Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

LM Hồ Ngọc Cẩn: Tuồng Bảy Mối Tội Đầu. Trương Minh Ký: Tuồng Joseph

 Phan Tấn Hải


Giáo sư Nguyễn Văn Sâm vừa ấn hành một tác phẩm có nhan đề sách rất dài: “Tuồng Bảy Mối Tội Đầu của LM Hồ Ngọc Cẩn và Tuồng Joseph – 1887 của Trương Minh Ký.” Cuốn sách này là tuyển tập hai vở tuồng được viết trong tinh thần Công Giáo của vùng đất Nam Bộ của thời kỳ cuối thế ký thứ 19 và đầu thế kỷ 20. Đây là ấn bản 2023 do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải.

Chúng ta nói rằng tuyển tập tác phẩm trên là viết trong tinh thần đạo Công Giáo, thực ra vẫn có dị biệt giữa hai vở tuồng trên. Mỗi vở tuồng vẫn có một giá trị riêng biệt. Một phần, mục đích của Linh mục Hồ Ngọc Cẩn khi soạn ra vở Tuồng Bảy Mối Tội Đầu là khác với ý định văn học của Trương Minh Ký khi soạn vở Tuồng Joseph. Ngay nơi dòng đầu tiên trong phần Tiểu Dẫn của Tuồng Bảy Mối Tội Đầu, LM Hồ Ngọc Cẩn đã nêu ngay ra thẩm quyền siêu nhiên: “Hẳn như Lời Kinh Thánh dạy, vì ma quỉ ghen ghét, nên sự chết đã vào thế gian: nó đã hỏng mất thiên đàng, nó lại muốn cho loài người đồng sa hỏa ngục.” (trang 51) Do vậy, khi nói là tuồng, nghĩa là một sản phẩm nghệ thuật sân khấu để giải trí, những dòng chữ viết của LM Hồ Ngọc Cẩn có ý tuyên thuyết giáo lý Cơ Đốc hẳn hoi.

Phía nhà văn Trương Minh Ký lại khác. Vở Tuồng Joseph của họ Trương chỉ là “lấy sự tích đạo” chứ không phải “tuồng đạo.” Giáo sư Nguyễn Văn Sâm giải thích nơi trang 6 về Trương Minh Ký khi viết Tuồng Joseph: “Lấy tích từ sách truyện nầy kia hay từ đạo Phật, đạo Chúa, đạo Nho là chuyện bình thường. Cũng như ta nói Hàn Mặc Tử là tác giả chịu ảnh hưởng từ đạo Thiên Chúa chứ không nói đó là nhà văn Công Giáo…”

Chúng ta có thể thấy văn phong dị biệt giữa Tuồng Bảy Mối Tội Đầu của LM Hồ Ngọc Cẩn và Tuồng Joseph – 1887 của Trương Minh Ký. Khởi đầu Tuồng Joseph của Trương Minh Ký là những lời nói thơ mộng của Joseph, nơi trang 8:

Phong điền võ thuận

Quốc thới dân an.

Trong vẻo nước sông vàng,

Lặng trang trời biển đỏ.

Joseph là tên mỗ,

Quê quán ở Chanaan.

Như tôi: Thung dung rèn tới bực tài năng,

Kềm thúc luyện theo đàng nhơn đức,

Thỉ chung một mực

Trung hiếu hai đàng.

Hà! Nghĩ cha già mừng được còn an.

Nhớ mẹ yếu thảm thương sớm mất.

Chừ cũng đà khuya rồi phải vào ma nghỉ…(hết trích)

Đọc những dòng thơ tự sự đầu vở tuồng, chúng ta không thấy chất đạo Công Giáo, trong khi nếu nói về hình ảnh thì duy có chữ “Chanaan” là một vùng đất Trung Đông, có tên trong Kinh Thánh. Nhưng nghĩ kỹ, chỉ qua những lời nói mở đầu này, có thể suy đoán là tác giả viết trong bầu không khí Nho giáo, khi nghĩ tới nhờ ơn đức của vua nên mới có “phong điền võ thuận, quốc thới dân an.”

Trong khi đó, ngay trang đầu của Tuổng Bảy Mối Tội Đầu, linh mục Hồ Ngọc Cẩn đưa ngay văn phong nhà thờ Ky tô vào từ dòng đầu, với nhân vật nói mở đầu cho tuồng là Thiên Thần:

Bạch: Trung thần hưởng phước tại thiên đình

Ngụy quỉ lưu giam chốn địa hình

Lương thiện hà giao nhơn bất nghĩa,

Thanh liêm khỉ mộ chúng khuy tình.

Nói: Hỉ hoan nơi cõi thọ

Nhàn lạc chống quang vinh.

Hằng chầu chực Chúa chí linh.

Cùng giữ gìn người dương thế

Tính linh thiêng phụng quyền Thượng đế… (hết trích)

Nghĩa là, ngay dòng đầu, LM Hồ Ngọc Cẩn nói tới thiên đình (cõi trời), nói tới địa ngục (có quỉ, có lưu giam chốn địa hình), lại nói rằng “chầu chực Chúa chí linh” và rồi “phụng quyền Thượng đế.” Đó là những khái niệm của thiện thắng ác, của những người Ky tô hữu phụng quyền Thượng đế. Như thế, hoàn toàn mất hẳn tính nhà Nho trong những lời nói đầu vào tuồng, mà chỉ là văn phong Kinh Thánh Cơ Đốc.

Tuyển tập được Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phát hành từ tuần qua trong vòng các thân hữu, và trong giới học giả thân quen. Trong đó, Giáo sư Trần Huy Bích đã theo sát để hỗ trợ, vì GS Nguyễn Văn Sâm vừa rời bệnh viện sau một kỳ nằm bệnh viện nhiều tuần lễ.

Hai vở tuồng trong tuyển tập có nhiều giá trị về văn học sử đối với những người nghiên cứu về thời kỳ đầu của văn học Công Giáo Nam Bộ, và đồng thời cũng có giá trị đặc biệt với những người nghiên cứu về tiến trình sơ kỳ của công cuộc hình thành chữ quốc ngữ tại Việt Nam.

Các độc giả quan tâm, có thể liên lạc với tác giả qua:

GS Nguyễn Văn Sâm – Email: samnguyen20002002@yahoo.com

 

image

Từ phải: GS Trần Huy Bích, GS Nguyễn Văn Sâm, và nhà văn Trần Ngọc Ánh (phu nhân của GS Sâm).

image

GS Nguyễn Văn Sâm ký tên lên sách.

image

Bìa sách.