Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Một tấm lòng nhân hậu

Nguyễn Trọng Chức

317326652_5782985608434110_1003775889832019205_n

Nhìn lại quãng đời làm báo mấy mươi năm, những dấu ấn nghề nghiệp quan trọng đối với tôi là được gặp gỡ, quen biết rồi trở thành thân thiết với khá nhiều người nổi tiếng trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động xã hội. Riêng với nhà giáo Trần Hữu Tá, nhờ công việc và cả cơ duyên nên tôi có cơ hội tiếp xúc với ông từ rất sớm.

Nhiều năm được gần gũi với ông trong mối quan hệ giữa người làm báo và người viết báo, rồi có duyên may được ngồi cùng ông trong ban chấp hành Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh suốt ba khóa liền, đối với tôi ông là hình ảnh mẫu mực về nhân cách cũng như về những cống hiến lớn lao suốt gần sáu thập niên với tư cách một người thầy cũng như một nhà nghiên cứu văn học. Trong bài viết này, tôi muốn được gọi ông thật giản dị là “thầy Tá”.

Tôi không nhớ thật chính xác thời điểm nào được làm quen với thầy Tá, có lẽ vào khoảng năm 1983. Trong mối quan hệ những ngày đầu tiên giữa ông và tôi có một nhân vật đã gây “bão” dư luận lúc ấy với một dự án về hàng không dân dụng được gọi tắt là Vueta: cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Khi dự án Vueta được thông tin khá nhiều trên báo Tuổi Trẻ, tôi có vài bận đến thăm nhà ông Mai Trọng Tuấn, và ở đó tôi gặp nhà giáo Trần Hữu Tá khi ông và gia đình mới vào miền Nam, đang tá túc tạm tại nhà ông Tuấn ở Tân Định.

Những lần gặp thầy Tá tôi đã sớm “bị” ông thuyết phục bởi kho tàng tri thức mà ông sở đắc, đi cùng sự cẩn trọng, chu đáo của một nhà giáo thâm niên gắn bó với bục giảng. Tôi được nghe ông kể những câu chuyện về những nhà văn, nhà giáo sống và làm việc ở miền Bắc mà ông thân quen, tri kỷ – những người mà hồi đó tôi không được biết nhiều về cuộc đời và trước tác của họ. Nhưng quan trọng hơn là cách ông đối nhân xử thế: thái độ luôn ân cần, niềm nở, thân ái và bao dung của ông đối với nhiều người mà tôi được chứng kiến, thường là học trò thuộc nhiều thế hệ của ông. Có một từ đã được nhiều người dùng để mô tả một trong những nét tính cách của thầy Tá, đó là lòng “nhân hậu”. Quả là không có từ nào thích hợp hơn “nhân hậu” khi nói về ông. Trong suốt hơn ba mươi năm được biết ông, rồi trở thành một người bạn vong niên của ông, tôi luôn thấy được sự nhân hậu đó toát lên ở từng cử chỉ, từng lời nói và trong những bài viết, những công trình nghiên cứu của ông.

Bài viết đầu tiên tôi “đặt hàng” thầy Tá là về nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, nhưng với thời hạn thật gấp gáp. Sau này, ông kể với tôi bài viết ấy đã “hành” ông như thế nào. Do mấy tập “Nhà văn hiện đại” cũng như toàn bộ sách và tài liệu của ông lúc đó vẫn còn để ở Hà Nội, thầy Tá đã phải đạp xe đến nhà giáo sư Nguyễn Văn Trung trên đường Bà Huyện Thanh Quan để mượn sách về tham khảo trước khi viết. Không may là tối hôm ấy lại cúp điện, mượn được sách về ông phải lọ mọ đọc và viết trong ánh đèn dầu gần như suốt đêm để kịp giao bài đúng hẹn vào sáng hôm sau. Tôi vẫn còn giữ được bản thảo bài viết được ông viết tay, chữ đều tăm tắp, những đoạn cần nhấn mạnh (để tòa soạn dùng co chữ đậm, chữ nghiêng khi cần) được ông nắn nót kẻ bằng bút khác màu.

Cũng từ ngày đó, tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật có một công tác viên thân thiết bậc nhất là cây bút Trần Hữu Tá. “Ỷ” vào mối quan hệ thân thiết với ông, sau này tôi thường xuyên đặt bài của ông. Hầu như thầy Tá không bao giờ từ chối những yêu cầu, có khi thúc bách, của tòa soạn. Cũng có lúc ông trực tiếp đề nghị bài muốn viết. Thường thì chúng tôi trao đổi về đề tài qua điện thoại hoặc tôi trực tiếp đến chỗ ông ở, có thời gian là một góc khá bề bộn của khu tập thể Trường Đại học Sư phạm. Bên cạnh những tác gia miền Bắc nổi tiếng, thầy Tá còn viết về nhiều khuôn mặt văn chương miền Nam như Thẩm Thệ Hà, Tô Nguyệt Đình, Võ Hồng, Trang Thế Hy… Ông cũng là người đã rất sớm định danh, định vị lại những tên tuổi lớn như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ… mà vào lúc đó còn nhiều đánh giá trái chiều, thậm chí có cả những lên án rất bất công, cố chấp và phản khoa học. Tôi gần như tin cậy tuyệt đối vào những thẩm định, đánh giá của ông chung quanh những tác gia miền Nam từng được coi là “có vấn đề”, “phức tạp”.

Từ mối quan hệ thân tình giữa người viết báo và người làm báo, khi Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh ra đời năm 1988, thầy Tá đã “rủ rê” tôi tham gia Ban chấp hành Hội khóa đầu tiên và liên tiếp trong hai khóa sau, tính ra là tròn mười lăm năm tôi gắn bó với tổ chức nghề nghiệp này. Đó là những năm tôi có dịp được gần gũi với rất nhiều nhà giáo, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có uy tín như cố giáo sư Hoàng Như Mai, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, giáo sư Nguyễn Lộc, giáo sư Lương Duy Trung, nhà giáo Trần Phò…; với những người thầy cũng là những bạn văn cùng thế hệ với tôi như Huỳnh Như Phương, Nguyễn Ngọc Quang, Lê Tiến Dũng, Nguyễn Thành Thi… Biết bao kỷ niệm trong mười lăm năm ấy mà tôi có được với Hội cũng nhờ thầy Tá với vai trò người hướng đạo, người dẫn dắt tôi vào một sinh hoạt bổ ích và tích cực cho nghề làm báo. Tôi mãi mãi biết ơn ông điều đó.

Tôi còn có những kỷ niệm nhớ đời với thầy Tá và hai tác giả văn học mà tôi hết sức yêu mến, quý trọng – đó là hai nhà văn Võ Hồng và Trang Thế Hy. Những năm bác Võ Hồng còn khỏe mạnh, mỗi lần ra Nha Trang gần như tôi luôn tìm đến ngôi nhà số 51 Hồng Bàng để thăm hỏi, trò chuyện với ông. Một lần gặp nhà văn lão thành của xứ Trầm Hương, ông vui mừng kể với tôi rằng vừa tiếp chuyện Trần Hữu Tá từ Sài Gòn ra thăm và cho biết sẽ viết bài về ông trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Lần khác, tôi nhận được hai cuộc điện thoại từ Bến Tre, trước là của thầy Tá, sau là của chú Tư Sâm – cách tôi thường gọi nhà văn Trang Thế Hy. Hóa ra hai ông đang ngồi bên nhau trong vườn nhà chú Tư ở Bến Tre; ông nhà văn già của xứ dừa Trúc Giang khoe với vị khách chiếc áo sơ-mi ngắn tay màu xanh dương đang mặc (có thêu logo báo Tuổi Trẻ trên ngực áo) là quà tặng của tôi dịp tết trước đó mà ông rất thích, thường mặc mỗi khi đón khách quí đến thăm. Những kỷ niệm như vậy in dấu suốt cuộc đời người và luôn khiến tôi bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Nghỉ hưu, rời khỏi công việc đã đeo đuổi suốt mấy thập niên, cũng không còn tham gia sinh hoạt Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học, tôi đã không còn nhiều dịp gặp thầy Tá như trước nữa dù vẫn thi thoảng được trò chuyện với ông qua điện thoại, và thi thoảng mới đến thăm ông ở ngôi nhà mới khang trang trên đường Trần Hưng Đạo. Bước sang tuổi tám mươi với nhiều chứng bệnh đã khiến ông không còn nhanh nhẹn như ngày nào, lại thêm bệnh Parkinson gây nhiều phiền toái cho ông trong sinh hoạt. Nhưng ông không đem đến cảm giác bi quan, ảm đạm của một người đang phải sống với sự mệt mỏi, suy kiệt. Thầy Tá vẫn tươi tỉnh, vẫn hóm hỉnh trong những câu chuyện về một thời đã xa. Chúng tôi cùng nhớ lại những bài viết của ông dành riêng cho tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Ông nhắc đến những chi tiết trong các bài viết về nhân vật này, nhân vật khác mà tôi thú thật đã quên mất từ lâu. Chúng tôi cùng nhớ lại những buổi sáng chủ nhật mấy anh em: Trần Hữu Tá, Trương Nhơn, Nguyễn Ngọc Quang và Nguyễn Trọng Chức rủ nhau đi ăn phở khi chỗ này, lúc chỗ khác để đánh giá quán phở nào khá nhất, sau đó kéo nhau vào vườn Tao Đàn uống cà phê và nghe chim hót rộn ràng. Cùng nhớ lại những kỳ đại hội Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học, những cuộc họp chấp hành bàn luận bao nhiêu việc, từ đó ra đời những tập sách, những tập kỷ yếu nghiên cứu và giảng dạy môn văn… Rồi cùng nhắc nhớ một chuyến đi Tây nguyên vào mùa hoa cà phê nở nhưng dù đã hò hẹn, sắp xếp bao lần mà vẫn không thành! Lần cuối gặp thầy Tá khi ông đã gần như bất động trên giường bệnh, nhưng vẫn ra dấu bằng ánh mắt rằng vẫn nhận ra tôi…

Những kỷ niệm đẹp đẽ luôn tươi xanh, không già đi, hư hao theo tháng năm. Năm 2016, khi viết bài cho tập kỷ yếu mừng thượng thọ nhà giáo Trần Hữu Tá, tôi đã lục tìm lại những tư liệu, hình ảnh về ông tôi còn lưu giữ được. Đọc lại những lá thư ông gửi cho tôi, có khi chỉ là vài dòng nhắn tin chớ quên cuộc họp chấp hành ngày mai, nhớ đến dự bữa liên hoan tất niên của Hội… và đọc lại những trang bản thảo viết tay của ông, tôi chợt có cảm giác dường như thời gian đã ngưng đọng lại ở những dòng chữ, những con chữ quen thuộc của ông. Biết là không thể nhưng tôi vẫn cứ ước muốn, giá như có phép màu nào đó để tìm lại thời gian đã mất, để tôi được trở về với thuở mới gặp thầy Tá và đặt bài đầu tiên của ông cho tờ báo thân yêu…

317096512_5671297972959480_2080665715945501359_n

Tổng kết hoạt động Hội Nghiên cứu - giảng dạy văn học TP. HCM năm 2005

316554921_5671298122959465_5187670180425118164_n

Với hai nhà giáo Hoàng Như Mai và Trần Hữu Tá (khoảng năm 2003, 2004)