Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Cảm nhận nhân đọc “Dưới những gốc nho biển (phân đoạn 10-18)” trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư

Nguyễn Thị Khánh Minh

clip_image002

Bản vẽ Duy Thanh (1931-2019)

Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư.

Mở đầu phân đoạn 10-12, nhân vật “Cô” xuất hiện cùng lúc với nỗi ám ảnh của giấc mơ về người chồng xấu số. Tác giả nhắc ngay điều ấy để người đọc càng về sau càng thấy rằng, cuộc đời cô, ngoài thân xác bị đọa đày, tâm thức cô triền miên bị ám ảnh bởi những chiếc bóng, vừa của thương yêu vừa của quỷ dữ. Cuộc đời cô qua lời văn của Trịnh Y Thư, như thể anh đang quay cho chúng ta xem một đoạn phim về một cô gái đang bước vào những bất hạnh đời mình trong giấc mộng du, không lý trí, không tình cảm, không phản ứng. Cô cũng là một cái bóng, không có tên, hắt lên tất cả những phận đời bất hạnh trong thời chiến tranh điêu linh, trong một xã hội không còn một sự lương thiện khả dĩ để người ta đặt niềm tin.

Ký ức của cô được khởi đi ở điểm rất chính xác từ thời gian cho đến nơi chốn, một điểm như ánh lửa lóe hoài trong trí nhớ: Mùng Năm Tết, ở Huế, năm Mậu Thân, một toán lính xông vào nhà cô. Nó là cơn ác mộng kinh hoàng. Tôi đọc đoạn này với tất cả rung động của tâm trí lẫn thân xác, vì nó gợi cho tôi cơn ác mộng của gia đình tôi sau biến cố 1975.

… Trước khi bị dẫn đi, ông còn bình tĩnh ôn tồn bảo mẹ con cô, lúc đó đang níu vào nhau run rẩy, mặt mày tái mét, “Ba chắc không sao đâu, mẹ con ở nhà yên tâm, ba sẽ tìm cách báo tin về nhà. Đây chỉ là một sự lầm lẫn.” Họ bắt ông đi nhanh lắm, mẹ cô không kịp sửa soạn gì cho ông, chỉ choàng vội vào cổ ông chiếc phu-la màu huyết dụ vì ông có chứng ho khan mỗi khi trời trở lạnh.

Đây cũng là cảnh của gia đình tôi một đêm năm 1976, cũng “một toán sáu bảy người lạ mặt súng ống đầy người” bắt ba và hai em trai tôi, đôi tay người nào cũng bị còng, đẩy lên một cái xe bít bùng, ba tôi vẫn mặc bộ áo bà ba màu mỡ gà, cậu em lớn lầm lũi bước, cậu em nhỏ ngoái nhìn chúng tôi, đầy nước mắt, cùng bị bắt theo là toàn bộ sách của ba tủ sách lớn trong nhà. Ba chiếc xe rú lên rồi mất hút vào ngõ tối. Cái “níu vào nhau run rẩy mặt mày tái mét” của cô và của tôi không thể khác vào đâu được! Những vòng tay sợ hãi của mẹ và bốn chị em chúng tôi bấu vào nhau chặt đến nỗi nếu bị bung ra chắc là chúng tôi sẽ đứt mạch sống mà chết.

Một cảnh ngộ như thế dễ gì quên?

Rồi đến cảnh mẹ cô, và những người dân Huế đi tìm xác người thân ở những hố chôn người khắp nơi trong thành phố,

Những cảnh tượng vô cùng khiếp hãi chỉ thấy trong phim kinh dị hiện ra trước mắt bà. Người ta mặc áo sô trắng, đầu chít khăn tang, đứng bu quanh những xác người thối rữa bên trong những bao ny-lông màu đen hay những hòm gỗ nhỏ, mùi hôi thối không bút mực nào tả xiết, tiếng khóc gào thảm thiết vang động cả một góc trời…

… Bà bảo hai người lính lúc họ đặt cái xác xuống mô đất:

“Đây là chồng tui. Cảm ơn hai chú.”

Bà nhận ra do thi thể còn vướng chiếc khăn quàng cổ màu huyết dụ bà choàng cho ông đêm ông bị bắt.

… Bà không khóc được, có lẽ nước mắt bà đã cạn. Cũng có thể sự mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần sau mười tháng trời tìm kiếm trong vô vọng khiến trí óc bà tê cứng, mê muội, không khóc nổi nữa. Nhưng, trời ơi, sao thế này? Bà hoảng vía, chết lặng một lúc lâu mới quay sang hỏi một trong hai người lính: “Chú ni ơi… Còn cái đầu mô? … Răng không thấy cái đầu?…”

Người lính nhìn cái xác đoạn nhìn lại bà, ánh mắt đầy vẻ thương xót, ái ngại. Một lúc lâu sau anh ta mới thốt được: “Nói thím đừng buồn… Chắc là bị chặt đầu… Tụi tui thấy nhiều lắm.”

Bà rụng rời, không thể tin được lời người lính. Anh ta bảo bà chờ. Đoạn hai người tiếp tục đi khiêng xác lên. Bà ngồi bệt xuống đất bên cạnh bộ xương không đầu của người chồng rồi không hiểu sao bà gào lên chửi rủa với những lời lẽ có lẽ nghe thấu tận trời xanh… Mụ cô bây… Mụ cô bây…

… Ba tiếng “Mụ cô bây” cứ thế tuôn ra đều đều như tiếng láy rền của điệu nhạc cáo chung kỷ nguyên văn minh loài người… Hình ảnh người đàn bà trong chiếc áo dài màu nâu cánh gián lem luốc đất cát bẩn thỉu, đầu tóc rối bù, nằm co quắp giữa một đống xương người có lẽ chỉ tìm thấy ở hai nơi: địa ngục và mảnh đất khốn khổ này. Chiếc nón lá nằm lăn lóc bên cạnh bị gió thổi bay là là, đến bờ miệng hố chôn xác người nó đậu lại, rồi một cơn gió nữa thổi tốc cuốn nó rơi xuống hố…

… Xem đến cái đầu lâu thứ mười tám thì bà biết chắc đây là đầu chồng bà.

Tôi muốn trích nhiều hơn nữa để những ai chưa đọc “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhã Ca xuất bản hồi năm 1969, nay được đọc “Đường về thủy phủ” này sẽ tìm được câu trả lời về Mậu Thân 1968. (Phải nói rằng sau vụ Mậu Thân, nhờ “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhã Ca, ca khúc “Chiều Đi Lên Bãi Dâu” của Trịnh Công Sơn, người ta mới hình dung ra được hết cảnh tượng sau Mậu Thân, với những sự bắt bớ, trả thù, và những mồ chôn người tập thể.)

Cô hẳn cùng lứa với tôi thuở ấy, là lớp nữ sinh thành thị:

… Suốt tuổi ấu thơ và thời thanh xuân, cô chỉ biết chiến tranh qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, hay chuyện kể từ những người thân quen. Hoặc đôi khi những đoàn công-voa nhà binh chạy rầm rập ngoài đường phố khiến cô và các cô nữ sinh khác, bạn cô, phải vội vã nép xe đạp vào lề đường né tránh. Vào những đêm thanh vắng, cô nghe tiếng đại bác cầm canh từ xa vọng về thành phố, rì rầm như tiếng sấm động. Nhưng đời sống trong thành phố lặng lẽ trôi qua, thi thoảng bị khuấy động bởi vài biến cố chính trị nhưng khói lửa chiến tranh thì cô chưa chứng kiến bao giờ…

Vậy đó, tin tức chiến sự cùng tin lính tử trận đều đều in trên báo, trên TV, mà không đánh động tâm can lớp thị dân, giới giàu sang vẫn hượng thụ ăn chơi, sinh viên thì biểu tình phản chiến, tôi cho rằng đây là một lỗ hổng của Dân Vận Việt Nam Cộng Hòa, và sự áp dụng dân chủ không đi đôi với trình độ ý thức chính trị, nên mới bị lợi dụng. Lấy hai mốc đau thương là năm Mậu Thân 1968, và 1975, người dân thành phố mới thực sự đối đầu với hậu quả khốc liệt của chiến tranh quân sự lẫn ý thức hệ, bật tung mọi gốc rễ của cuộc sống gia đình, xã hội.

Chiến tranh đến với nhà cô như một cơn gió lốc, nó cuốn đi tất cả. Tất cả mộng mơ thời tuổi trẻ, cô chẳng giữ được hình ảnh nào, cô lao đầu vào cuộc sống mới với một tâm trạng khủng hoảng, tan nát…

Rồi những cảnh cuộc đời cô bị đày đọa. Cô khá là đơn giản, mộc mạc và ngây thơ, là miếng mồi ngon cho những kẻ bất lương, như O Lê ở đây, người chuyên dụ dỗ để buôn bán xác thân những cô gái sa cơ thất thế.

… Đó là vết thương đầu đời của cô. Vết thương quá đau đớn và tủi nhục đến nỗi cô đành chôn sâu nó trong lòng chứ không bao giờ dám thổ lộ cùng ai. Và càng chôn sâu nó càng nung nấu giày vò tâm tư cô. Nó là căn bệnh cô mang trong người cho đến mãn đời, không cách gì chữa khỏi.

... Chỉ hai phút sau một cái bóng khác bước vào. Cái bóng to lớn. Cái bóng đè lên người cô, và nó vẫn đè lên người cô lúc cô ngồi dưới những gốc nho biển. Chờ.

Từ đây, chúng ta thấy cô song hành với những cái bóng, như thể trên hai vai có ông Thiện ông Ác. Chỉ mong cho những bóng Thiện nó giúp cô sức mạnh chống chọi với ma quỷ, cái bóng tai ương của lịch sử khiến gia đình tử biệt sinh ly, cuộc đời cô tan nát. Mẹ cô từ khi tận mắt nhìn thấy cái chết thảm của chồng, bà chỉ còn cái xác biết di động, thành một cái bóng u ẩn lặng lẽ bên cô con gái mới 20 tuổi, và – cái khốn nạn cho cô là chữ “những” ở đây – những cái bóng dã thú đè nặng cô. Không thể không nhắc đến người chồng xấu số mà cô hay gặp trong những giấc mơ, anh là cái bóng nhỏ nhoi duy nhất của hạnh phúc, hai phận đời điển hình cho những nạn nhân của hai sự kiện mà đối với người dân miền Nam đó là dấu ấn đau thương – Mậu Thân 1968 và biến cố 1975. Anh có số phận thảm khốc tới độ gây cho tôi sự phẫn nộ. Từ một thiên tài Toán, đỗ Cử nhân, anh bị động viên, bị thương, rồi thành người tù cải tạo sau 1975, rồi “Trong lúc chặt cây, anh ngã xuống hẻm núi, vỡ sọ, tay chân gãy lìa, chết ngay tại chỗ. Xác anh nằm đó, không ai buồn xuống nhặt đem đi chôn. Xác thân một thiên tài Toán học trở thành miếng ăn cho thú rừng cắn xé.” Biết bao tù nhân cùng số phận như anh? Đọc đoạn này, tôi cảm thấy tiếc nuối cho một sai lầm đã để biết bao nhân tài của đất nước bị hủy hoại trong buổi đa đoan của vận nước. Sau biến cố 1975, thảm cảnh thuyền nhân, lớp dân thành thị bị xô về những vùng gọi là kinh tế mới sống trong cảnh tự sinh tự diệt, chịu bao nhiêu cảnh sinh ly tử biệt, những người vợ lính thành một lứa vọng phu trông mong chồng nơi trại-cải-tạo. Vâng, những trại tập trung cải-tạo, như văn hào Nga Alexandre Soljenitsyne, giải Nobel văn học năm 1970, hai mươi ngày trước 30.4.1975 đã tuyên bố trên đài truyền hình Paris rằng “Việt Nam sẽ trở thành một nhà tù khổng lồ.” (Michel Tauriac, Hồ sơ đen Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Văn dịch, California, Văn Mới 2002, tr. 36.)

Thương cho cô một chút hạnh phúc như hạt trấu rơi xuống nia:

… “Tại sao con người lại ác độc với con người như thế, hả anh? Em không hiểu được.

Gã ngẫm nghĩ một lúc khá lâu rồi mới trả lời cô:

“Mỗi người có một cách lý giải khác nhau, tùy vào kiến văn và trải nghiệm cá nhân mình. Riêng anh thì anh nghĩ có lẽ nó là cái ý thức hệ. Thời gian học bên Liên Xô, anh có đọc một cuốn sách của ông nhà văn Solzhenitsyn, chắc là cuốn Quần đảo Gulag. Theo ông nhà văn này thì nguyên ủy của tội ác là ý thức hệ. Ý thức hệ cung cấp kẻ ác sự bền bỉ và quyết tâm, bằng mọi giá, phải tiêu diệt tất cả những kẻ cản trở bước ường của mình...

Cô không hiểu lắm những điều gã nói, bởi nó xa vời với cô quá, nó trừu tượng quá. Những điều gã nói chẳng hề nhập tâm cô, nó chẳng gieo vào tâm khảm cô một ý niệm gì. Nhưng cô mơ hồ hiểu con người vốn độc ác, và tìm được một người lương hảo để gần gũi là vô cùng khó khăn. Cô xoay người sang ôm gã bác sĩ bộ đội, dụi đầu vào ngực gã, như thầm cảm ơn gã đã đến với cô trong đời…

Chí ít cô cũng có chút an ủi gã bác sĩ bộ đội là một kẻ trí thức – không phải là khỉ hay chó – nhưng tôi không khỏi ngậm ngùi cho tình cảnh cô, bị đẩy đưa để cùng gã bác sĩ bộ đội “nằm cạnh nhau trên giường nói chuyện vãn”, có rất nhiều trường hợp xảy ra như cô thời sau 1975, những kết hợp làm cho quả bóng của phân chia thù hận xì hơi đôi chút, khiến có người cười gừng rằng, nói chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc thì hơi đao to búa lớn!

Trong cảm xúc đông lạnh, cứ một lần bị nghịch cảnh giáng xuống, cô luôn kết luận, tôi hình dung cô với cái nhếch mép cười nhạt:

… Cô có cảm tưởng nó là con khỉ làm trò trong gánh xiệc, một con khỉ đóng vai con người, một con khỉ tưởng mình đang nắm vận mệnh thế giới trong tay, một con khỉ tưởng mình có quyền sinh sát, định đoạt số phận bất cứ ai, một con khỉ muốn toàn thể nhân loại phủ phục dưới chân mình…

…Từ ngày đó cô thấy khỉ nhiều lắm, khắp mọi nơi…

… Nhưng lão không biết là trong đầu cô lúc đó hoàn toàn trống rỗng, thân xác cô rã ra như quả bong bóng xì hơi, nhưng nó chẳng có cảm giác đau đớn khủng khiếp gì. Cô bình thản chấp nhận thêm một cảnh ngộ bất hạnh nữa xảy ra cho đời mình. Cô xem như mình đang bị một con chó dại cắn.

Ở xứ sở nơi cô sinh sống, chó dại nhiều vô số kể…

Mỗi câu kết ở dưới mỗi đoạn thật ấn tượng, giống như sức mạnh của một cú knock-out, tôi rùng mình khi hình dung cô đang giãy giụa sống trong cái chuồng-người. Ở trong một môi trường được kích động, cổ vũ, hay được làm ngơ, thì người ta sẽ bộc lộ cái bản năng súc vật, như nhà văn Trịnh Y Thư đã nói ở phân đoạn trên. Màu áo trắng cô mặc vào ngày thất thân, có phải là cái lương thiện đang vật vã chống lại sự bất lương? Trong cuộc truy tìm bản ngã con người qua những nhân vật của mình hẳn nhà văn Trịnh Y Thư sẽ bị thương tổn tình cảm không ít, không thấy anh phê phán, phẫn nộ, một trạng thái kềm lòng để đeo đẳng theo chi tiết và diễn biến của cuộc đời nhân vật trong những biến cố hầu có một bản phác họa trung thực về lịch sử, và bản chất con người.

Vì vậy, để có được cái nhìn khách quan và nhân bản, khi nghiên cứu lịch sử xã hội trong thời gian nào, không phải chỉ bằng những trang sử trong sách giáo khoa, mà phải bổ sung thêm qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, những di sản văn hóa này rất quan trọng vì đó là kho tàng lưu trữ sự thật lịch sử.

Tại sao người ta thất vọng với văn bản lịch sử chính thống? Tiểu thuyết gia người Anh, Samuel Butler có lẽ đầy kinh nghiệm thấm thía về sự dối trá đó, đã nói rằng, “Chúa không thể thay đổi quá khứ, tuy sử gia thì có thể.” Dễ gì tìm ra được sử gia chân chính dám bỏ mình vì sự thật – chỉ tôn trọng lịch sử, không lệ thuộc chính trị – như anh em Thái Sử nước Tề thời Xuân Thu là Bá, Trọng, Thúc, Quý? (Ngày quan Đại Phu Thôi Trữ giết vua chiếm quyền, Thái Sử Bá ghi “Thôi Trữ giết vua”. Bị chém. Người em là Thái sử Trọng lại ghi “Thôi Trữ giết vua”. Bị chém. Người em thứ hai là Thúc vẫn can đảm ghi tiếp “Thôi Trữ giết vua”. Bị chém. Đến người em út Quý cũng là quan Thái Sử, Thôi Trữ bảo, ba người anh ngươi đã bị chém, nay ngươi ghi lại khác đi thì được tha. Quý khẳng khái không nghe, lần này Thôi Trữ không dám giết nữa, nhờ thế, đời sau mới biết được là Thôi Trữ giết vua!)

Bắt đầu ở phân đoạn 15:

Hôm cô tự kết liễu đời mình, trước chợ có một vụ đâm chém nhau.

Khí văn ở đây nghe như là lãnh đạm tường thuật một sự kiện xảy ra ở một nơi đông đúc là trước chợ, như thể chuyện thường ngày, không ai ngạc nhiên về sự chết chóc. Nhưng dường như sự thương cảm đối với nhân vật của mình đã trở nên quá mức, nên  Trịnh Y Thư nén lại trong một câu như tiếng thở dài. Ở những người trầm lặng, họ thường bình thường hóa hết mức sự bày tỏ thái độ và tình cảm, phải vậy không thưa nhà văn Trịnh Y Thư?

Những phân đoạn 16, 17, 18 hé mở cho chúng ta thấy nguyên do cô tìm tới cái chết.

… Nhân vật tôi gọi là “cô” trong thiên truyện này cũng mắc kẹt trong bi kịch đời sống như Anna Karenina của Tolstoy. Hơn thế nữa, cô còn bị đè bẹp bởi tấn bi kịch lịch sử khốc liệt mà thế hệ cô gánh chịu. Nhưng mặc dù định mệnh đẩy cô vào những cảnh huống bi thảm hơn nhiều so với Anna, tôi vẫn không nghĩ đó là động lực thúc đẩy cô đi tìm cái chết.

Gần như trong suốt thời gian gọi là sống, bi kịch của lịch sử, bi kịch của đời sống như tấm lưới bủa vây, cô giãy giụa giữa một đám bóng quỷ ám. Cô không biết ngày mai sẽ ra sao chỉ biết làm bất cứ cái gì để sống sót cho hết ngày hôm nay, hết đêm nay.” “Bi kịch của cô là cô không tìm thấy chút lửa nào trong trái tim mình.” Ở trong cảnh đầu óc tắc nghẽn như vậy, thân xác sẽ cất lên tiếng nói của nó. Nó chối bỏ cảm xúc. Sự phản kháng quyết liệt của nó đưa cô vào trạng thái vô cảm, trơ lỳ hay liều lĩnh cuốn theo sự đẩy đưa. Đó có phải là sự “rối loạn lưỡng cực” mà nhà văn Trịnh Y Thư đã đề cập đến?

Dường như cô chỉ là mình trong lúc cô ngồi dưới những gốc nho biển. Chờ. Như thể cô chắc chắn một ngày mình sẽ tới được bến hẹn ở xa khơi kia. Không biết lúc nào nó mở cho cô một dòng trong để tắm gội cho hết những nhơ nhớp cuộc đời.

Trịnh Y Thư chỉ viết một chữ “Chờ” rồi chấm, mà sao tôi thấy nó dằng dặc…

… Nó là tiếng gọi từ cõi xa xăm huyền bí nào đó kêu réo cô hãy trở về thủy phủ. Vâng, thủy phủ. Cô chẳng hiểu ý nghĩa tiếng kêu đó là gì, chỉ nghe nó ngọt ngào quyến dụ vô cùng. Trong lúc chín lịm vào những cơn trầm cảm, cô nghe nó mời gọi tha thiết như lời mật ngọt rót vào tai, và cô hoàn toàn quy phục để nó dẫn dắt mình theo ý nó…

Hiểu thế nào về cái chết của cô? Thân xác tứ đại kia với trái tim bi cảm nọ, dường như có một sự đụng độ sâu sắc, cô bị phân mảnh, tôi tin thế, vì cái lúc thực sự cô sống là mình, là lúc cô ngồi dưới những gốc nho biển từ sáng tinh sương đến chiều khi đoàn ngư phủ về bến, để chờ, để nghe một tiếng gọi khôn nguôi trong tâm tư, chờ, đó là phút giây hưng phấn, nhưng, cùng lúc cái trầm cảm tràn vào châu thân thì cô hoàn toàn quy phục để nó dẫn dắt mình theo ý nó. Sự xung đột ấy, huyền diệu thay, nổ bùng thành một giấc mơ:

… Đến lúc cô cảm thấy nóng bức chịu không nổi và định đứng dậy bỏ ra về thì bóng một chiếc thuyền từ ngoài khơi tiến về ngay phía cô. Chiếc thuyền phóng vùn vụt trên mặt nước. Cô có cảm tưởng nó sẽ đâm vào bãi cát, và nó đâm thật.

Cô định thần nhìn kỹ thì thấy đó là một chiếc thuyền thúng. Lạ nhỉ? Ở vùng này làm gì có thuyền thúng, và hình như người trên thuyền chẳng có mái chèo mà sao chiếc thuyền vẫn phóng như bay. Một người đàn ông từ trên thuyền bước xuống, đúng hơn, một ông lão, vì râu tóc ông bạc phơ. Nhưng trông ông quắc thước, khỏe mạnh lắm. Chắc là dân đi biển lâu năm, từ thuở ông còn trai tráng. Trên người ông mặc bộ quần áo vải nâu bạc phếch, loại ngày nay không ai mặc nữa. Hình như ông là người từ quá khứ trở về…

Từ quá khứ hay từ giấc mơ, cũng đều đem đến điều cô đã chờ đợi bao lâu nay, là đưa cô về nơi hẹn Thủy Phủ. Tôi phân vân tự hỏi tại sao lại là Nước? Và tôi đi tìm câu trả lời hoàn toàn dựa trên cảm xúc riêng tư của mình.

Khi cô ngồi trên chiếc thuyền thúng giấc mơ, Chiếc áo lụa trắng bay phất phới trong gió biển.

Bỗng nhiên làm tôi nhớ đến nhân vật Tôi của Gã Nhà Văn, ở phân đoạn 1-3 trên, cô không muốn sống với những sắc màu vấy bẩn lên tà áo trắng ngày gã tạo nên cô, và đó là lý do cô luôn phản kháng để tìm lại con người thật của mình. Ở đây, cũng thế, cô luôn ở trạng thái “chờ” để thoát khỏi vũng lầy cuộc đời, cô mặc chiếc áo lụa trắng ngày bị nhúng chàm đầu đời, để đi về Thủy Phủ, có phải chỉ nơi đó mới có dòng trong xóa sạch vết nhơ, xóa sạch cho cô những ký ức một nơi gọi là địa ngục? Giấc mơ đưa cô ra đi với trạng thái hân hoan, buông hết, không đem theo gì, ngoài chiếc áo trắng trên người, mà cô biết chắc nơi đó – làn nước trong xanh – trả lại cho cô sự trong trắng cô hằng có, giải cho cô hết những oan khiên của định mệnh. Cô và Nước hòa vào nhau trong suốt, một Thủy Phủ huy hoàng, tôi thấy.

Cô có cách giải oan cho cô.

Và hẳn cô cũng biết rằng, ngày ngày “gã bác sĩ bộ đội” vẫn ra biển ngóng cô về, lại một cuộc chờ. Kết từ phân đoạn này, nhà văn Trịnh Y Thư đã nhân ái để lại một bóng Thiện Lương trên bãi cát cuộc đời, chí ít là một điểm tựa cho ta còn có lý do tin vào cuộc sống và con người. Khơi gợi cho ta rằng trong vô vàn cái Ác, dẫu chỉ còn một điều Thiện nhỏ nhoi, nó cũng là ánh sáng để vực dậy những tối tăm.

Tôi thầm nghĩ, Trịnh Y Thư viết để giải oan. Cho những “tang thương ngẫu lục” của phận người.

(10/24/2023)