Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

Mười ngày ở Đài Bắc

 Nguyễn Ngọc Giao

 

Chúng tôi đến Đài Bắc, thủ đô Đài Loan, vào trung tuần tháng mười 2023. Ý tưởng đi thăm đảo quốc này nhen nhúm từ lâu: trước hết là các bộ cổ vật của Viện Bảo tàng Cố cung Quốc gia được coi là sưu tập phong phú nhất thế giới về văn hóa và lịch sử Trung Hoa – năm 1949, Tưởng Giới Thạch đã mang sang đây khi chạy trốn khỏi Hoa Lục. Sau khi Tưởng chết đi, Đài Loan từng bước cởi bỏ mấy chục năm chế độ độc tài, trở thành một chế độ dân chủ về mọi mặt (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tập quán) – nhiều nhà quan sát không ngần ngại gọi Đài Loan là “nước dân chủ nhất thế giới”. Vậy mà, với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, rồi Israel-Gaza, nguy cơ “thống nhất bằng vũ lực” mà Tập Cận Bình “không loại trừ” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Có mười ngày, chúng tôi quyết định chỉ ở thăm thủ đô Đài Bắc, không lên chương trình đi Đài Trung, Cao Hùng. Ngoài Đài Bắc, thành phố duy nhất mà chúng tôi đặt chân tới là Đào Viên (Taoyuan), thành phố nhỏ, cách Đài Bắc 40 km. Đào Viên được biết đến vì sân bay quốc tế đặt ở đây: dưới chế độ độc tài, sân bay mang tên Phi trường quốc tế Tưởng Giới Thạch. Nay nó được ‘dân chủ hóa’: Taoyuan International Airport. Đào Viên có một cộng đồng người Việt khá đông, bằng chứng là số tiệm phở và quán ăn Việt Nam. Tuy Đài Bắc không ít quán ăn Việt Nam, nhưng nghe nói nhiều bà con ở đây có cái thú đi Đào Viên ăn phở.

Đào Viên còn là nơi chôn cất nhà độc tài đã ngự trị Đài Loan suốt 26 năm trời. Nhưng đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch tọa lạc ở khu hành chính trung tâm thủ đô Đài Bắc, một địa chỉ nằm trong mọi chương trình du lịch. Tòa nhà kiến trúc Trung Hoa, mái xanh tường trắng chế ngự đường trung tuyến một công viên rộng lớn, hai bên là hai tòa nhà lớn, nhà kịch và nhà hòa nhạc. Du khách – phần đông là người nước ngoài – phải leo hơn một trăm bậc thang để bước vào sảnh lớn tầng 4, nhìn ngắm bức tượng cao 6 mét, Tưởng thống chế ngồi nhìn bá tính, nụ cười hiền hòa. Dưới chân tượng, hai người lính thuộc ba quân chủng thay phiên nhau đứng nghiêm hộ tống, mỗi giờ đổi gác một lần để bàn dân quay phim, chụp ảnh, y hệt cảnh đổi gác ở Buckingham Palace, London. Điều mà số đông du khách ít để ý là đi xuống tầng 3, họ sẽ được xem triển lãm về những cuộc đàn áp của chế độ Tưởng Giới Thạch, về các đợt đấu tranh của phong trào dân chủ. Đó cũng là một cách nhẹ nhàng để vượt qua nửa thế kỷ toàn trị. Bước ra khỏi đài tưởng niệm, du khách đi theo trục trung tuyến của công viên, từ nay mang tên Quảng trường Tự Do. Không xa lắm là Công viên Hòa Bình 2.28, tưởng niệm hai vạn người dân đã bị quân đội Quốc Dân Đảng tàn sát năm 1947 (2.28 là cách viết tắt biến cố tháng 2, ngày 28). Cũng ở khu hành chính này là tòa nhà Lập pháp viện (Quốc hội): tháng 3.2014, chính quyền Quốc Dân Đảng định lén lút thông qua một hiệp định thương mại với Bắc Kinh, với nguy cơ là Bắc Kinh, thông qua kinh tế sẽ lũng đoạn chính trị Đài Loan. Sự lén lút của chính quyền gặp sự phản đối mạnh mẽ của sinh viên trong phong trào Hoa hướng dương được đông đảo các giới ủng hộ. Sinh viên đã chiếm đóng Lập pháp viện trong ba tuần lễ, rồi tòa nhà chính phủ. Rốt cuộc chính quyền phải lùi bước. Phong trào 3.18 (khởi đầu ngày 18 tháng 3) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình dân chủ hóa Đài Loan, mà đỉnh cao là sự thắng cử tổng thống (2016) của bà Thái Anh Văn (đảng Dân Tiến). Quá trình đấu tranh chống độc tài để dân chủ hóa đất nước, bắt đầu từ năm 1947 đã trải qua nhiều thời kỳ (Khủng bố trắng, Thiết quân luật...), với chính sách đàn áp, bỏ tù, thủ tiêu những người bản địa cũng như các phân tử đối lập, tất cả bị chụp mũ là “tay sai cộng sản”. Ở Đài Bắc và ngoại vi thủ đô, một nhà tù và một trại lính thời Tưởng Giới Thạch nay đã trở thành những viện bảo tàng chứng tích chế độ độc tài, ghi lại cuốc đấu tranh vì tự do, dân chủ.

*

Trong mười ngày ở Đài Bắc, ngoài những lộ trình dài phải đi taxi, chúng tôi thường đi bộ. Ấn tượng mạnh nhất là sự sạch sẽ. Đi hàng chục ki lô mét, chúng tôi chỉ thấy 3 thùng rác (đặt trên đại lộ Ái Quốc, khu hành chính), nhưng đường phố nào, vỉa hè cũng sạch bóng: người dân Đài Bắc – cũng như người dân Tokyo bên Nhật – đi đâu cũng thủ trong túi một cái túi đựng rác. Trao trả cho ai một cái gì, họ đưa hai tay ra một cách lễ độ, nhưng tự nhiên, không “kiểu cách” như người Nhật. Ấn tượng mạnh không kém: ngã tư đường không kẹt xe, kể cả những giờ tan tầm. Đứng ở ngã tư, quan sát đèn xanh đèn đỏ, có thể thấy ngay vì sao: mỗi trục lộ lớn, chiều xa chạy có hai hay ba làn đường, thì tới ngã tư, có đèn riêng cho mỗi làn đường để xe hơi có thể tuần tự rẽ trái, đi thẳng hay rẽ phải. Giá phải trả là người đi bộ phải chờ khá lâu để qua đường, nhất là khi phải qua hai đại lộ thẳng góc. Nhưng nhờ đó mà ở các ngã tư, ngã năm, không bao giờ xảy ra tình trạng xe hơi dồn ứ thắt nút (như thường thấy ở Paris). Đây cũng là dấu hiệu của sự tiến bộ trong công nghệ tin học (Đài Loan là nước cung cấp 80-90% những con chip điện tử cao cấp cho thế giới) và chính sách chuyển đổi số

at
Bà Đường Phượng (Audrey Tang)

Không phải ngẫu nhiên mà bộ trưởng phụ trách chuyển đổi số của Đài Loan là một lập trình viên đã thành đạt ở Silicon Valley (California): bà Audrey Tang. Nhưng điều kỳ thú không phải đây là một phụ nữ tài năng, mà ở chỗ: bà là một người chuyển giới, từ nam thành nữ. Bộ trưởng chuyển giới đầu tiên trên thế giới, Audrey Tang sinh ra là con trai, mang tên 唐宗漢 (Đường Tôn Hán), lớn lên chuyển thành nữ, chọn tên là 唐鳳 (Đường Phượng, tên tiếng Anh là Audrey Tang). Không thuộc đảng phái nào, bà đã quyết định về nước, tham gia phong trào dân chủ, đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng giới. Nói theo ngôn ngữ “đúng lập trường” của một thời quá vãng, Đường Phượng là mẫu người “vừa chuyên vừa hồng”, đưa Đài Loan đi tới và được dư luận hết sức ủng hộ. Một điển hình của chế độ hiện thời của đảo quốc: không chỉ dân chủ về chính trị mà còn dân chủ về văn hóa, tập quán xã hội. Tình cờ, khách sạn Hoa Viên chúng tôi ở cách xa  trụ sở bộ của bà vài trăm mét, bà chiêu đãi khách ở ngay khách sạn của chúng tôi. Một lần đi chơi trở về khách sạn, chúng tôi gặp bà và bộ sậu Bộ Chuyển đổi số đứng dàn chào ở sảnh, không phải đón chúng tôi, mà đợi một vị khách phương xa nào đó. Bà Đường Phượng đứng nói chuyện tự nhiên với những nhân viên đứng bên, không có hộ vệ tiền hô hậu ủng, chỉ thấy bên ngoài, có những cảnh sát giao thông đứng dọn chỗ cho xe khách tới.

*

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đi thăm tất nhiên là Viện bảo tàng Cố cung. Viện đang sửa chữa, chúng tôi chỉ được vào xem một phần. Nhưng đúng là danh bất hư truyền. Ngoài bộ sưu tập mà chính quyền Quốc dân đảng đưa từ lục địa sang, viện bảo tàng còn nhận được bộ sưu tập của những đại gia. Phần đồ sứ, phải nói là tôi dị ứng với những bát đĩa cầu kỳ quá "tàu” (chinoiserie), chỉ rất mê những đường nét thanh đạm mà rất hiện đại của đời Ân đời Thương. Những bộ tranh thủy mặc và những bộ thư pháp thật hớp hồn. Ngoài viện bảo tàng này, là những ngôi đền chùa tam giáo: chùa Bảo An, chùa Long Sơn, cung Chỉ Nam (Đạo giáo), đền Khổng Tử... những công trình xây dựng phần lớn do người Minh hương từ Phúc Kiến chạy trốn nhà Thanh sang tị nạn từ thế kỳ 17 (trước khi Đài Loan bị nhà Thanh sáp nhập vào đế chế Trung Hoa).

hx
Chợ đêm Hoa Tây

Hấp dẫn du khách không kém là những chợ đêm, hoạt động từ chiều đến quá nửa đêm. Lớn nhất là chợ Sĩ Lâm (Shilin), hàng ăn xen kẽ những cửa tiệm quần áo, bách hóa. Gần chùa Long Sơn là chợ đêm Hoa Tây (Huaxi), “vô cùng nổi tiếng với những món ăn táo bạo được chế biến từ rắn. Rượu máu rắn và mật rắn, súp rắn là những món chủ lực được rất nhiều khách hàng yêu cầu” (trích một trang mạng du lịch). Chúng tôi đến Hoa Tây vào buổi chiều, khi quán rắn chưa mở. Dọc theo một đường phố chạy ngang chợ, từ đầu đến cuối, hầu như toàn là quán “nailcare” sửa móng tay, móng chân, mát-xa vân vân. Có một quán tên Saigon. Đi một quãng, một tiệm tạp hóa nhỏ, Việt Nam. Chủ quán là một cặp vợ chồng người Việt, gốc Sài Gòn, sang Đài Loan cách đây 20 năm, hết hợp đồng lao động thì mở quán. Nói chuyện với anh chị, mới biết hầu hết các quán “nailcare” ở hai bên đường này là tiệm Việt Nam. Anh chị có hai con trai, một học tiểu học, một năm đầu trung học. Học tiếng Phúc Kiến, Đài và tiếng Anh. Số phụ nữ Việt Nam ở Đài Loan rất đông. Qua những nguồn tin khác, đặc biệt là Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, được biết con số lên tới 120 000, hầu hết là các chị “con dâu Đài Loan” hoặc đi làm ôsin. Tại quán ăn khách sạn Hoa Viên, chúng tôi gặp chị Thủy, lấy chồng Đài Loan cách đây 5 năm. Chị cho biết cùng làm việc với chị, có hai đồng hương.

Bên cạnh các chị “con dâu”, có khoảng 200 000 lao động và 17 000 sinh viên Việt Nam. Bị cô lập về chính trị trên trường quốc tế, Đài Loan dùng sức mạnh kinh tế của mình để lan tỏa “sức mạnh mềm” về văn hóa và giáo dục, cấp rất nhiều học bổng cho sinh viên các nước Đông Nam Á (khi dạo phố, tình cờ đi qua Bộ Giáo dục, ngoài cổng có bảng hiệu: dưới dòng tên Hán văn, là tiếng Anh, rồi tiếng Việt: Bộ Giáo dục).

Dân Đài Loan tuy già chậm hơn dân Nhật Bản, nhưng cũng đã bắt đầu thiếu hụt lao động. Vì vậy, có đông người Việt sang đây làm việc theo hợp đồng lao động. Nhưng để có một chuyến đi Đài Loan và có được hợp đồng lao động, theo thời giá 2023, mỗi người phải nộp 150 triệu VND (khoảng 6 000 USD), không biết trong số đó chủ công ti xuất khẩu lao động phải phong bì bao nhiêu cho Bộ Công an, Bộ Lao động và Bộ Ngoại giao. Tới nơi, mỗi tháng lĩnh lương, người lao động phải nộp 10% cho công ti. Còn lại, bao nhiêu cho cái ăn cái ở, bao nhiêu gửi về cho gia đình, bao nhiêu để trả nợ góp (không ai cũng có sẵn 150 triệu để đi Đài Loan). Thêm vào đó là điều kiện ăn ở, cách cư xử của chủ nhân (mô hình tư bản chủ nghĩa thế kỷ 19). Những ai không có nổi 150 triệu, thường ki cóp mua “tua du lịch” (khoảng 10 - 12 triệu) rồi ở lại làm lao động chui, để bị bóc lột thậm tệ hơn (nếu tìm ra việc làm) và sống lủi trong vòng phi pháp.

Người đã kiên trì từ 30 năm nay để trợ giúp người lao động và phụ nữ Việt Nam là linh mục Phê rô (Peter) Nguyễn Văn Hùng. Ông tiếp chúng tôi ở Văn phòng Trợ giúp Công nhân và Cô dâu Việt Nam, đặt tại một nhà thờ ở Đào Viên. Mồ côi cha, mẹ người Công giáo Nghệ An, thanh niên Nguyễn Văn Hùng vượt biên năm 21 tuổi (1979), sang Nhật rồi Úc, học chủng viện, tấn phong linh mục năm 1991. Từ đó, ông tới Đài Bắc làm mục vụ trợ giúp những chị ô sin bị bóc lột “như nô lệ”, những chị “con dâu” bị hành hạ, những anh em lao động (chui hay không chui) bị đối xử tàn tệ. Đằng sau văn phòng là một tòa nhà có thể chứa được mấy chục anh chị em tạm trú.

nvh

Linh mục P. Nguyễn Văn Hùng (bên trái)

Linh mục tiếp chúng tôi suốt ba giờ đồng hồ. Câu chuyện thường bị ngắt quãng vì một việc gấp ông phải giải quyết: chuyện đầu là một chị đi du lịch, ở lại làm lao động chui, sau một tháng bị sa thải và vừa bị tai nạn giao thông, phải đưa vào bệnh viện. Được lời giới thiệu của Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chúng tôi hỏi cha Hùng những thông tin về vụ kiện công ti Formosa của 8000 ngư dân Hà Tĩnh nạn nhân của vụ ô nhiễm ở Vũng Áng (2016), vì ông là người đã hỗ trợ Giám mục rất nhiều trong vụ kiện. Trước tòa án Đài Bắc, bên nguyên phải đối đầu với một đội ngũ luật sư hùng hậu của tập đoàn Formosa. Kịch bản y hệt vụ kiện công ti Monsanto (và 15 công ti sản xuất chất Da Cam) của chị Trần Tố Nga. Ở Paris, trong suốt mấy năm, luật sư của Monsanto liên tiếp đưa ra những đòi hỏi về thủ tục, giấy tờ, thí dụ: bà Nga nói năm 1966 là phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng, vậy thì xin bà cung cấp hợp đồng lao động. Ở Đài Bắc, các đồng nghiệp của họ yêu cầu các đơn kiện mang chữ ký của 8000 ngư dân Hà Tĩnh phải được công chứng. Họ thừa biết ở Việt Nam, công chứng chỉ có thể chứng thực nếu được sự đồng ý của chính quyền sở tại. Mà chính quyền đã nhận 500 triệu USD bồi thường, chia chác một cách tùy tiện, và chấm dứt mọi sự kiện cáo. Ở Đài Bắc cũng như ở Paris, cuộc chiến đấu còn tiếp tục, lâu dài. Nhưng bản thân việc vụ kiện vẫn tiếp tục tự nó là một thắng lợi cho công lý.

Chúng tôi ngỏ ý mời cha Hùng ra ngoài ăn cơm trưa, nhưng ông giữ chúng tôi lại căng tin của văn phòng để ăn cùng hơn mười anh chị em làm việc ở đây. Nhờ đó mà chúng tôi được ăn một bữa cơm ngon nhất ở Đài Bắc. Xin các bạn cứ tin là tôi nói không ngoa. Sau mấy ngày ăn cơm tàu dầu mỡ, nhất là các món tempura theo kiểu Nhật Bản (dấu tích mấy chục năm Nhật đô hộ), chúng tôi sung sướng được ăn rau luộc,  tôm kho và canh bầu.

Đó là một trong những kỷ niệm đẹp về chuyến đi Đài Bắc mùa thu 2023.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/muoi-ngay-o-dai-bac