Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Về ba bài thơ khai bút của Phan Khôi

Phan Nam Sinh

Phan Khôi xuất thân nho học nhưng hình như ông không có thói quen làm thơ khai bút như nhiều nhà nho khác. Chỉ những dịp Tết có điều gì đó đặc biệt đến với ông, ông mới có thơ. Vì thế cho tới nay tôi cũng chỉ mới tìm được ba bài thuộc loại thơ khai bút của ông. Cả ba đều viết bằng chữ Hán mà không có bài nào viết bằng chữ Quốc ngữ.

1. Bài thứ nhất ông làm vào năm 1912, đăng lần đầu trên tờ Điện tín, số Xuân Bính Tý (1936). Tôi chỉ mới biết bài này khi báo Tuổi trẻ cười, số Xuân Kỷ Sửu (2009) đăng bài Suýt chút họa vì... thơ Tết của nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân. Bài này, khi đăng Tuổi trẻ cười không có đầu đề. Để tiện khi viết, tôi gọi là bài Nhâm Tý khai bút, vì năm 1912 là năm Nhâm Tý.

Về lai lịch bài thơ này cũng có đôi điều đáng được đem kể ra đây để hầu bạn đọc.

Nguyên là Tết Nhâm Tý (1912), Phan Khôi có làm một bài tứ tuyệt khai bút bằng chữ Hán. Ông chép bài thơ vào một tờ giấy hoa tiên rồi kẹp vào giữa một cuốn sách, sau cho bạn là ông cử Mai Dị mượn. Mấy tháng sau, ông cử vốn là một yếu nhân của phong trào Đông du bị xét nhà, bài thơ rơi vào tay mấy ông quan người An Nam. Mấy ông quan “hay chữ” này dựa vào hai chữ “đông phong” có trong bài thơ và mấy chữ “Châu Nam - Phan thị” (người họ Phan, tên Châu Nam) là họ tên của Phan Khôi ở phần lạc khoản, định ghép tác giả vào tội nuôi chí làm Phan Bội Châu ở phía Nam để cổ động cho phong trào Đông du.

Công sứ Quảng Nam lúc bấy giờ là Lesterlin do không tin vào sự suy luận của mấy ông quan “hay chữ” này bèn bảo bọn họ dừng mọi chuyện nghi hoặc ấy lại, không tra xét nữa. Nhờ thế mà Phan Khôi thoát nạn. Thoát nạn, nhưng ông lại phải chịu cái ơn hờ cùa viên công sứ, hơn nữa lại phải chuốc lấy những hồ nghi dài dài về sau từ không ít đồng bào của mình.

Rất tiếc là khi đăng Tuổi trẻ cười, phần chữ Hán được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhờ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi “cài” vào bị sai mất hai chữ. Đúng ra phải là 凌 霄 (lăng tiêu), nghĩa là “vút tận mây xanh” nhưng Tuổi trẻ cười lại in là 淩 瀟 và dịch là “dầm sương”, làm mất hẳn đi cái thế “thượng phong” của hai chữ “kỳ khí” (khí lạ) vốn có trong nguyên bản.

Về việc này, tôi đã có thư trao đổi ý kiến với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và đã được cả hai ông tán đồng. Sau đó, tôi đã “cài” lại chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, cả Đường luật và lục bát. Nay xin được đưa vào đây để bạn đọc thưởng lãm.

Nguyên văn:

壬 子 開 筆

春 日 無 花 亦 復 佳

庭 前 上 有 桂 新 栽

凌 霄 奇 氣 無 人 識

曾 共 東 風 一 夜 來

Phiên âm:

Nhâm Tý khai bút

Xuân nhật vô hoa diệc phục giai

Đình tiền thượng hữu quế tân tài

Lăng tiêu kỳ khí vô nhân thức

Tằng cộng đông phong nhất dạ lai

Dịch nghĩa:

Ngày xuân không có hoa mà vẫn đẹp

Trước sân có mấy cây quế mới trồng

Khí lạ ngút trời mà không người nào biết

Cùng theo gió xuân về trong đêm nay

Dịch thơ:

Thất ngôn

Xuân đến không hoa cũng tốt thay

Trước sân trồng mới quế vài cây

Ngút trời khí lạ không người biết

Theo gió xuân về kịp tối nay

Lục bát

Không hoa cũng đẹp ngày xuân

Quế non mấy gốc trước sân mới trồng

Ai hay hương lạ một vùng

Nửa đêm vấn vít về cùng gió xuân

Tết Nhâm Tý là cái tết đầu tiên Phan Khôi được ra tù, sau khi ông bị bắt tại Hà Nội, di lý về Quảng Nam rồi bị chính quyền thực dân kết án ba năm tù, giam tại nhà lao Hội An, tỉnh Quảng Nam từ năm 1908 tới năm 1911 vì nghi có dính líu tới cuộc dân biến, còn gọi là vụ “xin xâu” của dân Quảng Nam năm 1908.

Lúc này Phan Khôi chỉ mới 25 tuổi. Tuổi trẻ cùng với việc được trả tự do sau ba năm ngồi tù, được về sống trong tình yêu thương của gia đình, được trở lại hòa nhập với cộng đồng đã giúp Phan Khôi nhìn cảnh xuân quê mình với vẻ đẹp sống động, trẻ trung, nhiều màu sắc; đặc biệt là có sự giao hòa giữa đất và trời, giữa con người và thiên nhiên.

2. Sáu năm sau bài Nhâm Tý khai bút, tức năm Mậu Ngọ (1918), năm Phan Khôi 30 tuổi, ông lại có bài Khai bút đăng ở Nam phong, số Tết. Năm 2019, nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân đã đưa vào cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1917-1924, trang 121, nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, năm 2019.

Đáng tiếc là ở bản in của Nhà Xuất bản Tri thức có hai chỗ sai, hoặc phiên âm sai, hoặc in sai so với bản gốc đăng trên Nam phong.

Đó là trường hợp chữ thứ tư câu thứ nhất và hai chữ đầu câu thứ năm. Chữ thứ tư câu thứ nhất, bản gốc trên Nam phong in là 正 lẽ ra phải phiên âm là “chinh” mới đúng luật thơ Đường nhưng bản của Nhà Xuất bản Tri thức lại phiên âm là “chính”. Hai chữ đầu câu thứ năm đúng ra phải là “khởi tất” (豈 必), nghĩa như hai chữ “khởi tất” (豈 必) trong câu 人 生 豈 必 長 相 聚 (nhân sinh khởi tất trường tương tụ), ở bài thứ nhất trong số bốn bài tứ tuyệt Phan Khôi viết tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng nhân cái đêm trước cụ Huỳnh bị đày ra Côn Đảo, được cụ Huỳnh khen là “xuất sắc hơn thi các bạn tiễn”, về sau được cụ đưa vào cuốn Thi tù tùng thoại và dịch thơ là “Người đời há phải gặp nhau hoài”. Thế nhưng bản của Nhà Xuất bản Tri thức lại in thành “khởi tâm” (豈 心), được bà Phạm Ngọc Lan dịch nghĩa là “Há trong lòng hớn hở cùng cỏ cây”, khiến câu thơ thành ra thất niêm và nghĩa cũng khác đi.

Sau khi trao đổi ý kiến với nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân, được ông thừa nhận bản in của Nhà xuất bản Tri thức có sự nhầm lẫn, tôi đã “cài” lại chữ Hán, phiên âm và mượn bản dịch nghĩa của bà Phạm Ngọc Lan (có sửa lại đôi chỗ cho sát với nguyên bản) cùng bản dịch sang tiếng Việt của chính Phan Khôi để nay đưa lên đây.

Nguyên văn:

開 筆

久 戒 新 正 不 作 詩

今 朝 使 酒 試 為 之

朅 來 逆 旅 春 如 客

拓 落 中 天 我 是 誰

豈 必 忻 忻 同 草 木

故 應 默 默 對 妻 兒

浪 吟 薄 醉 成 何 事

壯 歲 驚 臨 忽 不 知

Phiên âm:

Khai bút

Cửu giới tân chinh bất tác thi,

Kim triêu sử tửu thí vi chi.

Khiết lai nghịch lữ xuân như khách,

Thác lạc trung thiên ngã thị thùy.

Khởi tất hân hân đồng thảo mộc,

Cố ưng mặc mặc đối thê nhi.

Lãng ngâm bạc túy thành hà sự,

Tráng tuế kinh lâm hốt bất tri.

Dịch nghĩa:

Lâu rồi, mải lo việc đổi mới, không làm thơ

Sáng nay nhân uống rượu lại thử khai bút.

Đi lại trong cõi trần hoàn, mùa xuân như khách,

Khoáng đạt giữa trời, ta là ai?

Lọ phải hớn hở cùng cỏ cây,

Cho nên lặng lẽ trước vợ con.

Ngà ngà say ngâm tràn, thành được việc gì

Giật mình, tuổi tráng niên đến mà sao nhãng không biết.

Dịch thơ:

Cột túi thơ xuân tởn đến già,

Hôm nay có chén mở bùng ra.

Thật lanh như biến, tết rồi tết,

Ra quái gì đây, ta với ta

Lọ phải được như hoa cỏ mới...

Đã đành chơi với vợ con mà!

Thơ thần rượu thánh ăn ai tá?

Chất đống trên đầu chục chẵn ba.

Đối chiếu với các bản dịch thơ chữ Hán của Phan Khôi, tôi nhận thấy bản tự dịch này của ông có một hai điều rất lạ, tiện thể cũng muốn gửi đến bạn đọc.

Như ta từng biết, Phan Khôi chủ trương “trực dịch” kiểu như Lỗ Tấn. Trong Lời nói đầu cuốn Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội, năm 1955, ông viết: “Về sự dịch, tôi theo lối trực dịch của Lỗ Tấn mà tôi cho là lối dịch lý tưởng nhất. Nghĩa là nguyên văn thế nào cứ thông ngôn ra thế ấy, không bớt đi hay thêm vào, khi cực chẳng đã lắm thì mới đảo lên đảo xuống các mạng đề. Chẳng những theo sát ý nghĩa của nguyên văn mà còn phải truyền đạt thần tình của nguyên văn, đồng thời lại không được phản giọng điệu tiếng bổn quốc. Không phản giọng điệu tiếng bổn quốc, nhưng có khi lại muốn thêm giọng điệu cho tiếng bổn quốc.

Vậy mà khi dịch bài Khai bút này ra tiếng Việt, hình như là Phan Khôi không còn theo phương châm “trực dịch” đó nữa mà dịch rất thoáng, thậm chí giống như một sáng tác mới. Lạ nữa là ông rất bằng lòng với kiểu dịch này. Ông viết trong Nam âm thi thoại (Nam phong, số 17, tháng 11-1918) sau khi dịch xong bải thơ: “Tôi không dám dối các ngài, tôi dịch bài ấy xong rồi thì ngâm đi ngâm lại mà có ý tự đắc! Bài ấy đáng gọi là một bài thơ nôm, vì cả bài trừ chữ thần chữ thánh ra thời rặt là nôm”.

Năm 1918 là năm Phan Khôi tròn 30 tuổi, đang chủ yếu viết cho Nam Phong với không ít bài báo, cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ đã làm nên tên tuổi của ông. Lập thân vào tuổi 30, đúng như câu “tam thập nhi lập” thì vui như Phan Khôi là phải, chẳng ai có thể trách được!

Thế nhưng trong bài Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến, đăng Tạp chí Văn nghệ số 12, tháng 5 năm 1958 - số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn - Giai phẩm, Nguyễn Công Hoan đã dựa vào hai câu “Lọ phải được như hoa cỏ mới, Đã đành chơi với vợ con mà...” để bảo rằng Phan Khôi đã “bộc lộ sự hèn nhát” thì thật là... lạ!

3. Ba mươi hai năm sau, tức năm Canh Dần (1950), lúc Phan Khôi đang ở Yên Dã, tên cũ của vùng Mỹ Yên (Thái Nguyên), nơi có xóm Chòi là trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1949 - 1950, ông mới lại có bài thơ khai bút khác. Tìm hiểu thì được biết, bài thơ này được ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.

Số là, dịp Tết năm 1950, Phan Khôi nhận được thư nhà do người con gái thứ bảy của ông (cha mẹ tôi gọi là con Tám, còn các em như tôi thì gọi là chị Tám) viết thay mẹ từ làng Trung Phước thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi gia đình ông đang tản cư. Thư nói cả nhà bình yên nhưng vì phải chạy tản cư, không làm gì ra tiền, thiếu ăn nên phải bán thêm mấy sào ruộng. Cái nhà ngang bị giặc phá từ năm 1947 sau khi chúng tấn công Gò Nổi, giờ nhận thư ông mới biết. Ông buồn quá. Thế là mất hết cả. Vợ con chạy giặc tứ tán, biết ngày nào còn, ngày nào mất? Tấm thân già chỉ vì đuổi theo cái chí của cuộc đời mà một mình lên tận rừng xanh, núi đỏ. Nhà cửa, vườn tược của ông cha để lại thì giặc đã phá cả, ruộng đất thì mỗi ngày một teo dần, theo cái túng thiếu của vợ con mà rơi vào tay kẻ khác.

Trong tâm trạng buồn phiền vì phải sống xa gia đình, giao thừa năm ấy Phan Khôi đã làm một bài thơ chữ Hán. Không như thường lệ, bài thơ này không được Phan Khôi gửi về gia đình nhưng không hiểu sao nhà thơ Thế Lữ lại biết được và ông đã phiên âm, dịch nghĩa; về sau lại được nhà phê bình Thiếu Sơn đưa vào Bài học Phan Khôi đăng Thần chung số 316, ra ngày 23-7-1967 tại Sài Gòn; năm 1993 được Nhà xuất bảo Lao động; năm 2006 lại được Nhà Xuất bản Công an nhân dân đưa vào cuốn Những văn nhân chính khách một thời. Bài thơ này khi được nhà phê bình Thiếu Sơn đưa vào cuốn Những văn nhân chính khách một thời không có đầu đề, không có phần chữ Hán mà chỉ có phần phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa của nhà thơ Thế Lữ. Nay tôi mạn phép đặt tên cho bài thơ là Canh Dần khai bút, “cài” thêm chữ Hán, mượn phần dịch nghĩa của nhà thơ Thế Lữ và dịch ra thơ Đường luật, thơ lục bát như dưới đây để cống hiến bạn đọc:

Nguyên văn:

庚 寅 開 筆

獨 夜 過 除 夕

更 無 燈 可 身

重 衾 蓋 衰 腐

闪 夢 著 酸 辛

有 爱 甘 生 別

無 贏 任 食 貧

聞 鷄 恨 起 坐

抗 戰 四 逢 春

Phiên âm:

Canh Dẩn khai bút

Độc dạ quá trừ tịch

Cánh vô đăng khả thân

Trùng khâm cái suy hủ         

Thiểm mộng trước toan tân

Hữu ái cam sinh biệt

Vô doanh nhiệm thực bần

Văn kê hận khởi tọa

Kháng chiến tứ phùng xuân

Dịch nghĩa:

Một mình đêm giao thừa

Đến ngọn đèn làm bạn cũng không có

Đắp lên thân suy tàn một tấm mền kép

Chợp mắt mơ là nhấm miệng chua cay

Có vợ con mà cam sống chia cách

Không sinh kế phải ăn nhờ

Nghe gà gáy mừng vùng dậy

Kháng chiến bốn xuân rồi        

Dịch thơ:

Ngũ ngôn

Trừ tịch qua đêm nay

Đèn chong chẳng có thay

Thân tàn đắp chăn kép

Mộng mị chồng chua cay

Tình nặng cam chia cách

Túi không đành ăn chay

Bật ngồi nghe gà gáy

Kháng chiến hơn ngàn ngày

Lục bát 

Giao thừa một bóng một hình

Ngọn đèn làm bạn bên mình cũng không

Chăn sui (1) đắp tấm thân còm

Nằm suông gặp mộng miệng còn cay tê

Hữu tình cam sống xa quê

Túi không nếm vị hoắc lê (2) bấy chày

Giận nghe gà gáy ngồi ngay

Tỉnh ra kháng chiến xuân rày bốn xuân.

Có thể thấy bài thơ là một phần tâm trạng không mấy vui, thậm chí có phần buồn tẻ của Phan Khôi trong những giây phút thiêng liêng từ năm cũ sang năm mới sau bốn năm từ biệt gia đình, theo lời mời của Bộ Nội vụ ra Hà Nội dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc rồi theo kháng chiến lên Việt Bắc. Và, rất có thể đó cũng là tâm trạng của không ít những nhân sĩ, văn nghệ sĩ tại Việt Bắc trong mấy năm đầu của cuộc kháng chiến thần thánh đầy cam go, thử thách của dân tộc. Tưởng như thế thì dù người đọc có khó tính đến mấy cũng có thể thông cảm được!

Vậy mà lạ thay, cũng giống như Nguyễn Công Hoan, cả bài thơ này lại cũng bị Đào Vũ, trong bài Tính cách vô lại và bộ mặt chính trị nhơ nhớp của Phan Khôi ngày nay, đăng ở Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5, năm 1958 - số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn - Giai phẩm lại vu cho Phan Khôi là “kẻ đối địch, chẳng qua yếu thế phải theo ta” đó thôi! Quả đúng như câu “đương quân chi thời, ngô hà lập ngôn” (當 君 之 時, 吾 何 立 言) nghĩa là “đang là cái thời của anh, tôi còn biết nói sao” Phan Khôi từng nói với lãnh đạo mà Đào Vũ đã trích dẫn trong bài phê bình nói trên.

Viết về ba bài thơ khai bút của Phan Khôi trên đây, không vì tôi cho rằng đó là những bài thơ khai bút hay trong kho tàng thơ khai bút của dân tộc. Chẳng qua là vì nhân dịp Tết Quý Mão này, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một số bài thơ khai bút của Phan Khôi mà rất có thể nhiều người chưa biết, tiện thể đính chính những chỗ sai của các bản in trước đây. Nhưng cái chính là muốn qua những bài thơ khai bút kia, gửi tới bạn đọc tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ riêng tư của nhà báo - nhà văn Phan Khôi, vui có, buồn có qua từng cái Tết khác nhau, từng thời kỳ khác nhau của cuộc đời viết văn làm báo của Phan Khôi, cung cấp một hai tư liệu về ông cho các nhà nghiên cứu. 26-10-2022

_________________________________________________________________________________

Chú thích:

(1) Trùng khâm (重 衾) lẽ ra phải dịch là “chăn kép” hay “mền kép” như nhà thơ Thế Lữ mới đúng nhưng vì người Việt Bắc lúc bấy giờ thường đắp chăn sui: “Thương nhau chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” (Tố Hữu) nên dịch là “chăn sui”.

(2) Thực bần (食 貧) đúng ra phải dịch là “ăn uống kham khổ”. Dịch “nếm vị hoắc lê” là lấy ý từ hai câu “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm, Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon” của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc.