Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Tình bạn trăm năm và người đẹp Bình Dương

Lê Học Lãnh Vân

PHẦN THỨ NHẤT: TÌNH THÂN NƠI LỤC TỈNH

Đầu thế kỷ 20, năm một ngàn chín trăm lẻ mấy, khi ông Hồ Chí Minh đang học tại trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba ở Huế, tại Nam Kỳ Lục Tỉnh có ba thanh niên bạn học rất thân nhau, trạc tuổi nhau, cũng trạc tuổi ông Hồ Chí Minh…

Ba ông, sau khi tốt nghiệp tiểu học, rủ nhau vào học trường Bá Nghệ mới mở, tên tiếng Pháp của trường là L'Ecole des Mécaniciens Asiatiques, nghĩa là trường Cơ khí Á châu, tiền thân của trường sau này mang tên Cao Thắng. Trường được thành lập năm 1906, mục đích chánh là đào tạo nhân viên cơ khí cho hải quân công xưởng Ba Son, lúc đó là một trong vài hải quân công xưởng lớn nhất thế giới, có nhiệm vụ đóng tàu bảo vệ bờ biển Việt Nam từ đảo Hải Nam tới eo biển Malacca. Trường Ba Son là một thành phần của cụm cơ khí Pháp xây rất to lớn và tân tiến kéo dài từ hải quân công xưởng Ba Son chạy dài theo đường Tôn Đức Thắng rồi quẹo xuống đường Hàm Nghi…

Tôn Đức Thắng mà con đường lớn dọc bờ sông Sài Gòn mang tên là một trong ba ông. Hai ông còn lại là ông Nguyễn Hữu Phú, còn được gọi ông Phán Phú, và bậc trưởng thượng trong gia đình Vương, còn được gọi là ông Sáu Thời. Cho tới năm 2002, trường Cao Thắng còn lưu giữ hồ sơ từ ngày mới thành lập, học bạ năm học 1907 còn được giữ gần như hoàn hảo với tên học sinh, trong đó có tên ba ông, được viết nắn nót rất đẹp, có thể đoán viết bằng ngòi bút lá tre chấm mực.

Ông Phán Phú là ba của minh tinh Thẩm Thuý Hằng, người được xưng tụng là Người Đẹp Bình Dương. Phán Phú là tên gọi về sau, chớ lúc học Bá Nghệ ba ông được bạn học gọi trơn là Thắng, Phú, Thời, có khi có thêm chữ già trước tên. Già Thắng, già Phú, già Thời. Chữ già này không có ý nghĩa tuổi tác, mà có ý bạn lâu năm, được dùng trong ngôn ngữ thân mật, có lẽ đi từ tiếng Pháp “mon vieux”. Chữ già thêm vào tên sẽ có ngôi thứ ba, nghĩa là người có tên đó là người được nhắc tới.

Có một câu chuyện được lưu truyền về thời gian ba ông học tại trường Bá Nghệ. Cùng lúc đó một ông hoàng Cao-Mên học ở trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Xin mở ngoặc, thời đó tên nước Cam-pu-chia được viết là Cao-Miên, nhưng âm đọc của nhiều người Lục Tỉnh lại là Cao-Mên. Dân học trường Bá Nghệ thường là dân Việt bình dân, nhiều khi xung đột với dân Tây học trường Chasseloup Laubat. Một lần xung đột bùng lớn, ba ông chiến binh Thắng, Phú, Thời hăng hái tham gia và ông hoàng Cao-Mên dính một chiếc mỏ-lết vào đầu phun máu. Lớn chuyện thiệt rồi!

Nghe ông Phú, mà đám con ông Sáu Thời kêu bằng chú ba, kể lại: ông Thời cao lớn, ông Thắng đậm người, thấy ông Phú nhỏ con bèn đẩy ra sau biểu đứng đợi. Ông Phú bị đẩy té vô góc cây, loay hoay vừa mới đứng dậy thì nghe tiếng kêu rầm trời, hai ông bạn chạy ra nói có án mạng và cầm tay ông Phú chạy băng băng về dortoir (ký túc xá). Giữa đường bị hiến binh chặn bắt, ông Thắng, ông Thời chỉ ông Phán Phú nói tụi tui có đánh, bạn tui nhỏ con đứng ngoài không đánh ai, nên chỉ có hai ông bị bắt. Ông Phú biết trong đám học sinh xung phong bữa đó chỉ có ông Thắng với ông Thời cầm mỏ-lết nên ông Phú sợ hai ông mang tội giết người bị ra toà đày biệt xứ. Té ra bữa sau được thả hết, các học sinh không ai khai người cầm mỏ-lết. Chính ông Thắng, ông Thời cũng không biết ai đánh trúng ông hoàng Cao-Mên vì mấy ông vung loạn xạ, chủ ý đánh Tây, cũng không muốn đánh vô đầu, vì lỡ tay mới trúng người bản xứ (bản xứ là người Đông Dương, gồm cả Việt, Miên, Lào). May không sao, ổng chết hay bị liệt tụi chú ân hận cả đời, chính chú kiếm mỏ-lết đưa cho hai ổng. Ân hận không phải vì đánh liệt hay chết ông hoàng, mà vì gây hại một người!

Bài này viết lại bằng tiếng Việt, khi chú ba Phú nhắc chuyện xưa, chú nói tiếng Pháp rốp rốp, dù còn nhỏ và không hiểu hết nhưng Vương nghe cũng sướng lỗ tai!

Lại nói chuyện khác, chuyện đi lính. Khi thế chiến thứ nhất bùng lên, Tây bắt lính qua mẫu quốc đánh Đức, thợ cơ khí, trong đó có hai ông Phán Phú và Sáu Thời, bị nhắm tới đầu tiên. Từ đó số phận ba người bạn thân theo ba ngả rẽ khác nhau.

Kiểm tra sức khoẻ, ông Thời bị bệnh phổi, lính chê. Ông Phán Phú qua Pháp và gặp ông Thắng bên đó!

Cuộc đời ông Tôn Đức Thắng quá nổi tiếng, xin không nhắc ở đây. Ông Phú qua Pháp làm việc trong một quân xưởng nghe đâu ở miền Nam nước Pháp, không ra chiến trường. Thạo nghề, tính cần cù, khiêm tốn, ông làm tròn phận sự trong suốt cuộc chiến.

Về nước khi thế chiến tàn, ông Phú được Pháp thưởng huân chương. Sau một thời gian nghỉ ngơi và khai khẩn ruộng đất, ông tìm gặp lại bạn cũ là ông Thời. Hai ông đi làm cho chính quyền Pháp. Ông Thời làm trưởng cơ khí cho tỉnh đóng tại Long Xuyên, chịu trách nhiệm tổng quát về máy móc trong địa phận. Các anh chị chắc có nghe tên cầu quay? Thời Pháp, các sông lớn thường có cái cầu quay, cầu xây thấp nên tàu bè lớn qua không được, mỗi ngày phần giữa cầu được quay ngang chừa khoảng trống trên sông để tàu bè qua lại. Một trách vụ của ông Sáu Thời là giữ máy quay cầu không hư, bảo đảm đường thuỷ thông suốt…

Ông Sáu thường nằm trên chiếc võng bắt trên chiếc tàu lớn đậu dưới chân Cầu Quay. Ông Phú sau một thời gian ngắn theo nghề cơ khí thì chuyển sang làm Phán trong dinh ông Chánh, từ đó mà có tên thông dụng Phán Phú. Ông Chánh là ông chủ tỉnh, như ông chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân ngày nay, còn dinh ông Chánh tương tự trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân. Hai ông Phán Phú, Sáu Thời cất nhà sát nhau nơi bến đò ngó qua bên kia sông là cù lao Mỹ Hoà Hưng, quê hương của người bạn Tôn Đức Thắng lúc đó đang bôn ba vì quốc sự. Khi rảnh việc, ông Phán Phú thường xuống ghe ông Sáu Thời bắt cái ghế nhỏ ngồi hay nằm võng hóng gió nói chuyện chơi…

Các con hai gia đình ông Phú, ông Thời chơi thân nhau và nghe người lớn kể lại thím ba Phú rất đẹp. Ông Thời lập gia đình trước ông Phú, con trưởng ông Thời lớn hơn con trưởng ông Phú khoảng mười tuổi. Khi các con còn nhỏ và ông bà Phán Phú có công việc xa nhà vài ngày, ông nhờ các con lớn của ông Thời coi sóc nhà cửa, chăm sóc đàn con ông còn nhỏ, trong đó có cô bé Nguyễn Kim Phụng mới vài tuổi mặt mày sáng trưng, sau này lớn lên có nghệ danh Thẩm Thuý Hằng. Cô bé Kim Phụng từ nhỏ chơi quấn quýt với cô bé Xinh cùng lứa tuổi, con út của ông Sáu Thời.

Trong những câu chuyện thỉnh thoảng người lớn nói chuyện với nhau, con cháu trong nhà được nghe hai ông nhắc về người bạn Tôn Đức Thắng rủ hai ông thoát ly tham gia hoạt động giành độc lập. Ông Sáu Thời nại cớ bận lo cha mẹ già và vợ con không đi theo được. Ông Phán Phú nói rằng ông không hạp với hoạt động bí mật. Hai ông chứng kiến sức mạnh cơ khí, cách tổ chức sản xuất của Pháp nên cho rằng không thể đánh lại Pháp. Hai ông chịu ảnh hưởng nhiều hơn của ông Phan Châu Trinh và các ông như Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh. Người con sau này tốt nghiệp cử nhân Hán-Nôm của ông Sáu Thời sau này nhớ lại khi mười mấy tuổi chị được đọc các tạp chí Đông Dương, Nam Phong lưu trữ trong nhà, không biết từ đâu mà có.

Những ngày Tây bị Nhật lật năm 1945, không khí Việt Nam sôi sục đòi độc lập, nhà ông Phán Phú và nhà ông Sáu Thời là nơi cất tài liệu của các vị như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh... (mấy bài báo hay bài chép tay). Theo con cháu ông Sáu Thời kể lại, ông Phán Phú, vốn giỏi tiếng Tây hơn tiếng Việt, bước qua nhà hỏi ông Sáu Thời “lữ đoàn” là cái gì mà nghe ông Tạ Thu Thâu nói trong buổi diễn thuyết. Ông Sáu Thời nói lữ đoàn là đoàn quân đi đánh xa, mà tui nghĩ vậy chứ không chắc. Ông Phán Phú nói mình giữ tài liệu mà không hiểu đúng coi chừng tài liệu nói bậy chính quyền họ còng đầu. Cô con gái lớn của ông Sáu Thời lúc đó là cô giáo tại Long Xuyên nói chú ba ơi, Tây bao giờ mới trở lại được nước mình!

PHẦN THỨ HAI: LÊN SÀI GÒN

Thời cuộc biến chuyển rất nhanh. Chiến tranh thế giới lần hai chấm dứt măm 1945, Pháp trở lại Việt Nam trong tư cách đoàn quân giải giới quân Nhật và năm 1946 cuộc chiến kháng Pháp nổ ra. Hai ông Phán Phú và Sáu Thời sắp bước vào tuổi sáu mươi, dù muốn độc lập hai ông không muốn chiến tranh. Nhưng con cái các ông nghĩ khác. Những người con trai của ông Sáu Thời theo Việt Minh chiến đấu cho tới năm 1975. Người con gái thứ ba của ông Phán Phú cũng theo Việt Minh một thời gian.

Người con thứ ba này cùng với người con gái thứ sáu của ông Sáu Thời là hai thành viên trong nhóm năm người bạn gái thân đi cùng ghe lên Sài Gòn học, trong đó có một người về sau là vợ đốc phủ sứ nổi tiếng làm việc tại Sài Gòn, một người dính líu nhiều tới Việt Minh. Người con thứ ba của ông Phán Phú tên Simone sau đó thành hôn với bác sĩ Lê Du, người sau này qua Pháp làm chuyên gia phòng dịch bệnh cho WHO và sau năm 1975 thì thường xuyên về Việt Nam. Ông Lê Du, ngạc nhiên thay, lại là bạn học với người con trai thứ tư của ông Sáu Thời!

Năm 1947, những cuộc thanh toán phe phái khiến vùng đất Lục Tỉnh trù phú hiền hoà thành đất dữ, xác người lớp lớp trôi sông! Tài sản người lương thiện, kẻ có quyền muốn cướp là cướp. Tính mạng người lương thiện, kẻ có súng, có dao muốn giết là giết. Thời đã từ bình sang loạn, gia đình ông Thời tản cư lên Sài Gòn chọn khu Bàn Cờ làm nơi định cư. Vài năm sau gia đình ông Phán Phú cũng lên, chọn vùng Phú Nhuận. Đó là những năm cuối thập niên 1940…

Hai cô bé Phụng và Xinh lúc này đã vào tiểu học, dù khác trường nhưng chân sáo tung tăng vẫn thỉnh thoảng gặp nhau trên đường Bà Huyện Thanh Quan hay Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Thời gian bay mau, từ xinh xắn hồn nhiên trở thành nhan sắc xuân thì, Kim Phụng được chọn làm nữ tài tử đóng phim. Đạo diễn chọn vai là soạn giả Năm Châu, cũng là đạo diễn của phim Người Đẹp Bình Dương mà Kim Phụng được chọn mời đóng vai Tam Nương. Từ đó Kim Phụng với nghệ danh Thẩm Thuý Hằng ngày càng bay lượn trên vòm trời minh tinh kịch nghệ và điện ảnh, Xinh thì an phận học sinh rồi sinh viên trường dược, khi ra trường mở nhà thuốc tây.

Sau khi ông Sáu Thời mất, ông Phán Phú tới nhà ngồi ngẩn ngơ trên bộ ván ông Sáu Thời nằm dưỡng bịnh. Còn trong vòng bốn mươi chín ngày, thắp cây nhang, ông nói tui với già Thắng từ giã anh. Khi ông về, người con gái lớn của ông Sáu Thời khóc mướt, kể cho thằng con nít Vương trong nhà nghe tình bạn của ba ông. Ấy là những năm đầu của thập niên 1960. Sau đó chú ba Phú còn ghé vài lần nữa rồi cũng mất vài năm sau đó…

Lúc đó, dù mới bảy tám tuổi, Vương cũng biết ngạc nhiên, mấy ông già không gặp nhau từ đời cố hỉ, sao còn mãi nhắc nhau! Bây giờ, nhìn lại đời mình, từ ngày chú Ba Phú ghé nhà tới bây giờ đã sáu chục năm, dài gấp ba lần khoảng thời gian mấy ông chia tay nhau, vậy mà hình ảnh chú thắp nhang còn nhớ như in. Khi còn trẻ người ta thấy mười, hai chục năm là lâu lắm. Và cũng hiểu hơn, thời đó con người quý và giữ tình nghĩa sâu đậm, bền lâu…

Vương thuộc đời sau gia đình ông Sáu Thời, nhớ hồi còn nhỏ tám chín tuổi gì đó, sau khi chú ba Phú mất, được gia đình đưa lên thăm nhà thím ba hai lần. Mọi người sắp xếp thằng nhỏ gọi Thẩm Thuý Hằng là chị, chị Hằng vận áo dài trắng, tóc uốn cao bồng lên sang không kể xiết. Nhà thím ba có người giúp việc câm, ra dấu bằng tay rất dễ hiểu. Thí dụ bà khum khum tay để trên bụng, mở bung ra rồi giơ ba ngón tay lên, ấy là bà muốn nói sinh ba người con. Lúc này chị Hằng đã lập gia đình!

Người chị kế chị Hằng là chị tư Mai sống ở Thủ Dầu Một, có chồng thiếu tá cầm quân một tỉnh gần Bình Dương, hồi nhỏ mỗi mùa hè Vương theo gia đình lên đó chơi được chị cho ăn mít tố nữ. Anh mất thời chiến khi chị tư còn quá trẻ. Sau này nghe người lớn trong nhà nói với nhau, cái thằng nhà binh gì mà hiền, nó mà không chết chắc giờ nhỏ lắm cũng cầm sư đoàn, lớn thì cầm quân đoàn…

Một ngày trước năm 1975, nhà thuốc tây của chị Xinh bỗng đông đúc kỳ lạ, thiên hạ lớp đứng xa chỉ trỏ, lớp bu lại gần: Thẩm Thuý Hằng ghé thăm bạn cũ Xinh. Nghe chị Xinh nói sau lần thăm đó, chiffre d’affaires, tức doanh số, tăng rõ rệt. Từ tám chín chục ngàn một ngày lên chín chục, một trăm!

Lớp chiến tranh khốc liệt liên miên, lớp thời sự xoay vần như chong chóng, lớp chị Thẩm Thuý Hằng đã thành hôn với ông Nguyễn Xuân Oánh trở thành phu nhân Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng Hoà… hai gia đình ít đi lại với nhau cho tới năm 1975.

Từ năm 1975 tới năm 1986, trong mười một năm trước khi đổi mới, Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung sa sút thê thảm. Sau một thời gian ở Âu Mỹ, Vương trở về Việt Nam làm trưởng đại diện cho một công ty hoá chất đa quốc gia lớn hàng đầu thế giới, tham gia sinh hoạt với Hội Trí Thức Yêu Nước Tp HCM, nơi Vương gặp người nổi tiếng Nguyễn Xuân Oánh mà xưa kia anh từng hâm mộ. Vương cảm động và có phần hãnh diện nữa được làm việc, hội họp với ông, được ông mời tới văn phòng đường Nguyễn Thị Diệu. Với anh, ông Oánh không chỉ là một khối kiến thức kinh tế cao cấp mà còn mang một khối tình cảm, là con rể chú ba Phú. Ông đưa các bài ông viết biểu đọc, góp ý, Vương góp một ý cho ông thì nhân sự góp ý đó ông góp lại mấy ý cho anh, anh học từ ông nhiều điều. Những năm ấy Vương viết về đầu tư, kinh tế cho Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (thời anh Võ Như Lanh làm Tổng Biên Tập), và cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ Thái Lan năm 1997 đang phủ bóng lên Đông Nam Á. Công ty DuPont cùng một số công ty đối tác lập nhóm nghiên cứu học hỏi về cuộc khủng hoảng này, Vương được cử trưởng nhóm tại Việt Nam. Anh cầu cứu ông Oánh và được ông hỗ trợ, chỉ dẫn nên các báo cáo của anh khiến giới kinh doanh Mỹ tại châu Á tán thưởng.

Thời gian này, Vương thỉnh thoảng gặp chị Thẩm Thuý Hằng trong các buổi chiêu đãi. Nét hiền hậu và thực thà của chị khiến anh ngạc nhiên, không chỉ ở tác phong mà rõ rệt trong từng nụ cười, câu nói. Ôi, bà chị Kim Phụng nhà chú ba Phú mấy chục năm nổi tiếng trong môi trường minh tinh thượng lưu có khác gì đâu với chị Xinh an phận, hiền lành trong gia đình anh. Dù trôi nổi đâu đi nữa, bao lâu đi nữa, tận gốc tâm hồn cả hai chị vẫn là nguyên vẹn hạt phù sa bến đò sáu bảy chục năm xưa…

Khoảng trước sau năm 2000, một người Pháp tới gặp Vương đề nghị làm đối tác kinh doanh với DuPont Vietnam. Anh chàng này có nét Việt Nam nhưng cao to và nói tiếng Pháp rất thạo bằng một giọng không chê được. Sau khi bàn công việc bằng tiếng Pháp, lúc từ giã, người ấy bỗng nói tiếng Việt lơ lớ, tui là cháu Thẩm Thuý Hằng.

Anh chàng quốc tịch Pháp này tên Paul, hoá ra là con trai thứ của người con gái thứ ba của ông Phán Phú. Lúc đó anh đang cùng mẹ qua Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Paul trở về báo tin, khoảng 30 phút sau, Vương nhận dược cú điện thoại của cô ba Simone. Buổi cơm chiều hôm đó tại tiệm ăn Hoàng Thành (góc Pasteur - Lê Lợi) thành buổi mừng tái ngộ hai gia đình thân nhau đã gần một thế kỷ.

Sự thân thiết trở lại như chưa hề có sự ngăn cách. Chị ba Simonne và chi Xinh thường rủ nhau đi chơi, thỉnh thoảng ghé thăm chị Thẩm Thuý Hằng. Minh, con trai lớn của chị ba cùng tuổi với Vương, hai người thành bạn rất thân, thường bàn các kế hoạch kinh doanh. Còn Paul thì sau một thời gian sống tại Việt Nam đã nói tiếng Việt thông thạo.

Tiếc thay, Minh mất sớm. Vương còn giữ số điện thoại của Minh như một kỷ niệm quý vì một ngày trước khi Minh mất hai người nói chuyện với nhau rất lâu về một sự hợp tác nhiều lãnh vực! Chị ba Simone mất sau Minh mấy năm.

Ba mươi năm trước, chị Hằng còn phong cách nghệ sĩ, còn nói chuyện về giới nghệ sĩ Bây giờ, trong những lần đưa chị Xinh thăm chị Thẩm Thúy Hằng, Vương nghe hai chị nói nhiều các người thân chung, về kỷ niệm ngày xưa như món ăn, bến đò, trường học khi các chị mới lên Sài Gòn.

Chị Thẩm Thuý Hằng – Nguyễn Kim Phụng vừa ra đi vĩnh viễn!

Gia đình Vương ghé thăm chị Thẩm Thuý Hằng một ngày sau khi chị mất. Cây nhang thắp lên với nỗi lòng bùi ngùi, không chỉ vì tình bạn hôm nay mà vì cả thế kỷ thân nhau. Người đại diện có thẩm quyền cuối cùng của gia đình thân thích với cha, anh, chị… của mình đã ra đi.

Bạn Nguyễn Xuân Dũng, con trai của chị Thẩm Thuý Hằng nói nghe nhiều người kể về quãng đời qua mà sao không ai viết lại. Những dòng này được viết trong bối cảnh đó, được chị Xinh cùng đọc, góp ý sửa một vài chi tiết rồi gởi cho bốn người con của chị Thẩm Thuý Hằng, cũng được gởi cho Paul, con của chị ba Simone, và Cường, con chị tư Mai. Mục đích là ghi chép chuyện thời trước để con cháu thế hệ sau biết. Cũng để nói rằng thời đó tình người, tình bạn thắm thiết, vẹn đầy, dù quan điểm chính trị hay quan điểm sống khác nhau người ta cũng rất quý nhau, thân nhau!

Một thế kỷ đâu có dài!

Ngày 10 tháng 9 năm 2022

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/tinh-ban-tram-nam-va-nguoi-dep-binh-duong