Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

15 yêu cầu của độc giả công - nông - binh Liên Xô thời Stalin đối với tác phẩm văn học

(Trích: Evgheni Dobrenko - "Nghệ thuật thuộc về nhân dân (Sự nhào nặn người đọc xô viết)" “Thế giới mới”, 1994, số 12)

1. SÁCH PHẢI CÓ LỢI ÍCH NHẬN THỨC VÀ DẠY DỖ: “Cuốn sách có ích. Nó giúp tôi biết được những người nông dân thời xưa sống thế nào” (một người đàn ông 22 tuổi) – về tiểu thuyết Xóm liều Stenhkina của Al. Ạtaev; “Cuốn sách đã đưa ra những chỉ dẫn hữu ích về những cuộc nổi dậy của nông dân” (một thiếu nữ, 20 tuổi); “Rất có ích. Nhờ có cuốn sách mà tôi biết được thời trước, giai cấp nông dân đã đấu tranh giành tự do như thế nào” (thiếu nữ, 17 tuổi) – về tiểu thuyết Dưới lá cờ của Bashmak của A. Ataev); “Có ích. Nó dạy ta phải tin vào sự nghiệp do cách mạng khởi xướng” (thiếu nữ, 17 tuổi”); “Có ích. Nó dạy cho người phụ nữ sống thế nào cho đúng” (thiếu nữ, 18 tuổi) – về tiểu thuyết Người mẹ của M. Gorki; “Có ích. Nó dạy ta rượu vodka tai hại như thế nào” (thiếu nữ, 22 tuổi) – về vở kịch 4 hồi Cuộc đời của Avdotya của Aleksandr Nheverov; “Rất có ích. Nó chỉ ra nông thôn đã đau khổ thể nào vì mông muội” (thiếu nữ, 22 tuổi) – về cuốn Andron Nhepuchevyi của Aleksandr Nheverov.

2. SÁCH PHẢI THỂ HIỆN RÕ RÀNG sự đánh giá của tác giả đối với các sự kiện. “Tôi ghét nhất là những cuốn sách mà đọc, đọc mãi, cuối cùng vẫn chỉ thấy nói lấp la lấp lửng. Nhà văn không nói ra chứng tỏ anh ta là kẻ bất minh. Theo tôi, khi anh viết, thì không được viết mập mờ, cái gì cũng phải giải thích đến cùng để người ta hiểu được anh đang nghĩ gì, nếu không, tốt nhất là đừng viết nữa, đừng làm mất thời gian của bạn đọc” (nông trang viên, 28 tuổi)

3. SÁCH PHẢI CÓ NỘI DUNG GIÁO DỤC: “Muốn viết những cuốn tiểu thuyết như Si măng, Gladkov phải dàn dựng, phải đưa ra những điển hình tích cực mang lại cho giai cấp vô sản khát vọng hoàn thiện”.

4. VĂN HỌC PHẢI VẼ RA BỨC TRANH “ĐỜI SỐNG TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP” : “Về sách, chỉ xin nói một điều: hãy để chúng chỉ cho tôi thấy tận mắt người ta đã đưa kinh tế tiến lên phía trước và đời sống nông trang của chúng ta trong vòng ba, bốn năm nữa sẽ tốt đẹp như thế nào” (Đội trưởng nông trang)[13]; “Các bạn hãy nhìn về phía trước, giúp chúng tôi vui lên một chút. Khi đến với chúng tôi, những diễn giả xuất sắc, biết mô tả chủ nghĩa xã hội tương lai vô hình trung đã xốc dậy tinh thần của chúng tôi” (nột công nhân)

5. VĂN HỌC CẦN LẠC QUAN: “Văn học mới đầy nỗi buồn và sự chán nản, thế mà cuộc sống thì tràn ngập niềm vui. Ở các nhà máy không có loại tâm trạng tồi tệ như vẫn thấy trong nhiều cuốn sách của chúng ta”; “Chúng ta không cần thứ quá khứ, cái thường nhật và xám xịt, mà cần sao để văn học buộc phải theo một cuộc sống khỏe khoắn và đẹp đẽ, ưu việt về đạo đức” (một nữ công nhân, 23 tuổi, nói về tiểu thuyết Si mămng của Fedor Gladkov).

6. VĂN HỌC PHẢI ANH HÙNG, CAO CẢ: “Tất cả các chiến công anh hùng trong đời sống của chúng ta cần được phản ánh vào trong các cuốn sách” (đoàn viên – nông trang viên); “Cách đây chưa lâu tôi đọc truyện Người cười của Hugo.. Có bao nhiêu cuộc phiêu lưu kỳ diệu, cao quý ở đó – tim tôi run lên vì thương xót. Hãy để họ viết về cuộc sống của chúng ta cũng đầy xúc động như thế, chẳng kém gì so với Victor Hugo”.

7. NHÂN VẬT CỦA TÁC PHẨM PHẢI LÀ KIỂU MẪU ĐỂ HỌC TẬP, BẮT CHƯỚC: “Tôi đọc quyển sách này với niềm khoái chá. Tôi rất mê cuốn sách… Khi đọc cuốn sách, bản thân tôi muốn được giống như các đồng chí Gorin, Fedor, cũng như Fenhia và chú bé liên lạc Kolia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình” (một công nhân nói về cuốn Những người Bolshevich của Alekseev).

8. TÁC PHẨM PHẢI CHỈ RA VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ TẬP THỂ: “Tôi muốn chỉ ra một nhược điểm tiêu biểu không chỉ ở cuốn sách này, mà tiêu biểu với đa số tác phẩm viết về cuộc sống của giai cấp công nhân: ở đó thường vắng lãnh đạo nhà máy và tập thể đảng bộ. Chính các tổ chức này có ý nghĩa to lớn trong các xí nghiệp, và tôi thấy băn khoăn không hiểu vì sao chẳng thấy chỗ nào làm nổi rõ ảnh hưởng của họ”; “về phía nhà máy, không thấy rõ nhân vật chính yếu là quần chúng… Vai trò của đoàn viên komsomol cũng không rõ”.

9. MỌI ĐIỀU TRONG TÁC PHẨM PHẢI “HỆT NHƯ ĐỜI SỐNG”: “Ostronov được mô tả rất sinh động, người được căm thù hắn giống như hắn là có thật; cũng có thể nói như thế về viên công chức quan liêu, về bí thư huyện ủy, – hành vi của hắn rất xấu xa. Tôi cảm thấy nhân vật Kondrat dễ hiểu và gần gũi hơn tất cả. Anh ấy là người quen, rất quen (nông trang viên – đoàn viên komsomol).

10. TRUYỆN KỂ PHẢI PHÁT TRIỂN HỢP LÝ: “Một cuốn sách mỏng, chẳng có hệ thống nào cả: người ta trình bày một mảnh nhỏ trong đời sống của con người. Không rõ nhân vật đến từ đâu, và người ta thường không kể nhân vật ấy đang đi đâu. Làm như thế chẳng hay ho gì! Tác phẩm cần chỉ ra toàn bộ đời sống của con người, đừng nhảy cóc”. “Tác phẩm mở ra bằng những chủ đề rời rạc, chẳng hiểu đâu là đầu, đâu là cuối” (thanh niên, 20 tuổi) – về tiểu thuyết Đám cháy của Dmitri Furmanov; “Chẳng hiểu gì cả, đồ nhảm nhí. Mọi chuyện rối tung rối mù” (thanh niên, 17 tuổi) – về tiểu thuyết Năm trần trụi của Boris Pilnhiaka; “Đây là nhận xét của tôi về cuốn Kị binh (tập truyện ngắn – ND) của Babel. Tự bản thân nó, cuốn sách cũng tàm tạm, chỉ có những chuyện này là không hay: một số truyện ngắn hoàn toàn không thể hiểu được, và ở mức độ tôi đã đọc và ở mức độ tôi đã hiểu – hầu hết các chương bị rối tung, tức là không theo trật tự nào cả, và vì thế độc giả không thể hiểu nội dung chính của lời văn, xin kết thúc nhận xét của tôi như thế” (công nhân nhà máy sợi); “Chuyện có thật ở thảo nguyên của Shubina viết vụng về thế nào ấy. Mọi chuyện nhày cóc lung tung, khi thì tiến về phía trước, lúc lại lùi về sau” (phóng viên nông thôn).

11. TÁC PHẨM PHẢI DÀI VÀ DÀY: “Nữ công nhân không thích loại sách viết ngắn, mỏng dính: “Chưa ngồi nóng đít, chưa được trải nghiệm điều gì, thế mà đã kết thúc rồi”[24]. “Tôi không thích cuốn sách. Ngắn quá (thanh niên, 16 tuổi) – về cuốn Cuộc sống thiên đường của Volkov”; “Cuốn sách rất hay. Tôi thích vì nó dàì (thanh niên, 16 tuổi) – về tiểu thuyết Chapaev của Furmanov[25]; “Điều quan trọng nhất là cuốn sách phải dày để trong đó có thể mô tả cuộc đời con người từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống mồ”.

12. NGÔN NGỮ PHẢI CÓ “TÍNH NGHỆ THUẬT”, ĐỒNG THỜI PHẢI “DỄ HIỂU”: “Một bức tranh nghệ thuật rực rỡ, rộng lớn… Chỉ Gorki mới viết được như thế. Ông viết bằng ngôn ngữ vừa giản dị vừa rực rỡ giàu tính nghệ thuật, nó là ngôn ngữ dân tộc và dễ hiểu” (công nhân, 48 tuổi)[27]; “Cuốn sách hay, sinh động, nhưng ngôn ngữ nặng nề (nông dân, 19 tuổi – về Kị binh của Isaaka Babel); “Thậm chí, tôi không đọc hết được – ngôn ngữ cứ ỳ ra (nông dân 18 tuổi – về Lễ hoan hỉ của Sergei Esenhin); “Cuốn sách dở quá! Ngôn ngữ buồn cười thế nào ấy. Không thể nào hiểu được” (nông dân, 17 tuổi – về Xe lửa bọc thép của Vsevolod Ivanov.

13. KHÔNG ĐƯỢC IN CHUYỆN “THÔ TỤC”: “Khi đọc cuốn Suối thép, từ đầu đến cuối, thấy treo trước mắt là những tiếng “tục tĩu” vô liêm sỉ và “tục tĩu” trong những biểu hiện xấu xa nhất của nó. Theo tôi, đó là phương diện tiêu cực của cuốn sách, bởi vì, khi đọc, thanh niên sẽ học theo, trong đời sống thường nhật, làm sao có thể xem cách nói năng như ta thấy trong Suối thép là chuẩn mực, hợp lẽ”; “Tôi thấy nhược điểm thô thiển này ở tất cả, hoặc gần như tất cả nhà văn hiện nay của chúng ta”; “Mọi thứ trong Đất vỡ hoang đều viết rất đúng… Nhưng có nhiều chỗ diễn đạt không tốt. Chẳng lẽ không có cách diễn đạt khác đi để vừa vui, vừa không thô tục?”; “Lavrenhev đam mê chuyện khiêu dâm và đưa người đọc cho tới tận giường của Annuska; lại nữa, để miêu tả thật đúng người thủy thủ, ông sử dụng và thường đưa vào những cách diễn đạt chính xác của thủy thủ thành ra thô tục, thiết nghĩ, văn học mới không nên làm như thế; có thể không cần tục tĩu mà vẫn mô tả được người thủy thủ”; “Nhiều nhà văn đang làm công việc có hại, hoặc đúng hơn là thu thập càng ngày càng nhiều hơn chuyện đồi bại từ cuộc sống tình dục và trình bày cho người đọc hiện nay bằng một hình thức quyến rũ…, lỗi lầm của họ là sau khi đọc, độc giả sẽ bị kích thích nhiều hơn, sẽ cảm thấy “thích thú” với đời sống tình dục chứ không phải ngược lại – không ghê tởm nó”.

14. TÌNH YÊU PHẢI “CAO THƯỢNG”: “Cuốn sách yêu thích của tôi là Ruồi trâu…, ở đó, tác giả nói rất hay về tình yêu: một tình yêu dũng cảm cao cả biết chừng nào! Chỉ có thể viết về tình yêu như thế. Còn khi nhà văn tả một cách chi tiết các nhân vật ôm nhau, hôn nhau, quyến rũ nhau, sống trác táng như thế nào, thì cái đó chỉ dẫn người ta tới những ý nghĩ xấu xa. Tôi biết nhiều đồng chí đã đọc nhiều thứ đó và bắt đầu làm những việc đáng hổ thẹn… Nhưng về tình yêu, giống như trong Ruồi trâu, đọc rất tốt. Tình yêu như thế làm người ta trở nên cao thượng”.

15. KHÔNG CẦN CHUYỆN “HOANG ĐƯỜNG” VÀ “HUYỄN HOẶC”: “Đó là cuốn sách không tưởng. Một anh lập dị nào đó gửi về một bản thảo từ sao Hỏa, bản thảo mô tả cuộc đời của Marsians. Rặt những chuyện nhảm nhí (một công nhân nói về tiểu thuyết không tưởng Viên kĩ sư Menni của Alexander Bogdanov); “người ta bay trong không trung mà chẳng cần thiết bị gì cả… Nhiều chuyện hư cấu và không có thật. Không chứng minh được nó là có thật” (một nhân viên nói về tiểu thuyết Thế giới phát sáng của Alexander Greene).

Nguồn: FB La Khắc Hòa