Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Không thể đổi mới bằng tư duy cũ

Tô Văn Trường

Hồi tôi còn nhỏ, cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp cà tàng để bố tôi đi làm hàng ngày. Chiếc xe đã tróc sơn nhưng được cả nhà nâng niu như báu vật. Mỗi lần, chiếc săm cũ xì hơi thì bố tôi lại loay hoay tháo bánh, tháo săm đem ra ông thợ đầu phố. Những miếng vá ngày càng chằng chịt nhưng cũng không thể mua săm mới. Bởi vì cả miền Bắc lúc ấy chỉ có một nhà máy duy nhất (quốc doanh) làm xe đạp và một nhà máy duy nhất (cũng quốc doanh) làm săm lốp. Cũng như cái xe, săm lốp là mặt hàng phân phối, không phải ai cũng được mua; và ngoài cơ quan hành chính, nơi bố tôi công tác, bình bầu rồi phân phối cho, đố mua ở đâu được!

Chiếc xe cũ như vậy nhưng lại có biển đăng kí màu trắng chữ đen treo ở khung xe, như biển xe Lexus bây giờ. Bố tôi còn có hẳn một giấy chứng nhận đăng kí xe và cả một tấm bằng… lái xe đạp.

Thế rồi, đùng một cái, cơ quan công an bỏ việc cấp giấy chứng nhận đăng kí xe, cấp bằng lái xe. Cả nhà tôi hoang mang: Bỏ đăng kí xe, lỡ mất xe thì trình báo thế nào, tìm kiếm thế nào? Lo lắm, nhưng rồi cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Nghe nói nhiều người trong tỉnh mất xe vẫn được công an giúp tìm lại được.

Hết chuyện xe lại đến chuyện gạo, thịt. Lúc ấy, tôi đã ở tuổi choai choai nên được phân phối 13 kg gạo và 2 lạng thịt mỗi tháng như người lớn. Người lao động nặng và vận động viên thì được 17 kg gạo, 3 lạng thịt. Bây giờ mấy ai ăn hết 13 kg gạo một tháng? Nhưng hồi ấy thiếu thịt nên 13 kg không đủ, cơm cứ phải độn thêm khoai, sắn vào. Gạo mậu dịch bán toàn một loại có lẽ đã để kho lâu năm. Thịt thì chỉ có thịt lợn, mà cũng loanh quanh một, hai loại nửa nạc nửa mỡ thôi. Ấy vậy mà mua đâu có dễ; lắm hôm chen chúc xếp hàng từ sớm trước cửa hàng mậu dịch vẫn phải về tay không vì đến lượt đã hết gạo, hết thịt.

Thế rồi, đùng một cái, Nhà nước bỏ chế độ phân phối. Lần này, cả nhà tôi hoảng thật sự: Không phân phối hàng mậu dịch nữa thì lấy cái gì mà ăn? Ra chợ, thóc cao gạo kém, lương ba cọc ba đồng, mua được mấy hạt? Nhưng rồi những lo lắng ấy dần dần tan biến. Bỏ sổ gạo hoá ra lại được mua gạo ngon, mua lúc nào tuỳ thích. Bỏ số thực phẩm hoá ra lại được mua đủ các loại thịt cá tươi ngon, mua bao nhiêu cũng được. Rồi thu nhập của mỗi gia đình tăng dần vì người buôn bán thì được buôn bán tự do, người lao động ở những doanh nghiệp làm ăn có lãi và công chức, viên chức cũng được lương cao hơn,…

Bây giờ, từ Nhà nước đến người dân đều không chỉ trông chờ vào các đơn vị sản xuất, dịch vụ quốc doanh như trước nữa. Đến trường học cũng có trường tư, bệnh viện cũng có bệnh viện tư, chiều “khách hàng” nếu chưa được như Thượng Đế thì cũng như… khách thật, chứ không phải khách không mời mà đến. Rồi sách giáo khoa cũng do các tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn, xuất bản, phát hành. Xã hội phát triển đã biến chuyện cấp đăng kí xe đạp, bằng lái xe đạp, phân phối từng chiếc áo may ô đến gạo, thịt,… thành chuyện cổ tích hoặc chuyện của những người thích đùa.

Ấy vậy, đùng một cái (sao nước mình hay “đùng một cái” thế nhỉ), lại nghe nói có chủ trương của “trên” (hình như chữ “trên” này phải viết hoa mới đúng) yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa hoặc nhập mấy bộ sách do các đơn vị xã hội làm thành một bộ sách “mậu dịch quốc doanh” cho yên tâm là “sách chuẩn” và “an toàn”. Đi tìm hiểu mới biết đây không phải chuyện của những người thích đùa mà là chuyện thật 100%. Chiếc xe “xã hội hoá” đang bon bon, bỗng chốc được hô “Biến!” để thụt lùi, chạy theo đường cũ.

Vậy xin hỏi thêm một bộ sách của Bộ là giải pháp an toàn hay rũ rối? Đổi mới đòi hỏi phải thay nếp nghĩ cũ. Đổi mới căn bản, toàn diện thì tư duy cũng phải đổi mới căn bản. Không thể lái ô tô bằng thói quen của một người lái xe đạp.

Dám thay đổi để thành công luôn có tính thời sự cả trong đạo đức xã hội, sự tiến thân của mỗi con người và cao hơn cả đó là sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sự thay đổi ở nước ta lại có nhiều cái “đùng” rất khó hiểu kể cả chuyện nhập nhập - tách tách với biết bao hệ luỵ không chỉ đơn giản như 1+1 (Lỗi tại… chuyện cổ tích – Tô Văn Trường).

Đúng là không thể đổi mới bằng tư duy cũ. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của Hồ Chủ tịch: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý”. Điều đó, bây giờ càng trở nên có ý nghĩa khi chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn, thử thách.

Dòng sông cuộc sống dù đôi chỗ, đôi nơi có khúc khuỷu quanh co, nhưng vẫn luôn tuôn chảy theo quy luật không sức nào ngăn cản được. Chính dòng sông cuộc sống đòi hỏi tư duy lý luận, chủ thuyết phát triển của đất nước phải theo kịp sự phát triển của thời đại, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.