Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Thiên hựu

Một cuộc Đối thoại với Edmond Jabès[*]

Paul Auster

Đoàn Huyền dịch

PAUL AUSTER: Ở Mỹ ông chủ yếu được biết đến với tư cách tác giả của The Book of Questions. Không mấy người biết rằng ông cũng viết nhiều tập thơ. Độc giả ở đây có khuynh hướng nghĩ về ông như một nhà văn Pháp, nhưng thực tế không phải vậy. Ông sinh ở Ai Cập, và phải tới Khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 – khi ông đã bốn tư tuổi – ông mới rời đến Pháp. Tôi thường nghĩ rằng The Book of Questions sẽ không bao giờ được ra đời nếu ông vẫn có thể ở lại Ai Cập.

EDMOND JABÈS: Vâng, tôi nghĩ đáng để nhắc đến toàn bộ chuyện này. Tôi sinh ở Cairo, và trừ vài năm học ở Pháp, tôi luôn sống ở Ai Cập. Tôi lớn lên ở Ai Cập, tôi kết hôn ở Ai Cập, và tôi sáng tác thơ ở Ai Cập. Năm 1959, mấy năm sau khi tôi đến Pháp, nhà Gallimard xuất bản một tập thơ dày, Je bâtis ma demeure, cuốn sách tập hợp tất cả những tập sách mỏng và những pamphlet tôi đã xuất bản ở Cairo và Pháp. Anh nói ở Mỹ tôi được biết đến chỉ nhờ cuốn The Book of Questions… Ở Pháp, cũng vậy, tôi gần như không được biết đến, và khi cuốn sách dày này xuất hiện nó xuất hiện như thể cái gì đó gây sửng sốt cho hầu khắp mọi người. Tôi luôn sống ở những đường biên, có thể nói như vậy… mặc dù những bài thơ thời kỳ đầu của tôi rất gần với Chủ nghĩa Siêu thực và tôi có nhiều bạn bè là những nhà Siêu thực, Eluard, chẳng hạn, rất mong ngóng tôi gia nhập vào nhóm, tham gia một cách tích cực trong phong trào này. Nhưng tôi luôn từ chối can dự vào bất cứ nhóm hội nào. Ngay từ phút đầu tôi đã cảm thấy rằng những hiểm nguy mà một nhà văn nhận lấy phải là nhận lấy một mình. Ý tưởng chia sẻ những hiểm nguy ấy khiến tôi phiền lòng. [Kết quả của sự chia sẻ này là] điều gì đó rất quý giá bị tước khỏi ta, và như tôi thấy, nếu không còn hiểm nguy, thì không còn sự viết.

PA: Nhưng các nhà Siêu thực, với tư cách cá nhân, có ảnh hưởng quan trọng đến ông, ở tư cách cá nhân nhà văn.

EJ: Rất quan trọng. Và tôi cảm thấy tác phẩm của tôi rất gần với họ. Tôi phải nói, tuy nhiên, rằng người dẫn đạo đầu tiên của tôi là Max Jacob. Max Jacob cho tôi những bài học vô cùng lớn về thơ ca. Chúng tôi gặp gỡ năm 1935 và tiếp tục thư từ qua lại cho tới chiến tranh, cho tới năm 1940. Tôi thực sự nợ ông ấy nhiều. Những nhà Siêu thực, như anh biết đấy, rất không công bằng với Max vì những đức tin tôn giáo của ông. Nhưng chúng ta hiện giờ đang bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của ông, bắt đầu thấy tác phẩm của ông có tư cách một bước ngoặt trong thơ ca. Ông quan tâm tới việc tra vấn ngôn ngữ nhiều hơn rất nhiều so với những người trong giới mình. Apollinaire, chẳng hạn, là nhà thơ trữ tình vĩ đại, một nhà thơ của tiếng ca thuần khiết, nhưng Max hoàn toàn khác, và có một đặc tính rất cảm động trong cách ông tra vấn ngôn ngữ. Mọi người nghĩ về ông như một tên hề, như kẻ nào đấy đùa nghịch với những trò chơi chữ, những chuyện đùa cợt, những thủ thuật ngôn ngữ, nhưng không phải vậy. Sự thể chỉ là thế trên bề mặt thôi. Bên trong, Max là một người thống khổ, chịu đựng một nỗi đớn đau ghê gớm… Còn về những nhà Siêu thực, tất nhiên, họ có một ảnh hưởng rất lớn tới tác phẩm của tôi. Nhưng dù vậy, vẫn có những [ảnh hưởng] quan trọng khác. Lúc này khi tôi nghĩ về những bài thơ thời kỳ đầu của mình, tôi bị ấn tượng bởi điều mà chúng dường như báo trước cho The Book of Questions. Trong những cách ngôn, chẳng hạn, mặc dù lúc ấy tôi không biết… Nhưng, như anh nói, tôi không nghĩ tôi sẽ viết The Books of Questions nếu tôi còn ở lại Ai Cập. Nó xem sự chia cắt ấy trong cuộc đời tôi là trải nghiệm về Ai Cập, trải nghiệm về sa mạc, để bước vào sự viết của tôi theo cách của nó. Cuốn sách ra đời như kết quả của sự chia cắt ấy… như kết quả của việc tôi rời bỏ đất nước này vì tôi là người Do Thái. Một ngày tôi bị ra lệnh, hết rồi, ông phải rời đi. Được thôi. Đây là một thảm kịch be bé cho tôi và gia đình mình. Ở tầm mức riêng tư nó thực sự nghiêm trọng, tất nhiên, nhưng trên phạm vi nhân loại rộng lớn hơn, với tư cách như một phần của lịch sử đau thương Do Thái, nó không là gì hơn một bi kịch nho nhỏ. Nhưng mà tôi ở vào tình thế, không phải người Do Thái ngoan đạo cũng không phải một tín đồ Do Thái giáo, nhưng vẫn bị ép buộc phải rời đi chỉ vì tôi là người Do Thái.

PA: Ông được nuôi dưỡng trong một gia đình mộ đạo?

EJ: Không. Gia đình tôi có đời sống rất trưởng giả. Chúng tôi luôn coi mình là người Do Thái, nhưng chỉ thế thôi. Cha tôi không thực sự tin vào Chúa, và ông không mấy tuân theo những thực hành Do Thái giáo. Chúng tôi được nuôi nấng trong một không khí hoàn toàn tự do.

PA: Và ông không nhận được bất cứ hình thức giáo dục Do Thái nào?

EJ: Không, không bất kể hình thức nào. Nhưng cái thực tế đột nhiên sống một điều kiện, điều kiện là người Do Thái, đã thay đổi nhiều điều với tôi. Tôi đối mặt với nhiều vấn đề mới, và điều này dẫn đến một kiểu đặt câu hỏi hoàn toàn mới với tôi. Ở nghĩa nào đó chuyện này là nguồn gốc của những loạt sách ra đời sau đó.

PA: Một thời gian dài trước Khủng hoảng kênh đào Suez, tất nhiên, là Đại chiến Thế giới. Tình trạng của những người Do Thái ở Châu Âu suốt giai đoạn đó không cần phân tích từ chúng ta ngày hôm nay. Nhưng tình trạng ở Ai Cập, mặt khác, lại không được biết rõ lắm.

EJ: Nó là một thảm kịch, như ở mọi nơi khác. Nhưng sự phân chia nào đó về dân cư… Người dân gốc Ai Cập, không ủng hộ Đồng minh cũng không ủng hộ người Đức. Những lãnh đạo quốc gia thân-Đức là do cái nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của hoàng gia. Nhưng Ai Cập cũng bị chiếm đóng bởi người Anh lúc đó, và ở mức độ nào đó, mặc dù chúng tôi biết chiến tranh đang diễn ra, nhưng chúng tôi không cảm thấy nó. Cuộc chiến không trở thành sự thật với chúng tôi cho đến cuộc tiến quân của tướng Rommel. Vào thời điểm đó tôi thành ra nhập cuộc rất tích cực… và cuối cùng tới Palestine với quân Anh. Tôi ở lại đó chín tháng. Chỉ sau đó chúng tôi mới thực sự nhận thức được về hết thảy những thứ đang lâm nguy trong cuộc chiến. Chúng tôi hiểu hậu quả sẽ là gì nếu quân Đức thắng… Nhưng, chúng tôi không bị buộc phải sống trong hoàn cảnh như nhiều người ở châu Âu buộc phải sống. Không có cuộc chiếm đóng nào của người Đức, không ai bị trục xuất… theo nghĩa nào đó chúng tôi được bảo vệ bởi người Anh. Ngay từ năm 1935, tuy nhiên, chúng tôi có một vài hình dung về sự tàn ác của những trại tập trung từ những thuyền tị nạn của người Do Thái đậu ở Pord Said; chúng tôi đã thấy những phụ nữ mà cánh tay và cổ của họ bị bỏng bởi xì gà và thuốc lá, và người ta nói với chúng tôi nhiều về chuyện đang xảy ra. Như nhiều người khác, tôi hoạt động tích cực để chống lại sự trỗi dậỵ của chủ nghĩa Phát xít Đức. Có nhiều cuộc diễu hành và biểu tình… nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những gì đang xảy ra.

PA: Ông hầu như có thể nói rằng hoàn cảnh của mình giống với hoàn cảnh của những người Do Thái Hoa Kỳ. Ông biết những gì đang xảy ra, nhưng không trực tiếp bị đe dọa.

EJ: Vâng, đúng rồi. Đó là một so sánh chuẩn xác. Ở Ai Cập, chuyện không bắt đầu tệ đi cho tới khi chiến tranh kết thúc. Sau tuyên bố thành lập của Nhà nước Israel năm 1948, tình hình của người Do Thái trở nên rất xấu. Những cuộc tấn công tuyên truyền bắt đầu. Đầu tiên họ chống lại “những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái,” nhưng rất nhanh chóng từ “những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái” được thay thế bằng từ “Do Thái.” Người ta, người Ai Cập, không thực sự biết những gì đang xảy ra. Khi họ được kêu gọi đi biểu tình hoặc tấn công và đốt phá những cửa hiệu của người Do Thái, tất nhiên họ sẽ làm theo, nhưng chỉ bởi vì họ sống trong cảnh rất khốn khó và đó gần như là một cách được ủng hộ chính thức cho họ, để trút những nỗi thất vọng của mình. Nhưng thực ra tôi không thể nói rằng người nghèo cực kỳ bài Do Thái. Trí thức và sinh viên dẫn đầu cuộc tấn công… trộn lẫn một cách lộn xộn những tư tưởng của chủ nghĩa Marx, Chủ nghĩa Phát xít Đức, và cả món trộn salad những thứ khác. Người Do Thái tất yếu trở thành đối tượng đầu tiên bị tấn công bởi vì Isarel được coi là kẻ thù của cả Trung Đông, và tất cả các quốc gia Ả-rập. Các quốc gia Ả-rập không thể hòa thuận với nhau, nên Isarel trở thành con dê tế thần thuận tiện. Và dần dà người Do Thái trở thành người Irasel trong ý nghĩ của họ… không còn phân biệt nữa. Với mỗi cuộc chiến, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vào khoảng năm 1956, tình thế không còn như cũ được nữa.

PA: Ông có bị lôi cuốn bởi ý tưởng về Irasel không? Giữa năm 1948 và 1956, chẳng hạn, ông có từng nghĩ đến chuyện chuyển tới đó?

EJ: Không, không bao giờ. Tôi không bao giờ nghĩ về Israsel như một giải pháp của vấn đề. Không phải tôi chống Israsel… hoàn toàn ngược lại. Nhưng tôi nghĩ sẽ sai lầm khi coi nó là đáp án duy nhất… Có một Irasel của lịch sử Do Thái, giấc mơ lâu đời về Irasel, và một Nhà nước Irasel, một quốc gia nằm trong mọi quốc gia khác trên thế giới ngày hôm nay. Chúng không phải là một.

PA: Pháp, bởi vậy, trở thành một lựa chọn không thể tránh khỏi.

EJ: Không thể tránh khỏi bởi vì tiếng Pháp là ngôn ngữ của tôi, ngôn ngữ những cuốn sách của tôi. Tôi được chào đón nồng hậu ở Pháp bởi tất cả mọi người. Nhưng tôi không thể nói rằng Pháp là đất nước của tôi, là xứ sở của tôi… Tôi cảm thấy chút thất lạc khi sống ở Paris, mặc dù tôi có những người bạn ở quanh và cảm thấy thoải mái ở đó. Nó không phải xứ sở tôi, không phải nơi chốn của tôi, nơi chốn thực sự của tôi. Theo một nghĩa nào đó, tôi bây giờ sống ngoài hoàn cảnh Do Thái về mặt lịch sử. Sách trở thành nơi chốn thực sự của tôi… gần như nơi chốn duy nhất của tôi. Ý tưởng này trở nên rất quan trọng với tôi, trong chừng mực nào đó, thực sự, rằng tình thế là một nhà văn dần dần trở nên gần như, với tôi, giống như tình thế là người Do Thái. Tôi cảm thấy rằng mỗi nhà văn theo cách nào đấy trải nghiệm điều kiện là người Do Thái, bởi vì mỗi nhà văn, mỗi người sáng tạo, sống trong một tình thế tương tự sự lưu đày. Và đối với chính bản thân người Do Thái, người Do Thái sống ngoài điều kiện của người Do Thái, sách trở thành không chỉ là chốn duy nhất nơi anh ta có thể dễ dàng nhất tìm thấy chính mình, mà còn là nơi anh ta tìm thấy sự thật của mình. Và sự tra vấn sách với người Do Thái, như anh biết, là cuộc tìm kiếm sự thật. Và sự thật này cũng là sự thật của nhà văn. Khi nhà văn tra vấn sách, chỉ là để bước vào sự thật của cuốn sách, cũng là sự thật của anh ta.

PA: Những ý tưởng này đã hình thành cho ông như thế nào?

EJ: Thật ra, nó rất lạ lùng. Khi tôi tới Pháp tôi có mười bốn năm sáng tác thơ sau lưng, và khi cuốn sách xuất bản tôi tất nhiên rất hài lòng về nó. Nhưng cùng lúc, tôi thấy rằng một phần của cuộc đời mình đã chấm dứt, rằng một trang mới đã mở ra. Nó như thể tôi đang sống lại cái trải nghiệm về sa mạc… như thể tôi đột nhiên đi tới một trang giấy trống… Ở Ai Cập tôi từng viết một vài kịch bản, và tôi tự nghĩ rằng có lẽ đây là loại sáng tác bây giờ mình sẽ viết. Tác phẩm mà sau đó tôi đặt tên là The Book of Questions đến với tôi rất chậm chạp… đầu tiên trong dạng thức một vở kịch mà mang ngày càng nhiều giá trị biểu tượng, và sau đó trong dạng thức những trầm tưởng không có hình thù xác định. Nó hoàn toàn rất mơ hồ. Cuối cùng tôi nhận ra rằng tác phẩm này chẳng liên quan gì đến kịch bản sân khấu hết. Nhưng nếu nó không phải kịch bản, thì nó là cái gì? Dần dần, như thể mặc xác tôi, cái vật thể này bắt đầu nổi lên, cuốn sách tôi theo đuổi trong bóng tối tuyệt đối bắt đầu hình thành… bằng cách thức đặt câu hỏi, bằng cách thức của một câu truyện bi thảm tôi muốn thể hiện theo đúng cách tôi cảm thấy nó bên trong mình, một câu chuyện tôi muốn kể mà chưa từng thực sự kể nó. Như thể là có những câu chuyện không phải được kể để được biết và được hiểu. Và đây là cái gì đó hoàn toàn mới mẻ theo một nghĩa hình thức: rằng không có một cách thức mà anh phải theo để kể một câu chuyện. Nhưng ý tưởng về một câu chuyện tự thân không thỏa mãn tôi… nó thực sự không phải cái tôi theo đuổi. Nhưng xung quanh câu chuyện tôi có trong đầu, là sự tra vấn, và ngày càng trở thành cái ám ảnh tôi về cuốn sách. Như thể cuốn sách trở thành cái gì đó mà trong đấy tôi có thể cuối cùng tìm thấy chính mình, trong đấy tôi tìm thấy vũ trụ của mình, như thể cuốn sách sẽ trở thành một thứ huyễn ảo nào đó mà ở đấy toàn bộ cuộc phiêu lưu sẽ bắt đầu.

PA: Những giáo sĩ đã xuất hiện vào lúc ông nghĩ về cái kịch bản hay chưa?

EJ: Không, có những nhân vật. Nhưng họ trở thành những giáo sĩ là để dành cho cuốn sách, bởi vì, như anh biết đấy, những giáo sĩ, là những nhà diễn giải, những nhà diễn giải xuất sắc nhất của cuốn sách. Và một khi những giáo sĩ có mặt ở đó, tôi cần toàn bộ đám đông của họ. Bản chất của sự tra vấn yêu cầu điều đó. Anh không thể nói trắng và đen cùng một lúc; anh cần một người nói trắng và người khác nói đen… Có lẽ cách tốt nhất để giải thích điều này là lý giải từ khía cạnh cấu trúc tổng thể.

PA: Vâng, mời ông.

EJ: Ở bộ ba đầu tiên – The Book of Questions, The Book of Yukel, và Return to the Book – những ám chỉ tới Do Thái giáo rất dễ nhận ra. Ở trung tâm của những cuốn sách này có một câu chuyện, câu chuyện của hai người thanh niên… hai người yêu nhau bị lưu đày. Họ trở về từ những trại tập trung: Cô phát điên, và tiếng kêu khóc của cô trở nên không thể phân biệt với tiếng kêu khóc của một dân tộc bị hành hạ, một dân tộc bị hành hạ qua hàng thế kỷ; trong cuốn thứ hai, anh tự sát, và mọi chuyện xảy ra như thể sau cái chết của anh. Nhưng cái sau-cái chết này cũng là cái trước-cái chết… giống như ký ức, như thể luôn có điều gì đó ở đằng trước. Rồi những giáo sĩ tới… để suy ngẫm, để vặn hỏi, vân vân… Nhưng không thực sự là như vậy. Nó là một đại thoại trong thời gian và ngoài thời gian. Và những người ấy ở đó, đôi khi bị chia tách bởi nhiều thế kỷ, có thể nói chuyện với nhau chỉ trong hình thức của những câu hỏi.

PA: Tại sao lại thế?

EJ: Bởi vì – Blanchot đã lưu ý đến điều này… trong một bài báo viết cho NRF in năm 1964 – bởi vì khi hai người nói chuyện, một người phải luôn giữ im lặng. Chúng ta đang nói chuyện lúc này, chẳng hạn, và khi tôi đang nói những lời này anh buộc phải giữ im lặng. Nếu chúng ta nói cùng lúc, không ai trong chúng ta có thể nghe người khác đang nói gì. Bây giờ, trong suốt sự im lặng mà anh tự áp đặt lên mình này, anh luôn đặt những câu hỏi và những câu trả lời trong đầu, bởi vì anh không thể liên tục cắt ngang lời tôi. Và khi tôi tiếp tục nói, anh xóa những câu hỏi khỏi đầu mình: à, anh nói với mình, đó là điều ông ấy muốn nói, được thôi. Nhưng nếu tôi tiếp tục nói trong thời gian dài và chúng ta chia tay trước khi anh có cơ hội hồi đáp? Khi chúng ta gặp lại, anh sẽ không quay trở lại với một câu trả lời, anh sẽ trở lại với một câu hỏi. Đây là cách những giáo sĩ trả lời nhau. Mỗi người đã loại bỏ những câu hỏi, và bởi vậy anh ta có thể nói: đây là cái tôi nghĩ. Họ không phải luôn đưa ra những câu hỏi, đôi khi, họ đưa ra những câu trả lời. Nhưng câu trả lời này ngay lập tức gợi lên một câu hỏi từ một người khác. Toàn bộ cuốn sách vận hành theo cách này. Hội thoại thứ nhất bị ngắt quãng, và sau đó hội thoại thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư… và đột nhiên, hội thoại thứ nhất, dường như đã thất lạc, được bắt đầu lại ở năm mươi trang sau sau khi hàng nghìn chuyện khác đã xảy ra.

PA: Ông mất ba bốn năm để viết The Book of Questions.

EJ: Đúng vậy. Tôi viết nó từ năm 1959 đến 1962, và nó được xuất bản năm 1963. Nhưng, như tôi nói từ trước, tôi làm việc hoàn toàn trong bóng tối. Và khi cuốn sách xuất hiện, không ai thực sự hiểu bản chất nó đích thực là cái gì. Ý tưởng về récit éclaté [câu chuyện bị phân mảnh] chưa từng được thảo luận ở Pháp lúc đó, và đó [lại] là cách cuốn sách đã, yêu cầu được đọc… hiện, yêu cầu được đọc. Có một câu chuyện, nhưng nó chỉ được đưa ra trong những đoạn be bé, và có hai nhân vật, Sarah và Yukel – nhưng Yukel là song đôi. Anh vừa là người trần thuật (người viết cuốn sách) vừa là nhân vật chính. Nhưng họ là một, họ mang cùng một cái tên. Và, không có một nơi chốn, cuốn sách không ngụ ở bất cứ chốn nào, bởi vì những nhân vật này đến từ những thời đại khác nhau. Những giáo sĩ – họ là những giáo sĩ tưởng tượng, hoặc [những giáo sĩ] trên một tiến trình [thời gian]… có cả những giáo sĩ cổ đại và những giáo sĩ hiện đại. Những giáo sĩ cổ đại là người nói những điều giản dị nhất, và những giáo sĩ gần chúng ta nhất về mặt thời gian nói những điều phức tạp nhất… và cũng có những kiểu in khác nhau trong cuốn sách… những ngoặc đơn và in nghiêng, chẳng hạn. Trong tất cả những cuốn sách của tôi có một cuốn sách nằm trong một cuốn sách. Có một phần ở trước cuốn sách… nó nằm trong cuốn sách, nhưng nó cũng là một cuốn sách chưa từng được viết. Ở trước cuốn sách là ở trong trạng thái tiềm năng, là có khả tính sinh thành ra một cuốn sách. Nhưng rồi cuốn sách tự sinh thành chính nó, chống lại tất cả những cuốn sách khác chúng ta mang trong mình. Và mọi chuyện cứ tiếp tục như thế. Đó là một công việc mang tính hoàn lưu. Mỗi câu hỏi dẫn tới một câu hỏi khác.

PA: Cách trình bày bản in những cuốn sách của ông là một trong những điều gây ấn tượng với độc giả một cách ngay lập tức nhất… Nó tạo ra nhịp điệu của tác phẩm và làm tăng cảm giác về sự phân mảnh mà ông đã tạo ra trong chính văn bản. Những thay đổi [về kiểu in] được thực hiện theo cách thức biểu tượng, hay chúng gần như là vô thức?

EJ: Đôi khi nó chỉ ngẫu nhiên, nhưng thường xuyên hơn nó yêu cầu một lao động thực sự. Không được dự tính từ đầu, nhưng khi văn bản tiến triển, có những thứ tới từ một chốn ngày càng xa xăm, như thể từ cuốn sách khác, hoặc từ một cuốn sách nằm trong cuốn sách… và đây là những chữ được in nghiêng. Những đoạn văn dài hơn thuộc về chính cuốn sách, cuốn sách đang được viết, và chúng ở đó để tiếp tục câu chuyện, hoặc để tiếp tục sự tra vấn… nhưng những chữ được in nghiêng cũng là một cuốn sách được tạo ra cùng lúc với cuốn sách đang được sinh thành. Luôn có một cuốn sách đang cưu mang một cuốn sách, [chính nó cũng] đang cưu mang một cuốn sách, [cuốn sách này lại] đang cưu mang một cuốn sách… Về sự phân bố của những đoạn văn ngắn và dài này, thì đó là vấn đề nhịp điệu. Điều này rất quan trọng đối với tôi. Một đoạn trọn vẹn, một đoạn trữ tình, là cái gì đó mang một hơi thở khoan khoái, cho phép anh hít thở thật sâu. Người ta nói rằng Nietzsche viết những cách ngôn là bởi chứng đau đầu dữ dội của ông khiến ông không thể viết một mạch những đoạn văn dài. Điều này dù có đúng hay không, thì tôi vẫn thực sự tin rằng một nhà văn viết với toàn bộ thân thể của anh ta. Anh sống với thân thể mình, và cuốn sách trên tất thảy là cuốn sách của thân thể anh. Trong trường hợp của tôi, cách ngôn – thứ mà anh có thể gọi là những đoạn trần trụi, xuất phát từ một nhu cầu được bao quanh những từ với một khoảng trắng để chúng hít thở. Như anh biết, tôi bị hen, và có lúc thở là việc rất khó khăn với tôi. Bằng việc hà hơi vào những ngôn từ của mình tôi thường có cảm giác rằng tôi đang tự giúp mình hít thở. Thật lạ lùng cái cách ta sống cùng với hành vi viết của mình… Tôi nhớ tới một việc xảy ra cách đây vài năm. Tôi vừa viết xong Books of Questions tập bảy… là vào tháng Tư. Tháng Năm luôn là lúc bệnh hen của tôi khó chịu nhất, nhưng lúc này Tháng Năm đến và đi và tôi gần như không thấy chút khó chịu nào. Tháng Sáu tới, tôi vẫn cảm thấy khỏe. Bác sĩ của tôi, người tình cờ là bạn cũ, ở nhà tôi một ngày, và tôi nói với anh ấy về điều lạ lùng là tôi cảm thấy rất khỏe vào thời điểm này trong năm. Anh ấy đáp rằng có lẽ vì tôi đã viết xong loạt sách ấy và sự khổ não của công việc, tạm thời đã tan biến… Ít lâu sau tôi khởi hành đi nghỉ – tới biến, nơi tôi luôn thấy khỏe khoắn – và khi trở lại Paris vào tháng Chín, luôn là một tháng dễ chịu với tôi. Vào lúc đó nhà xuất bản gọi cho tôi và yêu cầu tôi viết prière d’insérer [lời giới thiệu in ở bìa sau cuốn sách - ND]. Loại chú giải này luôn là một việc gây bực mình, thường rất khó khăn… nhưng sau hai hay ba ngày tôi đã viết xong. Câu cuối của nó là: “Với cuốn sách này, tập thứ bảy của loạt sách, The Book of Questions sẽ kết thúc.” Đêm đó tôi chịu một trong những cơn hen dữ dội nhất. Và cụm từ “kết thúc” đã gây ra nó. Nó ném tôi vào một nỗi hoang mang cùng cực. Bác sĩ phải tới vào ba giờ sáng để chích thuốc cho tôi. Tôi gần như là không thể thở được… Nếu tôi nói tất cả những điều này, nó chỉ thể hiện rằng chúng ta làm việc với thân thể của mình, với hơi thở của mình, nhịp điệu của mình, và rằng viết theo nghĩa nào đó diễn lại tất cả những điều này. Viết hoạt động theo hai hướng. Cả triển hạn và co rút lại. Đây là điều tôi học được từ Max Jacob, và nó làm tôi mất một thời gian dài để hiểu. Khi tôi còn rất trẻ mười chín, hai mươi, tôi gửi cho ông ấy mấy bài thơ, và ông trả lời tôi rằng chúng quá rộng, tôi nên bó hẹp lại. Bởi vậy tôi bó hẹp chúng lại, và ông hồi đáp rằng chúng quá chật hẹp, tôi nên mở rộng chúng ra. Tôi hoàn toàn bối rối. Tôi mất một thời giai dài để hiểu rằng cả hai đều có giá trị, nhưng điều này có nghĩa phong cách tức là gì, điều này là bản chất của viết. Anh phải viết giống cách anh thở.

PA: Ông từng nói với tôi rằng khi ông đang viết The Book of Questions ông có cảm giác đang chép chính tả.

EJ: Không hoàn toàn thế… nhưng cũng gần như vậy. Phần lớn của cuốn sách, như anh biết được viết trên tàu điện ngầm lúc tôi đi về nơi làm việc, và tất nhiên có nhiều người ở quanh. Nó như thể là… như thể cái gì đó áp đặt cuốn sách này vào tôi. Nhưng tôi không tin vào thần khải, hay bất cứ gì tương tự. Cuốn sách lộ hiện từ điều gì đó vốn đã nằm sâu trong tôi.

PA: Những bài thơ thời kỳ đầu của ông có được viết theo cách này? Hay có gì đó thực sự khác bắt đầu với ông cùng cuốn The Book of Questions?

EJ: Có điều gì đó luôn khiến tôi tò mò liên quan đến việc sáng tác thơ… ấy là tôi luôn có thể nói một bài thơ có thể dài bao nhiêu thậm chí trước khi tôi viết. Tôi biết liệu nó sẽ dài ba trang, hoặc sáu trang, hoặc nửa trang… Cách duy nhất chuyện này có thể giải thích, tôi nghĩ, bởi thực tế khi anh bắt đầu viết một bài thơ [thì] nó đã được viết bên trong anh rồi, dù anh không biết về nó. Chuyện hoàn toàn rất lạ lùng xảy ra với tôi. Tôi có thể bắt đầu viết một bài thơ, chẳng hạn, viết một hai cụm từ, rồi đi ra ngoài, đi xem chiếu bóng chẳng hạn, bất kể đâu, và biết rằng khi tôi về nhà tôi sẽ có thể viết tiếp. Không có một phút nào bị chia tách khỏi bài thơ. Như thể nó tiếp tục làm việc bên trong tôi. Tôi nhớ có một bài thơ dài mười trang. Một tối tôi về nhà và đi ngủ. Nửa đêm tôi tỉnh giấc. Vợ tôi hỏi, chuyện gì thế, anh ốm à? Tôi bảo không, anh sẽ viết. Và tôi ngồi vào bàn và bắt đầu viết bài thơ này. Sau một lúc, tôi trở lại giường. Ngày hôm sau tôi lại tiếp tục như thể tôi chưa từng rời bút. Trở lại giường, tôi bảo với vợ: đây là bài thơ sẽ dài mười trang. Và nó hóa ra mười trang thật, chuẩn xác. Anh có thể giải thích chuyện này thế nào? Nó bất khả tri. Thứ gì ấy đã làm việc trong chúng ta và rồi sự việc nhỏ nhặt nào ấy, một cảm xúc, một gặp gỡ tình cờ khởi động nó… Đó là lý do sự cạn dòng kéo dài trong thơ ca đặc biệt gây đau đớn, những khi anh không thể viết gì cả. Anh đang tiến triển rất thuận lợi. Anh viết được mười bài thơ, hai mươi bài thơ chỉ trong vài tháng, và anh cảm thấy tuyệt diệu. Và rồi, đột nhiên, anh không thể viết một cái gì cả. Anh không thể thậm chí nhấc bút lên, anh không thể viết một dòng. Vào những lúc ấy anh tràn đầy một nỗi hồ nghi khủng khiếp. Anh sợ anh có thể không bao giờ lại có thể viết. Đây là điều gì đó lạ thường, điều gì đó mà hầu hết mọi người không hiểu. Bất cứ khi nào anh viết anh đang đặt mình vào nỗi hiểm nguy không bao giờ viết được nữa… Và rồi, đôi khi, một bài thơ mới tìm đến, và anh cảm thấy hoàn toàn được giải thoát. Anh nói với mình, cuối cùng nó đã trở lại. Và anh viết và viết, và cuối cùng anh phát hiện ra nó không giống như bất kể thứ gì… Viết đến vào thời điểm của riêng nó… anh không bao giờ có thể ép buộc nó.

PA: Liên quan đến yếu tố tự sự trong The Book of Questions… bản chất phân mảnh của tự sự. Nó là vấn đề lựa chọn, hay ông vì lý do nào đó thấy rằng kể một câu chuyện theo cách truyền thống là bất khả?

EJ: Nó không phải là lựa chọn cũng không phải là chuyện bất khả. Kể một câu chuyện, theo ý tôi, là đánh mất nó. Nếu tôi kể cho anh câu chuyện đời tôi bằng chi tiết, chẳng hạn, nó sẽ thoát đi trong những chi tiết tôi chọn để kể lại. Trong cuộc sống anh không có lựa chọn. Anh làm sao biết cái gì là quan trọng nhất? Một câu chuyện giới hạn cuộc đời của một người thành những thứ người khác có thể kể về anh ta. Anh ra cao lớn, anh ta nhỏ con, anh ta thế này, anh ta thế kia. Thậm chí nếu tất là những điều này là đúng đi nữa, vẫn còn cái gì đó khác nữa. Nhưng nếu tôi nói: anh ta sinh ra ở đây, anh ta chết ở đây, cả một cuộc đời bắt đầu hình thành, một cuộc đời mà anh có thể tưởng tượng ra…

PA: Vậy, điều mà ông đang nói, là tự sự truyền thống không hấp dẫn ông?

EJ:… The Book of Questions dựa trên ý tưởng chúng ta tất thảy sống với những từ ám ảnh mình. Thực sự những từ giàu cảm xúc như “chết” hay “tình yêu,” chẳng hạn, không có những ý nghĩa giống nhau đối với mọi người. Đằng sau những từ này chúng ta thấy những câu chuyện của mình về cái chết và tình yêu. Với câu chuyện trong cuốn sách, tôi đơn giản muốn nhấn mạnh cuộc sống và bi kịch của đôi lứa này. Nó không phải vấn đề kể câu chuyện về cuộc sống của họ, bởi vì cuối cùng không phải cuộc đời họ là thứ hấp dẫn tôi… tôi quan tâm nhiều đến cái nội tại hơn là việc miêu tả cái bên ngoài. Sự tra vấn xung quanh câu chuyện đem đến cho nó chiều kích của mình. Nhưng câu chuyện ở đó chỉ giống như một cái cớ sơ giản. Đối với người Do Thái, thật không may, sau tất cả những trại tập trung và tất cả những nỗi kinh hoàng, nó là câu chuyện hoàn toàn vô vị. Không cần thiết để đi vào chi tiết. Khi anh nói: họ bị lưu đày, thế là đủ cho một người Do Thái để hiểu toàn bộ câu chuyện… tôi từng gặp một người đàn ông mất cả gia đình trong những trại tập trung. Chỉ ông ấy và con trai trốn thoát. Ông ấy nói với tôi điều này và sau đó tiếp tục nói về những chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi cảm thấy rằng ông đã nói với tôi toàn bộ cuộc đời mình, quá khứ, hiện tại, và thậm chí tương lai chỉ đơn giản bằng việc nói với tôi rằng: “Cả nhà tôi bị trục xuất. Chỉ con trai tôi và tôi trốn thoát.” Cuộc trò chuyện này gây một ấn tượng đặc biệt sâu sắc cho tôi bởi vì người đàn ông sau đó tiếp tục kể với tôi về con trai ông. Suốt cuộc phong tỏa Jerusalem, khi người Syria bắn phá những xe tải tiếp tế tới thành phố, con trai ông, chỉ mười năm hay mười sáu lúc ấy, xin cha cho phép trở thành người lái một trong những chiếc xe tử thần này. Người cha đồng ý. Và cậu bé bị giết. Và sau chuyện đó người cha lấy tên con mình. Tên ông là Ben Zvi, và vì tôi hỏi tên ông nên ông kể tôi nghe câu chuyện. Nó là chuyện tôi sẽ không bao giờ quên… Và nó cho thấy rằng, tôi nghĩ, chỉ kể điều đó là đủ để tiết lộ toàn bộ thảm kịch.

PA: Ông nói về những từ ám ảnh. Có nhiều từ và chủ đề liên tục được nhắc lại, trên gần như mỗi trang của tác phẩm: sa mạc, vắng mặt, im lặng, Chúa, hư vô, hư không, sách, ngôn từ, lưu đày, cuộc sống, cái chết… và nó khiến tôi có ấn tượng rằng mỗi từ trong số đó theo nghĩa nào ấy là một từ nằm ở mặt trái của lời, giống như một giới hạn, một cái gì đó gần như không thể bày tỏ.

EJ: Chính xác. Nhưng đồng thời, nếu đây là những từ không thể bày tỏ, chúng cũng là những từ không thể bị làm rỗng nghĩa. Chúng ta không thể loại bỏ chúng. Tôi thấy không thể thoát khỏi từ “Do Thái”, chẳng hạn, hoặc từ “Chúa.” Điều này gây nên một hiểu lầm lớn lúc đầu. Tại sao [lại là] Chúa, người ta hỏi, khi ông không tin vào Chúa? Có những người ở Pháp, anh biết đấy, họ tự gọi mình là những nhà duy vật, lo sợ những từ như “Chúa”. Tôi thấy điều này thật ngốc nghếch. Từ “Chúa” trong từ điển, nó là một từ như bao từ khác. Tôi không sợ từ “Chúa”, vì tôi không sợ ông Chúa này… Điều tôi ngụ ý qua [từ] Chúa trong tác phẩm của tôi là điều gì đó mà chúng ta phải đối mặt, một vực thẳm, một hư không, cái gì đó mà chúng ta bất khả kháng. Nó là một khoảng cách… khoảng cách này luôn nằm giữa các sự vật… Chúng ta tới nơi chúng ta đang đi tới, và vẫn còn đó cái khoảng cách phải đi tiếp này. Và đến một thời khắc khi anh không thể đi tiếp cái khoảng cách ấy nữa; anh tới đó và anh nói với mình, hoàn thành rồi, không còn ngôn từ nữa. Chúa có lẽ là một từ không có từ. Một từ không mang nghĩa. Và điều lạ thường là, trong truyền thống Do Thái giáo, Chúa là vô hình, và như một cách nhấn mạnh sự vô hình này, ông ấy có một cái tên không thể phát âm được. Điều tôi cảm thấy thực sự kỳ diệu là khi anh gọi thứ gì đó là “vô hình,” thì anh đang định danh nó, chuyện này có nghĩa là anh gần như đưa ra một đại diện của cái vô hình. Nói cách khác, khi anh nói “vô hình,” anh đang chỉ ra ranh giới giữa cái hữu hình và cái vô hình; có những từ ngữ dành cho chuyện ấy. Nhưng khi anh không thể nói ra lời, anh đang đứng trước hư vô. Và với tôi đây thậm chí là điều có tác động mạnh hơn bởi vì, cuối cùng, có cái hữu hình nằm trong cái vô hình, giống như có cái vô hình nằm trong cái hữu hình. Và điều này, điều này xóa bỏ mọi thứ.

PA: Theo nghĩa nào đó, tất cả những từ này trở thành cùng một từ, và chúng rốt cuộc thủ tiêu nhau.

EJ: Chúng thủ tiêu nhau trong sự tra vấn chính mình, trong một tiến trình đi về phía hư không. Ở một đoạn tôi viết: “sự thật có lẽ là cái hư không này,” nghĩa là nó [cái hư không này] là bất cứ thứ gì nằm trong giới hạn của sự thật. Đây là một sự xóa bỏ liên tục, một sự bóc tách liên tục những lớp vỏ, sự tước bỏ cái tên cho đến khi cái tên này trở thành một cái tên không thể phát âm được… Điều này chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa hư vô, dù những ai đó đã buộc tội tôi là hư vô chủ nghĩa. Nó chính là bản chất tác phẩm của tôi… Sự tra vấn liên tục này về sự vật, là để nói, cuối cùng, căn tính là gì? Chúng ta là gì? Tên là gì? Cái tên này chúng ta mang vác theo mình, nó là cái gì?… Tôi không dám đưa ra bất cứ câu trả lời nào, tôi đặt câu hỏi. Nếu tôi cho câu hỏi một vị thế đặc biệt, đó là bởi tôi thấy có gì đó không thỏa mãn về bản chất của câu trả lời. Nó không bao giờ có thể hoàn toàn đủ không gian cho chúng ta. Và, điều này rất quan trọng, tôi cảm thấy rằng những câu trả lời có trong nó một dạng thức nào đó của quyền lực. Trái lại câu hỏi là một hình thức của phi-quyền lực. Nhưng một kiểu phi quyền lực có tính chất lật đổ, một loại… mà sẽ đánh đổ quyền lực. Quyền lực không thích những tranh luận. Quyền lực khẳng định, và nó chỉ có bạn bè hoặc kẻ thù. Trái lại, câu hỏi nằm ở giữa… Một người nghiên cứu trẻ đang viết một bài luận về những cuốn sách của tôi một lần hỏi tôi liệu có những bài học nào được rút ra từ tác phẩm của tôi. Tôi đã trả lời: không có bất cứ bài học nào cả. Dường như với tôi nếu những cuốn sách này nói cho độc giả bất cứ điều gì, thì điều ấy sẽ là anh ta nên mang lấy gánh nặng của những điều làm anh bất an, anh nên tiếp tục cuộc tra vấn của mình cho đến tận cùng. Điều đó có nghĩa là đặt chính mình vào sự tra vấn, có phải không? Tới tận cùng.

PA: Điều này có nghĩa, nói một cách khác, không có một kết cục.

EJ: Đúng vậy, không có kết cục cho nó. Có một số người, tất nhiên, cuối cùng tìm được sự yên bình nào đó… Nhưng tôi không bao giờ tìm được sự yên bình này. Dường như tôi là một kẻ bị buộc phải đặt những câu hỏi. Và trong những cuốn sách của tôi, mọi thứ thực sự quan trọng hay cốt yếu với tôi, tôi nghĩ, đều bị tra vấn. Sau bộ ba đầu tiên của The Book of Questions – trong đó những ám chỉ tới Do Thái giáo là rất dễ nhận ra – hai cuốn sách tiếp theo YaëlElya đề cập đến mối quan hệ giữa nhà văn và ngôn từ của anh ta. Nó trở nên ngày càng mang tính riêng tư… Loạt sách ấy, tiếp tục qua Aély, kết thúc với El, một dấu chấm, El, ou le dernier livre [cuốn sách cuối cùng]. Dấu chấm, hoặc một nốt chấm, trên bìa cuốn sách và thực sự là tiêu đề. Nó là vòng tròn khả dĩ nhỏ bé nhất, vòng tròn trở thành một nốt chấm, hay một dấu chấm hết, một vòng tròn nằm trong một vòng tròn. Trong Kabbala, viết rằng “Chúa tự hiện thân trong một dấu chấm,” và bằng việc ám chỉ này, toàn bộ cái tác phẩm về sự hủy tạo dường như đã phơi bày một toàn thể. Nhưng cái toàn thể này không bao giờ có thể được biểu hiện. Toàn thể là một ý tưởng… và nó có thể chỉ được thể hiện qua những phân mảnh… Chẳng hạn, chúng ta ngồi trong phòng này và không thể nhìn thấy cả ngôi nhà. Nhưng chúng ta biết rằng chúng ta ở trong ngôi nhà. Điều tương tự xảy ra trong cuốn sách. Chúng ta biết rằng chúng ta ở trong một thứ gì đó rộng lớn, nhưng ở mỗi thời khắc chúng ta chỉ có thể thấy cái ở trước mắt mình… Toàn thể là thứ gì đó chúng ta tạo lập lại cho chính mình thông qua tất cả những phân mảnh này, bởi vì những phân mảnh này là thứ cung ứng cái hữu hình. Tương tự thế, một cuốn sách có thể được đọc là nhờ những từ. Ngôn từ cho phép chúng ta đọc sách, không phải sách cho phép chúng ta đọc từ. Cuốn sách, tất nhiên, là nơi trong ấy từ tiến triển, nhưng khi chúng ta đi tới, là từ, từ, trong cái hư không này, trong khoảng trống giữa từ và từ tiếp theo, khiến sự đọc thành khả tính. Sự đọc của chúng ta diễn ra trong chính khoảng trắng giữa các từ, vì khoảng trắng này gợi chúng ta nhớ về khoảng trắng rộng lớn hơn trong đó từ tiến triển.

PA: Khi nói về “từ” [“the word”], tất nhiên, chúng ta sẽ vấp phải chuyện liên quan đến vấn đề dịch thuật. Trong tiếng Pháp có một phân biệt rạch ròi giữa parole [lời nói] và mot [từ], trái lại trong tiếng Anh chúng tôi chỉ có “word”. Có sự khác nhau giữa nói và viết.

EJ: Đó là lý do tôi luôn dùng từ vocable [từ vựng]. Trong tiếng Anh thì hơi khó một chút. “Vocable”? Nghe hơi nặng nề. Trong tiếng Pháp, cũng vậy, tuy nhiên, nó không phải một từ thông thường… Một trong những sự khác nhau căn bản giữa ngôn từ được nói và ngôn từ được viết là từ được viết có thể được nhìn thấy. Nói thì bị giới hạn hơn. Người ta không thể nói về cái sẽ xảy ra, mà chỉ có thể về cái đã xảy ra. Ở viết, tuy nhiên, anh có thể thấy mình ở trước sự thể nào đó sẽ bắt đầu. Anh bước vào một thời gian khác, một thế giới khác… vào thứ gì đó sẽ biểu đạt mình, mặc dù anh không biết nó chính xác là gì. Đây là lý do cho mọi sự dè dặt của tôi với lý thuyết văn chương. Tôi luận bàn nhiều vấn đề lý thuyết trong những cuốn sách này, tất nhiên, nhưng tôi không bao giờ bắt đầu với lý thuyết tiên nghiệm. Văn chương với tôi là một cuộc phiêu lưu thực sự, và nếu mọi thứ đã được vẽ sẵn cho anh từ trước, thì sao có thể là một cuộc phiêu lưu? Anh luôn luôn ở thời điểm khởi sự… và mỗi cuốn sách của tôi theo nghĩa nào đó là khởi đầu của một cuốn sách khác chưa từng được viết. Đó là lý do khi cuốn sách thứ hai triển hạn cuốn thứ nhất, nó cũng xóa bỏ cái phần mà bạn đã đọc.

PA: Chúng xóa bỏ, như cái cách những từ xóa bỏ nhau.

EJ: Đúng vậy. Chúng xóa bỏ sự đọc đó để bạn có thể có một sự đọc khác. Và quá trình này cứ tự lặp lại, không dứt… Ai đó gần đây đang nói về cuốn sách của Mallarmé… nhưng tôi nghĩ có một khác biệt lớn giữa cái tôi gọi là sách và sách của Mallarmé. Mallarmé muốn đặt tất cả tri thức vào trong một cuốn sách. Ông muốn tạo ra một cuốn sách vĩ đại, cuốn sách của những cuốn sách. Nhưng theo ý tôi cuốn sách này sẽ rất đoản mệnh. Bởi vì tri thức tự thân nó đoản mệnh. Cuốn sách có cơ hội sống sót, theo tôi, là cuốn sách tự hủy chính nó. Việc tự hủy chính mình cho cuốn sách khác, sẽ kéo dài sinh mệnh nó. Đây là trọng điểm, nếu anh có thể nói thế, về [quan điểm] hủy tạo sách của tôi.

PA: Nó tiếp tục mở rộng, trong khi sách của Mallarmé tự khép mình và cứ đóng kín.

EJ: Đúng thế. Mọi chuyện là do bản chất của việc đặt câu hỏi. Chỉ là phát ngôn ở mỗi thời điểm là không đủ, [nên] tôi phải đi xa hơn. Điều này dẫn tới một cái khác, cái mà đến lượt bị đặt thành câu hỏi… Cuốn sách mang tất cả những cuốn sách khác bên trong mình, và mỗi phân mảnh là khởi đầu của một cuốn sách, được tạo ra bên trong cuốn sách, và nó cùng lúc bị tách rời. Nó lụi tàn ngay cái lúc được khởi sinh… giống như chúng ta bỏ mình trong đứa trẻ chúng ta sinh thành, bởi đứa trẻ đó cuối cùng sẽ thay thế chúng ta… Như anh thấy, thái độ này rất khác với thái độ: chúng ta không tồn tại, tôi xóa bỏ tôi đi, cảm ơn và tạm biệt. Không. Tôi xóa bỏ mình để còn đi xa hơn.

PA: Ông có viết đâu đó rằng sự viết chẳng liên quan gì đến tưởng tượng. Đây là một phát biểu hơi khiêu khích, và tôi băn khoăn liệu ông có thể giải thích về nó.

EJ: Tôi không tưởng tượng gì cả. Tôi được mang theo bởi chính từ [vocable], bởi chính hành vi tra vấn ngôn từ. Sự tiến triển của một cuốn sách là điều cho phép tôi tiến về phía trước. Nó chẳng liên quan đến tưởng tượng, đến chuyện cho rằng tôi sẽ tưởng tượng ra cái này cái kia và tra vấn nó theo cách [tưởng tượng] này. Không. Nó tương tự chuyện chúng ta đang làm bây giờ. Chúng ta đang nói chuyện, và anh là người đưa cho tôi những câu hỏi. Tôi không tưởng tượng bất cứ điều gì cả… Nó liên quan đến kinh nghiệm, đến việc sống cái gì đó, hơn là tưởng tượng. Ở Boulder một cô gái lại gần tôi và bảo rằng cô ấy bị gây ấn tượng bởi cái câu, “Khi tôi mười hai tuổi, tôi đánh mất bầu trời.” Sao không phải mười tuổi, cô ấy hỏi, hay mười năm, hoặc sao không đơn giản “Khi tôi là một đứa trẻ”? Sao phải là mười hai. Đây là một câu hỏi kỳ khôi. Mười hai, như nó thành ra thế, là cái tuổi có ý nghĩa quan trọng với tôi. Khi tôi mười hai tuổi chị gái tôi chết trên tay tôi… và đây là điều gì đó lưu ý tôi về cuộc sống. Anh có thế thấy, bởi vậy, rằng đằng sau mỗi chuyện là một cái nền của kinh nghiệm, một cái gì đó đã được sống trong quá khứ và khiến tôi xúc động sâu sắc.

PA: Một yếu tố quan trọng khác nữa trong tác phẩm của ông, đặc biệt trong những cuốn gần đây hơn – tôi đang nghĩ tới AélyEl – là một cuộc chơi gần như không dứt với những từ, âm thanh, chữ, ý nghĩa… Từ sol [đất], chẳng hạn, được tách từ solitude [cô độc], mà nó đến lượt mình gọi ra từ solacier [an ủi]… như thể toàn bộ những tình cảm và ý tưởng có thể được gợi lên trong hành vi giản đơn của việc phá vỡ một từ.

EJ: Tôi cố gắng chất vấn cuốn sách ở mọi phương diện của nó… Trong El, cuốn gần đây nhất, có nhiều cái mà tôi gọi là một cuộc kiểm tra bề mặt. Tất cả những cuốn sách của tôi là về sự chia cắt, về sự tách rời. Từ chỗ kết thúc [của cuốn sách] cho tới [sự sinh thành của] một cuốn sách khác, cuốn sách bị phân mảnh, cắt nhỏ liên tục… và trong cuốn cuối cùng tôi cũng muốn chỉ ra [sự phân mảnh] này hoạt động ở mức độ của từ như thế nào. Tôi không chống lại trò chơi ngôn ngữ. Mà hoàn toàn ngược lại. Tôi xem nó là điều gì đó rất quan trọng. Riêng với tôi nó không chỉ là trò chơi. Nó là một cách để đi từ chốn này tới chốn khác, một cách tiến triển bằng chính phương tiện ngôn từ… Ở giữa cuốn El, chẳng hạn – ở trang 63 của cuốn sách 126 trang, nói cách khác, ở chính giữa cuốn sách – có một biểu đồ với “nul” [không] ở đầu và “l’un” [một] ở cuối. Cả tác phẩm, thực vậy, diễn ra trong cái “một” này và cuối cùng bị xóa bỏ trở thành cái “không” này. Điều này phơi bày bản chất của sự phân mảnh, và theo nghĩa nào đó biểu đồ này là hiện thân tất cả những cuốn sách của tôi… Công việc phân cắt này nằm ở chính trung tâm sự viết, ở chính trung tâm tự thân sự viết. Tại sao? Vì trong những từ có những thứ hút và đẩy nhau… [Từ] những căng thẳng [tensions] và [từ] những mối quan hệ [relationships] nảy sinh từ thực tế chúng có những chữ cái giống nhau, hay vì có cái gì đó đại loại như sự vang vọng hay trùng âm… Và cái cách hoạt động này của từ với từ chỉ có thể được khám phá bởi chính sự giúp sức của từ, chứ không bằng sự giúp sức của bất kỳ thứ gì khác… Đây là cách mọi sự trong sách của tôi hoạt động. Một đoạn văn đặc biệt quan trọng với tôi, như anh biết, là đoạn tôi nói rằng người Hebrew cho Moses một bài học cốt tử về sự đọc khi họ buộc ông phá vỡ các tấm bia lề luật. Bởi vì họ không thể chấp nhận một từ không có nguồn gốc, một từ của Chúa. Moses cần phải phá vỡ cuốn sách để cuốn sách trở thành con người… Cử chỉ này đối với người Hebrew là cần thiết trước khi họ có thể chấp nhận cuốn sách. Đây đúng là những gì chúng ta làm. Chúng ta phá hủy cuốn sách khi chúng ta đọc nó để biến nó thành cuốn sách khác. Cuốn sách luôn được sinh thành từ một cuốn sách bị phá vỡ. Và từ, cũng vậy, được sinh ra từ một từ bị phá vỡ.

PA: Những điều ông đang nói ở đây là hành vi biến hóa những từ này không liên quan tới trò chơi hoặc tới sự thần diệu. Nó chính xác là một hành vi hoàn toàn có ý thức.

EJ: Đúng vậy. Nếu có bất kỳ điều gì có ý thức trong việc tôi làm, thì nó nằm trong công việc liên quan đến những từ.

PA: Nó là một phương pháp?

EJ: Không, tôi không đề xuất một phương pháp…

PA: Tôi muốn nói là một phương pháp cá nhân, một cách để đi tới một loại phản ánh nào đó.

EJ: Vâng. Nhưng tôi không đề xuất nó cho người khác. Nó có tác dụng với tôi, nhưng nó có thể không hợp lý với những người khác… Tôi luôn làm việc theo nguyên tắc này… đó là điều một trong những giáo sĩ trong cuốn sách sắp tới của tôi nói: đừng do dự tra vấn sách, thậm chí là những câu hỏi về nó mà dường như là ngớ ngấn với những người khác. Bởi vì mọi thứ có thể giấu trong mình một sự thật nào đó… Điều tôi cố gắng thực hiện là thể hiện rằng đằng sau mỗi từ các từ khác đang ẩn mình. Và mỗi khi anh thay đổi một từ hoặc khiến một từ hiện lên từ một từ khác, anh thay đổi toàn bộ cuốn sách. Khi tôi nói có nhiều cuốn sách trong một cuốn sách, là bởi vì có nhiều từ trong một từ. Rõ ràng, nếu anh thay đổi từ, nội dung của câu sẽ thay đổi hoàn toàn. Theo cách này một câu khác được sinh ra từ từ này, và một cuốn sách hoàn toàn khác khởi sự… Tôi nghĩ về điều này trong suy nghĩ về biển, trong hình ảnh của biển khi nó vỡ trên bờ. Không phải một con sóng tới, mà cả biển khơi trờ tới mỗi lần và rồi cả biển khơi thoái lui. Không bao giờ chỉ là một con sóng, luôn luôn là toàn thể đến và toàn thể lui. Đây thực sự là một vận động căn bản trong tất cả những cuốn sách của tôi. Mọi sự liên kết đến mọi sự khác. Một chất vấn mang tính toàn vẹn về đại dương, ở những chiều sâu của nó, ở những vận động của nó, trong những bọt sóng nó bỏ lại đằng sau, trong những dải bọt sóng nó để lại trên bờ… Ở mỗi thời khắc, trong mỗi câu hỏi nhỏ nhoi nhất, toàn bộ cuốn sách trở lại và toàn bộ cuốn sách rút lui.

PA: Theo nghĩa nào đó, công cuộc này là vô tận về mặt bản chất. Mỗi cuốn sách sinh thành một cuốn tiếp theo.

EJ: Vâng… Hay ít nhất, tôi không thể bỏ rơi nó. Bởi vì cuốn sách tôi sẽ viết không bao giờ là cuốn sách tôi muốn viết. Nếu tôi có thể viết cuốn sách tôi cưu mang trong mình, nó sẽ là cuốn cuối cùng. Và cuốn sách này là bất khả. Nếu tôi viết, là vì luôn có cuốn sách này tôi muốn viết lại.

PA: Ban nãy, chúng ta đang nói về Beckett, và lúc này tôi nhớ đến câu mà ông ấy viết vào cuối những năm bốn mươi: “Là nghệ sĩ là thất bại, như thể không ai khác dám thất bại…”.

EJ: Đó là một câu rất hay. Rất hay… và đúng vậy, chính xác là vậy.

PA: Với tôi có vẻ ông gần như đang nói về chính điều ấy.

EJ: Đúng rồi. Đúng thế, chính xác là như vậy.

1978

Dịch từ bài viết Providence, A Conversation with Edmond Jabès trong The Art of Hunger, Paul Auster, Penguin Books, 1997, p. 144-169.

[*] Nguyên tác bằng tiếng Pháp, tác giả chuyển dịch sang Anh ngữ.