Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

Một chuyên khảo có tầm khái quát lí thuyết, bổ ích, giàu tính gợi mở

 Lê Như Bình

clip_image001

 

Năm 2020, NXB. Đại học Sư phạm phát hành cuốn sách Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài[1] của nhóm tác giả: Lã Nguyên (chủ biên), Trần Khánh Chương, Huỳnh Như Phương, Trần Đình Sử, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Thành, Lộc Phương Thủy. Có thể nói, đây là một chuyên khảo bề thế, rất có ích đối với những ai cần trang bị lí thuyết văn nghệ.

1- Tiếp nhận lí thuyết văn nghệ - Nhu cầu và những trở ngại

Văn nghệ là một sản phẩm đặc thù, đòi hỏi người “sản xuất” và người “tiêu dùng” có những năng lực riêng. Một trong những năng lực và thế mạnh của nghệ sĩ và người tiếp nhận là làm chủ những tri thức lý thuyết về văn nghệ. Thực tế, có những tài năng kép. Nguyễn Đình Thi, một tác gia của nhiều thể loại nghệ thuật, còn là một cây bút lí luận phê bình được chú ý. Bùi Giáng, Phạm Thị Hoài, Đặng Thân, Trương Đăng Dung,… cũng có những khả năng như thế. Tuy nhiên không phải chỉ những học giả, nhà khoa học, người biết viết lí luận phê bình, mới có thể trở thành nghệ sĩ, và ngược lại. Nhưng nghệ sĩ chuyên nghiệp, tác phẩm lưu danh, bao giờ cũng là nhà tư tưởng, có nền tảng những tri thức lí thuyết sâu rộng về văn nghệ.

Người tiếp nhận tác phẩm văn nghệ cũng vậy. Nhà mĩ học nổi tiếng Hans Robert Jauss cho rằng: người đọc tác phẩm văn học không phải ai cũng như ai, mà khác nhau ở “tầm đón nhận” (horizon d'attente). Tầm đón nhận được hiểu là những hiểu biết về các hình thức biểu hiện, những kinh nghiệm nghệ thuật và những tri thức khác có liên quan đến văn chương của mỗi người đọc có trước khi tiếp xúc với tác phẩm. Suy rộng ra, đối với việc tiếp nhận văn nghệ nói chung, dù là thưởng thức, giải trí, hay nghiên cứu,… thì hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là việc thu nhận, làm chủ vốn tri thức lí thuyết văn nghệ của nhân loại.

Vậy thế nào là làm chủ kiến thức lí thuyết văn nghệ? Tùy mục đích công việc, nhưng đại để, ở Việt Nam, là hiểu biết ba phương diện cơ bản: 1- Những tư tưởng văn nghệ có ảnh hưởng lớn của nhân loại; 2- Lịch sử “tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài” của Việt Nam; trong đó quan trọng, 3- Bức tranh toàn cảnh về tư tưởng văn nghệ Việt Nam đương tại.

Tuy nhiên, con đường để đến với tư tưởng văn nghệ có những khó khăn không hề nhỏ. Thứ nhất là nguồn gốc kiến thức lí thuyết. Người Việt mình chưa tự sản xuất được hệ thống lí luận nội địa. Hàng nghìn năm trước, riêng về lĩnh vực văn học nghệ thuật, thế giới đã có những kiệt tác lí luận kinh điển như Nghệ thuật thi ca của Aristotle, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp,… Còn với ta, để có Từ trong di sản[2], phải tra cứu tìm tòi cả mười thế kỉ (thế kỉ X - đầu thế kỉ XX), mới cóp nhặt được “những ý kiến về văn học” khoảng gần ba trăm trang sách. Thành thử, bao nhiêu thứ tư tưởng, người Việt mình dùng hàng ngày, rồi làm cơ sở suy tính cho ngày mai, ngày kia… cũng đều phải “nhập khẩu” không Tàu thì Tây, mà toàn những thứ xa lạ với tư duy của người Việt. Từ đó, dẫn đến trở ngại thứ hai, là ngoại ngữ. Muốn học Tàu thì phải thạo chữ Hán, muốn biết Tây thì phải rành tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức,… Cho nên, phần lớn việc tiếp nhận tư tưởng nói chung và tư tưởng văn nghệ nói riêng, phải trông đợi vào sự phiên dịch diễn giải của những nhà khoa học được người Pháp đào tạo thời xưa, hay may mắn được du học ở Tây, Tàu về. Cái khó thứ ba: thực sự hệ thống tư tưởng văn nghệ nước ngoài vốn rất phong phú, đa dạng, phức tạp. Bởi lẽ, đó là kết quả lao động trải dài hàng ngàn năm, trải rộng từ Đông sang Tây, của những bộ óc uyên bác. Chỉ kể tư tưởng của một vài vị như S. Freud, V.F. Hegel, M. Bakhtin,… có khi một người lăn lộn nghiên cứu cả đời, may ra mới đạt tầm hiểu biết ở mức chuyên gia. Thứ tư, “Chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra cái nhìn “tổng quan” đối với toàn bộ quá trình tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam như một hệ thống chỉnh thể”. “Thiếu vắng những công trình khảo cứu khoa học tầm cỡ, dài hơi”, ”chỉ là những tiểu luận, bài báo nội dung chính luận lấn át các yêu cầu khác của tính khoa học”.

2- Một công trình rất có ích cho nhu cầu tiếp nhận lí thuyết văn nghệ

Những điều kể trên làm nản lòng những ai có nhu cầu trang bị kiến thức về lí luận văn nghệ. May thay, những khó khăn đó hiện sẽ bớt đi rất nhiều nếu có trong tay cuốn sách Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài. Cầm một chuyên khảo dày tới gần 700 trang, mà lại là sách tư tưởng, lí thuyết văn nghệ, ban đầu dễ cảm thấy ngại. Nhưng lướt qua mục lục, xem phần mở đầu, thấy nhen chút tò mò, và khi đọc lần từng trang, niềm hứng thú như được khơi dậy. Bởi, hầu như tất cả những gì thuộc về lý luận mức độ phổ thông cho đến cao cấp, rồi những tư liệu rất quý, cần thiết cho những ai quan tâm đến văn học nghệ thuật, đều ít nhiều có thể tìm thông tin ở đây.

Với mục tiêu: “Mô tả chính xác khách quan lịch sử tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho đến nay”, đây là công trình khoa học đầu tiên lấp đi khoảng trống mà trong khoảng trăm năm giới nghiên cứu còn để lại. Để đạt mục tiêu như vậy, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải cùng lúc khảo sát hai đối tượng: tư tưởng văn nghệ nước ngoài và tư tưởng văn nghệ Việt Nam.

Do vậy, người đọc sẽ thu được lợi ích kép: tiếp cận kiến thức tư tưởng văn nghệ cả về lịch sử, cả về lí thuyết với một khối lượng rất bề thế, sâu rộng.

Thứ nhất, người đọc sẽ nắm được hệ thống lí thuyết, tư tưởng văn nghệ nước ngoài, với đủ các gương mặt tiêu biểu lừng danh, ở mọi thời kì. Toàn những tên tuổi trụ cột về tư tưởng văn nghệ thế giới, mà nếu không nghiên cứu những giáo trình chuyên sâu, không đọc rất nhiều tài liệu chuyên ngành, có lẽ nhiều người, kể cả người sáng tác, ít khi biết đến. Ví dụ những trang mô tả các trào lưu, trường phái lớn của thế giới: chủ nghĩa hiện sinh với các học giả lừng danh như Jean-Paul Sartre, Friedrich Nietzche,…; Phân tâm học với các nhà sáng lập như Sigmund Freud, Carl Gustav Jung,…; Chủ nghĩa cấu trúc với F. de Saussure, Claude Lévi-Strauss,…; Lí thuyết tiếp nhận, tâm lí học nghệ thuật; mĩ học cổ điển phương Đông; mĩ học mác-xít phương Tây; lí thuyết văn nghệ Nga - Xô Viết với các học giả như G. N. Pospelov, Y. M. Lotman, M. M. Bakhtin; tư tưởng văn nghệ mác-xít ở Liên Xô, Trung Quốc,…là rất có giá trị về mặt tư liệu. Hơn nữa, qua công trình Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài người đọc còn được cập nhật nhiều tri thức lí luận nghệ thuật hiện đại: Chủ nghĩa hậu hiện đại, lí thuyết tự sự học, lí thuyết diễn ngôn, phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân, phê bình sinh thái… Người đọc, được giới thiệu, được tìm thấy phần lớn những học giả tên tuổi nhất, với những học thuyết làm nên bộ mặt văn nghệ của nhân loại từ xưa đến nay.

Điều rất thú vị là có những kiến thức quen thuộc được coi là kinh điển, nhưng đọc công trình Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, nhiều khi không khỏi giật mình. Những nguyên lí, tưởng như không còn gì để bàn cãi, như: “văn học phục vụ chính trị”, “tính Đảng”, “tính giai cấp”, “văn nghệ là hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc”; hay những vấn đề: “phản ánh luận nghệ thuật”, “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”… đến nay đã được nhận thức lại, nội hàm không còn được hiểu như xưa nữa. Những cái hôm qua còn là khuôn vàng thức ngọc, hôm nay đã đổi thay, thậm chí xếp và bảo tàng.

Thứ hai, lịch sử tư tưởng văn nghệ Việt Nam trong khoảng một trăm năm được dựng lên, được phác họa trong một bức tranh toàn cảnh đồ sộ trong sự vận động diễn tiến, với nhiều trường đoạn nhiều phân cảnh, với những lát cắt, những bình diện, với những gương mặt, chân dung những hết sức phong phú đa dạng. Điều này đặc biệt có ích cho những ai đang muốn dàn dựng khái quát hay nắm bắt lịch sử vấn đề liên quan đến tư tưởng văn nghệ Việt Nam trọn thế kỉ đã qua.

Điều đáng ghi nhận ở công trình đồ sộ này là cách tiếp cận khoa học khá mới đối với vấn đề “tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài”. Các tác giả giải thích: “Phạm trù “tiếp nhận / tiếp thu” gắn với phạm trù “ảnh hưởng”, nhưng “ảnh hưởng” rộng hơn “tiếp nhận / tiếp thu”, bởi “ảnh hưởng” là phạm trù quan hệ, chịu sự tương tác giữa đối tượng có ảnh hưởng và đối tượng chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, “tiếp nhận” là phạm trù lựa chọn, chỉ hoạt động định hướng, có ý thức của chủ thể tiếp thu. […] Chúng tôi nghiên cứu sự “tiếp nhận” tư tưởng văn nghệ nước ngoài theo nghĩa là sự lựa chọn các nguồn lý thuyết một cách có ý thức như thế và sự tiếp biến của nó.”[3]

Phạm trù “ảnh hưởng” vốn rất quen, trong các công trình nghiên cứu. Có vẻ như lâu nay, giới nghiên cứu thường đồng nghĩa, ít chú ý phân biệt hai phạm trù “ảnh hưởng” và “tiếp nhận”, bởi vậy, về tổng thể, không đặt nhiều vào mục tiêu nghiên cứu “hoạt động định hướng, có ý thức của chủ thể tiếp thu”. Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài đã chú ý khắc phục, và có được những đóng góp đáng ghi nhận: 1- Thực tế, nền văn nghệ Việt Nam một thế kỉ qua, đã nhập nội “tư tưởng văn nghệ nước ngoài”, nhưng không rập khuôn, kiểu đổ nước vào bình, mà trong sự chủ động lựa chọn, Việt hóa, sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, yêu cầu quốc nội. Chọn cách tiếp cận này phù hợp với đối tượng nghiên cứu. 2- Do tập trung quan sát sự lựa chọn, công trình đã có thể lần ra những ngõ ngách, các khúc quanh, những chặng đường, cũng như tốc độ của dòng chảy, hình dáng mới của tư tưởng văn nghệ nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Từ đó có thể dựng lại một bức tranh toàn cảnh về tư tưởng văn nghệ Việt Nam, trọn thế kỉ XX và hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, với những ưu nhược, cung cấp dữ liệu để chúng ta suy ngẫm về việc xây dựng nền văn nghệ Việt Nam hội nhập quốc tế.

Ví dụ như việc tiếp nhận tư tưởng văn nghệ mác-xít, không phải mọi việc thẳng tưng, mà có những chặng, đoạn quanh co phức tạp. Trước 1945, bắt đầu từ cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đứng đầu là Hoài Thanh, và phái “nghệ thuật vị nhân sinh”, chủ soái là Hải Triều. Từ 1945-1954, có sự can thiệp tích cực của các cơ quan lãnh đạo Đảng cộng sản, bắt đầu từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), tư tưởng văn nghệ Việt Nam hoàn toàn theo quan điểm mácxit Liên Xô. Sau 1954, đất nước có hai chế độ, việc tiếp nhận tư tưởng văn nghệ này rẽ theo hai phía. Miền Bắc tiếp tục đi theo con đường của Đề cương văn hóa, chỉ chấp nhận duy nhất tư tưởng văn nghệ mácxit, cho đến 1986. Miền Nam tiếp nhận chủ nghĩa Mác và tư tưởng văn nghệ mác-xít theo kiểu phương Tây, đồng thời với các trào lưu tư tưởng khác (chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc,…), cho đến 1975, thì thống nhất chuyển đổi theo Để cương văn hóa. Từ năm 1986 đến nay, nền văn nghệ cả nước được đổi mới, tư tưởng mácxit được tiếp cận dần với những cách hiểu hiện đại, song song với các hệ tư tưởng văn nghệ khác.

Như vậy, nhờ khảo sát hoạt động “lựa chọn” của chủ thể tiếp nhận, công trình Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài đã kế thừa những nghiên cứu trước và dựng lại một cách rành rẽ những zíc zắc của con đường Việt hóa tư tưởng văn nghệ mácxit, cũng như tư tưởng văn nghệ nước ngoài nói chung. Và gợi nhiều suy nghĩ: Có nên quanh co vòng vèo như thế không? Làm thế nào để tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài một các hiệu quả nhất cho việc xây dựng nền văn nghệ dân tộc?

Một đóng góp rất đáng kể của công trình là mô tả khá sinh động hoạt động “tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài” ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Có thể nói, do những yêu cầu chính trị, nền văn học nghệ thuật miền Nam giai đoạn này, gần như bị lãng quên trong thời gian dài sau 1975.. Công trình Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài đã dành hẳn Phần 4 (trong tổng số 5 Phần), với 6 Chương (trong tổng số 26 Chương) để bổ khuyết. Ở đây hé lộ một sự thực hết sức thú vị: trong giai đoạn 1954-1975, không phải người Việt hoàn toàn cứng nhắc, cực đoan trong việc tiếp thu những tinh hoa tư tưởng văn nghệ nước ngoài. Nếu ở miền Bắc, chúng ta chỉ lựa chọn tư tưởng mácxit từ Liên Xô, Trung Quốc và coi một số tư tưởng khác là độc hại, sai lầm, cần phải ”đánh tan”, thì, bù lại, ở miền Nam, người Việt đã giang tay đón nhận hầu hết các khuynh hướng trào lưu tư tưởng phương Tây, tiêu biểu cho văn minh nhân loại. Chủ nghĩa hiện sinh, Phân tâm học, Chủ nghĩa cấu trúc, Lí thuyết tiếp nhận và tâm lí học nghệ thuật, kể cả Chủ nghĩa Mác. Rất nhiều học giả, dịch giả, sau 1975, hoàn toàn vắng bóng ở Việt Nam, nay được công trình trân trọng xướng tên. Trong đó có nhiều người có trí tuệ, tài năng mà còn có bản lĩnh khoa học mạnh mẽ. Hơn 20 năm (1954-1975), tư tưởng cộng sản bị cấm đoán, nhưng các trí thức miền Nam vẫn dũng cảm nghiên cứu và giới thiệu chủ nghĩa Mác với công chúng. Lịch sử tư tưởng văn nghệ Việt Nam cần phải phải ghi công các vị như: Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Nguyễn Phương Trạch, Trương Bá Cẩn, Cô Thanh Ngôn, Lữ Phương, Vũ Hạnh, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Văn,… Rõ ràng các dịch giả học giả miền Nam đã góp phần giúp văn nghệ Việt Nam không tách rời nền văn minh của nhân loại.

Thứ ba, người đọc có được cái nhìn vừa khái quát vừa sinh động về hoạt động “tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài từ 1986 đến nay”, qua Phần Năm của cuốn sách. Theo ý kiến của người viết bài này, đây là nội dung quan trọng nhất, rất có giá trị đối với những ai có ý định nắm được những vấn đề thời sự lí thuyết văn nghệ Việt Nam đương đại, trong khoảng hơn 30 qua. Viết và nắm bắt lịch sử, càng lùi xa, càng được thời gian sàng lọc thì có phần dễ dàng, so với hiện thực trước mắt. Bởi lẽ chuyện đương đại bao giờ cũng bộn bề, ngổn ngang, không phải ai, kể cả những nhà khoa học chuyên ngành, dễ khảo sát. Công trình Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoà, đã “nhận diện hoạt động tiếp nhận tư tưởng nước ngoài vào Việt Nam, từ năm 1986 đến nay”, qua năm nội dung. “1) Tiếp nhận văn học cổ điển phương Đông và phương Tây. 2) Tiếp nhận tư tưởng mĩ học mácxit phương Tây. 3) Tiếp nhận các lí thuyết văn nghệ Nga – Xô. 4) Tiếp nhận các lí thuyết văn nghệ hiện đại phương Tây. 5) Tư tưởng văn nghệ nước ngoài trong nghiên cứu phê bình văn học từ 1986 đến nay – tiếp nhận và tiếp biến”. Có thể nói, nếu ai đó ít thời gian, có lẽ chỉ đọc phần này, cũng “ôm” khá nhiều những tri thức, những tư liệu về tư tưởng văn nghệ hiện đại. Mỗi tư liệu, lại được lại tóm tắt, đánh giá đủ để những ai không có, không được đọc sách gốc, cũng vẫn thu nhận được ít nhiều kiến thức thích hợp. Theo 5 nội dung nêu trên, người đọc có thế thâu nhận cho mình một khối lượng tư liệu khổng lồ cùng với những nhận định, đánh giá về các học giả uyên thâm, các công trình khoa học kinh điển, các trào lưu tư tưởng văn nghệ hiện đại nhất, tiêu biểu nhất của nhân loại. Và có thể làm quen với các khái niệm phạm trù có thể đối với một số người là khá lạ lẫm: Chủ nghĩa hậu hiện đại, lí thuyết tự sự học, lí thuyết diễn ngôn, phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân,… Chưa nói đến việc, trong công trình này, người đọc còn được cung cấp một thư mục khá đồ sộ phần cuối sách. Có tới 45 trang kê tài liệu tham khảo: 450 tài liệu tiếng Việt, 53 tiếng Anh, 66 tiếng Pháp, 79 tiếng Nga, 51 tiếng Trung Quốc. Đồng thời, cũng ở Phần Năm này, người đọc có được chân dung những học giả đương đại, có công trong việc tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, khẳng định tên tuổi của mình qua các nghiên cứu khoa học: Phương Lựu, Trần Đình Hựu, Phan Ngọc, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Văn Dân, Phùng Văn Tửu,… Đặc biệt là Lã Nguyên với những công trình dịch thuật và giới thiệu kí hiệu học từ Nga, Trần Đình Sử với lí thuyết thi pháp học hiện đại từ Nga, Đỗ Lai Thúy với phân tâm học… Các vị là những nhà khoa học đương đại có công “lựa chọn”, giới thiệu, nội địa hóa các tư tưởng nghệ thuật tiên tiến của nước ngoài và ứng dụng nghiên cứu giải mã văn học Việt Nam, thu được những thành tựu khoa học có tính chất đột phá.

***

3- Vài trang lược thuật không thể thay thế được việc đọc cuốn sách. Điều chắc chắn là công trình Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài đã chạm đến mục tiêu: “Đúc rút bài học lịch sử, cung cấp tư liệu cho việc suy ngẫm về con đường phát triển của nên lí luận văn nghệ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Nếu ai không đủ vốn ngoại ngữ để đọc hàng ngàn tài liệu gốc; không sở hữu tư liệu, hoặc không đủ kiên nhẫn để đọc hàng chục ngàn trang tiếng Việt; không có điều kiện để quan sát, khái quát lịch sử văn nghệ hàng trăm năm, thì trước mắt hãy đọc gần 700 trang tài liệu này. Chắc chắn ta sẽ có vốn liếng kha khá về lí thuyết, tư tưởng nghệ thuật. Với người sáng tác sẽ tự tin hơn khi nghe được lời khen chê của giới phê bình; với người tiếp nhận sẽ có thêm phương tiện để đến với tác phẩm nghệ thuật, trong một “tầm đón nhận” mới, chất lượng mới.

Thanh Hóa, 5 - 2021


[1] Lã Nguyên (chủ biên), Trần Khánh Chương, Huỳnh Như Phương, Trần Đình Sử, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Thành, Lộc Phương Thủy, Việt Nam – Một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2020.

[2] Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981.

[3] Việt Nam – một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, tr. 18.