Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Bi hài chuyện biên tập sách

 Tạ Duy Anh

 

Không thể nhớ đã có bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt xảy ra trong thời gian 20 năm làm biên tập sách của tôi, chỉ xin kể ba chuyện.

CHUYỆN THỨ NHẤT

Qua người bạn vong niên, tôi quen nhưng không thân với một nhà văn tên là... Ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã không thấy có thiện cảm với ông ta. Nước da mai mái, luôn quan trọng hóa bản thân, khiến tôi linh cảm ông ta là một người nhiều toan tính nhỏ nhặt. Bắt đầu bằng màn bốc thơm tôi lên mây xanh. Sau đó ông ta nói về bản thân, chủ yếu khoe chiến tích nghề nghiệp. Cuối cùng lộ ra ý đồ khá dễ thương, hoàn toàn bình thường nhưng với tôi, rất khó chấp nhận: Ông ta muốn tôi đứng tên biên tập và viết lời giới thiệu cho cuốn sách của ông ta.

Dù chả lấy gì làm mặn mà, nhưng vì là nghề làm dâu trăm họ, đã cho tôi có một thói quen ứng xử là không bao giờ được coi thường bất cứ ai, kể cả khi họ đáng bị coi thường một trăm phần trăm. Tôi bảo ông ta cứ mang bản thảo đến. Chúng tôi gặp lại nhau sau đó vài hôm. Đó là một bản thảo tiểu thuyết, in ra chừng ba trăm trang sách. Lần đầu tiên đọc ông ta, chỉ vài chục trang, tôi biết ông bị các đồng nghiệp coi thường không phải vô cớ.

Tôi mời ông ta đến làm thủ tục cấp phép. Tất nhiên là ông ta hăm hở đến ngay. Nhưng khi cầm lại bản thảo, lật giở một lúc, mặt ông ta đanh lại, không vui, thậm chí còn như tức giận điều gì đó. Tôi nhã nhặn bảo: “Bản thảo rất tốt về mặt chính trị, anh cứ cho in và phát hành thoải mái”. Lưỡng lự một lát, ông ta nhắc lại lời đề nghị tôi viết lời giới thiệu. Tôi nhẹ nhàng từ chối, lấy lý do biên tập không nên viết, vì bạn đọc sẽ bảo gà đẻ gà cục tác. Ông ta vặn lại ngay: “Sao sách của ông A., ông B. thì cậu lại viết, cũng là cậu biên tập đấy thôi”. Tôi không muốn ông ta có mặt lâu hơn trong phòng, nên bảo: “Sách của anh chả cần bất cứ lời quảng cáo nào cũng vẫn cứ đắt như tôm tươi cho mà xem”.

Tôi nói và cười, cố xí xóa cái không khí chả lấy gì làm vui vẻ. Nhưng sau đó ông ta để bản thảo lại trên bàn tôi, ra vẻ dằn dỗi:

"Cậu không nên đối xử với tôi như vậy. Vài lời, với cậu, có khó khăn gì đâu”.

Bản thảo đó nằm yên trong tủ của tôi qua gần hai năm. Một lần dọn tủ trước khi đón năm mới, tôi thanh toán hầu hết những bản thảo lưu vì nó đều quá thời hạn quy định. Khi cô bé chuyên dọn dẹp đến nhận số bản thảo đó để bán giấy vụn, chả hiểu sao khi cầm bản thảo của ông ta lên tôi cứ có chút lưỡng lự. Chắc ông ta sẽ không quay lại lấy, vì chỉ là bản photo, trong khi thể nào ông ta chả có tới hàng chục bản. Nghĩ vậy tôi bèn ném vào đống bản thảo bỏ đi. Đúng lúc cô bé nhặt lên định cho vào bao, thì tôi vội xin lại. Để không phải ngày ngày nhìn thấy nó, tôi đưa xuống đáy của ngăn cuối cùng.

Những gì tôi vừa kể là do sau này tôi cố nhớ lại, còn lúc sự việc xảy ra: Bất ngờ, sau hai năm, khi không còn hy vọng tôi viết lời giới thiệu, một hôm ông ta quay lại đòi bản thảo, thì tôi hoàn toàn tin rằng mình đã bỏ nó đi trong dịp dọn dẹp cuối năm ấy.

Vì tin như vậy nên tôi gãi tai bảo với ông ta:

-Lâu quá, tưởng anh không lấy lại nữa. Với lại thể nào anh chả còn những bản khác?

-Không – giọng ông ta lạnh lùng – Tôi chỉ có một bản duy nhất, độc bản, nếu mất coi như tác phẩm của tôi vĩnh viễn bị mất, anh cố nhớ xem để đâu.

-Vậy bác đưa file mềm đây tôi in biếu bác mấy bản luôn.

-Tôi không giữ file mềm. Tôi thuê chế bản, làm gì người ta còn giữ cho tôi. Tôi nhắc lại là tôi chỉ có một bản, anh làm thế nào thì làm.

-Anh thử nhớ xem chế bản ở chỗ nào, tôi sẽ đến hỏi họ.

-Anh đừng dài dòng nữa, tôi chỉ cần biết, bản thảo tác phẩm của tôi đang ở đâu, để tôi xin lại.

Quá bất ngờ, không thể nhớ ra còn hay đã vứt, tôi đành hoãn binh bảo ông ta cho tôi thời gian, tôi sẽ tìm. Trước khi ra về, ông ta còn lên giọng nhắc lại:

-Tôi chờ để nhận lại bản thảo, không ai được làm mất bản thảo của cộng tác viên, anh nhớ cho.

-Vâng, tôi sẽ nhớ. Nhưng nếu…

-Không có nhưng – mặt ông ta đanh lại, trắng trợn và đầy đắc thắng. Ông ta chỉ chưa nói thẳng ra là ông ta sẽ kiện tôi, nếu tôi để mất bản thảo của ông ta. Ông ta sẽ nói rằng đấy có khả năng sẽ là kiệt tác của ông ta, vì tin tưởng nên ông ta mới giao cho tôi.

Trở về, tôi cố vắt tay lên trán lục lọi trí nhớ nhưng mọi thứ đều mù mờ. Ngay khi ông ta đi khỏi, tôi đã thử lật tung đống bản thảo trong tủ nhưng không thấy thứ mình cần tìm. Tôi càng tin mình đã vứt nó đi. Thời gian vứt cũng đã vài tháng, làm sao lần ra được nó đang ở đâu trong số hàng trăm cơ sở thu mua giấy vụn? Là nghĩ thế cho hết nhẽ thôi chứ nếu phải làm thế thà mò kim đáy biển còn dễ hơn. Sáng mai đã phải trả lời ông ta. Lần đầu tiên tôi thấy rối trí trước một việc con con. Mãi lúc gần đi ngủ thì tôi mang máng nhớ ra, như những gì tôi đã kể lại ở trên, chỉ mang máng thôi, là hình như tôi ném nó, hoặc một thứ gì đó tương tự, xuống đáy ngăn cuối cùng chiếc tủ tài liệu to bằng cả chiều rộng căn phòng.

Lập tức tôi lấy xe phóng lên cơ quan. Vợ tôi ngạc nhiên hỏi khuya rồi còn đi đâu, tôi bảo lát về sẽ nói một thể.

Hồi đó cơ quan có bảo vệ nhưng nhiều hôm ông ta chỉ đến lúc nửa đêm để ngủ. Giống như hôm ấy, tất cả vắng lặng. Tôi mở cửa vào phòng, bật đèn sáng nhìn chiếc tủ mà không mấy tin tưởng. Tôi giật cánh tủ ra là xục ngay tay xuống đáy ngăn cuối cùng, lôi ra một tập bản thảo và dưới ánh đèn, nó hiện lên cái tên ông ta, đã bị ố vàng một nửa. Mẹ kiếp, quả là trời luôn có mắt! Những gì tôi mang máng hóa ra rất chính xác. Đúng là tôi đã định vứt đi, nhưng phút chót thì giữ lại.

Vừa mới sáu giờ sáng, tôi trở dậy đang chuẩn bị đồ cho con đi học, thì điện thoại nhà đã réo vang. Đầu dây bên kia ông ta lạnh lùng hỏi: “Mấy giờ thì tôi đến nhận lại bản thảo được?” Tôi vờ làm ra vẻ lưỡng lự, ngập ngừng bảo: “Vâng, anh cứ đến, có gì mình sẽ nói chuyện”. Ông ta dằn giọng: “Tôi không có thời gian, tôi chẳng có chuyện gì để nói nữa, tôi đến để nhận lại bản thảo, anh cho biết chính xác giờ đi”. Chả cần phải có khả năng tưởng tượng như tôi, bạn cũng dễ dàng hình dung ra nét mặt ông cộng tác viên của tôi lúc ấy thế nào. Tôi bèn nói nhỏ, đủ nghe, đủ để ông ấy phải suy đoán: “Vậy đúng bảy giờ ba mươi nhé”.

Đưa các con đến lớp, tôi về cơ quan lúc bảy giờ mười lăm. Tôi đặt sẵn tập bản thảo lên bàn, sát mép phía ngoài, rồi pha một ấm trà. Giờ đến lượt tôi tự cho mình chút khoái trá. Tôi vờ ra vẻ nghiêm trang ngồi vào chỗ của mình, trước mặt là một bản thảo đọc dở, tay cầm cốc trà, đang nhâm nhi thì ông ta, vẫn nét mặt thù hận cả thế giới, với vẻ tai tái của người nhiều mưu mô và có thể đang ủ bệnh, xồng xộc bước vào. Tôi có thể đọc rõ cả những ý nghĩ độc ác, mãn nguyện của ông ta, nhưng tôi không buồn ngẩng lên. Chẳng ai chào ai, ông ta đứng chờ còn tôi vẫn thản nhiên ngồi đọc. Làm như chợt nhớ ra, tôi chỉ tay vào tập bản thảo của ông ta. Ông ta nhìn theo tay tôi và chợt bẽ bàng. Ông ta lại gần, cầm tập bản thảo lên rồi định nói gì đó. Tôi dùng tay ra hiệu ông ta có thể ra ngoài.

Mọi việc diễn ra hoàn toàn im lặng. Khi ông ta đi rồi, tôi bỗng cứ nhìn vào cái chỗ mà ông ta đứng rồi bỗng chẳng muốn làm gì tiếp mà chỉ muốn rủ ai đó đi uống rượu.

CHUYỆN THỨ HAI

Sáng hôm ấy, như mọi sáng, tôi đang ngồi uống trà xanh ở cổng cơ quan, thì một người đàn ông trung niên, vẻ mặt đầy quan trọng, rụt rè hỏi tôi có phải là…Tôi gật đầu xác nhận. Anh ta nhìn quanh rồi đề nghị muốn nói riêng với tôi một chuyện. Chúng tôi ra xa nơi mọi người đang ngồi. Ông ta bấy giờ mới lôi từ trong bị cói ra một gói vuông vắn, giọng như buôn bạc giả, bảo muốn gửi tôi bản thảo, nhờ tôi biên tập.

“Tôi muốn đưa tận tay anh, đích thân anh và chỉ mình anh đọc-ông ta nhìn tôi da diết-Tôi sẽ đầu tư in số lượng rất lớn và tôi muốn cũng chính anh nhận làm giúp tôi. Sau đây, nghĩa là sau khi đọc xong, xin anh một cái báo giá, tiền tôi không thiếu, chỉ mong anh lưu ý cho điều đó”.

Tôi nhận lời, tất nhiên, vì ông ta là cộng tác viên. Cầm khối bản thảo nặng mấy cân, lại chằng buộc cẩn thận, tôi chả nghĩ gì, chỉ bảo ông ta cứ về, ba tháng sau hãy quay lại.

Khi đi, ông ta còn nháy mắt với tôi, cứ như thỏa thuận đã xong và tôi chỉ còn việc cắm đầu mà đọc.

Tôi đem về phòng, để nguyên cả gói dày cộp đó vào ngăn đựng bản thảo không thuộc đối tượng ưu tiên đọc sớm. Tôi thừa kinh nghiệm để biết ông cộng tác viên này thuộc loại nhiễu sự, với sở thích quái gở là hành hạ những biên tập viên rồi bỡn cợt họ. Bằng cái bả tiền bạc, có thể ông ta thành công ở nhiều nơi, nhưng với tôi thì...cứ chờ đấy!

Khoảng vài tháng sau bất ngờ ông ta sừng sững hiện ra ở cửa phòng làm việc của tôi, mặt tươi như hoa. Đang có khách, nên tôi chỉ hỏi nhỏ: “Bao giờ ông cần sách, tất cả đã sẵn sàng?” Ông ta cười gần rách cả miệng, đầy vẻ thỏa mãn bảo: “Tôi muốn ông đọc, bắt ông phải đọc nên làm thế, chứ tôi thiếu gì chỗ xin giấy phép. Mà tôi cũng chưa định in, thành thật xin lỗi ông nhé”.

-Không sao-tôi thản nhiên bảo-chuyện vặt thôi mà. Vậy hôm nay ông cầm lại nhé.

-Thì tôi đến chỉ để xin lại mà. Nhưng này, ông thấy tôi viết thế nào?

-Ông cứ cầm lại đi rồi ta nói chuyện. Tôi đang dở tay, làm ơn ông tự lấy giúp tôi, trong tủ ấy, ông cứ mở ra đi, nó ở ngăn trên cùng.

Ông ta háo hức mở tủ, với tay lôi xuống tập bản thảo vẫn nguyên si như lúc đưa cho tôi, mặt chảy ra:

-Ông chưa mở ra à?

Tôi đáp:

-Thì bây giờ ta cùng mở ra, có cả bạn tôi đây, cho ông ấy xem công trình của ông nó đồ sộ ra sao.

Ông ta không thể nói được câu nào, uống qua quýt chén nước tôi mời rồi ôm cái gói ông ta đưa cho tôi mấy tháng trước, lủi thủi ra về.

CHUYỆN THỨ BA

Trong số bản thảo gửi đến xin giấy phép, thì nhiều nhất là thơ. Tràn ngập thơ. Chúng tôi luôn đau đầu khi xử lý thơ của những câu lạc bộ. Nhiều lúc đành tặc lưỡi cho qua, dù chất lượng rất thấp, tự ngụy biện rằng, thơ nào cũng có bạn đọc của nó và quan trọng là quyền được xuất bản khi nó không vi phạm những điều cấm ghi rõ trong luật xuất bản.

Tôi sắp nói đến một trường hợp như vậy.

Tác giả đã gần tám mươi tuổi, nhưng còn khỏe và đam mê thơ phú. Ông ta gửi bản thảo tận tay tôi. Khi nhận lại, ông ta cũng hỏi tôi những câu hỏi quen thuộc mà mọi người đều hỏi. Tôi ậm ừ đáp cho qua, bảo bản thảo của bác đủ tiêu chuẩn lấy giấp phép xuất bản.

Ông tác giả cầm bản thảo và hồ sơ xuống để phòng hành chính làm giấy phép. Khoảng nửa giờ sau, khi mọi chuyện đã xong xuôi, ông ta vẫn không chịu về. Cuối cùng ông ta quay lên, đứng trước mặt tôi, căn vặn tôi rằng tại sao tôi không động bút sửa chữa, cắt cứa tí gì vào bản thảo. Tôi bảo: “Bản thảo của bác không có chỗ nào cần chỉnh sửa, cắt cứa, chúc mừng bác”. Ông ta nghe thế bèn òa khóc, cổ co rút từng cơn. Tôi hoảng quá, chỉ biết ngồi chờ ông ta qua cơn xúc động có phần nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng chưa nghĩ ra lời an ủi, thì ông ta nói bằng thứ giọng mếu máo:

-Tôi gửi bản thảo cho các anh, là hy vọng được các anh động bút, đằng này một nét, một chữ cũng không… hu hu...

Rồi lại thổn thức như người bị oan ức tày trời, vừa quay ra vừa đưa tay áo lau nước mắt đã kịp ướt đẫm cả mặt.