Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Ôn chuyện cũ: Chuyện vui về những chiếc ô tô

Hà Nhật

Hôm nay, ô tô là thứ phương tiện giao thông quen thuộc, đến ngán ngẩm. Nó là nguyên nhân của khói bụi, ô nhiễm, tắc nghẽn đường sá, tai nạn gây nhiều thương vong…

Thế nhưng ngày xưa thì khác.

Với thế hệ chúng tôi, xe đạp từng được coi là một thứ tài sản. Đi tán gái, chàng trai đến bằng xe đạp có tư thế khác hẳn chàng trai đến với hai chân.

Những ai ngày đó từng có lần bị mất xe đạp?

Những ai ngày ấy từng được cơ quan trao cho cái giấy phân phối được mua một chiếc xe đạp Thống Nhất?

Những cảm giác ấy đặc biệt lắm.

   

Xe đạp là thế. Ô tô còn là thứ kỳ lạ hơn.

Trước năm 1975, đi ra đường mà gặp ô tô là chuyện hiếm hoi, chỉ có thứ ô tô quen thuộc là xe tải Zin 3 cầu, xe bộ đội…

Cho đến sau 1975, cái gọi là xe con, xe tư nhân cũng vào loại hiếm. Tôi còn nhớ như in, khi tôi đã ở Sài Gòn, một lần được ông bố vợ gọi xuống để tiếp một cô học trò cũ đến thăm. Một lúc sau, cô học trò ra về. Tôi tiễn cô ra cổng và thật choáng khi thấy cô ấy bước lên một chiếc xe con Toyota màu trắng, tự lái đi …

Đó là chuyện sau. Còn trước 1975 thì ô tô con là một thứ gì cực kỳ đặc biệt. Xe con loại sang ra đường, chỉ là xe của bộ trưởng trở lên. Ở các tỉnh, người ta chỉ quen nhìn thứ xe gọi là cò-măng-ca do Liên Xô sản xuất.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, người được đi xe con chẳng phải là người có vai vế gì.

Tôi còn nhớ như in, một buổi chiều vào năm 1958, nhân mẹ tôi từ Quảng Bình mới đem ra một ít nước mắm ngon đặc biệt, tôi lấy mấy lít mang đến biếu chị Thuỵ An. Tôi đã có mấy tháng thọ giáo chị Thuỵ An môn tiếng Pháp.

Tôi bước qua cổng rồi bước vào nơi nguyên là một cái ga ra cũ mà chị Thuỵ An lấy làm nơi ở. Không thấy có người, tôi trở ra. Thì vừa đến gần cổng, gặp ông Phan Tại, nguyên là đạo diễn một thời, tôi hỏi:

- Chị Thuỵ An đi rồi hả anh?

- Ừ, chị ấy đi rồi.

- Chị ấy đi đâu? Đi bằng gì?

Phan Tại im một lúc, rồi nói, giọng khẽ khàng:

- Đi bằng ô tô.

Tôi không dám hỏi thêm gì nữa, lặng lẽ ra về. Chắc chắn có những đôi mắt ở đâu đó đang dõi theo tôi.

Đó là lần cuối cùng tôi biết về chị Thuỵ An, nhà văn Thuỵ An.

Hình như cũng trong năm 1958, Phùng Quán dẫn tôi đến nhà anh Phùng Cung, người đã viết truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng báo Nhân Văn ngay từ số 1. Không gặp được anh, mấy đứa con anh khoe:

- Bố cháu đi hôm qua rồi. Mà đi bằng ô tô…

Không hỏi thêm gì nữa. Chúng tôi ra về, trong lòng không còn biết nghĩ gì, chỉ thấy trĩu nặng một mối lo lắng mơ hồ.

Sau này, khi được ra với đời thường, một lần đi xem cây cảnh, ngắm nhìn một chậu bèo, Phùng Cung đã ứng tác:

Lênh đênh muôn dặm nước non

Vào trong bể cạn vẫn còn lênh đênh

Phùng Quán bị ám ảnh bởi ô tô. Dạo ấy, Quán ở nhờ nhà một bà mẹ liệt sĩ ở Nghi Tàm bên Hồ Tây. Từ đường đê Yên Phụ, muốn vào làng Nghi Tàm, phải xuống một cái dốc. Nhiều lần Quán thót tim phải dừng bút khi nhìn thấy một chiếc xe con dừng ngay đầu dốc, rồi mấy người từ xe bước xuống.

Hú vía, mấy người ấy không đi vào làng, mà ngoặt sang phải. Phía ấy có một cơ sở an dưỡng của cán bộ cao cấp.

Lo mãi vì những chiếc xe, thế mà một lần Quán gặp may.

Có một độ, thấy sức khỏe có vẻ sa sút, hay ho, hay sốt, Quán đi khám bệnh. Phát hiện choáng váng: nhiễm lao nặng. Phải vào viện cấp tốc. Nhưng là dân thường, Quán lấy tiêu chuẩn gì mà được nằm viện? Trong thế tuyệt vọng, Quán viết một loạt thư cầu cứu. Trước mắt là ông Võ Hồng Cương, lúc ấy là cấp cao nhất của Văn nghệ quân đội, từng là cấp trên của Quán. Rồi Quán viết thư cả cho ông Tố Hữu, người từng căm thù bọn Nhân Văn Giai Phẩm đến tận xương, nhưng về họ hàng phía bên mẹ thì là người mà Quán gọi là cậu.

Thế là có một chiếc ô tô đã dừng lại trên đê Yên Phụ, nhưng để đưa Quán vào bệnh viện. Một chiếc xe chở vận may!

Còn có một chuyện vui vẻ một chuyến xe. Tôi nghe kể lại, không biết có chính xác không.

Ấy là sáng ấy, vợ con thầy Phan Ngọc chứng kiến một chiếc xe nhỏ đến tận nhà. Thầy lên xe và cả nhà suốt ngày lo lắng. Người ta sẽ chở chồng con mình đi đâu? Việc này chưa từng xảy ra.

Nhưng vui quá, chiều đó chiếc xe ấy đã chở thầy Phan Ngọc về nhà, nguyên vẹn, vui vẻ. Mọi chuyện đổi thay rồi mà! Nghe nói cả nhà thầy Ngọc gần như khóc oà!