Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Vài ý nghĩ nhân kỷ niệm 60 năm Viện Văn học

Lại Nguyên Ân

Bài viết cách nay 10 năm. Nhân một số status về các Viện (thuộc Viện HL KHXH VN), mình post lại, nhân một lễ kỷ niệm 60 năm Viện Văn Học – LNA.

Ở buổi họp mặt nhân 60 năm Viện Văn học, lúc vị đại biểu tuyên huấn lên phát biểu, bạn ngồi cạnh tôi mới nghe vài đoạn đầu đã lắc đầu lẩm bẩm:

- Những điều abc này sao lại nói ở đây?

Rồi bạn ấy bỏ ra hành lang. Số người ngoài hành lang lúc ấy đã nhiều hơn số còn ngồi trong phòng họp; nhìn kỹ một chút, thấy còn ngồi lại trong đó hầu hết là những người già.

Một ý nghĩ thoáng đến: ồ, toàn là những dân tuyên huấn cũ!

Hèn nào họ còn ngồi nghe được!

Người ta tính thời điểm ra đời Viện Văn học là từ 1953 ở Việt Bắc, gắn với sự kiện thành lập Ban Văn Sử Địa, về sau sẽ tách dần thành nhiều viện chuyên ngành.

Ở thời đầu, hầu hết thành viên ban này đều là các học giả cũ, thành danh trước 1945, nhưng trong công việc nghiên cứu, có thể họ còn chưa biết rằng mình đang được dẫn dắt đi vào cái quỹ đạo mang chất tuyên huấn!

Thời điểm tách riêng thành Viện Văn học (tháng 2/1959) các thành viên đầu tiên đều năng nổ tự thể hiện mình như những cán bộ tuyên huấn già dặn, càng rắn mặt càng tốt, nhất là về lập trường tư tưởng. Nội một việc họ nhất loạt khẳng định văn học cách mạng và kháng chiến hay hơn, giá trị hơn mọi dòng văn chương công khai tiền chiến, là đã rõ!

Nếu chỉ được nêu một cái tên người để nói về Viện Văn thời những năm 1960s ấy, chắc hẳn phải nêu tên Vũ Đức Phúc, người mà chất tuyên huấn luôn luôn vượt trội chất nghiên cứu.

Sau ngần ấy năm, ngay tại buổi kỷ niệm này, thoáng thấy dáng ông Phúc từ xa, nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh còn nhắc tôi: nhà thơ Xuân Diệu từng gắn cho nhà phê bình này cái nhãn “xe tăng mù”!

Ồ, cái thời mà giới nhà văn ở 65 Nguyễn Du như là thâm thù giới phê bình nghiên cứu ở 20 Lý Thái Tổ ấy!

Cả đến ông tổng thư ký Nguyễn Đình Thi có lúc cũng từng ngán ngẩm kêu lên: nhà văn đưa ra một con ngựa thanh thú, sao nhà phê bình lại đòi nó phải có cặp sừng hùng dũng của con trâu?

Ấy là lúc tác giả “Vỡ Bờ” bị thầy trò Vũ Đức Phúc – Phong Lê ra sức “dìm hàng”!

Nhưng rồi cái gì cũng có thời của nó.

Đến thời một nhà thơ là Hoàng Trung Thông được cử làm Viện trưởng Viện Văn, các tên tuổi đàn anh ở 65 Nguyễn Du bắt đầu thấy cần đến giới nghiên cứu phê bình để giúp cho việc khắc bia tạc tượng!

Thời ấy (trước 1986) nhà văn nào được chọn làm tuyển, đều do một hội đồng đặt ở nhà xuất bản Văn học quyết định. Các bộ tuyển tập theo chế độ bao cấp thường được giao cho một nhà phê bình chọn tác phẩm, soạn tiểu sử, viết bài khái quát cả sự nghiệp.

Vậy là những tay thợ cả làng văn đã thấy cần đến nhà phê bình hơn, dù người ấy có là người Viện Văn hay không thì từ đấy, địa chỉ 20 Lý Thái Tổ dường như cũng được nhà văn nể vì hơn lên.

Mấy bạn từng tạt qua 20 Lý Thái Tổ còn nhớ rõ chi tiết này.

Cái mà ông Hoàng Trung Thông lấy làm ngạc nhiên nhất khi mới đến làm thủ trưởng Viện Văn là lúc xem hồ sơ nhân sự, ông thấy ở đây chỉ có vài ba chuyên viên, còn lại hầu hết đều cán sự 3 cán sự 4, mức lương chỉ 60 – 70 đồng, kể cả những anh đỗ bằng kandidat phó tiến sĩ từ Nga và Đông Âu về, ngày ngày cũng chỉ có thể gặm bánh mỳ mà đọc sách rồi đêm đêm ngủ trên bàn làm việc.

Ông Thông khi ấy vừa chuyển khỏi Vụ văn nghệ Ban tuyên huấn, nơi mà cán bộ chuyên môn dù có mèng ra cũng cán sự 6 – chuyên viên 1, mức lương xấp xỉ 100 đồng.

Ông thấy những người lao động đầu óc này (ở Viện Văn học) quá thiệt thòi so với những người chỉ làm công việc giữ gìn quan điểm lập trường kia! Nhưng làm sao được? Bởi khi ấy, cán bộ nghiên cứu có là gì so với cán bộ tuyên huấn!

Rồi thời bao cấp qua đi.

Qua mấy năm cao trào đổi mới, sang thời hậu đổi mới. Các viện nghiên cứu, các trường đại học đều đòi hỏi cán bộ chuyên môn phải trải qua đào tạo sau đại học, không sang Nga hay Đông Âu thì làm tại chỗ, trong nước. Tại Viện Văn cũng thế, người ta nói vui: ở đây ai cũng học thạc sĩ tiến sĩ, chỉ trừ bà bán nước chè ngoài cổng viện!

Chuyện học sau đại học những năm này, xem ra cũng có dấu ấn riêng. Rất ít nếu không nói là chẳng thấy ai đi vào các đề tài ý thức hệ. Người ta “thực tế” lắm: đi vào các chuyện ấy để đi đâu? Lên chức thì chưa chắc đến lượt. Sang Nga hay Đông Âu bây giờ thì đâu còn bàn những thứ đó? Còn muốn ghé Nhật ghé Pháp ghé Mỹ thì phải tìm cách lại gần học thuật của Tây thôi!

Lại nữa, những gì bị cấm đoán hồi bao cấp, bây giờ lại thu hút chú ý. Mà học sau đại học là học nghiên cứu, từng nhóm thậm chí từng cặp thày trò, từng người học phải tự đọc lấy tìm hiểu lấy trên các vấn đề xã hội nhân văn, tự trang bị các bộ công cụ lý luận, phương pháp luận trong nghiên cứu.

Dần dà, các học phái Âu Mỹ trở nên bớt xa lạ. Trên các diễn đàn học thuật, từ hẹp đến rộng, dần dần được nghe thường xuyên hơn những ý tưởng, luận điểm của hiện tượng học, phân tâm học, hình thức luận, phê bình mới, cấu trúc luận, trần thuật học, hậu cấu trúc, hậu hiện đại… Những tư tưởng về đa dạng, đa nguyên, về quyền khác biệt ý kiến… nếu xưa kia là cấm kỵ thì giờ đây trở thành điều đương nhiên. Cảm giác bị đóng kín, bị cách bức bên ngoài… ở người làm nghiên cứu trước đây, giờ đã giảm thiểu đáng kể.

Dĩ nhiên mọi thứ vẫn đang trên đường thành hình, còn quá nhiều rơm rác, tạp nhạp, và còn lâu mới đến lúc có thể thấy rõ những biểu hiện mỹ mãn, song cộng chung lại, đã có thể thấy, tự bên trong, người nghiên cứu đã có sự khác biệt rõ rệt so với người cán bộ tuyên huấn.

Chưa thể nói giờ đây không còn những cán bộ nghiên cứu muốn đồng thời có thể chuyển vị thành cán bộ tuyên huấn, nhất là trong số những người đứng đầu phòng, ban, khoa, viện.

Song, có thể nói, các viên chức làm nghiên cứu hiện tại càng ngày càng có ít điểm chung với giới cán bộ tuyên huấn.

Kể ra cũng có chỗ tiếc cho giới tuyên huấn.

Sau sụp đổ của phe XHCN ở Đông Âu, lẽ ra họ có thể làm mới các môn học vốn có, tự giải thoát khỏi sự độc tôn một lý thuyết, khỏi thái độ hương đèn tụng niệm đối với một lý thuyết, cùng nhau truy tìm cốt lõi các học thuyết của từng “nhà”, nào Marx, nào Lenin…, rồi thực tiễn các hình mẫu xã hội của Stalin, Mao, Polpot…, rồi các dạng chủ thuyết XHCN Tây Âu thời những năm 1960s, ngọn nguồn xung khắc trong phong trào CS thế giới thời ấy, và ngay bây giờ, thuyết XHCN Hy Lạp, rồi nguyên do đảng CS Pháp từ bỏ biểu tượng búa liềm… Bao nhiêu chuyện có thể suy nghĩ, bao nhiêu thứ có thể chất vấn, khảo nghiệm, học hỏi… Mà như thế thì anh cán bộ tuyên huấn rồi ra cũng có cơ trở thành học giả!

Ôi, nhưng như thế thì tại Việt Nam này sẽ thực sự có khoa học chính trị, sẽ thực sự có ngành lịch sử tư tưởng… Và sự khác biệt giữa anh cán bộ tuyên huấn và nhà nghiên cứu xã hội nhân văn sẽ hầu như không còn!

Nhưng hiện giờ thì khác biệt ấy đã và đang ngày càng lộ rõ.

Người làm nhà nghiên cứu xã hội nhân văn ngày càng mang dáng vẻ vị chuyên gia, nhà tư vấn, đưa ra các nhận định, khuyến nghị. Còn anh cán bộ tuyên huấn giờ đây vẫn mang tư cách kẻ dọa nạt, đe nẹt thiên hạ như hồi nào, dù ngày càng tự thấy “mất thiêng”, mất hẳn sự tự tin ngạo mạn của lớp đàn anh xưa kia.

Cũng có ít nhiều vị cán bộ tuyên huấn muốn cho giọng điệu mình có hơi hướng những lời thuyết phục, đã gắng tự tích lũy ít vốn liếng hiểu biết xã hội nhân văn… Nhưng ngôn từ của họ, nghe bằng tai của giới nghiên cứu bây giờ, cho thấy nó còn abc… lắm lắm, như nhận xét của một bạn ngồi cạnh tôi, tại lễ mừng 60 năm Viện Văn học hôm nay.

Nhân đây, xin chúc mừng các bạn của giới nghiên cứu văn học, của giới nghiên cứu xã hội nhân văn!

02/12/2013

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân