Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

Không dành cho riêng ai

 Hồ Anh Thái

Đọc sách: Không dành cho riêng ai -0

Có nhiều sách về cuộc chiến tranh chống ngoại xâm qua góc nhìn của các vị tướng lĩnh, qua tái hiện của các nhà văn nhiều thế hệ. Còn với “Được sống và kể lại”, cuộc chiến lớn lại được nhìn qua mắt một người lính bình thường. Một cuốn tự truyện thật sự dung dị và chân thực, gây xúc động vì cái hiện thực diễn ra hàng ngày trong đời người lính.

Tác giả Trần Luân Tín từng là chiến sĩ Tiểu đoàn 18 thông tin, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Cuốn sách mở đầu khi anh sinh viên Tín hai mươi mốt tuổi, đang là sinh viên Mỹ thuật ở Hà Nội. Đầu năm 1972, anh lên đường nhập ngũ, vào ngay chiến trường Quảng Trị, chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Ngày 30.4.1975 anh có mặt trong những cánh quân tiến vào Sài Gòn.

Như vậy một người lính bé nhỏ bạch diện thư sinh, một người lính bình thường như mọi đồng đội của anh, chính là chứng nhân cho bốn năm cuối của cuộc chiến, bốn năm ác liệt ngập tràn xương máu. Đôi lúc, chen giữa những trang kể chuyện, tác giả đưa vào những dòng nhật ký của mình. Nhật ký phần nhiều là cảm xúc trong trẻo của người lính tràn đầy lý tưởng thời đó. Phần kể chuyện chen lẫn giọng tự sự, giọng tường thuật, như là có gì kể nấy, vì thế lại chân thật đến mức lay động được người đọc.

Trần Luân Tín kể lại tỉ mỉ từ những tháng ngày huấn luyện tân binh ở Hà Bắc. Rồi lên đường, xuyên qua tuyến lửa Bắc miền Trung, vào ngay Quảng Trị. Vào ngay những trận chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ. Anh là chiến sĩ thông tin, nhiệm vụ là đi rải dây liên lạc và bảo đảm cho đường dây thông suốt. Phải bò dưới những làn đạn dày đặc, dây đứt phải nối lại ngay. Anh chứng kiến những trận chiến khốc liệt, chứng kiến cả khi quân ta phải rút khỏi Thành cổ. Từ chiến trường Quảng Trị, anh đi cùng đơn vị qua đường 9, lên Trường Sơn, trong bốn năm tiến dần qua Huế, Đà Nẵng, đến Phan Rang, rồi qua cửa ngõ Sài Gòn tiến vào đúng ngày 30.4.1975.

Nói về chiến tranh, không thể không miêu tả những trận chiến và chết chóc. Lần đầu tiên anh lính ta nhìn thấy xác người ở gần làng Nhan Biều, một người lính Sài Gòn “dựa lưng vào vách công sự. Toàn bộ phần đầu sụt xuống ngực. Cái mũ sắt hất nghiêng bên vai, lộ ra một chút đỉnh sọ. Bộ quân phục chưa mục hết nên vẫn giữ được khung người không rã ra. Hai ống xương chân mốc xanh cắm trong đôi bốt da cao nghệu. Người ngồi giữa trận mạc tan hoang, như là đang chiêm nghiệm” (trang 118).

Rồi cũng ngay sau đó, anh thấy đồng đội chỉ còn là xương thịt, thậm chí tan biến hoàn toàn. Mến đang sốt nhưng vẫn bật dậy, tranh phần mang cuộn dây ra cho đồng đội trong khi pháo địch đang trút xuống. “Chợt nghe tiếng Sồi gọi: - Anh Tín ơi - Tiếng của nó ở ngay trên miệng hầm, nghe lạ đến mức cái đầu tôi tự nhiên tê đi, phải lắc một cái thật mạnh. Sồi gần như rơi xuống hầm, miệng lẩm bẩm:

- Nguyên một quả pháo…

Tôi giật mình:

- Cái gì, Mến đâu?

- Nguyên một quả pháo… không còn một tí gì…” (trang 182).

Lần khác, hai người lính đang đi kiểm tra đường dây thì Tín bị đau bụng. Nhờ dừng lại mấy phút giữa đường mà thoát được một trận bom. Mười hai quả bom tấn trút xuống ngay trước mặt. Họ chỉ đi nhanh thêm mấy phút là rơi vào giữa túi bom (trang 194).

Vào đến Long Thành, cửa ngõ Sài Gòn rồi, chỉ mấy ngày trước chiến thắng, đồng đội trẻ tên là Hội hy sinh: “Tôi thả bịch ba lô, ngồi xệp xuống, đưa tay đẩy từng cái mi mắt đã bất động cho nhắm lại. Mới hồi nãy nó còn nói, giọng xứ Thanh rất hiền: “Vài ngày nữa anh em mình được đi dạo phố rồi” (trang 335).

Ngày 26.4, bốn ngày trước khi vào đến Sài Gòn, anh Tín đã trèo lên một chiếc xe tăng, nhưng không đủ chỗ, bị ra lệnh nhảy xuống. Ngay sau đó chiếc xe tăng bị bắn cháy trước mắt anh.

Trưa 30.4.1975, thời điểm chính quyền Sài Gòn đầu hàng, Trần Luân Tín phóng xe máy vào Sài Gòn giữa những đoàn xe ta thì bất ngờ bị một loạt đạn của tàn quân quét ngay trước mặt. Anh chỉ kịp lăn xuống đường và thoát nạn. Có những người lính đã hy sinh vào thời khắc chiến thắng như thế.

Không chỉ có người lính mới chịu nhiều hy sinh. Tác giả khắc họa cả những cái chết của dân thường thật ám ảnh: ông già là người duy nhất còn ở lại trong làng Nhan Biều, thỉnh thoảng ông đi cùng một con chó ra giếng lấy nước. Người lính định bụng hôm nào đó sẽ nói chuyện với ông. Nhưng hôm đó ông già vừa lấy xong nước, thì con chó dính một mảnh pháo bầy. “Ông già đã kịp nằm ụp trên đất, đáng lẽ phải nhanh chóng bò tới cái hầm gần nhất để chui vào, thì ông lại nhoài về phía con chó…

Bàn tay ông già tóm được cái đuôi con chó, ông kéo nó về phía mình. Không kịp, làn pháo bầy đã lùi tới nơi. Tôi rụt đầu xuống tránh những cú đạn đập xuống ngay cạnh hầm. Nháy mắt, pháo chuyển làn ra xa, tôi vụt lên thì không còn gì nữa, cả ông già, cả con chó vện nhỏ bé” (trang 199).

Có những khoảnh khắc giữa hai trận đánh, cái tình đồng đội với nhau thật bình dị: sau khi bộ đội rút khỏi Thành cổ Quảng Trị, lính thông tin về đến làng Nhan Biều, anh chàng Hạnh vốn con nhà tiểu thương kéo trong góc hầm ra một cái hộp đựng đạn đại liên của Mỹ, nhưng bên trong đầy rau má. Giữa chiến trường khô khốc, bom đạn dày đặc, người lính phải tốn công sức mới có thể hái được bằng ấy rau cho đồng đội ngồi nhai và dưỡng sức (trang 189). Hương vị rau má gợi nhớ về một thời bình yên. Còn trên cao điểm Cao Hy, um tùm những cây ớt chỉ thiên bên bờ suối. Ớt do lính Hàn Quốc trồng, quả rụng xuống mà tiếp tục mọc ra cây (trang 95). Vài chi tiết như vậy giữa chiến trận cũng khiến cho lòng lắng lại.

Ghi lại những trận chiến, nhưng cuốn sách cũng tái hiện được chút ít đời sống tinh thần, thậm chí là quan điểm về một thời. Anh Tín tuyên huấn sư đoàn có lần hỏi chuyện một người lính là tù binh. Họa sĩ trẻ vừa hỏi chuyện vừa ký họa chân dung người tù. Chuyện ký họa về sau bị đưa ra kiểm điểm. Có viên thượng úy phê bình: “Từ cổ chí kim chỉ có các bậc vĩ nhân, các lãnh tụ, hoặc là anh hùng chiến sĩ cách mạng mới được vẽ chân dung thôi. Vẽ chân dung địch là sai quan điểm” (trang 261). Nhưng cũng có một viên chỉ huy nói lại: “Đấy chỉ là lấy tài liệu thôi. Nói là vẽ chân dung thì thành ra vấn đề nặng nề mất rồi” (trang 262).

Hạnh là con nhà buôn nhỏ, Sồi là nhà nông. Cuộc tranh luận giữa hai anh lính này thể hiện quan điểm của xã hội lúc đó, nhưng bây giờ vẫn còn đó trong quan niệm của nhiều người:

“- Ai lại không biết, không lừa thì lấy đâu ra lời với lãi…

- Công sức người ta bỏ ra thì phải có lãi chứ.

- Thôi ông ơi… ăn người thì có.

- Ai chả phải ăn. Làm thì phải ăn chứ.

- Tôi nói ông nghe. Như thế không gọi là làm nhé. Người ta cày vã ra còn chưa có mà ăn. Ông chỉ bỏ ra tí nước bọt mà lại được phè phỡn” (trang 63).

Ngày chiến thắng không chỉ có reo hò và cờ hoa. Tác giả kể về những ngày đầu tiên của người lính chiến thắng. “Nhiều đêm tôi ngồi rất lâu bên cái mặt bàn gỗ, hút rất nhiều thuốc… Cứ giật mình. Leo lên giường, vừa chạm vào giấc ngủ thì giật tung người lên. Lại mò xuống sàn ngồi.

Tôi chưa già để loay hoay với quá khứ, mà như bị đẩy vào tình trạng của kẻ mộng du. Có một sự nhớ thương kỳ lạ của người chết lộn vào trong lòng tôi. Nhớ thương người sống” (trang 376).

Tác giả xoáy vào tận chiều sâu nội tâm của chính anh. Giây phút vui tột cùng sau chiến trận cũng là lúc người chết nhập vào mình, để nhớ về người sống và ngày còn sống. Để khắc khoải trộn lẫn hạnh phúc và đau thương.

Được sống và kể lại trải ra trên một diện rộng của chiến trường, khắc họa chân dung những người lính, kể thật tỉ mỉ và sinh động về những sự kiện hào hùng lẫn bi thương. Sách kết lại mà vẫn còn có những số phận để ngỏ: anh bạn Sồi nông dân, anh lính Hạnh tiểu thương, cô thông tin quê ở cầu Gồ, Hà Bắc đêm đêm trong ca trực kể chuyện cho anh Tín ở đầu dây bên kia.

Chiến tranh ly tán, nhiều đồng đội chỉ gặp trong cuộc chiến, và sau chiến tranh hoàn toàn không có tin tức. Nhưng tâm lý người đọc thì vẫn muốn biết về số phận của họ.

Nhà điêu khắc Trần Luân Tín dồn trút những điều đã trải trong chiến trận vào một cuốn sách để đời. Không chỉ cho anh và không chỉ như “mục đích giản dị ban đầu là kể cho hai đứa con của mình nghe”. Cuốn tự truyện thực sự lay động được cảm xúc của người đọc.

 

------

* Được sống và kể lại, hồi ức của Trần Luân Tín, NXB Văn hóa - Văn nghệ tái bản 2019.