Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Quỷ vương (tiểu thuyết - kỳ 1)

Vũ Ngọc Tiến

VU NGOC TIEN.QUY VUONG

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

1.Biệt thự Hoa phù dung

Thị xã K khi còn chưa tách tỉnh chỉ lèo tèo mấy dãy phố nhỏ miền biên viễn với những dãy nhà trình tường bằng đất, lợp ngói máng úp cong nom rất cổ xưa, nhếch nhác, ngập đầy bụi rác.

Hồi ấy, trung tâm hành chính của tỉnh lớn đặt tại thị xã Y nên mọi kinh phí đầu tư xây dựng đều ưu tiên dồn về đó. Giờ mọi sự đã khác. Sau hai mươi năm tách tỉnh, thị xã Y chỉ bằng một góc của thị xã K vừa được trung ương công nhận là thành phố loại hai có đủ sân bay, cảng sông, cửa khẩu quốc tế, siêu thị, sân gôn và những khu phố xa hoa, tráng lệ bám dọc trục chính theo hình xương cá của đại lộ Hùng Vương nối liền cửa khẩu quốc tế với khu trung tâm hành chính hiện đại vừa mới xây dựng.

Cuối đại lộ Hùng Vương về phía Đông Bắc là một hồ điều hòa rộng chừng vài trăm mẫu, nước xanh trong vắt. Con phố ven hồ từ ngã ba đại lộ đến đập nước điều tiết lòng hồ trải nhựa phẳng lì với bốn làn xe. Một bên là vườn hoa có lan can cho du khách ngắm cảnh hồ; trùm bóng mát lên các ghế đã là những hàng phượng vĩ, bằng lăng, ngô đồng, bồ đề… xòe tán rộng. Một bên là những tòa biệt thự của các quan chức, đại gia có mặt tiền nhìn ra hồ, sau lưng là rừng cây nguyên sinh bạt ngàn, xanh thẫm.

Ở đó nổi bật biệt thự Hoa phù dung, cái tên hơi lạ do chủ nhân Lê Thế Quyền dành tặng cho người vợ yêu Thùy Dung của mình. Nghe đồn, thành phố K được như hôm nay là nhờ vào công sức, tâm huyết của cụ lớn L.

Trước ngày tách tỉnh, ông đã đích thân lựa chọn đào tạo một ê kíp lãnh đạo trẻ cho tỉnh K tương lai. Họ được cử đi tham quan bốn con hổ của tỉnh Quảng Đông bên tàu là Thâm Quyến, Chu Hải, Thuận Đức, Đông Quản. Mô hình phát triển tỉnh K, kể cả quy hoạch kiến trúc thành phố đều hình thành sau chuyến đi lịch sử ấy.

Bởi thế, dù đã nghỉ hưu được hơn một nhiệm kỳ, hễ nhắc đến cụ lớn L, từ quan đầu tỉnh đến thường dân không ai dám gọi tên thật, chỉ dùng hai chữ Ông Cụ nghe vừa thiêng vừa huyền bí như một vị thánh. Người được Ông Cụ yêu mến, tin tưởng nhất, có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài là Lê Thế Quyền nên khi mới tách tỉnh, theo bài bản tổ chức, anh được cử làm bí thư tỉnh đoàn, đương nhiên sẽ cơ cấu vào tỉnh ủy. Từ đó, theo chính sách luân chuyển cán bộ, anh được điều động làm bí thư huyện B nghèo nhất tỉnh, nhưng có thế mạnh là mỏ đồng sắp liên doanh với nước ngoài và hai loại cây lâm đặc sản: quế, thảo quả có giá trị xuất khẩu rất cao.

Ở lĩnh vực công tác nào Quyền cũng nổi bật nhờ những phát kiến táo bạo, được giới truyền thông trong tỉnh hoặc trung ương đánh bóng ca ngợi hết lời. Qua vài năm lăn lộn ở cấp cơ sở, trước lúc nghỉ hưu, Ông Cụ mới yên tâm đôn dần Quyền về làm chánh văn phòng tỉnh ủy rồi phó bí thư kiêm chủ tịch tỉnh K.

Quy vuong 145x205 B1 (1)

Tuổi bốn lăm là độ tuổi đẹp với một chính khách đang lên. Bước vào năm cuối nhiệm kỳ thứ 5 ở tỉnh K, ngay từ sau Tết mọi người đều biết, kể vanh vách nhân sự chuẩn bị cho đại hội năm tới do Ông Cụ gợi ý và Quyền đương nhiên xếp đầu bảng. Có người còn khẳng định, danh sách này đã được Ông Cụ tham khảo ý kiến các anh trên t rung ương nên dứt khoát là chuẩn không cần chỉnh…

Làm vợ, ai chẳng muốn chồng vinh hiển, thành đạt. Sao Thùy Dung nghe những tin đồn râm ran khắp thành phố về triển vọng của Quyền trong nhiệm kỳ sắp tới chỉ thấy dửng dưng như chuyện của người thiên hạ. Hôn nhân không có tình yêu đến với nàng chỉ đơn thuần là vụ mua bán: Dung có tiền chữa bệnh cho cha, còn Quyền có được trinh tiết của người đẹp sau thời gian trồng cây si ở quán café Chiều Tím, gần nơi anh dự khóa bồi dưỡng chính trị cao cấp ở Hà Nội.

Đó là chuyện của hơn mười năm trước; còn giờ họ đã có hai mặt con: Cu Bil mười tuổi, học lớp 4 trường điểm của tỉnh và bé Kel sắp ba tuổi mũm mĩm, suốt ngày bi bô bên mẹ thật đáng yêu, đúng với ngạn ngữ “thỏ thẻ như trẻ lên ba”.

Dung phải thừa nhận, hiếm có ai yêu vợ đến mê mẩn như Quyền. Đối với anh, Dung là báu vật tuyệt mỹ mà thượng đế tặng cho mình để gìn giữ, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ lấy nụ cười của nàng, tận tình chăm sóc những khi nàng đau ốm. Ngay những lúc ân ái, anh cũng từ tốn giúp vợ cởi đồ, mân mê hôn hít từng vùng da thịt, lên đỉnh rồi vẫn chưa chịu nằm, chống tay nửa nằm nửa quỳ để được nhìn ngắm hồi lâu tấm thân nõn nà trong ánh đèn ngủ mờ ảo.

Và cũng thật hiếm có ai trên đời quý con như anh ấy, khiến người làm mẹ nhiều phen rưng rưng cảm động. Nhớ hồi cu Bil mới chập chững tập đi, hễ về đến nhà là Quyền quăng vội cặp tài liệu, vồ vập con trai, công kênh lên vai chạy mấy vòng quanh vườn, hay bò lê ở sàn nhà làm ngựa cho nó cỡi, đến mức mấy chiếc quần hàng hiệu đắt tiền, đặt may ở tiệm nổi tiếng nhất Sài Gòn đều muốn rách cả hai đầu gối.

Giờ đến lượt bé Kel, suốt ngày chủ nhật, nếu không đi đâu là anh ấy bế bồng cô công chúa nựng yêu, vùi mặt vào bụng, vào má hôn hít cho nó cười như nắc nẻ, làm mẹ nó lắm lúc phải hét lên can ngăn, sợ con bé bị lồng ruột vì sặc cười…

Thật lạ, vì những cử chỉ âu yếm anh dành cho vợ, tình phụ tử nồng ấm anh dành cho con chỉ làm Dung có lúc thấy thương thương, tồi tội chứ yêu thì không thể. Có lẽ mặc cảm tội lỗi với Bùi Hiếu Dân, mối tình đầu thủơ học trò và niềm đau khôn nguôi khi cha buồn chán, bỏ nhà lên chùa Sùng Miên đã làm trái tim yêu trong ta khô cứng rồi chăng? Sống giữa ngôi biệt thự sang trọng bậc nhất khu phố quan của tỉnh K, sao lắm lúc ta cảm thấy hoang lạnh như trong nhà mồ của người dân tộc trên núi cao, rừng thẳm... ?

Có lần Hương, cô bạn cùng lớp ở trường đại học từng rủ nhau chạy bàn ở café Chiều Tím kiếm tiền học thêm tiếng Anh, vi tính đã phải mắng mỏ: “Mày lấy được chồng giầu, quyền cao chức trọng; hai đứa con, trai thì thông minh tuấn tú, gái thì xinh như hoa như ngọc mà còn ủ ê sầu não nỗi gì? Đời một con đàn bà như tao chỉ cầu bằng nửa của mày đã đủ mãn nguyện lắm rồi. Vứt mẹ cái mối tình thời con nít của chúng mày vào sọt rác. Tỉnh lại đi, đồ dở hơi!...”.

Nói vậy thôi chứ nó cũng không quên được cái đêm hai đứa ôm nhau khóc khi mình quyết định theo lời khuyên của bà chủ quán, nhận lời đến khách sạn bán trinh cho Quyền lấy 100 triệu để thay hai ống stent cho cha đang hôn mê trong cơn nhồi máu cơ tim.

Lúc nó cầm tiền đi nộp viện phí còn mình chuẩn bị đi khách sạn, Hương ràn rụa nước mắt bảo: “Hay mày đem hiến cái ấy cho anh Dân trước rồi khi lâm trận ở khách sạn vờ diễn trò “nước vỏ lựu, máu mào gà” như trong truyện Kiều, chắc gì thằng cha đại gia ấy biết”.

Nghe bạn nói, Dung càng thấy như xát muối trong lòng, đầu ong ong như chứa bùn nhão, đạp xe như điên đến khách sạn. Cứ ngỡ đó chỉ là cuộc mua nhanh bán nhanh cái ngàn vàng, ăn bánh trả tiền, đâu ngờ sau lần ấy, Quyền vẫn bám dai như đỉa đói. Anh thổ lộ đã từ lâu quan sát mình trong quán café Chiều Tím, thuộc từng màu áo đến vóc dáng, gương mặt và điệu cười nửa miệng e lệ của người đẹp. Anh năn nỉ xin cưới, hứa sẽ dốc lòng chiều chuộng, chăm sóc vợ cả đời.

Hương nghe vậy, quyết liệt phản đối. Nó bảo, hôn nhân không có tình yêu là điều khốn nạn nhất của đời con gái. Dù có dát vàng lên khắp giường ngủ thì lúc ân ái chẳng có vị gì, sau giây phút lên đỉnh chẳng còn đâu dư âm của khoái lạc, khác gì con điếm hạng sang. Xưa nó quyết liệt là thế mà giờ lại giận dỗi mắng mỏ mình cũng vì thương bạn cả thôi.

Đời nó nào có hơn gì. Yêu như điên rồi cưới vội cưới vàng, kết cục vớ phải thằng chồng kiến trúc sư kiếm tiền như rác vẫn quanh năm mắc bệnh viêm màng túi vì mê mẩn lô đề, cá độ bóng đã, lướt sóng sàn chứng khoán… Số phận hết. “Cao xanh ơi hỡi cao xanh/ Xoay vần con tạo cho thành hên xui!”. Ông Trời ban hên ta được hên, bắt xui ta chịu xui, nhưng còn số phận cha thì sao? Cha từng dạy con, làm người đều có số mệnh, nhưng tại Trời một nửa, còn nửa kia tại ta và cũng tại đời, con ạ!

Những đêm chong mắt, nằm ngẫm sự đời con càng thương cha da diết. Là con trai một ở phố cổ Hà thành giữa thời tao loạn, cha nuôi biết bao hoài bão bất thành. Vào thời của cha, một sinh viên tốt nghiệp hạng ưu khoa Sử trường đại học Tổng Hợp danh tiếng là của hiếm, niềm mơ ước của nhiều cô gái Hà Nội. Chỉ một chút tì vết lý lịch gia đình có người di cư vào Nam cũng đủ cho người ta đẩy cha lên dạy học ở miền biên viễn heo hút tỉnh K. Ngày ông bà nội mất, tàu xe cách trở nên cha không về kịp để nhìn mặt hai cụ lần cuối.

Cha âm thầm vừa dạy học vừa nghiên cứu, sưu tầm thư tịch cổ, các văn bia hoặc huyền sử dân gian ở nơi đền miếu. Đồng lương ba cọc ba đồng đồng, cha dành phân nửa để mua sách và cổ vật trong bản làng người dân tộc. Thế rồi cha gặp và yêu mẹ, một cô gái vùng cao đẹp người tốt nết. Nhưng chiến tranh biên giới năm 1979 nổ ra, người chết như rạ, con sớm mất mẹ khi đang còn ẵm ngửa. Cha theo trường chạy giặc, sơ tán về thị xã Y cơm niêu nước lọ, một mình gà trống nuôi con khôn lớn thành người. Tuổi thơ con ở thị xã Y nghèo đói, nhưng ấm tình cha, chứa đầy kỷ niệm êm đẹp với Hiếu Dân.

Anh hơn con bảy tuổi, là con chủ nhà đã cho cha và một thầy giáo độc thân khác ở trọ những năm sơ tán. Mỗi khi cha bận chấm bài hay soạn giáo án, Dân bế con đi chơi quanh xóm, nhếch nhác như con mèo tha con chuột. Càng lớn, hai đứa càng thân nhau như anh em ruột, nô đùa, chòng ghẹo nhau suốt ngày. Mấy năm Dân học cấp III luôn là học sinh giỏi môn Sử, thành đứa trò yêu của cha và cha càng yêu hơn khi anh quyết định thi vào khoa Sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia.

Khi biên giới mở cửa, trường cũ xây lại đã xong, cha trở về tỉnh K dạy tiếp cho đến ngày nghỉ hưu, nhưng hai gia đình vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau, thầm mong có ngày đôi trẻ nên vợ nên chồng. Con xuống Hà Nội học ngành ngoại thương thì Dân đã tốt ngiệp được hai năm, công tác tại Viện Nghiên cứu Lịch sử. Sự gần gũi, đụng chạm da thịt thường xuyên khiến con có lúc muốn phá rào dâng hiến, nhưng anh chưa một lần vượt qua giới hạn khiến con càng yêu và quý trọng anh hơn. Vậy mà!...

Đêm chìm vào khuya. Tiết thu se lạnh. Sương rơi lãng đãng. Trăng hạ tuần lên muộn, gội vàng hoa viên biệt thự. Các con đã ngủ say. Dung thẫn thờ dạo gót trên lối sỏi, đến bên khóm hoa phù dung cao chừng một đầu một với, tuổi cây bằng tuổi cu Bil.

Thoáng đã mười năm rồi, tuổi cây còn là quãng thời gian cha xuống tóc ở chùa Sùng Miên. Nàng đưa tay nâng niu từng phiến lá năm thùy xòe to hình bàn tay Hộ Pháp và những nụ hoa hình tú cầu năm cạnh to bằng quả bóng bàn. Một loài hoa có vẻ đẹp rưng rưng như vẻ đẹp người thiếu nữ. Phù dung đẹp nhưng đời hoa ngắn ngủi quá!... Lúc sớm tinh mơ là nụ hoa căng tròn. Rồi những cánh hoa mở dần, e ấp lung linh những giọt sương long lanh đón nhận từng tia nắng ấm, sắc của nó trắng tinh. Sắc hoa càng trắng khi nó nở căng như chiếc bát sứ đong đầy cơm gạo tám xoan ngày mùa; về trưa hoa chuyển sang màu hồng nhạt; mặt trời đứng bóng có màu hồng đậm; héo úa dần khi trời tối thẫm.

Sáng hôm sau ra vườn, chỉ còn thấy xác hoa rơi!...

Có ông nhà thơ ở cố đô Huế họ Hoàng Phủ, gợi Dung nhớ đến chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa trong tích tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài rất yêu hoa phù dung. Ông làm hẳn một tập thơ Người hái phù dung, có mấy câu Dung vẫn còn nhớ mãi từ thời sinh viên:

Anh hái cành phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay/ Màu hoa như màu ánh nắng/ Buổi chiều chợt tím không hay/ Nhìn hoa bâng khuâng anh nói/ Mới thôi mà đã một ngày…”.

Phải là người yêu và hiểu hoa lắm, thi sĩ mới có thể lấy sự biến màu từ trắng sang hồng thẫm phớt tím để làm thước đo thời gian vừa trọn một ngày, cũng là trọn một kiếp hoa. Gần đây, lúc tuổi già, ngồi trên xe lăn vì cơn tai biến, ông vẫn bị ám ảnh bởi hoa phù dung. Trong bài ký Hoa bên trời, ông viết: “Hoa phù dung biểu lộ lòng ham thích cuộc sống, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa... Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ".

Dung đã đọc bài ký này, mắt nhòa lệ, thổn thức cùng hoa, ngán ngẩm phận mình…

Chặp tối, lũ nhỏ cùng lớp ríu rít như bầy sơn ca hát mừng sinh nhật trong lúc cu Bil phồng má thổi mười ngọn nến quanh chiếc bánh ga-tô. Quyền bận họp không về, nhưng cũng quay hẳn một clip lời chúc âu yếm gửi qua iPad về cho kịp lúc khai tiệc.

Năm nào cũng vậy, sau tiệc sinh nhật con trai Dung không ngủ được, thơ thẩn ngoài vườn ngắm hoa phù dung. Tự tay nàng trồng nó tại buổi lễ mừng tân gia, đặt tên cho ngôi biệt thự vừa khánh thành. Nhiều người không đồng ý, cho đó là loài hoa dại, mọc ở bờ khe góc vườn, không ai đem trồng trong biệt thự sang trọng thứ hoa sớm nở tối tàn. Dung vẫn kiên quyết nên Quyền phải nghe theo, bởi anh thường bông phèng, ý Hậu là ý Trời, trẫm là Thiên tử tức con của Trời tất phải xin vâng.

Không ai trong bữa tiệc hôm ấy biết được cái tên đặt cho biệt thự còn là kỷ niệm của tình yêu Dân dành cho Dung, bấy lâu nàng vẫn giấu chặt trong lòng.

Hồi mang thai cu Bil được năm tháng, Dung giấu cha và Dân đi đăng ký kết hôn với Quyền. Biết chuyện, cha nằm chết lặng nửa ngày rồi âm thầm bỏ nhà lên chùa Sùng Miên. Một tuần sau nghe tin ấy, nàng đành vác cái bụng bầu lên chùa khóc lóc, van xin cha trở về nhưng ông chỉ câm lặng, mắt đỏ ngầu nuốt hận vào trong, đẩy con gái ra cổng rồi lên điện Phật ngồi đọc kinh, gõ mõ.

Dọc đường về trời đổ mưa, Dung ôm bụng chống gậy xuống núi, cứ cầu cho mình trượt ngã xuống khe, chẳng còn thiết sống.

Nàng ốm liệt giường vì cảm lạnh và vì trầm uất, thổ huyết nhiều lần. Bệnh viện trả về, Quyền phải sai em ruột là đại úy đi khắp nơi tìm thầy chạy chữa vẫn không khỏi. Dân lo lắng tìm đọc các sách thuốc cổ kim bên ta bên tàu, phát hiện hoa phù dung có thể chữa lành bệnh thổ huyết.

Mừng khôn xiết, Dân lên chùa Sùng Miên, nhờ thầy giáo cũ đi thăm con gái chuyển cho Dung một bức thư dài. Nàng nhờ cha đỡ dậy, đọc đi đọc lại mười trang thư kín đặc chữ viết bằng bút bi màu tím, thứ mực hai đứa hằng ưa dùng thời sinh viên. Dù cha cẩn thận bắt nàng đốt hết lá thư mới chịu ra về, nhưng Dung vẫn thuộc làu từng câu từng chữ.

Trừ mấy trang đầu động viên, khuyên nhủ như cha hay đã từng khuyên nhủ, Dân viết rất kỹ về khả năng trị bệnh của hoa phù dung. Sách Bản thảo cương mục đời Tống bên Tầu của Lý Thời Trân hay các trước tác của Tuệ Tĩnh đời Trần và Hải Thượng Lãn Ông đời Lê đều bàn rất sâu về tính dược của hoa, lá, rễ cây phù dung.

Thời hiện đại ta có Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi trong công trình Cây thuốc Việt Nam đã đưa ra nhiều luận cứ chính xác, đầy đủ về loài cây này. Cây phù dung ngoài công dụng làm cảnh, vỏ thân trắng mềm có thể dùng để bện thừng, dệt vải hoặc làm giấy; lá và hoa tươi hoặc khô được dùng để làm thuốc.

Theo nghiên cứu, phân tích, hoa phù dung có chứa các hoạt chất có thể chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt là Anthocyanin. Đặc biệt là hàm lượng một số chất thay đổi cùng sự biến màu của hoa theo thời gian trong ngày: sáng sớm khi hoa màu trắng thì không chứa Anthocyanin; buổi trưa và xế chiều khi hoa chuyển sang màu hồng nhạt rồi hồng đỏ thì lại xuất hiện Anthocyanin và một số dẫn chất của nó; riêng xế chiều hàm lượng các chất này cao gấp 3 lần so với buổi trưa.

Theo y học cổ truyền, hoa phù dung vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh hoạt huyết, bài nùng...

Cứ theo những chỉ báo trong sách mà Dân ghi lại thì bệnh thổ huyết do trầm uất của Dung chỉ cần lấy mười đóa phù dung vào lúc xế chiều còn tươi sắc uống, ngày sắc ba lần, uống liền trong vòng một tuần sẽ khỏi bệnh. Dân còn dặn kỹ, em là phụ nữ, thể chất không tốt do suy nghĩ nhiều, dễ mắc các bệnh khác nữa như tử cung xuất huyết, kinh nguyệt kéo dài, không đều, khí hư, viêm âm đạo, tuyến vú… nên cần ghi nhớ mấy phương thuốc đơn giản bằng hoa phù dung để phòng thân...

Trời ơi, em là con đàn bà hư hỏng, phản bội tình yêu của anh, đắc tội lớn với cha, sao anh vẫn hết lòng vì em làm gì, hở Dân?

Đêm càng khuya, sương rơi mỗi lúc một dày thêm. Ánh trăng lai láng khắp cánh rừng nguyên sinh phía sau biệt thự. Gió từ phía hồ thổi lại, lao xao tiếng sóng. Dung uể oải bước đi về phía nhà bát giác giữa hoa viên. Đó là nơi để hóng gió, ngắm trăng. Nền tam cấp lát đá cẩm thạch mầu xanh. Mái lợp ngói hoàng lưu ly. Các đầu đao gắn hình rồng bằng sứ tráng men cùng mầu ngói, mua về từ Trung Quốc. Đỉnh mái đắp hình âm dương bát quái.

Trong nhà bày bộ bàn ghế bằng gỗ lũa gù hương thơm mát. Nàng ngồi xuống ghế, lơ đãng nhìn ra hồ, bồi hồi nhớ lại đoạn cuối lá thư. Dân kể, Thiền sư Kiến Phúc trụ trì chùa Sùng Miên trong một lần tọa thiền khai mở luân xa đã nhìn thấy nàng Lệ Thanh có gương mặt giống hệt Thùy Dung, còn chàng nho sinh Bùi Trụ giống Hiếu Dân như đúc. Thầy Kiến Phúc quả quyết rằng đã nghe rõ thông điệp vọng từ quá vãng mách bảo, hai người là kiếp luân sinh của họ.

Con người, ai cũng có đủ tam thể: thể xác là xương thịt, thể phách là dung mạo, thể hồn là tinh anh. Thể xác có thể tan biến thành cát bụi. Nhưng nếu nghiệp duyên oan nghiệt của người quá nặng thì chết rồi thể phách không tan, thể hồn còn vảng vất trên cõi dương gian, khoảng trên dưới hai trăm năm năm mới đầu thai vào kiếp khác, mà dung mạo vẫn giữ nguyên như tiền kiếp. Hai con chịu khó tập thiền khai mở được luân xa, sẽ có thể từ trong ảo giác sống lại kiếp người cách đây hơn 500 năm.

Thầy còn nói ở kiếp ấy, nàng Lệ Thanh trước làm nô tỳ hầu hạ trong cung, sau số phận đưa đẩy thành cung phi qua tay mấy vị hoàng đế rồi gặp hỏa nạn bị bỏng rất nặng, được một sư nữ chữa lành bằng bài thuốc hoa phù dung.

Bài thuốc chữa bỏng trong kho kinh nghiệm ở chùa Sùng Miên quả thực cũng đã từng lưu truyền, ghi chép rất tỉ mỉ cách dùng. Dân đã nhiều lần động viên, hai đứa mình cùng tập thiền, nếu không được gặp nhau ở kiếp xưa thì cũng là phương pháp tự chữa bệnh bằng nhân điện, tiếp thu năng lượng từ vũ trụ mà nhiều nơi trên thế giới đã công nhận là một trong những phương pháp “y học bổ sung” rất hiệu nghiệm.

Theo thuyết nhân điện, năng lượng được tiếp nhận từ vũ trụ vào cơ thể sẽ điều chỉnh lại cấu trúc tế bào gốc ở những chỗ bị tổn thương. Nó có thể làm nên những điều kỳ diệu như với carbon, chỉ khác nhau cấu trúc tinh thể mà thành than đá hay kim cương vậy.

Nghe lời khuyên của Dân, Dung đã nhiều năm kiên trì tọa thiền ở nhà bát giác này.

Mùa thu năm ngoái, một lần trong lúc tập nàng thấy có tia sáng xanh lóe lên nơi huyệt Thiên mục, rồi lại có âm thanh vang lên như tiếng sét nơi huyệt Bách hội và trong ảo giác, nàng ngồi trong lồng cầu bằng pha lê trong suốt bay tít lên cao, đi xa xa mãi. Chợt có tiếng sét vang đanh bên tai, lồng cầu bị vỡ và nàng rơi xuống mép hồ Tây, nhận ra mình trở lại kiếp luân sinh của nàng Lệ Thanh.

Thiếu nữ đương độ tuổi tròn trăng ấy là ái nữ của thầy đồ Nguyễn Bác Vọng nổi tiếng hay chữ, mở trường dạy học ở làng Trích Sài, gần chùa Tiên Thiên bên mép hồ Tây. Ông là bạn học của Bùi Xương Trạch, đậu Tiến sĩ khoa Mậu Tuất 1478 triều vua Lê Thánh Tông, đang làm quan Tế tửu Quốc Tử Giám dưới triều vua Lê Hiến Tông. Hai nhà vốn mấy đời tri kỷ thâm giao nên hứa hẹn sẽ xe duyên cho nàng Lệ Thanh cùng chàng nho sinh Bùi Trụ.

Bữa đó trời trở heo may, lay phay mưa bụi. Lệ Thanh theo mẹ ra hồ kéo vó tôm. Mặt hồ yên tĩnh, lăn tăn sóng nước. Đang giữa mùa hoa sen nở, không gian ngào ngạt hương bay khiến nàng cao hứng cất giọng ngâm bài thơ Bên ao của Bạch Cư Dị đời Đường: “Cô em bơi chiếc thuyền con/ Bẻ bông sen trắng lon xon chạy về/ Ngây thơ chẳng biết giấu che/ Mặt hồ còn vẽ lối đi rành rành”.

Chợt ở đâu xuất hiện ba gã công tử có lính theo hầu, nói cười ngả ngớn, bờm xơm chòng ghẹo. Một gã đi đầu ngông cuồng nắm tay Lệ Thanh, miệng thở đầy mùi rượu, tay kia xoa mông, bóp vú giữa thanh thiên bạch nhật. Nàng trừng mắt, thẳng tay tát vào mặt thằng lưu manh đểu cáng. Nào ngờ gã chính là hoàng tử Lê Tuấn, còn hai gã kia là Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Bá Thăng vốn dòng ngoại thích, ở làng Phù Chẩn, trấn Đông Ngàn, gọi bà phi Nguyễn Thị Cận sinh ra Lê Tuấn là cô ruột. Lính hầu ập đến bắt trói Lệ Thanh rồi kéo đến nhà thầy đồ Vọng đập phá tan hoang đồ đạc, bút nghiên, sách thánh hiền bị đem đốt hết. Triều đình khép tội mạo phạm hoàng tộc, đày thầy đồ Vọng đi làm lính thú biên ải, còn Lệ Thanh bị bắt vào cung làm nô tỳ.

Bùi Trụ nghe tin hớt hải chạy đến, chỉ còn biết nhòa lệ nhìn theo bóng người yêu bị lính trói gô, kéo lê trên đường. Nàng run rẩy mở to mắt ngoái nhìn người yêu đang uất ức gào to: “Thanh ơi, em không có tội. Có thứ luật lệ nào chỉ bênh đám quyền quý, bắt tấm thân đào liễu của em chịu kiếp nô tỳ đổ phân, hốt rác trong lầu son gác tía, cọ rửa chuồng ngựa… Làm sao em sống nổi, trời hỡi... Trời sao lại bất công, phi lý thế, Lệ Thanh ơi!...”.

Dung choàng tỉnh, xả thiền vẫn còn nghe rõ tiếng kêu thất thanh, ai oán. Nàng ngã vật xuống sàn nhà bát giác, lạnh buốt sống lưng, người đờ đẫn như xác ướp…

2. Thái hoàng thái hậu Trường Lạc

Thùy Dung trở dậy từ rất sớm, lững thững ra vườn đến nhà bát giác tập thiền. Đất trời mờ tối. Sương rơi lãng đãng. Cánh rừng nguyên sinh phía sau lưng biệt thự đen thẫm một màu, đung đưa trong gió bản nhạc du dương và huyền bí. Biệt thự Hoa Phù Dung theo nhận xét của chú Đại Uy có khu nhà chính rập theo mẫu cung An Định trong cố đô Huế, do hoàng tử Khải Định lúc chưa lên ngôi còn ở ngoài cung xây nên. Nó mang đặc điểm kết hợp giữa kiến trúc gô-tich miền Nam nước Pháp thế kỷ 19 với những yếu tố họa tiết đặc thù của kiến trúc cung đình ở phương Đông. Cái khác ở chỗ nội thất phòng nào cũng khép kín, trang thiết bị hiện đại, nhất là thiết bị nhà vệ sinh lộng lẫy như khách sạn năm sao. Ngôi nhà bát giác ngắm cảnh ở giữa hoa viên biệt thự lại mô phỏng theo lầu bình thơ, ngắm trăng của di tích Dự Viên ở thành phố Thượng Hải bên tàu.

Không gian kiến trúc ấy khiến Thùy Dung đôi lúc tập thiền có ảo giác mình đang sống giữa hoàng thành Thăng Long cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16. Nàng nhìn thấy rõ cổng Đoan Môn, điện Kính Thiên, cung Diên Thọ, cung Vĩnh Khang, cung Trường Lac… Nàng Lệ Thanh mang dung mạo Thùy Dung cam chịu thân phận nô tỳ, ngày ngày gánh hai chậu sứ đựng phân và nước tiểu của các bà phi, cung nữ mang ra cổng phía Tây, đổ vào những thùng gỗ lớn để lính kéo xe mang ra ngoài hoàng thành bán cho các bà nông dân ở Kẻ Noi.

Những lúc rảnh việc, nàng trốn vào xó tường hay gốc cây nơi khuất nẻo, bưng mặt khóc thầm, khôn nguôi nhớ chàng nho sinh Bùi Trụ. Nàng nhớ những ngày thơ ấu, hai đứa nô đùa đuổi chim bắt bướm trên các ruộng rau loi thoi ngồng cải hoa vàng hay những buổi cùng nhau sang tận làng Yên Thái xem các cô thợ xeo dẻo tay rung lắc khuôn gỗ trong bể nước bột giấy cho tới khi thành hình từng trang giấy bản. Và nàng lại nhớ có biết bao lần trong ráng chiều đỏ lựng, hai đứa mải mê ngắm cảnh hồ Tây mênh mang sóng nước, nghe tiếng chim sâm cầm ríu rít gọi bầy, chao nghiêng đôi cánh. Nàng quên sao được ngày cha cùng tiên sinh Bùi Xương Trạch uống rượu bình thơ trên manh chiếu trước hiên nhà và hai ông đã hứa hẹn cho đôi trẻ xe duyên kết tóc…

Hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi được lệnh của hoàng tử Lê Tuấn đã nhiều lần quan sát, lân la gạn hỏi về chữ nghĩa, khả năng cầm-kỳ-thi-họa của Lệ Thanh. Hắn dọa dẫm, đã vào cung làm nô tỳ là khôn sống mống chết, không chết mất xác vì đắc tội với bề trên thì cũng chết già. Muốn đổi phận mình phải biết câm nín và vâng lời. Cái giống hoạn quan không làm được chuyện ấy, nhưng vẫn là thằng đàn ông, luôn tay sờ soạng hết lượt các nô tỳ còn trẻ đẹp. Riêng với Lệ Thanh vì Lê Tuấn đã xí phần nên Nhữ Vi không dám bờm xơm. Hơn thế, hắn đang tính toán trong đầu để làm sao vừa được lòng Lê Tuấn, vừa âm thầm chuẩn bị đi một nước cờ xa hơn.

Vua Túc Tông lên ngôi mới được vài tháng đã lâm trọng bệnh. Lê Tuấn và anh em Bá Thăng, Đình Khoa đang tính toán thời cơ hạ độc vua bằng thạch tín, ngặt vì Thái Hoàng thái hậu vốn tính cẩn thận nên đã sai cung nữ sắc thuốc ở cung Trường Lạc, đồ ăn thức uống cũng bắt thái giám nếm trước mặt bà rồi mới cho vua dùng. Muốn giúp Lê Tuấn đánh tráo thang thuốc trước khi sắc, Nhữ Vi phải có người lọt vào đám cung nữ ở cung Trường Lạc và hắn đã nhắm sẵn Lệ Thanh.

Hồi trẻ, Thái Hoàng thái hậu rất sành Đường thi lại có giọng ngâm tốt. Bà thường chọn những bài đặc sắc trong thiên gia thi đời Đường, hợp với tâm trạng từng lúc của vua Thánh Tông để sai người đàn sáo, rồi tự mình ngâm cho chồng nghe. Nay đã về già, chồng và con trai là vua Hiến Tông cũng đã băng hà. Những lúc buồn, bà rất muốn có người đàn hát hay xướng họa Đường thi cho mình nghe. Lệ Thanh là cơ hội Trời cho để Nhữ Vi chọn làm quân bài thực hiện gian kế. Hắn liền tâu trình lên cung Trường Lạc và được bà ưng chuẩn. Nàng vô tình, ngỡ mình gặp may thoát khỏi thân phận nô tỳ, dốc lòng hầu hạ Thái Hoàng thái hậu. Với gã hoạn quan Nhữ Vi, nàng chịu ơn lớn nên cũng răm rắp vâng lời…

Thùy Dung cùng một lúc sống ở hai kiếp người, chẳng phân biệt nổi đâu là thực, đâu là ảo giác. Sớm nay theo thường lệ, nàng dậy sớm ngồi tọa thiền ở nhà bát giác lúc bốn giờ sáng. Ngồi được chừng mười phút nàng nghe vẳng bên tai lời của Quyền nhỏ nhẹ vừa đủ nghe: “Hôm nay có việc gấp anh phải đi sớm. Có lẽ từ giờ đến cuối năm anh sẽ đi về thất thường, tối đừng đợi cơm, nếu anh không về ngủ nhà em đừng buồn cũng đừng giận anh. Cả cái nước mình nó thế, tư duy nhiệm kỳ đã nhiễm vào máu nên năm cuối nhiệm kỳ chẳng đâu chịu làm việc. Công chức từ trên xuống dưới chỉ hóng hớt chuyện nhân sự và lo giữ ghế. Việc ở ủy ban bê trễ, ngập cả đống công văn giấy tờ, đơn kiên bắt anh xử lý. Công việc ở tập đoàn của chú Uy cũng rối như canh hẹ vì chịu ảnh hưởng ở bên chính quyền. Thôi em cứ ngồi tập tiếp anh đi đây. Việc chăm sóc các con anh trông cậy cả vào em…”.

Chờ cho chiếc xe đến đón Quyền nổ máy, Dung mở mắt xả thiền, trầm ngâm suy nghĩ. Sao anh ấy phải đi sớm thế? Nghe trong giọng nói như có gì khang khác? Anh đến ủy ban hay sang tập đoàn của chú Uy? Suốt đêm qua anh không rời bàn làm việc, chuông điên thoại reo liên tục. Quyền nghe điện rồi lại gọi đi khắp nơi... Hình như anh gọi nhiều lần cho bên công an và kiểm sát.

Mấy hôm trước nhiều người bên tập đoàn Bil- Kel, nhất là ông Khang, cậu Tùng, bà Xuân lúc gọi điện, lúc đến nhà thì thầm to nhỏ, bàn bạc với Quyền rất lâu. Cái cậu Tùng xoăn này lần nào ló mặt ở biệt thự thì y như rằng sẽ có lắm chuyện rắc rối, phiền phức. Từ lâu mình đã ớn cái bản mặt nó, bảo với Quyền cấm cửa, không cho nó lai vãng đến biệt thự, nhưng hôm qua nó lại đến hai lần, thì thầm với ông chủ như đánh bạc giả, ắt có chuyện lớn.

Dư luận lâu nay xì xầm nhiều về lai lịch của trưởng phòng giám sát thi công ở tập đoàn chú Uy. Nó thì có trình độ gì mà giám sát. Chú Uy nhặt Tùng về từ khi nó làm cai bưởng trên bãi đào vàng ở thung lũng Lương Thượng, huyện Na Rì- Bắc Cạn. Thời gian đầu mới chỉ là công ty nhỏ, buôn bán lâm đặc sản và vải sợi nhập từ bên kia biên giới, chú Uy giao cho nó cai quản lũ cửu vạn đường biên. Khi lên tập đoàn, Tùng được bổ nhiệm chức trưởng phòng chỉ là che mắt thế gian chứ thực chất nó chuyên lo chuyện giải phóng mặt bằng cho các khai trường khai thác mỏ, đường cao tốc hay các dự án bất động sản.

Năm năm trước đã từng ầm ĩ khắp tỉnh vụ côn đồ hành hung nông dân bản Phìn, cướp đất làm dự án khu du lịch sinh thái và văn hóa các dân tộc khiến một gia đình người Dao uất ức tự tử cả nhà bằng lá ngón. Nếu không có Ông Cụ đứng ra dàn xếp vụ này từ trung ương xuống, chắc chú Uy rắc rối to.

Năm ngoái xảy ra vụ giải phóng mặt bằng khai trường mỏ sắt bản Chiềng dẫn đến xô xát, một người bị đánh chết nên nông dân khiêng quan tài ra tận cửa trụ sở cơ quan viện kiểm sát đòi sự công bằng, công an dẹp mãi mới yên. Gần đây lại tiếp diễn vụ biểu tình của dân chúng khu phố cũ bị côn đồ giả danh bộ đội, cưỡng ép phá dỡ để xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại- dịch vụ khách sạn- khu vui chơi giải trí cũng do Tập đoàn Bil- Kel làm chủ đầu tư…

Mang nặng trong lòng bao suy diễn vẩn vơ, Dung lững thững quay về phòng tắm gội rồi sang phòng ăn sáng. Chị giúp việc bưng ra vài lát bánh mì, hộp pa-tê gan ngỗng của Pháp, một chén yến hấp với đường phèn Quảng Ngãi và một phin café Ban Mê.

Dung chưa muốn ăn, nàng bật ti-vi, nhìn những giọt cà phê tí tách rơi. Đài truyền hình tỉnh K đang phát chương trình Tin thời sự buổi sáng. Cô phát thanh viên loan tin vừa xảy ra vụ án mạng kinh hoàng. Nạn nhân là bà Cao Thị Thơ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tỉnh. Bà bị sát hại lúc nửa đêm tại nhà riêng. Kẻ sát nhân dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực, vào bụng bà rồi mở két lấy hết tư trang, tiền bạc và một cặp tài liệu điều tra theo đơn khiếu kiện của công dân, bà mang về để nghiên cứu cũng biến mất. Trước khi đi, hắn còn tưới xăng khắp phòng khách tầng trệt rồi phóng hỏa.

Ngôi nhà nhỏ hai tầng bằng gỗ của bà Thơ bỗng thành đuốc lửa trong đêm, nhưng lực lượng chức năng đã kịp thời dập tắt đám cháy. Vụ án đang trong tiến trình điều tra, nhưng theo lời một cảnh sát, nghi phạm chính là đứa cháu nội Phùng Quang Thu, vì bà Thơ sống một mình, con cái đều đang ở thị xã Y, chỉ có Thu đang học năm cuối phổ thông, nghỉ hè lên chơi với bà được hai tuần nay. Thu có tiền sử nghiện hút, thác loạn trên sàn nhảy, ngáo đá nhiều lần. Từ khi xảy ra vụ án, công an truy tìm Thu không thấy, đã có lệnh truy nã toàn quốc.

Dung trân trối nhìn đám lửa trên màn hình ti-vi, cảm thấy lợm giọng không nuốt nổi bữa sáng. Nàng uống vội ly cà phê rồi quay về phòng nằm thượt trên giường…

Cái chết của bà Thơ cứ ám ảnh, đưa Dung chìm sâu vào trong ảo giác sống lại kiếp nàng Lệ Thanh, chứng kiến cái chết thảm khốc của Thái hoàng thái hậu Trường Lạc.

Bà đang ngồi bất động trong cung, lòng buồn tê tái. Vua Túc Tông lên ngôi tháng sáu đến tháng chạp năm Giáp Tý băng hà, hưởng dương mười bảy tuổi, ở ngôi vẻn vẹn có sáu tháng trời. Đứa cháu nội Lê Thuần hiền hòa, hiếu học không may đoản mệnh. Ta cầm tờ di chiếu của nó trên tay ngỡ ngàng không sao tin nổi. Vẫn biết ở đời sinh ly tử biệt là lẽ thường tình. Song người đàn bà như ta chỉ trong vòng bảy năm phải tự tay lo mấy đám tang cho chồng, cho con rồi cho cháu nội Thuần, kẻ đầu bạc khóc tiễn đưa kẻ đầu xanh thử hỏi còn đau xót nào hơn.

Lệ Thanh vừa ngâm cho ta nghe bài thơ Tống Biệt của thi sĩ Đỗ Mục đời Đường có câu “Lạp trúc hữu tâm hoàn tích biệt/ Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh” sao mà hợp với tâm trạng ta lúc này. Ta đã ba lần cạn khô nước mắt khóc đến tàn canh cho cây bạch lạp cháy đến kiệt cùng giữa cung Trường Lạc này. May vì ông Trời còn cho ta đứa cung nữ xinh đẹp, giỏi giang ở bên cạnh, hết lòng an ủi hầu hạ.

Càng đau xót ta càng lo cơ đồ nhà Lê sau mấy chục năm Thánh Tông trị vì, nhọc công gây dựng đang có nguy cơ đổ nát. Ngần ấy năm làm Hoàng hậu bên đấng minh quân tài đức đức song toàn, ta đã chứng kiến một vương triều hùng mạnh, hiển hách ở cõi trời Nam. Giờ nhớ lại ta vẫn như được bên vua vi hành tận các làng quê hẻo lánh tra xét dân tình; thưởng lãm những bài văn để chọn ra các vị trạng nguyên tài năng xuất chúng như Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Nguyễn Quang Bật…, nghe vua bình thơ ở Tao Đàn “Nhị thập bát tú” nhất là được đi theo hầu hạ vua trên bước đường chinh chiến ở phương Nam, đến tận thành Đồ Bàn chói chang nắng gió phương Nam.

Có những đêm thơ thẩn dạo gót dưới ánh trăng trong vườn thượng uyển, Thái Hoàng thái hậu chợt đắm mình vào kỷ niệm về thời thiếu nữ ngập tràn hạnh phúc bên vua trẻ Lê Thánh Tông. Ngày tám tháng sáu năm Canh Thìn (28/6/1460) chàng trai mười tám tuổi Lê Tư Thành được các lão thần khai quốc Nguyễn Xí, Đinh Liệt phò giúp lên ngôi, lấy hiệu là Thánh Tông. Không lâu sau, cô tiểu thư Nguyễn Thị Hằng tuổi tròn mười sáu, con gái quan Thái úy Nguyễn Đức Trung cũng được triều thần tiến cử làm Hoàng hậu, ngự ở cung Trường Lạc nên còn gọi là Hoàng hậu Trường Lạc.

Vua trẻ lên ngôi đã nhanh chóng chỉnh đốn triều cương, chấm dứt tình trạng chia rẽ nội bộ của vương triều. Trước tiên vua đổi mới hệ thống cai trị nước Đại Việt. Thời Trần có 4 Bộ: Hình, Lại, Binh, Hộ; thời Lê Thái Tổ rút gọn còn 3 Bộ: Lại, Lễ, Dân; nay vua sắp xếp lại thành 6 Bộ: Lại Bộ trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng các quan; Lễ Bộ trong coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, yến tiệc, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt cử người coi giữ đình, chùa, miếu mạo; Hộ Bộ trong coi việc đạc điền, quốc khố, hộ dân, tô thuế, kho tàng; Binh Bộ trông coi việc binh chính, gìn giữ biên cương, bổ nhiệm quan trấn thủ ở những nơi hiểm yếu; Hình Bộ trong coi việc hành pháp dựa theo bộ luật Hồng Đức do đích thân vua khởi xướng để các đại thần biên soạn; Công Bộ trong coi việc xây đắp và sửa chữa cầu đường, đê điều, xây dựng cung điện, thành trì và quản đốc các thợ thuyền, hỗ công, hỗ thương.

Vua còn chia lại các cấp hành chính địa phương từ 5 đạo đổi thành 13 đạo còn gọi là 13 thừa tuyên xứ. Dưới thời Thánh Tông, các quan chỉ tại nhiệm đến sáu lăm tuổi, bãi bỏ lệ cha truyền con nối ở các gia tộc đại công thần khai quốc. Về việc quân binh, Thánh Tông thường xuyên đi tuần phòng ở các nơi biên ải, khuyến dụ các quan cảnh giác với âm mưu xân lấn của giặc Minh, ứng phó kịp thời các vụ việc lãnh thổ khiến các phiên tướng nhà Minh phải nể sợ. Nhờ thế, thời Lê Thánh Tông binh hùng tướng mạnh, quân lương sung túc, vũ khí nhiều loại có uy lực, hỏa lực mạnh như hỏa thương, hỏa hổ, súng thần công tinh xảo.

Về các mặt nông tang, canh cửi, giao thương và các nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo cũng được vua quan tâm nhắc nhở quan lại, khuyến dụ dân chúng đồng lòng nỗ lực mở mang cho ngày thêm phồn thịnh. Thái Hoàng thái hậu Trường Lạc không sao quên được những ngày theo vua hầu hạ trên bước đường chinh chiến năm Canh Dần (1470). Năm đó, vua Chiêm là Trà Toàn bỏ triều cống, hung hãn mang 10 vạn quân đánh chiếm châu Hóa, tướng trấn giữ châu Hóa là Phạm Văn Hiển không chống cự nổi đã phải cho người về Đông Đô khẩn cầu viện binh.

Vua sai các tướng Quách Đình Bảo, Nguyễn Đình Mỹ mang quân tinh nhuệ đi trước rồi tự mình thống lĩnh đại quân chinh phạt. Tháng ba năm Tân Mão (1471) Lê Thánh Tông cùng đại quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Trà Toàn và hàng vạn quân địch, sáp nhập vùng đất từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông vào nước Đại Việt.

Thời Lê Thánh Tông, tù trưởng xứ Bồn Man thuộc nước Lão Qua mang quân sang quấy nhiễu đều bị vua sai Thái úy Lê Thọ Vực cùng các tướng Trịnh Công Lộ, Lê Đình Ngạn mang quân dẹp yên, bắt họ phải thần phục, hàng năm triều cống.

Giờ đây, trong nỗi đau tang tóc mất đứa cháu nội Lê Túc Tông, lo cơ đồ bị hư nát, Thái Hoàng thái hậu bồi hồi nhớ lại thời khắc huy hoàng một thời xuân sắc. Bà gọi Lệ Thanh lại gần bảo:

- Ta bỗng nhiên da diết nhớ thời thịnh trị của Thánh Tông, nhớ ngày cùng vua đi đánh Chiêm Thành hay giặc Bồn Man. Ngươi có nhớ bài thơ nào của vua hay các vị trong Tao Đàn viết về thời đánh trận ở miền Nam, miền Tây oanh liệt đó không?

- Bẩm tấu lệnh bà! Tiện nữ hồi còn ở nhà thường được nghe cha cùng Tiến sĩ Bùi Xương Trạch đàm luận ca ngợi bài Tư gia tướng sĩ của vua Thánh Tông, vì trong chiến thắng Ngài vẫn không quên làm thơ xót thương tướng sĩ, binh lính của mình. Bài thơ làm bằng chữ Hán, chàng Bùi Trụ đã dịch ra chữ Nôm cho tiện nữ nghe.

- Vậy con mau đọc đi!

- Thưa vâng, tiện nữ xin đọc:

Tư gia tướng sĩ

Bắc phong huề thủ dữ thùy câu,

Bất dạ thiên cao nguyệt ảnh cô.

Mai lạc ngũ canh tăng viễn hận,

Sầu hai nhất nhật tự tam thu.

Hồn năng dẫn mộng tồn tâm phủ,

Tửu đáo vong hình tích tú vô.

Dục thức cố nhân cựu tiêu tức,

Khủng hy tiện nhạn đáo Thần Châu.

Dịch là:

Tướng sĩ nhớ nhà

Cùng ai gió bấc khẽ cầm tay,

Đêm sáng trời cao nguyệt lẻ loi.

Mai rụng canh trường thêm hận nặng,

Sầu tuôn ngày ngắn tựa thu dài.

Hồn bay dẫn mộng chừng còn nhớ,

Rượu đến quên hình tiếc chẳng say.

Muốn gửi tin về thăm bạn cũ,

Thần Châu sợ ít nhạn xa bay.

Thái Hoàng thái hậu nghe xong lòng cảm kích trước tấm lòng nhân ái của vua đồng cam cộng khổ với tướng sĩ chốn sa trường. Bà nghẹn giọng hỏi Lệ Thanh:

- Ta nghe nói, Trạng nguyên Lương Thế Vinh trong Tao Đàn có bài thơ xướng họa, ngươi có biết không?

- Dạ bẩm tấu lệnh bà! Con cũng thuộc được bài thơ ấy cả chữ Hán của quan Trạng và bài dịch của chàng Bùi Trụ, xin đọc ngay hầu lệnh bà:

Tụng giá tây chinh phụng họa ngự chế “Tư gia tướng sĩ”

Công nghĩa tư tình dục lưỡng câu,

Gia thôn hồi thủ bạch vân cô.

Canh trù ám sổ si như mộng,

Lữ thứ không miên lãnh tự thu.

Vạn lý mã tê sầu tự hữu,

Nhất thiên nhạn đoạn tín thư vô.

Chỉ kỳ thường liễu huyền hồ chí,

Kinh phất thanh phong thượng đế châu.

Dịch là:

Theo vua đi đánh miền tây kính họa bài thơ “Tướng sĩ nhớ nhà” của vua

Nợ nước tình nhà muốn vẹn đôi,

Non quê mây trắng lững lờ trôi.

Trống canh nghe điểm ngày như mộng,

Lán trại nằm suông lạnh cả người.

Muôn dặm ngựa kêu vò tấc dạ,

Một trời nhạn vắng bặt tin hơi.

Cung tên quyết hẹn đền xong nợ,

Gió mát về kinh bước thảnh thơi.

Bài thơ xướng họa của quan Trạng càng khiến Thái Hoàng thái hậu cảm hoài ứa nước mắt. Bà chợt nhớ năm chồng cùng quan Trạng xướng họa bài thơ ấy là lúc mới sinh Thái tử Tranh, tức vua Hiến Tông, cha của Túc Tông mà sao cả hai đã nỡ bỏ bà mà ra đi sớm vậy!... Sắp đến giờ khâm liệm, đưa di hài vua Túc Tông sang nhà Thái Miếu để cầu siêu, Lệ Thanh đọc đi đọc lại cho ta hàng chục lần tờ di chiếu, nhưng càng nghe càng thấy phi lý. Cháu Thuần viết: “Bệnh Trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham nổi. Con thứ hai của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiển minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống để kế thừa tổ tông, vỗ về thần dân trăm họ. Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn; thân vương nào dám tiếm vượt ngôi Trời thì người trong nước cùng nhau giết đi”.

Sinh thời cháu Thuần đối đãi với các thân vương rất nhân ái, chan hòa, chỉ cương quyết bắt bẻ lũ ngoại thích như bá Thăng, Đình Khoa, không duyệt cho làm quan bên phủ Đông Ngàn dù chỉ là một chức quan nhỏ. Ta không tin lời di chiếu nhắc đến các thân vương chỉ vài chữ mà sặc mùi máu như thế. Còn với cháu Tuấn, ngay từ hồi Hiến Tông còn sống, hai mẹ con ta đã từng nhiều phen không an tâm về nó. Vậy nên khi chọn người lập làm Thái tử ta đã khuyên con mình chọn Thuần là con thứ ba chứ không chọn Tuấn là con thứ hai. Hơn nữa mẹ Tuấn là Nguyễn Thị Cận xuất thân hèn kém, đã ngu dốt lại đành hanh với các phi tần, ưa lời xiểm nịnh của hoạn quan Nhữ Vi không xứng làm dâu của ta, sao có thể dạy dỗ con nó thành người tử tế.

Hiến Tông băng hà, thị còn dắt con mình mang lễ vật đến dinh quan đại thần Đàm Văn Lễ, xin được nói giúp với ta và các đại thần lập Tuấn kế vị, nhưng ông này kiên quyết từ chối, bẩm lại với ta. Ngay như quan Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật khi đàm luận về các hoàng tử vẫn thường cảnh báo ta rằng phẩm hạnh của Tuấn không mấy tốt đẹp. Ông còn tâu trình, trong những ngày tang lễ vua cha, Tuấn thường cùng hoạn quan Nhữ Vi thậm thụt giao du với hai vị sứ thần nhà Minh đáng ngờ là Nhược Thủy và Hy Tăng, nhận của họ nhiều lễ vật bằng gốm sứ, lụa quý, gấm thêu. Cháu Thuần thông minh, hiếu thảo, nếu có ý định viết di chiếu truyền ngôi nhất định sẽ hỏi ý ta rồi mới viết, huống hồ lời lẽ lại tâng bốc Tuấn tận mây xanh, rõ là có kẻ ngụy tạo…

Ngày mồng tám tháng chạp, Túc Tông băng hà. Thái Hoàng thái hậu nhận được tờ di chiếu do hoạn quan Nhữ Vi dâng lên biết có sự man trá bên trong, lấy cớ vua chết trẻ cần được siêu thoát, chưa cho phát tang, sai Lệ Thanh truyền đạt ý chỉ lệnh cho quan Lễ bộ Hữu thị lang Nguyễn Bảo Khuê phải tìm 12 vị cao tăng ở kinh đô vào cung làm lễ cầu siêu đủ 7 ngày cho cháu nội. Đó chỉ là kế trì hoãn để bà có thời gian bàn thảo, thương lượng với các đại thần tâm phúc. Tiếc rằng các bậc túc nho từ thời Thánh Tông đã rơi rụng gần hết vì tuổi già, còn lại mấy vị như Bùi Xương Trạch, Nguyễn Quang Bật, Đàm Văn Lễ lại không có thực quyền. Đám khoa bảng còn trẻ trong triều đều xu thời ngả theo phe cánh Lê Tuấn hết cả.

Võ tướng tâm phúc của bà là Nguyễn Văn Lang, Lương Đắc Bằng nắm đội quân thiện chiến thì đang trấn thủ ở thành Tây Đô phòng giặc Chiêm Thành phía Nam, giặc Lão Qua phía Tây vào quấy rối. Đất nước không thể một ngày thiếu vua, huống chi đã qua bảy ngày cầu siêu nên Thái Hoàng thái hậu bất đắc dĩ phải cho phát tang, bố cáo cùng thiên hạ tờ di chiếu.

Ngày mười sáu tháng chạp năm Giáp Tý (1504) Lê Tuấn, đế hiệu là Uy Mục đăng quang ở điện Kính Thiên, chủ trì tang lễ. Sau lễ tang, bà dắt theo Lệ Thanh vào nhà Thái Miếu, đóng cửa ba ngày nhịn ăn, gõ mõ tụng kinh, cầu khấn anh linh chồng là vua Lê Thánh Tông phù hộ cho dòng tộc và dân nước Đại Việt. Lệ Thanh phải hết lời khuyên giải, bà mới chịu quay về cung Trường Lạc. Nào ngờ bà đau xót nghe được tin dữ, vua Lê Uy Mục đã sai người bắt giam toàn bộ gia quyến chú ruột mình là Kiến vương Lê Tân, đánh đập vô cùng tàn nhẫn Lê Sùng và ba đứa em nhỏ Lê Oanh, Lê Vinh, Lê Quyên.

Vua Lê Thánh Tông có bảy thê thiếp và rất nhiều tài nhân, sinh hạ được 13 Hoàng tử và 20 Công chúa. Thái tử Lê Tranh con bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng, lên ngôi năm Đinh Tỵ (1497) lấy hiệu là Hiến Tông. Kiến vương Lê Tân là con thứ năm, do bà phi Phùng Diệm Quý sinh ra, từ nhỏ đã rất thông minh, hiếu học được vua cha Thánh Tông và Thái tử Lê Tranh rất yêu mến, tin tưởng. Vậy nên khi Túc Tông chết sớm, không có con nối dõi, Thái Hoàng thái hậu Trường Lạc mới tính kế hoãn tang 7 ngày để bàn cách bí mật đưa con trưởng Lê Tân là Cẩm Giang vương Lê Sùng lên ngôi, nhưng toan tính bất thành.

Biết được chuyện ấy, bọn Khương Chủng, Nhữ Vi kích động vua mới sát hại cả bốn anh em Lê Sùng, song Uy Mục cũng đủ khôn, chỉ sai bắt giam tra tấn bằng cực hình cho họ chết dần trong ngục.

Lại nói bà Nguyễn Thị Cận lên làm Thái hậu đã vội trở mặt khinh nhờn Thái Hoàng thái hậu Trường Lạc, đơm điều đặt chuyện nói xấu mẹ chồng và nài ép Uy Mục phong quan tước cho hai kẻ ngoại thích Bá Thăng, Đình Khoa. Thái Hoàng thái hậu vô cùng tức giận. Bà gọi hai mẹ con Uy Mục đến cung Trường Lạc răn dạy, mắng mỏ không tiếc lời. Ông vua trẻ chỉ cười nhạt, đợi khi bà dứt lời liền rũ áo đứng dậy gằn giọng nói xẵng: “Bà sống quá thọ thế cũng đủ rồi”.

Hạ tuần tháng hai năm Ất Sửu (1505), nhằm đêm tối trăng, gió mùa đông bắc thổi lộng trên nóc hoàng cung như bầy sói hú, vua Lê Uy Mục dẫn theo Khương Chủng, Nhữ Vi và dăm lính ngự lâm xộc vào cung Trường Lạc đập phá tan hoang. Sau đó, vua đưa mắt cho Nhữ Vi dâng lên bà nội mình chén thuốc cực độc. Lệ Thanh và tất thảy đám cung nữ đều quỳ mọp xuống chân vua van vỉ:

- Muôn tâu hoàng thượng! Thái Hoàng thái hậu là người hiền đức, ân uy trùm khắp bách tính. Cúi mong hoàng thượng mở lượng bao dung, tha chết cho bà.

Uy Mục trừng mắt thét to:

- Lũ tiện tỳ sao dám mạo phạm cản lệnh ta, muốn chết hử!

- Dạ muôn tâu! Nếu lệnh bà phải chết, chúng thần xin tình nguyện chết theo.

Vua nghe vậy càng thêm tức tối, ra lệnh cho bọn lính xông vào dẫm đạp, đánh đập dã man các cung nữ. Thái hoàng thái hậu thấy thế, đập tay xuống sập quát lớn:

- Dừng tay! Không kẻ nào được phép đánh cung nữ. Vua đã muốn thì ta sẽ chết. Từ lâu ta đâu còn thiết sống nữa.

Bà bảo Lệ Thanh cùng hai cung nữ đỡ mình đứng dậy, đi vào buồng trong trang điểm, sửa lại khăn áo chỉnh tề rồi mới quay ra, khoan thai cầm chén thuốc độc uống cạn trong tiếng khóc thống thiết của cung nữ. Từng người thi nhau đập đầu vào mép sập chết theo, duy có nàng Lệ Thanh bị Khương Chủng sai lính xúm lại ngăn cản rồi kéo đi về phía cung Diên Thọ. Nàng ngoái đầu nhìn cung Trường Lạc bốc cháy thiêu đốt hơn chục con người thành tro mà kinh hoàng chết ngất.

(Còn tiếp)