Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Xin tiễn đưa người trí thức đáng kính Nguyễn Văn Hạnh

Ngô Thị Kim Cúc

 

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đã rời bỏ cuộc sống vào lúc 20 giờ 30 ngày 19.11.2023 (7 tháng 10 năm Quý Mão), thượng thọ 93 tuổi.

Cuộc đời ông phần lớn dành cho công việc giáo dục, với những trọng trách và tư tưởng đổi mới khá sớm. Sự nghiệp giáo dục của ông đã được ghi nhận bởi nhiều thế hệ học trò, trong đó có những người tiếp tục là trụ cột cho việc khai mở giáo dục trên cả nước.

Sinh năm 1931 tại làng Giáng La - Điện Thọ, huyện Điện Bàn - Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống Nho học, năm 1955, ông sang Liên Xô du học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov - Moskva.

Năm 1963, sau khi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, ông về nước, công tác tại Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận văn học.

Năm 1975, ông chuyển vào Nam, làm Trưởng Ban Phụ trách Viện Đại học Huế (1975-1977), rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế (1977-1981).

Sau đó, ông được điều ra Hà Nội: làm Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (1981-1983, 1987-1990), rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1983-1987).

Ông được phong học hàm Giáo sư 1984.

Từ năm 1990, ông là chuyên gia cao cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại Phân viện Khoa học Xã hội Việt Nam TP Hồ Chí Minh, tiếp tục nghiên cứu giảng dạy rồi nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh.

Là một nhà giáo, phản ứng của ông với thời cuộc khá ôn hòa nhưng không hề thỏa hiệp. Vào thời điểm đất nước bắt đầu đổi mới, ông đã xin thôi làm Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Huế để về làm Phó cho Tướng Trần Độ khi ông Độ trở thành Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ trung ương năm 1981.

Ghi nhận sâu sắc nhứt về nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh là trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần IV năm 1989, đại-hội-đổi-mới của giới nhà văn.

Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trần Độ đã không tham gia đại hội, giao bài phát biểu của mình cho Phó ban Nguyễn Văn Hạnh đọc thay.

Nghe thì tưởng như chuyện-bình-thường nhưng ai có mặt trong đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam mới thấy việc Phó Ban Nguyễn Văn Hạnh làm thay Trưởng Ban Trần Độ là rất dũng cảm, bởi chắc chắn sẽ phải nhận rất nhiều tên+đạn từ phe chống-đổi-mới.

Xin đăng lại ĐẠI HỘI NHÀ VĂN IV NGÂM KHÚC của nhà thơ Nguyễn Duy để thấy rõ điều đó.

 

Thuở trời đất lên cơn đại hội

dân làng văn lắm nỗi truân chuyên

xanh kia thăm thẳm tầng trên

vì ai xa cách cho nên nỗi này

Trống Hà Thành lung lay bóng nguyệt

sương Ba Đình mờ mịt thức mây

mấy lần nghị quyết trao tay

đêm đêm bàn bạc định ngày khai trương

Phút khởi sự hội trường ngơ ngác

bác Đông Hoài giảng Mác - Lê Nin

nhà văn phải có niềm tin

đổi mới dân chủ lại thêm kết đoàn

Hội bảo thọ tràng giang hùng biện

tới Bắc Kinh bàn chuyện Xô Nga

chập trùng tư tưởng gần xa

đứt thôi lại nối thấp đà lại cao

Tao ngộ chiến ào ào sấm nổ

tưởng cơ đồ sụp đổ tới nơi

ối giời ơi bác Sáu ơi

nhà ta nó phá tan rồi còn đâu

Trang giấy trắng một màu quan ải

oan khiên này biết giãi cùng ai

chỉ vì mấy đứa đơn sai

văn đàn bỗng hoá văn đài phải chăng?

Nguyễn Khải lặn mất tăm đâu đó

Chính Hữu chờ sóng gió qua mau

Bùi Bình Thi rút ván cầu

Phạm Tiến Duật lủi đi đâu mất rồi

Chàng Hữu Thỉnh dở cười dở khóc

Ngọc Tú nàng bứt tóc vò tai

Đỗ Chu tế ngựa vòng ngoài

gặp ai cũng hỏi rằng ai nhớ mình

Mặt Anh Đức vênh vênh vẹo vẹo

mắt đăm đăm liếc xéo hội trường

Phạm Tường Hạnh vứt văn chương

vọt lên đánh hụt một đường đại đao

Trần Độ biến nơi nào chẳng thấy

thấy phất phơ có mấy tờ thư

phất pha phất phới ngôn từ

đoàn chủ tịch cứ ậm ừ mần thinh

Lương Qui Nhân ngồi im thin thít

ghế cao cao nóng đít Tiến Lê

Chu Văn thủ thỉ Ý Nhi

lâu lâu lại lé mắt về Lê Minh

Nguyễn Văn Hạnh một mình một ngựa

phá trùng vây ở giữa sa tràng

quyết lòng mở ruột phơi gan

đã vì đồng đội gian nan sá gì

Biết cứu nạn lắm khi mắc nạn

tâm huyết nhiều mất mạng như không

Thùy Mai nước mắt lưng tròng

cõng Bùi Minh Quốc qua vòng hiểm nguy

Tô Nhuận Vỹ tức thì gượng dậy

Sông Hương vừa bị gãy xương hông

Ngọc Tường đối trọng khoảng không

Khoa Điềm tấm tức tấc lòng băn khoăn

Mai Ngữ sử dao găm súng lục

Mắt Liên Nam đùng đục điên điên

quay cuồng một trận Quốc Liên

Thu Bồn nộ khí xung thiên tung hoành

Trần Mạnh Hảo ành ành hỏa pháo

Diệp Minh Tuyền Vũ Bão xuất chiêu

Võ Huy Tâm tuổi về chiều

chấn hưng phong hoá cũng liều tấm thân

Phong Lê nổi rần rần lửa giận

đốt túp lều lý luận con buôn

thình lình hiện một Thu Hương

phăm phăm thân gái dặm trường xông pha

Câu thơ luống đắn đo chẳng viết

viết cho ai, ai biết mình đây?

Nguyễn Duy líu lưỡi chau mày

một phen sống sót là may lắm rồi

Ngoảnh cổ lại ngùi ngùi nhỏ lệ

thảm thương thay huynh đệ tương tàn

chỉ vì mấy mống bút gian

mà nên tao tác cả làng văn ta

Quần hùng bỗng chia ra hai phái

phái vui tươi và phái hằm hằm

phái hằm hằm mặt nhăn nhăn

chỉ thêm khốn khổ nhọc nhằn mà thôi

Phái vui tươi nói cười hể hả

mặc bia hơi đóng giả bia chai

rằng chai thì thật là chai

rót ra ấm ấm khai khai cũng tình

Mẹ và em đều xinh đẹp cả

Mây mỡ gà, Mỹ Dạ thướt tha

Khánh Linh đỏ tựa ráng pha

Anh Thơ áo trắng như là tuyết in

Xuân Cang cứ im lìm gang thép

Nguyên Ngọc cười toe tóet rất tươi

Hồ Phương tới tới lui lui

đầu đội mũ cối mình ngồi Pơ-giô

Bằng Việt khéo ngơ ngơ ngác ngác

Lê Lựu nhìn nhớn nhác không yên

Hữu Mai thắc thỏm đứng tim

khấn Ông Cố Vấn ở trên lưng trời

Sân khấu chuyển sang hồi bầu cử

vận động ngầm, ấm ứ nhỏ to

nhà văn thì cứ tự do

thằng nào xứng đáng ta cho vào hòm

Hòm phiếu đỏ niêm son đã mở

có Hữu Tòng đả hổ trưởng ban

giáo gươm xếp lại hai hàng

phiếu bầu cao nhất về Quang Sáng rồi

Phút ngờ nghệch bồi hồi cởi mở

thở đánh phào hớn hở tin yêu

dẹp đi cái cuộc liêu xiêu

tiếng gươm khua tiếng thơ kêu xé lòng

Đại hội đã thành công tốt đẹp

ban chấp hành đứng xếp hàng ra

Tổng thư ký của hội ta

tướng công vốn có hiệu là Văn Ngan

Lời chia biệt hàng hàng châu ngọc

tiếng cười chen tiếng khóc lâm li

nghẹn ngào kẻ ở người đi

lặng nghe bác Nguyễn Đình Thi tiễn mình…

 

image

Tấm ảnh quý-hiếm trong Đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989, đại hội kéo dài tới ngày thứ mười. Trong Hội trường Ba Đình. Các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh (từ phải qua, hàng trước). Ngô Thị Kim Cúc hàng sau.

image

Một tấm ảnh quý-hiếm khác có anh Nguyễn Văn Hạnh, năm 1994. Các anh chị Lữ Phương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thế Thanh, Tô Hòa, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Ngọc, Trần Hữu Tá (hàng ngồi, từ trái qua). Nguyễn Trọng Chức, Lê Ngọc Trà (hàng đứng, từ trái qua)