Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Dưới những gốc nho biển

Truyện Trịnh Y Thư

(Phân đoạn 10-12, trích đoạn truyện vừa Đường về thủy phủ)

clip_image002

Thành phố – Tranh Nguyễn Đình Thuần

10.

Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra, cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.

Suốt tuổi ấu thơ và thời thanh xuân, cô chỉ biết chiến tranh qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, hay chuyện kể từ những người thân quen. Hoặc đôi khi những đoàn công-voa nhà binh chạy rầm rập ngoài đường phố khiến cô và các cô nữ sinh khác, bạn cô, phải vội vã nép xe đạp vào lề đường né tránh. Vào những đêm thanh vắng, cô nghe tiếng đại bác cầm canh từ xa vọng về thành phố, rì rầm như tiếng sấm động. Nhưng đời sống trong thành phố lặng lẽ trôi qua, thi thoảng bị khấy động bởi vài biến cố chính trị nhưng khói lửa chiến tranh thì cô chưa chứng kiến bao giờ. Cô chưa hề thấy cảnh súng đạn giết chóc cho đến đêm mùng Năm Tết năm đó, nó ập đến ngưỡng cửa nhà cô như một cơn lốc. Nó là cơn ác mộng kinh hoàng.

Đêm mùng Năm Tết, cha cô bị một toán sáu bảy người lạ mặt súng ống đầy người phá cửa xông vào nhà bắt dẫn đi. Nói tất cả là lạ mặt không đúng. Cô nhận ra tên trẻ. Nó là tên học trò từng lẽo đẽo đi theo cô sau giờ tan học cả năm trời để tìm cách làm quen. Nó học ở trường gần trường cô, nhưng hai năm cuối nó bỏ học, biến mất khỏi thành phố. Không ai biết nó đi đâu. Trước đó nó có mặt ở hàng đầu trong gần như tất cả các cuộc biểu tình tranh đấu chống chính quyền hay đêm không ngủ của thanh niên sinh viên dạo đó, nó cũng tham dự một cách hăng hái vào vụ đốt Phòng Thông tin Mỹ. Bạn bè cô kháo nhau bảo nó “nhảy núi” rồi. Cô chẳng quan tâm, chỉ thấy nhẹ người vì không bị nó bám đuôi mỗi ngày nữa.

Thấy tên trai trẻ trong đám người vào bắt cha cô, tuy bất ngờ, nhưng cô chợt hiểu ra nguyên cớ. Hơn một lần nó đến nhà tìm cách lân la gặp cô nhưng bị cha cô chửi mắng thậm tệ, đuổi đi. Hiển nhiên đây là một vụ trả thù. Trả thù khi có súng đạn trong tay, trả thù một cách hèn hạ chưa từng thấy. Có những kẻ hèn hạ như thế trên trần gian, và cha cô chỉ là nạn nhân, nạn nhân của lòng đê hèn đến bẩn thỉu của con người. Lúc đó cô còn quá trẻ để hiểu như thế.

Cha cô chỉ là một công chức bình thường làm việc trong tòa Đại biểu Chính phủ. Trước khi bị dẫn đi, ông còn bình tĩnh ôn tồn bảo mẹ con cô, lúc đó đang níu vào nhau run rẩy, mặt mày tái mét, “Ba chắc không sao đâu, mẹ con ở nhà yên tâm, ba sẽ tìm cách báo tin về nhà. Đây chỉ là một sự lầm lẫn”. Họ bắt ông đi nhanh lắm, mẹ cô không kịp sửa soạn gì cho ông, chỉ choàng vội vào cổ ông chiếc phu-la màu huyết dụ vì ông có chứng ho khan mỗi khi trời trở lạnh. Đó là lần cuối cùng cô thấy cha cô. Vài ngày sau đó, hai mẹ con cô phải bỏ nhà dắt díu nhau tản cư về làng tá túc trong nhà một người quen vì giao tranh trở nên khốc liệt khi quân đội chính phủ mở nhiều mũi dùi tấn công vào để chiếm lại thành phố. Hơn tháng sau, khi tình hình tạm yên, quân cộng sản rút lui, thành phố bắt đầu hồi sinh trở lại, mẹ con mới dám quay lại ngôi nhà, thì hỡi ôi, nó chỉ còn là một đống gạch gỗ ngổn ngang, cháy nham nhở. Ngôi nhà hơn một trăm năm chẳng còn gì ngoài chái bếp, nó không bị sập vì được xây lại bằng bê-tông gần đây. Mẹ con giăng tấm bạt che chắn chái bếp rồi rúc vào đó ở tạm.

Chiến tranh đến với nhà cô như một cơn gió lốc, nó cuốn đi tất cả. Tất cả mộng mơ thời tuổi trẻ, cô chẳng giữ được hình ảnh nào, cô lao đầu vào cuộc sống mới với một tâm trạng khủng hoảng, tan nát. Cô không biết ngày mai sẽ ra sao, chỉ biết làm bất cứ cái gì để sống sót cho hết ngày hôm nay, hết đêm nay.

Việc đầu tiên mẹ cô làm khi về lại thành phố là đi nghe ngóng tin tức về cha cô. Bà lên chỗ ông làm việc, tiểu khu, trường học, chùa, nhà thờ, thậm chí đồn Mang Cá, gặp ai bà cũng hỏi có thấy nhà tôi đâu không, và ai cũng lắc đầu nhìn bà ái ngại. Hơn ba tháng trôi qua vẫn không thấy ông trở về, bà vật vã đêm ngày đến mụ mẫm cả người, và khi nghe tin có những hố chôn người trong thành phố thì bà trở nên như điên dại. Nghe tin nơi nào người ta khai quật được những xác người, bà đều tất tả chạy đến hỏi han, lục lọi, tìm kiếm.

Thật ra cả thành phố như lên cơn điên loạn vì người ta tìm ra những hố chôn người càng lúc càng nhiều. Thoạt tiên là những hố ngay trường trung học Gia Hội gần nhà, và chùa Tăng Quang, Cồn Hến, Bãi Dâu ngay bên sông Hương, rồi tại các lăng tẩm như lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh, lăng Gia Long, cũng có cả trăm xác chết được phát hiện. Những cảnh tượng vô cùng khiếp hãi chỉ thấy trong phim kinh dị hiện ra trước mắt bà. Người ta mặc áo sô trắng, đầu chít khăn tang, đứng bu quanh những xác người thối rữa bên trong những bao ny lông màu đen hay những hòm gỗ nhỏ, mùi hôi thối không bút mực nào tả xiết, tiếng khóc gào thảm thiết vang động cả một góc trời. Người nhận được xác chồng, cha, anh, em, vợ, con, khóc đã đành, những người không tìm ra xác người thân như bà cũng khóc. Bà khóc to lắm, lạc cả giọng, như thể bà mong ông nghe được tiếng khóc của bà mà bảo bà đến nhận xác.

Gần như ngày nào bà cũng cắp nón ra đường thất thểu đi khắp nơi tìm kiếm, dò hỏi. Cô khuyên bà nên bình tĩnh lại, đừng quá sức kẻo quỵ xuống ngã gục không kịp cứu thì bà gắt gỏng lại với cô: “Ba mi túi mô cũng về báo mộng cho tau đi tìm xác. Tau mô có ngồi yên được”. Không biết bà có thực hằng đêm thấy ba cô hiện về trong giấc mơ không, nhưng nghe vậy cô thấy đau xót trong lòng cho mẹ và chỉ biết im lặng.

Không biết xác người ở đâu ra mà nhiều thế, có những xác mới chết còn nguyên vẹn thịt da dù đã mưng xanh, lở lói, nhưng cũng có những xác là bộ xương đã ố vàng. Cuốn phim kinh dị toàn ác mộng ấy tuần tự trôi qua trước mắt bà. Nhưng bà không bỏ cuộc cho đến một hôm, gần mười tháng sau khi về lại thành phố, bà nghe ở bên Phú Xuân gần đầm Hà Trung có một hố chôn lớn lắm, dễ thường đến mấy trăm cái xác. Vì Phú Xuân khá xa thành phố nên bà phải đem theo cơm vắt muối mè thuê xe đi từ sáng sớm.

Băng qua những thửa ruộng còn chìm ngập trong biển nước mênh mông, bà thấy mấy đụn cát nổi lên từ xa. Chưa đến nơi bà đã nghe tiếng người khóc than ầm ĩ rồi. Một đám người lố nhố đứng ngồi trước một cái hố to rộng có năm người mặc quần áo lính và ba người phu đào huyệt tay cầm xẻng đang đào bới dưới nắng trưa gay gắt. Xa xa hai ba người lính cầm súng trường đứng canh gác bên cạnh một chiếc GMC đang đậu.

Cái hố không sâu lắm, trông nó như một giao thông hào chiến đấu. Đất vùng này phần nhiều là cát nên việc đào xới không khó khăn, nhưng các người lính đã phải khá vất vả khiêng các bộ xương lên. Mỗi lần một bộ xương được moi lên, hai người lính túm lấy áo quần của người xấu số khiêng lên đặt trên mô đất cạnh hố. Có bộ xương không có áo quần, hai người phải nhẹ tay lắm và thường phải cầm từng khúc một đem lên chất thành ụ trên mô đất để không lẫn lộn với xương người khác. Mỗi ụ như thế, xương sọ vẫn dính vào cột sống nằm ngay ngắn, nhưng bên dưới là một đống xương lộn xộn, xương bàn chân có thể nằm ở ngực cạnh xương sườn, xương cánh tay có thể nằm bắt chéo với xương ống chân. Ba người lính khác làm công việc nhận dạng xác chết nhờ vào giấy tờ tùy thân may mắn còn lại, hoặc có thể có người thân nhận ra bộ áo quần của kẻ xấu số. Mỗi lần có người nhận ra xác người nhà, tiếng khóc than lại nổi lên như cơn gió hú giữa trận bão tơi bời.

Trời nóng như đổ lửa, bà ngồi bệt dưới đất, chờ đợi.

Xế chiều, nhiều người tìm được xác người thân đã ra về, trong lòng họ hẳn đớn đau vô hạn nhưng còn chút an ủi là tìm được đống xương đem về làm lễ tống táng. Bà mẹ cô vẫn ngồi đó với chừng mươi người cuối cùng. Họ cũng thấp thỏm chờ đợi như bà. Ba người phu vẫn ra sức đào xới, họ mệt mỏi lắm rồi vì làm việc từ tờ mờ sáng vẫn chưa moi lên hết xác người. Đất cát màu thổ hoàng bây giờ ướt nhẹp như bùn vì nước dưới sâu lõng bõng sau những cơn mưa kéo dài dai dẳng suốt mùa đông.

Nhưng kìa, bà trông thấy hai người lính khiêng lên một cái xác trên ngực có chiếc khăn phu-la. Tim bà đập thình thịch. Chẳng lẽ sau mười tháng trời bà tìm thấy ông? Bà chạy vội lại. Đúng rồi, đúng là ông. Bộ quần áo này bà còn lạ gì, bà giặt cho ông mỗi tuần, giặt xong bà còn là phẳng phiu trước khi treo vào tủ để sáng hôm sau ông mặc đi làm. Nó là bộ quần áo ông thích nhất vì nó vừa gọn với thân hình gầy còm của ông. Và cái phu-la, nó đã thấm đất cát và nước bùn dơ suốt mười tháng trời nên màu huyết dụ ấm áp không còn nữa, nhưng bà không thể không nhận ra nó vì chính tay bà đã mua tặng ông hôm sinh nhật thứ năm mươi của ông, và chính tay bà quàng vội lên cổ ông lúc ông bị đám người lạ trói thúc ké bắt dẫn đi hôm tối mùng Năm Tết.

Bà bảo hai người lính lúc họ đặt cái xác xuống mô đất:

“Đây là chồng tui. Cảm ơn hai chú.”

Bà không khóc được, có lẽ nước mắt bà đã cạn. Cũng có thể sự mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần sau mười tháng trời tìm kiếm trong vô vọng khiến trí óc bà tê cứng, mê muội, không khóc nổi nữa. Nhưng, trời ơi, sao thế này? Bà hoảng vía, chết lặng một lúc lâu mới quay sang hỏi một trong hai người lính:

“Chú ni ơi… Còn cái đầu mô?... Răng không thấy cái đầu?...”.

Người lính nhìn cái xác đoạn nhìn lại bà, ánh mắt đầy vẻ thương xót, ái ngại. Một lúc lâu sau anh ta mới thốt được:

“Nói thím đừng buồn… Chắc là bị chặt đầu… Tụi tui thấy nhiều lắm”.

Bà rụng rời, không thể tin được lời người lính. Anh ta bảo bà chờ. Đoạn hai người tiếp tục đi khiêng xác lên. Bà ngồi bệt xuống đất bên cạnh bộ xương không đầu của người chồng rồi không hiểu sao bà gào lên chửi rủa với những lời lẽ có lẽ nghe thấu tận trời xanh. Bà chửi hết, không chừa một ai trên cõi đời này, từ kẻ nào đó chẳng ai biết trong ngôi làng nghèo khổ ngoài Quảng Trị nơi bà sinh ra cho đến Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, nhớ người nào bà chửi người nấy, chửi hết người bà chửi đến Chúa, Phật, thần thánh. Bà chửi rất to khiến vài người phải ngừng khóc để nghe bà. Tiếng chửi của bà nghe thê thiết như tiếng tru của con thú bị thương, chứ không phải lời nguyền rủa. Nó làm mềm lòng kẻ gan lì, chai đá nhất. Nhưng nếu có ai ngồi gần đó nghe bà chửi và hiểu ra tiếng chửi thì không thể nín cười được, bởi bà chửi như sau: “Cao tằng tổ tỷ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bây hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tau chửi đây nì. Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu đã giết chết chồng tau. Mụ cô bây. Bay là lũ ác nhơn ác nghiệp. Bây là cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm... Mụ cô bây… Mụ cô bây… Mụ cô bây…”

Ba tiếng “Mụ cô bây” cứ thế tuôn ra đều đều như tiếng láy rền của điệu nhạc cáo chung kỷ nguyên văn minh loài người. Tiếng chửi của bà thật ra là tiếng khóc uất nghẹn của một kẻ quê mùa, chân chất, khờ khạo nhưng hiền lương bị lâm vào cảnh khốn cùng.

Chửi một lúc lâu, hình như thấm mệt, bà ngã vật xuống đất, vặn vẹo thân hình, rồi cuối cùng nằm im co quắp, nhưng miệng vẫn lầu bầu cái gì đó. Hình ảnh người đàn bà trong chiếc áo dài màu nâu cánh gián lem luốc đất cát bẩn thỉu, đầu tóc rối bù, nằm co quắp giữa một đống xương người có lẽ chỉ tìm thấy ở hai nơi: địa ngục và mảnh đất khốn khổ này. Chiếc nón lá nằm lăn lóc bên cạnh bị gió thổi bay là là, đến bờ miệng hố chôn xác người nó đậu lại, rồi một cơn gió nữa thổi tốc cuốn nó rơi xuống hố.

Bà nằm đó lâu lắm. Mặt trời đã ngả bóng. Ba người phu và năm anh lính đã ngưng tay. Mặt đất bây giờ không còn ai, ngoại trừ bốn năm chục bộ xương người không ai nhận vẫn nằm chỏng trơ song song bên nhau như thi gan cùng trời đất. Hai anh lính đem đến cho bà một đống mấy chục cái sọ người. Anh lính nói chuyện với bà lúc nãy lay bà dậy, bảo:

“Thím nì, thím ngồi dậy coi cái xương sọ nào là của chồng thím. Tụi tui được ông thầy quân y dạy là coi hàm răng thì có thể biết được. Thím có nhớ hàm răng chồng thím có gì đặc biệt không?”

Bà chống tay ngồi dậy, mím môi hít một hơi thở thật sâu vào phổi rồi cầm lên cái đầu lâu thứ nhất. Bà biết chứ. Bà biết hàm răng của ông có cái gì đặc biệt chứ. Vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm trời mà không biết hàm răng của nhau có cái gì đặc biệt thì không phải vợ chồng. Bà dám tự hào bà là người đàn bà biết tính ý chồng hơn ai hết. Ông nghĩ gì, muốn gì, bà đều biết, và bà luôn luôn chiều chuộng ông. Bà lúc nào cũng lo cho ông từng cái ăn, cái mặc. Những lúc trái gió trở trời, ông đau mình nhức mẩy, bà một mình lo cạo gió cho ông, nấu cháo ông ăn, chạy qua bên kia phố lấy hai thang thuốc từ tiệm thuốc Bắc của chú Pháy rồi đem về hãm nửa ngày trong chiếc nồi đất với lửa củi riu riu thành một thứ nước đen như mực xạ bưng lên cho ông uống. Bao năm trời bà yêu thương, săn sóc ông. Cơ thể ông có cái gì đặc biệt, bà biết hết, biết rõ từng sợi lông, sợi tóc, huống chi hàm răng của ông. Cái chú lính này hỏi bà một câu thực vô duyên, lảng nhách.

Bà ngồi xổm, hai tay bưng cái sọ người, ngắm nghía thật kỹ hàm răng trắng nhởn. Người sống, mỗi người một khuôn mặt, không ai giống ai, nhưng khi chết rồi, không sao phân biệt được xương sọ người này với người kia, cái nào cũng y hệt như nhau. Hai hốc mắt sâu hoắm của cái sọ người chĩa thẳng thật sát vào mắt bà như thôi miên. Cái miệng nhe ra. Với những hàm răng vẩu, bà để nó sang một bên, không cần xem kỹ, răng chồng bà đều và đẹp, không vẩu cũng không móm. Chỉ với những hàm răng như thế bà mới mất thời gian xem xét kỹ lưỡng. Có cái bị đất cát bịt kín, bà phải thò hai ngón tay vào móc. Móc mãi mới sạch. Một hai con giun đất to tướng da láng bóng từ đó theo ngón tay bà bò ra. Trong những con côn trùng, bà sợ nhất con giun. Thuở còn là cô gái sinh sống trong làng, những lúc cuốc đất trồng khoai, thấy con giun là bà ném cuốc bỏ chạy. Vậy mà bây giờ bà chẳng thấy kinh hãi chút nào, bà bình thản túm lấy nó ném xuống đất rồi tiếp tục thò tay vào bới móc. Hai hốc mắt của cái xương sọ vẫn chằm chằm nhìn bà như thể cảm ơn bà đã giải phóng nó khỏi cảnh bị giun ăn hết óc.

Xem đến cái đầu lâu thứ mười tám thì bà biết chắc đây là đầu chồng bà.

11.

Những lần nằm cạnh nhau trên giường nói chuyện vãn, có lần cô kể cho gã bác sĩ bộ đội nghe chuyện mẹ cô đi tìm xác cha cô. Gã im lặng nghe cô kể. Cô không phải người kể chuyện hay, lời lẽ cô thiếu mạch lạc, súc tích, cô cũng chẳng ở đó để chứng kiến tận mắt cái cảnh tượng khiếp đảm chưa từng thấy bao giờ, nhưng gã hiểu những gì cô nói, gã cũng hiểu nỗi đau xót của cô, gã thấy thương cô vô hạn. Kể xong cô hỏi gã:

“Tại sao con người lại ác độc với con người như thế, hả anh? Em không hiểu được.”

Gã ngẫm nghĩ một lúc khá lâu rồi mới trả lời cô:

“Mỗi người có một cách lý giải khác nhau, tùy vào kiến văn và trải nghiệm cá nhân mình. Riêng anh thì anh nghĩ có lẽ nó là cái ý thức hệ. Thời gian học bên Liên Xô, anh có đọc một cuốn sách của ông nhà văn Solzhenitsyn, chắc là cuốn Quần đảo Gulag. Theo ông nhà văn này thì nguyên ủy của tội ác là ý thức hệ. Ý thức hệ cung cấp kẻ ác sự bền bỉ và quyết tâm, bằng mọi giá, phải tiêu diệt tất cả những kẻ cản trở bước đường của mình. Nó được bao bọc bởi một lớp hào quang giả tạo rồi trang trọng đưa lên bàn thờ. Từ đó kẻ gây tội ác cứ việc an tâm gây tội ác mà lương tâm chẳng hề bị cắn rứt, bởi hắn chỉ cần cúi lạy, nhân danh cái ý thức hệ đó thì bất cứ việc gì, dù tàn độc cách mấy, hắn vẫn có thể thản nhiên làm được.”

Cô không hiểu lắm những điều gã nói, bởi nó xa vời với cô quá, nó trừu tượng quá. Những điều gã nói chẳng hề nhập tâm cô, nó chẳng gieo vào tâm khảm cô một ý niệm gì. Nhưng cô mơ hồ hiểu con người vốn độc ác, và tìm được một người lương hảo để gần gũi là vô cùng khó khăn. Cô xoay người sang ôm gã bác sĩ bộ đội, dụi đầu vào ngực gã, như thầm cảm ơn gã đã đến với cô trong đời. Tưởng cô đang đau xót trong lòng hồi nhớ lại cơn ác mộng, gã nghiêng đầu sang hôn lên mái tóc cô, tay bóp nhẹ bờ vai cô, vỗ về ru cô ngủ.

Cô bỗng nhớ đến tên học trò vai vác khẩu AK-47 trong đám người xông vào nhà cô tối hôm mùng Năm Tết trói tay cha cô dẫn đi. Cô vẫn nhớ như in khuôn mặt và dáng điệu nó. Nó đeo kính cận thị gọng đen, người gầy còm, nước da ngăm đen, mặt xương xương, đôi môi vều như môi lạc đà, mái tóc dài phủ kín ót. Nhìn cử chỉ bộ tịch nó lúc đó cùng tiếng quát tháo nạt nộ liên hồi từ miệng nó – cái giọng trọ trẹ mà lại lanh lảnh như giọng đàn bà quát tháo nghe buồn cười lắm – cô có cảm tưởng nó là con khỉ làm trò trong gánh xiệc, một con khỉ đóng vai con người, một con khỉ tưởng mình đang nắm vận mệnh thế giới trong tay, một con khỉ tưởng mình có quyền sinh sát, định đoạt số phận bất cứ ai, một con khỉ muốn toàn thể nhân loại phủ phục dưới chân mình.

Một con khỉ thì làm sao biết ý thức hệ là cái gì!

Lúc con khỉ tác yêu tác quái trong nhà cô, nhiều lần nó liếc nhìn cô và bà mẹ đang nép mình vào nhau trong xó nhà. Nét mặt nó rạng lên vẻ đắc thắng mãn nguyện. Có lẽ nó chờ đợi giây phút đó từ lâu, và bây giờ đạt được, nó không giấu được sự hả hê khoái chá trong lòng. Sự hả hê đầy ti tiện. Nó có những cử chỉ quá đáng đến nỗi tên đứng tuổi, có lẽ là thủ trưởng của cả bọn, trên người mặc bộ áo quần ka-ki màu xanh rêu bèo nhèo như người trong rừng mới ra, hông đeo súng lục chứ không cầm AK, đã phải ghé tai nó nói nhỏ vài câu, chắc là bảo nó bớt hung hăng. Không ai nghe lão ta nói gì với con khỉ, nhưng nhìn bộ mặt biến đổi nhanh chóng của nó, đang vênh váo bỗng xịu xuống như gà mắc mưa, người ta có thể đoán biết lão ta nói gì. Ở đây tao là thủ trưởng chứ không phải mày, nghe chưa, đồ nhãi ranh nằm vùng, mới có tí quyền lực trong tay đã nhảy lên choi choi như chó rồi.

Rất nhiều lần cô cố xóa tan đi hình ảnh con khỉ ấy trong tâm trí mình. Với thời gian có lẽ cô quên được nếu không có cái ngày chiếc xe tăng của phe thắng trận ủi sập cánh cổng sắt tòa dinh thự to rộng nơi ông Tổng thống ngồi làm việc trên đường Thống Nhất. Từ ngày đó cô thấy khỉ nhiều lắm, khắp mọi nơi, tại trụ sở phường, quận, mỗi khi cô phải lên xin xỏ điều gì. Khỉ mặc đồng phục đứng đầy đường sá, thậm chí bệnh viện, phòng bán vé trạm tàu hỏa, đâu đâu cũng thấy khỉ. Chúng hành hạ cô đủ điều. Cô thù giống khỉ ấy không biết để đâu cho hết. Nhưng cô làm gì được chúng. Chúng sinh ra để làm khổ những người như cô, và điều bi đát nhất là cô phải sống chung với chúng suốt cuộc đời này.

12.

Ngôi nhà trong khu Gia Hội, sau hai năm từ ngày bị bom dội tan hoang, được dựng lên tạm bợ trên nền đất cũ. Nó chỉ là cái chòi vá víu tạm bợ chứ không phải ngôi nhà, nhưng ít nhất có bốn bức tường ván xung quanh và cái chái bếp nơi ngày ngày cô lúi húi nấu những bữa cơm đạm bạc ăn qua ngày. Cô bỏ học đi phụ bán hàng trong một tiệm ăn gần nhà kiếm tiền độ nhật. Bà mẹ bây giờ không còn tha thiết đến chuyện sống chết nữa, bà như người mất cả hồn trí, chỉ còn cái xác biết di động, tất cả mất hết và bà cũng chẳng màng tìm kiếm lại cái đánh mất. Suốt ngày bà nằm trên chiếc chiếu con trải dưới sàn, nằm nhưng không ngủ, hai mắt bà vẫn mở như thể hồi tưởng lại lúc nhìn vào mười tám cái sọ người. Chiều chiều bà bắc ghế ngồi ở hàng hiên đằng trước nhìn xe cộ qua lại cả tiếng đồng hồ không nhúc nhích, cho đến khi sẩm tối bị muỗi đốt quá bà mới chịu nghe lời cô chui vào nhà. Sự thật là bà đang chết dần mòn sau cuộc tang thương khốc liệt quá mức chịu đựng của bà. Bà không thiết sống nữa.

Riêng cô thì cô biết mình phải ra khỏi thành phố này nếu muốn tiếp tục sống. Nhưng cô mới hai mươi tuổi, cô nào biết phải làm gì để tìm sống ở một nơi khác, cô một mình vùng vẫy như con cá mắc cạn không biết đâu là sinh lộ cho mình.

Cuối cùng bà mẹ qua đời. Trước khi nhắm mắt lìa trần, bà gọi cô lại dặn dò đôi điều. Bà bảo cô, điều thứ nhất, sau khi bà chết hãy hỏa thiêu xác bà rồi rải tro xuống dòng sông Hương cho tro bà cùng với tro của ông muôn đời hòa quyện vào nhau, và điều thứ hai, cô hãy vào Nam tìm người anh họ gọi bà bằng dì, nhờ giúp đỡ. Bà nói với giọng từ tốn, bình thản như lúc dặn dò cô ra chợ mua đồ về nhà nấu ăn. Bà nói xong, từ từ nhắm mắt, đi luôn. Có lẽ ông đang đứng ở gần đó đợi bà, và bà không muốn ông sốt ruột chờ đợi lâu. Bà chết thanh thản như thể biết trước lúc nào cái chết đến với mình.

Tôi biết có những người chết như thế. Sống mới khó chứ chết dễ lắm. Bà mẹ cô không hãi sợ cái chết, bởi bà có một đức tin. Người có đức tin không sợ chết. Dĩ nhiên đức tin ấy của bà không ở nơi Chúa, Phật. Lúc sống bà có đi chùa nhưng lên chùa bà chỉ van vái xin Phật gia ơn ban cho bà cái gì đó, cho bà bớt khổ chẳng hạn, chứ bà tuyệt nhiên chẳng hề có ý niệm gì về cuộc sống kiếp sau hay luân hồi. Những điều đó trừu tượng quá, không nằm trong khối óc trong veo của bà. Đức tin nơi bà chỉ giản dị là khi chết bà sẽ gặp lại người chồng, gặp như thế nào thì bà cần gì biết. Chỉ một niềm tin như thế thôi đã đủ cho bà nhắm mắt một cách an nhiên tĩnh tại.

Chuyện thứ nhất bà trối trăng lại với cô, không khó. Chắc chắn cô sẽ làm được. Chỉ cần bán mảnh đất hương hỏa mấy đời ông bà để lại (chỉ còn cái nền lở lói và cái chòi đổ nát) với một giá thật hời là đủ tiền làm một tang lễ giản dị cho bà. Cuối cùng cả ông lẫn bà được giải thoát khỏi kiếp sống đầy khổ đau và vẫn ở lại với dòng nước con sông yêu mến của ông bà. Riêng việc thứ hai cô chẳng biết dò tìm nơi đâu ra tung tích người anh họ. Cô gặp anh ta một lần duy nhất năm cô mười sáu. Lúc đó anh ta đã ở trong quân đội, binh chủng gì cô cũng không nhớ, chỉ biết anh ta có thời gian đóng quân ở Pleiku và trước biến cố Tết Mậu Thân được thuyên chuyển về Sài Gòn. Cô chỉ biết có thế về người anh họ.

Cô biên thư cho người cậu, anh của mẹ cô, hiện vẫn sinh sống trong ngôi làng xa tận ngoài Quảng Trị, báo tin mẹ qua đời và hỏi thăm về người anh họ, nhờ anh ta giúp đỡ khi cô vào Nam. Bởi vì con không thể ở Huế được nữa, là câu viết cuối trong lá thư. Một tháng sau cô nhận được thư hồi đáp của người cậu và từ đó cô bắt được liên lạc với người anh họ. Anh ta sẵn lòng giúp cô vào Sài Gòn tìm sống, anh ta còn bảo trong thời gian đầu chưa có chỗ ở, cô có thể ở tạm nhà anh ta, nhà không rộng nhưng chỉ có vợ chồng anh ta và đứa con nhỏ thôi nên sẽ đủ chỗ cho cô ở tạm.

Cô mừng lắm và cô chờ đợi ngày đi ra khỏi thành phố này. Đó là lần đầu cô đánh canh bạc cuộc đời mình. Lẽ đương nhiên cô hoang mang, cô không khỏi lo sợ về một viễn ảnh không mấy tươi sáng chờ đón mình ở nơi chốn xa lạ đầy trắc trở, một nơi chốn hoàn toàn lạ lẫm đối với cô. Nhưng lá thư đượm vẻ chân tình của người anh họ đã giúp cô lên tinh thần rất nhiều. Cô hy vọng với sự giúp đỡ tận tình của anh ta, cô có thể bắt đầu lại cuộc sống mới ở trong Nam. Không gì cô đã ngoài hai mươi tuổi, cô đã trưởng thành rồi, đã đến lúc cô phải tự định đoạt lấy cuộc sống của mình.

Nhưng để bắt đầu lại cuộc sống mới trong Nam cô cần có một ít tiền, một ít thôi, đủ cho cô làm vốn. Nhưng đào đâu ra tiền bây giờ? Ngôi nhà hương hỏa cô ngỡ bán được, nhưng không ngờ đó là lúc người ta đua nhau bỏ xứ đi làm ăn kiếm sống nơi xa, nên rao bán mãi chẳng ai chịu mua. Có lẽ chỉ có nước cho không ngôi nhà. Cô phải vay tiền làm ma chay cho mẹ. Cô vay từ người đàn bà mà mọi người xung quanh hay gọi là O Lê.

Mụ ta hay lui tới quán ăn nơi cô giúp việc và thường nói chuyện với cô. Mụ lúc nào cũng khăn áo dịu dàng, một chiếc áo dài lụa nội hóa đơn giản, màu sắc nhã nhặn, và dáng điệu thì khoan thai, sang cả như một mệnh phụ. Với lối ăn nói ngọt ngào, mụ chiếm cảm tình của cô ngay từ lần đầu nói chuyện. Mụ trạc ngoài bốn mươi nhưng mụ chị chị em em với cô như thể hai người đã là tình thân từ lâu. Mụ hay hỏi cô về gia thế, và khi biết hoàn cảnh hiện thời của cô, mụ sốt sắng tìm cách giúp đỡ, mụ không ngại rút ra những món tiền lớn cho cô vay khi túng quẫn, như lúc lo bệnh viện, thuốc thang cho bà mẹ và mới đây lúc bà qua đời cô cần tiền làm ma chay cho bà. Mỗi lần ngửa tay nhận tiền của mụ, cô đều cảm thấy có cái gì không ổn, có lẽ vì mụ ngọt ngào tha thiết quá, nhưng mụ khéo lắm, tìm đủ lời đủ cách nói cho cô yên lòng mà nhận tiền. Câu nói mụ lặp đi lặp lại là, “Em cứ nhận cho chị. Chị rất thông cảm cho hoàn cảnh của em. Chị xem em như đứa em của chị, đang túng thiếu, chị giúp một chút thôi chứ có chi nhiều. Giúp người là làm phước đó, em biết không?”.

Thật tình mà nói, đang túng thiếu có người cứ nài nỉ nhét tiền vào tay mình thì khó lòng từ chối lắm. Dành dụm được ít tiền, cô đem trả lại mụ, nhưng ngay sau đó lại vay món khác nhiều hơn, và cứ thế tăng dần cho đến một hôm nhớ đến khoản tiền nợ, cô giật mình.

Nhưng ma chay cho mẹ thì không thể không làm nên cô lại cắn răng hỏi vay mụ lần nữa, và khi biết cô có ý định bán nhà bán đất vào Nam sinh sống thì mụ vồn vã bảo cô:

“Chị có người quen đang tìm mua nhà. Hôm nào rảnh, tới nhà chị ăn cơm, chị giới thiệu người đó với em. Nhớ đó”.

Thế rồi một hôm mụ đem lại đưa cô ba lượng vàng, mụ bảo cô:

“Họ đã đồng ý mua nhà đất của em, đây là ba lượng vàng đặt cọc, em cầm trước, khi nào giao nhà họ sẽ trả cho em ba mươi lượng”.

Cô không ngờ ngôi nhà chỉ còn cái nền lại bán được giá cao như thế. Cô run run hỏi lại mụ:

“Bây giờ em phải làm gì cho xong việc mua bán, chị chỉ cho em, chứ em hoàn toàn mù tịt”.

“Em đừng lo, chị sẽ giúp em mọi chuyện, trên tờ văn tự ngôi nhà vẫn là tên cha mẹ em chứ không phải em, nhưng không sao, muốn cho trót lọt mình phải chi thêm cho các ông tí tiền. Chị lo được, em yên chí. Người mua là một tay giàu có hạng nhất ở Huế, ông ta có hàng chục căn phố cho thuê ở đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, nhà đất của ông ta nhiều không biết bao nhiêu mà kể”.

Mụ đưa cô đi làm giấy tờ và chỉ trong vòng một tháng mọi chuyện đã xong xuôi. Tối nay mụ mời cô đến nhà ăn bữa cơm gia đình thân mật, xem như là bữa tiệc tiễn đưa cô. Cô tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi viện cớ còn để tang cha mẹ mặc dù trong lòng cô rất thèm một buổi tối vui vẻ có những món ăn ngon trong cuộc sống buồn chán, tù túng hiện tại. Người đàn bà một lần nữa lại chứng tỏ tài ăn nói thuyết phục người đối diện. Không biết mụ nói sao mà cuối cùng cô không những nhận lời đến mà còn chọn mặc chiếc áo lụa mới tinh màu trắng cô mua đã lâu chưa bao giờ có dịp mặc. Cô mặc chiếc áo rất vừa vặn, trang điểm thêm chút phấn hồng và tô tí son môi, cô không cần kẻ mắt vì mắt cô bao giờ cũng đẹp, nhiều người nói thế. Nhìn vào gương cô thấy mình đẹp lộng lẫy hẳn lên và cô thấy vui vui trong lòng.

Ngôi nhà ở Vỹ Dạ trông thật u nhã, nó nằm khuất sau những giàn hoa đủ loại. Xung quanh nhà là khu vườn cây lá sum suê, lối đi trải sỏi trắng có những chậu kiểng dọc hai bên. Đón cô ở cửa là mụ đàn bà chủ nhân ngôi nhà. Mụ mặc một chiếc áo dài màu tím đậm, cổ đeo xuyến vàng lóng lánh, mặt trang điểm rất khéo, trông mụ chẳng khác gì một mệnh phụ phu nhân. Mụ tíu tít kéo cô vào giới thiệu với khách quen của mụ. Bên trong ngôi nhà bày biện trang trí kiểu nửa tân nửa cổ, nhưng ấm cúng, chỉ có một cặp vợ chồng và một người đàn ông. Cặp vợ chồng nói năng lịch sự, hòa nhã. Chị vợ thân thiện với cô ngay. Tên đàn ông đi một mình thì ít nói, lúc được giới thiệu, hắn ta nói gì đó cô nghe không rõ, mãi sau đó cô mới biết hắn ta là người Hoa nói tiếng Việt giọng lơ lớ, khó nghe. Trông hắn ta không giống những chú Tàu bán hàng ngoài chợ cô hay gặp mà có dáng dấp một người có học thức. Hắn ta không còn trẻ nữa, tuổi có lẽ đã ngoài bốn mươi vì hai bên thái dương tóc đã lốm đốm bạc, nhưng da mặt hắn trắng hồng như người suốt đời được sâm nhung tẩm bổ, sống mũi hắn cao và đôi môi dày. Trông hắn ta như một y sĩ đông y bắt mạch bốc thuốc ở các tiệm thuốc Bắc nằm rải rác trong Gia Hội gần nhà cô, chứ không giống một tay có tiền đầu tư vào nhà phố cho thuê như mụ đàn bà nói với cô.

Lúc mọi người ra xem hoa ở vườn sau, mụ đàn bà ghé tai cô bảo nhỏ lát nữa cô ở nán lại một chút đợi vợ chồng người kia về, mình sẽ nói chuyện. Chị đang đòi thêm tiền cho em. Nếu hai bên thỏa thuận về giá cả thì việc mua bán có thể giải quyết ngay buổi tối hôm nay. Cô gật đầu.

Đoạn mụ đàn bà mời mọi người vào dùng bữa cơm thân mật. Trên bàn ăn với khăn trải bàn trắng tinh là những bát đĩa men lam xinh xắn. Thoạt tiên là các món ăn chơi như bánh ép dẻo ăn kèm với rau răm, nước mắm chua ngọt và dưa leo. Món nem lụi mùi hương thơm lừng, nước chấm là sốt đậu phụng trộn gan heo. Món nem chua rán vị chua nhẹ, lớp vỏ giòn rụm ở bên ngoài, cắn vào thấy dai dai bùi bùi. Rồi đến món chè bột lọc heo quay nhân mặn, vừa ngon miệng vừa thanh mát. Sau các món này là hai món chính gồm bánh khoái và cơm hến. Tất cả được nấu bằng một nghệ thuật ẩm thực tinh tế trên đời khó tìm. Các thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Cô cũng phải tự thú nhận là chưa bao giờ được ăn một bữa ngon như thế. Ăn xong mọi người uống trà mạn sen và ăn tráng miệng món chè khoai tía. Chỉ là chè bình thường nhưng ngon nhờ người nấu khó tính chọn bằng được những củ khoai ngon. Bát chè sánh mịn với màu tím rất đẹp, thêm một thìa nước cốt dừa béo ngậy, kết thúc bữa ăn.

Người đàn bà niềm nở tiếp khách. Mụ bảo người nấu các món này chính là u già mọi người thấy bưng các món ăn lên bàn rồi biến ngay vào nhà bếp. U là con gái của một ngự thiện trong hoàng cung thời vua Khải Định. Thảo nào!

Trong bữa ăn, mọi người vui vẻ nói chuyện. Cô là người trẻ nhất trong bàn, và hiển nhiên được hỏi han nhiều nhất. Tên đàn ông người Hoa ít nói nhưng cô có cảm tưởng hắn nhìn cô không ngớt, vì mỗi lần nhìn sang hắn cô đều bắt gặp đôi mắt sau cặp kính trắng gọng vàng chĩa thẳng vào mặt cô. Ít nhất hai lần như vậy, và cô đâm ra hoảng sợ tia nhìn đó, cô tránh không nhìn về phía hắn nữa, nhưng dù không nhìn cô vẫn biết hắn đang nhìn cô. Một cảm giác bất an len lén xâm chiếm tâm hồn cô, chẳng hiểu mọi chuyện có thuận lợi cho cô không, cô hồi hộp chờ đợi lúc nói chuyện việc mua bán ngôi nhà. Cô tin người đàn bà xem cô như em gái này sẽ bênh vực quyền lợi cho cô.

Sau bữa ăn, ngồi nói chuyện thêm chừng mười lăm phút nữa cặp vợ chồng đứng lên kiếu từ. Mụ đàn bà mời cô và tên đàn ông người Hoa ra phòng khách. Tại đây họ mở một chai cô-nhắc ra uống và hỏi cô uống rượu được không. Cô lắc đầu từ chối. Mụ chủ nhà rót một ly rượu dâu ngọt cho cô. Loại rượu dâu Đà Lạt này cô từng uống qua nên cô nhận cái ly từ tay người đàn bà. Mụ nâng ly chúc cô may mắn khi vào Nam tìm cuộc sống mới, đoạn quay sang nói tiếng Quảng Đông với tên người Hoa. Cô ngạc nhiên. Bà này giỏi thiệt, đúng là dân chạy áp-phe thứ thiệt, cái gì cũng biết. Mụ giàu có là phải.

Hai người nói chuyện một lúc khá lâu. Cô chẳng hiểu họ nói gì, chỉ đoán mụ đang thương lượng giá cả ngôi nhà của cô. Cô nhìn người đàn bà chờ đợi, nhưng mụ vẫn tiếp tục nói chuyện với tên người Hoa. Đột nhiên cô thấy xây xẩm mặt mày, mọi vật xung quanh như quay mòng mòng đảo lộn, và hai mắt tối sầm như có ai bịt mắt mình. Trong thoáng chốc cô hốt hoảng không hiểu chuyện gì xảy ra cho mình, cô kêu lên ú ớ. Người đàn bà ngưng nói chuyện quay sang ôm lấy vai cô. Cô nghe mụ ta nói: “Ối trời, em sao vậy? Bị trúng gió hả?”. Nhưng cô không mở miệng nói được, và nhận thức cuối cùng của cô là thấy mụ ta dìu cô vào một gian phòng.

Đó là vết thương đầu đời của cô. Vết thương quá đau đớn và tủi nhục đến nỗi cô đành chôn sâu nó trong lòng chứ không bao giờ dám thổ lộ cùng ai. Và càng chôn sâu nó càng nung nấu dày vò tâm tư cô. Nó là căn bệnh cô mang trong người cho đến mãn đời, không cách gì chữa khỏi.

Khoảng nửa đêm cô thức giấc thấy mình nằm trên chiếc giường nệm êm ái, mùi nước hoa thoang thoảng, chiếc đèn ngủ mờ nhạt tỏa vũng sáng yếu ớt trên chiếc bàn trang điểm cuối giường. Cô định thần một phút rồi nhớ ra diễn tiến mọi chuyện và cô hoảng sợ, hoảng sự thực sự như thể cô đang chấp chới bên bờ vực thẳm và một sức mạnh hung hãn vô hình nào cứ tìm cách xô đẩy cô xuông đáy vực. Cô thấy mình mặc một bộ đồ ngủ bằng lụa màu hồng chứ không phải chiếc áo đầm trắng lúc đến đây. Ai là người thay quần áo cho mình? Cô muốn ngồi phắt dậy chạy bay biến ra khỏi chốn này, nhưng thân thể cô như không còn chút sức lực nào, tay chân cô bải hoải, cô không nhấc nổi cánh tay lên khỏi mặt giường chứ đừng nói là tự ngồi dậy.

Ngay lúc đó mụ chủ nhà bước vào phòng, mụ đến ngồi bên mép giường, đưa tay lên sờ trán cô. Cô nghe mụ nói:

“Em tỉnh rồi à? Chị đem vào cho em ly nước cam, em ngồi dậy uống cho khỏe”.

Cô muốn nói với mụ gọi xe cho cô đi về nhưng tiếng nói của cô như tắc nghẹn trong cuống họng. Hình như mụ vẫn hiểu cô nói gì, mụ ôn tồn vỗ về cô:

“Em cứ ngủ lại đây, sáng mai về. Đây là phòng của chị”.

Nói xong mụ đi ra. Chỉ hai phút sau một cái bóng khác bước vào. Cái bóng to lớn. Cái bóng đè lên người cô, và nó vẫn đè lên người cô lúc cô ngồi dưới những gốc nho biển.

Chờ.

T.Y.T