Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Bên kia lời nguyền - Phạm Lưu Vũ ‘đi tìm nhân vật’ Tạ Duy Anh

Phạm Lưu Vũ

Bên kia lời nguyền - Phạm Lưu Vũ ‘đi tìm nhân vật’ Tạ Duy Anh

    

Nhà văn Tạ Duy Anh tuổi con lợn, nhưng lại mang dáng dấp của một con… tinh tinh, lúc nào cũng như vừa ở rừng về. Phòng làm việc không có chân dung lãnh tụ, nhưng lại có tới ba chân dung của chính lão. Ba bức chân dung ấy không giống nhau, thế là không phải một. Nhưng bức nào cũng chính là lão, thế là không phải khác. Không phải một, song cũng không phải khác là một chân lý của mọi sự tồn tại trong vũ trụ này, vậy mà người có duyên cũng phải mất nhiều đời may ra mới hiểu được. Nay lão trình bày cùng một lúc, ngay trước mặt mình thì không thể xem thường. Một bức do thi sĩ Nguyễn Quang Thiều vẽ, một bức do họa sĩ Văn Sáng vẽ, bức thứ ba do con rể lão. Họa sĩ Văn Sáng vẽ, lấy cảm xúc từ hình hài của lão thi sĩ Bùi Giáng, tức là ăn mày. Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều vẽ, lấy cảm xúc từ gương mặt của tiều phu, tức là tiên nhân. Con rể lão vẽ, lấy cảm xúc ngay trong đời thực, tức là bố vợ. Tôi trỏ ba bức chân dung ấy, bảo: đây là ba đời, quá khứ (kiếp trước), hiện tại (kiếp này) và vị lai (kiếp sau), đều Tạ Duy Anh cả. Con rể vẽ như "đấm bố vợ" (hiện tại) thì không nói làm gì, họa sĩ vẽ như nhìn thấu quá khứ, thi sĩ vẽ như nhìn thấy thời vị lai. Thế là gồm đủ “tam thế”.

Tạ Duy Anh sống rất “nắn nót” (chữ dùng của chính lão), bởi luôn cảm thấy trong mình có gì đó xộc xệch. Lão có vấn đề ở tiền đình, cái cơ quan giữ thăng bằng, giúp lão biết đầu phải đội trời, chân phải đạp đất. Song lúc nó lên cơn xộc xệch thì đôi khi phải ngược lại, hoặc nằm dang chân dang tay trên sàn nhà mà vẫn lo bị… ngã. Hôm nọ đến chơi, cô em Thu Uyên, hồ lô của Nhà xuất bản kéo tôi ra một góc, ghé tai tôi thì thầm, kể có lần bắt gặp chú Anh đang đi dạo trên… trần nhà, đầu chúc xuống đất, tay cầm quyển Đông Ki Sốt, đang lẩm nhẩm đọc, em sợ quá, trợn mắt ngã lăn quay, ngất lịm không biết gì nữa, khi tỉnh lại thấy chú ấy đã ngồi trước bàn làm việc, như không có chuyện gì…

Tạ Duy Anh biết mình có chứng đó, may có chứng đó, nên có loại sách phải chúc đầu xuống đất thì đọc mới thấy… xuôi, xuôi cả luân thường lẫn đạo lý… Cho nên Tạ e ngại nếu bất ngờ tỉnh lại giữa chừng, mà rơi cắm đầu xuống nền nhà thì nguy to. Thế là y đội mũ bảo hiểm, cài dây đàng hoàng suốt ngày, ngay trong lúc làm việc, chỉ trừ những lúc thi hành “tứ khoái” là ăn, ngủ… thật là “nắn nót” đến thế là cùng. Chứng lộn ngược này của y là bẩm sinh, cho nên không thể chữa được, phải chịu hết kiếp làm… Tạ Duy Anh thì mới xong. Bạn học cùng phổ thông với y là Nguyễn Quốc Hùng kể với tôi, rằng lúc nhỏ Tạ quặt quẹo lắm, đẻ ra chỉ tám lạng, thì riêng cái đầu đã… 7 lạng rưỡi. Càng lớn nom càng kì quái, cái đầu càng to quá khổ, đến nỗi có cảm giác không phải đầu y gắn vào thân y, mà chính chân tay y mới gắn vào cái đầu, khiến một bước đi là một bước vấp, mang cái đầu mới vất vả làm sao. Sở dĩ y phải “nắn nót”, phải đội mũ bảo hiểm cả đời là vì như vậy. Quốc Hùng còn kể rằng bà mẹ y bảo lúc còn bé, bế y chỉ cần bế cái đầu, tứ chi không đáng kể gì. Đến nỗi cho đến khi y lên 6, ngày nào mẹ cũng phải cầm đầu y giơ lên, rồi dùng tay kéo ngũ chi… kéo suốt như thế, cho nên mới được cái hình hài tàm tạm như bây giờ…”.

Đó là “thân mạng” của Tạ Duy Anh. Thế còn “văn mạng”?

Tả “thân mạng” của ai thì cũng dễ, bởi vì thân mạng là vô thường, chả có lúc nào giống lúc nào, lúc bé chỉ làm “nhân” cho lúc lớn, lúc lớn làm “nhân” cho lúc già, hôm qua làm “nhân” cho hôm nay… nhân quả thường không giống hệt nhau, cho nên “thân mạng” thì viết thế nào cũng được, cứ việc tùy theo thuận nghịch mà tả. Tả những kẻ tròn trĩnh, nhẵn thín như củ khoai luộc còn như thế, huống hồ tả người méo mó, dị hình như Tạ Duy Anh. Nếu có ai thắc mắc, rằng ông tả không giống như tôi thấy, thì cãi rằng lúc ông thấy khác lúc tôi thấy… Nhưng tả “văn mạng” thì không thể tùy tiện như thế được, so với “thân mạng” là vô thường, thì “văn mạng” là không vô thường, chữ nghĩa nó vẫn còn sờ sờ ra đấy, cứng như bia đá, trơ như bia miệng… thì phải thận trọng, dò dẫm lắm may ra mới ít bị mắc lỗi. Đang định bắt đầu bằng một truyện ngắn, khá đình đám mổ bò, là “Bước qua lời nguyền”, thì bỗng xảy ra chuyện lạ, kinh dị như ma ám, như nhập đồng, khiến tôi phải bắt đầu bằng một truyện khác. Như sau:

Truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” tôi đọc đã lâu, chừng vài chục năm trước đây, cảm giác tức anh ách từ bấy, giờ vẫn còn trở lại, nhưng cụ thể như thế nào thì tôi không nhớ, bèn lục lọi trên mạng, tìm đọc lại lần nữa mới được. Gõ từ khóa “Tạ Duy Anh”, màn hình hiện ra như sao sa. Nhưng truyện ngắn đầu tiên của Tạ Duy Anh đập vào mắt tôi, không phải “Bước qua lời nguyền”, mà là “Gã lộn ngược”. Tôi rùng mình, rợn người. Sao lại có chuyện trùng hợp kinh dị như thế? Rõ ràng tôi vừa viết chi tiết Tạ Duy Anh đi “dạo” trên trần nhà, đầu chúc xuống đất, tay cầm quyển sách... Câu tôi viết: “Chứng lộn ngược này của y là bẩm sinh, cho nên không thể chữa được, phải chịu hết kiếp làm… Tạ Duy Anh thì mới xong” vừa mới ráo mực, không ngờ chính y đã viết truyện ngắn “Gã lộn ngược” này cách đây cũng vài chục năm. Bạn tin hay không thì tùy, rằng khi viết ra chi tiết đó, tôi hoàn toàn chưa đọc truyện “Gã lộn ngược” của y, và cũng không hề biết y có truyện này. Vồ lấy máy gọi ngay, y cười lớn mà bảo, rằng chính y cũng tưởng tôi đã đọc truyện đó, cho nên mới “bịa” ra chi tiết “lộn ngược” ấy. Và cái sự “tưởng” lầm đó, chắc không chỉ mình Tạ Duy Anh. Thế là việc của ma quỷ, hay là chuyện thần tiên?

    

“Gã lộn ngược” là một truyện ngắn xuất sắc về lập tứ, bỡn cợt về tình huống và úp mở về chi tiết… một lối viết (sau này) rất đặc trưng của Tạ Duy Anh. Một gã trai cường tráng vật vã, song lại cảm thấy trong mình có gì không ổn, bèn đi hết phòng khám nọ đến phòng khám kia… mà tuyệt không tìm ra bất kì một triệu chứng của bất kì một căn bệnh nào. Cuối cùng gặp một cô bác sĩ, đây là chỗ bỡn cợt về tình huống, và… những cuộc làm tình kì thú theo kiểu của… chuồn chuồn, tức là lộn ngược giữa bệnh nhân và bác sĩ đã diễn ra, đây là chỗ úp mở về chi tiết. Kết thúc ở màn đánh ghen của tay chồng cô bác sĩ, túm hai chân anh chàng dốc ngược đầu xuống đất. Cái “nhân duyên” đặc biệt đó đã giúp cho anh ta “ngộ” ra, rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, chả bệnh tật gì, chỉ có điều mỗi anh ta xuôi, còn tất cả mọi người đều… lộn ngược. Đây là chỗ xuất sắc về lập tứ, đến nỗi có lẽ phải xếp Tạ Duy Anh vào hàng “Độc Giác”, tức là tự mình đã giác ngộ ra sự điên đảo của cả thế giới này.

Trước Tạ Duy Anh, ít người dám rụt rè và run rẩy xuống đò, sang hẳn phía bên kia của dòng sông minh họa (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu). Có người cắm sào để hưởng lộc như Nguyễn Quang Sáng, có bác dừng lại để phán xét như Đỗ Chu, lại có ông chôn chân để nghe ngóng như Nguyễn Khải… Thậm chí có vị tiến một bước lại lùi ba bước như Nguyễn Tuân… Riêng Nguyễn Huy Thiệp thì đi liền một mạch, song lại sớm… đứt hơi. Tóm lại mãi chưa ai tìm ra thuật ngữ nào để thay thế chữ “minh họa” của Nguyễn Minh Châu. May quá có “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh. Có thể dùng tiêu đề truyện ngắn ấy như một “thuật ngữ”, để phân biệt, để chỉ bờ phía bên kia của dòng sông minh họa, nơi trồng nên “văn mạng” của Tạ Duy Anh.

Truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” nếu rút gọn lại còn một chữ, thì đó là chữ “đồng”. Thêm chữ nữa thì là “đồng chí”, rút còn một đoạn thì là: “Trong năm gia đình đầu tiên đặt tên “Đồng” cho làng tôi, có ông tổ bốn đời của tôi. “Đồng” có nghĩa là cùng một lòng, cùng một chí hướng và cùng lấy một họ”. Lập tứ kín đáo mà xuất sắc, mãi tới gần cuối truyện mới thò ra, rất “Tạ Duy Anh” là ở chỗ này, tư tưởng quái kiệt cũng ở chỗ này. Cái “làng” kinh dị ấy thực ra là một cõi giới, gồm những loài chúng sinh quái đản, là "thú" mà không nằm trong "ngũ thú” (bất thú), là người mà không phải người (phi nhân), cũng không phải dạ xoa (bất quỷ), không phải khẩn la na, không phải ma hầu la già... Loài chúng sinh ấy do một cái tên rất trừu tượng và mong manh là “Hứa” cầm đầu. Cho nên mới xảy ra bao nhiêu chuyện, từ chuyện cướp bát cơm nguội, đến chuyện đấu tố của lũ học trò, chuyện trâu mộng húc nhau… cuối cùng là giấc mơ (chỉ là giấc mơ đấy thôi) vùng lên của tên “Tư”, trả thù lão “Hứa”, theo kiểu hò hét cho hả lòng hả dạ. Hứa ở đây tóm lại là… hứa lèo. Tư ở đây là tư hữu, là quyền có của riêng, đã bị cái “Hứa” nó giáng cho những đòn chí mạng. Lối đặt tên làng, tên nhân vật của Tạ Duy Anh đã tạo ra những tình huống bỡn cợt, những chi tiết úp mở như bộ ngực của Quý Anh, con gái lão Hứa là như thế.

Thế nhưng đọc “Bước qua lời nguyền”, vẫn có cảm giác tức anh ách, không phải vì cốt truyện chưa hài lòng, không phải vì tức hộ nhân vật… mà tức chính… tác giả, bởi vì gã bắt ta đọc chữ của gã, đầy hứa hẹn rồi để đấy, trỏ cho ta bao nhiều kì quan, song dắt ta đi rồi bỏ lại giữa đường. “Bước qua lời nguyền” không phải là một truyện ngắn, mà là một phần của tiểu thuyết, của những bộ tiểu thuyết trường thiên…

Tại sao nói “Bước qua lời nguyền” không phải truyện ngắn? Bởi vì cái kết chưa có hồi kết và cái tứ bất khả kì cùng của nó. “Bước qua lời nguyền” là một điềm báo của văn học, về một loài nghiệt chủng sinh ra từ làng “Đồng”. Đồng là cộng nghiệp, là một hồn vía chung cho cả một cộng đồng, có hưng, suy, sinh, diệt… có sức sống riêng, y như một giống hữu tình. Nhưng “đồng” mấy thì cũng như con sư tử, trong bụng chứa đầy những con trùng, dẫu oai hùng đến mấy, mà không biết đến điều đó, thì trước sau cũng đến lúc nằm… chờ chết mà thôi. Chỉ một cái tên làng “Đồng”, “Bước qua lời nguyền” đã đặt một chân sang bờ bến của vị lai, để vẽ nên làng quê Việt Nam qua cái nhìn của vô thức, mô tả làng quê Việt Nam qua cái biết của giác tri… Nếu không phải thiên tài thì cũng do quỷ thần đã xui khiến nên như thế. Cũng như Jules Verne ngồi trên bờ mà viết “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, nhưng đáy biển thì đo mãi cũng hết, chứ “đồng…” thì đo đến bao giờ? Cho nên nói cái “tứ” này bất khả kì cùng là vì lý do đó.

Về mặt “hiện tượng”, “Bước qua lời nguyền” chỉ nói lên chữ “Đồng”, còn bản thể thì vẫn là chữ “Khổ”, không ra ngoài chữ “Khổ”. Nếu bảo là “truyện ngắn” thì nó là “Bước qua lời nguyền”, bảo là “truyện dài” hay tiểu thuyết, thì nó là… “Lão Khổ”. Định nghĩa ngắn, dài hay tiểu thuyết… không liên quan đến số chữ, số trang. Có khi trăm trang vẫn là truyện ngắn, mà nửa trang vẫn là truyện dài. Cả không gian lẫn thời gian cũng thế, tả một nước… vẫn là truyện ngắn, mà tả một làng vẫn thành tiểu thuyết... Cũng như đi một mình, trên con đường đạo, thì ngồi xe lớn, vẫn là tiểu thừa, rủ theo người khác cùng đi, thì ngồi xe nhỏ vẫn là đại thừa. Thôi chuyện này dành cho các nhà lý luận phê bình. “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh là truyện dài, tiểu thuyết, hay cái gì đó… thì còn tùy người đọc. Đối với tôi, đây là “Khổ” qua cái thấy của người trí, không giống với cái thấy của kẻ bất tri. Người trí thấy “nhân” của Khổ, kẻ bất tri thấy “quả” của Khổ. Cho nên cụ bá của làng văn chương là Hoàng Ngọc Hiến bảo nhân vật lão Khổ của Tạ Duy Anh “khổ” một cách hồn nhiên, tự tại (trước khi chết cũng phải đái một bãi cho đàng hoàng…). Một cụ bá khác là Bọ Lập, tả lão Tạ mà nghĩ đến “Lão Khổ”, cứ sau một kiếp nạn, lại tả đến nụ cười. Bọ Lập cũng không quên tả lão Tạ tìm vợ bằng cách… đánh hơi, như voi, như ngựa, như rái cá, thuồng luồng… trong vòng năm phút. Nguyễn Quang Lập đọc văn, đọc người thật là tinh quái, ít ai bì kịp. Đó cũng là cách đọc của những người trí. Tiếc cho các vị gác cổng nền văn chương, lại đi đọc Lão Khổ bằng cái đầu bất tri, thì chỉ thấy cái “quả” đen tối bề ngoài, mà không thấy cái “nhân” sâu thẳm, lồng lộng ở phía trong. Quả của Khổ là khổ sở, khổ sở chỉ khiến ta tuyệt vọng, bế tắc, không có đường ra. Nhân của Khổ là Khổ lý, thấy Khổ lý sẽ khiến ta tìm được lối ra…

Vậy thì có thể nói chính “Lão Khổ” là “nhân”, Tạ Duy Anh là “quả”. Chỗ này hơi khác vị tiền bối là Nam Cao. Với Nam Cao, thì với Chí Phèo là “nhân”, mà Nam Cao là “quả”, Chí Phèo “đẻ” ra Nam Cao. Chính mồm Lão Tạ cũng đã từng cung ra, rằng nhân vật “lão Khổ” lấy nguyên mẫu từ ông cụ thân sinh. Thế thì đúng là “Lão Khổ” đã đẻ ra Tạ Duy Anh, cả thân mạng lẫn… văn mạng. Ngược lại với Lão Tạ, cách đây hơn chục năm, tôi cũng viết về một lão nhân vật, nhưng đặt tên Lão Sướng. Lão Sướng hàng ngày được một con bò nó kéo đi trên đường, đếm lần lượt tám mươi mốt cái xóc trong… mơ. Lần cuối cùng dang dở, chưa đếm xong thì gặp kiếp nạn… Không còn con bò kéo đi nữa, chỉ còn lại mỗi đoạn dây thừng để bám vào... Lão Sướng không “đẻ” ra tôi như Lão Khổ đã đẻ ra Lão Tạ. Viết đến đây, lại nghĩ về chuyện thân mạng và văn mạng, đều do nghiệp nó quyết định cả. Hai món ấy lúc thọ nghiệp, lúc tạo nghiệp… cứ thế hoán đổi tít mù, nhanh như điện chớp. Hễ thân mạng thọ nghiệp thì văn mạng tạo nghiệp và ngược lại. Thân mạng do nghiệp nó tặng, cho nên nhìn thấy nhưng mà giả, văn mạng do nghiệp nó hành, cho nên không nhìn thấy nhưng mà thật. Tặng nhiều thì hành ít, tặng ít thì hành nhiều... Cứ xem cái hình hài nguệch ngoạc của Lão Tạ, thì biết món quà tặng ấy của “nghiệp” nó bủn xỉn và cẩu thả biết nhường nào. Bù lại, xem “văn mạng” của Lão Tạ, thì cũng biết cái sự hành của “nghiệp” là rất hào phóng và công phu.

Trên giá sách của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Trên giá sách của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Công phu như thế nào?

Ở chỗ nghiệp phú cho Lão Tạ cái khả năng lộn ngược. Đây là “quả” của một nhân duyên đặc biệt, rất đặc biệt. Gồm ba món: đọc lộn ngược, nghĩ lộn ngược, và học lộn ngược. Đọc thuộc về phúc, nghĩ thuộc về đức và học thuộc về duyên. Phúc, đức, duyên… gồm đủ cả. Thế mà bảo chẳng công phu thì là cái gì? Ngày trước Khuất Nguyên cũng vớ được một trong ba món lộn ngược này, đó là nghĩ lộn ngược. Cho nên ông mới thấy cả thiên hạ đục, chỉ mỗi mình ta trong. Thế là Khuất Nguyên có đức, đức tức là trí, cho nên mới viết được Ly Tao, Sở Từ… Nhưng tiếc rằng Khuất Nguyên không biết đọc lộn ngược, thế là vô phúc, không biết học lộn ngược, thế là vô duyên. Vô phúc nên mới biến thành một kẻ ngu trung, vô duyên nên lời nói không bao giờ lọt vào tai vua... Tóm lại có trí mà vô phúc, vô duyên, thì cũng chả dùng vào việc gì, đến nỗi phải nhảy xuống sông Mịch La để làm mồi cho cá. Nay Lão Tạ gồm đủ cả ba món thì chúng ta cứ việc yên tâm, rằng Tạ Duy Anh sẽ quyết không nhảy xuống ao mà tự tử đâu.

Nghĩ xuôi là hướng lên phía ngọn, nghĩ lộn ngược là hướng trở về gốc. Ngọn thì lúc nào chả rung rinh, nghiêng ngả, gió chiều nào quay chiều nấy… Duy có gốc thì vẫn… y nguyên. Tuy nhiên gọi là “gốc” cũng nhiều loại “gốc” lắm, có gốc của cây, gốc của cành, của nhánh… gọi là thụ căn, chi căn, bàng căn… Chỉ có duy nhất một gốc rốt ráo, gốc cây gọi là thủy căn. Viết về Khổ như những Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Công Hoan… mà chỉ thấy “quả”, không thấy “nhân” đâu, hoặc cùng lắm cũng chỉ lờ mờ những cái “nhân” giả, “nhân” chưa rốt ráo, thì tức là mới hướng đến chi căn, bàng căn… mà thôi.

    

Nhân nhắc đến các bậc tiền bối, những “cây đa”, “cây đề” một thuở trong làng văn chương, đã biến thành những thanh củi gộc, để nhóm lên lò lửa của “cách mạng vô sản”. Trong số ấy có một người, trong tác phẩm của mình, ngài cũng đã chạm đến thủy căn. Người ấy là Nam Cao. Một hôm ngài về gặp tôi, gương mặt có tới… ba con mắt. Con mắt ở giữa tròn xoe, nằm ngay giữa trán, từ đó tuôn ra một luồng gió lạnh, từ nghĩa địa thổi về. Tôi rùng mình, té ra không phải con mắt, mà là một lỗ thủng. Ngài trỏ vào cái lỗ thủng ấy, hỏi mi có biết ai đã bắn không? Tôi gật đầu vô thức. Ngài hỏi tiếp, thế mi có biết bắt đầu từ cái gì không? Tôi trả lời, cũng trong vô thức, rằng bắt đầu từ Vũ Đại. Ngài bảo, thế là mi đã biết đọc ngược rồi đấy. Nói xong ngài biến mất. Tôi giật mình tỉnh dậy, trong tay đang cầm cuốn “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh. Té ra “Lão Khổ” là cụ thể hóa “Chí Phèo”, là kiếp sau của làng Vũ Đại. Thế tức là Nam Cao viết Chí Phèo, để dự báo trước tương lai của làng Vũ Đại, rồi sẽ biến thành làng “Đồng” đấy chứ? Đâu phải ngài tố cáo chế độ cũ? Mà các nhà bình tán văn chương đời sau nhân cơ hội túm lấy, vu cho “Chí Phèo” của Nam Cao là “hiện thực phê phán”, để bắt cả những đời sau phải đọc theo cách của mình? Trong khi làng Vũ Đại là kiếp trước, Đồng là kiếp này, của… vẫn cái “làng” Vũ Đại ấy. Phải biết đọc lộn ngược, thì mới thấy rõ chỗ này, càng chứng kiến nhiều càng rõ. Viên đạn đã tạo nên con mắt thứ ba của Nam Cao, khiến ngài không còn cơ hội để cải chính điều đó. May quá có Tạ Duy Anh với “Lão Khổ”, cho nên ngài đã có thể yên lòng.

“Chí Phèo” của Nam Cao thực ra rất khó đọc, nằm trong một cốt truyện rất dễ đọc, dễ đến nỗi ai cũng tưởng mình biết đọc. Chính tôi ngày trước cũng tưởng mình biết đọc, mãi đến khi đọc Lão Khổ của Tạ Duy Anh, mới giật mình hiểu ra thâm ý của Nam Cao. Ngài thật là bậc kì tài. Đây là dạng văn chương đánh lừa, một trong những thú chơi văn của các đại tác gia ngày trước, gọi là văn chương “gài mìn”. Những quả mìn nằm sâu dưới đất, có khi hàng chục năm, trăm năm… đến một lúc nào đó, hội đủ “duyên” thì nó mới nổ “bùm”… Nói “văn dĩ tải đạo”, thì người đọc văn cũng tương tự như người đi cầu đạo vậy. “Chí Phèo” của Nam Cao tài đến mức, khiến khối bậc học giả trở nên lẩm cẩm, loay hoay mãi đi tìm “nguyên mẫu” của cái làng Vũ Đại. Trong khi Vũ nghĩa là vũ công, là múa may, đánh giết… Đại vừa có nghĩa là to, vừa có nghĩa là rộng lớn… trùm khắp. Thế thì còn phải đi tìm làng Vũ Đại ở đâu nữa? Nó ở ngay đây, luôn bên cạnh ta. Trùm khắp không gian thì làng tức là nước, trùm khắp thời gian thì Đại bao gồm cả quá khứ, hiện tại và vị lai. Chán cho các học giả, đến một cái tên làng cũng còn chưa hiểu, lại cứ loay hoay đi tìm, thì đó là hậu quả của lối chỉ đọc được mỗi phần ngọn, mà chả biết gốc ở đâu vậy. Qua thời Vũ Đại, thì đến thời Đồng... Cho nên nói “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh là tiếp theo “Chí Phèo” của Nam cao là vì như vậy.

Vì thế không cần ngạc nhiên khi đọc “Lão Khổ”, thấy Lão Tạ rất ảnh hưởng lối viết trong “Chí Phèo” của Nam Cao. Cụ Chánh trong Lão Khổ có bóng của cụ Bá trong Chí Phèo, Tư Vọc có bóng của Binh Chức… Chỉ có điều tả dinh cơ của cụ Chánh có hào lũy, có tòa ngang dãy dọc… là sai bét, là nghe hơi nồi chõ. Tạ Duy Anh bằng tuổi tôi, thì cũng chỉ nghe các cụ kể lại, chứ nào đã gặp một cụ Chánh, cụ Bá… nào đâu? Nghe các cụ kể lại và học trong sách giáo khoa, phần “văn học hiện thực phê phán” của những đại tác gia như vừa kể ở trên. Học như thế nào? Đây nói về cái “duyên” học lộn ngược của Lão Tạ. Viết đến đây, tôi lại phải nghiêng mình đảnh lễ một bậc tiên tri nữa trong làng văn thuở trước, đó là cụ Ngô Tất Tố. Cụ kết thúc Tắt Đèn bằng cái tiền đồ “tối đen như mực” của chị Dậu. Các nhà sư phạm túm ngay lấy chỗ này để dạy học trò rằng đó là tố cáo chế độ cũ. Có biết đâu rằng gã học trò Tạ Duy Anh lại hiểu lộn ngược. Gã bảo không, cái tiền đồ “tối đen như mực” ấy là cụ Ngô Tất Tố đã “tiên tri”? Điều đó phải chăng đã khiến cụ phải tự tử, như Khuất Nguyên ngày trước? Đấy, học lộn ngược nó ghê như thế đấy.

Tại sao nói đọc thuộc về phúc? Đời con người ta mong có dùi để mà cắm, có cơm để mà ăn, cũng như có sách để mà đọc… thế chẳng thuộc về phúc là gì? Thế nào là nghĩ thuộc về đức? Có căn để mà nghĩ, căn lành thì nghĩ đúng, căn bệnh hoạn thì nghĩ sai… căn tính như thế nào đều phụ thuộc vào công đức trong quá khứ cả… thế chẳng thuộc về đức là gì? Thế nào là học thuộc về duyên? Gặp được minh sư để theo, gặp được chính đạo để học, gặp được bạn hiền để chơi, gặp được vua sáng để thờ… thế chẳng thuộc về duyên là gì? Có ba món ấy thì làm thầy thiên hạ còn được nữa, huống hồ chỉ làm thợ, song chớ có làm quan, người làm quan chả mấy khi đọc sách, kẻ đọc sách chả mấy khi làm quan. Thế còn làm văn? Đấy đấy… Ba món ấy chính dành cho kẻ làm văn, đúc nên kẻ làm văn, như Nam Cao, như Lão Tạ… Làm văn bằng chân chính hẳn hoi, không phải chân phụ. Làm văn là dấn thân, cho nên là một việc khó. Tại sao nói khó? Bởi vì bất chấp cường quyền, bất chấp dối trá, bất chấp hội hè thế tục… văn học bao giờ cũng thực hiện chức năng của mình, như một chuỗi tương tục, không gián đoạn của cả ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai. Chuỗi tương tục của lớp lớp những thế hệ nối tiếp truyền thừa gọi là lịch sử. Chuỗi tương tục của mỗi cá thể, mỗi số phận gọi là kiết sử. Những nhân vật trong văn học đã trở thành kiết sử như chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo, lão Khổ… Cho đến những số phận đang hiện hữu ngoài đời kia… rồi cũng sẽ trở thành những kiết sử như thế.

Văn chương tạo nên nhân vật, không phải để mua vui, mà để làm ra những kiết sử, để đời sau soi vào, thấy mình đang lặn ngụp trong góc tối của luân hồi, chứ không phải thiên đường, không phải Tịnh độ… Nhà văn phát hiện ra tình huống, nhân vật bằng ý thức của mình. Nhưng muốn làm cho nhân vật trở thành kiết sử thì ý thức không làm được. Ý thức chỉ có thể lấy kiết sử của người khác, đem về làm nhân vật của mình, như trường hợp của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Huyền thoại phố phường…”. Hoặc tự mình đem cái trước của mình để xào nấu nên cái sau như trường hợp của Alexandre Duyma, văn của thiên tài này gồm khá nhiều bộ, song chỉ cần đọc một bộ là đủ, bởi tất cả đều na ná như nhau, cùng một chủ đề… Viết bằng ý thức chỉ có thể làm ra những thứ văn xoàng xĩnh hạng ba, hạng tư… mà kinh Pháp Hoa gọi là “thế tục ca ngâm” mà thôi.

Vậy không viết bằng ý thức thì viết bằng cái gì? Ý thức thì không ai giống ai, nhưng có cái sâu hơn ý thức, đó là tiềm thức, sâu hơn nữa là vô thức. Ý thức là ngụy tâm, hay còn gọi vọng tâm, nó luôn có gián đoạn nên văn ra được vài hôm đã có mùi thiu, đọc không vào nữa, để trên giá sách thì kiến nó tìm đến. Tiềm thức tuy chưa phải chân tâm, song nó không gián đoạn nên văn để cả đời cũng chưa thiu, đời sau vẫn có thể đọc được. Sâu hơn tiềm thức còn vô thức. Vô thức là chân tâm, chân tâm là bất khả tư nghì, có thể làm ra vạn vật… còn được nữa, huống hồ chỉ dăm ba con chữ. Vô thức vừa là những kiến thức của riêng từng cá thể, vừa của cả cộng đồng, những ai đã đọc phân tâm học của S. Freud thì đều biết điều này, nếu đọc cả Duy thức học Phật Giáo thì còn biết rõ hơn nữa. Văn do vô thức (tức chân tâm) làm ra lúc nào cũng tươi, không bao giờ thiu, dù người làm ra đã trở thành thiên cổ. Đọc văn của chân tâm không khác gì đọc đạo lý, có thể quên ăn cũng không cảm thấy đói. Sáng tạo văn học có quy luật ấy, cũng giống như quy luật của người tu đạo, phải dùng chân tâm để tu thì mới có hy vọng, dùng vọng tâm để tu thì chả khác gì nấu cát mong thành cơm, sách Phật đã dạy thế…

Đang viết về Lão Tạ mà đoạn trên không nhắc gì đến văn của Tạ Duy Anh là cớ làm sao? Không nhắc nhưng chính là nói về văn của Lão Tạ đấy. Tạ Duy Anh phần lớn viết bằng Tiềm thức, có lúc Vô thức, cho nên đọc văn của gã ít khi thấy Tạ Duy Anh hiện lên, mà chỉ thấy Lão Tạ. Tạ Duy Anh đã hóa thành Lão Tạ vậy. Thế nhưng vẫn có lúc ý thức của Tạ Duy Anh nó thò vào trang viết của Lão Tạ. Viết văn mà vừa viết vừa bình thì còn chỗ đâu cho nhà phê bình nữa? Đối với người đọc cũng thế, vừa viết vừa bình khác nào nấu món ăn đem lên, ngon dở đều ở mồm người ta, sao lại có thể lấy cái ngon trong mồm mình, nhét sang mồm thực khách được? Ví dụ đoạn văn sau đây trong Lão Khổ: “Cứ thế tuổi thơ của thằng bé quằn quại trong khát vọng và tuyệt vọng” là nhận xét của nhà phê bình, hay là cảm nhận của người đọc, chứ đâu phải của tác giả? Nếu là của tác giả, thì hóa ra ông kiêm cả việc của thầy giáo dạy văn hay sao? Nếu là người biên tập cuốn này, tôi sẽ cương quyết cắt bỏ đoạn dở thầy dở thợ ấy. Oái oăm thay, Tạ Duy Anh lại là nhà biên tập trứ danh, một “mụ đỡ” mát tay cho rất nhiều tác phẩm văn học đương đại. Ý thức của Tạ Duy Anh còn thò vào những chỗ nào nữa? Thò vào những chỗ kết. Ý thức bao giờ cũng rất mạnh, như sóng biển dào dạt, dữ dội ở phía trên, khiến vô thức cứ bị đè xuống dưới sâu mãi, sâu mãi… Đây là lý do khiến nhiều tác phẩm của Lão Tạ có cái kết rất… dở dang, suýt thì trở thành những tác phẩm… đầu voi đuôi chuột. “Bước qua lời nguyền” cũng thế, “Lão Khổ” cũng thế mà sau này, cả “Mối Chúa” cũng thế… Đặc biệt, trong tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật”, Tạ Duy Anh phải dùng đến bốn chuyện cổ tích có chủ đề lừa đảo để thay cho phần “giảng văn” của mình.

Giờ nói đến cuốn sách xuất sắc này: “Đi tìm nhân vật”.

“Đi tìm nhân vật” là một cuốn sách khó đọc. Khó đọc không phải vì nó cao siêu mà vì nó khó nhằn. Khó nhằn không phải vì nó không ngon, mà vì nó khó nuốt. Khó nuốt không phải vì nó khô khan, mà vì nó khó có thể khiến cho bất kì người nào cũng có thể thích. Ngay trang đầu tiên, Lão Tạ đã dẫn câu của thánh Paul: “Nỗi sợ giống như cái gai đâm sâu vào da thịt ta”, và viết ra cuốn sách này để tưởng nhớ 2 bậc thầy là Dostoiepxki và Nam Cao. Với Nam Cao thì tôi hoàn toàn yên tâm, vì cái “tạng” văn chương của ông hợp với những kẻ ngu như tôi lắm. Nhưng với Dostoiepxki thì tôi phải cảnh giác, và khuyên người khác cũng nên cảnh giác như tôi. Đọc tác phẩm của Dos, nhẹ thì cũng bị tâm thần, nặng thì tẩu hỏa nhập ma. Ngoài ra, nếu không cảm thấy thần kinh mình có vấn đề, thì cũng có cảm giác mình là một tên ăn cắp, hoặc vừa phạm phải một tội ác nào đó… rất kinh. Đến nỗi có người vừa buông cuốn “Tội ác và hình phạt” của Dos xuống, ra phố mua thức ăn, nom thấy bóng công an, cứ tưởng tới bắt mình, vội cuống cuồng bỏ chạy, luồn qua mấy con ngõ, vẫn thấy bóng công an đuổi theo, cuối cùng… quên cả lối về.

Cuốn sách mỏng, chưa đầy 300 trang, “Đi tìm nhân vật” của Lão Tạ là loại văn cũng chứa đầy chất tẩu hỏa nhập ma như Dos, đồng thời lại có chất hiện thực kì ảo, chập chờn và trêu ngươi của Kapka, có du đãng nửa mùa của Nam Cao, có đĩ bợm thập thành của Vũ Trọng Phụng... Món văn chương trộn Dos với Kapka, thêm tí Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… vào làm gia vị, thì tất nhiên phải ngon tuyệt hảo, nhưng khó đọc, khó nhằn, khó nuốt… là đúng rồi còn gì. Lão Tạ quả là một tay đầu bếp lão luyện, băm nhát nào ra nhát nấy, một mình múa bút như múa dao, kể chuyện như không hề có chuyện… Một người học ở trường viết văn Nguyễn Du ra, nếu không biết lối học ngược, mà cứ răm rắp xuôi theo những bài giảng ở nhà trường, thì làm sao có thể viết nổi cuốn sách này?

    

Không địa chỉ, không thời gian, không cả cốt truyện… Cứ như thế, bữa tiệc “Đi tìm nhân vật” được từ từ dọn ra khiến người đọc sốt ruột. Bình về cuốn sách này, khó có thể kể lại nội dung, bởi… làm gì có cốt truyện mà kể. Có những chi tiết đặc sắc, rùng rợn, ngay ở đầu sách, kì công viết ra rồi… bỏ đấy, như chi tiết nhai thịt con chim bồ câu và “cắm phập” vào cô gái dở người. Chi tiết ấy té ra chỉ dùng để chuẩn bị tâm lý cho nhân vật, cho cả người đọc rồi biến mất, một đi không trở lại. Còn nhiều chỗ như thế, đặc sắc đấy, nhưng chỉ dùng một lần, đến nỗi chả cần phải đặt tên nhân vật, chỉ gọi bằng cái danh phiếm chỉ, như cô chủ quán, thằng bé bán thuốc rong… Cũng bởi Tạ Duy Anh có tính lười đặt tên nhân vật, loại văn chương tâm thần này phải viết như gió cuốn, chỉ dừng lại nghĩ một cái tên, cũng đủ làm cảm hứng bị chững lại, như gió gặp phải bờ tường... Ngay cả nhân vật chính xưng “tôi”, cũng phải mãi tới một phần ba cuốn sách, thì cái tên “Chu Quý” mới xuất hiện. Chu Quý xuất hiện và sống cho đến con chữ cuối cùng của cuốn sách, còn các nhân vật khác hầu hết đều chết cả. Nếu “Lão Khổ” loay hoay tìm cho mình một kiểu chết, thì ở đây thống kê những cái chết. Toàn những cái chết như… không. Chưa thấy ai tả chết như Tạ Duy Anh, cho nhân vật của mình chết mà chả tốn đến một dòng, chỉ vài chữ là xong, trừ duy nhất cái chết bằng cách hóa thân của nhân vật nữ có tên Thảo Miên. Đây là chỗ “thăng” của ngòi bút Lão Tạ, y như một kiểu “thăng”, để kết thúc một cuộc… lên đồng.

Nếu chứng kiến một cuộc hầu đồng cũng cần phải cảnh giác, bởi không khéo “đồng” nó sẽ nhập vào mình, thì đọc “Đi tìm nhân vật” cũng tương tự như vậy. Nhưng tôi đã có cách “hóa giải”. Cách ấy nằm trong chính giọng của Tạ Duy Anh, một lối văn giễu nhại và trào lộng không lẫn đi đâu được. Đọc “Đi tìm nhân vật”, dù biết chắc chắn là Lão Tạ bịa, thì vẫn cứ bị lừa, không khéo còn bị ma nhập, nhất là những đoạn có mùi, những pha “lên đỉnh” và rên rỉ… Nhưng nếu biết Lão Tạ viết ra, chỉ cốt để “giễu nhại” cuộc đời này mà thôi thì sẽ không hề gì. Từ đầu đến cuối cuốn sách, tình huống gay cấn nhất thì cũng chỉ diễn ra trong phòng một mụ Tú Bà, hấp dẫn nhất thì cũng chỉ những chi tiết về cái chết bí ẩn của ông bố… Nhưng vẫn luôn có những chỗ bất ngờ. Đó là sự biến hóa. Từ một thằng “Tôi” đi tìm hiểu về cái chết bí ẩn của một thằng bé đánh giày, thoắt biến thành một kẻ bí ẩn, đã gây ra bao nhiêu chuyện, từ lừa đảo, ăn cắp, đến… thủ phạm đã đâm chết chính thằng bé đánh giày nào đó. Cuối cùng chính cái thằng “Tôi” ấy, viết bài báo nổi tiếng về cái thằng “Tôi”, loay hoay tìm hiểu cái thằng “Tôi” ấy là ai… Giễu nhại, trào lộng và hoạt ngôn đến thế là cùng.

Truyện “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh còn vắt giữa hai thời kì trong, đục (thực ra đều đục cả, chỉ đục khác kiểu mà thôi). Riêng “Đi tìm nhân vật” thì đã chuyển hẳn, không còn nằm trong một thời kì văn học hầu hết chỉ gồm ba món Phong, Nhã, Tụng, mà Nguyễn Minh Châu gọi là “văn học minh họa”. “Đi tìm nhân vật” không có ba món ấy. Vậy nó chứa món nào? Phong, Nhã, Tụng là một bệnh dịch thống trị văn học, hủy hoại văn học, bẻ cong tư duy và triệt tiêu sáng tạo… nó có tính lây lan nên gọi là “Dịch tả truyện”. Nó tự coi mình là “hình nhi thượng”, tự vẽ ra bản chất rồi ca tụng bản chất… bất cần vô vàn những “hiện tượng” tâm thần của nhân quần diễn biến như thế nào. Hiện tượng tâm thần là “hình nhi hạ”, là những cái tồn tại mà không nom thấy nếu đui, không nghe thấy nếu điếc, không ngửi thấy nếu bị tịt mũi… Giống như ma nhưng không phải là ma. Nếu "Hình nhi thượng" là chuyện trên trời, thì “Hình nhi hạ” là chuyện dưới đất. “Hình nhi hạ” hoàn toàn xa lạ với Phong, Nhã, Tụng. Dưới đất là hiện tượng, hiện tượng cũng là bản thể, nó không lây lan nhưng có tính truyền thừa, có truyền thừa nên gọi là “thổ tả”. “Đi tìm nhân vật” thuộc về “thổ tả truyện”. Lão Tạ là truyền thừa của những Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… vậy.

Viết đến đây, mới chợt nhớ có lần, một “nhất độc bách tác” của thiên hạ là Ngô Quốc Kỳ bảo tôi: “Lão Tạ có gai đấy, đó là một cây xương rồng. Chỗ khắc nghiệt, khô cằn thường mọc lên những giống có gai. Xương rồng không cần tán, chả cần sum suê, chỉ cần một cái thân chứa đầy nhựa sống, thì phải biến cành lá thành… gai, để giữ gìn cái thân ấy vậy. Muốn tìm hiểu điều đó, ông hãy đọc “Đi tìm nhân vật” của gã”. Ồ, tại sao tôi lại không nhớ ra nhỉ? Kỳ Ngô giả là “nhất độc bách tác”, đã nói thế hẳn phải có lý do… Hình hài của Tạ Duy Anh hiện lên trong tôi, như một cây xương rồng biết đi, giống cả hình thức lẫn nội dung, ngũ chi như những cái gai đã đành, cả giọng nói, điệu cười… cũng đều nhọn hoắt cả, chỉ duy nhất có một chỗ nhẵn bóng, đó là cái “quả” trán như một vạt đồi, trơn đến nỗi ruồi đậu vào cũng bị trượt chân.

Nhớ tới điều này khiến tôi có thể giải thích, rằng tại sao “Đi tìm nhân vật” của Lão Tạ là khó đọc, bởi vì “Đi tìm nhân vật” không viết theo lối diễn nghĩa, thì cũng không thể đọc theo kiểu diễn nghĩa được, phải đọc theo lối “tự chứng” thôi. Thế nào là đọc kiểu “tự chứng”? Trước tiên phải chọn tư thế cái đã. Hạng mọt sách thường hay nằm đọc, chứ không mấy khi ngồi, ngồi đọc nghiêm ngắn là tư thế đọc của các cụ hủ nho ngày trước. Nằm đọc, nhưng không được nằm ngửa. Nằm ngửa là tư thế của tử thi, dễ bị ma quỷ nó nhầm mình cũng… là tử thi, thì nó sẽ lân la, rủ rê mình theo nó lúc nào không biết. Cho nên phải nằm nghiêng. Đây là tư thế nằm đọc của các bậc thánh nhân. Ngày trước, Khổng tử cũng cho phép các học trò được nằm để đọc sách, nhưng phải nằm nghiêng, cấm không được nằm ngửa là vì lo lũ học trò sẽ biến thành một đống tử thi, chứ Khổng không biết rằng ngay cả chư Phật cũng nằm nghiêng khi nhập Niết Bàn. Nhập Niết Bàn là nhập Pháp giới, là nhập vào trí tuệ vô thượng… Nằm nghiêng thì nhập vào trí tuệ vô thượng còn được nữa, huống hồ chỉ nằm đọc sách mà thôi đâu, cho dù nó có khó đến đâu. Bắt đầu nằm nghiêng về bên phải, chán thì lại lật bên trái… cứ lật đi lật lại như thế, thì lật thân cũng như lật sách, phần “tự chứng” trong đầu thế nào nó cũng xổ ra, sẽ có kết quả.

Xong tư thế rồi đến phần “tự chứng”. Thế nào là “tự chứng”? Đọc diễn nghĩa để trả lời câu hỏi: “nó viết cái gì nhỉ?”. Thì đọc “tự chứng” để trả lời câu hỏi: “cái gì nó viết nhỉ?” tức là phải đi tìm "thằng" viết. Tìm “cái viết” là tìm ở bên ngoài, tìm “thằng viết” mới là tìm ở bên trong, xoay ngược cái đọc (cũng tức là cái nghe) vào bên trong, ấy gọi là “phản văn văn tự tính” vậy. Khi đó, thằng viết ra những thứ ấy té ra không phải Lão Tạ… nữa, mà cũng chính là Ta… Tự tính của cái Ta lúc nào cũng chứa đủ công đức, của mọi kiếp nhân sinh… thì một chứ đến mười Lão Tạ, hay Dos, hay Kapka… kia cũng không thể bịa thay cho ta được. Giống như đọc tranh, người đọc tranh để trả lời câu hỏi: “nó vẽ cái gì nhỉ?”, tức là đi tìm cái vẽ, thì sẽ rất thích tranh kiểu thời Phục Hưng… Nhưng với câu hỏi: “cái gì nó vẽ nhỉ?” thì mới là đi tìm thằng vẽ… đó là lý do khiến nhiều người thích tranh trừu tượng…

Kỳ Ngô giả còn bảo tôi, thứ văn như kiểu “Đi tìm nhân vật” bây giờ ít người có thể viết ra được lắm. Thế nghĩa là “cõi viết” lơ thơ, cũng bởi vì “cõi đọc” lác đác. Viết và Đọc là hai cõi, đắp đổi cho nhau mà làm “nhân”, làm “quả” vậy. Kẻ viết có căn tính, thì kẻ đọc cũng có căn tính. Căn tính của mỗi người là vô cùng sai biệt, đại khái có cả thảy năm cấp, tính từ thấp lên cao, ở đây chỉ nói tới hai cấp dưới cùng, là tạng căn và thủy căn. Chúng ta ngồi trong sinh diệt, thì ai cũng có tạng căn, như đã được “lập trình” sẵn, từ thủy căn mà lập nên. Tạng căn chỉ được lập ở kiếp này, trong khi thủy căn thì có từ vô thủy. Oái oăm thay, tạng căn có cái “lý” riêng của nó, quyết không giống với cái “lý” của thủy căn. Vì thế đọc bằng tạng căn thì chỉ thấy có sinh diệt, phải đọc bằng thủy căn thì mới thấy sinh tức vô sinh… Nghĩa là đọc bằng tạng căn là đọc diễn nghĩa, đọc bằng thủy căn là đọc tự chứng vậy. Đọc thì như thế mà Viết cũng tương tự.

Tạ Duy Anh với danh họa Thành Chương.

Tạ Duy Anh với danh họa Thành Chương.

“Đi tìm nhân vật” viết về những cái (sẽ) Có, mà đều từ cái (vốn) Không sinh ra cả. Câu chuyện về thằng bé đánh giày bị giết, ở khu phố G. mở đầu cuốn sách, nếu cứ tưởng hứa hẹn sẽ là một cuốn truyện hình sự, vụ án, trinh thám… thì sẽ thất vọng. Bởi vì những điều đó hoàn toàn không phải chủ đề, càng không phải tư tưởng của cuốn sách, bởi với những chủ đề ăn khách đó, thì chỉ có thể lập tứ, mà khó có thể lập ngôn… nói gì đến tư tưởng. Trong tác phẩm “Lâu Đài”, Kapka cũng mở đầu bằng một sự “hứa hẹn” tương tự. Như một sự “khởi tâm động niệm”, và từ đó, hiện lên trùng trùng những ki ốt, siêu thị, nhà hàng, nhà thổ… và những con người (không cần danh), “mà cuộc sống… ở phố G. nhộn nhịp từ sớm tinh mơ cho tới tận đêm khuya”. Từ đó “Đi tìm nhân vật” bày ra vô số chi tiết, hay có, dở có, mùi mẫn có, nhạt có, rất có lý cũng có, vô lý đùng đùng… cũng có. Tất cả chỉ là “mồi”, để “dử” người đọc bước vào một thế giới khác, một cái “kiến” khác, ngay ở đây, bên cạnh ta chứ chả phải đi đâu. Ngay ở đây, thế tại sao hàng ngày ta bàng quan làm vậy? Bởi vì tạng căn của con người ta vốn vậy. Nó chỉ hướng ta tới những chỗ “có lý”, không bao giờ cho ta tiếp xúc với những cái “vô lý”. Cho nên Kapka đã bắt Gregor Samsa, một nhân viên bán hàng, trong một sáng thức dậy, bỗng thấy mình biến thành con côn trùng khổng lồ. Từ đó phải tập làm quen với cái “kiến” của côn trùng… Lão Tạ không nghiệt ngã như Kapka, không biến ai thành côn trùng, song thực ra cũng chả khác gì côn trùng, từ những gã vô danh, cô chủ quán, người đàn ông “chẳng làm gì cả” bên trong chiếc cổng sắt… đến ông Bân, tiến sĩ N… Và cuối cùng, chính nhân vật xưng “Tôi”, có cái tên “Chu Quý” ấy cũng liên tục biến hình, từ người kể chuyện biến thành nhân vật trong chuyện, để những nhân vật trong chuyện tha hồ thêu dệt nên “một gã điên điên nào đó…”, cứ gọi là vô hồi kì trận, thật giả tít mù… Viết như thế mà bảo hấp dẫn cũng đúng, mà bảo chán phèo cũng đúng. Chỉ có điều nếu đọc bằng căn tính diễn nghĩa, mà tâm thần không bị loạn xà ngầu thì mới là chuyện lạ.

Nói Lão Tạ là “truyền thừa” của các tiền bối “hiện thực phê phán” thì không sai, song cũng có phần thiệt thòi cho lão. Bởi vì lão đã khảng khái chịu tiếng là “truyền thừa”, để thực hiện một sứ mệnh lớn hơn, đó là giải thiêng. Gã đã nhận ra rằng các tiền bối “hiện thực phê phán” thực ra rất ngây thơ, cứ tưởng mình ra sức phê phán đời trước, thì đời sau sẽ tốt lên? Nhầm to. Đời sau chỉ lợi dụng tác phẩm của các vị để tuyên truyền, chứ không phải để tránh lặp lại những điều tệ hại ấy. Càng đời sau tệ hại càng dày đặc, đàng hoàng hơn và… khủng khiếp hơn. Nếu các vị tiền bối vì ngây thơ nên nhắm đến hiện thực để phê phán, thì Lão Tạ không mắc cái lỗi rất chân đất mắt toét ấy. Lão Tạ cũng nhắm đến hiện thực đấy, nhìn qua cứ tưởng để phê phán, song thực ra không phải. Lão Tạ dùng hiện thực để giải thiêng. Nghĩa là văn học “Bước qua lời nguyền” là “hiện thực giải thiêng” vậy. Giải thiêng như thế nào? Đọc xong “Lão Khổ”, gấp cuốn sách lại, chỉ muốn lạy giời, giá như đừng xảy ra những chuyện “vang dội”, động trời… như thế, cũng như đọc xong A Q của Lỗ Tấn, thì lạy giời, giá như đừng xảy ra cách mạng Tân Hợi… Giải thiêng là như thế. Còn như thế nào nữa? Thay thằng Khùng này bằng thằng Khùng khác, thiếu một thằng Khùng thì không được (truyện “Thi tuyển Khùng”). Như thế nào nữa? Công phu mài dao, mài độc một con dao, ngày này qua ngày khác, không cần biết xung quanh động tĩnh như thế nào, cuối cùng chỉ để… chém ruồi (truyện “Chém ruồi”)… Nom cái hình hài xương rồng của Lão Tạ, rõ thật là:

Giời thu cái mã bề ngoài

Thì đem bù lại cái tài bên trong

Văn thì lấy đấu mà đong

Võ thì ruồi nhặng cũng không là gì

Xương rồng gai góc, nom xấu xí là thế, nhưng vẫn có thể làm cảnh. Một đụn xương rồng đặt trên bàn, gọi là cây cảnh cũng được mà gọi là tĩnh vật cũng được. Xương rồng là ranh giới giữa động và tĩnh vậy. Ranh giới này vô cùng mong manh, cách nhau chỉ “nửa đường tơ”, nhưng “đất trời liền ngăn cách” (Tam Tổ Tăng Xán). Lão Tạ biết mình sinh ra không phải để “kế tục” nhập nhằng, mà là “tương tục”. Tương tục khác với kế tục. Trong một chuỗi tương tục, thì cái trước chỉ làm “nhân” cho cái sau. Cái trước diệt, cái sau mới sinh. Cho nên Lão Tạ một khi đã giải thiêng những sự kiên cố cố đỉn (truyện “Ngôi nhà của cha tôi”), giải thiêng những tư tưởng, huyền thoại… thì nhân tiện, giải thiêng luôn cả các vị tiền bối của mình. Vũ khí “hiện thực phê phán” của các ngài tưởng sắc bén là thế, được lợi dụng rầm rĩ là thế, cứ tưởng là “thay trời hành đạo”… đấy. Thế mà cuối cùng, thành quả chỉ là những… xác ruồi, chém ngang lưng, chém rất chính xác (kiểu "chém treo ngành" của Nguyễn Tuân). Cả Lỗ Tấn cũng thế, mà cả cách mạng Tân Hợi cũng thế.

    

Văn học giải thiêng, nếu có, thì cũng có tục giải và thắng giải. Còn một thứ hạ đẳng, dưới nữa là tối giải, nhưng không nói ở đây, sợ đụng chạm. Những giận, thương, giải sầu, chia vui hay thỏa chí tang bồng… đều là tục giải cả. Tục giải là văn của phàm phu, tức là của tạng căn, từ tạng căn mà làm ra, tạng của người nào có văn của người nấy... Hiện thực phê phán hay hiện thực lãng mạn… đều như thế cả. Chỉ có giải thiêng mới chạm đến thắng giải mà thôi, bởi vì giải thiêng phải từ thủy căn mà làm ra, văn của thủy căn, là một người có thể nói hộ cho nhiều người vậy.

Nhưng cũng cần lưu ý, rằng “hiện thực giải thiêng” của Lão Tạ không giống với văn giải thiêng của một số người khác, ví dụ văn Nguyễn Huy Thiệp. Văn Nguyễn Huy Thiệp thực ra chỉ là nói ngược, chưa phải giải thiêng. Ví dụ nhóm Mở Miệng… thực ra là đem cái tục, đè lên cái thiêng, cũng chưa phải giải thiêng… Lão Tạ tuy giải thiêng rất nhiều đấy, nhưng không phải tất cả, chỉ giải thiêng những cái cần phải như thế mà thôi. Cái thực sự khởi ra từ thủy căn của con người, thì không thể giải thiêng, bởi vì chính nó mới hóa giải những mối hận truyền thừa của những kiếp làm người. Truyện ngắn “Luyện thành cao thủ”, một truyện ngắn mát lạnh, như một ngọn gió lành, giữa trưa hè ngột ngạt là một thông điệp nói về điều này.

Tất cả đều tương đối, là vì có tuyệt đối. Nếu không có tuyệt đối, thì cũng không có tương đối và ngược lại. Những học giả phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của cái tuyệt đối là tự phủ nhận mình. Mà chả cứ học giả, ngay cả Phật cũng thế. Phật nếu chỉ nói vô Ngã, tức là phủ nhận hoàn toàn cái Có, thì cũng là Phật tự phủ nhận mình. Cho nên sở dĩ có Phật, là vì có chúng sinh. Cuối cùng Phật vẫn chỉ ra rằng có Ngã, chứ không phải vô Ngã, nhưng là một cái Ngã khác, không phải cái Ngã mà chúng sinh hằng nghĩ. Ai đó nếu cứ loay hoay đối chiếu với cái thực, thì sẽ rất khó tiếp cận với “Đi tìm nhân vật”. Tạ Duy Anh viết những hiện thực như “Đi tìm nhân vật”… là để giải thiêng, nhưng không xóa bỏ hoàn toàn cái thiêng. Bởi vì vẫn có cái thiêng. Truyện ngắn “Luyện thành cao thủ” là một trong những trường hợp như thế.

Có thể nói với “Đi tìm nhân vật”, Lão Tạ đã ở hẳn phía bên kia của “lời nguyền”. Trong khi nhiều người mới thò được một chân sang, loay hoay một hồi rồi lại rút chân về, chả biết phải làm gì tiếp theo, ngoài việc tiếp tục cái truyền thống Phong, Nhã, Tụng của văn học minh họa. Ở bên kia lời nguyền, mà nhìn về bên này, thì sự thật mới nhiệm màu và sáng tỏ làm sao. Y như cụ Ức Trai ngày trước đã viết:

“Núi cao núi thấp mây biết

Cây cứng, cây mềm, gió hay”.

Ở bên ấy Lão Tạ nhìn thấy gì? Nhìn thấy “Đất mồ côi”. Nếu “Tội ác và hình phạt” của Dostoiepxki là câu chuyện của một nhà, thì “Đất Mồ Côi” cũng viết về một nhà, chủ yếu là một nhà, xoay quanh một nhà, trải tới 4 đời. Nếu trong lúc đọc “Tội ác và hình phạt” mà ra đường có cảm giác sợ cảnh sát. Thì đọc “Đất Mồ Côi” còn choáng hơn thế nữa, choáng đến mức tối tăm mặt mũi, kinh đến nỗi không dám động đến miếng thịt, thậm chí đập quả trứng cũng phải run tay…

Nhưng Dostoiepxki viết về một nhà trong một thời, còn Tạ Duy Anh thì viết một thời trong một nhà. Nếu Dostoiepxki viết như tâm thần, thì Tạ Duy Anh viết như ma quỷ, viết một cách bất chấp luân thường, khiến đọc xong, nhìn làng quê nào cũng mang dấu vết của tội ác, của loạn luân, loạn tặc và… loạn xà ngầu...

Viết “Đất Mồ Côi” phải có trái tim cứng như thép, cái đầu lạnh như băng, có lập trường ghê tởm và khinh bỉ cái ác chắc như kim cương. “Đất Mồ Côi” viết cho hả dạ, tả một lần chưa hả, còn tả bổ sung, còn nhắc đi nhắc lại... đến nỗi làm lộn xộn cả bố cục. Ám ảnh hơn tất cả những gì mà Dostoepxki đã viết trong "Tội ác và hình phạt", trong "Đầu xanh tuổi trẻ"... rùng rợn hơn Kapka trong “Hóa Thân”... nghẹt thở hơn G. Macket trong “Trăm năm cô đơn”...

Ngay cả yếu tố sex khá đậm đặc trong cuốn sách, cũng chỉ là “phương tiện” mà thôi, Tạ Duy Anh sở dĩ tả chi tiết, tả trần trụi… là để cho bõ ghét, bõ khinh, bõ ghê tởm… Chứ không phải để hấp dẫn độc giả.

Một xác chết chìm dưới đáy ao, tất phải nổi váng lên. Nếu chỉ tả mỗi lớp váng, tức là chỉ nhìn thấy “quả”, chưa động gì đến “nhân”, nghĩa là chưa chạm tới cái xác ở dưới đáy ao. Trong “Đất Mồ Côi”, Tạ Duy Anh đã tả chính cái xác thối rữa ấy.

Nhà lí luận phê bình Văn Giá đã nói rất đúng khi ông bảo “Đất Mồ Côi” phải gọi là “Đất Chết”, là “sự mô tả đầy rẫy những cái chết”… Đúng vậy. Nhưng tại sao phải chết như thế? Thì ông không nói. Ông nói là “hiện thân của bạo lực”… Cũng đúng thế. Nhưng bạo lực gì? Ông cũng không nói ra. Tóm lại Văn Giá đã phát hiện ra một cuộc lột truồng. Nhưng lột truồng ai?...

Nữ trùm shipper sách trứ danh Sao Mai nhận định “Đất mồ côi” là “bom nguyên tử”. Lúc đầu tôi nghĩ cô nàng cứ “hoắng” lên thế. Đến khi đọc, thì tôi công nhận cô ả nói đúng. Nhưng cô cũng không nói quả bom ấy dội vào đâu? “Đất mồ côi” không những giải thiêng, mà còn giải độc vậy.

Trên mạng từng có một bài viết công phu, tổng quan và đầy chất lý luận, học thuật về “Đất mồ côi” tính cho đến thời điểm này, đó là của học giả Quách Hạo Nhiên, đăng trên Viet-studes. Ngay từ đầu, ngài Quách đã có một nhận định rất kì vọng về tư tưởng của “Đất mồ côi” là “Tham Vọng Lý Giải Căn Tính Dân Tộc”. Nhưng liền sau đó, ngài nói toạc ra sự thất vọng của mình: “Hay Là Sự Ôm Đồm Và Lạm Dụng Kỹ Thuật Tiểu Thuyết Của Tạ Duy Anh”.

    

Tôi không đồng tình lắm với cả sự kì vọng lẫn thất vọng nói trên của ngài Quách, đặc biệt là sự thất vọng. Nói Tạ Duy Anh “ôm đồm” thì có thể được, song nói Tạ Duy Anh “Lạm dụng kĩ thuật tiểu thuyết” thì không đúng. “Đất mồ côi” là một tiểu thuyết không dùng kĩ thuật tiểu thuyết. Huống hồ lại còn nói “Lạm dụng” hả ngài Quách? Nếu Lão Tạ dùng kĩ thuật tiểu thuyết, thì đã không bị nhà văn Văn Chinh chê là “không có ngôn ngữ nhân vật”. Quả như vậy, chỉ cần đọc đoạn đối thoại giữa kẻ sắp giết người là chú Tỉnh, và kẻ sắp bị giết là lão Đỗ (tr. 284-tr. 289), sẽ thấy ngôn ngữ của 2 đối thủ này là… giống hệt nhau, bởi vì nó là ngôn ngữ của… Tạ Duy Anh. Hay đọc những bức thư, nhật kí của nhân vật… toàn thị là ngôn ngữ văn chương của Tạ Duy Anh. Ngay cả những giáo huấn, chỉ thị… của các ông Đội cải cách… thì cũng đều là văn của Tạ Duy Anh cả. Đây mới chính là sự độc đáo của Lão Tạ khi đặt bút viết “Đất mồ côi”. Tại sao nói độc đáo? Bởi vì Lão Tạ không viết bằng ý thức, như hầu hết các nhà tiểu thuyết khác, mà viết bằng vô thức, hoặc có lúc, viết bằng tiềm thức. Ý thức tạo ra sự sai biệt, bởi vì ý thức chỉ nhìn thấy hiện tượng. Vô thức… rất ít khi tạo ra sai biệt, bởi vì vô thức nhìn sâu đến bản chất. Không cứ người viết, mà ngay cả người đọc cũng vậy. Đọc bằng ý thức sẽ đòi hỏi phải có sự sai biệt, phải có ngôn ngữ nhân vật… song đọc bằng vô thức thì không cần để ý đến chuyện đó.

Lại nữa, nếu Tạ Duy Anh “Lạm dụng kĩ thuật tiểu thuyết” như ngài Quách nói, thì bố cục của cuốn sách đã không có vẻ lộn xộn như vậy. Không lồng ghép vào mạch truyện cho nó cuốn hút, nín thở… lại đi kể “hành trình ra đời” của từng nhân vật chính, thế thì đâu phải là “kĩ thuật tiểu thuyết”, thưa Quách tiên sinh?

Tại sao lại xảy ra cái bố cục “phi tiểu thuyết” như vậy? Bất kì ai đã “Chứng” được giai đoạn lịch sử khủng khiếp ấy, tất sẽ có lối nghĩ và viết như vậy. Giống như một người bị mất trộm, ra cổng chửi mắng kẻ trộm một hồi, quay vào nhà làm việc khác, lúc sau nghĩ thêm điều gì, lại quay ra chửi tiếp… cứ thế, cứ thế…

“Đất mồ côi” cho ta thấy những cái Ác kinh khủng, không cái nào giống với cái nào, đầy rẫy trong từng dòng, từng trang… Nhưng hoàn toàn không phải Tạ Duy Anh muốn qua đó để lý giải “Căn tính dân tộc”. Tạ Duy Anh mô tả cái Ác, để nhằm tới một cái khác. Đó là cái Si. Nếu người đọc chỉ quan tâm tới những đoạn mô tả những hành động bắt, trói, xử bắn, bổ sọ… thì chỉ thấy cái Ác, mà lướt qua phần dẫn chuyện, lướt qua những suy nghĩ của nhân vật (những chỗ này cố nhiên là của TDA rồi), và lướt qua những “giáo huấn” (thực ra cũng của TDA), những khẩu hiệu… thì sẽ không thấy cái Si. Đây mới chính là “Căn tính dân tộc” mà Tạ Duy Anh muốn lý giải, thông qua cái Ác. Cái Ác dẫu thế nào thì cũng chỉ là hiện tượng, không bao giờ là bản thể. Chính cái Si mới là bản thể, cũng tức là Căn tính… bởi vì từ Si sẽ sinh ra Tham, ra Ác, ra loạn luân, ra quái đản… cái Ác có thể bùng phát một vài thời kì, rồi tắt lịm… song cái Si thì vẫn còn đó. Cho nên cái Si mới ghê gớm. Chính cái Si mới kéo những tai họa của dân tộc từ thời đó, dài… không biết đến bao giờ. “Đất mồ côi” chính là muốn cảnh báo điều đó đấy. Thế nghĩa là Tạ Duy Anh (nếu quả có) tham vọng lý giải “Căn tính dân tộc”, thì là thành công đấy chứ?

Nghĩa là “Đất mồ côi” đọc đi chỉ thấy Ác, đọc lại mới thấy Si. Nghĩa là “Đất mồ côi” có thể xem là Trại súc vật viết ngược. Trại súc vật đọc vật ra người, “Đất mồ côi” đọc người ra vật. Đều nói về Si cả.

Nếu các cụ “hiện thực phê phán” đã ra người thiên cổ cả, thì “Bước qua lời nguyền” của nhà văn họ Tạ đã khai sinh ra “hiện thực giải thiêng”. Đến “Đi tìm nhân vật”, thì “hiện thực giải thiêng” đã khẳng định mình. Cho đến “Đất mồ côi” thì “hiện thực giải thiêng” đã bước lên đến đỉnh cao, tức là giải độc vậy.

Nội dung:

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Thiết kế:

Trương Khánh Thiện

Ảnh:

PLV

Nguồn: https://nongnghiep.vn/ben-kia-loi-nguyen--pham-luu-vu-di-tim-nhan-vat-ta-duy-anh-d333919.html