Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Tầng lớp tinh hoa

Lê Học Lãnh Vân

Từ khi anh Trần Hữu Dũng ra đi, tôi thật buồn. Không chỉ nhớ tiếc anh mà còn nhớ tiếc các nhà văn hóa vừa ra đi như Dương Tường, Nguyễn Văn Trung, Ngô Vĩnh Long… những người đại diện cho tầng lớp tinh hoa. Tôi đã học hỏi bao điều từ các anh!

Qua hai lần nói chuyện từ xa với anh Trần Hữu Dũng, đọc trang Viet-studies của anh, đọc các bài anh viết cho báo trong nước, tôi cảm nhận một tinh thần thoải mái song song với nỗi lo thiếu vắng các nhân vật tinh hoa trao truyền kiến thức và hoài bão cho xã hội. Làm sao xã hội Việt hiện nay xuất hiện những nhân vật như các ông Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê, những gương mặt khiến cả một thế hệ sinh ra trong khoảng những năm 1930 - 1960 say mê, ngưỡng mộ?

Một nhân vật, với tôi, cũng thuộc giới tinh hoa là nhà văn, nhà văn hóa Nguyên Ngọc. Độc lập với anh Trần Hữu Dũng, ông Nguyên Ngọc cũng có cùng nỗi lòng ấy, nỗi lòng được ông diễn tả bằng thắc mắc thường trực rằng tại sao Việt Nam chưa có tác phẩm hay và đẹp, hay và đẹp ở tầm thế giới! Trải qua cuộc chiến kéo dài tới ba chục năm với quy mô lớn và rộng khắp nước, ảnh hưởng trên hầu như mỗi người dân mà không có một tác phẩm về chiến tranh khiến bạn bè năm châu say mê đọc, đoạt giải văn chương lớn của thế giới thì người Việt đã có một nền văn chương, học thuật thất bại!

Nguyên nhân của hiện trạng, theo Nguyên Ngọc là hậu quả của sự đối xử sai lầm với tinh hoa và đại chúng. Thời chiến cần huy động tối đa sức cơ bắp của quần chúng công nông nên văn chương bình dân được dùng rộng rãi để cổ động. Văn chương bình dân có những khía cạnh hay, nhưng chủ yếu là hay từ đại chúng, cho đại chúng, được đại chúng chấp nhận, chưa phải là cái hay độc đáo của tinh hoa. Khi hòa bình vãn hồi và quốc gia thống nhất, tính áp đảo của nền văn chương, học thuật đại chúng vẫn được duy trì, áp đặt trong xã hội…

Theo Trần Hữu Dũng, “cái “lỗi” của xã hội hiện tại không phải vì nó tích cực trù dập những hạt giống văn hóa lớn, nhưng ở sự làng nhàng, sự tầm thường tẻ nhạt của nó. Các vấn đề căn bản của xã hội, của con người, đòi hỏi những công trình văn hóa dài hạn, song những “khuyến khích” cho các công trình văn hóa trong xã hội ngày nay, nếu có, lại có tính ngắn hạn. Có một sự so le giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng văn hóa”.

Nhìn chung, nhận định của hai anh không khác nhau về cốt lõi. Vâng, nguyên nhân căn bản là giới chính thống của xã hội khuyến khích sự làng nhàng, tầm thường, tẻ nhạt, khuyến khích các công trình văn hóa có tính ngắn hạn! Đó cũng là một mặt của sự áp đặt tính đại chúng nhằm hạn chế tính tinh hoa của nền văn chương, học thuật!

Môi trường văn chương, học thuật nào cũng có hai cực, đại chúng và tinh hoa. Hai cực này có tính chất khác nhau, đại chúng thuộc về số đông, bình thường, tinh hoa thuộc về số hiếm, xuất chúng. Đã là đại chúng thì không thể là tinh hoa và ngược lại. Nhưng chúng hỗ trợ nhau, đại chúng là môi trường nuôi dưỡng văn chương, văn hóa, để từ đó xuất hiện những cá nhân tinh hoa bước ra khỏi đại chúng, sáng tạo nên tác phẩm, công trình xuất sắc mang tư tưởng, nghệ thuật tiêu biểu một thời đại. Tác phẩm tinh hoa lưu truyền trong xã hội tác động trở lại khiến trình độ đại chúng được nâng lên mức độ mới, cao hơn trước.

Đại chúng chỉ làm tốt vai trò là nơi xuất phát tinh hoa khi đại chúng bao dung, chấp nhận, khuyến khích cá nhân độc đáo, sáng tạo, thậm chí đối lập với đại chúng. Nếu đại chúng là môi trường chuyên chế, đàn áp những cá nhân có ý kiến khác lạ từ trong trứng nước thì xã hội phải chờ rất lâu trước khi các cá nhân xuất sắc có thể xuất hiện để hình thành giới tinh hoa làm nguyên khí quốc gia!

Anh Trần Hữu Dũng viết bài “Thời vắng những nhà văn hóa lớn” đăng báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 6/02/2011. Ngày ấy cách đây mười hai năm nên anh chưa chứng kiến những trường hợp thí dụ như nhà văn hóa lớn Nguyên Ngọc bị đối xử ra sao. Tác phẩm của Nguyên Ngọc bị lấy khỏi sách giáo khoa, ông bị cô lập tới mức những người tới thăm ông bị ngăn cản. Những nhà văn được giải của báo Văn Việt bị chặn đường đi nhận giải, lễ trao giải dù tổ chức rất đơn sơ cũng bị quấy rối nhiều kiểu. Cả hai hoạt động “trù dập những hạt giống văn hóa lớn” và khuyến khích “sự làng nhàng, sự tầm thường tẻ nhạt” của các tác phẩm văn hóa đều được cảm nhận đang được tích cực tiến hành một cách nhịp nhàng!

Sự xuất hiện tầng lớp tinh hoa cuối thế kỷ 19 tới nửa đầu thế kỷ 20 với những nhà văn hóa lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Ngô Đình Nhu, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê… là kết quả của việc đại chúng làm tốt vai trò bà đỡ. Việc bây giờ, đầu thế kỷ 21, “vắng những nhà văn hóa lớn” cũng là hệ quả hợp quy luật của cách quản trị xã hội hiện nay!

Anh Trần Hữu Dũng ra đi, xã hội mất đi một nhà gieo trồng, ươm mầm văn hóa! Anh Dũng ơi, tôi có nỗi lo lớn hơn nỗi lo “vắng những nhà văn hóa lớn” của anh, đó là nỗi lo xã hội bị ngự trị bởi giới tinh hoa có giá trị đảo ngược…

Ngày 02 tháng 3 năm 2023