Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Mở ra một thế giới khác

Hồ Anh Thái

Marcel Aymé (1902 - 1967) là một tên tuổi lớn của văn chương Pháp. Ông có lối đi riêng với những tác phẩm kỳ ảo và huyền hoặc.

Sự nghiệp của Marcel Aymé rất đồ sộ, nhưng ở Việt Nam còn dịch rất ít và cũng đã lâu không dịch thêm, không in lại. Ta cùng đọc lại tập truyện ngắn Người đi xuyên tường của Marcel Aymé do Phùng Văn Tửu dịch, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in từ năm 1983.

image

Các nhân vật của Marcel Aymé đều mẫn cán và quyết chí trong công việc: đấy là một nghệ sĩ dương cầm bị mất việc, được phát hiện có gương mặt và dáng vẻ giống chúa Jesus rồi được mời làm mẫu để chụp ảnh thánh. Anh hóa thân vào chúa và các vị thánh tông đồ. “Buổi tối về nhà, khi cả dãy ảnh đó đập vào mắt, bao giờ anh cũng thấy choáng váng… Anh ngắm nghía rất lâu, tự nhận ra mình trong tất cả các vị chúa Cơ đốc ấy. Anh mủi lòng trước bộ mặt đau khổ của anh, nỗi nhục hình của anh và cái chết của anh” (trang 21). Dần dần các vị chúa và thánh tông đồ ám vào anh. Anh trở nên giống họ từ dáng vẻ nói năng cho đến lòng từ bi trong tâm. Một người ăn mày xin anh bố thí, “anh trỏ cho gã một ông nhà giàu đương trèo lên ô tô: - bác còn giàu có hơn hắn… trăm lần, ngàn lần giàu có hơn đấy” (trang 24). Thật lòng tin rằng người ăn mày còn giàu có sự lương thiện và trong sạch hơn kẻ giàu kia. Anh tự thấy mình là đấng cứu thế đến với người lang thang nghèo khổ bằng việc ban phát lòng từ bi (truyện Phố Saint-Sulpice).

Đấy là một tay đua xe đạp lần nào cũng về cuối cùng. Nhưng anh không nản chí, “trong các cuộc đua tất phải có một người về bét và về bét chẳng có gì là xấu hổ” (trang 77). Dù vậy, trước mỗi cuộc đua anh đều tự bảo hôm nay ta sẽ là người về đích đầu tiên. Bao nhiêu năm, anh đạp xe qua làng mình, thấy vợ con ở tít đằng xa nhưng không thể dừng lại. Càng về già người đua xe càng bị bỏ lại đằng sau. Có lần phải dừng lại sửa xe trên đường, ông gặp lại con gái đã lớn, còn người vợ đã lấy chồng khác vì nghĩ là ông không trở về. Ngay cả như vậy, người đua xe vẫn quyết tâm, không nản chí, không bỏ cuộc cho đến phút cuối cùng (truyện Người về bét).

Người ra lệnh tịch biên tài sản của những con nợ trong truyện Viên mõ tòa cũng là một kiểu người quyết chí, không chịu bỏ cuộc. Ông ta chết và được phán xét là có tội, vì đã tịch thu tài sản của những người khốn khó. Ông bị đày trở lại trần gian để có cơ hội làm phúc. “Ông tự đề ra trung bình mỗi ngày phải làm mười hai việc thiện, và nâng lên đến mười lăm mười sáu khi ông thấy có vấn đề lo lắng cho gan ông hoặc dạ dày của ông” (trang 238). Cứ như vậy một năm trời, rồi ông bị bắn chết trong khi đang bảo vệ người thuê nhà và “đả đảo những tên chủ nhà cho thuê”. Toàn bộ câu chuyện hài hước đen là để dẫn đến ý tưởng này: từ một trăm năm trước, tác giả đã nhìn thấu một hình thức bóc lột và “đả đảo những tên chủ nhà cho thuê”.

Nhân vật của Marcel Aymé còn là những con người cô đơn và lạc lõng trong xã hội. Đó là người về bét trong các cuộc đua xe, là người làm mẫu để chụp ảnh chúa Jesus và các vị thánh. Đó còn là một chú lùn trong rạp xiếc, chỉ cao chín mươi lăm phân bỗng nhiên lớn bổng lên, thành một trang thanh niên cao một mét bảy lăm. Chỉ có ông chủ gánh xiếc biết nhưng ông giấu, nói với mọi người là chú lùn đã phải đi bệnh viện. Người thanh niên mới cao lên này trở thành một người bình thường, không có tài năng gì đặc biệt trong rạp xiếc, không diễn trò được, cũng không làm hề được. Các nghệ sĩ thì tiếc nhớ chú lùn tốt bụng dạo trước chứ không quan tâm đến người thanh niên mới xuất hiện. Rốt cuộc, anh ta từ bỏ mong muốn được hòa nhập với những người vốn là bạn anh lùn trong gánh xiếc, anh ngồi lẫn vào khán giả, hòa nhập vào đó, rồi đi ra khỏi rạp xiếc, thành một người bình thường, mất hút dần trên đường đời (truyện Anh lùn).

Truyện ngắn của Marcel Aymé luôn gửi gắm những ý tưởng hiện thực. Ở truyện Thụt lùi, năm cậu con nhà giàu cùng một cậu viên chức nhỏ hợp tác làm tờ báo Thụt lùi - phê phán người nghèo và ca ngợi tư bản. Nhưng chúng bị những người cha tỷ phú chửi mắng, cắt tiền tiêu vặt (tiêu vặt nhưng gấp chục lần tháng lương viên chức) cho đến khi chúng chuyển sang ca tụng cách mạng và yêu thương người nghèo. Bản thân anh viên chức nhỏ khi giàu lên, càng giàu lại càng tỏ lòng yêu thương quần chúng. Tình thương ấy, thực ra là chuyện nực cười và trớ trêu.

Trên nền hiện thực, nhưng tác phẩm của Marcel Aymé được yêu thích ở tính độc đáo - đấy là những câu chuyện hiện thực kỳ ảo. Các yếu tố kỳ ảo tô đậm thêm cho hiện thực, làm cho hiện thực sâu sắc và nhiều chiều hơn. Một viên chức chuyên đi thu thuế, nhưng không thu thuế bằng tiền và tài sản mà bằng… vợ (Viên thu thuế vợ). Một chú lùn bỗng nhiên cao thêm tám mươi phân, thành một người bình thường, và không được người đời quan tâm đến nữa. Một hiệp định quốc tế “quyết định rằng thời gian sẽ được đẩy nhanh hơn mười bảy năm trên toàn thế giới” để giải thoát cho các dân tộc khỏi cơn ác mộng chiến tranh. Trong truyện Sắc lệnh, các nhân vật người Pháp đang ở năm 1942 được chuyển ngay sang năm 1959, tức là họ được vượt qua giai đoạn chiến tranh thế giới II (1939 - 1945). Nhân vật từ năm 1959 hòa bình bỗng nhiên bị lạc về vùng đất đang có chiến tranh của năm 1942, ngạc nhiên thấy vợ con và gia đình mình ở đó. Một tình huống xuyên qua không gian và thời gian được chuyển đổi thông minh và thú vị.

Đặc biệt là truyện Người đi xuyên tường: một viên chức có khả năng đi xuyên tường bèn tận dụng khả năng để dọa cho ông sếp trù úm mình sợ chết khiếp. Từ đó anh ta ra vào các ngân hàng để trộm tiền, ra vào các nhà tù như đi chơi, xuyên qua những bức tường một cách dễ dàng. Cái kết bi thảm nhưng cũng rất lãng mạn thể hiện trí tưởng tượng bay bổng khôn cùng của Marcel Aymé.

Ở truyện Oscar và Erick, chú em là họa sĩ vẽ những hình thù cây lá kỳ dị, mà ở xứ lạnh người ta không thấy bao giờ. Chú bị gia đình toàn họa sĩ của mình kỳ thị xa lánh, công chúng chê cười. Nhưng mười năm sau người anh theo tàu buôn đi khắp thế giới trở về, mang theo những giống cây nhiệt đới mà người ta chưa thấy bao giờ như xương rồng, chà là, thốt nốt, chuối… có hình dáng giống hệt như đám cây lá người em đã vẽ. Đây là tuyên ngôn nghệ thuật của Marcel Aymé: những điều ta chưa thấy, ta cho là kỳ quặc và phi lý, không có nghĩa là nó không tồn tại đâu đó trên thế gian này.

Đọc lại cuốn sách xuất bản đã lâu và rất mong sách được in lại với hình thức đẹp, cho người đọc của hôm nay.