Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Tìm ra ngôn từ sau chiến tranh: Thanhhà Lại nói về việc khám phá giọng nói của mình

Tiểu thuyết gia gốc Việt đoạt giải National Book Award với “Inside Out & Back Again” cho biết dư chấn chiến tranh đã theo gia đình bà đến Alabama.

Góc nhìn của Thanhhà Lại

The Washington Post, 23/3/2023 – Hồng Anh dịch

clip_image002

Nhà văn Thanhhà Lại. (Paula Landry)

50 năm trước, khi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam, họ về nước mang theo tiền lương của mình. Ngay lập tức, những người từng sống phụ thuộc vào đồng đô la của họ hoảng sợ. Những người phụ nữ từng có khả năng mua quần áo trẻ em do mẹ tôi may bắt đầu lo lắng về thịt về rau. Điều đó có nghĩa là gia đình tôi có ít tiền chi tiêu hơn.

Mẹ tôi phải cho nghỉ việc người giặt đồ (bằng tay) và nấu ăn cho chúng tôi (chúng tôi trả công bà bằng một tô thức ăn do bà nấu). Mấy người anh tuổi thiếu niên của tôi tự đi chợ và nấu ăn. Tôi, lúc đó 8 tuổi, phải bỏ chuyện ăn vặt sau giấc trưa. Ở một nước nhiệt đới, hầu hết người ta thức dậy sớm và ngủ trưa khi trời nóng. Thức dậy trong những buổi chiều tẻ nhạt đó, tôi thèm những cái bịch ni-lông đựng những lóng mía mát lạnh, được róc vỏ, xắt khối và đông đá.

Hai năm sau, chiến tranh kết thúc, nhưng dư chấn của nó đã theo tôi và gia đình đến Alabama. Ba tôi từng là lính hải quân của bên thua cuộc, điều đó có nghĩa là các con của ông sẽ không được phép học đại học. Chúng tôi chạy trốn và trở thành người tị nạn.

Những dư chấn này nhân lên gấp bội mỗi lần tôi rời căn nhà chúng tôi thuê: quần áo mới, thức ăn mới, cây cối mới, thời tiết mới, trường mới, thói quen mới (không còn ngủ trưa) và tệ nhất là ngôn ngữ mới. Không có gì đau đớn bằng việc mất đi ngôn từ để thể hiện bản thân mình. Trong vài tháng đầu tiên, tôi chỉ việc nói năng sao chép các bạn học lớp bốn của mình. Tất nhiên tôi hiểu thứ ngôn ngữ quốc tế mà một vài đứa trong đám bạn sử dụng: chỉ trỏ và cười.

Sáu tháng sau từ khi chúng tôi chuyển đến, tôi đã tiếp thu đủ tiếng Anh để hét trả lại những kẻ bắt nạt. Một năm nữa trôi qua, tôi đã có thể viết một bài luận dễ hiểu, nhưng các giáo viên luôn đánh giá bài viết của tôi là “vụng về” bởi vì tôi quá chuộng từ điển. Tôi xé nát cuốn Từ điển American Heritage, thề sẽ chinh phục tiếng Anh theo cách mẹ tôi sử dụng tiếng Việt, như thể từ miệng bà bồng bềnh trôi ra những cánh hoa lan. Cuối cùng tôi thành thông dịch viên của mẹ.

Tôi tra cứu từng từ trong cuốn sách đầu tiên tôi đọc bằng tiếng Anh, “Where the Red Fern Grows”, thậm chí cả từng chữ “a,” “an” và “the”. Tôi bực mình vì tiếng Anh có quá nhiều từ lắt nhắt, sau này mới biết chúng được gọi là mạo từ, mà tiếng Việt không có. Chi tiết đánh sữa [churning] để lấy bơ trong truyện của Laura Ingalls cũng khiến tôi bối rối không kém. Từ “churn” dịch ra là một thứ đồ đựng, nhưng nó không giải thích làm thế nào sữa lại trở thành bơ. Tuy nhiên, vào năm đầu tiên bậc trung học, khi đọc “The Outsiders”, mỗi trang tôi chỉ cần tra cứu vài từ. Tôi thích đề tài đi tìm một thế giới trong chính cộng đồng của mình trong cuốn tiểu thuyết đó, dẫn dắt tôi tìm thấy thế giới của chính tôi.

clip_image004

(HarperCollins)

Mất thêm một thập kỷ nữa để nói năng lưu loát, và thậm chí đến tận bây giờ, gần 40 năm sau, tôi vẫn mắc lỗi về thì của động từ. Nhưng tôi đã thôi bị ám ảnh về ngữ pháp, mà lắng nghe tất cả các cách diễn đạt xung quanh mình – từ mọi người.

Trút được gánh nặng phải có vốn tiếng Anh hoàn chỉnh, tôi cho phép mình viết tiểu thuyết. Để có thể sử dụng từ, tôi vật lộn hết từ này đến từ khác. Khi bắt đầu phác thảo cuốn tiểu thuyết vừa “Inside Out & Back Again”, tôi thấy rằng trí não của tôi đã sống lại thế giới cảm nhận của một đứa trẻ 10 tuổi một cách tự nhiên. Tôi chắc rằng nếu tôi rời khỏi Việt Nam năm 16 tuổi, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi sẽ dành cho lứa tuổi thanh niên. Tôi biết câu chuyện mình sẽ kể, không cần phải nghiên cứu tìm tòi. Từng sự kiện lịch sử đều khắc sâu vào trí nhớ của tôi. Nhưng phải kể thế nào?

Việc tìm kiếm một giọng nói mất 15 năm. Tôi đã thử viết văn xuôi, nhưng câu văn không phù hợp với nhân vật nghĩ và nói tiếng Việt, một ngôn ngữ tự nhiên sinh động và giàu chất thơ.

Chính khi ở một sân chơi tại thành phố New York, tôi đã tìm thấy mình, nhận ra giọng nói hoàn hảo. Tôi đã không ở trong một môi trường như vậy kể từ thời thơ ấu ở Alabama. Khi tôi lắng nghe lũ trẻ chơi đùa, những hình ảnh sắc nét nhanh chóng quay trở lại với tôi: những vết cắt, đỏ và vàng, lông tay bị nhổ, một đứa bé mặt đỏ hồng đang la hét. Đấy tuyệt nhiên không phải là những câu hoàn chỉnh, nhưng đủ quan trọng để kể một câu chuyện. Lúc đó tôi biết rằng nhân vật chính của tôi, Hà, phải kể câu chuyện của mình bằng thơ văn xuôi.

Tôi thường được dán nhãn là nhà văn thiếu nhi, thậm chí có lúc là nhà thơ. Tôi nghĩ mình là một người kể chuyện viết về những năm tháng mà tôi có nhiều câu chuyện nhất để kể. Dù những câu chuyện đó lấy bối cảnh đau thương, tôi nhấn mạnh vào sự hài hước, bởi vì trong hỗn loạn luôn có niềm vui. Chúng tôi đã trải qua một cuộc chiến tranh – ba tôi mất tích trong khi làm nhiệm vụ, mẹ tôi hốc hác vì lo lắng – nhưng tôi vẫn nhớ những khi chúng tôi cười.

Đấy là lúc trên con tàu cứu hộ của Mỹ, khi chúng tôi được đưa cho những hộp đậu phộng sền sệt và thứ chất nhờn ngọt màu tím – mà bây giờ tất nhiên tôi biết đó là bơ đậu phộng và thạch rau câu. Nó mắc kẹt trong cổ họng khiến chúng tôi rống lên, và chúng tôi ném mấy thứ mắc dính đó vào người nhau. Đấy là lúc người anh trai có thiên hướng máy móc của tôi lắp ráp một chiếc xe hơi, nó phát ra tiếng BÙM mỗi khi anh ấy tăng tốc. Tôi nghe thấy anh cười suốt con đường xuống phố, còn tôi đứng trên lối lái xe vào nhà, và cũng hét lên.

Vậy là, vâng, người Mỹ đã rời đi, nền kinh tế sụp đổ, Sài Gòn thất thủ, việc xây dựng lại thậm chí còn khó khăn hơn là chạy trốn trong hoảng loạn. Nhưng chủ yếu, tôi nhớ cây mía, thô sơ và ngọt ngào.

Thanhhà Lai là tác giả của “Inside Out & Back Again” và phần tiếp theo sắp ra mắt, “When Clouds Touch Us.