn đàn nọ, một nhà thơ đăng đàn đọc bài thơ tình đăng báo từ hoa đào năm xửa xưa. Bài thơ tình thành thật. Trước khi đọc diễn cảm, nhà thơ không quên kể lể tỉ mỉ lai lịch đã làm nẩy sinh bài thơ. Lai lịch cũng thành thật không kém. Li kì gấp nhiều lần bài thơ. Nhà ta xúc động với nỗi thành thật của thơ, đinh ninh ở dưới kia khách nghe cũng xúc động như mình đã. Nhưng, từ thành thật đến nhảm cách nhau có nửa bước chân.

Tôi đã ngáp đến bốn lần

nhất là

khi nghe các nhà thơ đọc thơ mình & hơn nữa

nhìn các nhà thơ trẻ đọc thơ mình, tán

nỗi niềm chào đời o oe của thơ mình

trên sân khấu

trước màn hình

nhảm, nhàm

đến năm bận tôi ngủ gật

(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

Nhiều nhà nhảm mà không biết mình nhảm. Nói như Nguyễn Hưng Quốc, nhà thơ học là để tránh, biết nhiều để mà tránh. Nhưng ta thì không thèm tránh. Chẳng thèm biết ai để mà tránh. Cứ (va) đụng (hàng) vào. Mãi bổn cũ mà xài. Xài nữa xài mãi… Không cần biết thế giới đã đi tới đâu. Không hay không biết bạn thơ khác với lối viết khác đi tới đâu. Văn nghệ Đồng Nai bài ai nấy đọc, nghe đồn thế! Ta đọc ta và đọc phe cánh ta.

Không chịu nhìn ra ngoài, đó đích thị là đệ nhị vô minh.

Bởi thành thật, nên kẻ nào có ý chê thơ ta là thành kẻ thù. Đúng lắm. Ai lại đi chê bai niềm thành thật kia chứ! Ta không truyền thống coi tập thơ như một công trình, công trình khoa học chẳng hạn. Tác phẩm không phải là con người tác giả, ta quên khuấy chuyện đó. Ta có thói quen gọi tác phẩm là đứa con tinh thần, là thế. Nên khi đứa con bị chê, mình cứ nghĩ chính mình bị chê. Đây là tinh thần đồng hóa rất đáng báo động. Là nguyên do của mọi bạo động.

Bạo động, nhẹ thì gặp nhau làm ngơ. Tệ hơn là mở chiến dịch nói xấu, thậm chí… khủng bố! “Sao mầy dám chê con tao xấu”? – Tên một tản văn của Phan Thị Vàng Anh. Thế là cãi. Thơ em thế này này mà nhà bác lại hiểu thành thế kia kia. Nhà chị vẫn chưa nắm hết tinh thần tập thơ tui, cách xử lí nghệ thuật mới lạ của tui. Cánh phê bình nhà ông vẫn còn lạc hậu lắm, chưa tiếp cận được cái mới.

Sửng cồ thế, nhà thơ vẫn cứ nơm nớp người làm phê bình. Ghét và sợ. Ghét mà sợ. Phức cảm khá lạ. Ghét thì rõ rồi. Sợ? Sợ nhà phê bình không đoái hoài đến, không đọc, hay đọc rồi im lặng, cũng không thèm nhắc tên nó lấy một lần ở ngoảnh lại cuối năm. Nó chìm, đứa con tinh thần của mình vừa ném ra ngoài mưa gió cuộc đời bị bỏ rơi. Rơi và chìm…

Tôi gọi đó là chưa đủ cô đơn khi tác phẩm đã ra đời. Chưa đủ cô đơn, bởi chưa nhìn ra ngoài hoặc, có nhìn nhưng chưa đủ.

Nhà thơ không vượt khỏi quỹ đạo cái tôi. Tôi-viết, tôi-đọc và tôi-nhận định. Không thoát ra khỏi mình, không dám và không thể. Một nhà phê bình từng yêu Tháp nắng, sau đó đã kêu Lễ Tẩy trần tháng Tư là trò kĩ thuật nhí nhố. Một nhà khác từng nâng Lễ Tẩy trần tháng Tư thành đỉnh, thế mà vừa đụng phải Chuyện 40 năm mới kể… vội cho nó chỉ đáng vứt đi!

Ta muôn năm bám trụ một lối nhỏ và vun quén trong đám ruộng nhỏ bé của mình. Không muốn ai khác ta, không chịu ai khác ta. Cũng không muốn người cùng cánh ta làm khác đi cái ta từng yêu mê, từng đấu tranh cho, từng bám trụ.

- Làm sao một người có thể cùng lúc vừa thích Phạm Thiên Thư, Tô Thùy Yên sang trọng với Nguyễn Quang Thiều, Phan Nhiên Hạo nghiêm trang lại vừa khoái Đinh Linh, Phan Bá Thọ tếu táo cho được? Ông đúng là đồ… – Ông bạn Núi Xám yêu quý đã bắt bẻ tôi thế vào một chiều xưa lắm. Và tôi chỉ có nước… ngọng!

Các nhà thơ chưa nghe ra nhau, chưa sẵn sàng cho cuộc hội thoại để có thể nghe ra nhau. Không nghe ra nhau, nói chi đến nhìn ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Để có thể đối thoại sòng phẳng với xã hội, cộng đồng. Vô minh khiến chúng ta hờ hững với thời cuộc, cả thời cuộc quanh ta và cạnh ta.

Mấy năm qua nhà thơ cũng có rời bỏ bầy đàn, náo nhiệt đi tìm mình. Ta từng kêu đòi hãy là mình, là chính mình. Nhưng rồi ta bắt gặp một mình nhỏ bé, vật vờ và cô độc. Ta quay lại nói với ta. Quen độc thoại, mãi độc thoại mà chưa nửa lần học đối thoại. Thế nên dù rất muốn, ta vẫn chưa thể nghe ra nhau.

Như vậy, trách vụ lớn đầu tiên của thơ hôm nay là phản tỉnh, của nhà thơ hôm nay là gây phản tỉnh. Từ đó họ cùng thức tỉnh trong và với cộng đồng. Chỉ khi đó nhà thơ mới tìm thấy mình giữa cộng đồng. Thơ ca không còn là món đồ chơi xa xỉ của dúm người cá biệt, và kẻ làm nên thơ ca không còn chịu phận sống phân li và ngăn cách.

*

Chiều nọ, tôi nói với Hạnh:

- Chùm thơ “Yêu nhau ba thì, 1. Thì lãng mạn hậu thời”, anh bắt đầu bằng câu thơ Ở một thành phố phương Nam khi xe cộ đã đi ngủ. Và chấm dứt với câu …Da em thơm như niềm vắng mặt – Tôi nói với Hạnh. 

- Đó cũng là loài thơ nhảm. “Môi” thì thiên hạ xài nát rồi, nhảm và nhàm rồi nên, anh thử thay nó bằng “da” xem sao; cạnh đó anh còn lôi cả “xe cộ đi ngủ”, “thơm như niềm vắng mặt” cho có vẻ siêu (hình) thực nữa. Để vơi nỗi nhảm đi. Nhưng thế nào rồi, dẫu có thay phụ tùng nhảm nhí này bằng phụ tùng nhảm nhí kia, nó vẫn cứ nhảm nhí. Không thể tránh.

- Dạ. Em nói nhỏ. Vậy thì phải làm sao?

- Phải nhảy.

Thời thế thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi. Tôi đã vài bận có dịp đóng thùng trịnh trọng ăn nói to con thế, tại các hội thảo về thơ.

- Làm sao có thể quá độ sang hậu hiện đại khi thơ Việt chưa đi đến tận cùng con đường hiện đại? Ông Khổng Đức đã hỏi vặn tôi thế, tại góc khuất của quán Cà phê 81 Trần Quốc Thảo một sáng tháng Tư đẹp.

- Khi chưa thể đi hết cánh đồng để qua bờ bên kia, và khi nước lũ đã tràn đến chân, để sống, chúng ta chỉ còn cách duy nhất: làm một cú nhảy.

- Ở đó mà nhảy với nhót!

- Nhảy hoặc chết.

Tôi liếc xéo ông bạn vong niên, bật cười thành tiếng.

- Tiếc rằng mọi người đã hiểu sai tinh thần Bàn tròn Văn chương, nên nó đã ngưng trệ và, ngoẻo. Không ít bạn nghĩ Bàn tròn Văn chương là nơi chốn để vinh danh một tác phẩm, một tác giả hoặc tệ hại hơn, lăng xê tên tuổi nào đó. Chứ không như là cơ hội bắt mạch chẩn bệnh thơ đương đại. Bởi, khi được chỉ đích danh căn bệnh, thơ Việt mới có cơ hội mở ra thế giới.

Đầu tháng 8-2006, hai bạn thơ trẻ Sài Gòn hẹn gặp tôi, quyết “bàn với ông cho ra nhẽ” về thơ đương đại. Tôi nhận. Chúng tôi gặp nhau tại Cà phê 64 Trần Quốc Thảo.

- Các bạn cứ nói đi, thoải mái trong mười lăm phút. – Tôi mở đề.

- Ông để cho bọn Mở Miệng kiếm việc làm để cha mẹ tụi nó đỡ tủi hổ với bớt gánh nặng về con cái chứ…

- Mình chưa hiểu ý các bạn…

- Ông ca quá khiến mấy đứa tưởng nó có tài thiệt, phiền lắm…

- Họ làm thơ kiểu mình, và thơ đó cần được đối xử công bằng…

- Anh cho mấy thứ vớ vẩn tục tĩu ấy là thơ thì ai mà chả làm thơ được…

- Làm như các bạn đã hiểu thơ là gì rồi…

- Gì thì gì, đó không thể là thơ được…

- Thì là ý kiến của bạn, họ có mĩ học sáng tạo khác. Người làm thơ cần tôn trọng quan điểm khác mình, cần tôn trọng nhau…

- Anh nói cho to đấy chớ, mĩ học sáng tạo gì mấy thứ rác rưởi đó…

- Các bạn chưa tìm hiểu họ, nên…

- Ông làm như tụi này kém cỏi lắm. Ở Đại học khả năng tụi nó tới đâu, tui biểt tỏng…

- Ở đây tri thức không là vấn đề, mà tâm thức…

- Nhưng ông không thể đi ca ngợi mấy loại thơ như vậy…

- Mình có ca tụng đâu mô! Mình chỉ ghi lại các hiện tượng văn chương hiện thời, mà mình tạm kêu là phê bình “lập biên bản”. Nó xảy ra, và mình ghi nhận, tìm cách lí giải nguyên nhân đẻ ra hiện tượng đó. Cả cố gắng chỉ ra cái hay lẫn điều bất cập của nó nữa! Tôi nín lặng hồi lâu.

- Các bạn thấy tình trạng của họ rồi. Họ đang cư lưu ngoài lề đấy chứ, chớ phải có mặt đầy trang trọng trên các tờ báo lớn đâu, mà làm điều. Họ bị phân biệt đối xử, thế mà các bạn, cùng một lứa bên trời lận đận cả, cũng toan tính đối xử phân biệt, là sao?

Viết về họ, mà đâu riêng gì họ, mình chỉ đòi hỏi sự công bằng…

*

Con người luôn xu hướng nắm giữ, bám chặt vào cái gì đó mà họ cho là quan trọng. Một đạo sĩ Bà-la-môn ngược lại, buông bỏ. Ném tất cả sau lưng: tên tuổi cõi còm này, công việc bề bộn này, chiếc ghế mỏng manh (nếu có) này, cơ ngơi nhỏ bé này, trách nhiệm nặng trịch này. Tôi, ôi cái tôi nhỏ bé thảm hại, luôn thèm khát quay lưng rời bỏ. Tagalau với “Tủ sách văn học Cham” đồ sộ vô thường này. Với bao khuôn mặt, sự việc cùng muôn hệ lụy của chúng.

Lên đường, một cách nhẹ nhõm…

Bổn phận tôi có phải để vực dậy ngôn ngữ - văn chương Cham đã khuất lấp đêm mờ lịch sử? Có phải để giải minh bao thắc mắc cạn cợt hay chống báng ngốc nghếch? Tôi sinh ra có phải để làm thơ, thêm món phê bình nhảm nhí này nọ nữa? Tại sao tôi phải nhăn răng cười khi tôi không có gì để cười, tôi phải thò tay ra bắt tay kẻ tôi không muốn nhìn mặt? Hay tôi là kẻ có tâm hồn cao thượng?

Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng - một nhân vật của Dostoievski nói thế. Tôi bị sốc khi lần đầu đọc nó vào tuổi mười bảy. Như một đoạn thơ Ariya Glơng Anak trước đó, hay của Rilke sau này. Ba mươi hai năm vèo bay như huyễn thuật, như hoa mắt. Như sợi tóc vắt ngang màu mắt của Hạnh vào buổi tối vô nghĩa kia.

Tôi sợ, nhưng cứ mãi chịu thân phận làm kẻ có tâm hồn cao thượng.

Buồn không!

Sài Gòn, sau Tết 2008