Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Từ phê bình Lập biên bản đến phê bình Khai phóng

Inrasara

1. Nhà phê bình không là tri âm của nhà văn.

Dùng chữ tri âm, ta mặc định rằng phê bình đi sau sáng tác, hay cùng lắm song hành với sáng tác. Công việc phê bình không gì hơn là luận giải tác phẩm. Ở đó nhà phê bình càng hiểu đúng ý nhà văn muốn nói gì trong tác phẩm càng tốt.

Thật sự không có chuyện Bá Nha - Tử Kì trong văn học. Nếu có, rất ít. Nếu có, cũng không cần khuyến khích. Câu nói của Nguyễn Tuân lúc trà dư tửu hậu: “Bao giờ tao chết nhớ chôn tao với một thằng phê bình” thường được dẫn ra với thái độ trên ngó xuống của kẻ sáng tác đối với người làm phê bình. Không ít người viết văn, làm thơ coi đó như chân lí đinh đóng. Và, khoái. Như thể nhà phê bình luôn tư thế lọt tọt theo đuôi để giải thích sao cho đúng, bình sao cho hay, và thường thì các luận giải kia sai/ lệch/ không đủ đầy về cái tư tưởng “cao siêu” được tác giả gửi gắm vào tác phẩm.

Tuy nhiên, giải thích tác phẩm chỉ là một trong vài chức năng của phê bình. Mà giải thích kia cũng không cần phải trúng ý tác giả nữa. Trước tác phẩm, mỗi độc giả đọc, thả hồn mơ màng, hiểu và giải thích theo cách của mình. Nhà phê bình được xem là người đọc chuyên nghiệp, cũng đọc theo cách riêng của họ. Họ viết cách đọc-hiểu đó ra, kẻ sáng tác thấy sai/ lệch ý mình, và… ghét!

2. Như vậy, phê bình không phải là diễn giải tác phẩm

Susan Sontag cho rằng, “… diễn giải một tác phẩm có nghĩa [chủ quan] nhặt ra vài yếu tố trong tác phẩm đó. Như thế công việc của diễn giải không gì hơn một diễn dịch. Lối diễn giải hiện tại là đào sâu, và khi đào nó đã hủy diệt. Nó đào bới "đằng sau" văn bản để tìm ra một văn bản ẩn giấu khác mà nó tưởng đó mới là giá trị đích thực […] Diễn giải là làm nghèo nàn, làm nhỏ bé thế giới tác phẩm để tạo ra một thế giới "ý nghĩa" giả tạo”.

Vậy làm gì? Susan Sontag tiếp:

“… mục đích của phê bình là làm sao cho tác phẩm [và đồng thời cuộc thử nghiệm của mỗi chúng ta] không bị bớt hay thêm, mà phải thực hơn. Nhà phê bình cần vạch cho độc giả nhận ra tại sao một tác phẩm là vậy, thậm chí chỉ là vậy, chứ không phải nó muốn nói lên điều gì đó [mà nó không muốn].

Ðối với văn học nghệ thuật, chúng ta không cần đến diễn giải suy luận học, mà là sự thức tỉnh của giác quan”(1).

Ta đã từng dùng con mắt đạo đức học soi mói Kiều, diễn giải Kiều qua cái nhìn xã hội học, rồi mổ xẻ Kiều bằng dao tâm phân học, vân vân, đến nỗi Nguyễn Du sống lại không thể nhận ra tác phẩm mình nữa. Thế hệ con cháu đang bàn về tác phẩm nào đó, chứ không phải Truyện Kiều của mình. Lí thuyết cần, nhưng không phải tất cả, thế nên lạm dụng nó là tối kị.

Với tác phẩm cổ điển Cham như Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya Bini Cam cũng thế, diễn giải sa đà trở thành thứ quá giang tác phẩm tiền nhân không gì khác hơn là nhằm nói lên ý tưởng hiện tại của mình, hoặc gọt chân cho vừa giày với ý đồ nào đó ngoài văn chương. Trong khi phê bình như là phê bình nhìn tác phẩm như nó là thế, chứ không như nó phải thế với mấy diễn dịch tùy hứng và tùy tiện. Bởi, càng diễn dịch càng… hỏng.

3. Dứt lìa nỗi phê bình diễn dịch tùy tiện

Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương. Phê bình đa dạng ở đối tượng. Có thể phê bình về một tác phẩm hay một tác giả, một trào lưu hay thời đoạn văn chương, cũng có thể nhấn vào việc đọc, viết hay vào chính phê bình. Phê bình đa dạng ở hình thức. Hình thức có thể là phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành và phê bình lí thuyết. Phê bình đương đại còn thể hiện qua sự đa dạng ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới của tác phẩm(2).

Thế giới là vậy, còn ở Việt Nam nhìn tổng thể, quanh đi quẩn lại hai loại phê bình thường gặp, và được định cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.

Phê bình hàn lâm vận dụng lí thuyết mới vào cuộc, vẫn nảy ra vài cây bút tài hoa, và có được các công trình quan trọng. Ở đây, điểm dễ nhận hơn cả ở khu vực này là đa phần đối tượng [tác giả, tác phẩm] được chọn để phê bình nhờ tính an toàn của nó. Văn chương ngoại biên, như văn học dân tộc thiểu số, người viết còn vô danh, sáng tác của các tác giả vùng sâu vùng xa hay các tác phẩm phi chính thống hầu như bị bỏ rơi. Phê bình Lập biên bản ra đời bổ khuyết cho thiếu sót đó.

Còn phê bình nghệ sĩ cũng biết dấn vào cuộc phiêu lưu riêng mình, từ đó có vài phát hiện đáng kể. Tuy nhiên, phiêu đến đâu cũng cứ tùy hứng và tùy tiện, do đó đại bộ phận các nhận định là vô bằng. Phê bình rời xa, hay thêm vào nội dung ngoại nhập vào văn bản, để tán, về mấy chuyện ngoài lề, chuyện riêng tư với mớ giai thoại lắm khi rất nhảm. “Phê bình Lập biên bản” ra đời hi vọng cắt đứt bao nỗi ấy.

Nó ý hướng kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, để cho tác phẩm văn chương được tiếp nhận như nó là thế. Thao tác của Phê bình Lập biên bản đầy tính khoa học, giải trừ được tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.

Đích thị là một thứ đa nguyên văn học.

4. Phê bình Lập biên bản

4.a. Phê bình Lập biên bản đa nguyên khu vực.

Về văn học nước nhà, đa phần nhận định đầy dễ dãi rằng, nó nhỏ và yếu. Là lối nhìn cận thị. Do hoàn cảnh lịch sử đẩy đưa, “người lưu lạc xô văn chương lưu lạc” [Tháp nắng], từ đó nhà văn lưu lạc, cư trú tứ tán. Văn học Việt Nam không chỉ thuộc dòng chính thống, mà còn có mặt ở nhiều vùng miền khác. Tôi định danh cho nó là văn học ngoại vi Việt Nam.

Điểm tên bảy dòng chính: Văn học miền Nam trước 1975, văn học Việt hải ngoại, văn học dân tộc thiểu số và các cây bút vùng sâu vùng xa, cây bút chưa [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả với tác phẩm in ngoài luồng, văn học mạng, nhà văn Việt sáng tác bằng ngoại ngữ nữa.

Thời gian dài, thay vì gom vào, chúng ta lại đẩy ra hay xem thường. Qua đó người đọc hoặc không biết đến, hoặc biết mơ hồ, lắm khi hiểu sai về chúng. Là thiệt thòi lớn cho độc giả, cho nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền.

20 năm qua, miệt mài với bao nỗi ấy, tôi làm công cuộc thu gom, chắt lọc để trình làng loạt tác phẩm – là serie công trình mang tính hệ thống, góp vào nền văn học Việt Nam hiện đại(3).

Đó là tặng vật lớn cho tương lai không xa, khi người Việt Nam đã xong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc - chắc chắn thế.

4.b. Phê bình Lập biên bản đa nguyên hình thức. Thử điểm qua ba hình thức chính:

Bàn tròn Văn chương, đề tài có thể là một tập thơ, bài thơ, một tập truyện ngắn, một tác giả, một trào lưu văn chương hay hình thức in ấn và phát hành; không phân biệt tác phẩm đó xuất sắc hay không. Các hiện tượng này cả tốt lẫn xấu, hay, dở hoặc trung bình... được soi chiếu từ nhiều chiều, nhiều góc độ với sự cảm thụ khác nhau. Bởi nếu là tập thơ trung bình, BTVC thảo luận về cái trung bình đó, rằng nó trung bình thế nào, tại sao như thế, và nó có gì khác so với trung bình tương cận không? Nghĩa là BTVC vẫn có thể rất hay, cả khi bàn về tác phẩm dở(4). Ở BTVC, các thành viên cùng thạm dự thảo luận, như kiểu tập thể phê bình. Sau đó, “Biên bản BTVC là bản ghi chép trung thực và đầy đủ các nhận định đó.

Biên bản lập chậm. Sau mỗi Hội thảo, Ra mắt sách, Cà phê văn học... các báo đưa tin, bình luận. Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ngược hẳn nhau, tùy thế đứng, cách nhìn hay tâm cảm người viết. Người đọc do đó, tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác. Bình luận trên thông tin thiếu và [lắm lúc] sai, như thể nhà phê bình đánh giá tác phẩm dựa trên văn bản bất toàn hay sai vậy. Chủ quan và phiến diện là khó tránh khỏi. BBLC: cụ thể, chính xác, đầy đủ và toàn diện. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Biên bản trước, trong, sau và cả ngoài hành lang hội thảo. Chỉ dựa trên thông tin đầy đủ và chính xác, các nhận định hay phê bình mới mang tính tích cực như là tích cực. Qua đó, nó khả năng đẩy nền văn học dấn tới. Đó là cách chuẩn bị cho lối phê bình văn học tuân thủ các thao tác rất khoa học.

Cuối cùng Phê bình [như là] lập biên bản là các bài “phê bình” về tác phẩm, tác giả hay trào lưu văn chương đương đại. PBLBB cố gắng bày nó ra như là thế, “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó. Bởi không thể đứng ở mĩ học lãng mạn để đánh giá tác phẩm hiện đại của Hoàng Hưng, cũng như muốn hiểu rốt ráo thơ hậu hiện đại Lê Vĩnh Tài, người làm phê bình không thể dùng hệ thẩm mĩ hiện đại, mà phải nhìn nó qua con mắt hậu hiện đại. Với hành vi “đi vào trong” này, nhà phê bình mới có được thái độ bao dung với mọi trào lưu văn chương, qua đó khả năng soi sáng các góc khuất chưa được phơi mở đầy đủ. Khi ấy, nhà phê bình có thể nhận ra bản chất văn học rằng, các hiện tượng nào bất kì hiện hữu có lí do của nó, chúng không loại trừ nhau mà cùng tồn tại để thúc đẩy nền văn học phát triển. Phê bình [như là] lập biên bản là song thoại với văn chương theo nghĩa rộng nhất của nó.

Như vậy, Phê bình Lập biên bản mang tinh thần dân chủ trong văn học, vừa có cái nhìn toàn cảnh sinh hoạt văn học đất nước, qua đó nó thể hiện thái độ công bằng nhất có thể có, làm cơ sở cho nhà phê bình và độc giả đánh giá sự thể.(5).

5. Từ Phê bình Lập biên bản qua Hồ sơ Biên bản so sánh

Phê bình chỉ “ghi nhận” mà không nêu lên chủ kiến, không là gì hơn thứ phê bình ba phải. Nói khác đi, nếu ở bước một, ba hình thức Phê bình Lập biên bản như là cách lập biên bản hiện trạng văn học ở nhiều góc cạnh khác nhau, có lợi cho văn học sử; thì ở bước tiếp theo, phê bình cần dấn tới triển khai Hồ sơ Biên bản so sánh. Ở đây, thao tác so sánh làm bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của nó.

So sánh lối trình diễn của Vi Thùy Linh [thuộc lãng mạn] mới thấy nó khác biệt ra sao với thơ trình diễn của Dương Tường [thuộc hiện đại], còn trình diễn của Lê Anh Hoài càng khác xa hơn nữa; từ đó nhà phê bình cho người đọc nhận ra đóng góp lớn của nghệ thuật hậu hiện đại.

Hoặc có đặt các bài thơ về chiến tranh của Tố Hữu, Chế Lan Viên bên cạnh ca từ trong mảng ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, để đối sánh Chiến tranh Việt Nam và tôi của Nguyễn Bắc Sơn mới thấy sự khác biệt lớn lao của tâm thế Việt với cuộc chiến vừa đi qua. Nhìn nhận khác, và cách thể hiện hoàn toàn khác.

Có biết Nguyễn Vỹ tạo hình thơ Việt qua bài “Sương rơi” thời Tiền chiến, rồi Vũ Trọng Quang của hiện đại để so sánh chúng với Ngu Yên (bài “Em đi qua đời tôi”) và Trần Wũ Khang (“Quà tặng của Quỷ sứ”) của hậu hiện đại, mới thấy bước “tiến bộ” của loại hình thơ này(6).

6. Đến phê bình mang tính khai phóng

Thử bàn về ba xu hướng của người làm phê bình văn học.

Thứ nhất, là xu hướng thủ kho. Nhà phê bình “lập biên bản” mọi sự kiện, tác giả - tác phẩm, trào lưu cùng các vấn đề bên lề có liên quan mật thiết với văn học. Từ đó đánh giá, xếp hạng. Chú ý, ở đây nhà phê bình không chối bỏ bất kì “sự kiện” văn học nào. Đó là lối phê bình có xu hướng làm văn học sử, giúp ích nhiều cho các người viết lịch sử văn học sau này.

Thứ hai, là xu hướng tìm cái mới. Là phê bình chuyên tâm về trào lưu, nhóm văn chương cùng “cách tân” cá thể các loại. Để tìm ra cái mới với người viết cùng thế hệ, xa hơn – so với thế hệ, thời đại trước đó. Đây là loại phê bình luôn xiển dương cái mới, ý hướng thúc đẩy sự phát triển của một nền văn học.

Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loại” khác nhau. Thể loại thơ chẳng hạn, có thể phân nhà thơ làm ba nhóm. Thứ nhất, Nhóm làm vần để phục vụ đại chúng: gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Loại thơ ưa chuộng là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ. Thứ hai, Nhóm tiếp hiện viết phục vụ cho một tầng lớp độc giả có chọn lọc hơn. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” (chữ dùng của Thiền sư Nhất Hạnh – tiếp nhận và thể hiện) các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của thế hệ trước đó. Cuối cùng, Nhóm khai phá là những kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Mọi có mặt ấy rất chính đáng, tất cả đều có ích cho cộng đồng và cho văn học.

Cuối cùng là xu hướng phê bình mang tính khai phóng.

7. Nhà phê bình đồng thời là một nhà tư tưởng

Thời đại hậu hiện đại trong xu thể dân chủ hóa toàn cầu, phê bình văn học mang ở tự thân khả tính khai phóng. Ở đây, nhà phê bình chỉ chú tâm đến tác giả - tác phẩm ca ngợi tinh thần tự do của con người, tập trung vào bộ phận tác giả dám đạp đổ mọi rào cản bất kì làm trở ngại tinh thần đó; nhà phê bình quyết loại bỏ mọi tác phẩm yếu đuối, bạc nhược nô lệ hóa con người. Cái thước đo lường là tác phẩm liên quan đến đời sống, chứ không phải văn chương [thuần túy]. Là tác phẩm họ tác động đến sự khai phóng tinh thần con người, chứ không phải họ “cách tân” đến đâu; là thế đứng, tư cách của nhà văn đối với đời sống, chứ không phải sự nghiệp văn chương họ lớn ra sao. Mà là họ viết và sống thế nào.

Phê bình văn học là khoa học vừa là nghệ thuật, là điều hiển nhiên.

Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xác bên cạnh, lí giải thuyết phục. Không đạt các tiêu chí đó, người viết chỉ là kẻ hóng hớt tán chuyện đầy vô bổ. Là nghệ thuật bởi, phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm/ vấn đề chưa từng được biết/ bàn luận tới trước đó. Đứng trước cái tinh khôi, người làm phê bình cần huy động cảm quan thiên phú để có thể tiếp cận khía cạnh vi tế nhất của sự thể.

Ngoài ra, nó đòi hỏi nhà phê bình thủ đắc cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật, chứ không còn dừng lại ở một tiểu luận khô khan thiếu sinh khí. Một nhà phê bình viết văn tồi thì chớ nên làm phê bình, phát biểu của một nhà phê bình thời danh không phải không đáng suy ngẫm.

Yếu tố sau cùng là, nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại – một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở ở thời đại toàn cầu hóa.

Khi đó, nhà phê bình có vai trò như một nhà tư tưởng.

8. Hòa điệu giữa tư tưởng và thơ ca

Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa lớn ảnh hưởng toàn cầu. Trào lưu đi qua để lại cho nhân loại ba điểm sáng. Tư tưởng phi tâm hóa. Phi tâm hóa không phải là hủy trung tâm mà là giải trung tâm. Nó đạp đổ mọi bức tường phân biệt đối xử các loại, để nhiều trung tâm nhỏ kia được kể câu chuyện của chính mình.

Tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Có thể không hay chưa hiểu, nhưng tôn trọng. Chỉ khi nào làm được điều này, nhân loại mới hi vọng học biết tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình.

Hành động, qua phương châm: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. Theo dõi các trào lưu tư tưởng và văn học trên thế giới, dù nhận thức rõ mình đang đứng ở đâu, bạn vẫn bình tĩnh hành động cục bộ, địa phương:

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

tôi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

[những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua]

để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở

lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế.

(Tháp nắng-1996)

… là bạn đã hậu hiện đại. Đi đến tận cùng dân tộc, ta sẽ gặp thế giới - dẫn lại câu nói khá nhàm này ở đây không phải là thừa.

Cuối cùng, hậu hiện đại dạy ta biết cười, cười… hậu hiện đại, như Henry Miller: “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm”.

Nhà phê bình mang tư duy của nhà tư tưởng nhân bản kia song hành với sáng tạo của thi sĩ để phát khởi cuộc song thoại nghiêm mật giữa thi ca và tư tưởng - như M. Heidegger từng kêu đòi(7) – qua đó đưa hai đỉnh núi khác biệt xích lại gần nhau cùng gánh vác một sứ mệnh: Trả con người vào vùng “khoáng lâm” của chân lí của tính thể, để an cư trong Ngôn ngữ như là Ngôi nhà của mình.

TFN, 21-11-2016

_______________

Chú thích

(1) Susan Sontag (1987), Against Interpretation and Other Essays, Andre Deutsch, London, 1987.

(2) Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc (2007), “Ba chức năng chính của phê bình trong thời điểm hiện nay (hay phê bình và lí thuyết)”, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, tr. 89-121.

(3) 7 tác phẩm và 3 bản thảo của Inrasara:

    1- Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận - phê bình, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2006

    2- Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008

   3- Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, tiểu luận - phê bình, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2014

   4- Nhập cuộc về hướng mở, tiểu luận - phê bình, NXB Văn học, Hà Nội, 2014

   5- Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015

   6- Văn chương tan rã, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019

   7- Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019

   8. Các khuôn mặt thơ mới - tổng luận & giới thiệu 24 khuôn mặt thơ, bản thảo, 2016

   9. 19 Khuôn mặt thơ dân tộc thiểu số Việt Nam – tổng luận & giới thiệu, bản thảo, 2017

   10. Từ sa mạc chữ đến đô thị văn chương, bản thảo, 2019

(4) Bàn tròn Văn chương là sinh hoạt văn học của Ban Sáng tác trẻ do Inrasara – thay mặt nhà văn Phan Thị Vàng Anh – chủ trì, sinh hoạt ngoại biên của Hội Nhà văn Việt Nam.

(5) Xem thêm: Inrasara (2014), “Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học”, Thơ Việt, Hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, Hà Nội, tr. 242-256.

(6) Xem thêm: Inrasara, 19 “Hồ sơ Biên bản so sánh”, vanviet.info, 2016

(7) M. Heidegger, Lettre sur L’Humanisme, Roger Munier, Aubier, Paris, 1947