Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Gởi người phụ nữ dưới mộ

Thu Phong

1.

Cô gái vừa ra đi.

Cô chừng ba mươi tuổi, khá đẹp, có nét mặt giống ca sĩ Mỹ Tâm, là bạn cùng trường đại học với con gái anh, thích văn chương, thường tìm đọc truyện của các nhà văn trước 1975 ở Sài Gòn.

Anh nói anh đang viết một tiểu thuyết. Cô hào hứng nói viết xong cho cháu đọc nhé. Ừ, anh đáp.

Thỉnh thoảnh gặp nhau, cô đều hỏi anh cái tiểu thuyết đã viết đến đâu.

Một lần, anh cho cô biết tiểu thuyết đang đến đoạn kết. Cô ngẩng lên, mắt xa xăm rồi nhìn anh, bắt chước lời một nhân vật trong Doctor Zivago nói: “Và cái tiểu thuyết bay đến đoạn kết”. Anh mỉm cười, gật gù.

Biết anh thường đi Đà Lạt bằng xe hai bánh, cô nói cô muốn đi Đà Lạt; tuy nhiên, chưa có dịp và không ai đi cùng. Anh nói khi nào thu xếp được, anh sẽ đi cùng cô. Cô nói cô có thể đi bất cứ lúc nào, tùy anh thu xếp. Anh nói anh đang rảnh. Họ hẹn nhau cùng đi vào tuần tới. Anh hứa sẽ dẫn cô đến gặp những người bạn văn chương của anh ở thành phố cao nguyên thơ mộng ấy.

Gặp lại nhau ở quán cà phê, anh mang theo laptop, tai nghe, để cô nghe những bản nhạc anh thích và copy những ca khúc ấy vào máy cô, như đã hứa. Cô hỏi cái tiểu thuyết đã đến đâu. Anh trả lời đến chương cuối. Cô hỏi sao lâu vậy! Nó khá dài, anh nói. Chú kể một vài chi tiết đi! Anh kể Bình- nhân vật nam chính, không thể giữ được lời hứa dẫn Huệ, nữ chính, đi Đà Lạt để xem Bồ công anh nở; tuy nhiên Huệ cuối cùng cũng nhìn thấy Bồ công anh, nhưng chỉ trong giấc mơ. Cũng trong giấc mơ ấy, cô nhìn thấy Bình ngã xuống trận địa trong lúc trên đầu chàng những cánh hoa Bồ công anh bay tơi tả. Buồn quá, nhưng cháu thích, cô nói rồi thêm, viết xong nhớ cho cháu đọc đấy! Ừ.

Ra về, anh bảo cô chạy lên dốc cây cầu cao và dài nhất Sài gòn để coi chiếc xe cũ của cô liệu có thể lên được ba ngọn đèo Đà Lạt.

Trước ngày hẹn đi hai ngày, anh bảo cô để anh mang xe cho thợ xem lại. Cô nói cháu cho thợ chỉnh trang xe rồi. Anh nói sẽ có vợ anh đi cùng họ. Cô trầm ngâm.

Hôm sau, cô điện thoại cho anh nói mắc công chuyện không thể đi Đà Lạt, rồi không đợi phản ứng của anh cô hỏi cái tiểu thuyết đã viết đến đâu. Anh trả lời sắp xong. Thấy cô có vẻ buồn, anh nghĩ cô giận vì anh hẹn tới lui cái tiểu thuyết hay chuyện vợ anh đi theo anh?

Anh điện thoại cho cô, cô không bắt máy.

Anh email cho cô, cô không trả lời.

Bẵng đi một thời gian, con gái anh cho biết cô bị bệnh u não, mắt không còn nhìn rõ. Anh hỏi con gái cô đang ở đâu. Con anh nói cô đang ở nhà M. – một thanh niên yêu cô, chăm sóc cho cô, con gái nhỏ của cô được gởi cho ông bà ngoại.

Anh điện thoại cho M., xin địa chỉ để đến thăm cô, M. nói xa lắm, rồi đưa điện thoại cho anh nói chuyện với cô. Cô nói cô khỏe, ăn uống bình thường, một con mắt mù hẳn, con kia thấy lờ mờ, khi nào cô khỏe hơn sẽ mời anh đến.

Vài ngày sau đó, anh điện thoại cho M. nói muốn mời M. và cô đi uống cà phê. M. giao điện thoại cho cô.

Chú muốn thăm cháu, anh nói giọng bùi ngùi.

Khi nào mắt cháu thấy được cháu sẽ uống cà phê với chú, giọng cô nghe có gì bất thường.

Cháu khoẻ không, anh lặp lại câu nói muốn đến thăm cô.

Cô nói để cháu khoẻ lại đi chú, cháu cũng muốn gặp chú.

Anh lại gọi điện cho M. nhờ chàng trai đọc cho cô nghe thư anh gởi cô.

Qua điện thoại, anh nói khi nào in xong tiểu thuyết, anh hứa cô sẽ là người đầu tiên được đọc.

Anh ghi lời tặng cô ở trang đầu quyển tiểu thuyết.

Anh lấy từ túi áo khoác ra quyển tiểu thuyết, nói “Chú đã viết xong cái tiểu thuyết và như đã hứa, chú gởi cho cháu trước tiên. Dù cháu đang ở nơi đâu, chú chúc cháu an lành, thanh thản”.

Rồi anh rút từ túi quần ra cái hộp quẹt, châm lửa đốt quyển tiểu thuyết trước mộ cô.

2.

Tôi nghĩ gì ư? Vào chiều nay?

Chiều nay, một chiều ảm đạm trong lòng tôi. Rằng tôi đã không còn cơ hội thực hiện lời hứa của mình với em! Rằng tôi không thể trao tay em quyển tiểu thuyết tôi đã viết xong, quyển tiểu thuyết em đã chờ đợi nhiều năm. Không phải vì em vội vã ra đi mà vì tôi đã quá chậm!

Một lần nữa xin em tha thứ cho tôi.

Lo sợ em không qua khỏi, tôi đã viết thật nhanh. Khi tôi cho em biết tôi đang viết đoạn kết và sẽ cố viết nhanh, em nói như trêu tôi: “Và cuốn tiểu thuyết bay đến đoạn kết” (*). “Ừ! Chú sẽ giục nó bay nhanh, chú sẽ gắn cho nó đôi cánh để nó bay nhanh”. “Chú hứa nhé?”. “Ừ, chú còn sốt ruột hơn cháu, nó lấy của chú mười năm rồi”.

Em có biết Tết Nguyên Đán vừa qua, tôi có chúc Tết một vài người, mà em là người đầu tiên: “Chúc Ng. sớm tìm lại ánh hồng, đạt được ước mơ về chốn lãng đãng sương hoa”.

Tôi nhớ khi tôi nói muốn gặp em, em nói “Thôi chú! Đợi khi cháu nhìn thấy, cháu sẽ gặp chú”. Nhưng u não không những ngăn em nhìn thấy mà còn cướp đi sinh mạng em!

Vậy là cả lời chúc em tìm lại được ánh sáng lẫn chuyến đi Đà lạt- chốn lãng đãng sương hoa, đã không thành cho em.

Trong khi lòng tôi chưa yên bình, dù không còn tin vào hiệu quả, sự linh nghiệm của lời chúc; tôi vẫn không biết làm gì hơn là chúc em phục sinh với vóc dáng xinh đẹp cũ, với ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt đẹp xưa, và có cuộc sống hạnh phúc nơi em sẽ đến.

Còn tôi, tôi phải cố nghĩ xem làm gì với quyển sách đã ký tặng em. Trong khi chờ đợi, xin em cho tôi được công bố thư gởi em - lời đề từ của quyển tiểu thuyết.

Thư gởi Ngọc.

Ngọc thân mến,

Tôi nghĩ người cầm bút viết văn không thể không viết về những vấn đề vốn là thuộc tính của con người: tình dục, tình yêu, chiến tranh. Vâng, cả chiến tranh nữa; vì nguồn gốc của chiến tranh xuất phát từ lòng ích kỷ, tinh thần chiếm hữu, sự say mê quyền lực. Tôi đã viết những điều ấy trong các truyện ngắn của mình.

Trên quê hương chúng ta, chiến tranh gắn liền với lịch sử dân tộc từ khi lập quốc. Và cuộc chiến vừa qua là cuộc chiến phức tạp nhất, tàn khốc nhất.

Một, hai truyện ngắn nói sao đủ những xúc cảm, đau thương, mất mát mà cuộc chiến ấy đã gây ra cho chúng ta và cho cả dân tộc khác nữa.

Không người Việt nào là không “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, như lời Phạm Duy-nhạc sĩ thiên tài của dân tộc đã viết.

Dù vậy, dễ nhận ra đây không phải là tiểu thuyết sử thi. Đây chỉ là câu chuyện tình thời chiến, nói lên thân phận nổi trôi của dân Việt.

Theo đề nghị của em, tôi đã đưa em đọc 13 trang đầu của tiểu thuyết. Và em đã nói rằng tôi viết cô đọng, nhịp điệu nhanh quá, theo muốn hụt hơi; rằng sao tôi không viết chậm lại, dài hơn; rằng em có cảm tưởng thiếu thiếu cái gì đấy.

Tôi nghĩ em có cảm tưởng ấy vì đó là những đoạn tôi sử dụng câu văn ngắn, viết cô đọng (Tôi thích lối viết cô đọng của Paul Galico).

Đọc tiếp quyển tiểu thuyết em sẽ bắt gặp một văn phong khác, với những câu văn dài, và như thế em sẽ thấy mạch văn chậm lại (Tôi cũng thích những câu văn dài, mênh mang của Boris Pasternak ).

Vì sao tôi không nhất quán trong cách hành văn?

Tôi viết ít và ngắn ở những sự việc, những chi tiết không quan trọng; và viết dài, viết nhiều hơn để diễn tả tâm trạng nhân vật hoặc sự việc cần nhấn mạnh. Điều này tạo nên một nhịp điệu, câu chuyện diễn tiến lúc nhanh lúc chậm tựa như ta đi xe trên đường, vừa có những đoạn phẳng vừa có đồi dốc.

Nếu nó làm độc giả khó chịu tôi có thể thay đổi, chỉnh sửa nếu có cơ hội tái bản.

Tôi đã hứa sẽ sớm hoàn thành quyển tiểu thuyết và sẽ cho em đọc. Nhưng tôi đã để em chờ đợi quá lâu, dù em đã nhắc nhiều lần. Rồi em đã giận tôi, không thèm nghe điện thoại, không trả lời thư tôi. Dù sao, cuối cùng tôi cũng đã viết xong. Dù muộn, tôi cũng đã thực hiện lời hứa của mình. Mong em bỏ qua sự chậm trễ của tôi.

Nếu để ý, em sẽ thấy những dòng tôi ghi ở trang đầu quyển tiểu thuyết. Rằng tôi dành tặng cho quân dân miền Nam, cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trưởng thành, sinh ra sau chiến tranh; nghĩa là trong đó có em.

Ngoài ra, tôi muốn tặng quyển tiểu thuyết cho những người lính cộng sản miền Bắc để họ hiểu thêm về người lính miền Nam. Tôi chắc họ không hề hiểu; hoặc nếu có thì cũng ít nhiều sai lệch về người lính miền Nam mà họ gọi là Ngụy và căm thù, quyết tâm tiêu diệt, bất chấp cùng màu da, tiếng nói.

Tôi cũng muốn tặng quyển tiểu thuyết này cho Susan – một người con gái tôi quen năm 1970 khi du học ở Hiệp chủng quốc. Khi biết tôi là người Việt Nam, cô ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh đến được đây?” (New Orleans). Đến lượt tôi ngạc nhiên: “Tại sao lại không?”. Cô giải thích: “Không phải Hiệp chủng quốc đang có chiến tranh với Việt Nam sao?”. Thì ra cô không hề biết Việt Nam bị chia đôi, cô nghĩ Việt Nam là quốc gia thống nhất dưới chế độ cộng sản.

Cho đến bây giờ, một số người Mỹ vẫn suy nghĩ theo hướng ấy. Khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam, họ nói như thể đó là cuộc chiến giữa nước Mỹ và nước Việt Nam.

Tiểu thuyết này cũng dành cho ông William Deans – một trong những giáo sư dạy tiếng Anh của tôi, cũng là một quân nhân Mỹ. Có lần ông nói ông muốn biết suy nghĩ của tôi về cuộc chiến.

Riêng tôi, viết là một cách để tang cho quê hương bất hạnh. Viết cũng là cách tôi liếm vết thương của mình – như một con chó tự chữa lành cho nó.

Là một người lính miền Nam, suốt một thời dài tôi đã đớn đau, nhục nhã, căm phẫn. Chính vì vậy, khi viết xong tác phẩm này, tôi thấy nhẹ lòng đi nhiều, đúng như lời đạo diễn Andrzej Wajda phát biểu “Chẳng có cách nào khác hơn để chia tay với nỗi đau bằng cách bày tỏ nó”.

Dù đã được rút ngắn, tiểu thuyết vẫn còn rất dài. Tôi cám ơn em nhiều lắm, nếu em kiên nhẫn bỏ thì giờ đọc trọn vẹn.

T. P