Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Phan Nhiên Hạo viết về Phan Thúy Hà*

Phan Nhiên Hạo

Qua Khỏi Dốc Là Nhà của Phan Thúy Hà là một tự truyện, kể lại cuộc sống tuổi thơ ở một làng quê Hà Tĩnh, khoảng cuối những năm 80 đến đầu những năm 90. Hà Tĩnh nổi tiếng nghèo. Làng miền núi huyện Hương Khê, nơi tác giả sinh ra và lớn lên, lại càng nghèo. “Thời bao cấp,” ngay cả khoai sắn, nhiều nhà nơi đây cũng không có để ăn. Trẻ con bỏ học đi chăn bò, mót khoai lúa, đêm đêm đốt đuốc dắt díu nhau đi coi nhờ Tivi. Một người trong làng có Tivi, muốn người đến coi phải trả tiền. Họ không có tiền, ông đề nghị mỗi người đóng góp một cục gạch. Thế là mọi người, bao gồm trẻ con, hàng đêm đến coi Tivi phải nhặt những cục gạch, đúng ra là ăn cắp, từ đống gạch bên đường dùng để xây công trình thủy lợi. Một ông khác có Tivi, kêu gọi người đến coi đóng góp củi, khi Tivi bị ăn trộm, ông đau buồn đến độ uống thuốc ngủ tự tử, may được cứu sống. Ở làng quê này, mỳ gói là món ăn lạ lẫm, ngon nhất, và có thể giúp chữa bệnh.

May be an image of book and text that says 'PHAN THÚY HÀ AMESE Qua ua khỏi dố‘c lànha ILL'

Đói nghèo dẫn đến tàn nhẫn, đôi khi độc ác. Một người mẹ chỉ nhổ hai bụi sắn để nấu bữa trưa cho bốn đứa con đang nằm đói cũng bị chửi rủa. Một người đàn ông tàn tật nuôi vợ con bằng nghề giăng lưới bắt cá, thường chui vào bao bố ngủ cho ấm trong khi chờ gỡ lưới, nhưng rồi có người vác bao bố đi lòng vòng, có người đá vào bao, lại có người cầm roi quất tới tấp, chẳng vì lý do gì. Sau đó anh không dám ngủ trong bao nữa. Đói nghèo cũng thường đi với tăm tối. Một người hàng xóm tốt bụng, thân thiết với gia đình tác giả, bỗng nhiên bị cả làng cho là người làm thuốc độc, chỉ vì đứa cháu ruột đến nhà ông ăn cơm, về bị đau bụng. Từ đó ông ngày đêm bị chửi bới, hăm dọa, như cách người ta đối xử với một phù thủy thời Trung Cổ. Cuối cùng ông phải bỏ làng vào Nam, và mất trí nhớ. Còn đây là thư của một người cha trong làng gởi cho con gái đang làm công nhân ở Sài Gòn:

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Tên tôi là: Phan Đăng Tính

Gửi con gái tên là: Phan Thị Hoàn

Cha viết thư này thông báo tình hình ở quê nhà. Báo cáo con cha vẫn khỏe như Bác Hồ ngày xưa (…) Về tình hình kinh tế thì năm qua thắng lợi vẻ vang năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.”

Cảm giác bất an bao trùm đời sống. Như những ngôi nhà tranh vách nứa có thể cháy bất cứ lúc nào trong mùa hạ oi bức; khi nhà cháy người làng kéo đến coi, chỉ coi chứ không chữa lửa, vì không có nước. Như những đứa trẻ bỗng dưng bỏ học vì nghèo. Như cái chết bất ngờ của Nhận, một cô bạn của tác giả. Nhận lên Hà Nội trông em cho gia đình người bà con, được một thời gian bỏ về. Nhận chững chạc, tốt bụng, thích coi phim truyền hình “Đơn Giản Tôi Là Maria.” Phim kể chuyện một cô gái nghèo tên Maria làm người giúp việc và “vướng vào tình yêu với con trai ông chủ…” Có lần Nhận hỏi tác giả, “Hà này, mày nghĩ ngoài đời có người nào như Maria không? Mày có biết tại sao Maria không cho thằng kia biết mình sinh con không?” Không thấy Hà trả lời, cũng không nghe Nhận nói tiếp. Một ngày Hà gánh củi về đến đầu dốc nghe tin Nhận đã nhảy giếng chết. Hà sợ hãi và không hiểu tại sao Nhận tự tử, vì Hà chỉ là một đứa trẻ: “Một chuyện kinh động như vậy nhưng bọn mình, những đứa trẻ từng chơi vui với nhau, cũng không nghĩ gì nhiều lắm khi đó. Rồi lại ra đồng, rồi đi học.” Nhưng độc giả thì hiểu vì sao Nhận chết, sau khi ghép lại những chi tiết rời rạc Hà mô tả về Nhận, và từ câu hỏi mà Nhận hỏi Hà. Nhưng sự hiểu này cũng chỉ là một suy đoán. Nó là câu trả lời không thành tiếng, trong bóng tối, và vì vậy mà u ám và đau xót hơn.

Lối viết này của Phan Thúy Hà không khỏi khiến người đọc liên tưởng đến lối viết “tảng băng trôi” của Hemingway. Tảng băng trôi chỉ hiện ra một phần trên mặt nước, phần còn lại lớn hơn, chìm bên dưới, dành cho trí liên tưởng và hiểu biết của người đọc. Một lối viết đòi hỏi rất nhiều chất liệu, để có thể nén lại. Và cần nhiều nội lực, để có thể kiềm chế mà vẫn gây rung động, sâu xa. Lối viết này cũng hữu ích trong một nền xuất bản kiểm duyệt khi đề cập những đề tài có thể bị coi là “nhạy cảm,” như tôi đã thấy trong Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi, một cuốn sách khác của Phan Thúy Hà, viết về những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Qua Khỏi Dốc Là Nhà được in bởi nhà xuất bản Kim Đồng, hẳn là nhắm vào độc giả thiếu nhi. Nhưng tôi nghĩ đây là cuốn sách mà chỉ người lớn đọc mới thấy hết cái hay, mới cảm nhận được phần chìm của tảng băng trôi trong văn Phan Thúy Hà. Quan trọng hơn, người lớn mới có thể hiểu câu hỏi mà Phan Thúy Hà đặt ra ở cuối sách không chỉ là câu hỏi cho quá khứ, mà chính là câu hỏi của hôm nay: “Tại sao vậy, tại sao cha mẹ chúng ta làm lụng kiệt quệ cả tinh thần và thể xác mà vẫn triền miên đói khổ?”

10/2022

Nguồn: FB Phan Nhiên Hạo

* Tiêu đề do Văn Việt tạm đặt