Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Những ngày bom B52 rải thảm Hà Nội (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 141)

Tương Lai

clip_image002[4]Trước khi Mỹ rải thảm bom huỷ diệt khu phố Khâm Thiên thì tôi đã nếm trải trận bom hay tên lửa gì đó của Mỹ đã phá sập một phần Đại sứ quán Pháp nằm ở góc Trần Hưng Đạo và Bà Triệu. Nhưng, chuyện này sẽ nói sau.

Trong ký ức của người Hà Nội “Đêm Khâm Thiên” nằm vào đáy sâu tâm hồn khó phôi pha với thời gian. Vì cái bẫy của Kissinger quá hiểm độc. Đêm Giáng sinh 1972, ngừng ném bom. Dân sơ tán ồ ạt kéo nhau về, để vừa thư giãn sau những ngày căng thẳng và những gì được đùm gánh mang theo cũng đã vơi cạn, cần trở lại nhà xem còn được những gì thì vét nốt mang đi. Vợ chồng tôi cũng tranh thủ lên xe đạp phóng về. Tôi gò lưng đạp, lòng phơi phới. Sau lưng Tuấn ngồi áp sát vào lưng bố, vòng tay ôm chặt bụng bố. Có lúc tôi phải khẽ nới tay thằng con ra tí chút cho đỡ tức bụng, nhưng vẫn giữ đủ chặt vòng ôm của đôi cánh tay nhỏ xíu để cháu không vì ngủ gật mà ngã xuống xe, mẹ thì đỡ chặt lưng con. Cao hứng, thằng bé nghêu ngao giọng líu giọng lo: “Ba ta trên một chiếc xe tăng”. Đến nhà, tháo bỏ bớt những thứ lỉnh kỉnh để cho mẹ có chỗ tựa bàn chân nhằm giữ con cho chặt và thoải mái suốt quãng đường hơn 60 km, từ Chợ Bầu – Bắc Giang, chiếc xe đạp cọc cạch, lắc lư. Tôi tranh thủ tắm một cái cho nhẹ nhõm đầu óc. Rồi trong khi vợ tôi đang nhặt nhạnh những gì còn lại trong căn phòng 9m2 ở 36 Lý Thường Kiệt, tôi phóng xe đạp đi một vòng loanh quanh Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, tua một vòng ra dạo quanh Bờ Hồ, lên Hàng Bông thẳng ra Cửa Nam, dông thẳng ra Nguyễn Thái Học, vòng về Ba Đình, dừng lại ở Cột Cờ rồi theo đường Điện Biên Phủ vòng ra Ga, quặt lại Trần Hưng Đạo, và về nhà. Thằng con trai tôi sau khi thích thú gặm ổ bánh mì được mẹ thưởng mà cũng chẳng biết mẹ kiếm ở đâu, đang nằm ngủ thoải mái. Vợ tôi bấy giờ mới tranh thủ tắm ở thùng phuy nước trong góc phòng tôi đã đổ đầy nước.

clip_image004[4]

Chiều hôm ấy, đèo cả hai mẹ con lên phố Hàng Hòm để chiêu đãi một chầu phở, tôi biết hình như chỉ còn một hiệu phở này là trụ lại, không sơ tán. Tối hôm ấy định đi ngủ sớm vì cả ngày đã mệt nhoài. Nhưng rồi anh Phạm Bá Rô sốt ruột đã đạp xe từ Bưởi lên thăm. Hai anh em ngồi nhậu cạn nửa chai Vodka anh Nguyễn Tài Cẩn cho xoay sang nhắm cà muối với nước trà, rồi anh lại đạp xe về Bưởi. Chuyện này tôi đã kể khá tỉ mỉ trên một Mênh mông thế sự, không kể lại nữa. Anh Rô vừa về độ một tiếng thì loa báo động: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay Mỹ cách Hà Nội… Khẩn trương xuống hầm trú ẩn”. Mệt quá rồi, lại nghĩ rằng clip_image008[4]Noel cơ mà, chắc báo động phòng xa thôi. Thằng con tôi vẫn ôm mẹ ngủ ngon lành. Tôi ngồi lim dim nghe tiếng ùng oàng từ xa rồi ngủ lúc nào không biết. Tỉnh dậy, xuống sân mới biết là chúng nó lật lọng quá tàn ác và man rợ. Khâm Thiên bị B52 rải bom. Sau đêm Giáng sinh 25 tháng 12 thì tối 26 chúng giáng bom xuống Hà Nội.

Thật ra thì đêm 21 và rạng sáng 22.12. 1972, Bệnh viện Bạch Mai đã gần như bị san phẳng bởi bom Mỹ trong cái gọi là “Chiến dịch Linebacker II” của không quân Mỹ khi hơn 300 bệnh nhân đang nằm điều trị dưới hầm, lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý đang chăm sóc người bệnh. 28 cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đã hy sinh. Hành vi man rợ cực kỳ vô nhân đạo đó khó mà gột rửa. Thế rồi khi đã nhằm đúng vào một cơ sở chữa bệnh lớn nhất Miền Bắc – với một sự tính toán cực kỳ vô nhân đạo – ngay sau ngày Giáng sinh, đêm 26.12, sự tính toán đó tiếp tục với việc cấp tập ném bom trở lại Khâm Thiên, một nơi mật độ dân cư dày đặc, toàn bộ sáu khối phố tại đây hầu như bị xóa sạch bởi bom B52, 287 người chết, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới; 290 người bị thương; 178 trẻ em bị mồ côi từ sau Giáng sinh một ngày. Đầu năm 1973, đài tưởng niệm “Đêm Khâm Thiên” được dựng ngay trên nền ba ngôi nhà số 47, 49 và 51 bị bom Mỹ san phẳng. Bức tượng được tạc từ một sự thật: khi những người sống sót dỡ đống đổ nát lên thì tìm thấy thi thể một người mẹ đang trong tư thế cố gắng bao bọc cho đứa con trong vòng tay của mình. Riêng Hà Nội, với 444 lần chiếc/ B52, cùng nhiều máy bay chiến thuật, chúng đã thả xuống 10.000 tấn bom, tương đương với hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. clip_image010[4]

Cũng giờ phút đó, Mẹ tôi cùng với mấy đứa cháu chạy ra khỏi rặng tre che khuất tầm mắt đến đứng bên bờ mương nhà cụ Binh ở Hiệp Hoà ngóng nhìn về phía lửa sáng một vòm trời phía Hà Nội mà cháy ruột, cháy gan lo cho chúng tôi. Khi viết những dòng này, mặc dầu đã gần nửa thế kỷ trôi qua, lòng tôi vẫn quặn lên nỗi bồi hồi nhớ thuơng Mẹ. Xin dành nỗi quặn đau ấy cho phần cuối của bài tiếp tục chuyệm bom B52 rải thảm.

Hãy quay trở lại chuyện bom phá sập một góc Đại sứ quán Pháp. Đúng hôm 11.10. 1972 ấy, tôi đến tổ hợp đánh máy và in roneo góc phố Bà Triệu và Trần Hưng Đạo, đối diện với Đại sứ quán Pháp để lấy tờ “Thông báo Triết học” – tiền thân của “Tạp chí Triết học” của Viện Triết học Việt Nam – ra số đầu tiên. Hồi ấy tôi là một trong ba người do Đặng Xuân Kỳ làm Tổ trưởng phụ trách tờ Thông báo đầu tiên, ở đó có bài của tôi nhan đề là “Mỹ học và tư tưởng của Các Mác trong ‘Bản thảo kinh tế triết học 1844’”, vì thế mà tôi nhớ cái ngày 11.10.1972 hú vía này.

Vừa ôm một bó tạp chí in roneo trên giấy thô ráp, màu vàng khè, buộc vào xe đạp rồi vội vã đạp xe về thì còi báo động. Đặt vội chiếc xe đạp xuống lề đường, nhảy đại xuống một hố cá nhân, vừa kéo nắp đậy thì tai ù cả lên vì tiếng nổ đinh tai nhức óc, khói tuôn mù mịt. Ngồi yên dưới hố cá nhân, chiếc hố mà sau này đi vào lịch sử với cái bìa sách tác phẩm của Nguyễn Tuân in ba cái hố cá nhân như ba “vại bia” mà Nguyễn Tuân hay uống ở quán bia Cổ Tân góc vườn hoa gần Nhà Hát lớn.

clip_image012[4]Nhân nhắc đến Nguyễn Tuân, tôi nhớ đến chuyện gặp ông trên đường về từ buổi kỷ niệm Quốc khánh Pháp từ sân Đại sứ quán Pháp ra về đã từng kể, nay nhắc thêm một chi tiết, bây giờ mới kể

Rảo bước bên cạnh ông, Nguyễn Tuân hỏi tôi nhiều câu, và cao hứng tôi đệm vào một ý: “Mấy tay ở sứ quán Pháp cũng kém, bị bom Mỹ nó chơi cho một vố sập gần nửa toà Đại sứ quán, đại sứ Susini bị trọng thương, tuy đã được cứu chữa kịp thời đã khá lên, nhưng rồi khi về Pháp cũng chết. Thế mà lão Menvil Laird Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lấp liếm ngu như bò: “Đấy là một tên lửa SAM của Việt Nam bắn lên đã rơi xuống trúng vào Đại sứ quán”. Ngang xương vậy mà rồi “yêng hùng khoác lác” chẳng kém ai, nhưng lại lẳng lặng như không hề có chuyện gì xảy ra, cho xây lại sứ quán khang trang lịch sự như cũ mà không dám dành một bức tường đổ hay một khoảnh đất trống rồi dựng một cái bia về dấu vết bom Mỹ ngày 11.10.1972. Chắc là ngại ông anh Mỹ chơi lại vì thằng em không nể tình ông anh. Hèn! Tự hào là văn hoá văn minh cái nỗi gì mà không dám tôn trọng và giữ gìn chứng tích lịch sử! Dám làm cái bia ấy mới là hành vi văn hoá. Bác nghĩ thế nào?”. Cụ Nguyễn dừng ba toong đứng lại, cười khà khà: “Cậu cũng đáo để gớm nhỉ. Nhưng mà ý ấy hay đấy”. Thế rồi chia tay, ông xuôi theo đường Trần Hưng Đạo về nhà, tôi ngược lại, rẽ sang phố Bà Triệu để cũng rảo bước về 36 Lý Thường Kiệt.

Chuyện Nguyễn Tuân khen hay thì không biết bến bờ nào mà tính! Nhưng khi viết những dòng này, tôi lẩn thẩn suy ngẫm, xem ra có vẻ “mê tín” nhưng cứ xin kể ra đây:

Sản phẩm đầu tiên khi quyết theo đuổi đam mê với sự trầm tích trong sâu thẳm tâm hồn của ý tưởng “Khoa học cho chúng ta tri thức, nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta sự thông thái. Minh tri tất triết (明知則哲): Triết học là nghiên cứu rộng sâu để “biết”! Mà đã “biết” là phải biết rõ. “Minh trithì mới thực sự là biết! Hôm vừa rồi ngồi trao đổi với anh bạn thân Nguyễn Bá Thuận, anh lưu ý từ triết gồm bộ thủ 手đứng trên cùng bên trái, bên phải là bộ cân, nằm ở dưới là bộ khẩu . Cả ba yếu tố cùng ghép với nhau trong một từ có ý nghĩa rất phong phú khiến cho suy ngẫm của tôi vỡ ra thêm được nhiều điều.

Rồi, tôi rời trường, rời lớp, rời học trò để chuyển về viện Triết học, thì buổi đầu tiên “hành nghề” lại là một trận hút chết với những tập Thông báo Triết học vừa mới ra lò, do chính tôi vẽ bìa và đăng bài của mình ở gần cuối cuốn Tạp chí giấy vàng khè.

Trong bài ấy tôi dẫn ra mấy câu của K. Marx trong “Bản thảo kinh tế - triết học 1844” do Thuần Đức (Trần Đức Thảo) dịch: “Con người tự khẳng định mình trong thế giới đối tượng không phải chỉ trong tư duy mà cả bằng tất cả các cảm giác”… lỗ tai thính âm nhạc, con mắt cảm thấy cái đẹp của hình thức – nói tóm lại là những cảm giác có khả năng về sự hưởng thụ có tính chất người – và tự khẳng định mình như những lực luợng bản chất của con người… Chỉ có âm nhạc thức tỉnh cảm giác âm nhạc của con người; đối với lỗ tai không thính âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không có ý nghĩa gì cả, đối với nó âm nhạc không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự khẳng định một trong những lực lượng bản chất của tôiSự hình hành năm giác quan là công việc của toàn bộ lịch sử thế giới đã diễn ra từ trước tới nay”.

Đôi tai biết thưởng thức âm nhạc” chưa kịp thưởng thức âm nhạc, thì đã đinh tai nhức óc vì trận bom Mỹ dội vào Đại sứ quán Pháp. May mà mấy bó sách buộc vào xe đạp vẫn còn nằm trong giấy bọc không văng tung tóe. Thế là cái nghiệp nghiên cứu và viết lách của tôi đã khởi đầu bất lợi. Nhân đây cũng nói thêm một chuyện cũng na ná như vậy. Đó cũng là câu chuyện triết học, có điều nó sang trọng hơn, nó là “minh triết”.

Duyên do là một lần, anh Hoàng Ngọc Hiến, tác giả của “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” – người bạn mà tôi rất kính mến – bảo tôi: “Này cậu tham gia với mình nghiên cứu chủ đề “minh trết Việt” đi. Mình nghĩ cậu làm được đấy, tham gia với mình cho vui”. Tôi thưa lại với anh: “Đề tài quá hấp dẫn, tôi mê lắm, nhưng khốn nỗi, tôi không tham gia với anh được đâu, vì tôi quá dốt. Mấy phần anh dịch của François Jullien đưa cho tôi, tôi đã đọc kỹ và suy ngẫm. Nhưng thú thật với anh “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”, tôi vẫn chưa thật lĩnh hội được chiều sâu của vấn đề đặt ra. Anh thư thư cho tôi một thời gian nữa, lúc nào tôi thật sự hiểu, mà hiểu thật kỹ, tôi sẽ trả lời cho anh”. Hoàng Ngọc Hiến lắc đầu, tỏ ý không hài lòng nhưng im lặng, không nói gì thêm.

Thế rồi tôi mải miết đầu tư thời gian cho những chuyến đi với những khảo sát xã hội học đang ngày càng cuốn hút tôi nên cũng quên đi, không trả lời anh. Anh cũng chẳng nhắc thêm, vẫn vồn vã, xởi lởi mỗi lần gặp nhau và có lần dúi cho tôi một vài bài anh vừa viết, có cái thuộc về chủ đề “minh triết”, có cái thuộc về một phát kiến, một vấn đề tranh luận mới với những “chủ đề” nhạy cảm như “văn học phải đạo vừa dẫn, cùng với những nghiên cứu công phu mang tính đột phá như văn học bước qua lời nguyền”,“văn học kể nội dung và tả nội dung Anh ra đi lúc 71 tuổi, để lại một di sản đồ sộ gồm hơn 30 tác phẩm có giá trị như những phát hiện lớn trong nghiên cứu học thuật.

Nhắc đến chủ đề minh triết, tiện thể, tôi kể thêm một chuyện vui vui. Hôm ấy, tôi bay chuyến 5g, xuống sân bay Nội Bài, tôi về thẳng Nhà khách 35 Hùng Vương nhận phòng, ném chiếc va li vào đó, rồi dông thẳng lên 71 Trần Quang Diệu để kịp giờ hẹn làm việc với anh Việt Phương. Chị Tú Lan ra mở cửa: “Có hai anh nữa đang cùng anh Phương chờ Tương Lai đến đấy”. Tôi ngạc nhiên: “Có ai nữa? Theo kế hoạch thì 8g sáng nay, Tương Lai làm việc với anh, chiều cùng họp IDS mà”. Chị Tú Lan cười: “Lại ông Phương cả nể, làm nhỡ kế hoạch rồi”.

Bước vào phòng, anh Việt Phương đang ngồi với hai người khách, xin miễn cho tôi phải nói tên. Anh Việt Phương như sực nhớ ra: “Tương Lai cùng ngồi vào đây, quen nhau cả đấy mà, chúng mình đang trao đổi về chủ đề minh triết”. Quả thật cũng có hơi cáu vì tính cả nể của anh Việt Phương, tôi xua tay trả lời: “Xin các anh cứ làm việc, nhưng chỉ một tiếng thôi đấy nhé, vì nội dung phải trao đổi với anh chuẩn bị cho buổi chiêu họp sợ không kịp. Tương Lai ngồi với chị Lan bên này chứ có biết gì về minh triết đâu mà tham gia!”.

Tôi ngồi bên chiếc giường kê sát vách đối diện với bàn ghế tiếp khách. Vừa nói chuyện vừa sốt ruột quan sát. Tôi có cảm tưởng hình như hai vị này đến khai thác cái bộ óc của Việt Phương thì phải. Vì trao đổi gì mà chỉ một mình anh Việt Phương nói, hai vị kia thì chìa máy ghi âm chăm chú ghi, thỉnh thoảng điểm xuyết vài cái gật gù giữ nhịp. Thế rồi 60 phút cũng trôi nhanh, hai vị khách thấy không tiện ngồi thêm khi tôi và chị Tú Lan ngồi gần như sát sau lưng cuộc trao đồi về minh triết giữa chủ và khách. Thế là thêm một khởi đầu bất lợi nữa vì dù sao thì minh triết cũng là một phạm trù có họ hàng bà con với đam mê của tôi như mỹ học, đạo đức học, xã hội học.

Vậy là cho dù Samuel Beckett, tác giả của “Đợi chờ Godo” mà tôi đã dẫn ra trong bài trước, từng gợi ý rằng: “Kết thúc là khởi đầu, và bạn vẫn tiếp tục”. Mà vì “vẫn tiếp tục” nên tôi đã phải lên bờ xuống ruộng về cái nghiệp nghiên cứu viết lách này.

Hạch sách, rắc rối không kể làm gì, đòn uy hiếp quen thuộc là các toà báo vốn ưu ái tôi nay đành phải từ chối không đăng. “Bác thông cảm, chúng tôi không được cãi lệnh”. Đôi ba tờ báo, tạp chí còn gửi báo biếu, nhưng đăng bài thì tuyệt đối không. Thằng cháu ngoại tôi đang học lớp 7 cũng được “thăm hỏi”, hù doạ. Hiểu rõ cái trò bẩn, bố mẹ chúng đều làm cho công ty nước ngoài đành thắt lưng buộc bụng chi tiêu, dồn toàn lực cho thằng con đi Đức học. Đòn đánh vào cái dạ dày vốn là một chiêu hiểm mà tôi đã ráng chịu cái chiêu đó. Vì lương Viện trưởng không đủ sống, lương hưu càng như thế, tiêu pha thoải mái của tôi trước đây đều dựa vào nhuận bút vì tôi viết cho hơn mười tờ báo, đấy là chưa nói đến các tạp chí, các báo Tết… Gánh nặng về chuyện ốm đau bệnh tật của cả hai vợ chồng tôi – mà toàn bệnh hiểm nghèo như cả hai chúng tôi đều phải mổ ung thư, cấp cứu đột quỵ, vợ tôi từng đã phải nằm một chỗ trên giường không chủ động được sinh hoạt – đều dồn trên vai hai đứa con… Nhờ sự tận tình hiếu thảo hết lòng của con gái và con trai tôi, chúng dồn toàn tâm sức phụng dưỡng bố mẹ. Đó là niềm vui lớn, niềm kiêu hãnh lớn của của tôi hiện nay. Cũng chính là một nguồn năng lượng sống, tiếp thêm sức mạnh để ngày ngày chịu đau ngồi trước máy tính. Hạnh phúc lớn nhất của đời tôi chính là điều này. Có được hạnh phúc đó, biết ơn cuộc đời, không phụ lòng con cháu, tôi đủ sức để sẽ vẫn viết cho đến lúc xuôi tay, nhắm mắt.

Thế nhưng, vẫn phải nói đến giọt nước tràn ly để hiểu thêm một nỗi đau khác không cho riêng tôi, mà là nỗi đau của tất cả chúng ta, nỗi đau trước kẻ thù truyền kiếp của ông cha ta, dân tộc ta. Đó là khi tôi tổ chức lễ Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc đấu tranh cho tự do, dân chủ đươc phong tặng Giải Nobel Hoà bình năm 2010 tại nhà tôi, với sự tham dự của nhiều vị nhân sĩ, trí thức nổi tiếng của Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Đầu, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Lưu Trọng Văn, Huỳnh Sơn Phước… nguyên thành viên “Nhóm Thứ Sáu” Huỳnh Bửu Sơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, kỹ sư Tô Lê Sơn, Nguyễn Công Bình, v.v.

Tôi có bài phát biểu tưởng niệm người bị ngã xuống vì Lưu Hiểu Ba bị ung thư song người ta không cứu chữa kịp thời. Hăng hái và xúc động quá, chị Sương Quỳnh – người tham dự buổi tưởng niệm – đã quay video rồi live stream tại chỗ (mặc dầu tôi đã nhìn thấy và kịp thời ngăn lại). Bài phát biểu tưởng niệm của tôi “Lưu Hiểu Ba, ngọn lửa vẫy gọi” đưa lên Mênh mông thế sự tháng 7.2017, gọi là giọt nước tràn ly không phải do tính quyết liệt của nó mạnh mẽ hơn những bài đã viết từ trước mà vì Lưu Hiểu Ba, giải Nobel hoà bình 2010 là mũi gươm đâm vào tim óc Tập Cận Bình, một lời vẫy gọi đủ mạnh để uy hiếp chế toàn trị phản dân chủ của nhà độc tài thế kỷ XXI, nên thuộc hạ của hắn ở Việt Nam không thể không quyết liệt trừng trị để biểu tỏ sự trung thành với quan thầy.

Thế là một trận “đòn hội chợ” được tổ chức, huy động thêm mấy tay “lính đánh thuê” cự phách như Ng.Chơn.Tr, Vũ H. B… để tăng cường lực lượng người có lý luận và từng giữ chức vụ không nhỏ, những người từng quen biết tôi đến đánh giúp cho xôm trò. Biết được điều đó, tôi chỉ cười. Cười không để quên đi một nỗi buồn về thế thái nhân tình, mà là để giấu bớt đi sự khinh bỉ và tởm lợm khi mà hắn ta đã ngồi trong quán “Nhà Huế” ngay cạnh nhà tôi, miệng ăn tay nói những lời tốt đẹp về tôi, còn chép tặng tôi một đơn thuốc chữa tiểu đường trước mặt Thang Văn Phúc – bạn tôi từ Hà Nội vào – tổ chức bữa ăn ấy để tôi gặp hắn ta. Chuyện “đòn hội chợ” và “lính đánh thuê” này bỗng thức dậy trong tôi câu J.-Paul Sartre viết trong Buồn nôn (La Nausée): “Một thứ ảo giác, một hiện hữu giả tạo, buồn nôn. Cái giả tạo đó là những mảnh vụn hỗn độn, nhầy nhụa, trần truồng thật kinh khủng… Nó che giấu một điều gì vừa kín đáo vừa đê hèn. Những sự thể như thế đã biến mất để lại một hiện hữu bi đát”. Thực ra, cái chuyện che giấu một điều gì vừa kín đáo vừa đê hèn thì từ xa xưa, Cao Bá Quát đã từng tâm sự

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu,
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt

để rồi ngán ngẩm buông xuôi:

Làm chi cho mệt một đời.

Nhưng thôi, nói mãi chuyện thế thái nhân tình giữa cuộc đời nhiễu nhương này đã quá nặng nề và mệt mỏi, xin kể một chuyện đời có dáng dấp chuyện tiếu lâm cho đỡ bớt đi sự nặng nề ấy. Chuyện là, trong một lần nghỉ giải lao giữa buổi trao đổi của “Tổ Lý luận”, tất cả kéo nhau ra công viên ngồi dưới bóng mát của mấy lùm cây, một ai đó (lâu ngày tôi quên mất tên) muốn chọc cười để có những phút thư giãn sau khi phải căng đầu vì những vấn đề lý luận đã xướng lên chuyện thách đố dịch ra tiếng Pháp hai câu phong dao thuộc loại đố tục giảng thanh nói về “sự đời”:

Sự đời như cái lá đa

Đen như mõm chó, chém cha sự đời

Mọi người cười ré lên hưởng ứng một cách rầm rộ thật thoải mái, và những người thạo tiếng Pháp đều thích thú tham gia. Kết quả bình chọn thì hình như anh Trần Phương hay anh Nguyễn Vịnh là người dịch đạt nhất, may ra hiện nay còn anh Hà Đăng có thể nhớ, chứ tôi thì ngồi “nghe hơi nồi chõ” nên không sao nhớ được là ai.

Hiện hữu bi đát” kéo dài suốt mấy chục năm qua, tính từ lúc tôi từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học. Ý định từ chức, tôi có trao đổi với anh Việt Phương – người thông tỏ phần nào những ngõ ngách từ “thâm cung bí sử” – dẫn đến “tai nạn” của cá nhân tôi trong việc hoàn thành cuộc khảo sát ở Thái Bình năm 1997 theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Để rồi, căn cứ vào cuộc khảo sát với những dẫn chứng cụ thể vừa định tính, vừa định lượng với những bảng biểu thống kê của “những con số biết nói”, tôi đưa ra một kết luận khách quan. Chẳng may, kết luận khách quan khoa học ấy lại trái với nhận định ban đầu của một số người trong Bộ Chính trị. Thế là tai hoạ giáng xuống, tôi chỉ là “con tốt đen” trên bàn cờ chính trị của một số nhân vật quyền thế quyết ngăn xu thế đang muốn Võ Văn Kiệt làm Tổng Bí thư.

Thật ra thì từ 2006, khi nhận chức Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng đã hạ lệnh ngưng ngay mục “Đàm luận Sáng thứ Hai” do tôi đảm trách một tuần một lần theo sáng kiến của Tổng Biên tập báo Người Đại biểu Nhân dân (nay là Đại biểu Nhân dân). Lý do công khai tôi được biết do từ chối không bay ra Hà Nội để nhận lễ trao Giải thưởng “Bài viết xuất sắc” do chính tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao cho tôi cùng với ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và Hoà thượng Thích Chơn Thiện. Tôi gửi thư riêng cho Tổng Biên tập: “Xin làm ơn miễn cho tôi khỏi phải bay ra tốn kém cho toà báo, chỉ để chìa tay ra nhận giải thưởng từ một nhân vật mà tôi không thấy đó một vinh dự mà là ngược lại”. Sự ngang ngược ấy xem ra cũng “đáng đời cho cái thằng tôi này”! Nhưng không thể khác được,

“Rằng quen mất nết đi rồi”

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

Tiện đây, xin kể một chuyện nhỏ: Kỳ Đại hội Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam lần thứ VIII năm 2014, tôi lên gặp Đoàn Chủ tịch để nộp tờ giấy xin phát biểu. Đi ngang qua dãy ghế quan khách, Nguyễn Phú Trọng đứng dậy chìa tay ra bắt tay tôi. Dừng lại trước ông ta, tôi cũng chìa tay ra đón cái bắt tay ấy và tiện thể nói thêm: “Xin chúc mừng tân Tổng Bí thư”. Trọng mỉm cười, hỏi lại khá to: “Anh mà cũng chúc mừng tôi cơ à”. Hiểu cái gì nằm đằng sau câu hỏi, tôi đáp ngay cũng khá to và mọi người ngồi đó cũng đều nghe thấy, kể cả Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Mặt trận – đứng sát đấy cười rất tươi: “Phải chúc mừng chứ. Hãy cứ chúc mừng đã. Và rồi tôi sẽ dõi theo công việc của anh làm, hành động và ứng xử của anh với tư cách Tổng Bí thư, cái gì được, cái gì chưa được, để rồi có tiếp tục hay không là chuyện về sau…”.

Thế rồi, hai năm sau, trong thư ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28.12.2013, tôi chỉ ra những cái chưa được của Nguyễn Phú Trọng sau hai năm đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư, như đã có những chủ trương rất mù mờ trong đối phó với những hành động trắng trợn của bọn Trung Quốc xâm lược. Gần nhất là những sai lầm rất ấu trĩ khi lớn tiếng đe doạ những trí thức yêu nước mà theo ông ta là đã “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại đường lối chính sách làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Đối với riêng tôi, khi tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992 mà Tổng Bí thư đã phê phán nặng lời, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi chỉ thực hiện lời chỉ dẫn của K. Marx: “Trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.

Chúng tôi đang cố gắng thực hiện chỉ dẫn của. K. Marx, sao ông Trọng lại nặng lời với những người mà ông cho là “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại”? Ông Trọng không biết vì không hiểu hay không đọc chỉ dẫn của K. Marx về trí thức tôi vừa dẫn. Cũng có thể có đọc nhưng cố ý lờ đi chỉ dẫn quan trọng đó. Một người tự cho là người có lý luận, từng có những cuốn sách giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin dày cộp đóng gáy vàng, thì chắc có liếc qua nhưng vì loại ý kiến ngày không hợp “gu” với ông chăng?

Vừa rồi nhân đọc trao đổi cùa Phan Thắng, phóng viên báo Văn hoá Nghệ An với giáo sư Cao Huy Thuần – người bạn thân quý của đang sống tại Paris – về tham dự hội thảo Văn hóa Phật giáo Nghệ An: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai hình như cũng lâu lâu rồi. Bài phỏng vấn giật một cái tít làm tôi giật mình: “Trả cái đầu lại cho cái đầu”. Anh Thuần vốn lịch lãm và giàu cảm xúc trong chữ nghĩa. Tôi từng rất xúc động thấm thía đọc mấy dòng anh viết cho tôi: “Tôi hiểu anh đến tận ruột gan, bởi vì tôi lấy ruột gan của tôi để đọc thư anh. Giữa anh và tôi như thế, như thế là quá đủ, nói gì thêm cũng thừa."Thoại nhược đầu cơ bán cú đa". Nói chuyện mà trúng ý thì nửa lời cũng nhiều, thiền tông dạy như vậy”. Cớ sao lần này lại “mỗi lời là một vận vào khó nghe” làm vậy. Chắc là có chuyện chi làm anh phải rất lao tâm khổ tứ, xin trích ra một đoạn của nhà trí thức uyên bác và lịch lãm này.

Cao Huy Thuần viết: “Cái đầu của con người luôn luôn mở từ thuở sơ khai, lịch sử bắt đầu với cái đặc tính thiên nhiên mở ấy. Nếu không mở thì dù cho lửa [là nói đến Prométhée ăn trộm lửa của các thần để trao cho người] cũng chẳng biết làm gì. Và đã mở thì phải chấp nhận cọ xát, cọ xát với bên ngoài để cọ xát với chính ta, biết cái gì là tiên tiến, cái gì là lạc hậu. Bản sắc cũng phải hiểu trong cái nghĩa ấy. Phải hiện đại hóa truyền thống, nhưng tất nhiên cũng phải truyền thống hóa hiện đại. Do đó, tôi quan niệm "tiên tiến" là khai phóng. Văn hóa mà không khai phóng, cái đầu mà không khai phóng, thì mục, thì trở lại thời hoang dã”. Và theo Cao Huy Thuần: “Có nhiều sự việc làm ta giật mình như khi nghe một tiếng vạc kêu lúc gần sáng. Ai ngủ không được thì thấy đêm dài. Nghe vạc kêu thì biết đêm hết...

Chiến tranh của ta là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh trừng ác. Nhưng đã là chiến tranh thì để lại hậu quả của chiến tranh. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả đều xấu trong chiến tranh. Không! Chính trong chiến tranh mà xã hội chúng ta đã phô ra nhiều cái đẹp hùng vĩ, đáng kể nhất là lòng yêu nước, đức hy sinh. Nếu xã hội không biết đùm bọc nhau, chiến sĩ không biết yêu thương nhau, sức mạnh tinh thần không thắng sức mạnh súng đạn, thì làm sao hát được khải hoàn ca?

Nhưng quy luật của chiến tranh nào cũng vậy: cá nhân phải nhường chỗ cho tập thể, tự do nhường chỗ cho nhất trí, phán đoán nhường chỗ cho mệnh lệnh. Chiến tranh ở ta đã quá dài và quá tàn khốc, quy luật của chiến tranh đã quá ăn sâu trong quán tính, hòa bình đã vãn hồi từ lâu nhưng ta vẫn chưa có văn hóa hòa bình.

Sau mỗi chiến tranh, việc cấp thiết nhất là hàn gắn vết thương dân tộc, là hòa hợp dân tộc, là nhân nghĩa, là yên dân, nhưng ta không có Nguyễn Trãi. Văn hóa hòa bình chưa có thì ta đã nhảy một đường bay bướm vào "văn hóa thị trường" như nhảy vào rừng hoang, luật lệ nhường chỗ cho tùy tiện”.

imageCái mà Cao Huy Thuần tế nhị gọi là “nhảy một đường bay bướm vào “văn hóa thị trường” đang tạo ra cái mà J.-P. Sartre nói là “hiện hữu bi đát” ấy, thì hôm nay, khi mà nền kinh tế thị trường được cho mọc thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” (nhưng khi cần phải hoà nhập với nền kinh tế thị trường đích thực và trong những thương thảo với các nhà kinh tế ở các nước phương Tây và Nhật bản… thì cố cất hoặc che cho khéo cái “đuôi” ấy), nó có một cái gì na ná như Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc kể từ ngày Đặng Tiểu Bình đội mũ cao bồi sang Mỹ gặp Tổng thống Mỹ J. Carter. Theo trang tin Nikkei Asia, Trung Quốc hiện vẫn giữ danh hiệu quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới vào năm 2022, bất chấp việc giới siêu giàu nước này đã mất hơn 10% tài sản trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc và các xung đột địa chính trị liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, vẫn còn tới 969 tỷ phú nước này trụ lại trong bảng xếp hạng – tương đương 31% toàn cầu. Con số này đã giúp quốc gia tỷ dân giữ vững vị trí đứng đầu, và tiếp sau là Mỹ với 691 tỷ phú. Thế mà, theo báo Tiền Phong: “Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng đang gây ảnh hưởng tới đất nước cả về kinh tế lẫn chính trị”. Còn theo báo Nhân Dân điện tử thì “Giới chức Trung Quốc cho biết, mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn ghi nhận có hơn 82 triệu người dân sống dưới mức 1 USD/ ngày”. Có lẽ không cần nhắc đến chuyện các đại gia sân sau của các quan tham nhũng ở Việt Nam, đang hình thành một kiểu loại mafia lũng đoạn nền kinh tế như của thời kỳ “tư bản hoang dã” đang “tích luỹ sơ khai” chắc cũng rưa rứa như bên Tàu.

Quá trình thu thập thêm thông tin để viết bài này, một ý nghĩ cứ lớn dần trong đầu tôi. Có một cái gì đó như là một “định mệnh”.

clip_image020[4]Con cáo già Henri Kissinger hiểm độc là kẻ vạch ra từng đường đi nước bước cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thậm chí hắn ta còn trắng trợn nói với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan: “Ông hãy nói cho người Campuchia [thực chất là bọn Khmer Đỏ, chứ không phải nhân dân Campuchia], chúng tôi sẽ là bạn của họ. Họ là những tên côn đồ giết người, nhưng chúng tôi sẽ không để điều đó ngăn cản chúng tôi”.

Thế rồi, hết thời cáo già Kissinger của chiến tranh kéo dài hơn 30 năm chống Mỹ cứu nước, lại đến cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù truyền kiếp mà hàng ngàn năm ông cha ta phải đương đầu và thế hệ Việt Nam hôm nay đang tiếp bước, thì lại nảy nòi ra Zbigniew Brzezinski. Khi trở thành Cố vấn an ninh của Tổng thống Jimmy Carter, y được cho là người định hình chính sách đối ngoại của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Carter. Brzezinski đã chọn chiến lược công khai liên minh với một trong hai cường quốc cộng sản, buộc kẻ còn lại rơi vào sự cô lập. Ảnh hưởng ngày càng tăng của ông Cố vấn, cùng với những tính toán của Bắc Kinh, là yếu tố quan trọng khiến sự tái lập quan hệ Mỹ - Việt trở thành bất khả. Khi quay về Bắc Kinh, Đặng dường như đánh giá rằng Mỹ đã không bác bỏ hay chỉ trích kế hoạch đánh Việt Nam, và đã có quan hệ chiến lược mới giữa hai nước để chống Liên Xô. Brzezinski láu cá, y gà cho người đứng đầu Nhà Trắng rằng với việc viết thư, Tổng thống Carter có thể làm im lặng những người chỉ trích, trong khi không phải trừng phạt Trung Quốc.

clip_image018[4]Và thế là, dù cuộc xâm lấn được Brzezinski gọi là “cuộc chiến của Đặng” tại Bắc Kinh, cũng có thể được gọi là “cuộc chiến của Brzezinski ở Washington, với ý nghĩa là gián tiếp đối đầu với Moscow. Vậy là từ đầu năm 1978 trở đi, cùng với ảnh hưởng gia tăng của Brzezinski, Washington không còn xem Hà Nội là một nước độc lập trong vùng mà là một “Cuba phương Đông”, tiêu biểu cho tham vọng bành trướng của Liên Xô. Lập trường đối ngoại của Brzezinski tìm thấy điểm chung ở ban lãnh đạo Trung Quốc. Thêm một lần nữa, với tác động của Brzezinski, Việt Nam lại trở thành quân cờ trong bàn cờ chiến lược của các siêu cường.

Nỗi nhục này, mỗi một người Việt Nam, dù là “bên thắng cuộc” hay là “bên thua cuộc” nếu họ vẫn còn lưu chuyển trong cơ thể mình dòng máu Lạc Hồng, thì đều phải khắc cốt ghi xương. Không đợi phải viện đến danh ngôn của đại văn hào Lỗ Tấn: “Chảy từ suối ra đều là nước, chảy từ mạch máu ra đều là máu”, mỗi người Việt Nam đều thấu hiểu và thấm thía chân lý đó.

Thấm thía để triển hết tâm huyết và gân sức tăng cường sức mạnh nội sinh, để đủ sức làm những việc như ông cha ta đời Trần đã làm: ba lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông mà vó ngựa của chúng từng xéo nát nhiều vũng lãnh thổ từ Á sang Âu, đến sát mép nước Hắc Hải. Cũng như mười năm kháng chiến chống giặc Minh thời Lê Lợi Nguyễn Trãi, “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận, sạch không kình ngạc, đánh hai trận, tan tác chim muông” khiến quân xâm lược “Ra đến bể chưa thôi trống ngực. Về đến tàu còn đổ mồ hôi” (Bình Ngô đại cáo, Trần Huy Liệu dịch).

Tôi thuộc nằm lòng mấy câu vừa dẫn vì chính mẹ tôi lục tìm từ trong tủ sách của các anh chị tôi cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim để tôi đọc thay cho những sách ba vạ, vớ đâu đọc đấy “rồi hư cả người”, mẹ tôi nói. Mẹ tôi là cả một kho truyện cổ tích và những áng văn thơ cổ, nhưng tôi chỉ thích ngấu nghiến một số bài mặc dầu không hiểu gì về điển tích, chữ nghĩa trong Hịch tướng sĩ cuả Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi để thuộc lòng những đoạn giàu âm điệu và cảm xúc trong bản dịch của Trần Trọng Kim mẹ tôi chọn cho.

Quả đúng như Balzac viết: “Trái tim người Mẹ là vực sâu muôn trượng. Mà ở dưới đó bạn sẽ luôn tìm thấy sự tha thứ”. Và cũng đúng là Chúa trời không thể ở mọi nơi cùng một lúc, vì vậy người đã tạo ra những bà mẹ”.[1]

Có những phút sâu lắng diệu kỳ, đó là lúc gần sáng không ngủ được, tôi ra phòng khách, ngả lưng trên ghế, ngước nhìn lên hai khung hình cha mẹ tôi chính giữa căn phòng rộng mà con tôi thiết kế làm nơi tiếp khách, nối liền với phòng làm việc. Gần 40 năm qua, kể từ ngày hai khung hình này được treo lên trong phòng khách của ngôi nhà cũ mà con gái tôi xây lên, niềm an ủi lớn trong mối day dứt triền miên của đứa con không có được một căn hộ riêng để phụng dưỡng Mẹ, không biết đã có bao buổi sớm tĩnh lặng tôi gặp tôi trong nỗi niềm khắc khoải về câu hỏi của Mẹ: “Sau này con định thờ Mẹ ở đâu?”. Có câu hỏi đó, tôi hiểu rằng trong sâu thẳm ước nguyện của bà, nếu từ ngày rời làng Lại Thế ở Huế theo con lên Việt Bắc, bà không được ở với con trai, thì sau này, nơi hương khói cho mình sẽ là nơi mình về với nó. Thế nhưng căn hộ 9m2 tôi tại 36 Lý Thường Kiệt suốt 16 năm trời, đến chiếc xe đạp còn phải treo ngược mới đủ chỗ cho bốn nhân mạng ăn ở học hành khách khứa viết lách, thì biết tính sao?

Vì thế, khi con gái tôi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, đã nghỉ một năm chưa đi làm, vào Sài Gòn vay tiền của các anh chị tôi để xây nhà trên mảnh đất mà anh trai nó lúc ấy vẫn còn ở Hungari, dành dụm từ nơi du học gửi về cho mẹ mua, và để đấy đã hai năm. Buổi đầu tiên dọn vào nhà mới, việc đầu tiên là chúng tôi sung sướng trang trọng treo tấm hình hai cụ thân sinh đóng khung to và lồng kính lên giữa nhà xem đó là sự tạ lỗi với cha mẹ.

Thật ra, đó cũng chỉ là một biểu tượng để tự an ủi và làm nhẹ bớt đi nỗi nhớ thương Mẹ. Chỉ là một hạt cát trong biển cả mênh mông của cả cuộc đời mẹ dành cho con. Đúng là “Vũ trụ có rất nhiều kì quan nhưng kì quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ”.[2] Bỏ lại tất cả nhà cửa ruộng vườn ở làng Lại Thế để trèo đèo lội suối suốt nửa năm trời theo con ra Việt Bắc, bà cứ lẳng lặng thích nghi với cuộc sống kháng chiến không một lời kêu ca phàn nàn. Chỉ có một điều là không bao giờ bà lay chuyển. Chị tôi kể lại, bà vừa ân cần, chăm chút lo cho đời sống tình cảm của các con, vừa rất rắn rỏi và nghiêm khắc căn dặn: “Các con theo cách mạng, làm theo yêu cầu của cách mạng, Mẹ không can dự vì Mẹ không đi sâu vào công việc của các con làm chi, nhưng cần nhớ một điều là không được xúc phạm đến Thầy. Ai nói gì mặc họ, Thầy các con là một ông quan chính trực, thương nước thương dân. Các con phải hiểu điều đó. Nếu các con xúc phạm đến Thầy thì Mẹ sẽ lập tức trở về Huế. Mẹ đi ra được, thì đi về cũng được, và Mẹ sẽ làm như thế”. May mà chuyện đó không xảy ra. Chỉ tiếc rằng lúc tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 5(103). 2013 “Chuyên đề về sử liệu Việt Nam: LẠC VIÊN TIỂU SỬ (1871-1936)” do Trần Đại Vinh dịch và khảo chú ra đời, thì mẹ tôi đã khuất núi. Bà không được cầm trên tay cuốn tạp chí để biết được rằng những lời bà căn dặn đã được chứng minh bằng giấy trắng mực đen của một tạp chí khoa học có uy tín phát hành rộng rãi khắp nước.

Chúng tôi nuốt nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng. Và rồi bà trở về Huế sau ngày 30.4.1975 để đứng bên ngôi nhà cũ từ đó chúng tôi ra đi đúng một phần tư thế kỷ, nay chỉ còn là một cái nền đất cỏ dại mọc thưa thớt, lạnh lùng. Chao ôi, trôi dạt cũng để trở về. Trở về với những kỷ niệm và những trải nghiệm cay đắng ngọt bùi.

Chuyến ra đi để trở về của Mẹ tôi, trong suy ngẫm của tôi, in đậm bóng dáng của thân phận một con người trong sự nổi trôi của số phận dân tộc. Quả thật “Nếu bạn không biến những điều vô thức quanh mình thành những gì bạn chủ động ý thức rằng nó đang diễn ra, cuộc sống của bạn sẽ bị chính sự vô thức đó điều khiển và bạn gọi đó là số phận”.[3]

Miên man trong suy ngẫm và liên tưởng với một câu hỏi: thân phận của Mẹ có phải là ánh phản chiếu của thân phận dân tộc này không? Ngót phần tư thế kỷ qua, tính từ tuổi “tri thiên mệnh” trở đi, nhất là khi tôi dứt khoát từ bỏ chức danh Viện trưởng từng cho tôi nếm trải cái “mùi tục lụy”, tôi có điều kiện để suy ngẫm nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống của chính mình trong sự rộng mở của tư duy và cung cách ứng xử giữa cuộc đời. Có điều kiện thong thả nhìn ngắm những bon chen, hối hả của cuộc sống, càng thấm thía về cuộc trầm luân mà dân tộc phải còng lưng hứng chịu để hiểu ra mình cần phải làm gì.

Trong sự tĩnh lặng đêm khuya, đắm mình với những suy tưởng qua khung hình của Thầy Mẹ tôi, tôi gặm nhấm nỗi cô đơn của chính mình và hiểu ra, cô đơn không phải là nghiệp chướng mà là sự trở về với thân phận con người để hiểu mình, hiểu người, hiểu cuộc sống. Để rồi, lòng cuộn lên nỗi nhớ Mẹ. Mẹ ơi, đời Mẹ cũng như đời dân tộc.

Ngày 30.4 đến cũng gần kề với với ngày giỗ cha tôi, ngày 18 tháng Ba (âm lịch) Cha tôi mất tháng ba năm Bính Tý, còn tôi sinh vào tháng ba nhuận năm ấy. Mẹ tôi có lần hỏi tôi: “Ai bảo cho con biết ngày con sinh?”. Hỏi vậy, vì khi chuẩn bị cho sự ra đời của tôi, mẹ tôi phải đi ở nhờ một nơi khác vì cả đại gia đình đang dồn sức phục dịch cho cha tôi đang thập tử nhất sinh sau mấy tháng trời ốm bệnh nan y.

Cũng đúng vào những ngày bom B52 rải thảm Hà Nội, vào một đêm trăng sáng ở sân nhà cụ Binh, nơi mẹ tôi và các cháu nhỏ sơ tán, đợi đến đêm khuya thanh vắng, mẹ tôi dặn tôi đến từ một ngôi nhà nhỏ tôi sơ tán ở cuối xóm – nhà ông Thừa – để “làm Giỗ” cho cha tôi. Lễ vật cúng cha tôi là một ấm trà với gói trà Hồng Đào mẹ tôi đã cất kỹ tự bao giờ trong môt hộp gỗ đậy kín. Mẹ tôi bảo: “Cốt là lòng thành con ạ. Siêu nước mẹ đã đun sôi đang ủ trên bếp, con vào mang ra đây pha vào chiếc ấm mẹ vừa tra trà vào, đặt trên chiếc mâm gỗ và ba cái chén nhỏ uống nước và chiếc đĩa mượn của nhà cụ Binh mà mẹ đã đánh sạch, đặt quả bưởi lên đĩa, rồi bưng ra đặt trên nóc bể nước mưa giữa hai cây tre trước sân”. Mẹ tôi thắp ba nén hương cắm vào quả bưởi, làm rầm khấn, tôi đứng bên cạnh bà.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi như vẫn nhớ mùi hương mẹ thắp, hương trà Hồng Đào mẹ pha và mùi hương cau, hương bưởi vườn nhà cụ Binh trong đêm trăng thanh vắng ấy. clip_image002

Hôm nay, nhân 30.4, tôi kể lại nối với những chuyện còn nhớ được khác, trong đó có một chuyện mà tôi không thể không kể vì nó từng in đậm trong tôi một tấm lòng bè bạn, còn đặc biệt hơn thế, vì đó là John McCain, người khổng lồ trong nền chính trị Mỹ, người đã “tự hào là đã cố gắng phục vụ đất nước mình với danh dự của một quân nhân”. Trước lúc từ giã cõi đời này, “người khổng lồ” ấy viết: “Tôi cảm nhận rằng ngay cả lúc này khi tôi từ giã cõi đời, tôi vẫn trân quý cuộc sống của mình, trân quý hết thảy cuộc đời đó. Tôi đã có những trải nghiệm, những cuộc phiêu lưu và tình bằng hữu đủ cho mười kiếp sống viên mãn, và tôi tràn đầy lòng biết ơn…”.

imageChúng tôi, Huỳnh Kim Báu, Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Công Giàu đã đến Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn thành kính dâng hoa tưởng niệm con người Mỹ vĩ đại ấy, người đã vượt qua mọi nỗi đau của quá khứ để hết lòng thúc đẩy cho mối quan hệ Mỹ Việt phá bỏ mọi rào cản để có sự kết nối bền chặt. Tôi đã ghi vào sổ tang những dòng chân tình tự đáy lòng mình. Đạo diễn điện ảnh thân quý Trần Văn Thuỷ trong mấy dòng thư ngắn tôi trích ra đây, bằng đôi mắt của nhà điện ảnh bậc thầy anh đã viết cho tôi: “Những chuyện tưởng như khô khan, xa xôi; những nhân vật chỉ còn đọng lại trong ký ức được nối ghép, dựng lại sống động như một bộ phim quay chậm. Tôi trộm nghĩ nếu những nhân vật được Anh nhắc đến mà đọc bài viết này thì họ cảm kích biết nhường nào.... Tôi chưa làm được điều anh Thuỷ vừa nhận xét, nhưng tôi mong làm được như vậy. Mong thực hiện được, cũng một sự khích lệ rất chân tình và rộng lượng khác, của nhà xã hội học Nguyễn Quang Vinh, bạn tôi đã hơn 60 năm: “Bài viết này hay thật đó nha. Có một cái gì rất nặng đang được chuyển dịch đi. Không quan trọng là nó đi đâu. Mà quan trọng là nó đang chuyển dịch, như một thứ chứng thực cho độ thâm sâu và bí ẩn của cuộc đời này… Một cái gì rất quan trọng đang chuyển dịch. Để làm nên cuộc sống. Để làm nên vẻ giàu có hơn cho chính tâm hồn của ta dường như đang nghèo kiệt đi vì – dù cho cố gắng bao nhiêu – vẫn thiếu can đảm sống…

Tôi những muốn thầm thì với đáy sâu tâm hồn mình: “Tư tưởng chiếm lĩnh ý nghĩ của chúng ta, bắt lòng tin tưởng của chúng ta phải phục tùng và được lý trí cột chặt lương tâm của chúng ta vào chúng. Đó là sợi dây ràng buộc mà người ta không thể bứt ra được, nếu không xé nát trái tim mình”.[4]

Ngày 30.4.2023


[1] Câu nói ấy là của Rudyard Kipling, nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907.

[2] Bernard Shaw, được coi là văn hào Anh lớn nhất thế kỷ XX, nhà viết kịch Anh vĩ đại ngay sau Shakespeare.

[3] Carl Jung, nhà tâm lý học và là bác sĩ tâm thần người Thuỵ Sĩ thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người đứng đầu trường phái tâm lý học phân tích (analytical psychology). Các học thuyết của Jung còn đưa ra những ý tưởng quan trọng cho sự phát triển của các học thuyết hiện tại về nhân cách.

[4] Karl Marx. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 173.