Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Tự dưng nhớ, và buồn, có lẽ vì khai giảng…

Thái Hạo

Hơn 10 năm trước, ra trường, lang thang vô Nam kiếm việc. 1 năm đầu thất nghiệp, đi làm linh tinh cho qua ngày. Rồi một hôm, vào dịp hè, có bạn méc cho biết là sở giáo dục đang tuyển giáo viên, và xúi rằng nộp hồ sơ thi đi.

Chạy xe máy 60 cây số, qua những nông trường cao su vắng lặng, đẹp không tài nào tả nổi, như lạc vào một bức tranh của Levitan. Mình cố đi thật chậm để đắm mình trong cái khung cảnh hiếm hoi không có con người ấy….

Rồi phố xá dần hiện ra trước mặt, hỏi han một hồi cũng tìm thấy tòa nhà của Sở Giáo dục. Chạy xe vào cổng, đang lơ ngơ thì một người mặc áo xanh bảo vệ, cúc trên không cài, nách kẹp điếu cày, một tay khoát và chỉ vào trong góc, “Vào làm gì? Để xe ở đó”.

Mình dựng xe, quay ra hỏi nộp hồ sơ thi viên chức ở phòng nào. Ông nhìn mình, giọng nói chậm và đanh, “Nộp hồ sơ, đi lên thềm, rẽ phải…”. Cửa phòng để mở, mình bước vào, một người đàn ông bệ vệ đang ngồi, mặt rỗ, sạm, có những ngấn thịt dày. Cúi đầu chào, “Tôi tới nộp hồ sơ thi viên chức…”. Ông ấy ngước lên, cái nhìn như ngạc nhiên nhưng không biểu lộ cảm xúc, rồi lại cúi xuống đọc và ghi cái gì đó. “Thưa anh, ở đây nhận hồ sơ thi phải không ạ?”. “Ừ, thi vào môn nào”, “Môn văn ạ”. Ông lại ngước lên nhìn mình lần nữa, ánh mắt lạnh tanh, mặt không biểu cảm, những múi thịt dày vẫn chảy xuống tự nhiên. “Đưa hồ sơ đây. Nộp lệ phí, ký vào”.

Mình quay ra lấy xe, ông bảo vệ không cắp điếu cày trong nách nữa mà cầm trên tay, đi lại dưới bóng cây, mình cúi đầu khẽ chào để ra về. Ông nhìn lại, không nói gì. Những ánh mắt và giọng nói ấy, những khuôn mặt lạnh tanh và cái giọng nói lạnh băng đầy quyền uy ấy từ ông bảo vệ đến nhân viên văn phòng, cứ bám riết lấy mình suốt hơn 10 năm nay, không sao quên được. Nhất là cái nhìn có vẻ ngạc nhiên của ông văn phòng, mãi rất lâu sau mình vẫn không hiểu được vì sao ông lại có vẻ ngạc nhiên như thế, khi mình cất tiếng.

Lần ấy mình trượt. Đến điểm thi thấy người đông nghìn nghịt. Sau khi thi viết bài Luật giáo dục thì sang phần thi vấn đáp. Lúc đang ở điểm thi thì mình đã không hi vọng gì nữa rồi, vì thấy ra cái chuyện đậu rớt này không do mình quyết định.

Một thời gian sau, lại có bạn méc là trường Chuyên chuẩn bị thi tuyển giáo viên, đi thi đi! Mình lại đi 60 cây số, vẫn con đường đẹp như mơ ấy... Thi tự luận, thi giảng và cuối cùng là vấn đáp. Bài thi giảng thì có cả hiệu trưởng là một giáo viên Vật lý dự. Mình đậu.

Sau, nghe các anh chị đồng nghiệp kể lại rằng, hiệu trưởng không đồng ý tôi, nói dạy Tấm Cám mà giảng vậy là không đúng, quyết loại tôi ra; nhưng chị tổ trưởng thì kiên quyết bảo vệ. Giằng co mãi, chị phải mang danh dự và chức tổ trưởng của mình ra để đảm bảo, rằng “Em dạy chuyên mấy chục năm nay nên em biết…”. Mình chưa từng quen biết chị. Và đến nay, dù bao nhiêu năm không hề gặp lại, trong lòng mình vẫn một nỗi hàm ơn.

Tôi trở thành một giáo viên.

Khoảng thời gian 1 năm đầu tập sự, nhiều lần mình đã muốn bỏ việc, có đợt mấy ngày không lên trường, quyết định vứt bỏ, vì ở đó ngột ngạt như trong một cái lò hơi. Lần đầu tiên mình phát hiện ra rằng những nhà trường là những vương quốc mà trong đó chỉ có vua và các triều thần. Nghĩ đến công lao bố mẹ nuôi ăn học, rồi bao nhiêu thứ khác nữa, lại cố. Rồi cũng qua.

Dạy được 4 năm thì bỏ. Mấy năm sau quay lại, dạy được 2 năm, lại bỏ…

Nhiều người trách, có người thì tiếc hộ, hỏi mình rằng có tiếc không. Mình nói có, tiếc nhiều thứ lắm, những thứ mình biết là nên, là cần nhưng không sao làm được; những thứ mình có thể làm cũng không làm được. Tiếc vì sự bất lực, vì phải chứng kiến sự tàn rữa từng ngày, tiếc cho những tâm hồn thơ trẻ đầy háo hức mê say ngày đầu đến trường nhưng cứ dần chai cứng đi vì cuộc chiến học thi - thi học triền miên bất tận. Tiếc cho biết bao đồng nghiệp trẻ tài năng mang trong mình lòng yêu nghề tha thiết nhưng rồi cứ lần lượt ra đi, bỏ lại mãi những khung trời day dứt sau lưng…

T.H