Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

Những năm sáu mươi

Nguyễn Đức Tùng

 

Có thời kỳ nào đẹp hơn những năm sáu mươi?

Không.

Có thời kỳ nào điên rồ hơn những năm sáu mươi?

Không.

Có thời kỳ nào mà khoa học và nghệ thuật phát triển rực rỡ hơn những năm sáu mươi?

Không.

Có thời kỳ nào mà tuổi trẻ phương Tây đòi dân chủ, đòi tình yêu mãnh liệt trong khi cũng tôn thờ Mao Trạch Đông rồ dại như những năm sáu mươi?

Không.

Có thời kỳ nào mà người giết người nhiều hơn những năm sáu mươi?

Không.

Có thời kỳ nào mà người ta tự tử nhiều hơn những năm sau mươi?

Không.

Có thời kỳ nào mà người ta làm tình nhiều hơn những năm sáu mươi?

Không.

Chúng ta là những đứa con của những năm sáu mươi.

Tháng 10 năm 1960, Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, rút giày ra đập lên mặt bàn rầm rầm trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khi ông nổi giận với một diễn văn chỉ trích chính quyền Xô viết. Không ai nhớ đó là chiếc giày bên phải hay bên trái. Nhưng một tháng sau, tháng 11 năm 1960, John Kennedy trẻ tuổi được bầu làm Tổng thống Hoa kỳ. Ba năm sau, ông đến Tây Đức, đứng trước bức tường nổi tiếng, tuyên bố: tôi là một công dân của Berlin.

Những năm sáu mươi: tôi bước vào đời. Cuộc chiến tranh chống Pháp đã chấm dứt khi tôi sinh ra. Chúng tôi là thế hệ may mắn. Dù cuộc kháng chiến ấy là một huyền thoại về lòng yêu nước, để lại những ký ức tốt đẹp trong lòng dân chúng miền Nam, thì sự kết thúc của nó vẫn tốt đẹp hơn. Những cuộc ruồng bố của quân Pháp, các phương pháp trấn áp của phe kháng chiến, tất cả đã kết thúc. Một nửa, hay hơn một nửa dân tộc, không tin như vậy, họ tiếp tục cuộc chiến đấu, giải phóng một nửa đất nước mà họ nghĩ là đang rên xiết vì gót giày quân xâm lược, trong khi trong thực tế những người anh em của họ chỉ rên xiết vì hạnh phúc. Hai mươi năm sau điều này sẽ trở thành bi kịch trong các gia đình. Nhưng vào lúc này, tình cảm thiêng liêng ấy lớn đến nỗi các tai họa như Cải cách ruộng đất cũng không làm lay chuyển được chính các nạn nhân của nó. Người ta thành thực tin như vậy, hy sinh cho miền Nam ruột thịt. Họ về sau sẽ là kẻ bị phản bội nhiều nhất. Một nửa khác của dân tộc, hay ít hơn một nửa, xét về số lượng, thì lại nghĩ mọi thứ chấm dứt, và họ bắt đầu cuộc sống mới, nhẹ nhõm chia tay với quá khứ. Buổi sáng tôi ngồi trên bậc cửa. Cửa mở sáng. Như tất cả những đứa trẻ thôn quê khác, tôi dậy sớm với tiếng gà gáy đầu tiên. Tôi yêu cuộc sống này, ngay từ lúc mới sinh ra, trên bậc cửa nơi tôi ngồi với con chó nhỏ, trong khu vườn khá rộng của mẹ tôi, nơi tôi biết rằng mọi thứ đang bắt đầu.

Liệu chúng tôi có thể tiếp tục sống như thế này không?

Có thể.

Tôi có thể là một đứa trẻ mãi mãi không?

Có thể.

Chúng ta có thể sống trong hòa bình và tránh chiến tranh không?

Có thể.

Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ đi phải lính và cầm súng giết người?

Tôi chắc chắn như vậy,

Bạn có ghét chiến tranh không?

Có.

Bạn có bỏ trốn khi bị gọi nhập ngũ không?

Không bao giờ.

Tại sao?

Tôi ghét những kẻ hèn nhát.

Thế bạn sẽ chiến đấu vì cái gì?

Không vì cái gì cả.

Có ai cần đến cuộc chiến đấu của bạn không?

Không.

Bạn có muốn kéo dài mãi đời sống hạnh phúc này không?

Muốn.

Theo bạn hạnh phúc là gì?

Tôi không biết.

Bạn có căm thù ai không?

Không. Chúng tôi không căm thù ai cả.

Bạn có thể gọi tuổi thơ của bạn là một tuổi thơ hạnh phúc?

Chắc chắn thế.

Bạn có muốn sống mãi trên quê hương của bạn không?

Tôi muốn ra đi và trở về.

Bạn sẽ nhớ lại điều gì sau này?

Những buổi sáng mùa hè.

Bạn có nhìn thấy ma quỷ không?

Có.

Bạn có nhìn thấy thiên thần không?

Không.

Bạn nhìn thấy điều gì đẹp nhất trên thế gian này?

Những con chim chìa vôi hót.

Năm 1960, Liên Xô bắn rơi chiếc máy bay thám thính U2, bắt giữ phi công Powers. Quân đội Mỹ có hai triệu rưỡi người. Quân đội Liên Xô bốn triệu người. Tổ chức dầu hỏa lớn nhất thế giới OPEC ra đời. Năm 1960, Albert Camus mất ở Pháp và Boris Pasternak mất ở Nga. Đó là những linh hồn của chúng ta, tôi nghĩ. Những năm của Martin Luther King: tôi có một giấc mơ. Những năm sáu mươi của Giữ thơm quê mẹ của Thích Nhất Hạnh. Nhưng Kennedy ủng hộ cuộc chiến tranh ở Lào, các hoạt động quân sự dọc biên giới Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm tuyên bố cuộc chiến tranh chống cộng không phải là chiến tranh du kích, mà là cuộc chiến tranh thực sự. Xô Viết thử bom nguyên tử, hai trăm lần mạnh hơn bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima. Những năm sáu mươi, Hemingway tự tử bằng súng, bắn vào đầu, lúc ông sáu mươi mốt tuổi. Năm 1962, Quốc hội Mỹ thông qua một ngân sách bốn mươi tám tỷ cho quân sự, trong đó có 275 triệu đô la cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1962, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, Liên Xô đặt giàn phóng tên lửa với sức hủy diệt hoàn toàn tám mươi triệu người Mỹ trong một đòn đánh đầu tiên. Tổng thống Kennedy từ chối kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu quân sự về cuộc tấn công phủ đầu vào các trung tâm tên lửa, thay vào đó, ông yêu cầu Xô viết gỡ ngay các giàn tên lửa và bao vây vùng biển Cuba. Ngay trong ngày đầu tiên của cuộc bao vây, Khrushchev lùi bước, vội vã rút quân. Điều này lặp lại với Ronald Reagan, mười chín năm sau, trong cuộc khủng hoảng con tin ở Toà đại sứ Mỹ ở Teheran: ngày 20 tháng 1 năm 1981, mười sáu phút sau khi Tổng thống Reagan tuyên thệ nhậm chức ở Hoa Thịnh Đốn, 52 con tin bị bắt giữ ở Toà Đại sứ Mỹ được Iran phóng thích, chấm dứt 444 ngày căng thẳng. Mười sáu phút. Bài học là: lịch sử là lịch sử của các ý chí. Mạnh được yếu thua. Ngày 7 tháng 7 năm 1963, con người có tâm hồn đẹp như thiên thần sinh ra ở phố huyện Cẩm Giàng, học trường Bưởi, du học Pháp, về nước năm 1930, viết văn, tham gia hoạt động chính trị, uống thuốc độc tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh:

“Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do.”

Cha tôi khóc Nhất Linh. Ông lặng lẽ úp mặt vào giữa trang sách còn thơm mùi mực mà khóc. Nhất Linh từng trích dẫn Pascal: bên này dãy núi Pyrénées là chân lý, bên kia là hư ngụy. Ngày 1, 11,1963, giữa ngọn lửa của phong trào Phật giáo, giữa các cuộc hoạt động du kích ngày càng lan rộng ở miền Nam, tướng Dương Văn Minh đảo chánh, ngày hôm sau, ngày 2 tháng 11, Tổng thống Diệm bị giết cùng em trai Ngô Đình Nhu trong một chiếc xe tăng M113, cả hai đều bị tra tấn tàn nhẫn và bị bắn nhiều phát. Tướng Minh ra lệnh giết ông Diệm mà không có sự đồng ý của người Mỹ. Trong lễ nhậm chức của Tổng thống Kennedy, nhà thơ huyền thoại Robert Frost được mời đọc thơ. Đang cầm tờ giấy có in bài thơ thì mắt ông bị mù đột ngột, vì bong võng mạc do ánh mặt trời chiếu thẳng vào mắt. Ông đành đọc một bài thơ ngắn hơn mà ông thuộc. Sau đó, mù hẳn. Năm 1963, những nhà thơ sau đây qua đời: Williams Carlos William, Robert Frost, Sylvia Plath. Plath tự kết liễu. Kết liễu cái gì? Các bông hoa anh túc này:

Anh Túc Tháng Bảy

Anh túc nhỏ xíu, lửa địa ngục đìu hiu ơi

Mi có hại người không?

Chiếu hồng lấp lánh. Ta không chạm vào mi được.

Ta đặt tay quanh ngọn lửa. Không có gì cháy bỏng

Nhìn mi, ta mệt nhọc vô cùng

Nhấp nháy, nhăn nheo, hồng như thịt da của miệng

Cái miệng chảy máu

Cái váy chảy máu

Có khói, mà ta không chạm được

Nhưng độc dược của mi đâu? Những viên thuốc phiện buồn nôn?

Mi luôn chảy máu. Hay mi ngủ quá sâu

Nếu miệng ta cưới được nỗi đau kia?

Nhạt mờ, sững lại.

Nhưng mãi không màu. Không màu.

 

Poppies in July

Little poppies, little hell flames,
Do you do no harm?


You flicker.  I cannot touch you.
I put my hands among the flames.  Nothing burns


And it exhausts me to watch you
Flickering like that, wrinkly and clear red, like the skin of a mouth.


A mouth just bloodied.
Little bloody skirts!


There are fumes I cannot touch.
Where are your opiates, your nauseous capsules?


If I could bleed, or sleep! -
If my mouth could marry a hurt like that!


Or your liquors seep to me, in this glass capsule,
Dulling and stilling.


But colorless.  Colorless.

Năm 1960, những người da đen rời bỏ các tiểu bang phía Nam, di dân lên phía Bắc, chiếm 70% dân số của thủ đô Washington, chiếm gần một phần tư dân số New York. Tổng thống Eisenhower kêu gọi sự bình đẳng chủng tộc, mở ra quyền bình đẳng của người da đen trong bầu cử, trường học, việc làm. Ba tuần lễ sau cái chết của Tổng thống Diệm, ngày 22 tháng11 năm 1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát bởi Lee Harvey Oswald ở Dallas, Texas. Bốn ngày sau, hung thủ bị bắn hạ tại trụ sở cảnh sát. Năm 1964, khu trục hạm Maddox bị tấn công bởi các tàu chiến của Bắc Việt ba mươi dặm ngoài khơi vịnh Bắc bộ. Miền Bắc phủ nhận điều này và cho rằng đây là sự bịa đặt. Tôi cũng nghĩ như vậy; hoặc gài bẫy. Phía Mỹ phản công bằng cách ném bom trong năm ngày. Quốc hội thông qua đạo luật vịnh Bắc bộ, cho phép mở rộng chiến tranh ở Đông Nam Á. Liên Xô tuyên bố ủng hộ Hà Nội vô điều kiện. Như vậy, các ông lớn vào cuộc: con tốt Việt Nam, một lần nữa sau Geneva, đã được đặt gọn ghẽ lên bàn cờ.

Người Việt không biết gì về điều ấy. Một nửa nước chỉ biết chiến đấu cho một lý tưởng mà họ tin là chân lý. Bạn đừng mắng: những năm sáu mươi người ta hay nói đến hai chữ ấy. Chân lý: là cái bát đựng đầy nước, tràn đầy, trọn vẹn, chứa tất cả, không nhận vào thêm nữa cái gì không thuộc về nó. Bạn nghe bài thơ xúc động sau đây. Nó không phải là thơ tuyên truyền.

Cuộc Chia Ly Màu Đỏ

Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
C

hiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt lonh lanh nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
- Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Ðã toả sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi...

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...”

Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...

Từ bất kỳ lập trường nào, chúng ta cũng kính trọng những tình cảm như vậy. Phong trào cộng sản quốc tế gặp nhiều vận may khi chinh phục Việt Nam: thế chiến thứ hai, nạn đói năm 45, vân vân. Miền Bắc là một vận may như vậy: con người, sông núi. Nguyễn Mỹ viết bài thơ năm 1964, trước khi vào chiến trường miền Nam, và anh ngã xuống ở đó. Ngã xuống ở đó, còn nhiều người khác, những người cùng chí hướng và những người không chia sẻ chí hướng ấy. Năm 1964 cũng là năm Trung Cộng thử bom nguyên tử, mở đầu cuộc chạy đua vũ trang giữa hai thế giới. Ở Nam Phi, Mandela bị bỏ tù chung thân. Ông sẽ ở tù hai mươi bảy năm trước khi được thả tự do. Năm 1965, kinh tế Mỹ phát triển vượt bực. Năm 1966, các phong trào đòi quyền bình đẳng, quyền của người da đen, đòi giải phóng phụ nữ.

Những năm sáu mươi, Roland Barthes, cái chết của tác giả, và Jacques Derrida, giải cấu trúc luận, làm mưa làm gió ở châu Âu. Nhưng ở Mỹ, Phê bình mới còn lâu mới hết thời: nó không bao giờ chết như bị tuyên bố. Nó là một công cụ hữu hiệu của phê bình đương đại, ngự trị suốt thế kỷ 20 và cho đến nay. Tiếp nối chủ nghĩa hình thức Nga, các nhà phê bình mới quan tâm đến văn bản tựa như hiện hữu tự động và khép kín, mọi ý nghĩa của một tác phẩm nằm trọn vẹn trên trang sách. Vì vậy, người đọc không cần đi tìm trên trang sách nào khác nữa, như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh của thời đại. Tôi cần nói thêm rằng không phải nhà phê bình mới nào cũng có quan điểm rõ ràng về việc này, và họ vẫn sử dụng các kiến thức về văn hóa, xã hội, tiểu sử, trong việc tìm hiểu tác phẩm. Cống hiến lớn nhất của Phê bình mới là mang lại công cụ hữu hiệu trong việc đọc, nhấn mạnh vai trò của việc tìm hiểu văn bản trước hết, và nêu các vấn đề về thi pháp, ẩn dụ, sự tương tác giữa hình thức và ý nghĩa. Marilyn Monroe, tên Norma Jeane Mortenson, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1926, biểu tượng của sắc đẹp và tình dục của thời đại, thần tượng của nhạc pop, văn hóa pop, người mà bộ phim Someone like it hot, Một người nào thích nóng bỏng, 1959, đã đưa lên đỉnh danh vọng, nàng Monroe ấy bay đến Nữu Ước hát bài mừng sinh nhật của Tổng thống John F. Kennedy vừa đắc cử, và sau đó trở thành tình nhân của ông. Cũng tin đồn khác, cô còn là người yêu của em trai tổng thống, Bộ tưởng Tư pháp Robert F. Kennedy phong nhã, kẻ sau này sẽ bị bắn khi ra tranh cử. Một năm sau, ngày 5 tháng 8 năm 1962, Monroe uống thuốc tự vẫn. Như thể, những năm sáu mươi là những năm của thần chết: bí ẩn, nức nở, hoang đàng. Những năm sáu mươi cũng là những năm của tình yêu say đắm, ban nhạc The Beatles làm rung động cõi người với Lennon, kẻ sẽ bị bắn, và McCartney, kẻ sẽ sống sót, một ban nhạc gồm bốn người từ Luân Đôn, hát:

When I say that something

That I want to hold your hand

Khi anh định nói một điều gì

Thực ra anh chỉ muốn cầm tay em

Ngày 8 tháng 3 năm 1965, lính Mỹ đổ bộ vào bãi biển Xuân Thiều, cách Đà Nẵng 3,7 cây số, từ ba tàu vận tải Vancouver, Henrico, Union. Đó là lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 9, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Frederick Karch. Từ năm 1965 đến 1967, tình hình Nam Việt Nam tương đối ổn định, các lực lượng chính phủ kiểm soát hầu hết vùng núi và đồng bằng. Trong khi đó, phong trào thiên tả ở Mỹ lan rộng trong giới trẻ, và cuốn sách đỏ của Mao Trạch Đông là cuốn sách bán chạy nhất, vượt xa các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng vào thời đó của Kerouac, Levertov, Styron. Levertov sau này sẽ bay về Hà Nội. Năm 1968, tháng 1, để tạo ra bước ngoặt, chấm dứt tình trạng ổn định nói trên ở miền Nam, Hà Nội ra lệnh tổng tấn công vào dịp Tết nguyên đán. Ngày mồng một Tết, bắt đầu sự kiện Mậu Thân Huế với những mồ chôn tập thể. Tại sao Huế mà không phải Sài Gòn? Hai tháng sau, ngày 16 tháng 3, năm 1968, ở xã Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, một đơn vị của trung uý William Calley giết hại hơn ba trăm năm mươi người. Sơn Mỹ và Mậu Thân: trong cả hai vụ thảm sát, những người bị giết là những người vô tội.

Một năm trước đó, năm 1967, Nguyên Sa đã “Xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng”:

Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế
ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là thằng dốt nát
trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
những thỏi sắt đó nặng như thế
ta không nói cho vợ con bạn bè đồng bào ta biết
anh em ta và quê hương ta
vác những thỏi sắt nặng như thế
từ bao nhiêu năm nay


bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai
bây giờ đứng gác đêm ở rừng gìa gió lạnh thấu xương
ta mới biết rằng sương lạnh như thế
ta mới biết rằng gió lạnh như thế
ta muốn kêu to lên ta là thằng dốt nát
ta là một thằng dốt nát
vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng
ta không viết lên giấy trắng mực đen cho những người yêu thơ ta biết
anh em ta và quê hương ta đã đứng như thế từ bao nhiêu năm
bây giờ di chuyển đêm di chuyển ngày di chuyển nắng di chuyển mưa
ăn không được ngủ không được cười không được khóc không được
hỡi những anh em đã ngồi trước mặt ta trên ghế nhà trường
hỡi những anh em đã đọc thơ ta yêu quý
ta nào đã làm được gì
để anh em cười được khóc được ăn được ngủ được
để anh em tìm thấy toạ độ trong rừng gìa
để anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát
để đạn đừng xuyên qua phổi
để đạn đừng xuyên qua tim
hãy tha thứ cho ta
hãy tha thứ cho ta
những anh em đã chết
những anh em chết ở bờ ở bụi
những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu
những anh em chết khi đi di hành
những anh em chết khi đi phục kích
những anh em chết mặt đẹp như hoa
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em học giỏi như thần đồng
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
cũng chết
những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run
cũng chết
những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
cũng chết
những anh em mẹ già còn yếu hơn mẹ già ta
cũng chết
những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
đã chết
đang chết
và còn chết
hãy tha thứ cho ta.

8-1967

Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh năm 1932 tại Hà Nội, mất năm 1998 ở California. Nguyên Sa của Hà thành:

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm

Chả biết tay ai làm lá sen?

Những năm sáu mươi là của hippy, hippie. Những người trẻ hồn nhiên yêu cuộc sống, đòi tự do, thoát khỏi các định chế tư bản và hiện đại, tự do tình dục, yêu hòa bình, chống chiến tranh, trở về với tôn giáo Đông phương, anti-state, anti-war, anti-modern, sex liberation, với khẩu hiệu nổi tiếng “make love, not make war”. Những kẻ ấy mặt khác lại say mê tôn thờ các lãnh tụ độc tài như Mao Trạch Đông và Lênin, đơn giản là vì họ không phải sống trong cách mạng văn hóa và trong trại Gulag. Tuổi trẻ Mỹ đổ về San Francisco, trung tâm của hippie. Nhà văn Joan Didion kể lại rằng khi bà đến San Francisco, thấy một mảnh giấy ghim trên tường trên đường Haight street, có lẽ không phải là thơ, nhưng có lẽ là. Tôi nghĩ là thơ. Tùy bạn. Như sau:

Lễ Phục sinh vừa rồi

Thằng Christopher Robin của tôi bỏ nhà đi mất

Nó gọi được một lần, ngày mười tháng tư

Rồi sau đó không thư từ gì nữa

Nó hứa nó sẽ về nhà

Nhưng không

Nếu bạn gặp nó lông bông trên đường Haight

Làm ơn kêu lại bảo đừng có chờ ai nữa

Mẹ cần gặp nó ở nhà

Ngoài ra, không cần biết nó về bằng cách chi

Nhưng nếu Robin cần bánh mì

Thì tôi sẽ lập tức gởi đi.

Nếu bạn nghe chút tăm hơi nào

Về cháu, mau làm ơn viết cho tôi mấy chữ

Nếu Robin con còn sống đó

Xin bảo nó rằng mẹ nhớ

Tôi muốn biết nó đi đâu?

Vì yêu con, lòng tôi quặn đau!

Trân trọng,

Marla.

Last Easter Day
My Christopher Robin wandered away.
He called April 10th
But he hasn’t called since
He said he was coming home
But he hasn’t shown.

If you see him on Haight
Please tell him not to wait
I need him now
I don’t care how
If he needs the bread
I’ll send it ahead.

If there’s hope
Please write me a note
If he’s still there
Tell him how much I care
Where he’s at I need to know
For I really love him so!

Deeply,
Marla

Những năm sáu mươi: của chủ nghĩa hiện sinh (existentialism). Mặc dù có căn nguyên từ Đức như Martin Heidegger, Karl Jasper, nhưng phát triển mạnh mẽ ở Pháp với Jean-Paul Sartre (1905-1980), Albert Camus (1913-1960), Merleau Ponty (1908-1961). Mới đầu là một khuynh hướng văn học và triết học chủ trương lối sống tự do, phóng khoáng, gần thiên nhiên, về sau thành một phong trào rộng lớn trong giới trẻ. Chủ nghĩa hiện sinh phát triển từ châu Âu, đã góp phần làm lan rộng phong trào hippie ở Mỹ. Năm 1969 những người sau đây qua đời: Tổng thống Eisenhower, Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nhà thơ Jack Kerouac, on the road. Năm 1969, Nixon trở thành Tổng thống thứ 37. Bắt đầu học thuyết Việt Nam hóa chiến tranh, cùng lúc leo thang và rút quân, leo thang để rút quân. Tôi đọc chữ được chữ mất cuốn sách của một sĩ quan không quân Mỹ, có tên là Fight to Fly. Đánh để bay đi. Nhưng họ không bay đi được. Ngày 19 tháng bảy năm 1969, phi thuyền Apollo 11 đổ bộ xuống mặt trăng. Neil Amstrong và Edwin Aldrin đã ở đó 21 giờ, 36 phút, đánh dấu bước nhảy vọt của con người ra không gian. Rồi con người tương lai sẽ còn đi xa hơn nữa, bỏ lại sau lưng ngôi nhà trái đất đang ngún lửa cháy khắp nơi.

Bảy năm trước đó, ngày 27 tháng 9 năm 1962, cuốn Mùa xuân im lặng, Silence Spring, của Rachel Carson ra đời, làm rung chuyển nước Mỹ. Cuốn sách viết về tác hại đối với môi trường, cây cỏ, thú vật của các hóa chất diệt côn trùng, với những bằng chứng khoa học không thể chối cãi. Đây là sự lên tiếng dũng cảm của một nhà khoa học, nhà văn, chống lại tội ác của các công ty hóa chất, hơn thế nữa nó còn mở ra một thời kì mới thức tỉnh nhân loại trước sự tàn phá môi trường. Rachel Carson nói về một mùa xuân im lặng, không có tiếng chim hót, từ những năm sáu mươi đã báo động về thế giới hôm nay, về sự tiêu diệt rừng núi và biên cả, sông núi, nông thôn, đời sống và văn hóa.

Không có tiếng chim hót?

Lúc đó khoảng năm giờ chiều, tôi và anh tôi rủ nhau tới nhà một người bà con cuối làng. Nhà bỏ hoang từ thời chiến tranh, sau này không ai trở lại nữa, nhà gạch mái ngói nhưng vách tường đầy rêu, cột kèo xô lệch, dọc mái hiên bốn phía lau lách chim sẻ và chim én và chim chìa vôi thi nhau làm tổ, nếu tình cờ nằm ngủ trưa ở đó bạn sẽ bị đánh thức vì tiếng kêu inh ỏi của chúng, không thể ngủ lại được. Suốt mùa xuân, suốt mùa thu, suốt mùa hè, nhiều ngày không mưa, tiếng kêu của bọn chim ngày càng khàn đục vì sức nóng trong cổ họng của chúng, anh tôi và tôi ngồi trên thành giếng ngoài sân, giếng cạn nước, nhìn thấy đáy, vài bao ni lông, một cây gậy ba toong, cái nón rách, vỏ lon sữa bò, chúng tôi ngồi đó nhìn mây bay qua, nhìn thấy họ đến. Anh tôi ra dấu cho tôi, hai đứa núp sau thành giếng, họ đi chậm chạp nhưng thẳng một mạch, không hề nhìn quanh, nên không thấy chúng tôi, hay ít ra tôi nghĩ thế, ra vẻ quen thuộc, một người đi trước, đàn ông, người đi sau, đàn bà, người đàn ông mặc bà ba nâu để đầu trần, tóc búi lại thành búi to sau gáy, tay cầm cái túi vải đen, người đàn bà đội nón, vành nón kéo sụp xuống không nhìn rõ mặt, họ đi im lặng, người đàn ông bước qua hiên lặng lẽ mở hé cánh cửa gỗ, cửa chính ra vào, lách mình bước vào trước, người đàn bà theo sau, trong nháy mắt biến mất vào bên trong. Hai chúng tôi nín thở nhìn theo, không thấy gì nữa, không hiểu chuyện gì, chúng tôi ngồi đó, khổ sở vì nín thở quá lâu, lo lắng pha lẫn phấn khích, tôi biết chắc rằng chúng tôi ngồi lâu đến nỗi, hàng giờ, bàng hoàng, trời tối khi nào không biết, nhưng không thấy họ mở cửa bước ra, anh tôi đánh liều tiến lại gần tìm cách đẩy cửa nhưng không thể mở được, vì rõ ràng cánh cửa ra vào được khoá chặt, bằng cách nào thì tôi không biết, nhưng khi đứng trước nó bạn sẽ đồng ý với tôi. Cánh cửa gỗ bốn mảnh kiểu nhà rường xưa, chắc chắn, đóng kỹ, không cách gì mở được, người ta chỉ có thể phá nó ra chứ không mở được, chủ nhà rõ ràng đã quyết định là sẽ đi xa lâu ngày, sẽ bỏ hoang nhà ấy, sẽ đi xa lâu đến nỗi may ra chỉ có linh hồn là còn trở lại.

(Những đứa con của chiến tranh 2)