Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Quanh bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”

Vương Trọng

 

Đến mùa xuân 2024 này, bài thơ "Bên mộ cụ Nguyễn Du" của tôi đã tròn 42 tuổi. Tháng Ba năm 1982, tôi được Quân khu Bốn mời vào dự hội diễn văn nghệ quần chúng toàn Quân khu tổ chức ở thành phố Vinh. Kết thúc hội diễn, Ban Tổ chức cho khách đi tham quan một số nơi, trong đó có quê hương cụ Nguyễn Du, vì trong đoàn có nhiều người quê ở ngoài Bắc, ít có dịp vào xứ Nghệ. Tôi là "dân bản địa" nhưng học xong cấp ba trường huyện là ra Hà Nội học đại học rồi nhập ngũ, công tác xa quê nên chưa có dịp đến các huyện khác của tỉnh và đây là lần đầu tiên tới Tiên Điền. Dọc đường tới khu di tích này, tôi hình dung ra một vùng bề thế, khang trang vì năm 1965, nghe đài đưa tin ngành văn hoá đã xây dựng khu bảo tàng Nguyễn Du nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cụ. Tới nhà lưu niệm của Đại thi hào, trước sau nào thấy bóng người, đợi mãi mới thấy một chị đang cuốc cỏ khoai, chân đất chạy qua vườn, tìm chìa khoá mở cửa rồi giới thiệu sơ lược vài nét về ngôi nhà này, sau đó dẫn chúng tôi ra thăm ngôi mộ. Đứng trước ngôi mộ sè sè nấm đất giữa bãi tha ma của làng, cầm nén hương trên tay không biết cắm vào đâu, tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt. Tôi thương Cụ từng chịu bao cuộc bể dâu, sang thế giới bên kia chưa hết nợ phong trần. Tôi vốn là người yêu và thuộc Truyện Kiều từ thời đi học cấp hai, khi trở thành thi nhân thì nghiền ngẫm khá kỹ 250 bài thơ chữ Hán của Cụ và không những phục tài thơ mà cảm thấy Cụ là người có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Có khi vì quá yêu, tôi tự coi Cụ như người của nhà mình, vô tình nghe ai chê một câu, một chữ nào đó trong Truyện Kiều, cứ nghĩ là họ đang trêu mình, tự thấy mình bị xúc phạm! Tôi vốn yêu thơ và thuộc khá nhiều thơ từ trước đến nay và đinh ninh rằng, nói về thơ thì khoảng cách từ cụ Nguyễn Du đến các nhà thơ khác của Việt Nam còn xa lắm, khoảng cách đó có khi hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm sau, chưa có người lấp kín được! Chính xác của nhận định này đến đâu thì không biết, nhưng mấy chục năm nay, tôi hằng nghĩ như thế. Vậy nên khi đứng trước nấm đất như mộ Đạm Tiên này, tôi buồn và thương Đại thi hào của dân tộc. Chúng ta biết rằng, Cụ mất ở Phú Xuân (Huế) năm 1820, thọ 55 tuổi. Khi Cụ mất, có một đôi cấu đối thật hay, người thì bảo của quan trong triều, nhưng theo nhà thơ Thanh Tịnh thì của vua Minh Mạng. Câu đối đó như sau:

 

Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm

Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc tử do vinh

(Một đời tài hoa, đi sứ làm quan, sống chẳng thẹn

Trăm năm sự nghiệp, trong nhà ngoài nước, thác còn vinh)

Mộ Cụ khi đó táng ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Hoà, tỉnh Thừa Thiên và bốn năm sau, năm 1824, con trai của Cụ là ông Nguyễn Ngũ cùng với một người cháu, đưa hài cốt của Cụ về táng trong vườn nhà, và hơn một trăm năm sau, năm 1928 mới cải táng ra chỗ hiện nay, cách nhà hơn cây số.

Sau chuyến đi trở về Hà Nội, tôi treo tấm ảnh của đoàn chụp trước mộ Cụ lên tường đối diện nơi ngồi làm việc, để lặng hàng giờ nhìn ảnh và nghĩ về một kiếp tài hoa. Thế rồi tự dưng tôi thốt lên: "Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên. Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây" và lấy bút ghi vào quyển sổ đang mở sẵn trên bàn. Chúng ta nhớ lại rằng, cách đây bốn mươi hai năm, năm 1982 (năm 1985 mới bắt đầu công cuộc Đổi mới), thơ ở nước ta hầu như chỉ đăng những bài thiên về ca ngợi chứ ít có bài nói về nỗi buồn, đặc biệt là nỗi buồn vì một tồn tại xã hội thì không mấy ai dám viết. Bởi vậy khi viết bài thơ này, tôi không mảy may có ý định để đăng báo, mà để ghi lại tâm trạng của mình khi đứng trước mộ cụ Nguyễn Du và nghĩ rằng, nếu viết được thì dán xuống phía dưới bức ảnh ấy mà thôi. Khi viết xong ba khổ đầu (mỗi khổ 6 câu), tôi đọc lại và nghĩ rằng, có buồn đấy, nhưng chưa đến nỗi nào, nếu khổ cuối "sáng" lên một ít thì có thể gửi báo được. Nhân đây xin mở ngoặc rằng, mặc dù trong một thời gian dài tôi biên tập thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng những bài thơ "hơi khó đăng" của tôi, không bao giờ tôi đăng ở báo mình. Bởi thế bài thơ này khi hoàn thành tôi đã gửi cho nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Tuần báo Văn Nghệ, coi như làm một phép thử xem sao. Không ngờ rất nhanh sau đó, bài thơ được in ra và những ngày tiếp theo, tôi nhận được thông tin nhiều chiều về bài thơ này. Bạn bè, đồng nghiệp nói chung là khen, không những khen tôi mà khen báo Văn nghệ mạnh tay dám đăng một bài thơ như thế. Ông Tào Mạt hùng hồn tuyên bố rằng đây là một trong hai bài thơ Việt Nam mà ông thích nhất! Và rồi ông làm một việc hơi ngược đời là đã dịch bài thơ đó ra chữ Hán! Bản dịch này tôi đã công bố trên báo và nhiều bạn đọc thông thạo chữ Hán khen Tào Mạt tài hoa. Nhà thơ Thanh Tịnh gọi tôi lên phòng riêng, sau khi khen bài thơ thì cung cấp cho tôi về đôi câu đối mà tôi đã dẫn trên kia, và ông còn nói rằng: "Phía dưới câu đối còn ghi mấy chữ Minh Mạng hoàng đế trang tặng" và bình luận thêm rằng: "trang tặng chứ không phải ban tặng đâu nhé, chứng tỏ vua chúa ngày xưa cũng biết coi trọng nhà thơ đấy chứ"!

Từ khi bài thơ ra đời, nhân dân các vùng mới biết được thực trạng của mộ cụ Nguyễn Du lúc đó nên phản ứng mạnh. Có một vị Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gọi điện chất vấn Bộ Văn hóa, tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh về vấn đề này. Nhiều xí nghiệp tự động tổ chức các cuộc quyên góp để xây dựng lại mộ của Đại thi hào…

Nhưng trên quê hương Nghệ Tĩnh của tôi thì tình hình ngược lại. Bắt đầu là ý kiến của một vài cán bộ ở Hội Văn nghệ. Họ cho tôi là kẻ nói xấu quê hương, vạch áo cho người xem lưng…, họ phản ảnh điều đó với lãnh đạo tỉnh và tổ chức một cuộc hội thảo để bài xích bài thơ này, loại nó là khỏi đội ngũ những thi phẩm viết về cụ Nguyễn Du. Sau đó họ tuyển chọn một tập thơ của các thế hệ viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tất nhiên trong đó không có bài thơ của tôi, nhưng trớ trêu là trong lời giới thiệu họ phê phán bài thơ này! Không dừng lại đó, một đại diện của Hội Văn nghệ đã gửi hồ sơ cuộc hội thảo lên cho ông Hà Xuân Trường, đề nghị ông Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng phê bình báo Văn nghệ đã sử dụng một bài thơ độc hại như thế! Thật may là tôi ở Hà Nội, ăn lương Quân đội, chứ nếu công tác ở Nghệ Tĩnh thì chắc chắn bị “lên bờ xuống ruộng” chẳng kém gì Thạch Quỳ với bài thơ “Nói với con”!

Sau này có khi tự đọc lại bài thơ của mình, tôi ngạc nhiên sao khi đó mình lại có thể viết được câu: “Không cành để gọi tiếng chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời”, “ý dày” được như thế! Còn khi đọc câu thơ "Bao giờ cây súng rời vai / Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên", có nhà phê bình bảo rằng, đất nước ta đã hoà bình từ năm 1975, thì năm 1982, "cây súng rời vai" đã được bảy năm rồi. Nói như vậy là không chính xác! Sự thật, năm 1982, khi bài thơ ra đời, đất nước ta đang trong một cuộc chiến tranh biên giới ác liệt, dai dẳng. Chỉ đến năm 1989, khi bộ đội của ta hoàn thành nhiệm vụ ở Cămpuchia trở về thì ta mới thực sự có hoà bình. Và thật kỳ diệu, chính năm 1989, mộ của cụ Nguyễn Du đã được xây dựng lại. Ngày khánh thành, tôi nhận được giấy mời vào giữ lễ, nhưng vì đi công tác bận, đến đầu năm 1990, nhân chuyến đi viết về sự kiện hợp long cầu Bến Thủy, tôi mới có dịp cùng đoàn đến thắp hương trước mộ mới của Cụ. Đợi cho đoàn chúng tôi khấn vái xong, một cụ già tiến gần hỏi: "Các ông có biết tại sao mộ cụ Nguyễn Du của chúng tôi được xây lại đẹp như thế này không? Đó là nhờ bài thơ của ông Vương Trọng đấy! Các ông có nghe, tôi đọc cho mà nghe"!

Ông trưởng đoàn nháy mắt với tôi, ý bảo tôi đừng lên tiếng để nghe cụ đọc thơ. Và cụ đọc rất hồn nhiên. Khi cụ đọc xong, tôi nói: "Thưa cụ, chính con là Vương Trọng đấy ạ!" Cụ già cùng bao người khác chăm chú nhìn tôi. Rồi cụ nói: "Tôi tưởng ông phải già hơn, sao còn trẻ thế này! Tôi đọc thế có đúng không ông?" Sự thật cụ đọc theo lối truyền miệng, có sai đôi chữ, nhưng tôi vẫn cám ơn và khen cụ đọc hay.Cụ cho biết tên là Nguyễn Ngẫu, 83 tuổi, cùng họ với cụ Nguyễn Du. Cụ còn nói thêm rằng, năm 1982 đọc bài thơ của tôi đăng báo, bà con trong họ tin rằng mộ cụ Nguyễn Du thế nào cũng được xây dựng lại, và đúng như thế thật!

Nhân đây cũng xin lưu ý với bạn đọc rằng, năm 2000, mộ của cụ Nguyễn Du lại được tôn tạo, nâng cấp một lần nữa, để cùng với khu tưởng niệm Đại thi hào tạo thành một quần thể di tích văn hoá, hàng tuần đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Hơn nửa thế kỷ làm nghề biên tập và sáng tác, tôi may mắn có một số bài thơ được bạn đọc yêu thích như “Với đứa con ngoài giá thú”, “Hai chị em”, “Khóc giữa chiêm bao”, “Chị dâu”, “Sợi tóc hai màu”… nhưng có lẽ hai bài được bạn đọc nhắc đến nhiều nhất là “Bên mộ cụ Nguyễn Du” và “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”.

Có người nói đùa rằng, sở dĩ tôi viết được hai bài thơ hay trên quê hương Hà Tĩnh là nhờ có linh hồn cụ Nguyễn Du phù hộ, bởi vì tôi mang họ của Thuý Kiều, tên của chàng Kim, hai nhân vật chính trong tác phẩm kiệt xuất của Cụ!

 

BÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU

Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây

Ngửng trời cao, cúi đất dày

Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình

Một vùng cồn bãi trống trênh

Cụ cùng "thập loại chúng sinh" nằm kề.

Hút tầm chẳng cánh hoa lê

Bạch đàn đôi ngọn, gió về nỉ non

Xạc xào lá cỏ héo hon

Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi

Lặng yên bên nấm mộ rồi

Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm.

Không cành để gọi tiếng chim

Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời

Không vầng cỏ ấm tay người

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu

Thanh minh trong những câu Kiều

Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.

Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân

Phong trần còn để phong trần riêng ai

Bao giờ cây súng rời vai

Nung vôi, chở đá, tượng đài xây lên:

Trái tim lớn giữa thiên nhiên

Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa.

Nghi Xuân, 7-3-1982

VƯƠNG TRỌNG

 

Còn đây là phiên âm bài thơ dịch của Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt:

NGUYỄN DU PHẦN BIÊN

Lân Đạm Tiên bạc mệnh

Hà tưởng Nguyễn Du phần

Vọng thiên cao địa hậu

Phủ trưởng giảo ngô thần

Thiên chủng liên thiên bích

Dữ chúng sinh đồng quần.

Cực mục vô lê hoa

Bạch đàn vi phong ca

Thảm thê hoa thảo lạc

Ô nê tiểu kính tà

Tịnh khán vô mao thổ

Do nghi thùy đáo gia?

Vô diệp điểu thanh hoang

Vô hoa diệp thiểu quang

Vô thảo hi noãn khí

Hương yên thụ diệc hoàng

Thanh minh đoạn trường cú

Nghi Xuân nhật mộ tàng.

Thủ phủ tưởng vĩ nhân

Thùy thương độc phong trần

Kỷ hồi hạ sang thủ

Thạch tượng lưu thi thần:

Thiên địa nhất tâm đại

Tiếp tích quán thiên xuân.

TÀO MẠT (dịch)

 

clip_image001

clip_image002

clip_image003

Nguồn: FB Vương Trọng