Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Huỳnh Lý – nhà giáo của nhân dân*

Phạm Phú Phong

Tên thật cũng là bút danh, sinh ngày 5.6.1914 tại làng Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống Nho giáo và hiếu học. Thuở nhỏ ông học ở quê và Trường Trung học Quy Nhơn, sau học Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An) Hà Nội. 1936, đỗ Tú tài và bắt đầu nghề giáo ở Trường tư thục Khuyến học (Đà Nẵng). 1940 giáo viên Trường Viên minh (Hội An). Tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt đảm nhận các công việc: Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hội An, Ủy viên phụ trách Giáo dục Quảng Nam, rồi Ủy viên phụ trách Giáo dục Liên khu Năm, giáo viên Trường Trung học Phan Châu Trinh, rồi phụ trách Ban Tu thư của Nha giáo dục Liên khu Năm. 1954, tập kết ra Bắc, làm việc ở Ban Tu thư Bộ Giáo dục, là một trong những người chủ trì soạn thảo chương trình và sách giáo khoa môn Văn trong trường phổ thông. 1958, về giảng dạy bộ môn văn học Việt Nam hiện đại tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 1964-1967, những năm chiến tranh ác liệt, ông được cử làm Chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh vừa mới thành lập, sau đó về lại Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 1975, ông được cử tăng viện cho khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và dạy ở đây cho đến lúc nghỉ hưu. Huỳnh Lý được Nhà nước phong hàm Giáo sư (1980), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1990). Ông qua đời ngày 21.5.1993 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chính: Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (soạn chung, 3 tập, 1957,1958), Mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xâm lăng (1958), Chèo và tuồng (1958), Văn học Việt Nam 1945-1962 (1963), Văn Hồ chủ tịch (1974), Văn học Việt Nam 1945-1954 (chủ biên, 1980), Thơ văn Phan Châu Trinh (1983), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1920-1945 (1987), Hợp tuyển thơ văn thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XX (chủ biên, 1990), Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp (1992),Tuyển tập Huỳnh Lý (2002). Tác phẩm dịch: Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonisation francaise) của Nguyễn Ái Quốc (1961), Những người khốn khổ (Les Misérables) của V.Hugo (dịch chung, 1962), Ơgiêni Grăngđê (Eugénie Grandet) của Balzac (1964), Không gia đình (Sans famille) của Hector Malot (1966), Tu viện Pacmơ (La Chartreuse de Parme) của Stendhal (1968).

Có lần tiếp xúc với nhà thơ Lưu Trùng Dương, nghe ông kể về thời hoạt động văn hóa văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp ở Liên khu Năm cùng với các tác giả Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ… trong đó có cả nhà giáo Huỳnh Lý. Khi kể về những kỷ niệm với Huỳnh Lý, ông “gút” lại một câu rằng: “Huỳnh Lý không chỉ là người có trình độ uyên bác, có tư cách mẫu mực của một nhà giáo mà còn là sản phẩm của đời sống nhân dân, xuất thân từ nhân dân, chủ yếu bằng con đường tự học mà trở thành giáo sư. Ông xứng đáng với danh hiệu là Nhà giáo nhân dân theo đúng nghĩa của từ này!”

Dạy học và viết sách là công việc mà Huỳnh Lý suốt đời theo đuổi. Đó gần như là định mệnh của cuộc đời, bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp Trường Bảo hộ (1936), ông không đi theo con đường quan chức, làm công chức cho chế độ thực dân hoặc làm quan lại Nam triều, mà chọn con đường dạy học, về dạy ở các trường tư thục như Khuyến học (Đà Nẵng), Viên minh (Hội An), rồi tham gia khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945, được cử giữ một trong những trọng trách cao nhất trong chính quyền thị xã Hội An lúc bây giờ là Phó chủ tịch Ủy ban, nhưng sự nghiệp trồng người/ “hối nhân bất quyện” vẫn níu giữ ông, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, trong kháng chiến chống Pháp, ông về làm Ủy viên phụ trách Giáo dục của tỉnh Quảng Nam, rồi của cả vùng tự do Liên khu Năm. Không những thế, ông còn phụ trách Ban Tu thư của Nha Giáo dục Liên Khu Năm, bắt tay vào việc thiết kế, chuẩn bị những nhân tố đầu tiên có tính chất nền tảng cho nền giáo dục mới. Từ đây, ông không chỉ là thầy giáo, là người tổ chức nền giáo dục mới mà còn là người trực tiếp soạn thảo chương trình giáo dục, biên soạn sách giáo khoa cho nền giáo dục dân chủ nhân dân cho con em Liên khu Năm và sau đó là cho con em cả nước. Sau 1954, tập kết ra Bắc, ông vẫn công tác ở Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, cùng với các đồng nghiệp biên soạn chương trình giáo dục và sách giáo khoa, và trở thành một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho việc soạn thảo chương trình và sách giáo khoa môn văn học bậc học phổ thông, sau đó là bậc đại học. Khi trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập, ông là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên bộ môn văn học Việt Nam và từng có thời gian làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn. Khi trường Đại học Sư phạm Vinh thành lập, theo điều động của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông vào làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Vinh. Sau 1975, cũng theo điều động của tổ chức, nhằm tăng viện cho các trường đại học các tỉnh phía Nam, ông vào giảng dạy tại khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu.

Lịch sử nước ta vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự cọ xát giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây làm nảy sinh một thế hệ đa tài và sở hữu một tri thức uyên thâm. Huỳnh Lý là một trong những người thuộc thế hệ đó. Có thể nói, suốt cuộc đời ông, làm bất cứ điều gì cũng bằng một trí tuệ cường tráng, một ý thức luôn hướng về nhân dân, vì nhân dân, mà chủ yếu là thế hệ tương lai của đất nước. Thực hiện quan niệm kẻ sĩ của Nho gia là sống phải lập ngôn và trước tác, gần suốt cuộc đời ông chỉ dạy học và viết sách, không để tâm đến danh vị, chức vụ. Ông có sáng tác, nhưng đóng góp xuất sắc của ông là ở hai lĩnh vực nghiên cứu và dịch thuật văn học. Về nghiên cứu, ông là một trong những tác giả của bộ sách lịch sử văn học Việt Nam có tầm cở quốc gia đầu tiên Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (3 tập, 1957, 1958). Đây là thành quả đáng trân trọng và tự hào của các nhà nghiên cứu trong nhóm Lê Quý Đôn (Lê Thước, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Trương Chính, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn), bởi đó là viên gạch đầu tiên xây nên lâu đài văn học sử Việt, trên cái nền của những tinh hoa mà hầu như không được nhiều người quan tâm một cách đầy đủ. Và, là công trình có quy mô đầu tiên, nghiên cứu một cách có hệ thống, khoa học và mạch lạc về thành tựu của văn học Việt Nam, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại, đồng thời trở thành bộ giáo trình chính để giảng dạy ngành văn học, bậc đại học ở các trường vừa mới thành lập ở miền Bắc nước ta. Sau bước khởi đầu đó, Huỳnh Lý đã có hàng loạt các công trình nghiên cứu có giá trị học thuật lâu bền như Chèo và tuồng (1958), Mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xăm lăng (1958), Văn Hồ chủ tịch (1974), Thơ văn Phan Châu Trinh (1983),... Ngoài ra, ông còn chủ biên hoặc chủ trì biên soạn hàng chục bộ tổng tập đồ sộ về văn học Việt Nam thời cận và hiện đại.

Là nhà văn học sử, Huỳnh Lý luôn có sự nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn trọng, từng hiện tượng, tác giả, tác phẩm và đặt dưới điểm nhìn lịch đại, để khám phá sự vận động, biến đổi và phát triển, gắn với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, nghĩa là vẫn gắn bó với cảm quan đồng đại, có sự nhạy cảm và tinh tế để phát hiện ra vấn đề – những vấn đề mà nhiều người đi trước, tính trong những bước so le của lịch sử, còn phiến diện, hay nói đúng hơn là chưa có điều kiện để đi đến cùng, một cách toàn diện. Phương pháp làm việc của ông được coi là rất thận trọng và khoa học. Tư liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và được kiểm chứng chặt chẽ. Từ đó, ông khái quát và đưa ra những nhận định sâu sắc và chính xác. Trong phương pháp tư duy của ông, luôn có sự tích hợp, tiếp biến nhiều vấn đề, mà hầu hết là những vấn đề căn cốt có ý nghĩa phương pháp luận của quá trình nhận thức văn học và sự vận động, phát triển của nó trong tiến trình hiện đại hóa thể loại. Ông lý giải mối quan hệ của tác động đời sống xã hội và thực tại lịch sử, hình thành nên diện mạo tác giả, cũng đồng thời khẳng định phong cách sáng tạo; ông phân tích mối quan hệ giữa tính hiện thực và giá trị hư cấu trong tác phẩm, cũng là nhằm khẳng định đặc trưng bản chất của nghệ thuật; ông lật trái vấn đề để tìm ra mối quan hệ giữa chân lý đời sống và chân lý nghệ thuật, cũng là nhằm khẳng định tính chân thực lịch sử của nghệ thuật... Khi đánh giá về đóng góp của từng tác giả, tác phẩm vào lịch sử văn học, ông xác định chân giá trị của nó trong tiến trình hiện đại hóa, nhất là đối với những tác phẩm, tác giả đứng ở bước ngoặt lịch sử thời đại. Chẳng hạn, qua nhiều phân tích, so sánh mang tính lịch đại và đồng đại, ông định vị cho Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách: “Tố Tâm đã làm hiện hình trong văn học viết một phương diện của chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam vốn khá rõ trong văn học dân gian, mập mờ trong văn học viết: chủ nghĩa luyến ái tự do, kết hôn theo luyến ái. Tố Tâm là một chiến thắng của chủ nghĩa cá nhân tư sản đối với lễ giáo phong kiến. Tố Tâm đánh dấu khá rõ bước đầu của văn học lãng mạn Việt Nam thế kỷ XX”. Ngay từ đầu những năm sáu mươi, để nhằm xác định đặc trưng của thơ trữ tình, ông đã đặt nó trong sự đối sánh với tự sự, vừa chỉ ra việc xâm nhập giữa các yếu tố thể loại, bằng một lối lập luận giản dị, dễ hiểu, người viết lại dẫn dắt người tiếp nhận tiệm cận đến những vấn đề về cảm thức sáng tạo trong mối quan hệ với tâm thức biểu hiện, bắt đầu từ ngôi thứ của người dẫn dắt cảm xúc: “Trong thực tế, khi nhà thơ muốn nói hết nhân sinh quan của mình, tỏ bày hết tình cảm rào rạt của mình về trăm phương diện của cuộc sống, thì không thể nào nhà thơ cứ mãi ở ngôi thứ nhất mà ngâm ngợi. Nhà thơ phải thác ra những câu chuyện, phải dựng nên những nhân vật để mượn các trường hợp trong truyện và lời của mỗi nhân vật ở mỗi trường hợp mà nói cái tình của mình. Truyện Kiều là một quyển truyện, một quyển tiểu thuyết bằng thơ đấy, nhưng cái chuyện nàng Kiều chỉ là cái cốt, cái cớ sao cho bằng cái tình người trong ấy/ Chúng ta nên hiểu thơ trữ tình rộng rãi như thế, nghĩa là một bài thơ chủ yếu bộc lộ tình người thì chúng ta gọi là thơ trữ tình. Hiểu như thế thì thấy đại bộ phận thơ ca ta ngày nay là thơ ca trữ tình và khi nói về sự phát triển của thơ ca, chúng ta dựa vào thơ trữ tình nhiều hơn hết”. Đó là một trong những cách hiểu về biên độ nghệ thuật, để phân biệt thơ trữ tình tương đối hợp lý, xuất phát từ thực tế sáng tạo văn học, chứ không áp đặt từ những lý luận xa xôi, khô cứng xám màu.

Đặc biệt, đối với nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh, một người đồng hương với ông, ông có tới hai công trình nghiên cứu, nhìn nhận ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau, cuốn sau là sự tiếp tục và bổ sung cho cuốn trước: Thơ văn Phan Châu Trinh (1983) và Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp (1992). Nếu công trình trước ông trực tiếp khảo sát thơ văn, thì ở công trình sau ông lần lại xuất thân và hành trạng cuộc đời của nhà chí sĩ cách mạng, nguồn gốc để hình thành nên tư tưởng cách mạng thể hiện nhu cầu bức thiết của thời đại lịch sử: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Tư tưởng nhân văn của nhà chí sĩ thể hiện qua các bước/ giai đoạn của cuộc cách mạng dân chủ mới đều xoay quanh một chủ thể được xác định một cách tường minh: Đó là dân, là nhân dân, là con người. Nói con người để nói về giá trị thơ văn, tìm trong giá trị thơ văn những phẩm chất thể hiện bản lĩnh văn hóa của con người. Huỳnh Lý không chỉ phác thảo chân dung con người – một bản lĩnh/ nhân cách toàn vẹn của con người yêu dân, yêu nước trước các thế lực thực dân đế quốc, mà còn khẳng định những giá trị đặc sắc của thơ văn nhà cách mạng. Trần Hữu Tá cho rằng: “Về văn, ông đánh giá cao văn phong nghị luận sắc sảo, lý lẽ đanh thép và đặc biệt là tinh thần logic – một thành tựu mới mẻ mà cụ Phan đã tiếp nhận được của văn hóa phương Tây. Về thơ, ông ghi nhận những nét độc đáo của Phan Châu Trinh: tính ngang tàng, sự hóm hỉnh, tài mẫn tiệp. Điều chủ yếu, Huỳnh Lý đã bác bỏ một cách thuyết phục một số nhận định không đúng về đường lối chính trị của cụ Phan và khẳng định tinh thần vì nước, vì dân trước sau như một của nhà chí sĩ”.

Về dịch thuật, ông là người đầu tiên dịch Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (1961), sau đó là văn học Pháp. Huỳnh Lý là một trong số không nhiều những người dịch, giới thiệu văn học Pháp vào thời điểm sau 1954. Trong những năm sáu mươi của thế kỷ XX, ông đã bỏ ra hàng chục năm trời để dịch những bộ tiểu thuyết đã trở thành cổ điển của văn học Pháp như Những người khốn khổ, Ơgiêni Grăngđê, Không gia đình… Lịch sử văn học thế giới đã trải qua hằng nghìn năm, với nhiều trào lưu/ trường phái có những ưu và nhược điểm khác nhau, nhưng không thể phủ nhận được thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, nhất là trong văn học Pháp. Thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực Pháp là đỉnh cao chói lọi, có ý nghĩa toàn nhân loại. Ở thời điểm ấy, đất nước chúng ta lại vừa thoát khỏi nền đô hộ của thực dân Pháp. Bao nhiêu định kiến và cả những áp lực của hệ thống các quan niệm nằm bên ngoài văn học. Với bản lĩnh của một trí thức và tấm lòng yêu mến những giá trị tinh hoa của văn chương nhân loại, Huỳnh Lý đã gạt bỏ mọi thành kiến, để đến với văn học Pháp, nơi vẫn tích tụ những phẩm chất nhân văn cao cả nằm bên ngoài chủ nghĩa thực dân. Không chọn lựa tràn lan, ông tìm đến với những đỉnh cao lấp lánh của chủ nghĩa lãng mạn (Những người khốn khổ của V. Hugo, Không gia đình của Hector Malot...) và chủ nghĩa hiện thực (Ơgiêni Grăngđê của Balzac, Tu viện Pacmơ của Stendhal...). Có lẽ, việc lên án những thói hư tật xấu và tấm lòng yêu thương đối với con người, nhất là những con người nghèo khó, sa cơ lỡ vận, hợp với “tạng người” của Huỳnh Lý, lúc nào nó cũng âm ấm tro than, hễ có hơi gió là bùng cháy lên một cách mãnh liệt, không thể nào dập tắt nổi...

Huỳnh Lý hoạt động văn học từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông bắt đầu con đường đến với văn chương bằng những sáng tác truyện ngắn, bút ký in trên các báo và công việc ấy vẫn được tiếp tục sau năm 1954, khi sống và làm việc trên đất Bắc. Điều ấy, một phần chứng tỏ rằng, ông đi sâu vào nghiên cứu văn học là vì hệ lụy của sự nghiệp giáo dục. Những truyện ngắn (Con cá vược gành Son, Bên ni sông) và bút ký (Đêm chiến thắng, Trường Tư Yên) được coi là những sáng tác đầu tay của ông, đã “ghi nhận những vẻ đẹp của con người và quê hương Quảng Nam trong những ngày đánh Pháp” (Trần Hữu Tá), đồng thời hé lộ một bản sắc sáng tạo, một lối viết dí dỏm, tinh tế, cách chọn lựa và sắp xếp các chi tiết bất ngờ, nhuần nhuyễn, tạo nên một thế giới hình tượng sống động. Trong Đêm chiến thắng, bộ đội ta diệt gọn đồn Thu Bồn, trở về trong cảnh chen lấn của nhân dân nô nức đón chào, mấy em bé cũng bị làn sóng người đưa đẩy, chèn ép trong đám đông, và bị người lớn trách mắng, chúng cự lại rằng: “Bộ đội là bộ đội chung, quyền chi các ông choán chỗ coi một mình”. Cũng giống như Lê Trí Viễn, cùng xuất thân từ nhà giáo đi vào kháng chiến, khi cầm bút sẽ không thoát khỏi viết về đề tài giáo dục. Nhưng khác với những lập luận dài dòng mang tính luận đề về nghề giáo trong Trường học Lương Sơn Bạc của Lê Trí Viễn, Trường Tư Yên của Huỳnh Lý ngắn gọn, súc tích, gói gọn trong chi tiết sau, thể hiện qua đoạn văn đối thoại: “Bác nông dân gánh gánh lúa ghé vào đặt trên thềm lật nón quạt. Bác nhìn ra đường: Sớm quá/ Bác đi đâu vậy?/ Tôi đi học/ Đi học sao gánh lúa?/ Một công, hai chuyện. Tôi gánh lúa giống sang thôn năm trả cho họ. Học canh trưa, tan trường tôi đi luôn. Xa lắm. Nếu lại trở về thì hết ngày... Bác bươi một đầu gánh lúa lôi ra cuốn vở, cây viết, lọ mực. Tôi hỏi: Đi học bình dân xấu lắm hay sao mà giấu giếm dữ vậy?/ Gió thế kia! Để không kỹ, gió thổi bay vỡ, đổ mực, còn gì? Ở đây, ai không đi học mới xấu”. Truyện ngắn của Huỳnh Lý, “cốt truyện giản đơn, tưởng như không có gì nhưng câu chuyện vẫn hấp dẫn nhờ cách dẫn truyện của tác giả”. Đó là phẩm chất ban đầu của một tài năng, tiếc rằng ông không có điều kiện dưỡng nuôi tư duy hình tượng, để đi đến cùng trên thảm cỏ xanh tươi, long lanh những chuỗi hạt sương mai của chân trời sáng tạo.

Huỳnh Lý không chỉ là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò và là nhà giáo dục học có ý nghĩa khai sáng, mở đầu cho nền giáo dục mới, mà còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật văn học. Một con người xuất thân từ nhân dân, từ đời sống cần lao, được rèn luyện trong cuộc kháng chiến của nhân dân, chỉ học xong Tú tài, được Nhà nước phong thẳng hàm Giáo sư, không qua hàm phó giáo sư, rồi sau đó được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, không qua danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Bởi lẽ, hành trạng cuộc đời của ông là một trí thức bình dân, của dân, đến với cách mạng, trở thành một nhà sư phạm, một giáo sư mẫu mực, một nhà nghiên có uy tín, góp phần không nhỏ, đặt viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà. Ông đã từng được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương chống Mỹ hạng Nhất. Nhưng phần thưởng lớn hơn, quan trọng hơn là ông sống mãi trong lòng nhân dân, trong tâm tưởng mẫn cảm nhất của nhiều thế hệ học trò, lấy tâm hồn, đạo đức, nhân cách, trí tuệ và mẫu người hành động của ông làm tấm gương soi trong mỗi bước đường đời. Phó giáo sư Nguyễn Văn Long, vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của ông, khi nghe tin ông qua đời, đã khẳng định những đóng góp to lớn của ông một cách xúc động rằng: “Những gì Giáo sư để lại cho đời, cho các thế hệ kế tiếp là rất to lớn và hết sức có ý nghĩa. Vẫn còn đây, những công trình nghiên cứu, biên khảo của Giáo sư về văn học Việt Nam, được làm với tinh thần khoa học, công phu, nghiêm túc và với lòng trân trọng các giá trị di sản của dân tộc, đặc biệt là di sản văn học yêu nước và cách mạng… và, vẫn còn mãi những bản dịch tác phẩm văn học Pháp đã trở nên hết sức thân thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc và học sinh, sinh viên. Những cuốn sách đã trở thành mẫu mực của văn học dịch mà Giáo sư đã công phu, cẩn trọng với cả tâm hồn và tài hoa nghệ sĩ”.

Không chỉ ở Hội An, Liên khu Năm, Hà Nội, Vinh, thành phố Hồ chí Minh, mà cả ở nhiều miền quê khác, cả ở thế hệ chúng tôi, tuy không trực tiếp được ông giảng dạy, nhưng đã được đọc sách của ông và chính những trang sách ấy đã dẫn đường chúng tôi vào văn học. Ở một phương diện khác, tính cách, ý chí và con người hành động trong ông mang vóc dáng hình sông, thế núi, vị mặn phù sa của đồng ruộng miền quê xứ Quảng đậm đà.

* Phạm Phú Phong. Đất Quảng – 25 nhà văn thế kỷ XX. NXB Đà Nẵng, 2022